Đi Một Ngày Đàng...

Năm học đầu tiên của tôi ở đại học Văn khoa Toulouse



• Thái Thị Ngọc Dư [1]

Thời còn là học sinh trung học ở Huế , ngày ngày đi ngang qua đại học Văn khoa nằm gần cầu Trường Tiền, trên đường Lê Lợi, tôi từng mong ước sẽ có ngày được đặt chân vào khuôn viên nhà trường, được cùng bạn bè ngồi trên ghế giảng đường nghe các giáo sư giảng những điều mới lạ, ghi chép, đọc sách, suy nghĩ, thảo luận. Tôi hình dung bên trong khuôn viên ấy là một thế giới của tri thức, của những tư tưởng tự do, phóng khoáng, của những thanh niên nam nữ đang rèn luyện sở học của mình đề trở thành những trí thức hữu dụng trong tương lai. Tôi cũng nghe nói nhiều giáo sư đã tốt nghiệp ở Pháp, Mỹ… nay trở về giúp đỡ đại học Huế đào tạo sinh viên.

Thế nhưng tôi đã không có dịp theo học trường này. Một sự tình cờ may mắn, một học bổng, đã giúp tôi thực hiện giấc mộng vào đại học ở một nơi rất xa Huế: Ðại học Văn khoa Toulouse ở miến Tây Nam nước Pháp. Tôi đặt chân đến thành phố cổ kính có biệt danh là “Thành phố màu hồng” vào một ngày đầu thu năm 1964, bầu trời thì trong xanh nhưng những hàng cây lại rợp lá vàng. Bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi đối với tôi, khi đi thẳng từ một thành phố Huế nhỏ xíu đến một đất nước giàu có và nhất là có một truyền thống phát triển giáo dục đại học thuộc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ.

Tôi phải tự mình xoay xở: đi tìm phòng trọ sao cho vừa với “ngân sách” học bổng khiêm tốn của mình, làm thủ tục ghi danh nhập học, làm thẻ ăn ở nhà ăn sinh viên. Phải lo chuyện ăn ở, hậu cần cho ổn thỏa mới yên tâm học hành. May mà có mấy chị bạn người Việt qua trước chỉ đường đi nước bước cho. Tình bằng hữu nơi người tha thương quý giá biết chừng nào.

Háo hức chờ ngày khai trường, tôi được chị bạn hướng dẫn là phải đến trường xem giờ học và tự mình chọn giờ học, chọn giảng viên, miễn sao phải bảo đảm đủ số giờ và môn học. A, cái này mới đây, sinh viên tự lập kế hoạch học tập cho mình! Ðến lúc đi học thì điều đầu tiên tôi nhận xét là không ai kiểm tra việc đến lớp của sinh viên cả. Tôi rút ra kết luận là ở đây có sự phân trách nhiệm rõ ràng: dạy là bổn phận của các giáo sư còn học là trách nhiệm của sinh viên. Sinh viên được đối xử như những người trưởng thành, có quyển tự do tổ chức việc học tập của mình. Nhiều năm sau, trong cuộc đời đi dạy của tôi, tôi cũng “tiêm nhiễm” cách hành xử này, tôi không thích điểm danh sinh viên.

Tuy nhiên, việc học được tổ chức chặt chẽ. Ngoài một số ít giờ học ở đại giảng đường, sinh viên được phân thành các lớp nhỏ để học các giờ thực tập. Sinh viên nộp bài thì được giảng viên sửa rất kỹ. Thỉnh thoảng trường có tổ chức làm bài kiểm tra cho môn ngôn ngữ và văn hóa Pháp, thường là những bài nghị luận để giáo sư đánh giá khả năng viết và lập luận của sinh viên. Giáo sư cho điểm rất gắt, sinh viên nào được điểm trung bình 10/20 là mừng lắm rồi.

Về quan hệ giảng viên – sinh viên, nhìn bên ngoài thì thấy vô cùng xa cách, hình như ông thầy, bà cô chẳng hề quan tâm tới sinh viên. Nhưng thực ra họ rất tử tế, sẵn sàng giúp đỡ sinh viên, với điều kiện là sinh viên phải nói ra nhu cầu của mình. Nhờ vậy, tôi đã học được tính chủ động, mạnh dạn trong giao tiếp. Khi tôi trình bày với một vài giảng viên rằng tôi có khó khăn về tiếng Pháp, nhờ thầy cô giúp đỡ chỉ ra những yếu kém của tôi trong bài làm. Sau đó, khi nào phát bài, các giảng viên đều gọi riêng tôi giải thích thêm và có lời động viên về những tiến bộ của tôi. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến sự giúp đỡ rất tự nhiên của những người bạn Pháp. Ở đây cũng vậy, muốn nhờ cái gì thì phải hỏi, và tôi luôn được các bạn Pháp nhiệt tình giúp đỡ. Có bạn đã ghi bài, cho mượn bài, giảng lại bài, sửa bài cho tôi trong suốt năm học.

Cuối năm học đầu tiên, tôi đã thi đậu chứng chỉ dự bị văn khoa, điều này đã giúp tôi thêm chút lòng tự tin để tiếp tục vượt qua những thử thách mới ở các năm học sau. Tinh thần tự học, siêng năng đọc sách, chăm chỉ làm bài, rèn luyện óc quan sát và nhất là rèn luyện khả năng viết là những mục tiêu tôi luôn nhắm tới trong những năm học ở đại học Văn khoa Toulouse.

Tháng 8/ 2012

[1] Tiến sĩ Ðịa lý nhân văn, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới – Xã hội Ðại học Hoa Sen.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.