Đừng hoang tưởng về biển lớn

Thiếu can đảm nhiều người bỏ cuộc quá sớm



Tôi khám phá ra rằng sức chịu đựng và tinh thần sáng tạo của doanh nhân khi đối diện với khó khăn và vực thẳm của phá sản trở nên sắc bén kỳ diệu hơn là mọi hình dung. Vì thiếu can đảm và kiên trì, nhiều người đã bỏ cuộc quá sớm.

Xin chào TS. Alan Phan, từ những trải nghiệm trong suốt 42 năm làm ăn tại khắp thế giới, ông cho bài học nào là quý giá nhất mà ông đã thâu nhặt được?

Tôi khám phá ra rằng sức chịu đựng và tinh thần sáng tạo của doanh nhân khi đối diện với khó khăn và vực thẳm của phá sản trở nên sắc bén kỳ diệu hơn là mọi hình dung. Vì thiếu can đảm và kiên trì, nhiều người đã bỏ cuộc quá sớm.

Bước thêm bước nữa là công thức đã phân biệt rất nhiều kẻ thắng người thua trên thương trường. Phải biết giữ vững niềm tin. Chân cứng thì đá sẽ mềm.

Một doanh nhân muốn thành đạt, cần phải có những cá tính như thế nào?

Trong cuốn sách mới nhất, tôi có nêu lên 5 yếu tố căn bản cùa sự thành công trên thương trường: (a) động lực hay ngọn lửa bên trong (b) thời gian và nỗ lực (c) sức khỏe để chịu đựng (d) hành động, chấp nhận rủi ro và (e) kinh nghiệm và quan hệ. Tôi còn nhắc đến yếu tố may mắn mà chúng ta không định lượng được.

Tuy nhiên, để có sự thành công bền vững về lâu dài, doanh nhân và doanh nghiệp cần một nhân cách đạo đức văn hóa làm nền tảng cho mọi phát triển. Phần lớn các doanh nhân cho là mình làm kinh tế, không liên quan gì đến đạo đức, văn hóa, hay tôn giáo triết lý.

Một bản nghiên cứu của đại học Harvard năm 1998 cho thấy 78% các công ty bền vững và phát triển nhanh nhất trong 50 năm vừa qua là những doanh nghiệp đặt nặng vấn đề đạo đức và kỷ cươngquản trị lên hàng đầu theo thứ tự ưu tiên.

Bản nghiên cứu cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng đoàn thể… Đây là cách xây dựngthương hiệu hoàn hảo nhất của bất cứ doanh nghiệp nào.

Với một thương hiệu tiếng tăm và bền vững, công ty có thể tìm một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn các đối thủ cạnh tranh, một thị phần cao hơn của khách hàng trung thành và kết quả là một thành tựu khả quan hơn về tài chính.

Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ tạm bợ, bạo phát bạo tàn.

Ông kinh doanh suốt 42 năm tại 2 thị trường lớn và năng động nhất: Mỹ và Trung Quốc. So sánh với 2 nước này, ông thấy doanh nhân Việt Nam có ưu và khuyết điểm gì?

Doanh nhân Việt chia sẻ nhiều đặc thù với doanh nhân TQ vì những điều kiện tương tự về văn hóa, xã hội, chánh trị và kinh tế. TQ mở cửa thị trường trước ta 15 năm nên doanh nhân của họ tích tụ nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi chỉ hơi tiếc là có rất nhiều bài học hay dở của họ mà chúng ta không nghiên cứu để tìm một lối đi riêng của mình.

Như TQ, doanh nhân Việt rất năng động, tham vọng, giỏi ứng biến, liều lĩnh, lạc quan và cầu tiến. Về khuyết điểm, họ giống doanh nhân TQ ở các điểm như thiếu kỹ năng quản trị ở bình diện quốc tế, thích đầu tư dàn trải, không chuyên sâu, trọng sĩ diện và hình thức, có tầm nhìn khá ngắn hạn. Họ cũng thiếu quan hệ với các đối tác nước ngòai: rất cần thiết trong nền kinh tế tòan cầu.

Nhưng quan trọng hơn hết, với tôi, họ chưa tạo dựng được một văn hóa đạo đức kỹ cương, cho cá nhân mình và doanh nhiệp cùa mình. Dù đang thành công, họ sẽ không đủ “phần mềm” để đi xa.

Ông nghĩ thế nào về việc doanh nhân Việt luôn xếp đầu bảng trên thế giới về tinh thần lạc quan?

Dù tinh thần lạc quan có thể ảnh hưởng đến những kết quả kinh doanh, đây không phải là một đơn vị đo lường dễ dàng và nó tùy thuộc rất nhiều vào những nhận thức chủ quan nhiều thiên kiến. Nó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cũng như tích cực.

Tôi nghĩ mọi doanh nhân nên chú tâm đến việc đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm và kế họach của mình hơn là tùy thuộc vào những yếu tố ngòai tầm kiểm sóat.

Cùng đối diện với một tình thế, nhận thức của mỗi người cũng rất khác biệt, thể hiện qua câu chuyện khôi hài sau:

Bà mẹ tố cáo nàng dâu,” Trong khi mày đi làm xa, con vợ mày ở nhà quá sức lăng loàn. Nó ngủ với hơn nửa đàn ông của thị trấn này.” Sau khi trầm ngâm suy nghĩ, ông con trả lời, ” Nghĩ cho cùng, thị trấn này cũng không lớn lắm.”

Trở lại chuyện lạc quan cho tương lai, ông nghĩ thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2011 và về sau?

Không riêng gì ở Việt Nam, mà tất cả kinh tế thế giới vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn lớn lao đã gây ra cuộc suy thoái toàn cầu vào 2008.

Nợ xấu địa ốc, cán cân thương mại, nợ công ở Mỹ; nợ công và suy thóai ở Âu châu và Nhật; bong bong tài sản và đầu tư bừa bãi tại Trung Quốc. Qua những gói kích cầu, các chính phủ đã dồn rác rưởi xuống thảm (swept under the rug) hy vọng người dân sẽ quên đi chuyện khó ngửi này. Biện pháp có đôi chút thành công, tạo nên ảo tưởng hồi phục.

Nhưng một ngày đẹp trời nào đó, không xa lắm, chúng ta đều phải đối diện với thực tại, và tôi chắc chắn rằng mọi thứ sẽ tệ hơn những gì đã xảy ra trong năm 2008 nhiều.

Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng với một nền kinh tế còn rất nhỏ và nặng về nông nghiệp, tiểu thuơng, chúng ta có thể vẫn còn giữ được tinh thần lạc quan.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, liệu giải pháp nào sẽ giúp ích nhiều cho doanh nhân Việt Nam?

Trước hết, phải nhận rõ là các điều kiện kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng nhưng không là yếu tố chính trong việc kiếm tiền. Thu nhập của một doanh nghiệp tùy thuộc nhiều hơn khả năng nắm bắt cơ hội, sức sáng tạo và tầm nhìn của ban quản lý. Thị trường Âu Mỹ có suy thoái thì cũng lớn rộng gấp ngàn lần thị trường nội địa, đồng nghĩa là cơ hội cũng gấp ngàn lần. Doanh nhân Việt phải có đủ can đảm và bản lãnh để “hướng ngoại” và đi tìm cơ hội.

Đây là một quy trình khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn. Khi ra nước ngòai, các doanh nhân sẽ phải bỏ lại một yếu tố quan trọng là các quan hệ và thói quen đã tạo thành công cho mình quê nhà. Tạo dựng làm ăn trong một môi trường mới sẽ là thử thách lớn lao mà chỉ những “nhà vô địch” mới vượt qua đích.

Bù lại, sự thành công nơi nước ngòai, ở một sân chơi bằng phẳng, sẽ là một minh chứng hùng hồn cho kỹ năng quản trị của mình và một tương lai bền vững hơn cho doanh nghiệp, cũng như một bảo đảm chắc chắn hơn về tài sản.

Còn thị trường Trung Quốc thì sao? Họ ngay sát Việt Nam và có nhiều tương đồng?

Tôi đã sống và làm việc tại TQ hơn 14 năm nên tôi hiểu rõ quan niệm kinh doanh của người TQ. Không như Âu Mỹ, đây là một xã hội khép kín trên nhiều lĩnh vực, không riêng gì kinh tế hay chính trị.

Vào thập niên 70s, doanh nhân TQ còn nghèo và thiếu hụt đủ mọi thứ, nên họ hồ hởi mở rộng mọi cánh cửa đón chào doanh nhân nước ngòai. Hiện nay, họ đã có vốn, chỉ thiếu công nghệ mũi nhọn cao và thương hiệu quốc tế, nên đây là 2 lĩnh vực duy nhất họ mời chào. Không có 2 món này, các nhà đầu tư nước ngòai sẽ hứng chịu rất nhiều rào cản xã hội và thủ tục pháp lý, từ địa phương đến trung ương, để bảo đảm họ sẽ thua các đối thủ TQ.

Dù văn kiện WTO không cho phép những cạnh tranh trái phép này trên giấy tờ, nhưng ai cũng hiểu rõ thực tế về kinh doanh ở TQ. Hiện tượng hàng giả, hàng nhái, ăn cắp bản quyền trí tuệ, không đạo đức kỹ cương và quyền lực tham nhũng của các quan chức TQ là những câu chuyện thần kỳ cho lịch sử phát triển của TQ.

Dù là đồng minh và láng giềng hữu hảo của TQ, tôi tin chắc doanh nhân Việt có zero cơ hội để làm ăn tại TQ.

Ngoài đạo đức, ông nghĩ doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội xung quanh?

Dĩ nhiên. Sự hài hòa với môi trường và con người chung quanh phải là một mục tiêu quan trọng để có sự phát triển bền vững. Doanh nhân cũng cần những cầu nối mật thiết với xã hội để tìm thanh bình cho nội tâm. Không ai là một ốc đảo riêng biệt.

Tuy nhiên, phải ghi nhớ một điều: muốn giúp người nghèo, thì đừng baogiờ trở thành một người nghèo. Nếu yêu kẻ yếu thế thất học thì đừng làm kẻ thất bại. Xã hội quanh ta cần người giàu có thành đạt, dù chỉ để làm một gương sáng, hơn là có thêm một người nghèo và thất chí.

Quay về với cá nhân ông. Nghe nói cách nay 36 năm, ông rời Việt Nam qua Mỹ lần thứ nhì, trong túi vỏn vẹn chỉ có 500 USD. Ông đã gặp may hay phải rất vất vả để trở thành con người Alan Phan như hôm nay?

Nếu nghiên cứu nghiêm túc thì mọi thành công hay thất bại đều có rất nhiều yếu tố cấu thành. Người TQ thì tin vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Người Âu Mỹ tin vào sức mạnh cá nhân cùng sự phò hộ của Thượng Đế. Tôi đã mô tả ở trên 5 yếu tố căn bản của thành công.

Vì tính đam mê, tôi hay theo đuổi những dự án kinh doanh bừa bãi khi còn trẻ tuổi. Do đó, tôi đã hứng chịu nhiều thất bại thảm thương khi khởi nghiệp. Nhưng cũng vì tính lì lợm bướng bỉnh, tôi không bỏ cuộc và tiếp tục cuộc chơi. Những thất bại ban đầu trở nên những bài học vô cùng quý giá cho sự thành công về sau.

Tất cả các trải nghiệm đó đã hình thành một Alan Phan ngày nay, một trộn lẫn giữa may mắn và cá tính, cũng như ngu dốt và liều lĩnh.

Dân  gian  có  câu  “lắm  tài  thì  nhiều tật”, ông có dám kể ra các “tật xấu” của mình không?

Quả thực tôi có rất nhiều tật xấu, kể không hết. Nhưng tôi luôn luôn coi chừng là chúng không làm hại tôi hay bất cứ một ai khác. Càng thành công thì càng nhiều trách nhiệm. Đôi khi tôi chỉ muốn làm anh học trò, tha hồ “vui hưởng” những tật xấu của mình và rong chơi hạnh phúc trong vô tư.

Một tật xấu tôi chưa bỏ được là đôi khi tôi lại biến mất một vài ngày, không ai biết mình ở đâu, mặc kệ công việc đang thúc hối chờ đợi và những người thân lo lắng. Tôi thường bay đi một nơi nào thật xa lạ, không có một ý định hay kế họach gì, và để dòng sự kiện hay môi trường mới lôi kéo đi như một chiếc lá giữa dòng sông. Sau vài ngày, tôi lại quay về với nếp sống quen thuộc cũ, nhoẻn miệng cười, xin mọi người tha lỗi.

Xin cám ơn ông.

Theo Doanh nhân


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.