Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh
Phần kết
“Xin chúc mừng, chúng ta đã sống sót!”
Ngày 28 tháng 10 – ngày 5 tháng 11 năm 2005
Càng có nhiều công nghệ cao xuất hiện ở Trung Quốc thì càng tốt. Liệu công việc kinh doanh có khó khăn đối với những đối thủ cạnh tranh của họ? Đúng, rất có thể như vậy nhưng đó là toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh.
—NATHAN MYHRVOLD
Các bạn đang chứng kiến sự bùng nổ công nghệ ở châu Á, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc, mà tôi nghĩ nó mang rất nhiều ý nghĩa. Sự đổi mới mà chúng ta đang chứng kiến ở đây… thật sự là một điều phi thường.
—BILL GATES
Thật khó nhận ra thành phố Bắc Kinh. Sự náo nhiệt của các công trường đang xây dựng, tiếng ồn ào của các phương tiện giao thông, hàng triệu người nói và viết một thứ tiếng mà rất ít người phương Tây có thể hiểu được. Nhưng dần dần nó hé mở ra trước mắt bạn: Thực tế, Trung Quốc cũng có thứ giống như Mỹ vậy.
Trên khắp đất nước rộng lớn này, những thỏa thuận đang diễn ra, những bước khởi đầu đang được hình thành, những hợp đồng đang được ký kết nhanh chóng. Khoa học và công nghệ được coi trọng. Hàng năm, Trung Quốc có hàng chục nghìn nhà sinh học, kỹ sư và chuyên viên máy tính tốt nghiệp cũng như hàng nghìn người trở về nước sau khi du học. Sự tiến bộ của họ trong mọi lĩnh vực từ sinh học, công nghệ nano cho đến công nghệ máy tính đều gây ấn tượng sâu sắc. Quan trọng hơn cả là sự kết hợp giữa những người xuất sắc trong giới công nghệ thông tin với giới nghiên cứu và các cộng đồng doanh nghiệp, từ những người mới lập nghiệp đến những nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty đa quốc gia, kết quả là hàng loạt trung tâm cạnh tranh lành mạnh cùng nhau thúc đẩy quá trình đổi mới – tạo ra nhiều cơ hội ở những nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải – những nơi có thể sánh với Boston hay Thung lũng Silicon.
Có ý kiến cho rằng Bill Gates coi Trung Quốc là một trong những dân tộc thông minh nhất trên thế giới vì đây là quốc gia nghèo đói hơn các quốc gia khác. Với tầng lớp trung lưu khoảng 300 triệu người đang nhanh chóng tiếp cận với nền giáo dục, nguồn vốn và cơ hội, niềm khát khao của Trung Quốc không dừng lại ở sự tăng trưởng, không chỉ là tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ mà còn ở lĩnh vực sản xuất. Vì thế, dù bạn là một tập đoàn bất khả chiến bại như Microsoft, một quốc gia có một nền kinh tế phát triển như Mỹ, thậm chí là một cá nhân thì sự nổi bật của Trung Quốc như một trung tâm đổi mới cần phải được chấp nhận.
Nathan Myhrvold – kiến trúc sư đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Microsoft ở Bắc Kinh, cố gắng hết sức mình. “Càng có nhiều công nghệ cao xuất hiện ở Trung Quốc càng tốt.” Vị cựu trưởng phòng công nghệ của công ty đã khẳng định, bỏ qua một số thất bại về việc cung ứng : “Liệu điều đó có nghĩa là việc kinh doanh sẽ trở nên khó khăn đối với những đối thủ của họ? Đúng vậy, rất có thể – nhưng đó cũng là toàn bộ chu trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Người ta ganh tị cho rằng chúng tôi sẽ mất đi ngôi vị số một. Nhưng nghiên cứu là lĩnh vực mà công nghệ nơi này trợ giúp cho công nghệ nơi khác. Ở một nơi nào đó trên đất nước rộng lớn này có một cậu bé 7 tuổi người Trung Quốc sẽ nhận bằng tiến sĩ về ngành sinh học phân tử. Sau đó, cậu bé 7 tuổi này sẽ tìm ra một loại thuốc mà trong vòng 20 năm tới sẽ cứu sống tôi” Ông cười. “Tôi cảm thấy điều đó thật tồi tệ!”
“Dù đó là thuốc hay bất cứ một loại công nghệ nào khác, một cộng đồng người càng lớn thì càng có nhiều chuyên gia làm việc để giải quyết vấn đề và như vậy vấn đề được giải quyết càng nhanh”, Myhrvold tiếp tục. “Liệu có phải là điều tồi tệ cho Massachusetts khi Thung lũng Silicon xuất hiện? Không, tôi nghĩ đó là một điều tốt. Liệu nó có là điều tồi tệ cho cả Massachusetts và Thung lũng Silicon khi Seattle phát triển? Không, tôi nghĩ đó cũng không phải là vấn đề.”
Giống như thuốc, “mặt tốt” của cạnh tranh toàn cầu khó tiếp nhận. Microsoft đã đi đầu trên mặt trận công nghệ thông tin khi xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh; trong gần bảy năm Microsoft cảm thấy có rất ít cạnh tranh từ một tập đoàn phương Tây khi thu hút những sinh viên tốt nghiệp giỏi nhất ở Trung Quốc. Việc Google tuyển dụng Lee để ra mắt một trung tâm chi nhánh về nghiên cứu và phát triển đã thể hiện một cuộc chiến không cân bằng và tăng rủi ro khi thu hút nhân tài. Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh rơi vào cuộc khủng hoảng nhỏ về niềm tin khi người sáng lập đã rời khỏi công ty trong những phiên tòa quyết liệt. Microsoft đã không phải đợi lâu đưa ra câu trả lời, theo cách chứng minh trong những luận điểm đầy ngụ ý của Myhrvold là: Nếu cạnh tranh không giết chết bạn, nó sẽ càng khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Ngày 22 tháng 9 năm 2005, chưa đầy một tuần sau phiên tòa xét xử, Lee bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho Google ở Trung Quốc, Microsoft thông báo là Ya-Qin Zhang sẽ quay trở lại Bắc Kinh giữ chức phó chủ tịch Microsoft tại Trung Quốc. Với chức danh đó, Zhang sẽ có quyền giám sát các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Microsoft tại Trung Quốc, cùng với Tim Chen – phụ trách kinh doanh và tiếp thị. Việc Ya- Qin Zhang quay trở về văn phòng ở tầng sáu Tòa nhà Sigma đã củng cố tinh thần cho các nhân viên của trung tâm và không còn nghi ngờ gì nữa, ông đã giúp họ hồi phục sau cú sốc đó. Phái thêm một phó chủ tịch hợp tác thứ hai đến Trung Quốc cũng thể hiện những cam kết của Microsoft với khu vực này và đưa ra chiến lược quan trọng trong kế hoạch dài hạn của công ty.
Dù vậy, ban đầu không ai trong tập đoàn này chắc chắn về vai trò của Ya-Qin Zhang. Rõ ràng, ý định đầu tiên của Microsoft đưa ông đến đây là để cân bằng sự ảnh hưởng của Lee khi Lee gia nhập Google. Trên giấy tờ, ông có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ hoạt động nghiên cứu và phát triển của Microsoft tại Trung Quốc, bao gồm hơn 200 nhân viên tại MSR Châu Á và hơn 300 nhân viên tại ATC, cũng như 300 nhân viên chủ yếu liên quan đến việc phát triển phần mềm, định vị và thử nghiệm (rất nhiều trong số nhân sự được bổ sung này đã làm việc ở Bắc Kinh, với khoảng 100 người ở Tòa nhà Sigma. Nhưng Microsoft vẫn duy trì một nhóm dịch vụ Windows ở Thượng Hải và cả hai nhóm ở Thâm Quyến – nhóm dự án về tin nhắn di động và nhóm phát triển phần cứng).
Chức vụ của Zhang đã giúp mối quan hệ với các quan chức Trung Quốc thuận tiện hơn. Về bản chất, cuộc sống ở Tòa nhà Sigma không thay đổi đáng kể. Cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2005, đại sứ mới của Microsoft về nghiên cứu và phát triển trở về quê hương. Tại cuộc họp toàn thể công ty, gồm có nhân viên của MSR Châu Á và ACT, Ya – Qin Zhang nói rằng ít nhất trong thời gian tới, ông sẽ báo cáo với phó chủ tịch cấp cao Rick Rashid. Zhang cũng nhấn mạnh ông không muốn sự có mặt của mình làm ảnh hưởng đến các nhóm phát triển sản phẩm Redmond, mặc dù ông nói vai trò của ông rất mơ hồ và đề nghị các nhân viên cho ông thời gian vạch ra một chương trình chi tiết hơn.
Zhang được giao một nhiệm vụ rất gần với vị trí mà chính Lee chủ trương tạo ra nhằm đưa ra những hình ảnh thống nhất và phối hợp tốt hơn với các quan chức Trung Quốc cho công ty. Steve Ballmer đề nghị với một công việc để giữ ông ở lại Microsoft. Lee từ chối, ông cảm thấy mình khó thành công trong vai trò này. Tuy nhiên, người đồng nghiệp và là bạn cũ của ông lại nghĩ khác về việc này.
Ở Ya-Qin Zhang, Microsoft tìm thấy nhà lãnh đạo cho các hoạt động R&D tại Trung Quốc, người dường như chỉ hiểu biết về phương tiện truyền thông tương đương với Kai-Fu Lee. Có thể Ya-Qin Zhang không được sinh viên sùng bái như Kai- Fu Lee nhưng ông lại có được sự coi trọng của giới nghiên cứu, thậm chí ông còn được đánh giá là giỏi chuyên môn về lĩnh vực (thông tin và truyền thông đa phương tiện) hơn là chuyên môn của Lee (lời nói và ngôn ngữ tự nhiên). Hơn nữa, không giống với Lee, Zhang sinh ra ở Trung Quốc và gần như gắn bó cả cuộc đời ở đó, kể cả bốn năm ông giữ cương vị lãnh đạo của MSR Châu Á, gần gấp đôi thời gian mà Lee ở. Ông rất thoải mái khi tụ tập cùng giới kinh doanh và ít nhất ông cũng có quan hệ tốt đẹp với chính phủ. Trở lại năm 2001, ông cắt bỏ được thói quan liêu xung quanh hukous (giấy phép nhập cư) giúp các nhân viên mới tuyển dụng của Trung tâm dễ dàng chuyển đến Bắc Kinh. Ya-Qin Zhang cũng là kiến trúc sư đầu tiên của Kế hoạch Vạn Lý Trường Thành. Trong kế hoạch này, Microsoft đã đầu tư khoảng 25 triệu đô -la cho ngành giáo dục Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2005, chủ yếu là hỗ trợ giảng viên, phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo quản lý tại 35 học viện phần mềm ở Trung Quốc.
Chuyến thăm của Ya-Qin Zhang hồi cuối tháng 9 gần như bí mật. Không có bất cứ một bài báo nào đưa tin xung quanh chuyến đi này và thật khác thường, ông không hề có một buổi diễn thuyết nào tại các trường đại học. Ông đến thăm một số địa điểm văn phòng mới có tiềm năng, gặp các nhà quản lý của Microsoft và các nhóm phát triển sản phẩm. Ông cũng điều khiển một vài buổi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự và đã có một số cuộc điện đàm xã giao với vài quan chức chính phủ. Ông cũng có một “bữa nhậu vui vẻ” với một quan chức cao cấp của Bộ Giáo dục.
Zhang khẩn trương trở lại Mỹ, lên kế hoạch cùng gia đình chuyển về Bắc Kinh vào đầu năm 2006, lúc đó ông cho rằng tổ chức R&D của Microsoft sẽ tăng thêm 200 nhân viên và đạt tới con số 1.000. Ông dự định sẽ tăng gấp đôi con số này trong năm tới, tập trung vào lĩnh vực phát triển sản phẩm, đồng thời có chiến lược rõ ràng và trình độ quản lý cao cấp đối với những vấn đề quan trọng. Ông nói: “Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành cơ sở chủ chốt đối với chúng tôi trong lĩnh vực R&D. Tôi rất mong có được cơ hội này.”
Trong quá trình cạnh tranh với Kai- Fu Lee, Ya-Qin Zhang tránh đưa ra những nhận xét trực tiếp. Ông nói : “Tôi tin rằng Microsoft là một tập đoàn lớn. Nó chưa hoàn hảo và có rất nhiều cạnh tranh, nhưng Microsoft đang ở chuẩn bị bước vào điểm nhấn để chuyển sang một giai đoạn mới… Châu Á sẽ là chiến trường chính trong 5-10 năm tới. Cạnh tranh sẽ giúp bạn tập trung, đổi mới và hoạt động hiệu quả hơn.”
MSR Châu Á chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong vài tuần sau chuyến thăm của Ya- Qin Zhang. Gần một năm trôi qua kể từ tuần lễ kỷ niệm bận rộn của tháng 11 năm 2004, khi Trung tâm Nghiên cứu tổ chức Hội nghị Giáo dục Cấp cao, các cuộc họp ban tư vấn kỹ thuật và Hội thảo Công nghệ thông tin thế kỷ XXI lần thứ sáu. Bây giờ là lúc tổ chức lại những ngày hội này với nhiều kỳ vọng hơn bao giờ hết.
Cuộc vui bắt đầu vào buổi tối thứ Năm ngày 27 tháng 10. Rick Rashid đã tới từ Redmond trong ngày hôm đó và Harry Shum đã tổ chức một bữa tối chiêu đãi ông, còn có cả Andrew Yao cựu chuyên viên khoa học máy tính của Đại học Princeton, người từng đoạt giải thưởng Turing Award nay đã trở về Trung Quốc, và Dương Chấn Ninh – người đoạt giải Nobel, đã nói tại Hội nghị Công nghệ thông tin Thế kỷ XXI năm trước. Sáng hôm sau, Rashid, Shum và trưởng phòng quan hệ đại học Lolan Song đã đến Bộ Giáo dục ở khu thương mại Bắc Kinh để ký thỏa thuận, mở ra giai đoạn hai cho Kế hoạch Vạn Lý Trường Thành và chính thức thống nhất sẽ kỷ niệm tại khu nghỉ mát sang trọng gần Vạn Lý Trường Thành hồi tháng 5 năm ngoái.
Hiệp định mới này nhắc lại những cam kết hỗ trợ cho các trường cao đẳng phần mềm Trung Quốc trong vòng ba năm tới. Nhưng nó cũng chứa đựng một số rắc rối nhỏ. Điều tối quan trọng là sáng kiến thiết lập MSR Châu Á thành một cơ sở chính thức hay một trung tâm nghiên cứu chuyên đào tạo nghiên cứu viên công nghiệp – một thỏa thuận không hề liên quan đến bất cứ một cam kết tài trợ nào, nhưng lại đòi hỏi Microsoft phải tạo ra được các nhóm trợ lý nghiên cứu và các chương trình được thiết kế để giúp những sinh viên chuẩn bị vào làm việc tại R&D. Một số tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng có cơ sở đào tạo như thế. Tuy nhiên, theo như những gì các nhà lãnh đạo của Microsoft nói, đây là lần đầu tiên một tập đoàn nước ngoài nhận được một nhiệm vụ như thế. Shum nói: “Đây là một thỏa thuận lớn.”
Lễ ký kết với Thứ trưởng Qin- Ping Zhao diễn ra đúng như kế hoạch. Nhưng thủ trưởng của ông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ji Zhow, đang bận rộn với việc khác, yêu cầu những người đại diện Microsoft không được về trước khi ông tỏ lòng kính trọng, ông nhấn mạnh Trung Quốc đã học được rất nhiều từ Microsoft và đất nước đánh giá cao những kinh nghiệm đã được tập đoàn này chia sẻ thông qua thực tế và các chương trình khác. Việc ông đưa ra lời nhận xét như vậy là thể hiện một mối quan hệ tốt đẹp.
Tôn trọng bộ trưởng Trung Quốc là một điều mong đợi, nhưng nó cũng đặt tập đoàn lên một thời gian biểu tiếp theo trong kế hoạch làm việc trong ngày: giới thiệu một vũ khí mới trong cuộc chiến công cụ tìm kiếm với Google. Từ Bộ Giáo dục, Shum, Rashid và Song nhanh chóng đi tới Làng Olympic ở phía bắc Bắc Kinh. Vào đầu giờ chiều, họ lên kế hoạch thông báo sẽ thành lập một tổ chức ngang tầm với ACT, gọi là Trung tâm Công nghệ tìm kiếm (Search Technology Center). Trung tâm này dành riêng để phát triển những tiến bộ liên quan đến tìm kiếm của Trung tâm Nghiên cứu để phục hồi thông tin, khai thác dữ liệu, nghiên cứu thiết bị và những lĩnh vực khác. Tổ chức mới này được đặt tại Tòa nhà Sigma và trợ lý giám đốc Hsiao-Wuen Hon sẽ lãnh đạo. Ông dự định sẽ tuyển dụng 50 nhân viên mỗi năm, trong khoảng thời gian 3-5 năm tới.
Các kế hoạch cho trung tâm tìm kiếm này đã có từ rất lâu, trước khi Kai-Fu Lee rời khỏi công ty: đây là chủ đề trong các cuộc họp kín giữa nhóm thành viên Bắc Kinh với ban điều hành của MSN ngay sau ngày hội công nghệ TechFest hồi tháng 3 vừa rồi. Tuy nhiên, cuộc chiến leo thang với Google đã gây ra nhiều thay đổi và Microsoft không thể trì hoãn thông báo về sự thành lập của Trung tâm. Sheila Shang đã thuê một văn phòng lớn tại khách sạn Crowne Plaza ở làng Olympic, còn có tên khác là Five Continent Plaza. Căn phòng được chia bởi một bức bình phong và trang trí bằng logo của Microsoft. Hơn 50 phóng viên đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Quảng Đông được đưa vào một bên phòng, có rào chắn ngăn cách, họ không được biết điều gì đang diễn ra, chỉ biết rằng MSR Châu Á sẽ đưa ra một thông báo quan trọng.
Ngay sau đó, Shum bước ra và trình bày sơ lược về những thành tựu của Trung tâm Nghiên cứu trong bảy năm qua. Đến lúc này ông mới tiết lộ MSR Châu Á đã tiến tới một mốc lịch sử quan trọng nữa. Với ánh đèn flash, âm nhạc nổi lên và rào chắn được mở ra. Rashid, Hsiao-Wuen Hon, chuyên gia tìm kiếm Wei Ying Ma và một người khác đang đợi ở đó, bên cạnh là 12 sản phẩm mẫu về công nghệ chia nhóm, tìm kiếm trên thiết bị di động, tìm kiếm hình ảnh, video và tin tức, thậm chí cả việc mua sắm có liên quan đến tìm kiếm. Sau đó, Hsiao -Wuen Hon giải thích chi tiết về Trung tâm Công nghệ Tìm kiếm. Sau các phát biểu ngắn của Rashid và một người quản lý chương trình MSN người đã nói về sự hợp tác giữa trung tâm và Redmond, Shum trở lại sân khấu và mời các phóng viên báo chí tận mắt chứng kiến những sản phẩm mẫu đó.
Microsoft đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến công cụ tìm kiếm với Google. Hon dự tính sẽ tuyển một số nhân viên từ Trung tâm Nghiên cứu hoặc ATC và cho rằng kinh nghiệm của họ sẽ giúp ông đi trước trung tâm R&D mới của Goolge – trung tâm này bắt đầu tuyển sinh viên mới tốt nghiệp, những người sẽ cần đào tạo công việc. Hon dự đoán: “Đây sẽ là một lợi thế rất lớn.”
Không thể nói rằng Microsoft vẫn không bắt kịp công nghệ tìm kiếm thông tin tổng hợp. Hon thừa nhận: “Ngày nay, mọi người tìm kiếm trên MSN và nhận ra là họ không nhận được kết quả giống như khi họ tìm kiếm trên Google. Microsoft là một công ty đi sau về thuật toán tìm kiếm. Đây không phải là điều bí mật, điều quan trọng nhất Microsoft làm không phải là việc kiếm tiền thông qua tìm kiếm, mà là sự tăng cường đổi mới để sản phẩm của Microsoft thật sự đổi mới. Lúc đó mới là vấn đề tiền bạc.”
Ngày hôm đó đã kết thúc bằng một bữa tiệc pizza kiểu Mỹ và một cuộc họp ban lãnh đạo tại Trung tâm Nghiên cứu. Sau đó, một nhóm gồm 20 nhà quản lý đã đi bộ tới khách sạn Jade Palace gần đó để chơi bowling. Rashid có năng khiếu chơi môn thể thao này.
Shum đã học được những kỹ năng từ sếp của mình. Mùa hè trước, Steve Ballmer đã đến thăm Bắc Kinh, ông và Shum chơi bóng rổ với các nhân viên và sinh viên của Trung tâm Nghiên cứu tại Trung tâm Kerry. Không lâu sau, ông đi đánh golf ở Redmond với vài vị phó chủ tịch MSN.
Một vị quản lý, đã nói với ông: “Harry, anh làm tốt lắm! Giờ đây anh chơi bóng rổ với giám đốc điều hành tập đoàn và chơi golf với cả các phó chủ tịch.” Về việc đó, Shum nói: “Tôi nhận ra tôi chưa bao giờ chơi thể thao với sếp của mình.” Ông nói với Rashid, và họ quyết định đi chơi bowling.
Tại Jade Palace, Shum cố gắng thể hiện tốt vai trò của mình để nâng cao hình ảnh của Trung tâm Nghiên cứu nhưng Rashid vẫn giành được điểm cao hơn, mặc dù là số điểm 164 không ấn tượng lắm. Shum nói : “Đội của tôi có số điểm thấp nhất và chúng tôi đã không thận trọng khi chơi.”
Sau đó, tất cả mọi người lại bước vào cuộc đua. Tuần lễ kỷ niệm của Trung tâm Nghiên cứu chính thức bắt đầu vào thứ Hai ngày 31 tháng 10 – ngày lễ Hallowen ở Mỹ – với hội nghị Cấp cao thường niên. Sự kiện này diễn ra ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang và là quê hương của nhà phát minh ra “chiếc bút thông dụng” Jian Wang. Đây là Hội nghị Giáo dục cấp cao Faculty Summit lần đầu tiên được tổ chức ngoài Bắc Kinh. Seila Shang vui mừng báo cáo có 220 thành viên tham dự, trong đó có bảy hiệu trưởng cùng vị phó hiệu trưởng từ các trường đại học và hàng trăm các chủ nhiệm khoa công nghệ máy tính, các đại diện của các trường đại học đến từ 14 quốc gia.
Nhiều thành viên đến từ Nhật Bản, nơi có một chi nhánh mới của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, cùng với Microsoft hợp tác nghiên cứu, đã ra mắt vài tháng trước. Dưới sự chỉ đạo của KatsushiIkeuchi – nhà khoa học máy tính lỗi lạc thuộc Đại học Tokyo, từng là chuyên gia tư vấn của Harry Shum tại CMU và sau đó trở về Đại học Tokyo, phòng nghiên cứu vừa thành lập đã trở thành tai mắt của Microsoft về công nghệ thông tin ở Nhật Bản. Nhiệm vụ của phòng nghiên cứu này là xác định và hỗ trợ ngân sách cho hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực robot, công nghệ không dây, thiết kế đồ họa và các lĩnh vực khác mà tập đoàn này hy vọng sẽ tiếp tục đứng đầu trong thế giới máy tính. Ikeuchi nói: “Những thành quả về kỹ thuật được truyền đạt qua đối thoại trực tiếp chứ không phải bằng các bài thuyết trình theo nghi thức. Thật không may, các nhà nghiên cứu Nhật Bản lại ít tiếp xúc và liên lạc với các nhà nghiên cứu phương Tây. Nếu chúng tôi tạo được mối quan hệ mật thiết giữa các nghiên cứu viên Nhật Bản với những người trong MSR Châu Á, thì những thành quả mà họ đạt được sẽ truyền bá ra khắp thế giới.”
Các thành viên tham dự Hội nghị quả là những người cuồng nhiệt. Sau phiên họp hôm đó, Microsoft tổ chức một buổi tiệc lớn cho các khách mời. Một giáo sư đến từ Đại học Thanh Hoa, có lẽ lấy cảm hứng khi rót rượu, ông bước lên sân khấu hát một đoạn nhạc kịch Bắc Kinh. Sau đó ông đề nghị một vị chủ nhiệm của Học viện Công nghệ Harbin làm cho mọi người sửng sốt khi người này hát hết mình đoạn “Edelweiss” từ The Sound of Music. Tiếp đến là một giáo sư đến từ Đại học Bắc Kinh đã ngâm nga một bản ballad Nga, ông là người hát hay nhất đêm hôm đó. Điều này khơi nguồn cảm hứng cho một vị đến từ New Zealand, với vũ điệu của bộ tộc Maori. Cuối cùng là Lolan Song và nhóm nhân viên của bà khép lại chương trình biểu diễn với màn biểu diễn Jingle Bells.
Ngày mồng 1 tháng 11, chỉ một ngày sau Hội nghị Giáo dục Cấp cao, tour Hội thảo Tin học thế kỷ XXI lần thứ bảy bắt đầu ở Tòa nhà Quốc hội tại Hàng Châu. Có khoảng 2.200 sinh viên, giáo sư và những nhân vật quyền lực tham dự, phần lớn họ đến từ ba hay bốn trường đại học hàng đầu ở khu vực này. Họ đã tập trung chật kín khán phòng.
Chủ đề của hội nghị là tin học tập trung dữ liệu. Ronald, đến từ MIT, người đã đoạt giải Turing Award, và là chữ “R” trong sản phẩm bảo mật RSA của công ty, đã nói về việc “bỏ phiếu trong thế kỷ XXI”. Các nhà lãnh đạo khác gồm có Jeannette M. Wing, trưởng khoa công nghệ thông tin của Carnergie Mellon, nhà toán học Stanley Osher của UCLA – cố vấn kỹ thuật có trách nhiệm rất lớn của Bill Gates, và Alex “Go” Gounares. Hội thảo diễn ra trùng với lễ hội Hồ Tây nổi tiếng của Hàng Châu và đêm hôm đó Microsoft cũng tổ chức một bữa tiệc, có cả phó thị trưởng của thành phố, người đã khôi hài nhắc đến Rivest và Boston và Hàng Châu là những thành phố chị em. Ông đã nhờ giáo sư đến từ MIT gửi lời thăm hỏi tới thị trưởng Boston Tom Menino.
Ngày hôm sau, đội quân Microsoft đã được thị trưởng thành phố Hàng Châu “nhân cơ hội” mời một bữa trà sáng. Chiều hôm đó, họ cùng lên một chiếc xe buýt và có một chuyến đi dài 3 giờ đến Thượng Hải, nơi mà ban tư vấn kỹ thuật có buổi triệu tập vào sáng hôm sau tại văn phòng kinh doanh ở khu thương mại của Microsoft. Cùng lúc đó, Shum, Rashid và Song cũng nhanh chóng đến Đại học Giao thông Thượng Hải, nơi đây chính thức thành lập mới một phòng thí nghiệm mới, hợp tác thứ tám mà MSR Châu Á hỗ trợ cho các trường đại học trên toàn đất nước Trung Quốc.
Sau buổi hội nghị ở Thượng Hải, nhóm lãnh đạo lên đường. Lần này họ tiến đến Hồng Kông, nơi họ sẽ kết thúc tuần lễ đầy bận rộn vào thứ Bảy, ngày 5 tháng 11 với buổi hội nghị thứ hai và cũng là buổi hội nghị cuối cùng trong loạt hội nghị Tin học thế kỷ XXI. Tham gia vào tốp đứng đầu là Paul Chu, người tiên phong về siêu dẫn nhiệt cao, đã rời trường Đại học California tại San Diego về làm hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Tối hôm đó, ông Chu tổ chức một bữa tiệc ngay tại nhà và mời tất cả các nhà quản lý và điều hành của Microsoft tham dự.
Khi mọi thứ đã xong, một số người trong nhóm trở về khách sạn. Nhưng Shum và một số người khác lại bắt chuyến tàu điện ngầm đến Victoria Peak. Ở đó, trong ngày sinh nhật lần thứ bảy của Trung tâm Nghiên cứu, họ tình cờ gặp lại nhóm của Hsiao -Wuen Hon và Sheila Shang; họ cùng nhau thưởng thức cảnh đẹp của cảng với ánh đèn huyền diệu của Kowloon. Tất cả cùng nâng cốc chúc mừng: “Chúc mừng, chúng ta đã tồn tại!”
Đã gần một năm trôi qua đi kể từ sự kiện trọng đại của MSR Châu Á. Trung tâm Bắc Kinh gần như tăng gấp đôi, với khoảng 500 nhân viên (kể cả ATC) và 300 sinh viên, hầu như chật kín Tòa nhà Sigma. Trung tâm mở thêm một chi nhánh ở Nhật Bản Trung tâm Công nghệ Tìm kiếm, nhiều hiệp định mới với đối tác là các trường đại học khắp châu Á, mở rộng kế hoạch Vạn Lý Trường Thành, chiếm ưu thế trong các hội nghị quốc tế về tìm kiếm và đồ họa, tạo ra được khoảng 20 công nghệ hoặc đặc tính cho các sản phẩm của Microsoft, bao gồm 12 công nghệ cho hệ điều hành Windows Vista. Kai- Fu Lee – người sáng lập Trung tâm, đã rời khỏi công ty nhưng Ya-Qin Zhang thì quay lại Trung Quốc. Harry Shum hoàn toàn yên tâm với Trung tâm Nghiên cứu Microsoft. Nói chung, mối quan hệ của Trung tâm dường như đang tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Hướng tới năm 2006, Shum – đã bị sốt trong gần như suốt tuần lễ kỷ niệm, rất lo lắng vì sợ lây bệnh sang nhân viên. Ông nói: “Để duy trì sự tăng trưởng của Trung tâm, chúng ta cần phải thật cẩn thận và đừng tự giết chính mình.” Trong tháng tiếp theo, nhóm quản trị dự định ngồi lại và phát triển một chiến lược để hoàn thành những cam kết và kỳ vọng khi họ đã có những bước tiến nhanh hơn. Trung tâm đã kỷ niệm lễ sinh nhật lần thứ thứ bảy rất trang trọng, Shum nhấn mạnh, món quà lớn nhất là “hãy tự chăm sóc chính mình”.
Mặc dù vậy, đối với MSR, không thể có chuyện “giảm tốc”. Thành công của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã mang đến một động lực – và một mô hình – mở ra một trung tâm nghiên cứu mới ở Bangalore, Ấn Độ, trung tâm này chuẩn bị ra mắt từ cuối năm 2005. Rashid khẳng định: “Nếu anh muốn phát triển để đáp ứng nhu cầu của Microsoft, anh không thể chỉ kinh doanh tại Mỹ. Ấn Độ khác với Trung Quốc nhưng ở một số khía cạnh nó cũng mang những đặc thù của Trung Quốc. Nhiều người muốn làm việc tại Ấn Độ chứ không phải là một nơi nào khác. Chúng tôi đã thấy điều đó tại Trung Quốc.”
Do tiến độ xây dựng chậm chạp đã trì hoãn buổi ra mắt, nhưng cuối cùng thì trung tâm nghiên cứu cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Rashid dự định sẽ đến thăm Bangalore trong buổi lễ kỷ niệm đầu tiên vào đầu năm 2006, tại đây ông có thể gặp được nhà công nghệ, các nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ. Tuy nhiên, khi họ bàn luận về tương lai của tin học nông thôn và Ấn Độ sẽ vươn lên đứng đầu trong thế giới công nghệ thông tin, một vài thứ có thể rất quen thuộc.
Trong tiếng Hindi, sambandh nghĩa là “quan hệ”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.