Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh

3. Từ Bắc Kinh đến Bill G.



Tháng 11 năm 1998 – Tháng 10 năm 1999

Đó là thời khắc mọi người nghĩ: “Được rồi, từ bây giờ chúng ta làm việc nghiêm túc!”

—KAI-FU LEE

Một trong những động cơ của Kai- Fu Lee khi mời các nhà nghiên cứu biết tiếng Trung từ các trụ sở Microsoft đến buổi lễ khai trương của Trung tâm Nghiên cứu là để đem họ đến với đất nước Trung Quốc, nơi họ có thể giúp ông trong việc tuyển dụng và thuê nhân viên. Lee ra sức thuyết phục những người gốc Hoa ở Mỹ như Harry Shum, xếp lịch phỏng vấn những ứng viên tiềm năng cho thời gian vài tuần khi ông trở về Redmond và trong khi vắng mặt, ông phải nhờ đồng nghiệp ở Microsoft tổ chức tiệc tùng, khoản đãi. Tuy nhiên, để phát triển mạnh ở Trung Quốc, ông cần kết hợp những người kỳ cựu nổi tiếng với những nhà nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu trong nước. Đó chính là nơi những vị khách đặc biệt thường lui tới. Bắt đầu ngay trước buổi lễ khai trương và tiếp tục trong gần hai tuần sau đó, “người bên Phe xấu” Hsiao -Wuen Hon nhớ lại: “Kai- Fu đặt chúng tôi vào một lịch trình phỏng vấn không tưởng.”

Nhờ có những bài báo tích cực cộng với chuyến thăm các trường đại học ở Trung Quốc mà Lee đã thực hiện, Trung tâm đã nhận được gần 500 bộ hồ sơ ngay trong buổi lễ khai trương. Khi Lee cặm cụi làm việc với đống hồ sơ, Rick Rashid chỉ nhắc một điều: dù đưa người Trung Quốc từ Mỹ về hay thuê tài lực mới ở Trung Quốc, dù gặp khó khăn thế nào thì Lee cũng không được hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Ông nói: “Anh không thể thỏa hiệp.”

Giờ đây, Lee thường hỏi ý kiến những vị khách cao cấp nhằm giữ vững chất lượng của đội ngũ nhân viên. Nghĩ lại thời kỳ then chốt này, Lee cho rằng mình là một người tự tin nhưng luôn dè chừng cạm bẫy xung quanh. Trên nhiều phương diện, Trung Quốc là cơ hội của Lee. Về mặt tích cực, mỗi năm Trung Quốc đào tạo hơn 300 tiến sĩ khoa học máy tính, đó là chưa kể đến hàng chục nghìn sinh viên khoa học máy tính, ngoài ra mỗi năm ước tính có khoảng 10 nghìn nhân tài về nước sau thời gian du học. Tất cả những điều này cho thấy một cơ hội vô cùng lớn.

Một tin tốt nữa là Microsoft dường như đang đứng đầu trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Sức cạnh tranh của các công ty trong nước về phần mềm còn rất yếu. Ngành công nghiệp máy tính ở Trung Quốc do các công ty Legend (Sau này là Levono), Beida Founder và Tsinghua Tongfang dẫn đầu. Các công ty này khá thành công trong việc tìm kiếm những cử nhân giỏi nhất, hầu hết là về phần cứng và kỹ thuật. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phần mềm, họ không thể so với Microsoft, thậm chí còn không được coi là đối thủ xứng tầm. Ví dụ: năm 1998, khi Microsoft thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, trong khi doanh số bán phần cứng ở Trung Quốc tăng 30% thì doanh số bán phần mềm giảm đúng 30%. Tình trạng vi phạm bản quyền, một hoạt động thương mại bất hợp pháp, dường như là đầu tiêu thụ chính của các sản phẩm phần mềm. Liên quan đến doanh số bán phần cứng, ngành công nghiệp phần mềm ở Trung Quốc vô cùng nhỏ bé so với hầu hết các nước khác − nó hầu như không tồn tại.

Một số công ty phương Tây đã tạo ra cạnh tranh. Năm 1994, Nortel thành lập một trung tâm nghiên cứu viễn thông. Đến năm 1995, IBM khai trương Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ở Bắc Kinh. Chỉ riêng trong ngành công nghệ thông tin, Lucent, Fujitsu, Intel, NEC, Ericsson và Hewlett- Packard đều triển khai các chi nhánh R&D nhỏ vào cùng một thời điểm với lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Microsoft − tháng 11 năm 1998. Thậm chí nhiều chi nhánh được đặt ngay tại khu vực Trung Quan Thôn hay gần đó. Tuy nhiên, theo Nathan Myhrvold, hầu hết họ là chỉ dừng lại ở việc phát triển thị trường. Khi nhắc đến việc theo đuổi con đường nghiên cứu, phát hành miễn phí tạp chí chuyên ngành mang tính học thuật hay tham gia hợp tác học thuật quốc tế, thì chỉ có trung tâm IBM và trung tâm nghiên cứu mới thành lập của Intel mới có thể trở thành những đối thủ đáng gờm. Không một công ty nào có kế hoạch xây dựng tổ chức hoạt động lớn và tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực phần mềm như Microsoft.

Tuy nhiên, mặc dù Bill Gates vẫn được coi là một doanh nhân tự lực và thành đạt trong thế giới công nghệ, Windows vẫn là hệ điều hành được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc, thì vẫn còn nhiều người nghi ngờ gã khổng lồ của Seattle này. Một phần rắc rối về hình ảnh của nó xuất phát từ những hoạt động marketing quá sôi động và xuất hiện ở mọi nơi. Cùng lúc đó, một số tờ báo của Trung Quốc chĩa vào trung tâm nghiên cứu của Microsoft vì “ăn cắp” nhân tài quốc gia. Rick Rashid nhắc lại: “Vì chúng tôi là Microsoft, điều đầu tiên người ta hỏi chúng tôi là ‘Vì sao ông làm như thế?’ Điều mà người Trung Quốc quan tâm là, liệu có phải tập đoàn của Mỹ đến đây để đem nhân tài của họ ra khỏi Trung Quốc?”

Vấn đề ở đây là cả Microsoft và tin học nói chung đều chưa được các trường đào tạo khoa học máy tính quan tâm nhiều, tại đây các giáo sư nổi tiếng vẫn tập trung nghiên cứu máy tính trung tâm và siêu máy tính. Nathan Myhrvold nhớ lại: “Microsoft không có một tổng đại lý cho phòng khoa học máy tính bởi chúng tôi rất ít quan tâm đến máy tính.”
Trong những ngày đầu khai trương, Lee hăm hở lao vào thử thách này với sự hỗ trợ từ việc tăng thêm nhân công. Bắt đầu từ trước buổi khai trương hai ngày và lại tiếp tục ngay sau ngày hôm đó, nhóm của ông đã phỏng vấn được gần 50 ứng viên xin việc. Nói chung, sinh viên tỏ ra cởi mở hơn so với giới báo chí và quan chức chính phủ. Một số thích thú và muốn thăm trung tâm nghiên cứu mới này dù họ không thật sự hiểu ý của Microsoft trong từ “nghiên cứu”. Một số đã nghe nói về Kai -Fu Lee và biết rằng tại Microsoft − dù hình ảnh công ty còn đang gây tranh cãi − họ sẽ có cơ hội làm công việc có ảnh hưởng đến hàng triệu người. Một sinh viên năm cuối trường Đại học Bắc Kinh nói: “Tất nhiên đó là một điều tốt cho Microsoft khi họ quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc. Tôi không quan tâm đó là công ty đế quốc hay không. Ít nhất, họ có phương pháp luận và kỹ năng quản lý tiến bộ.”

Phần lớn các cuộc phỏng vấn được tiến hành ở văn phòng kinh doanh thuộc tầng sáu − nơi đang trong thời gian hoàn thiện. Hsiao -Wuen Hon đã tạo nên một ngoại lệ cho các cuộc phỏng vấn. Ông bị đau lưng nặng do bưng vác quá nhiều thiết bị máy tính. Lee phải thuê thợ xoa bóp và chuyên gia chữa khớp xương tới phòng của Hsiao- Wuen Hon ở khách sạn. Hon nằm trên giường và trao đổi phỏng vấn qua điện thoại.

Lee còn nhờ những vị khách giúp ông trong việc tuyển dụng. Ông và George Chen − đến từ Redmond, giữ chức giám đốc quan hệ với trường đại học và tuyển dụng − đã cùng nhau lập ra danh sách 10 trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Một công ty PR trong nước đã giúp họ sắp xếp các chuyến thăm. Không lâu sau buổi lễ khai trương, Lee chia đồng nghiệp thành mỗi nhóm hai người đến thăm những ngôi trường đó và “tuyên truyền” − như lời Harry Shum. Họ không có thời gian gửi sách giới thiệu về Trung tâm nên phải mang theo hàng trăm cuốn lên máy bay.

Chỉ khoảng một năm sau, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Bắc Kinh được chính những ngôi trường ấy chào đón. Nhưng những ngày đầu vô cùng khó khăn. Đối với những Hoa kiều của Microsoft, Trung Quốc thật sự là một người khổng lồ đang say ngủ. Theo Shum nhớ lại, thậm chí cả những trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin của đất nước này cũng “không ai biết Trung tâm Nghiên cứu Microsoft là gì”.

Thông thường, khi một diễn giả đến thăm một trường đại học Trung Quốc, họ sẽ được một giáo sư tiếp đón với tư cách là khách danh dự. Tuy nhiên, những vị khách từ Microsoft lại được tiếp đón vô cùng lạnh nhạt. Ngay trước buổi lễ khai trương của Trung tâm Bắc Kinh, Giám đốc điều hành Rick Rashid và Dan Ling tới thăm Đại học Thanh Hoa cùng với Chen và X. D. Huang. Chen đến trước và rất ngạc nhiên “không có ai tiếp đón cả”. Sinh viên ở đây cũng vô cùng lạnh nhạt, như Chen nói: “Phương tiện thông tin đại chúng đã khiến họ có những ấn tượng không tốt về Microsoft. Chỉ có các vị chủ tịch hoặc Bill Gates mới có thể đem cho họ niềm phấn khích.”

Mọi thứ không thay đổi nhiều khi các phái viên của Kai-Fu Lee đi khắp Trung Quốc ngay sau buổi lễ khai trương. Khi X. D. Huang và George Chen phát biểu xong ở Đại học Quốc phòng Hồ Nam, Trường Sa, họ không được mời dù chỉ là một bữa ăn.” Mang theo tất cả tài liệu thuyết trình và máy tính xách tay, ông và Chen bước đi vô định hơn một nửa giờ trước khi họ gọi taxi trở về khách sạn.

Harry Shum và Zicheng Liu còn có một chuyến thăm ngắn ngủi hơn tại Đại học Nam Kinh, khi mà “người tiếp đón” thậm chí còn không nghĩ đến việc giới thiệu họ với khán giả. Shum kể: “Tôi giới thiệu Zicheng và Zicheng giới thiệu tôi. Thậm chí không có người chỉ cho chúng tôi quán ăn ở chỗ nào.” Sau đấy, Chen có chuyến đi một mình đến Đại học Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông muốn gặp Qian Zhang, nữ nghiên cứu sinh, tiến sĩ về trí thông minh nhân tạo, người có trí thông minh thiên phú để trở thành một trong những ngôi sao trẻ của Trung tâm. Zhang là người duy nhất từ Vũ Hán gửi hồ sơ đến Microsoft. Chen đã bảo cô đến khách sạn ông ở để làm một bài kiểm tra ngắn.

Sau một tuần đi khắp nơi, nỗ lực của họ cũng được đền đáp xứng đáng khi các nhóm tuyển dụng đến thành phố Thượng Hải trù phú và năng động được chào đón trong những khán phòng chật kín người ở trường Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Phúc Đán. Chen nói: “Mọi người không thể chen vào nữa vì quá đông.” Thành phố Thượng Hải có tri thức về công nghệ thông tin nên dễ cập nhật thông tin về Microsoft nhanh hơn tất cả những nơi khác ở Trung Quốc, kể cả Bắc Kinh. Thật may mắn khi dừng chân ở một nơi như thế.

Đến tháng 1, tốc độ làm việc trở nên chóng mặt vì số hồ sơ đến Trung tâm vượt quá con số 1.000 bộ. Thay đổi quan trọng nhất là sự xuất hiện của hai nhà nghiên cứu đầu tiên. Cả hai đều là siêu sao trong ngành vừa trở về nước từ Mỹ. Một người là Harry Shum, ông chính thức quyết định gia nhập Trung tâm. Người kia là Ya – Qin Zhang từ Phòng thí nghiệm Sarnoff ở Princeton, bang New Jersey. Ông được coi như là “đường phủ trên mặt bánh ngọt” của Kai -Fu Lee vậy.

Ya- Qin Zhang là một thần đồng, ông trở thành sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc từ lúc mới 12 tuổi. Sau khi đến Mỹ làm luận án tiến sĩ, ông gia nhập Sarnoff (cha đẻ của máy thu hình hiện đại) và trở thành người đứng đầu một nhóm truyền thông đa phương tiện đẳng cấp thế giới, hoạt động trong lĩnh vực xử lý hình ảnh và truyền thông. Năm 1997, 31 tuổi, ông được coi là thành viên trẻ nhất trong lịch sử 100 năm của IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers – Học viện Kỹ sư Điện và Điện tử) − một tổ chức khoa học máy tính và kỹ thuật hàng đầu nước Mỹ. Một năm sau, ngay trước khi Kai – Fu Lee tuyển dụng ông, Zhang đã đạt danh hiệu Kỹ sư trẻ IEEE của năm. Bức thư chúc mừng của Tổng thống Bill Clinton được ông đóng khung và treo ở văn phòng làm việc.
Về Shum, ông cũng là một con người phi thường. Sinh ra và lớn lên ở Nam Kinh, ông đến học
ở Học viện Công nghệ Nam Kinh (bây giờ là Đại học Đông Nam) khi mới 13 tuổi, sau đó tham gia một khóa đào tạo sau đại học về kỹ thuật điện và điện tử ở trường Đại học Hồng Kông. Tiếp đó, ông sang Mỹ làm luận án tiến sĩ ở CMU, dưới sự hướng dẫn của Raj Reddy và Katsushi Ikeuchi − một người tiên phong về robot học và máy tính. Sau khi tốt nghiệp năm 1995, ông từ chối công việc giảng dạy ở CMU để gia nhập một công ty mới thành lập là Real Space ở Thung lũng Silicon. Một năm sau, Shum ký hợp đồng làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Microsoft ở Redmond. Với những thành tựu về hình ảnh và đồ họa, ông được biết đến như một ngôi sao mới nổi trong ngành. Lee hy vọng Trung tâm “tìm được thêm mười Harry Shum nữa ở Trung Quốc”.

Zhang và Shum đã gặp nhau vài lần. Thực ra, Shum đã dùng bữa với Zhang ở Redmond sau khi Kai-Fu đến Bắc Kinh.

Hoàn toàn do trùng hợp, Ya- Qin Zhang và Shum cùng đến Bắc Kinh vào một ngày – 15 tháng 1 năm 1999 – trên cùng một chuyến bay từ Tokyo. Họ gặp nhau tình cờ ở sân bay Narita và đã vô cùng ngạc nhiên về chuyến hành trình này. Hai người được sắp xếp ở trong một căn hộ hai phòng ngủ ở ngoại ô Bắc Kinh, gần nhà Kai- Fu Lee. Sáng hôm sau, Lee gõ cửa và nói: “Các cậu cần phải sửa sang lại một chút. Cả hai cậu phải đi cắt tóc ngay, vì các cậu sắp phải gặp phóng viên rồi.”

Loạt bài trong buổi họp báo ngày hôm đó đưa tin Zhang có thể là một cái tên nổi tiếng hơn cả Kai- Fu Lee. Một người xuất sắc hấp dẫn được người xuất sắc khác. George Chen lúc đó đang tới Đại học Giao thông Thượng Hải tìm thêm những ứng viên mới, giới thiệu kế hoạch mở một phòng thí nghiệm cấp quốc tế trong khoa học máy tính và đề cập tới truyền thông đa phương tiện như một lĩnh vực tiềm năng. Khi một sinh viên hoài nghi nói với ông: “Nhà khoa học xuất sắc nhất trong lĩnh vực này là Ya- Qin Zhang. Nếu ông có được ông ấy, ông sẽ xây dựng được trung tâm nghiên cứu tốt nhất.” Chen biết là Ya-Qin Zhang đang đến, nhưng vì chưa được công bố nên ông vẫn giữ yên lặng. Nhưng khi bức màn im lặng được dỡ bỏ, Zhang đã đem đến Trung tâm niềm tin lớn hơn, cả ở Trung Quốc và những người Trung Quốc ở Mỹ. Ông trở thành một thỏi nam châm có sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhân tài trên toàn thế giới.

Ngay lập tức, Lee thông báo truyền thông đa phương tiện là lĩnh vực được tập trung nghiên cứu ở trung tâm, mở rộng so với bản đăng ký từ trước hầu như chỉ tập trung vào giao diện lời nói đời tiếp theo và xử lý tiếng Trung. Ya – Qin Zhang không biết điều đó, nhưng ông thúc đẩy Microsoft trong quá trình áp dụng truyền thông đa phương tiện vào điện thoại di động và các thiết bị di động khác – sẽ sớm trở thành một ngành kinh doanh riêng và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh của Microsoft. Trong vòng vài năm, ông sẽ trở lại Redmond và điều hành hoạt động đó.

Sau khi Zhang và Shum đến, Lee đã tập trung nhiều người để thành lập một ban phỏng vấn độc lập. Ông phải đợi nhiều người đến giúp phân loại hồ sơ mà trung tâm vừa mới nhận được. George Chen nói: “Có quá nhiều hồ sơ, tôi không thể giải quyết hết được.” Tháng 1, Lee tiến hành thực hiện bài thi viết theo tiêu chuẩn đầu tiên để sàng lọc thí sinh. Bài thi này dễ hiểu hơn so với bài đã đưa cho Qian Zhang ở trường Đại học Vũ Hán, chỉ mất có hai giờ là hoàn thành xong.

Dựa vào kết quả bài kiểm tra, chỉ có khoảng 100 người được chọn vào vòng phỏng vấn. Trong hai tháng, hầu như ngày nào cũng có những gương mặt trẻ hồi hộp đến phỏng vấn tại Tòa nhà Sigma – ít nhất là 4, 5 người, có khi lên đến 20 người. Trong thời gian đầu, các cuộc phỏng vấn vẫn được tiến hành ở tầng sáu. Đến đầu tháng 2, phòng nghiên cứu chuyển xuống tầng năm, chiếm đến nửa tầng năm. Đây là “cơ sở” của trung tâm trong vài năm, cho đến khi quy mô của trung tâm tăng quá nhanh, cuối cùng chiếm cả tầng năm và sang cả những khu vực khác của tòa nhà.

Điều đáng chú ý nữa là trung tâm nghiên cứu này có đầy đủ thiết bị và chuyên nghiệp không kém bất kỳ phòng thí nghiệm về công nghệ thông tin nào ở phương Tây, có phòng hội nghị, thư viện, bếp ăn phục vụ miễn phí soda, nước quả, trà, cà phê và tất cả các loại phần cứng với phần mềm mà một nhà nghiên cứu mong ước. Lee cũng cho xếp rất nhiều bàn trà nhỏ trong khu vực phòng nghỉ của Trung tâm; mỗi mặt bàn là một chiếc bảng trắng có khe giữ thẻ ghi xung quanh mép bàn. Bằng cách đó, các nhà nghiên cứu có thể cùng bàn luận với nhau trong giờ nghỉ và viết nháp ý tưởng hay biểu đồ ngay trên bàn. Không giống như ở Redmond − nơi mà mọi nhân viên nghiên cứu của Microsoft, dù mới hay cũ, đều có một phòng làm việc riêng có cửa sổ nhìn ra ngoài; ở Trung Quốc, chủ nghĩa quân bình như vậy dường như là điều không tưởng. Hầu hết đội ngũ nghiên cứu làm việc trong một cabin riêng, chỉ có các trưởng nhóm nghiên cứu và các thành viên quản trị mới có phòng làm việc riêng. Riêng Lee có hẳn một căn hộ sang trọng. Căn phòng này đẹp hơn phòng của Rick Rashid ở Redmond. Nói chung, đó là một nơi rất tuyệt để gây ấn tượng với những nhân viên mới.

Dù vậy, các cuộc phỏng vấn vẫn luôn làm cho tất cả ứng viên lẫn người phỏng vấn kiệt sức. Mỗi ứng viên đều được tám nhân viên của Microsoft phỏng vấn trong suốt một buổi kéo dài nhiều giờ. Những người dự tuyển diễn tả cảm giác bị chìm ngập vì bận rộn khi họ nhìn vào bảng kế hoạch làm việc mỗi ngày: hết cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác, thậm chí trong cả giờ ăn trưa. Đối với các vị giám đốc của Microsoft, họ cảm thấy dường như không có thời gian dành cho việc nghiên cứu, tất cả dồn vào việc gặp và chào mừng những người xin việc.

Các cuộc phỏng vấn đều bằng tiếng Trung phổ thông, nhưng đôi khi các giám đốc cũng kiểm tra tiếng Anh của các ứng viên. Họ chỉ hỏi những câu hỏi thông thường về lý lịch, lĩnh vực chuyên môn và về tham vọng trong tương lai. Nhưng Kai- Fu Lee không chỉ tìm kiếm những sinh viên xuất sắc và nổi bật. Ông muốn một người sáng tạo, tự tin, có khả năng làm việc nhóm và phải chân thật − một đức tính vô cùng quý giá. Để thấy được tất cả những điều trừu tượng này, nhóm làm việc Microsoft phải đưa ra rất nhiều câu hỏi đặc biệt. Những câu thường được hỏi là:

“Tại sao những cái nắp cống lại có hình tròn?”

“Anh (chị) hãy ước tính xem có bao nhiêu trạm xăng ở Bắc Kinh?”

“Điều gì xảy ra nếu bạn có ý kiến trái ngược với giáo viên của bạn?”

“Nếu tôi hỏi bạn một câu hỏi rất khó, bạn sẽ trả lời như thế nào?”

“Hãy đánh giá những giao diện sử dụng trong thang máy của Microsoft.”

“Có hai chiếc dây cáp kỳ lạ. Mỗi cái phải mất một giờ mới cháy hết. Anh (chị) hãy đốt hai sợi dây cáp đó trong vòng 45 phút.”

Và Lee đã tổng kết: “Các câu hỏi không cần thiết phải có câu trả lời đúng, nhưng chúng tôi sử dụng chúng để hiểu thí sinh nghĩ gì và suy nghĩ đó từ đâu mà có.” Chẳng hạn, một thí sinh đã bỏ qua tất cả câu hỏi, trừ câu thứ ba. Ở câu hỏi này, cậu ta kể cho người phỏng vấn nghe một câu chuyện về sự thất bại của người hướng dẫn khi không biết tận dụng đúng tài năng của cậu ta. Thí sinh này đã không hiểu được vấn đề.

Câu hỏi về việc “đốt cháy dây cáp” nhằm kiểm tra khả năng suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ của thí sinh. Câu hỏi này trở nên nổi tiếng đến nỗi các ứng viên đã đăng nó lên trang Web của trường Đại học Thanh Hoa. Các câu hỏi đều có nhiều cách giải quyết, nhưng điều mà các vị giám đốc của Microsoft thấy thích thú nhất là cách tiếp cận của ứng viên đối với câu hỏi, họ không quan tâm đến việc ứng viên đã được báo trước về câu hỏi hay không. Harry Shum thường hỏi: “Tại sao bạn lại chọn đề tài như vậy cho luận án tiến sĩ?” Nếu ứng viên trả lời theo gợi ý của người hướng dẫn, và nhiều người đã trả lời như vậy, thì người đó sẽ nhận được điểm số rất thấp của Shum.

Khi các ứng viên đã vượt qua được thiên la địa võng những câu hỏi này, Lee mới đưa ra một chương trình chính thức. Ông viết một bản thông báo cho Trung tâm Nghiên cứu: “Sau khi mỗi thành viên kiểm tra xong một ứng viên, người này sẽ phải gửi email cho người phỏng vấn tiếp theo hỏi về ý kiến và quyết định của họ (phải tuyển, nên tuyển, có thể tuyển, tạm tuyển hay không tuyển), thông tin về những lĩnh vực mà họ đã hoàn toàn nắm bắt cũng như đề xuất hướng quyết định mà người phỏng vấn tiếp theo cần phải tìm hiểu.” Cuối cùng, bản tốc ký hoàn thành, trong đó các ứng viên được cho điểm theo mức độ từ 1 đến 5, 5 tương ứng với mức “phải tuyển” và thấp dần đến “không tuyển”.

Trong số 100 người được phỏng vấn từ năm 1999, Trung tâm đã tuyển thêm được 20 người; hầu hết đều đồng ý bắt đầu làm việc sau khi tốt nghiệp vào tháng 6. Thật sự, một số ứng viên xuất sắc nhất đã được chọn ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên.

Qian Zhang, cô gái đến từ trường Đại học Vũ Hán đã ngần ngại không dám bước vào phòng khách sạn của George Chen. Cô đã làm bài kiểm tra viết rất tốt, vì vậy cô được vào vòng phỏng vấn tiếp theo qua điện thoại. Zhang rất hồi hộp, Cô kể: “Đây là lần đầu tiên tôi trải qua một cuộc phỏng vấn kiểu này, tôi đã phải tự nhốt mình trong phòng và luyện tập thật sự nghiêm túc để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.” Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn bình thường hơn nhiều so với những gì cô tưởng. Ngay sau đó, cô sinh viên trường Vũ Hán nhanh chóng được gọi tới Bắc Kinh tham gia cuộc phỏng vấn kéo dài sáu giờ liền với các vị lãnh đạo Trung tâm. Zhang nói: “Tôi chỉ thấy kiệt sức.” Tuy nhiên, cô vẫn vô cùng thích thú với viễn cảnh được làm việc cho Trung tâm. “Tôi có cảm giác họ là những con người tuyệt vời và tôi có thể học được rất nhiều từ họ.”

Câu châm ngôn của Lee – và đó cũng là bài học mà Rick Rashid đã dành cho ông – là không được phép hạ thấp tiêu chuẩn của Trung tâm bằng việc đưa ra một lựa chọn thiếu rõ ràng. Vì vậy, một quyết định cá nhân của ban phỏng vấn bao giờ cũng phải được thông qua những người khác. Nhưng cô nữ sinh đến từ trường Vũ Hán, cô gái đầu tiên được phỏng vấn, đã chứng minh rằng mình là một ngoại lệ. “Hai người cho cô điểm 5, hai người còn lại cho cô điểm 1”, Ya-Qin Zhang nhớ lại: “Tôi và Kai-Fu Lee là hai người cho cô ấy điểm 5.”

Đối với Lee, chỉ cần thế là đủ. Chính ông đã gửi thông báo tuyển dụng cho Qian. Lúc đó, Qian Zhang cũng nhận được lời mời từ Bell Labs và IBM, cả hai đều có phòng nghiên cứu ở Bắc Kinh. Vì Microsoft mang tính chất của một trung tâm nghiên cứu hơn, cô đã tham gia vào nhóm Internet và truyền thông đa phương tiện của Zhang. Sau đó, cô trở thành quản lý của một dự án quan trọng về mạng không dây dành cho điện thoại di động. Ya-Qin Zhang khẳng định: “Cô ấy là một nhân viên tuyệt vời.”

Ngôi sao tiếp theo là Jian Wang − mẫu người chăm chỉ và thân thiện. Wang sinh ra và học tập tại thành phố vườn Hàng Châu, cách khoảng 160km về phía tây nam Thượng Hải. Ông làm luận án tiến sĩ về tâm lý kỹ thuật – một lĩnh vực đặc biệt, nhờ đó, ông đã được đề cử làm bộ trưởng Bộ Giáo dục. “Là người đầu tiên và cũng có thể là người cuối cùng có bằng tiến sĩ kỹ thuật trong lĩnh vực tâm lý học” – Wang tự miêu tả về mình. Tuy nhiên, ông đã dựa vào nền tảng đó để trở thành một chuyên gia giao diện máy tính, đặc biệt là về thực tế ảo và đồ họa 3- D. Khi Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh được thành lập, Wang đang là giảng viên Đại học Hàng Châu, một trong bốn trường đại học hợp nhất thành trường Đại học Chiết Giang − trường đại học lớn nhất Trung Quốc năm 1998. Wang là giáo sư trẻ nhất từng làm trưởng khoa tâm lý ở đó.

Wang đã phải cân nhắc về một bước ngoặt quan trọng trong nghề nghiệp. Ông cảm thấy chán những hoạt động chính trị học đường và muốn có một sự thay đổi trong con đường nghiên cứu. Ông quyết tâm rằng giao diện hình ảnh không gian thực mà ông đã theo đuổi cách đây 10 năm sẽ được thực hiện. Kai- Fu Lee gửi email cho Wang trước lễ khai trương Trung tâm nhưng ông đã từ chối. “Tôi không biết Kai -Fu. Thậm chí tôi không biết gì về Microsoft Trung Quốc.” Lee gọi điện tiếp tục mời Wang đến dự buổi lễ khai trương, nhưng ông vẫn do dự. Vì vậy, khi đọc một bài báo tường thuật lại buổi lễ, ông thấy thích thú hơn. Sau đó, Lee lại gửi một email khác cho Wang – lần này trong thư có nói, nếu ông không có ý định tham gia Microsoft thì có thể làm cộng tác viên. Wang nói: “Vì vậy tôi trả lời rằng, tôi rất hân hạnh được gặp ông.”

Wang đến Trung tâm Sigma cuối năm 1998, trước khi Harry Shum và Ya – Qin Zhang đến trung tâm này. Lee và Wang đã có cuộc trò chuyện dài khoảng một giờ. Ngày hôm sau, Wang hứa là ông sẽ làm ở Trung tâm một vài tháng trong thời gian suy nghĩ. Ông nói: “Tôi là nhân viên nghiên cứu đầu tiên của tổ chức này, vì thế tôi rất tự hào về điều đó.” Wang chuyển đến vào tháng 3 và sau một chuyến đi sáu tháng, ông không bao giờ trở lại trường đại học nữa.

Còn có ba người nữa được tuyển dụng – hai trong số họ sống ở Mỹ − đã xây dựng nên vị thế của trung tâm nghiên cứu mới. Nhân vật thứ nhất là Changning Huang, giảng viên trường Đại học Thanh Hoa, chuyên gia xử lý ngôn ngữ hàng đầu Trung Quốc. Ông đã 63 tuổi và là một nhân vật đáng kính. Lee nhớ đã hỏi ông: “Thưa Giáo sư Huang, tôi phải gọi giáo sư là gì?”

“À, nếu anh gọi tôi là Giáo sư Huang thì nghe có vẻ trịnh trọng quá, như vậy cũng không giống với Microsoft” − ông trả lời. Phương án gọi ông bằng tên Trung Quốc bị loại bỏ vì việc gọi một người cao tuổi bằng tên trực tiếp bị xem là thiếu tôn trọng. Huang nói rằng khi ông theo Đạo Thiên chúa, ông có tên thánh là Tom. “Gọi tôi là Tom đi!” – ông nói.
Một người khác là HongJiang Zhang. Ông là nhân vật đáng chú ý trong lĩnh vực xử lý thông tin. Ông trở về quê hương sau thời gian dài học tập và làm việc tại Đan Mạch, Singapore và Mỹ. Trước khi về nước, ông đã làm việc nhiều năm cho Trung tâm Nghiên cứu Hewlett-Packard ở Palo Alto. Bên cạnh thành tích nghiên cứu nổi bật, ông còn rất xuất sắc trong việc áp dụng tiến bộ trong trung tâm nghiên cứu vào sản phẩm.

Ya- Qin đã cố mời ông đến Sarnoff làm trưởng khoa “nhưng ông ấy đắt giá quá”. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh lại là chuyện khác. Mẹ của HongJiang vẫn ở Trung Quốc, bà bị bệnh tim và ông muốn được sống gần mẹ. Chính vì vậy, ông đã bay về Trung Quốc để dự buổi phỏng vấn vào mùa xuân năm ấy. HongJiang không muốn thông báo là sẽ rời HP để đến một cuộc phỏng vấn xin việc, nhưng ông lại bất ngờ chạm mặt một đồng nghiệp trên chuyến bay. Và khi ông xuống máy bay, một tài xế cầm biển hiệu: “Microsoft: HongJiang Zhang”. Và ông bắt đầu làm việc ở Microsoft vào tháng 4.

Nhân vật tiếp theo là Jin Li − chuyên gia nén hình ảnh và truyền thông đa phương tiện; ông đã nhận bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ở trường Đại học Thanh Hoa, tất cả đều là bằng xuất sắc. Mải mê với việc nghiên cứu sau tiến sĩ về toán học và truyền thông tích hợp tại trường Đại học Nam California, Li là thành viên đầu tiên Ya-Qin Zhang tuyển. Tháng 2, Zhang bay đến Mỹ để dự hội nghị về xử lý thông tin ở San Jose biết là Li cũng có mặt tại hội nghị này. Tại đây, Zhang đã chú ý đến con người đầy triển vọng này và ông mời Li làm việc mà không phải trải qua phỏng vấn tuyển dụng.

Li từng nổi tiếng khắp Trung Quốc. Từ đầu năm 1984, khi còn là học sinh, ông đã là một thiên tài máy tính. Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình đã đến thăm triển lãm khoa học Thượng Hải, nơi có một gian triển lãm của câu lạc bộ máy tính ở trường mà Li học. Vị Tổng bí thư đã xoa đầu Li và khẳng định tuổi trẻ tài năng chính là tương lai của Trung Quốc, rằng nên dạy cho trẻ em biết nhiều hơn về máy tính. Hình ảnh này được một nhiếp ảnh gia ghi lại và làm thành tấm áp phích được mang đi khắp Trung Quốc trong một chiến dịch lớn nhằm vận động giáo dục khoa học công nghệ. Hàng chục triệu người Trung Quốc biết đến tấm áp phích đó và Li.

Những tiến triển bước đầu trong việc tuyển dụng, cùng nỗ lực củng cố mối quan hệ với các trường đại học Trung Quốc đã tạo đà tốt đẹp cho các chương trình nghị sự của Trung tâm vào năm tới. Lee nhớ lại: “Thành thật mà nói, trong hai quý đầu, chúng tôi không làm bất kỳ nghiên cứu nào, điều quan trọng nhất lúc đó chúng tôi cần phải làm là tạo dựng lòng tin”, nghĩa là xây dựng một đội ngũ nhân viên có tầm cỡ quốc tế. Cho đến cuối mùa xuân năm 1999, Lee mới bắt đầu đưa ra định hướng nghiên cứu của Trung tâm. Ông nói với nhóm nhân viên − tuy nhỏ nhưng rất kiên cường: “Những gì chúng ta nghiên cứu hôm phải là lĩnh vực trở thành xu hướng chính trong 5 năm tới.” Sau đó, ông giải thích: “Tôi cố nghĩ về mỗi ngày không phải là những gì tôi có thể làm hôm nay mà là những gì có tác động trong 5 năm tới. Chắc chắn chúng tôi có thể thuê được những người có tư tưởng lớn và giúp họ đưa ra những suy nghĩ lớn lao, nhưng như vậy thì không đạt được mục tiêu dài hạn.” Lee đã cam kết với Rick Rashid là ông sẽ ở lại Bắc Kinh ít nhất trong 5 năm – để thấy được thành quả của những công việc hiện tại trong sản phẩm của Microsoft.

Đây là thời đại hoàng kim của Internet. Quay trở lại nước Mỹ, các trang Web “.Com” bắt đầu tràn ngập khắp nơi, những dự đoán về một nền kinh tế mới, nền thương mại điện tử và sự thâm nhập của công nghệ máy tính − nơi mà mọi thứ và mọi người có thể kết nối với nhau mọi lúc. Một số sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường và được đánh giá cao không thể tin nổi, có thể ít nhất là tương đương với những “ông lớn” như IBM, General Electric hoặc Microsoft. Họ có thể trở nên cực kỳ giàu có.

Hầu hết những người thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đều mua cổ phần quảng cáo ở một mức độ nào đấy. Điều này cũng đúng với Lee. Tuy vậy, khi suy nghĩ về tương lai của máy tính, quan điểm mà ông đưa ra rất bình tĩnh và dự đoán được những điều xảy ra trong 5 năm tới. Cứ vài tháng, Lee lại đưa ra những thông báo hoặc tổng quan trình bày với nhân viên về suy nghĩ của mình, bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Một văn bản được đưa ra vào mùa xuân năm 1999 có tựa đề là “Định hướng trong nghiên cứu của Trung tâm.”

Lee đã nắm bắt rất tốt về sự tăng trưởng của Internet. Ông viết: “Trong 5 năm tới, Internet sẽ lan đi khắp nơi. Sẽ có vô số người sử dụng, một số lượng lớn những trang Web, tốc độ truy cập cao và nhiều những ứng dụng thông minh… Văn bản, hình ảnh, giọng nói, video và những dạng thức truyền thông tin mà hiện nay chưa có, trong tương lai hoàn toàn có thể truy cập trên các trang Web. Những dạng thông tin mới có thể bao gồm cả các bài giảng, chương trình, cuộc họp, địa điểm (GPS – Hệ thống định vị toàn cầu) của mỗi cá nhân trong mạng và một hồ sơ hoạt động của mỗi cá nhân hay công ty. Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ bức chân dung cuộc sống hiện tại có thể sẵn sàng truy cập trên các trang Web.”

Lee cũng bàn đến các vấn đề về máy tính cá nhân trong tương lai. Ông đã dự đoán chính xác về kết nối Internet với tốc độ 1GB/giây và các đường link không dây là 10MB. Ông còn dự đoán máy tính cá nhân sẽ đạt tới 1GB cho RAM bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên) và 50GB cho ổ cứng. Lee cũng đoán là sẽ có sự bùng nổ những sản phẩm “ứng dụng thông minh” như điện thoại di động thông minh và PDAs, mặc dù vậy, ông hơi lạc quan quá khi thêm vào danh sách đó cả sách điện tử. Ông quả quyết rằng xu hướng này sẽ dẫn đến hàng loạt thiết bị hệ thống mạng có dây, không dây với tốc độ và độ ổn định khác nhau và những thứ này đều phải kết nối với nhau và được hỗ trợ bởi một bảng dữ liệu trình ứng dụng.

Có thể tính toán sai lầm lớn nhất của Lee là tivi, khi lúc đó ông suýt nữa đã đầu tư vào những trò chơi tương tác vô nghĩa. “Trong tương lai, một chiếc tivi có thể giới thiệu những chương trình mà người sử dụng muốn xem. Mọi người cũng muốn có một chiếc tivi giống một chiếc máy vi tính ở chỗ người ta có thể tương tác với máy vi tính chứ không thụ động như xem tivi. Chẳng hạn, một người xem tivi có thể ngồi xem một đoạn phim tóm tắt hoặc điểm tin thị trường với những sản phẩm bắt mắt.” Lee cũng rất lạc quan về sự tiến triển trong lĩnh vực của mình ‒ giọng nói, thứ mà ông chắc chắn đem lại tiện ích cho giao diện màn hình máy tính cá nhân. Ông viết: “Ổ cứng và dung lượng chứa dữ liệu của những chiếc máy vi tính trong tương lai được mở rộng sẽ đáp ứng được yêu cầu của hệ thống menu hiện tại và những danh mục cũ…

Người dùng đòi hỏi một giao diện sử dụng thông minh hơn và tự nhiên hơn… Trong tất cả những hình thức giao tiếp của loài người, giao tiếp giọng nói đòi hỏi ít đào tạo đặc biệt nhất và là hình thức trực tiếp nhất.”

Ông đã dự đoán đúng nhiều nhất là về tầm quan trọng của công nghệ tìm kiếm. “Thông tin trên mạng rất nhiều và lộn xộn, vì vậy việc tìm kiếm là rất khó khăn. Một vấn đề khác là hầu hết các thông tin trên các trang Web ngày nay là văn bản bằng tiếng Anh, nhưng trong 5 năm tới sẽ có những tài liệu bằng nhiều thứ tiếng khác và nhiều loại phương tiện đa truyền thông. Cũng có thêm rất nhiều người dùng và ổ cứng cũng có dung lượng lớn hơn. Những nhân tố này góp phần vào sự gia tăng của thông tin trên mạng lên đến 100 lần. Nếu mọi thứ tiếp tục theo chiều hướng này, thì từ giờ đến 5 năm sau, một lần tìm kiếm sẽ đưa ra nhiều kết quả và còn lộn xộn hơn bây giờ rất nhiều.”

Nói chung, văn bản này đã đưa ra được những dự đoán ấn tượng. Nhưng quan trọng hơn bất cứ một dự đoán cụ thể nào chính là sự tập trung của Lee vào giao diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và truyền thông đa phương tiện, bao gồm cả việc tìm kiếm. Ông đã cảm nhận đúng rằng ba lĩnh vực này sẽ tạo nên nền tảng cho rất nhiều kế hoạch của Microsoft cho sự tăng trưởng trong những năm tới. Ông cũng tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực này.

Lee dự định sẽ hướng dẫn nghiên cứu các sản phẩm về giọng nói, lĩnh vực sở trường của ông. Ông viết: “Mục tiêu của chúng ta là phát triển công nghệ mới có thể giúp mọi người ‘nói chuyện’ với máy móc tự nhiên hơn và theo nhiều cách hơn, vì vậy sử dụng máy tính cũng sẽ tương tự như chuyện trò với con người. Chúng ta cũng sẽ nghiên cứu về công nghệ giọng nói với những trọng âm riêng biệt để củng cố kỹ thuật về giọng nói, theo những phương pháp phù hợp hơn với người Trung Quốc.”

Cũng liên quan đến vấn đề này là việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà chủ yếu tập trung vào việc nhập dữ liệu và hiểu được văn bản. Mục tiêu của việc làm này là kết hợp ngôn ngữ học, lý thuyết thông tin, lý thuyết xác suất, phương pháp thống kê “giúp người Trung Quốc có thể sử dụng máy tính bằng tiếng Trung với những tiện ích mà người Mỹ có được khi dùng các máy tính cài tiếng Anh”. Lee đã giao cho Huang làm công việc này.

Hệ thống truyền thông đa phương tiện thế hệ tiếp theo chưa được quan tâm cho đến khi Ya-Qin Zhang, HongJiang Zhang và Harry Shum xuất hiện, nay đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu nhiều nhất của Trung tâm. Lee đã phân chia việc nghiên cứu lĩnh vực này cho cả ba người.

Phương tiện truyền thông Internet đã trở thành phạm vi quản lý của Ya- Qin Zhang. Thách thức đặt ra là ông phải tìm ra những phương pháp mới để tích hợp và đưa những chương trình truyền thông đa phương tiện như video, nhạc, tiếng nói, hình ảnh – qua Internet bằng cả mạng dây và mạng không dây. Về những vấn đề khác, Lee dự đoán rằng trong lĩnh vực này sẽ xuất hiện hội nghị qua video, tivi không dây và mua sắm điện tử tương tác 3-D.

Còn một vấn đề lớn không kém về dữ liệu không kết cấu được giao cho HongJiang Zhang là sắp xếp và trình bày một loạt những thông tin lộn xộn trên mạng sao cho việc tìm kiếm dễ dàng và hữu hiệu hơn. Trong khi đó, Harry Shum dùng chuyên môn về đồ họa và hình ảnh máy tính để tạo ra những thuật toán mới cho việc tổng hợp tự động nhanh chóng những môi trường đồ hoạ, ký tự và hình ảnh động. Những điều này được mong đợi có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong thế giới game và rất nhiều lĩnh vực khác. Lee dự đoán: “Mười năm nữa, những thành quả này có thể biến đổi hoàn toàn nền thương mại điện tử (nơi mà khách hàng có thể vào cửa hàng ảo để thử quần áo) và các hình thức giao tiếp giữa các cá nhân với nhau (nơi mà người sử dụng có thể tham gia các cuộc họp và gặp gỡ bạn bè bằng con người ảo trong một môi trường ảo). Toàn bộ giao diện vi tính thậm chí có thể trở thành hình ảnh không gian ba chiều.”

Những công việc mới này được thực hiện rất cấp bách. Cho dù Microsoft có tầm nhìn lâu dài nhưng Lee vẫn thấy Trung tâm cần phải đẩy nhanh hoạt động hơn nữa để chứng tỏ khoản đầu tư 80 triệu USD của công ty vào Trung Quốc là xứng đáng. Mùa xuân năm đó, ông đã nói với các cộng sự của mình là sẽ đem trưng bày những sản phẩm mẫu mới để giới thiệu về công tác nghiên cứu của Trung tâm. Ông thừa nhận: “Những sản phẩm này được tạo ra với hàm lượng công nghệ thấp. Về cơ bản chúng tôi dự định trong sáu tháng tiếp theo, một nửa Trung tâm sẽ tập trung vào hai dự án ‘instant gratification.’ Điều này sẽ thu hút được sự chú ý của công chúng ở Trung Quốc – và hy vọng sẽ tạo ra được sự hưởng ứng ở Redmond. Mặc dù vậy, ông không chỉ nghĩ đến những đồng nghiệp khác hay là hai sếp Dan Ling và Rick Rashid, ông còn nghĩ đến cả Bill Gates nữa.

Thông qua khảo sát các trụ sở của Microsoft, Kai-Fu Lee rất hồi hộp. Trong cuộc họp toàn công ty, Bill Gates đã khen ngợi trung tâm nghiên cứu Trung Quốc trước 30 nghìn nhân viên Microsoft: “Chúng ta vừa khai trương trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, và họ đang có bước khởi đầu ấn tượng.” Giờ đây, vào giữa tháng 10 năm 1999, tức là chưa đầy một năm kể từ khi khánh thành Trung tâm, Lee và những thành viên nòng cốt của Trung tâm đã được mời đến Redmond để giới thiệu sản phẩm mới với Chủ tịch Tập đoàn Microsoft và đưa ra những bằng chứng xác đáng cho lời phát biểu của mình. Được trình bày trước Bill Gates là một vinh dự, Lee rất thích thú nhưng cũng cảm thấy bị áp lực.

Những buổi họp này là truyền thống nghiên cứu thử nghiệm-và-thực tế. Bill Gates là người đam mê công nghệ mới, mỗi năm có một vài lần ông muốn kiểm tra và xem xét những dự án có triển vọng nhất từ các trung tâm nghiên cứu khác nhau. Một đội ngũ nghiên cứu viên được lựa chọn, cùng với Nathan Myhrvold, Rick Rashid và Dan Ling − sẽ trình bày tóm lược cho Gates về các nghiên cứu và cho chạy thử một số sản phẩm mẫu. Gates sẽ quan sát rất chăm chú và đưa ra các câu hỏi – đôi khi là rất nhiều câu hỏi. Mọi người thường gọi đó là “Đánh giá của Bill G.”

Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã dồn hết tốc lực cho các sản phẩm mẫu trong vài tháng. Họ đã đưa ra một danh sách nêu bật những dự án khả thi rồi thu hẹp lại dần. Lee nói: “Chúng tôi giữ lại khoảng ba hoặc bốn dự án, một số sẽ được trình bày trong buổi đánh giá của Bill Gates.”
Đứng đầu danh sách là chương trình mẫu giới thiệu giao diện mới cho việc nhập Hán tự vào máy tính. Người ta phải đánh máy những điều họ muốn nói bằng phiên âm Pinyin. Phần mềm sẽ đoán một từ hợp lý nhất – từ “danh sách từ vựng” đã được giới hạn về Hán tự. Ví dụ, khi đánh chữ “Kai – Fu Lee” sẽ được chuyển sang ba Hán tự: “Kai”, “Fu” và “Lee”. Vấn đề là khả năng bị lỗi rất nhiều. Chữ “Lee” khi đứng một mình có thể được viết bằng bốn hoặc năm ký tự khác nhau. Khung dự án này do X. D. Huang thực hiện từ trước khi Lee gia nhập vào công ty. Đội ngũ nghiên cứu của Lee đã kế tục ý tưởng này, sử dụng “mẫu ngôn ngữ tượng thanh” của tiếng Anh – cách thể hiện toán học của trật tự từ nói chung, ngữ pháp… – và áp dụng rộng hơn vào tiếng Trung. Những hiểu biết của Lee về nhận biết giọng nói rất hữu ích. Ông nói: “Rõ ràng chúng tôi cần có một bước nhảy lớn trong việc chuyển đổi chính xác”. Đó là vì các mô hình ngôn ngữ hoạt động bằng cách phân tích ngữ cảnh nói rồi sử dụng thuật toán thống kê để dự đoán những từ tiếp theo.

Để đảm bảo độ chính xác cao nhất có thể, họ cần phải cho hệ thống làm quen với vô số các thể văn bản tiếng Trung: hệ thống có thể nhận ra càng nhiều từ gần gũi với đời thực thì khả năng dự đoán từ tiếp nối sẽ càng cao. Vì vậy, họ chia các nhân viên đi mua dữ liệu báo chí tiếng Trung, hầu hết là từ People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) . “Khi bán cho chúng tôi những đĩa mềm với giá hàng nghìn đô- la Mỹ, họ rất vui vẻ” − Lee cười to. Trong khi đó, Lee đã thu nhận một số sinh viên thực tập xuất sắc và giao cho họ viết mã cho các mô hình ngôn ngữ thống kê. Đây là một công việc tương đối đơn giản vì khung toán học đã tồn tại trong các loại ngôn ngữ khác; họ chỉ cần ghép thẳng quy tắc ngữ pháp tiếng Trung vào. Sau đó, họ kiểm tra và thử các mô hình này trên bản copy của các tờ báo, để hệ thống phân loại về cường độ xuất hiện của các câu tiếng Trung cho đến khi nó có thể dự đoán được những từ hoặc ký tự nào sẽ xuất hiện tiếp theo. Lee gọi đó là “nghiên cứu tức thời”. Đó không thật sự là nghiên cứu – vì không có nghiên cứu khoa học, theo ông, chỉ có lao động chăm chỉ. Tuy nhiên, theo ông chỉ trong ba tháng “chúng tôi đã có một hệ thống làm việc tốt hơn bất kỳ một ứng dụng nào bạn có thể tìm thấy trên thị trường. Vì vậy, chúng tôi chuẩn bị hệ thống này là thứ đầu tiên để trình bày với Bill”.

Hệ thống chỉ có thể xử lý văn bản viết. Lee quyết định, với một mẫu văn bản trên tay, ông cũng có thể trình bày về cả chương trình nhận biết giọng nói, vì nó cũng hoạt động trên cùng một nguyên tắc. Ông nhận được sự giúp đỡ của X. D. Huang, người đứng đầu Microsoft trong nghiên cứu về nhận biết giọng nói và xử lý ngôn ngữ. Thực tế ông đã dựng nên một phần công nghệ của Microsoft dựa trên luận án tiến sĩ của Lee. Hệ thống này chỉ có thể nhận biết giọng nói tiếng Anh, khi Microsoft phải cạnh tranh với phần mềm đọc chính tả ViaVoice của IBM và những sản phẩm khác trên thị trường – nhưng Lee vẫn nhớ mã của nó. “Hãy đưa cho chúng tôi chương trình nhận biết, chúng tôi sẽ khiến nó nhận biết được giọng nói bằng tiếng Trung” − ông nói với Huang như vậy. Hệ thống mà các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh cùng xây dựng vẫn chưa được tốt về khả năng phân tích âm điệu tiếng Trung, nên họ bỏ qua phần này (giáo viên dạy tiếng Trung phổ thông cũng thường bảo người mới học không cần quan tâm nhiều đến âm điệu) . Nhưng Lee và các đồng nghiệp đã dành ba tháng trời vất vả cải thiện thành công hệ thống trung tâm để có thể xử lý được tiếng phổ thông cơ bản. Chương trình mẫu này cũng khiến Gates rất chú ý.

Đối với sản phẩm mẫu thứ ba, họ ghi hình một vài nhân viên và tạo nên một hệ thống tương tác đơn giản mà khi bạn nhấn chuột vào ảnh tĩnh của một người, người đó sẽ di chuyển và nói. Trong một cảnh quay, nhà nghiên cứu Jin Li đã bay lên không trên một tấm thảm thần sau khi người ta nhấn chuột vào ảnh của ông.
Lee nói: “Bạn nên xem sản phẩm mẫu này, vì nó rất đơn giản. Nó thật tuyệt với những ai không hiểu nhiều về công nghệ. Nhưng xét về mặt công nghệ thì bất cứ ai đang làm việc cho (tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh thế hệ tiếp theo) MPEG4 đều có thể hỏi tại sao ông lại giới thiệu cái đó? Chúng tôi không giới thiệu nó với Bill. Chúng tôi không dám làm điều đó.” Thực tế, họ để dành công bố trên báo chí Trung Quốc. Lee cười: “Họ cho rằng sản phẩm này rất tuyệt.”

Trong những tuần hướng đến buổi đánh giá, các nhân viên thậm chí còn làm việc với tốc độ cao hơn, dốc toàn lực để khắc phục những lỗi cuối cùng của sản phẩm mẫu. Nhưng hai ngày trước khi bay đến Seattle, chương trình mẫu chuyển đổi văn bản – sản phẩm trưng bày chính – vẫn chưa hoạt động ổn định. Jian Wang − chuyên gia về giao diện có bằng tiến sĩ tâm lý học − là người quản lý dự án này. Nhóm nghiên cứu nhỏ của ông làm việc cật lực để đưa sản phẩm vào hoạt động. Nhóm này vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi Jian Wang cùng Lee và một số người khác đã đăng ký lên máy bay ở Bắc Kinh. Ngay trước khi họ chuẩn bị lên máy bay, một sinh viên chạy đến và đưa cho họ đĩa CD có phần mềm đã được sửa hết những lỗi sai.

Nhóm người này cùng tham gia chuyến bay qua Thái Bình Dương. Ngoài Lee và Wang còn có năm nghiên cứu viên của Trung tâm là Ya -Qin Zhang − trợ lý giám đốc, Harry Shum, HongJiang Zhang, Xiaoning Ling và Frank Yang − một chuyên gia hỗ trợ máy tính. Đến Redmond, họ ở tại một căn hộ ba phòng ngủ mà Lee đã thuê, cách khu nhà Microsoft không xa.

Nhóm nghiên cứu từ Bắc Kinh có một giờ thuyết trình. Lee đã phải mất gần như cả kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài khoảng một tuần để soạn thảo báo cáo. Ông gọi điện tham khảo ý kiến của Ling, Rashid và những người kỳ cựu khác từng trình bày trước Bill Gates. Ông đã đưa ra cả một danh sách những việc cần làm:

• Khi nói về một dự án, phải giải thích những thách thức đối với dự án và tầm quan trọng của nó đối với Microsoft.

• Mô tả chi tiết về những tiến bộ trong công tác của đội (Không giống với phần lớn tổng giám đốc điều hành của các công ty khác, Bill hiểu gần như tất cả các chi tiết kỹ thuật. Tất nhiên, không thể đi sâu vào tiểu tiết vì thời gian của Bill là vô cùng quý giá).
• Cần phải chuẩn bị trả lời những câu hỏi hóc búa của Bill, càng nhiều càng tốt.

• Bill hiểu biết rất rộng nên không thể tránh né bằng những luận điệu không rõ ràng.

Được trang bị rất nhiều tài liệu quan trọng – bao gồm thông tin tóm tắt, các bài báo, bài nhận xét, danh sách những bài nghiên cứu đã xuất bản, Lee chia bài trình bày của mình thành hai phần: phần đầu cung cấp một cái nhìn tổng quan về MSR Trung Quốc và sự phát triển của Trung tâm, phần sau giới thiệu sản phẩm mẫu.
Ngày 17 tháng 10, đêm trước buổi đánh giá, các thành viên vẫn luyện tập thuyết trình trong phòng. Sáng hôm sau, mọi người tập trung ở phòng hội nghị lớn gần văn phòng của Gates. Ngoài Gates, họ sẽ phải thuyết trình trước Myhrvold, Rashid, Ling và một nhóm quan chức Microsoft, trong đó có Craig Mundie – Phó chủ tịch phụ trách về tất cả các vấn đề điện tử của người tiêu dùng. Các nhân vật chủ chốt đều có mặt tại bàn chính, những người khác ngồi tại dãy ghế đặt dọc theo tường.

Những người đến từ Bắc Kinh có cảm giác vô cùng hồi hộp. Lee nói: “Đây là lần đầu tiên có người giới thiệu với Bill một sản phẩm nghiên cứu được hoàn thành chỉ trong sáu tháng! Bình thường thì phải mất ba đến năm năm. Họ đều vô cùng lo lắng. Họ không thể tin được điều này. Bước vào ngành khoa học máy tính khi còn là sinh viên, họ nghĩ rằng có thể trở thành lập trình viên của một công ty quốc doanh nào đó, và bây giờ thì họ đang ở trong cùng một căn phòng với Bill Gates.”

Gates trông rất lịch thiệp. Ông vui vẻ chào đón mọi người. Lee bắt đầu phần giới thiệu tổng quan về Trung tâm, nêu chi tiết về buổi lễ khai trương và những nhà nghiên cứu hàng đầu mà ông đã mời về làm việc – bao gồm cả những người đang ở trong phòng. Ông cũng đưa ra chiến lược “6 P” cho Trung tâm: people (con người), programs (chương trình), publications (công chúng), patents (bằng sáng chế), prototypes (nguyên mẫu) và product impact (tầm ảnh hưởng của sản phẩm). Ông báo cáo Trung tâm đã có 28 bài viết trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế, 11 bài phát biểu tại các hội nghị quốc tế và trong nước, hiện đang chuẩn bị đăng ký 49 bằng sáng chế.

Gates cảm thấy rất ấn tượng vì Lee đã nhấn mạnh vào yếu tố con người. Vị chủ tịch Tập đoàn Microsoft đã cười rất tươi khi nghe kể về Jin Li và câu chuyện “Bí thư Đặng Tiểu Bình đã xoa đầu tôi”, vì Lee còn “khoe” cả tấm áp thích nổi tiếng đó nữa. Đến lượt mình, Gates lại khiến các vị khách vô cùng ấn tượng vì vốn hiểu biết về Trung Quốc và những thủ tục hukous – giấy phép nhập cư cho dân từ những thành phố khác muốn chuyển đến Bắc Kinh. Lee kể: “Bill Gates đã hỏi: ‘Khi tuyển những người này, họ có gặp phải vấn đề gì về việc nhập cư không?’ Ông ấy biết rằng mọi người phải được phê chuẩn khi chuyển từ thành phố này sang thành phố khác nhằm tránh nhập cư tràn lan vào Bắc Kinh. Tôi đã nói với ông ấy về những thay đổi lớn lao ở đất nước Trung Quốc trong suốt những năm qua. Chỉ mới một thập kỷ trước, muốn thay đổi việc làm là gần như không thể. Nhưng hiện nay, sau khi cải cách, nhu cầu nhận ra tiềm lực của mọi người được đặt lên hàng đầu.”

Gates cũng hỏi Lee làm thế nào có thể cân bằng giữa công việc tuyển dụng những nhà khoa học máy tính hàng đầu – gồm cả những giáo sư như Jian Wang – và yêu cầu gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các trường đại học trong nước. Trong câu trả lời, Lee nói chi tiết về chiến lược của ông: “Như đã trình bày, phần lớn những người được tuyển dụng đều rất trẻ và đầy triển vọng. Có thể ở lại Trung Quốc và thực hiện những nghiên cứu cơ bản là điều mà họ mong mỏi. Tôi đã giải thích là chúng tôi chưa bao giờ chủ động mời chào các giáo sư ở các trường đại học có tiếng bậc nhất hay từ các trung tâm nghiên cứu; tuy nhiên, nếu họ chủ động xin vào trung tâm thì chúng tôi sẽ nhận hồ sơ của họ và tuyển dụng nghiêm túc như đối với những ứng viên khác.” Lee còn tranh thủ câu hỏi của Gates để nói những chương trình hợp tác nghiên cứu mà ông đã triển khai với các trường đại học Trung Quốc và một số dự án mà ông đã giúp gây quỹ cùng với Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc.

Trong suốt phần giới thiệu, vị Chủ tịch Tập đoàn Microsoft ghi chép rất nhiều, đưa ra nhận xét với Rick Rashid và những người khác trong phòng, hoặc hỏi trực tiếp Lee. Lee đã tóm tắt lại như sau: “Ông ấy đã hỏi tôi rất cụ thể về tình hình chia sẻ thông tin và quan hệ hợp tác giữa MSR ở Bắc Kinh và ở Redmond, trong khi đặc biệt nhấn mạnh rằng trụ sở ở Mỹ cần phải tận dụng được tính ưu việt ở trung tâm nghiên cứu Bắc Kinh về nhân tài nghiên cứu truyền thông đa phương tiện, đồng thời tìm cách vượt qua khó khăn do khoảng cách địa lý. Ông còn bày tỏ hy vọng rằng thông qua nỗ lực của những nhân tài đó, Bắc Kinh có thể tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực truyền thông cho toàn công ty.”

Sau cùng là thời gian giới thiệu sản phẩm. Khi Lee và Wang chuẩn bị đưa ra công nghệ xử lý văn bản tiếng Trung theo từng bước một, Lee vô cùng ngạc nhiên khi thấy Gates đã hiểu được những nguyên tắc cơ bản của phương pháp nhập ký tự Pinyin và wuhua – và tại sao quá trình nhập chữ cái tiếng Anh và đợi các Hán tự tương ứng xuất hiện diễn ra khá chậm.

“Mỗi năm, ở Trung Quốc, hàng tỷ phút bị lãng phí do sự chậm chạp của hệ thống này” – Lee kết luận.

Lúc đó, Gates đã ngắt lời, nói đùa với tất cả mọi người: “Này, thậm chí còn chậm hơn cả đợi Windows khởi động ấy chứ!”

Tất nhiên là Gates không thể đọc được Hán tự. Vì vậy, họ phải sắp xếp làm sao để sản phẩm mẫu đánh dấu đỏ tất cả những ký tự bị dịch sai. Chương trình mẫu này đọc những văn bản báo chí tiếng Trung, chuyển sang phiên âm Pinyin, rồi chuyển lại về ký tự tiếng Trung, sau đó so sánh xem có bao nhiêu lỗi so với bản gốc. Có ba sản phẩm hiện thời được so sánh với sáng tạo này của Trung tâm. Các hệ thống trên thị trường đưa ra kết quả với chi chít dấu đỏ, trong khi sản phẩm của Trung tâm hầu như không có lỗi. Gates đặc biệt thích thú giao diện sử dụng rõ ràng mà Jian Wang đã tạo ra để sửa chữa lỗi. Nó có một bánh xe nhỏ xuất hiện trên màn hình với những ký tự kế tiếp nhau được xếp xung quanh bánh xe đó. Người sử dụng chỉ cần xoay bánh xe để chọn ký tự đúng – tiến bộ hơn rất nhiều so với các phần mềm hệ thống yêu cầu người sử dụng phải tìm kiếm qua một danh sách dài những từ có khả năng.

Để tránh bị mắc lỗi ngay từ đầu, hệ thống dựa trên thuật toán tìm kiếm độc quyền theo mô hình kỹ thuật tập quen của máy. Khi người sử dụng đánh máy bằng phiên âm Pinyin, chương trình sẽ kiểm tra xem phiên âm đó có sai hay không và tự động sửa lỗi phiên âm có thể dẫn đến kết quả ký tự sai. Khi nói về vấn đề này, Gates ngay lập tức thấy được những ý nghĩa lớn hơn.

“Tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ phiên âm Pinyin cho cơ sở dữ liệu tìm kiếm và tạo ra một mô hình sửa lỗi đánh máy tiếng Anh?” – ông hỏi Lee.

Lee thật sự bất ngờ. Theo như ông kể lại: “Thật ra, phương pháp này chính là thuật toán mới mà tôi định đưa ra trong phần sau của bài thuyết trình! Vì phần báo cáo này liên quan đến nhiều vấn đề kỹ thuật và sản phẩm, Bill và tôi đã mất khá nhiều thời gian để thảo luận về nó.” Công nghệ chính sau này được giới thiệu trong bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office 2003.

Sản phẩm nhận biết giọng nói cũng được giới thiệu suôn sẻ. Gates thậm chí còn muốn tận dụng cả bữa trưa để nghe được nhiều hơn. Lee nắm lấy cơ hội nói về phần mềm xử lý giọng nói như một sự thay đổi to lớn cho giao diện sử dụng của máy tính và các ứng dụng trong thế giới thông tin. Ông cảm thấy rất vui khi Gates hoàn toàn đồng ý. Gates nhấn mạnh sự thay đổi này cần phải có thời gian, ông cũng khẳng định Microsoft luôn sẵn sàng hỗ trợ việc nghiên cứu kéo dài hàng năm để tạo ra sự thay đổi này.

Khi buổi đánh giá của Bill G. kết thúc, Gates cảm thấy rất phấn chấn. “Thật quá ấn tượng! Thật kinh ngạc! Các bạn vừa mới bắt đầu. Tuyệt!” Nhóm nghiên cứu Bắc Kinh bị vây quanh bởi tất cả mọi người, trong đó có Gates, và họ đã chụp hai tấm ảnh để lưu lại khoảnh khắc này. Khi Lee chuẩn bị rời khỏi căn phòng, Gates nói với ông rất chân thành: “Điều tuyệt vời nhất chắc chắn là anh đã quy tụ được rất nhiều nhà nghiên cứu xuất chúng và cùng làm việc với họ.” Lee cảm thấy vô cùng hãnh diện.

Sau đó, Lee đưa nhóm nghiên cứu cùng đi ăn tối tại một nhà hàng Trung Quốc. Khi trở về căn hộ, ông đã mang cả xì gà Cuba để ăn mừng – những điếu xì gà đã trở thành nghi lễ đặc biệt sau mỗi buổi đánh giá của Bill G.
Shum khẳng định: “Buổi đánh giá này là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Trung tâm. Mọi người nhận ra rằng những người đang làm việc ở Bắc Kinh thật sự có thể làm được một điều gì đó.”

Lee cũng đồng ý: “Đó chính là khoảnh khắc mà mọi người đều nghĩ ‘Được rồi, từ bây giờ, chúng ta làm việc nghiêm túc.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.