“Đâu nhỉ?”
Margaret Lukas nằm sấp trên một cái gò nhìn ra Beltway.
Xe cộ lướt qua trước mắt cô thành hàng dài bất tận.
Cô lại xem đồng hồ. Rồi nghĩ: Mi ở đâu?
Bụng cô đau, lưng và hai khuỷu tay cũng bị đau.
Chẳng có cách nào để đỗ chiếc xe chỉ huy tác chiến gần địa điểm đặt tiền chuộc, cho dù có ngụy trang thế nào đi nữa, để tên tống tiền không nhìn thấy nếu gã ở đâu đó gần đây. Thế nên, cô đang phải nằm bò trên mặt đất cứng như đá trong chiếc quần bò, áo khoác và mũ lưỡi trai kéo ngược ra sau, giống hệt một tay lính bắn tỉa hay gangster nào đó. Họ đã phục ở đây được một tiếng đồng hồ.
“Nghe cứ như tiếng nước ấy”, Cage nói.
“Cái gì?”
“Dòng xe này.”
Ông cũng đang nằm sấp bên cạnh Margaret, đùi họ gần chạm nhau, giống như đôi tình nhân đang nằm trên bãi biển ngắm hoàng hôn. Họ theo dõi thực địa cách đó khoảng một trăm mét, quan sát địa điểm đặt tiền ở gần đường Gallows, phải, chính là con đường mang tên “giá treo cổ”, trớ trêu đến mức không một ai trong nhóm đặc vụ thèm bình luận về nó.
“Cô có biết chuyện ấy là thế nào không?”, Cage tiếp tục. “Điều gì đó khiến cô bực tức và cô cố không nghĩ về nó. Nhưng cô chẳng đừng được. Ý tôi là, nghe tiếng xe cứ như tiếng nước chảy.”
Lukas chẳng thấy nó giống tiếng nước gì cả. Chỉ giống tiếng ô tô và xe tải chạy qua.
Đối tượng đâu rồi nhỉ? Ở kia có tới hai mươi triệu đô la chờ gã, thế mà gã lại không đến lấy.
“Gã ở chỗ quái nào rồi?”, một giọng thì thào khác vang lên. Nó thuộc về một người đàn ông âu sầu cỡ ba mươi tuổi, với kiểu tóc theo phong cách quân đội. Leonard Hardy làm việc cho sở cảnh sát Đặc khu Columbia,và tham gia vào đội này bởi vì cho dù Cục phụ trách chiến dịch, thì cũng chẳng hay cho lắm nếu không có sự tham dự của bất cứ cảnh sát nào của Đặc khu. Thường thì Lukas sẽ phản đối việc có một thành viên không thuộc FBI nằm trong đội của mình, nhưng cô lại tình cờ quen biết Hardy từ những lần anh ta làm nhiệm vụ ở văn phòng Cục gần Tòa thị chính và chẳng ngại sự hiện diện của anh ta, miễn là anh ta làm đúng như bản tính từ trước đến giờ: ngồi lặng lẽ một mình và không làm phiền người lớn.
“Sao gã đến muộn nhỉ?”, Hardy lại phát biểu, rõ ràng chẳng hề trông chờ câu trả lời. Hai bàn tay không tỳ vết của anh ta, với những móng tay được cắt tỉa hoàn hảo, tiếp tục viết từng mẩu ghi chú cho bản báo cáo sẽ gửi tới Cảnh sát trưởng Đặc khu và ngài thị trưởng.
“Có gì không?”, cô quay đầu rồi thì thào gọi Tobe Geller. Cậu ta là một đặc vụ trẻ với mái tóc xoăn, đóng bộ quần bò và áo khoác gió màu xanh hải quân có thể lộn ngược lại y hệt như Lukas đang mặc.
Geller cũng trạc tuổi ba mươi và có khuôn mặt hoan hỉ tuyệt đối của một cậu bé chỉ biết tìm vui trong những sản phẩm gắn vi mạch. Cậu ta liếc qua ba màn hình xách tay trước mặt mình. Rồi gõ vài nút trên bàn phím laptop trước khi đọc màn hình. “Không”, cậu ta trả lời. Nếu có bất kỳ sinh vật nào to hơn gấu trúc Mỹ trong vòng bán kính một trăm mét quanh túi tiền chuộc, các thiết bị theo dõi của Geller sẽ phát hiện ra ngay.
Khi ngài thị trưởng duyệt phương án trả tiền chuộc, khoản tiền ấy đã đi một đường vòng mới tới được địa điểm đặt. Lukas và Geller yêu cầu trợ lý của ngài Kennedy đưa tiền tới một địa chỉ trên phố Ninth trong Đặc khu, một gara nhỏ không ai để ý đến, nằm ở đầu phố đặt các trụ sở của FBI.
Tại đây, Geller đã nhét tiền vào hai chiếc ba lô to kiểu KL- 19 của hãng An ninh Burgess, chất liệu của chúng trông như vải thường nhưng thực ra được dệt bằng các sợi đồng bị oxi hóa, một loại ăng-ten vô cùng hiệu quả. Hệ thống phát tín hiệu được giấu trong quai đeo bằng sợi nhựa dẻo, còn pin thì nằm trong những nút nhựa dưới đáy ba lô. Chiếc túi ấy phát tín hiệu cho Hệ thống Định vị Toàn cầu rõ nét hơn cả kênh chính thức của đài CBS, hơn nữa nó lại còn xuyên thủng được tất cả các cấu trúc trừ kim loại dày hàng chục phân.
Geller cũng gói lại bốn mươi cuộn tiền một trăm đô la bằng giấy gói do chính cậu ta thiết kế. Mặt trong giấy là những vi mạch phát tín hiệu. Cho dù tên tội phạm có chuyển tiền từ trong túi vải ra hay chia nhỏ cho nhiều người mang thì Geller vẫn có thể truy theo số tiền trong vòng bán kính tận chín mươi sáu kilomet.
Chiếc túi đã được bỏ lại trên bãi cỏ đúng như bức thư chỉ dẫn. Tất cả đặc vụ đều đã lùi ra xa. Và cuộc phục kích bắt đầu.
Lukas hiểu rõ hành vi cơ bản của bọn tội phạm. Những tên tống tiền và bắt cóc thường tỏ ra hèn nhát trước khi đi lấy tiền chuộc. Nhưng bất kỳ kẻ nào cả gan giết hại hai mươi ba con người cũng sẽ không lùi bước ngay giây phút này. Cô không thể hiểu nổi tại sao tên hung thủ lại chẳng hề tới gần chỗ thả tiền.
Cô đang đổ mồ hôi; thời tiết ấm áp kỳ lạ so với ngày cuối năm và bầu không khí ngọt ngào đến phát bệnh. Tựa hồ mùa thu vậy. Margaret Lukas ghét mùa thu. Cô thà nằm trong tuyết còn hơn phục kích giữa thời tiết trong lành kiểu này.
“Mi ở đâu?”, cô lẩm bẩm. “Ở đâu chứ?” Cô khẽ lắc lư người, cảm nhận cái nhói ở hai bên xương hông. Tuy có cơ bắp, nhưng cô rất gầy, mà lại chẳng có mấy đệm lót để bảo vệ cơ thể trước mặt đất cứng ngắc này. Cô buộc phải nhìn ra bãi cỏ lần nữa, cho dù các cảm biến phức tạp của Geller sẽ phát hiện ra bất kỳ kẻ tình nghi nào trước khi đôi mắt xanh xám của cô kịp trông thấy.
“Hừm.” c. p. Ardell, viên đặc vụ to lớn mà Lukas đã có vài dịp làm việc cùng, siết chặt tai nghe của mình và nghe ngóng. Gật cái đầu hói trắng lóa, anh liếc nhìn Lukas. “Đó là vị trí Chariie. Không có ai qua lại con đường trong rừng cả.”
Lukas gầm gừ. Có lẽ cô đã sai. Cô đã tưởng kẻ tình nghi sẽ đi từ phía tây tới chỗ lấy tiền, men theo hàng cây cách đường cao tốc khoảng tám trăm mét. Cô tin rằng gã sẽ lái một chiếc Hummer hay Range Rover. Gã sẽ giật lấy một trong hai chiếc túi, hy sinh chiếc còn lại vì bản thân, rồi biến mất vào rừng.
“Còn vị trí Bravo?”, cô hỏi.
“Tồi sẽ kiểm tra”, c. p. nói. Anh thường xuyên phải làm cảnh sát chìm, bởi vẻ ngoài không may lại giống với một tên chưng cất ma túy ở Manassas hay thành viên không chính thức của Thiên thần Địa ngục. Dường như anh là người kiên nhẫn nhất trong số tất cả các đặc vụ tham gia phục kích; thậm chí chưa hề nhúc nhích tấm thân một trăm hai lăm cân của mình lấy một phân kể từ khi họ tới đây. Anh gọi điện cho người gác ở rìa xa nhất phía nam.
“Không có gì. Chỉ có bọn frẻ con đi xe bốn bánh. Chẳng đứa nào lớn hơn mười hai”.
“Người của ta không đuổi chúng đi đấy chứ?”, Lukas hỏi. “Bọn trẻ ấy?”
“Không.”
‘Tốt lắm. Đảm bảo là họ không được đuổi chúng đi nhé.”
Thêm nhiều phút trôi qua. Hardy vẫn đang viết ghi chú. Geller thì tiếp tục gõ bàn phím. Cage bồn chồn nhưng c. p. thì không.
“Vợ ông có bực không?”, Lukas hỏi Cage. “Vì ông làm việc cả ngày lễ ấy?”
Cage nhún vai. Đó là cử chỉ yêu thích của ông. Ông có cả đống từ vựng cho các kiểu nhún vai. Cage là đặc vụ cấp cao ở trụ sở FBI và mặc dù công việc buộc ông phải đi khắp đất nước, nhưng ông vẫn chuyên phụ trách các vụ án liên quan đến Đặc khu. Ông cũng thường làm việc với Lukas, cả với sếp của cô, trưởng phân cục ở văn phòng Washington, D.c. Mặc dù vậy, SAC (Special Agent in Charge (đặc vụ đặc biệt chỉ huy), trưởng phân cục) Ron Cohen vô tình lại đang ở vùng rừng nhiệt đới Brazil, kỳ nghỉ đầu tiên của ông trong suốt sáu năm qua nên Lukas đã đảm trách vụ việc lần này. Chủ yếu là nhờ lời tiến cử của Cage.
Cô cảm thấy buồn thay cho Cage, cho Geller và c. p. vì phải làm việc vào ngày lễ. Họ có người yêu hay vợ để hẹn hò đêm nay. Còn về phần Len Hardy, cô mừng vì anh ta ở đây; anh ta có nhiều lý do chính đáng để tự làm mình bận rộn trong các ngày lễ, và đây chính là một trong những lý do cô hoan nghênh anh ta có mặt trong đội METSHOOT.
Chính Lukas cũng có một ngôi nhà ấm cúng ở Georgetown, nơi chất đầy đồ gỗ cổ, ren rúa và đồ thêu cùng chăn chần tự mình thiết kế, một bộ sưu tập rượu lộn xộn, gần năm trăm cuốn sách, hơn một ngàn đĩa CD và con chó Labrador lai của cô, Jean Luc. Trải qua những tối nghỉ lễ ở đó sẽ rất tuyệt, mặc dù trong suốt ba năm sống ở đấy, Lukas chưa từng làm vậy. Cho đến khi máy nhắn tin báo việc cô được thăng chức lên làm chỉ huy tạm quyền trong vụ METSHOOT, cô đã định sẽ dành toàn bộ đêm nay để canh chừng người tố cáo Uy ban Giáo dục, Gary Moss, người đã làm dấy lên vụ bê bối nhận tiền lót tay khi xây dựng trường học. Chiếc máy thu âm gắn trên người Moss đã thu được rất nhiều mẩu đối thoại có thể dùng làm bằng chứng buộc tội. Nhưng ông ta đã bị phát hiện và ngay ngày hôm sau, nhà ông ta liền bị đánh bom, còn con gái ông ta thì suýt chết. Moss đã gửi gia đinh về ở với họ hàng ở Bắc Carolina và trải qua cuối tuần trước dưới sự bảo vệ của Cục điều tra liên bang. Lukas phụ trách cả việc bảo vệ ông ta lẫn cuộc điều tra vụ đánh bom. Nhưng rồi Digger xuất hiện và lúc này, Moss chỉ còn là một lữ khách buồn tẻ trong căn hộ chung cư đắt tiền được giới hành pháp nhắc đến với cái tên trụ sở “phố Ninth” của FBI.
Cô lại nhìn cánh đồng lần nữa. Không có dấu hiệu của tên tống tiền.
“Có khi hắn đang quan sát chúng ta”, một đặc vụ tác chiến đang ngồi xổm đằng sau cái cây nói “Cô muốn chúng tôi quét một vòng không?”
“Không.”
“Chu trình chuẩn đấy”, anh ta khăng khăng. “Chúng tôi có thể dùng năm, sáu chiếc xe để đánh lạc hướng. Nghi phạm sẽ không bao giờ phát hiện ra.”
“Quá mạo hiểm”, cô nói.
“Cô chắc chứ?”
“Tôi chắc.”
Những câu trả lời cộc lốc như thế đã khiến Lukas bị mang tiếng kiêu căng ở Cục. Nhưng cô tin rằng kiêu ngạo không nhất thiết là một tật xấu. Nó khiến cấp dưới tin cậy ở cô hơn. Nó cũng khiến các sếp để ý đến cô hơn.
Mắt cô ánh lên khi một giọng nói vang lên trong tai nghe gọi tên cô.
“Nói đi”, cô nói vào chiếc micro khi nhận ra giọng kia là của phó giám đốc Cục điều tra.
“Chúng ta có một vấn đề”, ông ta nói.
Cô ghét làm bộ làm tịch. “Là gì?”, cô hỏi, không buồn quan tâm đến giọng nói gay gắt của mình.
Vị phó giám đốc nói, “Đã xảy ra một vụ đâm người rồi bỏ chạy gần Tòa thị chính cách đây chưa lâu. Đàn ông da trắng. Gã chết rồi. Không có thẻ căn cước. Không có bất kỳ thứ gì, ngoài một chìa khóa căn hộ, không địa chỉ, và ít tiền mặt. Viên cảnh sát tới hiện trường đã nghe về vụ tống tiền, và vì tai nạn xảy ra gần Tòa thị chính, anh ta nghĩ hai sự việc có thể liên quan đến nhau”.
Cô hiểu ngay lập tức. “Họ đã so sánh dấu vân tay?”, cô hỏi. “Vân tay gã và vân tay trên bức thư tống tiền là một?”
“Đúng vậy. Người đã chết chính là kẻ viết bức thư, đồng phạm của tên giết người.”
Lukas nhớ lại một phần bức thư. Đại loại là: Nếu ông giết tôi, hắn sẽ tiếp tục giết chóc. Không điều gì có thể ngăn cản được Digger…
“Cô phải tìm ra tên xạ thủ, Margaret ạ”, phó giám đốc nói. Có một khoảng ngừng rõ rệt khi ông ta cúi nhìn đồng hồ. “Cô phải tìm ra hắn trong ba tiếng nữa”.
o O o
Thứ này là thật sao? Parker Kincaid tự hỏi.
Anh cúi đầu trên tờ giấy hình chữ nhật, nhìn qua chiếc kính lúp phóng đại gấp mười lần nặng trịch trên tay mình. Joan đã rời đi từ vài giờ trước nhưng tác động của cuộc viếng thăm ấy, tai họa ấy, vẫn còn váng vất, cho dù anh có cố gắng vùi mình vào công việc đến mấy.
Bức thư anh đang nghiên cứu, viết trên giấy màu vàng, đã được nhét vào trong bao nhựa mỏng và dai, nhưng khi đưa nó đến gần, anh vẫn hết sức thận trọng. Giống như cách người ta chạm vào khuôn mặt bụ bẫm đỏ au của một đứa bé. Anh điều chỉnh ánh sáng và tập trung vào nét móc bên dưới những chữ y viết thường.
Nó có phải thật không nhỉ?
Có vẻ như thế. Nhưng trong nghề nghiệp của mình, Parker Kincaid không bao giờ tin cậy quá nhiều vào vẻ bề ngoài.
Anh rất muốn chạm vào tài liệu này, để cảm nhận lớp giấy ít bị can thiệp bằng axít tới mức nó có thế tồn tại lâu như thép. Anh muốn cảm nhận những đường gợn rất nhẹ của lớp mực muối sắt, mà dưới những ngón tay nhạy cảm của anh thì chúng chẳng khác nào chữ nổi cho người mù. Nhưng anh không dám lôi tấm giấy ra khỏi bao nhựa; ngay cả chút đầu nhỏ nhất từ hai bàn tay cũng có thể ăn mòn những chữ cái mỏng manh này. Và đó sẽ là một thảm họa vì nó có giá trị tới năm mươi ngàn đô.
Nếu nó là hàng thật.
Ở trên gác, Stephie vẫn đang lèo lái anh chàng Mario trong vũ trụ siêu thực của chàng. Robby thì đang ngồi dưới chân Parker cùng với Han Solo và Chewbacca (nhân vật trong phim Star war). Phòng làm việc dưới tầng hầm là một nơi ấm cúng, ốp bằng gỗ tếch và trải thảm màu xanh của rừng cây. Trên khắp các bức tường là những tài liệu được đóng khung, những vật có giá trị thấp hơn trong bộ sưu tập của Parker. Thư của Woodrow Wilson, FDR, Bobby Kennedy, nghệ sĩ Charles Russell của Old West. Rất nhiều thứ khác nữa. Trên một bức tường khác là những thứ giả mạo mà Parker vô tình bắt gặp trong nghề nghiệp của mình.
Tuy nhiên, bức tường yêu thích của Parker lại đối diện với chiếc ghế anh đang ngồi. Bức tường đó chứa các bức vẽ và thơ của các con anh trong suốt tám năm qua. Từ những chữ cái ngoằn ngoèo không đọc nổi tới mẫu chữ viết thảo của từng đứa. Anh thường nghỉ giữa lúc đang làm việc và ngắm nghía chúng. Việc làm ấy đã cho anh ý tưởng viết một cuốn sách về chuyện chữ viết tay phản ánh sự phát triển của trẻ nhỏ như thế nào.
Lúc này, anh đang ngồi trên chiếc ghế thoải mái cạnh cái bàn nghiên cứu màu trắng không chê vào đâu được. Căn phòng hoàn toàn yên tĩnh. Thường thì anh bật đài để nghe nhạc jazz hay nhạc cổ điển. Nhưng ở Đặc khu đang có một vụ xả súng kinh hoàng và tất cả các đài đều đang phát bản tin đặc biệt về vụ giết người ấy. Parker không muốn Robby nghe được chuyện đó, đặc biệt là sau những hồi tưởng của thằng bé về Người chèo thuyền.
Anh gò lưng trên bức thư một cách háo hức, y như nhà buôn đá quý đang tán thưởng một viên đá màu vàng xinh đẹp, dù sẵn sàng tuyên bố nó là giả nếu anh ta phát hiện ra, nhưng vẫn âm thầm hy vọng đấy là một viên hoàng ngọc quý hiếm.
“Cái gì đó ạ?”, Robby hỏi trong lúc đứng nhìn lá thư.
“Cái do xe tải mang đến ngày hôm qua ấy”, Parker trả lời và nheo mắt trong lúc kiểm tra một chữ K viết hoa. Chữ cái này có thể được viết theo nhiều cách khác nhau, do đó, nó rất hữu dụng đối với nhà phân tích chữ viết
“Ồ, cái xe bọc thép. Hết xảy!”
Đúng là rất tuyệt. Nhưng nó không phải câu trả lời cho câu hỏi của thằng bé. Parker trả lời tiếp. “Con có biết Thomas Jefferson không?”
Vị tổng thống thứ ba. Ồ, ông ấy cũng sống ở Virginia như chúng ta.”
“Giỏi. Đây là một bức thư mà người ta nghĩ là do ông ấy viết. Họ muốn ba kiểm tra để cho chắc.”
Một trong những cuộc hội thoại khó khăn của Parker với Robby và Stephie là giải thích công việc kiếm cơm của anh. Không phải cách giải thích về mặt kỹ thuật của một nhà phân tích tài liệu nghi vấn. Mà đa phần mọi người hay giả dạng các lá thư và tài liệu rồi cố bảo chúng là thật.
‘Trong thư nói gì ạ?”, thằng bé hỏi
Parker không trả lời ngay. Với anh, những câu trả lời rất quan trọng. Rốt cuộc, anh là một bậc thầy trong lĩnh vực giải đố, niềm yêu thích suốt đời của anh là các câu đố và trò ô chữ cùng các trò cân não khác. Anh tin vào lời giải và cố không bao giờ trì hoãn trả lời câu hỏi của các con mình. Khi một ông bố, bà mẹ nói, “Để sau nhé”, thường là họ nói thế để tiện cho mình, hy vọng rằng đứa trẻ sẽ sớm quên câu hỏi đó đi. Nhưng nội dung của bức thư này khiến anh phải ngập ngừng. Sau một vài phút, anh nói, “Đây là lá thư Jefferson gửi cho con gái cả của ông”. Phần này vẫn là sự thật. Nhưng Parker đã không nói tiếp với con trai rằng chủ đề của bức thư là về Mary, con gái thứ của ngài tổng thống, cô gái đã chết vì các biến chứng khi sinh nở, giống như vợ ông mấy năm trước đó. Parker đọc:
00004.jpg
Với tư cách là nhà phân tích tài liệu có chứng chỉ hẳn hoi, Parker đã phải vật lộn để không cảm thấy buồn khi đọc những dòng này. Tập trung nào, anh tự nói với mình, mặc dù hình ảnh thê thảm của một người cha bị tước đoạt đứa con cứ liên tục làm anh phân tâm.
Một màn sương âu sầu..
Tập trung nào.
Anh cũng quan sát thấy biệt danh của cô gái trong bức thư chính là cách Jefferson hay dùng, tên cúng cơm là “Mary” nhưng cô gái được gia đình gọi yêu là “Polly”, và cả cái cách đánh dấu chấm lửng rất đặc trưng của ngài tổng thống. Những chi tiết ấy là bằng chứng về tính xác thực của bức thư. Cả những sự kiện được nhắc đến trong thư cũng vậy; chúng thật sự đã xảy ra trong cuộc đời của Jefferson và đúng vào khoảng thời gian bức thư này được viết ra một cách công khai.
Phải, về mặt câu chữ mà nói, lá thư này là thật.
Nhưng đó chỉ là phân nửa câu đố. Các nhà giám định tài liệu không đơn thuần là những nhà ngôn ngữ hay sử gia, họ còn là nhà khoa học. Parker vẫn phải giám định vật lý với bức thư này nữa.
Khi anh chuẩn bị đặt nó dưới một trong những chiếc kính hiển vi phức hợp Bausch & Lomb của mình thì chuông cửa lại reo.
Ôi không… Parker nhắm mắt. Là Joan. Anh biết mà. Cô ta đã đón được mấy chú chó và giờ thì trở lại để làm đời anh thêm phức tạp. Có lẽ cô ta còn đi cùng nhân viên xã hội nữa. Một cuộc công kích bất ngờ.
“Để con mở cửa cho”, Robby nói.
“Không!”, Parker vội ngăn. Quá nhanh. Thằng bé bỗng mất tinh thần trước phản ứng đột ngột của anh.
Ông bố cười với cậu con trai. “Để ba!” Và trượt khỏi chiếc ghế đẩu, trèo lên cầu thang.
Giờ anh thật sự điên tiết rồi. Anh quyết định rằng bọn Who của anh sẽ có một ngày cuối năm vui vẻ, bất chấp mẹ của chúng. Anh mở toang cửa.
Ái chà…
“Chào Parker!”
Mất mấy giây anh mới nhớ ra tên của người đàn ông cao ráo và tóc xám trước mặt. Anh đã không gặp ông ta hàng năm trời rồi.”Cage.”
Anh không nhận ra người phụ nữ đang đứng cạnh ông ta.