Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh

12. Hoạt động ở Trung Quốc



Hè – thu năm 2005

Trung Quốc là cơ hội lớn nhất cho sự phát triển của bất kỳ công ty nào trong thế kỷ XXI.

—KAI-FU LEE, HOẠT ĐỘNG Ở TRUNG QUỐC

Dù cuộc tranh luận giữa Microsoft, Google và tôi giải quyết như thế nào thì người thắng cuộc cuối cùng vẫn là thế hệ trẻ Trung Quốc và đất nước Trung Quốc.

–KAI-FU LEE PHÁT BIỂU TRÊN TRANG WEB CÁ NHÂN

Một lần nữa Kai – Fu lại xuất hiện. Theo dấu chân ông từ năm 1998, khi ông đặt trụ sở cho phòng nghiên cứu Microsoft, thì trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của Google có thể cũng được đặt tại Trung Quan Thôn của Bắc Kinh, ngay cạnh khuôn viên Đại học Thanh Hoa. Ít nhất đó là lời đồn đại từ MSR Châu Á trong suốt sáu tháng cuối năm 2005. Hai tổ chức này được đặt khá gần nhau. Trung tâm nghiên cứu của Google rất gần với trường đại học kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc – có tính chất tượng trưng hơn là khoảng cách địa lý – không thể thua Microsoft vốn đã rất khôn ngoan trong cuộc cạnh tranh với giám đốc của họ.

Trong chuyến đi tới Trung Quốc hồi tháng 7, Lee đã tìm ra vị trí cho trung tâm mới – nhưng vì ông đang có lệnh cấm tạm thời không được làm việc với Google nên việc này bị rơi vào quên lãng. Tháng 9, khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Lee quay lại Trung Quốc và dốc sức làm việc này.

Phiên tòa tháng 1 còn chưa xét xử vì vậy Lee vẫn tránh tham gia trực tiếp vào tất cả các vấn đề, ngoại trừ những nhận xét chung trước công chúng. Tuy nhiên, qua lời khai trước tòa, cũng như những ghi nhận của ông về việc thành lập phòng nghiên cứu Microsoft, Lee đã nảy ra một ý tưởng hay về điều ông muốn làm cho Google và cách thức tiến hành. Quan trọng hơn, ông đưa ra nền tảng cho bất cứ công ty nào muốn hoạt động tại Trung Quốc.
Kế hoạch ban đầu là Lee dành khoảng hai đến ba tháng tại trụ sở Mountain View của Google – xem xét kỹ lưỡng về định hướng của công ty, làm quen với việc quản lý cấp cao, lập thời gian biểu xây dựng và tuyển dụng nhân sự cho trung tâm mới. Lee sẽ dành thời gian định hướng cho các chuyến đi nhanh tới Trung Quốc để giám sát tiến độ ban đầu – sau đó, vào cuối năm 2005, ông quay lại để kiểm tra việc xây dựng và tuyển dụng nhân sự. Lee đã chỉ ra trong các tài liệu trước tòa rằng ông tin là sẽ nhận được hơn 20.000 đơn xin việc – chủ yếu là từ sinh viên và quá trình phỏng vấn sẽ kéo dài suốt năm. Vào mùa hè năm tới thì hầu hết các nhân viên mới tốt nghiệp, vì vậy ông không nghĩ là trung tâm Google sẽ đạt đủ số lượng cho đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2006. Lee nói trước tòa: “Ngay sau khi trung tâm khai trương, tôi sẽ tới Trung Quốc để định cư cùng gia đình với cương vị là chủ tịch của Google tại Trung Quốc.”

Lee đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của Trung Quốc. Đất nước này đã lôi cuốn Microsoft, Google và rất nhiều các công ty đa quốc gia khác rót vốn vào. Không chỉ vậy, những công ty có định hướng tương lai nhận thấy năng lực đổi mới của một quốc gia với 1,3 tỷ dân vốn rất tôn trọng học vấn và là nơi hội tụ rất nhiều người thành đạt. Ông tiếp tục, “Nếu bạn là số một trong số 1 triệu người dân ở Trung Quốc thì có tới 1.300 người giống như bạn.” Tài năng nằm trong những con số đại diện cho cơ hội tuyển dụng nhân sự của các tập đoàn nước ngoài – họ hy vọng thu hút được những người tài giỏi nhất Trung Quốc với mức lương cao nhất, với sự đào tạo tầm cỡ quốc tế và nguồn tiềm năng tuyệt vời để làm nên những sản phẩm và công nghệ có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại – điều mà khó có công ty Trung Quốc nào đạt được.

Thị trường việc làm ở Trung Quốc đang có chiều hướng đi lên – từ sản xuất với chi phí thấp tới phát triển công nghệ cao, xa hơn nữa là tiến tới nghiên cứu cấp cao và đổi mới toàn cầu. Để thành công ở Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải đối mặt với thách thức phức tạp hơn nhiều so với quá khứ. Nó không đơn giản là đem đến việc làm và vốn đầu tư. Các công ty phải sẵn sàng chia sẻ hiểu biết của mình. Họ phải đầu tư vào hệ thống giáo dục Trung Quốc, cung cấp việc đào tạo quản lý, khuyến khích mọi người tiến lên. Quan trọng nhất là phải biết gieo hạt ngắn ngày trong thế cạnh tranh tương lai. “Không chỉ giúp những hệ thống cũ phát triển mà còn phải đưa ra những ý tưởng mới và suy nghĩ độc đáo. Phải làm việc ở nhiều cấp độ – ở cả chính quyền địa phương và chính quyền trung ương” – đó là lời khuyên của Vũ Uy, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, trong buổi lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Microsoft năm 1998.

Cách đây gần một thập kỷ, Rick Rashid, Dan Ling và Nathan Myhrvolk đã nhận ra những thiếu sót của Microsoft trong rất nhiều những lĩnh vực. Trong lúc phải vật lộn với các hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc họ đã phải cầu cứu đến Lee. Đó được coi như một hành động khôn ngoan. Lee đã chỉ ra lối đi xán lạn hơn cho Microsoft. Nắm được cơ hội, công ty đã xây được một Trung tâm Nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và mở ra một thế hệ mới những ngôi sao như Ya -Qin Zhang, HongJiang Zhang, Harry Shum, Hsiao – Wuen Hon và một số nhà cải cách lớn lên ở Trung Quốc như Jian Wang và Zheng Chen. Họ không chỉ thành công ở Trung Quốc mà còn vuơn ra thế giới – đặc biệt là ở Redmond. Họ ngày càng trở nên không thể thiếu trên bước đường thành công trong tương lai của Microsoft.

Bây giờ Google yêu cầu Lee lập lại những thành công mà ông đã làm cho Microsoft. Tất nhiên sẽ có một vài điểm khác nhau trong kế hoạch của Lee đối với người khổng lồ về phương tiện tìm kiếm này. Không giống như Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh của Microsoft có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu cơ bản trong thời gian năm năm hoặc hơn từ việc thương mại hóa, Trung tâm Google được định hướng nhanh chóng sẽ đưa những công nghệ mới vào thương mại. Lee nói trước tòa: “Trong khi tôi làm việc ở phòng nghiên cứu Microsoft tại Trung Quốc, công việc chủ yếu của tôi là tập trung quản lý và công bố những sản phẩm nghiên cứu về học thuật. Tôi cho là Trung tâm Google chỉ tập trung phát triển sản phẩm chứ không phải là công bố những nghiên cứu học thuật …” Lee không biết điều ông nói sẽ dẫn tới điều gì – nhưng câu nói của ông khẳng định sự nghi ngờ của HongJiang Zhang rằng vị sếp cũ này sẽ cạnh tranh với ATC hơn Trung tâm Microsoft.

Vậy Lee sẽ làm thế nào? Thành tích của Lee trong việc thành lập Trung tâm Microsoft là một dấu hiệu tốt cho Google đặt kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển đứng vững ở Trung Quốc. Google được đặt trụ sở ở Bắc Kinh, gần với chính phủ, các trường đại học hàng đầu và các bộ chủ chốt. Tuyển dụng nhân viên cấp cao từ Mỹ, nhất là những người được sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc hoặc Đài Loan, họ hiểu biết về nền văn hóa và muốn được quay về tổ quốc để tư vấn cho các nhân viên mới vừa tốt nghiệp đại học. Dành thời gian và thiết bị cho các trường đại học hàng đầu, không chỉ có lợi cho Google mà còn cho nghành giáo dục và công nghiệp nước nhà.

Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khác nữa. Khi còn làm việc tại Microsoft với vai trò là thành viên chủ chốt của ban cố vấn ở Trung Quốc, Lee đã viết một cuốn sách trắng tóm tắt triết lý sống của ông ở Trung Quốc. Cuốn sách tuy chỉ tóm lược những chiến lược mà ông đã đeo đuổi khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, nhưng nó đề cập nhiều đề tài nghiên cứu, những thành công cũng như thất bại ở Microsoft và các công ty khác. Rất nhiều cố vấn quản lý và các học giả Trung Quốc đã xuất bản những cuốn sách tương tự nói về hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, thậm chí Lee còn mượn một số ví dụ của họ trong bài viết của mình. Dù vậy, rất ít người mổ xẻ được những vấn đề mang tính phê phán sắc sảo như Lee. Microsoft coi Making It in China (Hoạt động ở Trung Quốc) như là một tài liệu quan trọng. Khi người ta phát hiện Lee gửi bản báo cáo này qua mail cho Eric Schmidt – giám đốc điều hành Google khi ông vẫn đang làm cho Microsoft, nó trở thành bằng chứng chống lại cựu nhân viên này, chứng minh Lee chống lại Microsoft.
Lee nói với các tác giả là bản báo cáo của ông gồm hai bản chính. Bản gốc được viết vào cuối năm 2003 có nhan đề Making It China: Strategic Recommendations For Microsoft (Hoạt động ở Trung Quốc: Những kế hoạch chiến lược cho Microsoft). Bản thứ hai hoàn thành vào khoảng tháng 2 năm 2004, là bản chung và ông có thể gửi cho bất cứ ai ngoài công ty. Ông bóc tem độc quyền Microsoft cắt bỏ hai chương về những lời khuyên đặc biệt dành cho Microsoft và ẩn dưới một cái tên đơn giản là Making It in China (Hoạt động ở Trung Quốc). Thậm chí không có lời giới thiệu về Microsoft, nó vẫn rất ấn tượng – bao gồm cả phần phụ lục nêu chi tiết những điểm mạnh, điểm yếu của chín công ty từng thành công ở Trung Quốc, một vài trong số họ là đối thủ của Microsoft. Tháng 7 năm 2005, Lee gửi một bản cho Schmidt – sau đó ông nói ở phiên tòa là ông gửi nó không phải tiết lộ bí mật mà là để Google chắc chắn đồng ý với triết lý kinh doanh của ông ở Trung Quốc. Cùng ngày hôm đó Lee gửi cả bản sao cho các tác giả khác.

Trong bản báo cáo dài 23 trang Lee viết: “Với nền kinh tế đang bùng nổ, nguồn nhân tài chưa được khai thác, thị trường trong nước đang phát triển, Trung Quốc tạo ra những cơ hội kinh doanh khổng lồ mang tầm quan trọng chiến lược cho các công ty. Trung Quốc là cơ hội lớn nhất cho bất cứ một công ty nào muốn phát triển trong thế kỷ XXI.”
Trong bản báo cáo đã được nghiên cứu cẩn thận, Lee đưa ra sáu “thách thức” đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc – và những “kế sách” phù hợp mà tất cả các công ty nước ngoài phải thực hiện, “nếu không họ sẽ bị đào thải”. Đây không phải là bài hay: nhiều thách thức và kế sách bị lặp lại, đôi khi giống nhau, thỉnh thoảng thì đối lập. Tuy nhiên, báo cáo đó vẫn rất hấp dẫn người đọc và mang lại cho họ một kế hoạch rõ ràng để tiến tới thành công ở Trung Quốc. Các bản báo cáo tiếp theo đều là những bản tóm lược hoặc diễn giải. Để người đọc dễ hiểu hơn, không giống với bản gốc, mỗi thách thức đều được kèm theo một kế sách thành công.
THÁCH THỨC 1: NHỮNG NGHI THỨC NGOẠI GIAO VÀ MỐI QUAN HỆ KỲ LẠ

Lee viết: “Văn hóa Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng của niềm tin, các mối quan hệ và sự tôn trọng lẫn nhau. Để gây dựng niềm tin phải mất một thời gian dài nhưng lại có rất nhiều cách để phá vỡ niềm tin, chẳng hạn như: biểu hiện sự thiếu tôn trọng, không bày tỏ thiện chí khi nhận được sự ưu ái, không tuân theo những nghi lễ ngoại giao, hạ mình, ép buộc hay nhắc đi nhắc lại những vấn đề gây tranh cãi.” Ông khuyên: Niềm tin được xây dựng bằng lời hứa và thực hiện lời hứa. Nhưng tốt hơn cả là không nên hứa gì thay vì “hứa quá nhiều mà không thực hiện được”.

(Điều này viết vào cuối năm 2003, rất dễ nhận ra đây là lời chỉ trích cam kết của Microsoft trong năm 2002 – là sẽ cung ứng 100 triệu đô-la để đánh giá và phát triển phần mềm, cam kết này đã không được thực hiện).
Kế sách 1: Học các nghi thức giao tiếp và củng cố các mối quan hệ dựa trên niềm tin
Lee nhấn mạnh rằng xây dựng các mối quan hệ với chính quyền các cấp ngay từ đầu là vô cùng quan trọng, thậm chí còn đi tìm lời khuyên dù điều đó không thật sự cần thiết. Tìm ra con đường để tiến xa hơn các tập đoàn khác cũng là điều vô cùng quan trọng. Motorola đánh giá cao quan hệ với Bắc Kinh bằng cách phái nhân viên cấp cao tới Trung Quốc để tham dự các cuộc họp cấp cao tại thời điểm dịch SARS hoành hành. Lee chỉ ra: “Công ty này cũng theo kịp ý tưởng đổi mới nhằm tiến xa hơn các chương trình MBA do các trường đại học Trung Quốc thành lập cho quan chức chính phủ, đó là các chương trình đào tạo “tiến sĩ quản trị” trong quan hệ đối tác với trường đại học hàng đầu Hồng Kông. Motorola đặt cược vào thành công này bằng cách cử các nhà điều hành cấp cao của họ tới các lớp học dành cho quan chức chính phủ. Đây chính là cơ hội có một không hai cho việc thiết lập các mối quan hệ. Lee kết luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Motorola vẫn là công ty số một – hầu hết người dân Trung Quốc coi đó là một công ty Trung Quốc.”
THÁCH THỨC 2: ĐÓNG GÓP TRƯỚC VÀ HƯỞNG LỢI SAU
Theo Lee, người dân Trung Quốc có cái nhìn thân thiện đối với những tập đoàn đã giúp Trung Quốc thành công, đồng thời phản đối việc chỉ chú ý tiếp cận thị trường tiềm năng rộng lớn này. Các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) nên đưa ra những cam kết lâu dài, giúp đất nước này thì thường xuyên nhận được những phần thưởng xứng đáng, cả về cơ hội tiếp cận với các thị trường và các nguồn nhân lực. Ông viết: “Các bạn sẽ được hưởng lợi, còn số khác sẽ chìm vào quên lãng.”

Đối với một tập đoàn, cam kết của họ thật sự có thể hướng tới thành công lâu dài ở Trung Quốc hơn các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực có thể được bù đắp. “Trung Quốc không hề do dự khi chọn một người bạn trong lĩnh vực công nghiệp và mang lại lợi ích cho họ.” Lee chỉ ra một ví dụ : “Ai cũng biết chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho Coca hơn Pepsi, cho Volkswagen hơn Toyota, cho Sony hơn Toshiba, cho Kodak hơn Fuji và cho Motorola hơn Ericsson. Tập đoàn nào không đưa ra được những cam kết lâu dài thì tập đoàn đó phải trả giá đắt cho tầm nhìn hạn chế của họ.”
Kế sách 2: Lập chiến lược cho những cam kết dài hạn

Đối với Trung Quốc, tiếp cận công nghệ còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Về căn bản, người Trung Quốc quan tâm đến việc thu hút vốn thông qua các mối quan hệ đối tác và liên doanh. Lee nói: “Bây giờ họ quan tâm nhiều đến các công ty sẵn sàng chuyển giao kiến thức về kỹ thuật và kinh doanh.” Các công ty phải thể hiện thiện chí làm chủ kỷ nguyên mới này và biết nhẫn nại chờ đợi sự đền đáp.

Motorola đã thành lập nhiều công ty liên doanh với Trung Quốc, bao gồm các cơ sở nghiên cứu – nơi thường xuyên hỗ trợ cho các trường đại học nước này. Tại thời điểm bản báo cáo của Lee xuất bản, công ty này đã kiếm được 20% trong tổng số doanh thu của các công ty ở Trung Quốc. Các tập đoàn công nghệ khác cũng hưởng lợi từ sách lược tương tự. Năm 1995, IBM mở một phòng nghiên cứu ở Trung Quốc, đóng góp hơn 100 triệu đô -la cả về phần cứng và phần mềm cho các trường đại học của đất nước này – bù lại họ có được một lượng lớn khách hàng. Ngược về quá khứ, năm 1985 Hewlett -Packard đã thành lập một công ty liên doanh Trung-Mỹ, tạo dựng quanh nó là các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ và marketing với chi phí rất cao. Lee viết : “HP Trung Quốc đang trở thành chi nhánh phát triển nhanh nhất của HP trên toàn thế giới, với doanh thu 1,2 tỷ đô- la trong năm 2001.”
THÁCH THỨC 3: THUÊ LÃNH ĐẠO GIỎI VÀ NUÔI DƯỠNG NHÂN TÀI BẢN ĐỊA

Một phần và toàn bộ việc gây dựng thiện chí cũng như các mối quan hệ lâu dài ở Trung Quốc chính là tạo ra những mô hình lãnh đạo giỏi nhằm phát triển người Trung Quốc thành các nhà quản lý. Mặc dù rất khó có thể thu hút các nhà lãnh đạo giỏi đến làm việc ở Trung Quốc, việc họ có mặt với cương vị là người đào tạo nhân tài bản địa là vô cùng quan trọng – đảm bảo chính phủ sẽ chấp nhận công ty. Lee viết: “MNCs không đánh giá đúng và phát triển tài năng bản địa, họ là những kẻ bóc lột.”
Kế sách 3: Nuôi dưỡng nhân tài bản địa và khả năng lãnh đạo

Rốt cuộc là chính phủ Trung Quốc muốn chứng kiến các nhân tài của họ lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài. Họ sẵn sàng đặt quan hệ với những cá nhân này, tin tưởng vào họ và dễ tin tưởng những cam kết của công ty mẹ đối với Trung Quốc. Trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc có nghị lực, hoạt bát và thông minh thì lại chưa có kinh nghiệm trong quy trình kinh doanh và kỹ năng lãnh đạo. Do đó điều quan trọng đối với các tập đoàn nước ngoài là tập trung đào tạo chuyên sâu cho nhân viên bản địa.

Siêu thị Carrefour có trụ sở tại Paris và là người khổng lồ “hypermarket”, tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Walmart, đã tuyển dụng các nhân viên Trung Quốc và yêu cầu họ trợ giúp các nhân viên Pháp, họ được thăng chức ngay sau khi họ đạt được kỹ năng mong muốn. Khi các nhân viên trưởng thành, có đầy đủ phẩm chất của người lãnh đạo, công ty trở thành tập đoàn bán lẻ đứng đầu ở Trung Quốc. Một trường hợp tương tự, lãnh đạo của Coca ở Trung Quốc là một người Trung Quốc, nhà sản xuất đồ uống này được tuyển dụng từ năm 1979, ông tiếp tục công việc với vai trò là giám đốc. Lee viết : “Bây giờ ông là đại biểu quốc hội, cũng là một một lãnh đạo kiểu mới và là tài sản giá trị của công ty.”
THÁCH THỨC 4: CHƠI THEO LUẬT THỊ TRƯỜNG CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Lee nhận xét: “Người Trung Quốc quyết định theo lý riêng của họ rằng họ sẽ áp dụng luật lệ nào và ai sẽ là người họ hợp tác.” Chính phủ cho là họ không có nghĩa vụ phải tiếp cận với thị trường rộng lớn và đang phát triển chóng mặt đơn giản là vì các công ty nước ngoài đã đưa ra những sản phẩm nổi tiếng hoặc đã có danh tiếng thật sự. Hơn nữa, Lee cũng cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường và chưa thiết lập được cơ cấu pháp lý và kinh doanh như các nước phát triển. “Môi trường này thường xuyên thay đổi và phi lý, vì vậy một trong những luật lệ của thị trường Trung Quốc là: luật lệ luôn thay đổi.”
Kế sách 4: Linh hoạt và cởi mở với nhu cầu và thực tiễn của bản địa

Việc thay đổi sản phẩm, thương hiệu và giá cả để phù hợp với thị trường bản địa khiến khách hàng và chính phủ rất hài lòng. Mặc dù Lee không nói ra nhưng kế sách này dường như đưa ra một thông điệp nữa cho Microsoft là trong suốt nhiệm kỳ của mình ở Trung Quốc, ông luôn bị chỉ trích vì không thể giảm giá thành phần mềm. Do giữ giá, hàng triệu người tiêu dùng không thể mua được sản phẩm, do đó các chuyên gia tin là Microsoft đã khuyến khích vi phạm bản quyền.

Lee viết: “Coca- Cola đã thành công trong việc tránh giả mạo thương hiệu bằng cách cho phép các công ty con ở Trung Quốc đặt giá thành sản phẩm thật thấp.” Chính điều đó đã tạo ra bước đệm để làm nên những sản phẩm đặc biệt cho Trung Quốc, thể hiện sự tôn trọng và giá trị của thị hiếu người dân, và hơn cả là đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
(Tất nhiên là ngành công nghệ phần mềm hoàn toàn khác với công nghệ sản xuất đồ uống và Microsoft đã phản đối, họ cho rằng những chỉ trích này đang “đổ lỗi cho nạn nhân” khi nói rằng giá cả của công ty đã khuyến khích vi phạm bản quyền. Thậm chí giới trí thức Trung Quốc còn tin là trong tuyên bố đó có rất nhiều sự thật – và ít nhất thì nó hàm ý rằng họ có thể mua phần mềm nếu họ có khả năng.)
THÁCH THỨC 5: NỀN KINH TẾ BẢN ĐỊA LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
“Trung Quốc kỳ vọng các công ty đa quốc gia thúc đẩy nền kinh tế trong khi tiếp cận với thị trường Trung Quốc, ngay cả khi MNCs là các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.” Theo Lee giải thích, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là không muốn phụ thuộc vào kinh tế phương Tây. Do đó, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001 thì chính phủ ban hành luật rất cụ thể là phải ưu tiên cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước. Mặc dù nghe có vẻ khác thường, nhưng việc giúp các công ty Trung Quốc phát triển các quy trình, phương pháp sản xuất và đào tạo là một trong những đóng góp lớn nhất và một công ty đa quốc gia có thể làm. Luật lệ này làm cho các công ty cạnh tranh trong nước chắc chắn có mức chi phí thấp hơn. Lee đưa ra lời khuyên, bí quyết của các công ty đa quốc gia là nâng cao giá trị bằng cách tự tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mang tính đổi mới. Ông cũng cảnh báo: “Nếu các công ty đa quốc gia phớt lờ việc này thì bị coi là chỉ chú ý đến lợi ích bản thân.”
Kế sách 5: Giúp xây dựng môi trường kinh doanh nội địa
Mục tiêu trước tiên của Trung Quốc là phát triển một nền kinh tế lớn mạnh, nơi mà các công ty trong nước có cơ hội phát đạt. Nghĩa là nơi đây sẽ cung cấp lực lượng lao động giá rẻ, chi phí sản xuất thấp nhằm phát triển xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao trong các lĩnh vực máy tính và dịch vụ. Lee nhấn mạnh: “Chia sẻ văn hóa kinh doanh, khái niệm quản lý, kỹ năng công nghệ thậm chí sẽ có ích hơn xây dựng lòng tin và hợp tác kinh doanh”.

Cả Coca- cola và KFC đã đào tạo các đối tác và nhà cung cấp bản địa về cách quản lý doanh nghiệp – những hoạt động mà Lee muốn ám chỉ là trả cổ tức cho các công ty. IBM đã giúp Tập đoàn Viễn thông Huawei tái sắp xếp và nâng cấp tổ chức của tập đoàn này, và khi Huawei phát triển, nó trở thành đối thủ hàng đầu của Cisco ở Trung Quốc. Đối với một tập đoàn hàng đầu như Microsoft, để hướng dẫn các các công ty bản địa về quá trình phát triển phần mềm cần phải đi một chặng đường khá dài mới có được điều kiện thuận lợi và cuối cùng đi đến thành công trong kinh doanh.
THÁCH THỨC 6: HÌNH ẢNH TỐT ĐẸP KHÓ CÓ THỂ NẮM BẮT
Một lần nữa Lee đưa ra vấn đề của Microsoft khi trình bày quan điểm của mình: đó là những kinh nghiệm của cựu giám đốc kinh doanh của Microsoft ở Trung Quốc, bà Juliet Wu. Công ty đã tiến cử bà làm giám đốc. Sau đó, Wu viết một cuốn tự truyện đánh gục vẻ ngạo mạn của tập đoàn và nắm được những chiến lược tiếp thị – khiến tập đoàn quay cuồng. “Microsoft Trung Quốc đã quảng cáo Juliet Wu như một nữ anh hùng và sự ra đi của bà đã nhấn chìm Microsoft.”
Nhưng Microsoft không phải là tập đoàn duy nhất ở Trung Quốc đang phải cố gắng xây dựng hình ảnh. Các mối quan hệ công chúng thật sự bấp bênh đối với các công ty đa quốc gia vì báo chí không được tự do ngôn luận, phương tiện truyền thông nơi đây dễ bị lôi kéo hơn báo chí phương Tây – khiến các tập đoàn dễ bị ảnh hưởng trong suy nghĩ của công chúng.
Kế sách 6: Xây dựng niềm tin từ một tổ chức thống nhất và khiêm nhường

Theo Lee nên dùng cách tiếp cận giản đơn trong PR: luôn khiêm tốn và quan tâm đến quan hệ đối tác với Trung Quốc, không nên khuếch trương về công ty. “Để tạo nên một hình ảnh tốt đẹp ở Trung Quốc, các công ty đã làm việc chăm chỉ nhằm duy trì thông điệp hợp tác nhất quán và một bản mô tả PR đơn giản chứ không phải là chiến dịch PR, họ tập trung chiếm lòng tin của đối tác từ trung ương đến địa phương. Doanh thu của hãng điện tử Philips Trung Quốc lớn hơn Microsoft 70 lần nhưng chi phí cho PR chỉ bằng một phần mười của Microsoft.

Lee cảnh báo là PR sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng không được xây dựng trên nền tảng của sự tin cậy và các mối quan hệ bền vững lâu dài. Để xây dựng lòng tin và các mối quan hệ, hãy vận dụng các kế sách trên.

Cuối cùng, thành công chính là nhờ thúc đẩy tốt các mối quan hệ. Nó không phải là chủ nghĩa vị tha để hướng Microsoft hay các công ty khác theo những nguyên tắc này. Tuy nhiên, các công ty tin là nếu họ thành thật và rộng lượng trong các mối quan hệ, họ sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới học viện và chính phủ – và cuối cùng, sẽ nhận được lợi ích. Về vấn đề này, Microsoft đã và đang nuôi dưỡng môi trường phần mềm Trung Quốc – đào tạo những kỹ sư trẻ, các nhà khoa học máy tính thuộc lĩnh vực vận dụng và quản lý R&D, trở thành đối tác của các công ty Trung Quốc và hỗ trợ các trường đại học – việc làm này sẽ nâng cao số lượng cổ đông công nghiệp trong cả nước. Ngược lại, sự tăng trưởng này sẽ tạo động cơ khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh việc chống vi phạm bản quyền và ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ – cả chính phủ và người dân đều mua sản phẩm của Microsoft.

Hơn tám năm qua, thành công lớn nhất mà Microsoft đạt được ở Trung Quốc – thu hút nhân tài, đưa ra các kết quả nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm hay củng cố hình ảnh công ty – là nhờ có Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh. Nói chung, từ thời Kai – Fu Lee, Trung tâm đã giúp công ty đi một chặng đường dài vượt qua thử thách của Trung Quốc và có lẽ nó là một phần cốt lõi trong lời khai của Steve Ballmer trong phiên tòa xét xử vụ của Lee: “Tôi cảm thấy chúng ta vẫn còn vài điều chưa tiết lộ, vì vậy, chúng ta hãy nói chúng ta đã hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc như thế nào và thực hiện P&R ra sao.”

Trung tâm này hoạt động dưới sự chỉ đạo của những người nói tiếng phổ thông, tất cả đều được sinh ra trên Trung Quốc Đại lục, ngoại trừ Lee. Rất lâu trước khi người sáng lập này chuyển sang Google, ngọn đuốc được chuyển sang cho một nhà lãnh đạo người Trung Quốc – người từng học, làm việc ở Mỹ và được đào tạo toàn diện ở Trung Quốc và số người được đào tạo ở Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Tất cả điều này là do một phần của việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.

Thông qua Trung tâm, Microsoft đã hỗ trợ hàng triệu đôla, phần mềm, trang thiết bị cho nền giáo dục Trung Quốc, đào tạo hàng nghìn sinh viên, thiết lập hàng trăm mối quan hệ về học thuật và công nghiệp, trở thành doanh nghiệp sở hữu nước ngoài đầu tiên được phép cấp bằng sau tiến sĩ. Khi đạt được những điều mới mẻ, như sáng lập ra ATC, họ phải thận trọng lắng nghe ý kiến và lời khuyên từ các quan chức Trung Quốc. Thậm chí các hội nghị Tin học thế kỷ XXI đã được công chúng biết đến theo cách Microsoft đẩy mạnh, thậm chí nâng tầm nhìn về sự biến đổi thế giới thông qua sức mạnh của công nghệ thông tin mà không cần phải quảng cáo. Rất nhiều những người tài giỏi và thông minh trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải cạnh tranh với nhau để được làm việc tại MSR Châu Á.

Tiếng tăm của Trung tâm đã gây ấn tượng với các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Trung Quốc. Nó là chủ đề thảo luận của Chủ tịch Giang Trạch Dân khi ông gặp Bill Gates hồi đầu năm 2003. Thông qua Trung tâm, hình ảnh của Microsoft ở Trung Quốc đang được cải thiện từng ngày, như Yaoxue Zhang – Vụ trưởng Vụ Đại học nói thêm : “Tất nhiên là đang có xu hướng tốt lên.” Microsoft đã chào đón phái đoàn Bộ Giáo dục tại khu nghỉ mát gần Vạn Lý Trường Thành vào hồi tháng 5 năm 2005.

Nhưng cho dù “bí quyết” của Steve Ballmer có thuyết phục đến đâu thì không ai ở Microsoft cho rằng là tập đoàn này không thể tiến xa hơn nữa. Có lẽ Microsoft cần thống nhất nghiên cứu với phát triển, phải đảm bảo với Trung Quốc như Lee đã gợi ý, mặc dù có lý do chính đáng để tin là có nhiều vấn đề đã được giải quyết trong nội bộ công ty. Microsoft cần phải khắc phục ngay việc đã không thực hiện được cam kết cung ứng. Ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào, công ty đều phải cố gắng đấu tranh cho hình ảnh của mình bằng việc thực hiện các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ. Công ty cũng có thể làm được nhiều hơn để tiếp cận với kỹ thuật số bằng cách giảm chi phí phần mềm và tiến thêm những bước mới nhằm các sản phẩm đến được tay người dân. Theo lời của Songde Ma, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc: “Mọi người không có đủ tiền để mua một phần mềm Windows mới hai năm một lần”. (Thật may là, có lẽ, Vista đã bị trì hoãn quá nhiều, nên đó không còn là vấn đề lớn).

Khi tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu như MSRA và dường như mọi việc đang đi đúng hướng thì có một số vấn đề nảy sinh. Một số người Trung Quốc coi việc liên doanh như thế này là một dạng của “chảy máu chất xám”, vì các công ty như Microsoft đã “nhặt” những sinh viên giỏi nhất của các trường đại học nổi tiếng Trung Quốc. Giáo sư Hongfei Wang thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học, nói :”Thật đáng xấu hổ khi chính phủ và các trường đại học đã lãng phí nhân tài. Đó là cơ hội tốt cho những sinh viên nghèo vì họ thật sự không có lựa chọn tốt hơn. Nhưng chỉ bằng cách làm các bài luận cho các dự án của Microsoft thì cơ hội phát triển tri thức và trí tuệ của họ bị giảm đi đáng kể.”

Hongfei Wang nói rằng ông không đổ lỗi Microsoft đã khai thác những lỗ hổng trong hệ thống đào tạo của Trung Quốc. Nhưng ông lưu ý rằng các tập đoàn công nghệ đang có được những người xuất sắc nhất – những người sẽ trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc trong tương lai. Ông mong muốn họ được làm việc về những vấn đề quan trọng hơn là phiên bản tiếp theo của một gói phần mềm có bản quyền. Ông nói: “Tôi quan tâm hơn đến các chi phí xã hội, các chi phí vốn nguồn nhân lực ngoài ra tôi cũng quan tâm đến sự phát triển bền vững và những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.”

Tóm lại, một số vấn đề cụ thể đặt ra cho Microsoft, những thách thức có liên quan đến phát triển các mối quan hệ – điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị trường bản địa, đầu tư vào nền giáo dục và cơ sở hạ tầng kinh doanh của Trung Quốc, đào tạo và tư vấn nhân tài bản địa – thách thức bất cứ một tập đoàn đa quốc gia nào muốn hoạt động kinh doanh tại đây. Giải quyết vấn đề nói trên không hề đơn giản. Tất cả các công ty nước ngoài đều phải vượt qua được điều cơ bản là xây dựng niềm tin và thận trọng nâng cao hình ảnh của mình. Sự tiến triển sẽ rất chậm; có thể sẽ tiến triển, có thể sẽ thụt lùi và có thể phải bắt đầu lại. Rõ ràng không một công ty nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Trong khi một số đồng nghiệp lên tiếng chỉ trích chiến thuật mà các trung tâm nghiên cứu nước ngoài như Microsoft thu hút nguồn sinh viên tài năng – những người có thể gia nhập các tập đoàn Trung Quốc thì Songde Ma coi các trung tâm đó cứu như một phần của một chu kỳ kinh doanh lành mạnh mà nhờ đấy, Trung Quốc được thúc đẩy trong việc cải cách hệ thống của họ. Ông nói: “Một số người đang quan tâm đến vấn đề “chảy máu chất xám”. Khi MSR Trung Quốc mở cửa, chỉ cách viện nghiên cứu của tôi 200m (Viện Tự động hóa), đã có sự cạnh tranh khi tìm kiếm sinh viên và giáo sư xuất sắc. Nhưng điều đó lại tốt vì nó khiến Viện Khoa học Trung Quốc phải tăng lương và tăng các quỹ. Nếu không có họ, điều đó đã không xảy ra.”

Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là không được phép sai lầm mà là phải nhất quán và thành thật trong các dự án và dự định. Có lẽ đây là điểm mấu chốt được đề cập trong “Hoạt động ở Trung Quốc” – bản báo cáo được coi là một ẩn dụ cho cuộc cạnh tranh và đổi mới toàn cầu trong thế kỷ XXI. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng các luật lệ và điều kiện kinh doanh ở các nước mới nổi lên luôn thay đổi, và ngày càng có nhiều công ty đặt cược vào nó.

Các quốc gia đang bùng nổ không chỉ là thị trường mới nổi dậy mà họ còn là một nguồn đổi mới vô tận trong tương lai. Nhân tài của những nước này sẽ không còn đến “phương Tây” nữa. Các công ty muốn cạnh tranh quốc tế thì phải đến với các nguồn nhân tài và đưa quốc gia đó đi lên, thậm chí còn phải làm những điều mạo hiểm cho công ty. Bất cứ một nỗ lực nào như vậy đều là từ các điều khoản của nước sở tại, chứ không phải là của công ty.

Theo quan điểm chung, thành công hay thất bại của các tập đoàn tư nhân – Microsoft, Google, IBM, Intel hay bất cứ một tập đoàn nào đều không quan trọng. Trên trang Web cá nhân, Lee đã viết là dù vụ kiện của ông kết thúc như thế nào thì “người thắng cuộc cuối cùng phải là thanh niên Trung Quốc và đất nước Trung Quốc”.
Người đồng nghiệp cũ HongJiang Zhang cũng đồng ý như vậy. Ông chỉ ra rằng công nghệ thông tin sẽ phát triển hơn, sẽ tạo ra được những lợi ích to lớn trên khắp thế giới đối với các cá nhân cũng như các tập đoàn – Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đưa ra những đổi mới lớn hơn. Ông khẳng định: “Đó chính là những điều mà ta phải cạnh tranh.”

Kịch bản tương tự có thể xảy ra ở các nước như Ấn Độ, Nga, Singapore hay Braxin – ở bất cứ quốc gia nào và thuộc bất cứ lĩnh vực nào, hãy cố gắng đi theo con đường đổi mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.