Dạy Con Làm Giàu – Tập 7
CHƯƠNG 4
Hãy hỏi một nhân viên bảo hiểm
“Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đầu tư là rủi ro, đơn giản vì họ đầu tư không có bo hiểm. Đầu tư không phải là rủi ro mà đầu tư không có bảo hiểm là rủi ro”
– Người cha giàu.
Kỳ nghỉ hè năm 1966 sắp sửa kết thúc. Suốt hai tuần sau đó, tôi không gặp được Người cha giàu nhưng vẫn muốn tiếp tục học hỏi vể kiến thức tài chính, vì vậy nên tôi gọi điện cho ông.
“Được thôi, con trai”, ông nói. “Gặp cha ở đường Bishop nhé. Trưa nay cha có hẹn ăn trưa với một nhân viên bảo hiểm. Con đi cùng cha>
“Dạ, vâng”, tôi hào hứng trả lời.
Lần này, cuộc hẹn với ông diễn ra tại một nhà hàng thanh lịch ở khu trung tâm Honolulu, một dạng nhà hàng mà các doanh nhân thường lui tới, nơi mà sự thành bại của một vụ làm ăn được quyết định. Người cha giàu và khách mời của ông đã có mặt trước đó và đã bàn xong công chuyện của ông. Khi tôi đến, Người cha giàu đứng lên vẫy tay gọi tôi: “Con trai, đây là chú Dan. Dan lo việc bảo hiểm cho bất động sản của cha”.
Chú Dan là một người cao ráo, ăn mặt bảnh bao và trông hơi lớn tuổi hơn Người cha giàu.
“Hân hạnh làm quen với cậu”, ông đứng dậy bắt tay tôi.
“Robert học ở New York, hiện nay cậu ấy đang đi nghỉ hè. Tôi đang cố gắng giúp cậu ấy học hỏi về kiến thức tài chính”, Người cha giàu nói.
“Tốt đấy”, Dan gật đầu. “Thế anh đang dạy cậu ấy cái gì?”
“À, hôm nay tôi không phải là thầy giáo. Anh sẽ là thầy giáo đấy”, Người cha giàu mỉm cười. “Vì vậy nên tôi đã mời cậu ấy ăn trưa với chúng ta”.
“Anh muốn tôi dạy cậu ấy cái gì bây giờ?”, Dan ngớ người hỏi.
“À, với một người mới chập chững bắt đầu thì nguyên tắc đầu tiên của nghề bảo hiểm là gì?”
Dan bật cười: “Thôi được, chúng ta bắt đầu nhé”. Ông nhìn tôi, suy nghĩ một chút rồi nói: “Nguyên tắc bảo hiểm đầu tiên là: “Anh không thể mua bảo hiểm khi anh cần nó”.
“Ồ, thế thì mua bảo hiểm khi nào?”, tôi ngạc nhiên nói.
“Trước khi anh cần đến nó”, cả Dan lẫn Người cha giàu đều bật cười to.
Cười xong, Dan trở nên nghiêm nghị: “Thật ra chuyện này không có gì đáng cười cả. Đó thật sự là một bi kịch. Cậu có biết đã có bao nhiêu người tìm đến tôi sau khi họ cần tôi không? Chẳng hạn như, rất khó mua bảo hiểm cho chiếc xe hơi của u khi nó vừa bị đụng xe. Rất khó mua bảo hiểm cho một tòa nhà khi nó vừa bị cháy rụi. Điều đáng buồn là khi một người thật sự cần đến bảo hiểm thì tôi lại chẳng thể giúp gì cho họ cả”.
“Vậy nghĩa là chúng ta mua bảo hiểm trước khi chúng ta cần đến nó?”
“Đúng vậy”, Dan gật đầu.
Người cha giàu xen vào: “Nếu con muốn làm một nhà đầu tư giỏi, bất kể đầu tư vào cái gì, con cũng cần phải có bảo hiểm, nghĩa là bảo vệ tài sản của con khỏi tổn thất. Đầu tư sẽ ít rủi ro hơn nhiều nếu con có bảo hiểm”.
“Vậy những người cho rằng đầu tư là ít rủi ro là những người không có bảo hiểm?”, tôi hỏi.
“Đúng vậy”, Người cha giàu tiếp tục. “Như chúng ta đã nói, nhiều người trao tiền cho những người hoàn toàn xa lạ và tin vào câu thần chú ‘đầu tư dài hạn, mua, giữ, đa dạng hóa, và cầu trời’. Khi tai nạn xảy ra – và luôn luôn có tai nạn xảy ra – họ mất hết tiền bạc, lúc đó họ mới quay sang mua bảo hiểm. Như thế không chỉ rủi ro mà còn rất buồn cười nữa”.
Dan lặng lẽ gật đầu. Lần này ông không cười nữa.
“Chú có bảo hiểm cho quỹ hỗ tương không?”, tôi hỏi.
“Không”, Dan lắc đầu.
“Chú có bảo hiểm cho chứng khoán và công trái không?”
Một lần nữa Dan lắc đầu: “Không, cháu ạ”.
“Thế chú bảo hiểm cho cái gì?”
“Trong thế giới doanh nghiệp và đầu tư, chú bảo hiểm con người. Những con người chủ chốt như Người cha giàu của cháu đấy”.
“Thế nào là một con người chủ chốt?”
“Một người chủ chốt là một người đóng vai trò quan trọng sống còn trong đội ngũ quản lý của một doanh nghiệp. Trong trường h chuyện gì xảy ra với ông ấy, doanh nghiệp của ông ấy sẽ được đền tiền để thuê một người khác thay thế ông ấy. Nhưng thật ra, có rất nhiều loại bảo hiểm con người chứ không phải chỉ có bảo hiểm những người chủ chốt. Về cơ bản, có các loại như bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm mất khả năng lao động. Đó là bảo hiểm con người”.
“Chú còn bảo hiểm gì khác nữa không?”
“À, chúng tôi còn bảo hiểm bất động sản và các tài sản khác như xe hơi, tàu thuyền, máy bay và máy móc trang thiết bị”.
“Nhưng chú không có bảo hiểm quỹ hỗ tương hay chứng khoán?”
“Không”, Dan lắc đầu. “Có thể có những công ty bảo hiểm khác, nhưng tôi không biết công ty nào bảo hiểm chúng cả. Cũng có người đề nghị nhưng chúng tôi không làm”.
“Tại sao thế ạ?”, tôi hỏi.
“Bởi vì chúng quá rủi ro”, Dan nói. “Nhưng như tôi đã nói, có thể có người bảo hiểm cho các chứng khoán, công trái và quỹ hỗ tương của cháu trước những thua lỗ thị trường. Tôi chỉ không biết là ai thôi. Người ta có thể bảo hiểm cho mọi thứ – nếu cháu sẵn sàng bỏ tiền ra”.
“Vậy chắc chú cũng không bảo hiểm lương hưu?”
“Không. Nhưng tôi có thể xem xét cho cháu nếu muốn. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó sẽ khá đắt đấy”.
Tôi quay sang hỏi Người cha giàu: “Vậy các khoản đầu tư kinh doanh và bất động sản của cha đều được bảo hiểm tai nạn?”.
“Đúng vậy”, Người cha giàu gật đầu.
“Nhưng còn quỹ hỗ tương của con thì không?”
Cả Dan và Người cha giàu đều gật đầu.
“Vậy nghĩa là một nhà đầu tư khôn ngoan cần phải nghĩ đến việc bảo hiểm hay bảo vệ cho mình chống lại mọi thua lỗ trước khi thua lỗ xảy ra. Đó là bài học của ngày hôm nay>
Một lần nữa, cà Dan và Người cha giàu đều mìm cười gật đầu.
NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ “TRẦN”
Như tôi đã nói, từ tháng 3-2000 đến tháng 3-2003, hàng triệu người đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đô la. Đó là chưa kể mất việc, mất các thu nhập khác và bị ảnh hưởng tâm lý. Thế tại sao lại có hàng triệu người thua lỗ hàng nghìn tỷ đôla như thế? Đơn giản là vì hấu hết các nhà đầu tư đều không bảo hiểm cho mình chống thua lỗ và cái giá phải trả của họ đã được đo bằng hàng nghìn tỷ đôla. Đó là cái giá phải trả của việc nghe theo lời khuyên của những người bán hàng chứ không phải những nhà đầu tư thật sự.
Vậy có nhà đầu tư nào có bảo hiểm không? Chắc chắn là có. Trong thế giới của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ dùng những từ như bảo vệ hay bảo chứng. Khi một nhà đầu tư nói rằng anh ta được bảo vệ hay bảo chứng nghĩa là anh ta được bảo hiểm chống những thay đổi của thị trường. Nếu một nhà đầu tư nói rằng anh ta “trần”, nghĩa là anh ta không được bảo vệ, không được bảo hiểm. Một nhà đầu tư chuyên ghiệp phải rất tỉnh táo mỗi khi ở trạng thái “trần”. Cũng như một nhà ngân hàng sẽ đòi bạn phải có nhiều loại bảo hiểm khi họ cho bạn vay tiền đầu tư vào bất động sản, một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường chứng khoán cũng sẽ đòi bảo hiểm, dù là một loại bảo hiểm khác với bảo hiểm bất động sản. Bài học ở đây là các nhà đầu tư nghiệp dư thì “trần”, còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì được “bảo vệ”.
CUỘC THEO ĐUỔI CÁC PHÙ THỦY BẮT ĐẦU
Như nhân viên bảo hiểm của Người cha giàu đã nói: “Anh không thể mua bảo hiểm khi anh cần nó”. Sau tai nạn, khi nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng họ không được bảo hiểm chống các tai nạn thị trường, thay vì thừa nhận sai lầm: “Lẽ ra mình phải mua bảo hiểm”, thì họ lại quay sang tìm người đổ lỗi.
Từ trước đến nay, sau mỗi lần thị trường sụp đổ, những nhà đầu tư điên tiết lại tìm ai đó để đổ thừa. Từ những năm 1980, họ theo đuổi các ông vua cổ phiếu, trái phiếu như Ivan Boesky, Michael Milken, Drexel Burnham Lambert. Họ cũng “dí” những bất động sản như Charles Keating khi các khoản tiết kiệm và những khoản tiền vay của họ bắt đầu sụp đổ.
Mười năm sau, thay vì săn lùng những nhà phù thủy giao dịch trái phiếu và bất động sản, người ta bắt đầu theo đuổi những vị phù thủy chứng khoán, quỹ hỗ tương và các CEO như Enron, Worldcom, Global Crossing, Tyco, Adelphia và nhiều tập đoàn khác bị kết tội đã xào nấu sổ sách của họ với sự giúp đỡ của những công ty kế toán như Arthur Andersen. Các nhà đầu tư lớn nhất thế giới, những công ty như Merrill Lynch, Solomon Smith Barney của Citigroup, Goldman Sachs, Credit Suisse Frist Boston, Deutsche Bank, Morgan Stanley, JP Morgan Chase, Lehman Brothers, UBS Warburg và Bear Stearns, đều đồng ý dàn xếp riêng với các công ty đều phối an toàn với tổng số 1,4 tỷ đôla, 900 triệu đôla tiền phạt, 450 triệu đôla tài trợ cho những nghiên cứu độc lập và 85 triệu đôla cho những gì mà công ty này gọi là “kiến thức đầu tư”, Một số người bị ngồi tù, như Sam Waksal, CEO của ImClone System. Những người khác bị mất các vị thế chuyên môn, như Kenneth Lay, Bernie Ebbers và Dennis Kozlowski. Quỹ hỗ tương tiếp tục gánh chịu những cuộc điều tra gian lận căng thẳng. Những vụ giao dịch nội bộ của các tập đoàn lớn nhất bị soi mói bởi các nhà điều phối này. Nhưng những nhà đầu tư giận dữ vẫn tiếp tục vẫn tìm người để đổ thừa.
Để hiểu được những giao dịch nội bộ này, tôi khuyên bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Take on the Street” của Arthur Levitt. Ông là người đứng đầu Ủy ban An toàn Tỷ giá trong suốt 8 năm dưới thời tổng thống Bill Clinton. Trong cuốn sách này, Levitt giải thích cách thức hoạt động của phố Wall và lý do tại sao một nhà đầu tư nhỏ có rất ít khả năng chiến thắng trên thị trường chứng khoán.
Vấn đề là nếu bạn định đầu tư vào chứng khoán và quỹ hỗ tương thì đây là một cuốn sách rất cần thiết. Ngây thơ giao tiền của mình cho các nhà xa lạ rất đỗi giàu có và chẳng biết họ làm gì với số tiền đó của mình thì thật điên rồ. trong bộ phim “Wall Street”, Michael Douglas đóng vai Gordon Gekko, đã nói một câu rất hay: “Nếu bạn không thể vào cuộc thì bạn sẽ bị gạt ra ngoài cuộc”. Cuốn sách của Arthur Levitt đem đến cho bạn một cái nhìn vào trong cuộc, một cái nhìn vào khía cạnh đen tối trong cuộc.
AI LÀ NHỮNG TAY TRONG TAY THẬT SỰ?
Đầu năm 2003, tôi được mời tham dự cuộc nói chuyện của Levitt, cựu Chủ tịch SEC, ở câu lạc bộ Phoenix Country tại Phoenix, Arizona. Có khoảng hai trăm người được mời và mỗi người được tặng một cuốn sách có chữ ký của ông. Có thể v tôi đã đọc cuốn sách này rồi hoặc vì tôi rất chăm chú lắng nghe nên những lời nói của ông như thấm sâu vào tâm trí tôi. Khi ông nói, tôi bắt đầu hiểu rõ rằng nhiều tay trong của những người giàu không hề giống các nhân vật khoa trương của Gordon Gecko trong phim “Wall Street”. Nhiều tay trong là những người vô danh làm những nghề mà chúng ta có khuynh hướng tin cậy họ và không thể đoán được rằng chủ yếu học đang làm việc để thỏa mãn mong muốn của những người giàu có thế lực.
Trong cuộc nói chuyện của mình, ông Levitt nói: “Chính những công ty kế toán lớn đang tiếp tục chiến đấu chống lại sự thay đổi quy luật sẽ giúp thị trường công bằng hơn đối với các nhà đầu tư nhỏ”. Nói cách khác,những công ty kế toán lớn đang làm việc cho những tập đoàn lớn chứ không phải cho các đầu tư nhỏ. Nhiều người vẫn nghĩ rằng các luật sư mới là những người bất công chứ không phải các kế toán viên.
Tôi cảm thấy ông Levitt thật sự rất can đảm khi dám công khai kể ra những cái tên, rất nhiều cái tên, trong cuốn sách của mình, bất kể các đảng viên Dân chủ hay Cộng hòa, bất kể bạn bè cũ hay các đối tác kinh doanh. Ông nói rõ những ai ông tin là đang ủng hộ người giàu và những ai giúp đỡ cho những kẻ đáng thương tội nghiệp.
Đôi khi trong thế giới đầu tư thật sự, bạn cần phải nhờ bảo hiểm bảo vệ bạn chống lại những người mà bạn nghĩ là họ ở bên phe bạn.
NHIỀU HƠN MỘT LOẠI BẢO HIỂM
Có thể bạn đã bắt đầu hiểu, trong lĩnh vực đầu tư không chỉ có một loại bảo hiểm. Có loại bảo hiểm cho người và cho tài sản. Cũng có loại bảo hiểm những chu kỳ thị trường. Và có loại bảo hiểm những sai sót, lầm lỗi và các vụ kiện cáo. Bài học mà Người cha giàu muốn tôi phải nắm vững là những nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn quan tâm đến chuyện bảo vệ tài sản của mình. Khi bạn giao tiền cho một chuyên gia tài chính, một câu hỏi rất quan trọng là: “Tiền của tôi có được an toàn không?”. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ đơn giản “đầu tư dài hạn, mua, giữ, đa dạng hóa và ngồi cầu trời”.
Người giàu cũng dùng những thực tế pháp lý như các dạng bảo hiểm. Cha ruột tôi rất tự hào về ngôi nhà, chiếc xe hơi và những thứ tài sản mà ông đứng tên. Trái lại, Người cha giàu thì cất hầu hết những giá trị tài sản của mình dưới danh nghĩa của thực thể pháp lý như những tập đoàn và các công ty hữu hạn, ủy thác. Vì chúng ta sống trong một xã hội hay tranh chấp kiện tụng nên ông muốn sở hữu càng ít tài sản cá nhân càng tốt. Với người cha giàu, một thực thể pháp lý là một dạng bảo hiểm. Ngày nay, có rất nhiều dạng thực thể pháp lý và những dạng thực thể khác nhau sẽ phù hợp với những dạng tài sản khác nhau.
HAI LOẠI BẢO HIỂM
Có rất nhiều loại bảo hiểm,nhưng nhìn chung bảo hiểm có thể chia thành hai loại khác nhau:
1. Bảo hiểm mà bạn có thể mua
Khi tôi mua một bất động sản thương mại, việc mua bảo hiểm rất dễ dàng. Tôi chỉ cần trả tiền thanh toán là xong. Cũng tương tự như thế với bảo hiểm xe hơi hay bảo hiểm nhân thọ. Tôi không phải làm gì khác hơn là tìm một nhân viên bảo hiểm tốt và mua loại bảo hiểm thích hợp cho tài sản của mình.
2. Bảo hiểm mà bạn phải học cách mua
Chọn một thực thể pháp lý thích hợp là một việc rất quan trọng đối với một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia như những luật sư và các nhà tư vấn thuế vụ, để bảo đảm rằng họ có thể đạt được một lớp bảo vệ tốt nhất cho các khoản đầu tư của mình.
Tôi cũng bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình với một dạng bảo hiểm khác, bảo vệ những gì tôi viết ra hay phát triển nên bằng cách không cho phép người khác sử dụng nó mà không có sự đồng ý của tôi. Chúng tôi có nhiều bản quyền, thương hiệu và bằng sáng chế để bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình.
Khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, tôi phải học cách bảo hiểm cho mình. Ví dụ như trong thị trường chứng khoán, tôi cần học cách sử dụng quyền chọn mua và quyền chọn bán. Quyền chọn không chỉ là một dạng bảo hiểm mà nó còn là một dạng đòn bẩy hữu hiệu.
Vấn đề với loại bảo hiểm thứ hai này là bạn phải thật sự đầu tư thời gian để học cách sử dụng chúng.
HẦU HẾT MỌI NGƯỜI KHÔNG CHỊU HỌC
Vì hầu hết mọi người không muốn đầu tư thời gian để học cách buôn bán quyền chọn, hợp đồng tương lai hay những dạng bảo hiểm thị trường chứng khoán khác nên hầu hết mọi người sẽ an toàn hơn nếu đầu tư vào bất động sản, ít nhất là trong vấn đề bảo hiểm bảo vệ.
Số người muốn đầu tư thời gian để xây dựng một doanh nghiệp nhóm C thậm chí còn ít hơn. Nhưng nếu bạn làm và thành công thì việc xây dựng và sở hữu một doanh nghiệp nhóm C trong một thực thể thích hợp có thể đem lại cho bạn một sức bật đòn bẩy hữu hiệu nhất và một lớp bảo vệ tốt hất thế giới. Nếu bạn muốn bắt đầu một doanh nghiệp nhóm C, tôi đề nghị bạn hãy duy trì công việc hàng ngày của mình và bắt đầu một doanh nghiệp làm việc bán thời gian. Nếu cũng đồng ý với ý kiến này thì bạn có thể tìm kiếm một doanh nghiệp tiếp thị qua mạng, bởi vì một số chúng, dù không phải tất cả, có những chương trình huấn luyện tuyệt vời có thể chuẩn bị cho bạn trở thành một chủ doanh nghiệp nhóm C.
THẾ NẾU TÔI KHÔNG MUỐN HỌC VÀ CŨNG KHÔNG MUỐN XÂY DỰNG KINH DOANH THÌ SAO?
Nếu bạn không muốn học những kỹ năng bảo hiểm mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường dùng, chẳng hạn như các quyền chọn, và cũng không muốn xây dựng doanh nghiệp, thì cũng chẳng có gì đáng ngại. Có rất nhiều cách đầu tư và rất nhiều khoản đầu tư để bạn có thể bỏ tiền vào. Chỉ đơn giản là tôi đã bắt đầu với những dạng đầu tư có sức bật đòn bẩy cao nhất và được bảo vệ tốt nhất mà tôi biết.
Việc đầu tư thời gian để học cách xây dựng một doanh nghiệp nhóm C là khoản đầu tư tốt nhất mà tôi từng làm. Tuy nhiên, tôi không thích khuyến khích điều này với tất cả mọi người, dù rằng nếu bạn thấy dựng một doanh nghiệp riêng thì luôn là một điều tốt nhất.
Dù bạn quyết định thế nào đi nữa, bài học của chương này vẫn là: các nhà đầu tư chuyên nghiệp cần phải thật nhạy bén trong vấn đề bảo vệ tài sản. Hãy luôn nhớ nguyên tắc bảo hiểm đầu tiên là: “Anh không thể mua bảo hiểm khi anh cần nó”. Hàng triệu nhà đầu tư đã thua lỗ hàng tỷ đôla từ năm 2000 đến 2003 rất cần được bảo hiểm, nhưng họ không có một khoản bảo hiểm nào cả.
Định nghĩa của từ “bảo hiểm” là “bảo đảm chống thua lỗ hay tổn thất”. Không có gì khó hiểu khi bạn muốn dùng bảo hiểm để bảo vệ cho những tài sản mà mình đã xây dựng nên.
Một ngày nọ, tôi đã nói chuyện về cuốn sách này với một người bạn, chủ một công ty bảo hiểm. Anh ta giật mình khi chúng tôi kết tội các công ty bảo hiểm trong cuốn sách AI ĐÃ LẤY TIỀN CỦA TÔI?. Khi chúng tôi thảo luận nhiều hơn, anh ta đã phát biểu một câu rất đáng để tôi chia sẻ với các bạn: “Suốt hơn hai mươi năm làm công việc này, tôi chưa bao giờ bị một khách hàng nào phàn nàn là họ đã bỏ ra quá nhiều chi phí bảo hiểm cả”.
KHÔNG SỞ HỮU GÌ CẢ NHƯNG KIỂM SOÁT TẤT CẢ
Hai từ “bảo hiểm” hàm nghĩa rất nhiều chứ không chỉ là những công cụ bảo hiểm bình thường mà bạn có thể mua bất cứ lúc nào bạn cần. Bằng cách lập kế hoạch một cách đúng đắn và sử dụng những thực thể pháp lý thích hợp, bạn có thể tiết kiệm được hàng ngàn đôla tiền thuế và bảo vệ tài sản gia đình trước những cuộc tấn công rất có khả năng của những người cho vay.
Ngoài ra, khi bạn bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp hay tạo lập một tài sản, có thể bạn sẽ muốn xem xét thêm những cách khác để bảo vệ nó, chẳng hạn như sử dụng bản quyền, thương hiệu hay bằng sáng chế. Hãy tìm một luật sư tài sản trí tuệ giỏi, xem lại công trình của mình và những ý tưởng của bạn về việc bảo vệ nó và những cách để bảo đảm không ai có thể sử dụng được nó nếu không có sự đồng ý của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.