Đừng hoang tưởng về biển lớn

Hai chuyện làm ăn bên Mỹ



Người Việt học giỏi và bắt chước rất nhanh. Chỉ tiếc là chúng ta luôn luôn lựa chọn sai lầm các bài học và nền kinh tế đang phải trả giá khá đắt cho những sai lầm này. Thêm vào những thói hư tật xấu luôn tiềm tàng ở các thành phần lợi dụng đặc quyền đặc lợi, thì suy nghĩ nông cạn của tôi phải dừng lại ở câu “ Xin Ơn Trên phù hộ chúng ta.”

Lần về lại Mỹ vào tháng 9 vừa qua, tôi ngồi trên máy bay cạnh một đại gia Ấn Độ thích trò chuyện. Bị ảnh hưởng nhiều của các mạng truyền thông thích phóng đại, anh ta nói về một xứ Mỹ tàn lụi như một bài điếu văn. Thất nghiệp, bạo lực, nợ nần, nghèo đói, mâu thuẫn chính trị… tôi cứ nghĩ là anh đang mô tả xã hội Ấn Độ của chính anh. Sau một tháng thăm gia đình và tìm cơ hội đầu tư tại Mỹ, tôi xin thưa là tình hình vẫn còn khả quan hơn tại rất nhiều quốc gia khác. Dù thất nghiệp có lên đến 10%, con số người còn lại (90% của 300 triệu dân) vẫn có một thu nhập rất cao và GDP vẫn gấp đôi Trung Quốc với 1.35 tỷ dân.

Đế chế Mỹ đang bước vào hoàng hôn, nhưng đêm dài vẩn còn xa, vài ba chục năm trước mặt. Trong khi đó, tại những cửa hàng ăn và hộp đêm sang trọng nổi tiếng, khách vẫn phải xếp hàng chờ hơn cả tiếng. Đêm vẫn còn dài và tiệc vẫn tràn đầy champagne.

Nắm bắt thời cơ

Tôi chạy lên Pasadena một buổi trưa thăm người bạn cũ nghe nói đang làm ăn phát đạt. Anh tên Bruce Stuart là một luật sư có văn phòng nhỏ chuyên về thương nghiệp từ 30 năm qua khi tôi mới quen anh. Hai năm trước, thấy tình hình bất động sản (BDS) Mỹ lâm nguy, anh và vài người bạn bỏ ra 5 triệu để kinh doanh địa ốc. Có lẽ là chuyện hơi ngược đời. Nhóm anh mua lại các BDS đã bị ngân hàng tịch thu và sắp đưa ra phát mãi qua đấu giá để khấu hồi nợ cho ngân hàng. Với tổng số tài sản xấu lên đến gần 2 ngàn tỷ dollar khắp quốc gia, có thể nói là thị trường phải mất 8 năm mới thanh toán hết các BDS loại này.

Giá mua thường rẻ khoảng 20% hơn giá tại các buổi đấu giá vì ngân hàng tiết kiệm được thì giờ, phí tổn, thủ tục tòa án, giấy tờ phát mãi…Sau đó, nhóm anh đem bán lại ra thị trường cũng với giá rẻ hơn giá thông thường chừng 20%. Thời gian xoay vòng mất trung bình 3 tháng và trong 2 năm vừa qua, Bruce và các bạn anh thu về hơn 6 triệu dollars tiền lời, cho họ mức hoàn trái khỏang 58% mỗi năm. Bruce cho tôi coi tất cả hồ sơ của 216 vụ giao dịch đã hoàn tất với đầy đủ chi tiết vì anh muốn quỹ tôi đầu tư thêm 10 triệu để gia tăng hoạt động.

Anh còn đưa tôi đi xem hai BDS anh vừa mua bán xong. Một biệt thự ở Victorville, một thành phố trung lưu cách trung tâm Los Angeles 1 giờ lái xe, có đất rộng 270 mét vuông, vừa xây xong 3 năm trước với diện tích xây dựng 170 mét vuông. Anh mua của Bank Of America giá 38 ngàn dollars, sửa sang lại tốn 4 ngàn dollars và phí tiếp thị giấy tờ thêm 3 ngàn. Anh bán lại với giá 75 ngàn dollars, đem về cho nhóm anh một lợi nhuận 30 ngàn dollars sau 3 tuần.

Giá cả BDS ở California tương đối cao hơn các bang khác, nhưng tôi vẫn “shocked” trong trường hợp này vì tôi vừa đi coi và nghe giá một biệt thự gần Phú Mỹ Hưng tháng trước. Giá BDS ở Mỹ có lẽ rẻ khoảng 4 lần giá BDS ở Saigon, trong khi thu nhập trung bình của một người Mỹ gấp 40 lần người Việt.

BDS kia nằm ở Newport Beach, một thành phố sang trọng đắt tiền cạnh biển ở Quận Cam. Một nhạc sĩ nổi tiếng trả 7.2 triệu dollars cho tòa nhà 18-phòng này cách đây 6 năm; Bruce mua lại của ngân hàng với giá 3.5 triệu. Sau 8 tháng tiếp thị, nhóm anh bán được cho một nghệ sĩ khác với giá 4.8 triệu đem lại lợi nhuận 1.1 triệu sau khi trừ chi phí.

Một chuyện cũng làm tôi so sánh cách làm ăn nơi đây với Á Châu là các anh không cần một giấy phép kinh doanh nào, hay phải chạy ngược xuôi trả tiền để “bôi trơn” cho dịch vụ. Viên quan chức độc nhất các anh phải đương đầu là ngài thuế vụ, đang trình một hóa đơn cao hơn các anh chịu trả. Hai bên đang thưa nhau ra tòa, và Bruce tin mình sẽ thắng vì có hơn 35 năm kinh nghiệm so với vài năm của quan chức trẻ kia.

Khi có “thế lực chống lưng”

Một anh bạn khác tên Wilbur (Bill) Stover ở San Francisco, tôi điện thoại thăm khi thấy anh đang “nằm trên thớt” của các mạng truyền thông. Tôi quen anh cách đây 8 năm khi anh đang làm cho Micron Tech và đứng ra thương lượng để bán cho quỹ của tôi một công ty con của Micron. Dịch vụ M&A không thành nhưng chúng tôi có nhiều tưong đồng nên quý nhau như bạn. Cách đây 3 năm, anh về đầu quân cho một công ty sản xuất panel năng lượng mặt trời tên Solyndra.

Solyndra thành lập năm 2006 và nộp đơn xin chánh phủ tài trợ khi TT Obama đề ra chánh sách năng lượng xanh nằm trong gói kích cầu cứu kinh tế Mỹ. Công ty được tỷ phú dầu hỏa George Kaiser đầu tư 36%, khai trương hoành tráng với 1,100 nhân viên và được Obama đến thăm viếng sau đó, với bài diễn văn ca tụng thành quả. Qua sự vận động của Kaiser, vốn là một ủng hộ viên lớn trong bộ máy tranh cử của Obama, chánh phủ Mỹ đồng ý bảo lãnh số tiền vay 535 triệu dollars cho Solyndra.

Ngày 1 tháng 9 năm nay, sau 3 năm hoạt động, Solyntra khai phá sản. Đảng Cộng Hòa và Quốc Hội đòi mở cuộc điều trần về những lạm dụng quyền lực của Tòa Bạch Ốc trong việc mất 535 triệu dollar cho công ty gà nhà. FBI đã tịch thu tất cả hồ sơ của công ty để bắt đầu điều tra thêm. Bill không trả lời diện thoại, vợ anh ta nói là anh đang bị suy sụp thần kinh vì sự cố. Tôi chia buồn và chỉ biết nói “hang in there” (ráng bám trụ) và đừng để các chánh trị gia biến mình thành vật tế thần.

Dù lo cho bạn, nhưng tôi lại thỏa mãn vì “cái đúng” của tư duy mình. Bất cứ nơi nào, khi người ta lấy tiền dân để kinh doanh với mục đích chánh trị, kết quả đều chắc chắn là tiền mất tật mang. Đinh luật này đã được minh chứng qua bao nhiêu thời đại, dù các tên đạo diễn càng ngày càng khôn ngoan, tinh vi hơn và biết ngụy trang hành động mình dưới nhiều hình thức.

Hai câu chuyện tượng trưng cho hai nền kinh tế đang hiện diện song hành tại Mỹ. Một là để mặc cho thi trường lo liệu và điều chỉnh. Một là can thiệp với tiền thuế của dân vì nghĩ mình thông minh và biết cách lèo lái thị trường. Các chính trị gia không chịu hiểu rằng lịch sử của nhân loại đã chứng minh là thị trường luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.

Người Việt học giỏi và bắt chước rất nhanh. Chỉ tiếc là chúng ta luôn luôn lựa chọn sai lầm các bài học và nền kinh tế đang phải trả giá khá đắt cho những sai lầm này. Thêm vào những thói hư tật xấu luôn tiềm tàng ở các thành phần lợi dụng đặc quyền đặc lợi, thì suy nghĩ nông cạn của tôi phải dừng lại ở câu “ Xin Ơn Trên phù hộ chúng ta.”

T/S Alan Phan,

Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.