Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
Lý Quang Diệu, người đàn ông vĩ đại có công đưa Singapore từ một làng chài nghèo khổ vương lên trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới. Mặc dù đã rời bỏ chức vụ thủ tướng, ông vẫn được xem là một chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại đảo quốc này. Ông tiếp tục phục vụ trong chính phủ của thủ tướng Ngô Tác Đống trong cương vị Bộ trưởng Cao cấp.
Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng biểu thị khát vọng của tất cả các nước đang phát triển, nhưng tiếc thay, cho đến nay, số thành đạt rất ít. Singapore là một trong số rất ít đó.
Vì thế, hồi ký về những năm đầu thời kỳ độc lập được viết bởi người cha sáng lập đất nước này – ông Lý Quang Diệu – sẽ rất lý thú đối với nhân dân các nước đang phát triển và những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước họ. Câu chuyện được kể thẳng thắn bằng văn phong rất trong sáng và thú vị. Cuốn sách có sức thu hút kỳ lạ. (Trích lời của Kofi A.Annan, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc).
Tôi viết quyển sách này cho thế hệ trẻ Singapore, những người cho rằng một Singapore ổn định, phát triển và thịnh vượng là hiển nhiên. Tôi muốn họ thấu hiểu được những khó khăn mà một nước nhỏ chỉ rộng 640km2, không có tài nguyên thiên nhiên, phải vươn lên để tồn tại giữa những quốc gia rộng lớn hơn vừa mới độc lập và tất cả đều theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Những ai đã từng trải qua chiến tranh năm 1942 và sự chiếm đóng của Nhật Bản, đã từng tham gia vào công cuộc xây dựng nền kinh tế mới cho Singapore thì không lạc quan như thế. Chúng tôi không thể quên được rằng việc có được trật tự xã hội, an toàn cá nhân, phát triển kinh tế xã hội và phồn vinh thịnh vượng không phải là quy luật hiển nhiên của sự vật, mà là nhờ vào những nỗ lực không ngừng của toàn xã hội dưới sự dẫn dắt của một chính phủ trung thực và hiệu quả do dân bầu ra.
Trong quyển sách trước đây (Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1), tôi đã miêu tả những năm định hình tính cách của tôi trong thời tiền chiến ở Singapore, sự chiếm đóng của Nhật Bản và những biến động của chủ nghĩa cộng sản và tiếp theo đó là các vấn đề chủng tộc trong hai năm ở trong Liên bang Malaysia.
Việc chiếm đóng của Nhật Bản (1942–1945) làm tôi căm phẫn vì sự tàn bạo, dã man mà họ đã dành cho những người bạn cùng châu Á với họ, làm khơi dậy trong tôi tinh thần dân tộc và lòng tự trọng, cũng như sự căm hờn vì bị đối xử trịch thượng. Bốn năm học đại học ở Anh sau chiến tranh đã củng cố thêm quyết tâm thoát khỏi ách cai trị thuộc địa của thực dân Anh trong tôi.
Năm 1950 tôi trở về Singapore, tin tưởng vào mục tiêu của mình nhưng lại không lường hết được những khó khăn hiểm nguy phía trước. Làn sóng chống thực dân đã lôi cuốn tôi và nhiều người cùng thế hệ. Tôi tham gia hoạt động công đoàn và chính trị, lập ra một đảng chính trị và vào năm 1959, ở tuổi 35, tôi đảm nhiệm chức vụ thủ tướng chính phủ đầu tiên, được bầu của Singapore tự trị.
Tôi cùng bạn bè thành lập mặt trận thống nhất với những người cộng sản. Ngay từ đầu, chúng tôi biết rằng sẽ phải có lúc đường ai nấy đi và khi có cơ hội là thanh toán lẫn nhau. Khi điều ấy xảy ra, cuộc đấu tranh thật là ác liệt và may thay chúng tôi đã không bị đánh bại.