Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

2. XÂY DỰNG MỘT QUÂN ĐỘI TỪ ĐẦU



Khi nghị viện đến kỳ mở phiên họp vào tháng 12/1965, bốn tháng sau khi chúng tôi tách khỏi Malaysia, Lữ đoàn trưởng Syed Mohamed bin Syed Ahmad Alsagoff chỉ huy một lữ đoàn của Malaysia đóng tại Singapore ghé thăm tôi và khăng khăng rằng đoàn môtô dẫn đường của anh ta sẽ hộ tống tôi đến nghị viện. Alsagoff là một tín đồ Hồi giáo Ả Rập, thân hình chắc mập, vạm vỡ với bộ ria mép và là một người Singapore gia nhập Lực lượng Quân đội Malaya. Thật là ngạc nhiên, anh ta hành động như thể anh ta là Tổng tư lệnh quân đội Singapore, sẵn sàng nắm quyền điều khiển hòn đảo này bất cứ lúc nào. Vào thời điểm đó, hai trung đoàn bộ binh đệ nhất và đệ nhị của Singapore (SIR I và II), mỗi trung đoàn khoảng 1.000 người, đều đặt dưới quyền chỉ huy của Malaysia. Chính phủ Malaysia đã đưa 700 người Malaysia vào SIR I và II, và rút 300 lính người Singapore đưa vào các đơn vị riêng lẻ của Malaysia.

Tôi cân nhắc tình hình và kết luận rằng Tunku muốn nhắc nhở chúng tôi và các nhà ngoại giao nước ngoài sắp có mặt rằng Malaysia vẫn còn nắm quyền ở Singapore. Nếu tôi bảo anh ta bỏ cái thói kiêu ngạo đó đi, thì Alsagoff sẽ báo cáo lại cho cấp trên của anh ta ở Kuala Lumpur và họ sẽ tiến hành những bước khác để chứng tỏ cho tôi thấy ai là người nắm quyền thực sự ở Singapore. Tôi quyết định là tốt nhất nên đồng ý. Thế là, trong lễ khai mạc của nghị viện đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, quân đội hộ tống của Malaysia đã “hộ tống” tôi từ văn phòng ở Tòa Thị chính đến tòa nhà nghị viện.

Không lâu sau sự kiện này, vào lúc 4 giờ chiều thứ Ba ngày 1/2/1966, Keng Swee đột nhiên đến văn phòng của tôi ở Toà Thị chính với tin xấu rằng bạo loạn đã bùng nổ trong một trại huấn luyện quân đội ở Shenton Way, cạnh trường Bách khoa Singapore, ông ta kinh ngạc khi biết rằng 80% tân binh mới tuyển cho tất cả các đơn vị đều là người Malay, Keng Swee đã ra chỉ thị dừng ngay tất cả các cuộc tuyển mộ, huấn luyện và giữ nguyên tình hình này.

Viên chỉ huy quân đội hiểu sai ý này và chủ động chỉ thị cho viên thiếu tá người Hoa sa thải tất cả các tân binh người Malay. Viên thiếu tá tập họp mọi người ở quảng trường duyệt binh, yêu cầu những người không phải là người Malay rời khỏi hàng và bảo với những người Malay còn lại rằng họ bị sa thải. Những người Malay đứng chết lặng trong vài phút vì sự phân biệt đối xử này. Khi họ lấy lại được bình tĩnh sau cú sốc, một cảnh hỗn loạn nổ ra khi họ tấn công những người không phải Malay bằng cọc, gậy và các chai nước có ga, đốt hai xe môtô, làm hư hại một xe scuter và lật đổ một xe tải. Đáp lại một cuộc gọi khẩn, một chiếc xe hơi tuần tra của cảnh sát chạy đến lọt vào một đợt ném chặn bằng chai lọ và không thể băng qua được chiếc xe tải bị lật. Một chiếc xe chữa cháy đến sau đó cũng bị tấn công một cách tương tự.

Một đám đông lớn tụ tập dọc theo đường Shenton Way để xem. Các sinh viên Bách khoa bỏ học để ngắm nhìn toàn cảnh cuộc hỗn loạn từ ban công và nóc nhà. Vào khoảng 2 giờ 45 phút chiều, một đội chống bạo động đến bằng những chiếc xe bịt kín của cảnh sát và bắn hơi cay vào đám đông. Sau đó, đội cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động đến, bắt những kẻ bạo loạn, nhét họ lên xe bịt kín của cảnh sát và giải đến CID (Cục điều tra tội phạm – Criminal Investigation Department). Những người này bị giam giữ ở sân trong tòa nhà CID để chờ chỉ thị xem là buộc tội họ và từ chối cho bảo lãnh hay là thả họ ra sau khi họ đóng tiền bảo lãnh.

Keng Swee lo sợ nếu họ được phép đi, khi về đến nhà ở Geylang Serai và các vùng Malay khác, họ sẽ khởi phát một cuộc bạo động giữa người Malay và người Hoa và lan truyền câu chuyện họ bị sa thải như thế nào. Ngay tức tốc, tôi gọi viên Cao ủy người Anh John Robb đến văn phòng tôi. Tôi yêu cầu ông ta báo động cho viên chỉ huy quân đội người Anh nếu như những cuộc bạo động mang tính cộng đồng xảy ra vượt ngoài tầm kiểm soát, vì lực lượng cảnh sát và quân đội Singapore đa phần là người Malay có thể đồng tình với các phần tử bạo động. Tôi cho ông ta biết tôi dự định đi đến tòa nhà CID để tự mình dàn xếp vấn đề. Nếu có khả năng làm lắng dịu tình hình, tôi sẽ để họ về nhà; bằng không, họ có thể phải bị buộc tội và bị tạm giam. Nếu trường hợp đó xảy ra, khoảng 365 gia đình sẽ trông mong con họ vào đêm đó và những lời đồn đại sẽ lan truyền khắp Singapore về việc người Malay bị đàn áp.

John Robb nói rằng anh ta sẽ báo cáo vụ việc này nhưng thận trọng cho biết lực lượng Anh quốc không thể can thiệp vào vấn đề an ninh nội bộ Singapore.

Tôi bảo với viên tổng tư lệnh cũng là sĩ quan chỉ huy đơn vị đồn trú Anh nên bảo đảm rằng quân đội Anh sẵn sàng ngăn chặn các phần tử bạo động, không để họ lọt ra ngoài tầm kiểm soát và quay sang chống lại những gia đình da trắng như họ đã làm trong cuộc bạo động tôn giáo liên quan đến một cô gái Hà Lan năm 1950.

Tôi phân tích phương pháp của mình với Othman Wok, Bộ trưởng các vấn đề xã hội, và bảo ông ta cùng tôi và Keng Swee đến gặp những kẻ bạo động ở CID. Tại sân trong tòa nhà CID, chúng tôi nói với họ bằng tiếng Malay thông qua một cái loa nạp ắc quy cầm tay, tôi nói rằng viên thiếu tá đã hiểu sai mệnh lệnh, các mệnh lệnh đó chỉ dành cho công dân Singapore. Anh ta đã nhầm lẫn khi cho rằng mệnh lệnh này có nghĩa là không một người Malay nào được tuyển mộ, trong khi người Malay nào là công dân Singapore đều có đủ tư cách được tuyển chọn. Mười người trong số đó bị nhận dạng là những kẻ cầm đầu nổi loạn bị cảnh sát bắt giữ và kết tội, số còn lại có thể về nhà. Họ chớ nên phao tin đồn khi về đến nhà. Nếu như bất kỳ ai trong số những người được phép về nhà, sau đó bị nhận dạng là kẻ nổi loạn, anh ta cũng sẽ bị bắt giữ. Tôi nói thêm rằng tất cả những ai là công dân Singapore phải trở về doanh trại vào ngày hôm sau để được huấn luyện như thường lệ. Chỉ có những công dân là có đủ tư cách và những ai không là công dân phải tìm việc làm ở Malaysia. Triển vọng việc làm đã mang lại sự hoan nghênh và cổ vũ. Tôi phải có quyết định ngay lập tức, sự chọn lựa ít rủi ro nhất là giam giữ và trừng phạt một vài kẻ cầm đầu nhưng cho phép đa số được về nhà. Tôi hy vọng họ sẽ biết cư xử cho phải phép vì triển vọng việc làm.

Tại buổi họp báo, tôi yêu cầu các phóng viên tường thuật vụ việc này một cách khéo léo, nhất là những tờ báo bằng tiếng Malay. Khi tôi đọc các nhật báo vào sáng hôm sau, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mười bốn người bị truy tố về tội nổi loạn, song sau đó viên chưởng lý đã quyết định rằng tốt nhất là rút lại lời kết tội. Đây quả là lời nhắc nhở sâu sắc cho chính phủ rằng chúng tôi phải giải quyết những vấn đề chủng tộc với sự nhạy cảm tối đa.

Chúng tôi đã có một lần lo lắng khác vào tháng 11/1967, khi những cuộc đụng độ giữa người Hoa và người Malay nổ ra ở Penang và Butterworth, một thị trấn trên bán đảo đối diện đảo Penang. Tình trạng phân biệt chủng tộc trở nên xấu đi nhanh chóng ở Malaysia sau sự chia tách của Singapore. Sự giận dữ và oán hận của người Hoa ngày càng mạnh mẽ chống lại chính sách nói tiếng Malay của chính phủ. Với chúng tôi, đây là hồi cảnh báo để thành lập một hội đồng cấp bộ trưởng với Goh Keng Swee làm chủ tịch và những viên chức hàng đầu của ngành Cảnh sát và Quân đội làm thành viên, nhằm chuẩn bị cho những kế hoạch đối phó với những vụ việc bất ngờ, đề phòng những cuộc bạo động nổ ra ở bán đảo Malaysia và tràn qua Singapore.

Tan Siew Sin, Bộ trưởng Tài chính Malaysia đã quyết định một cách không thận trọng sau khi đồng bảng Anh bị giảm giá, cho dù có ít ảnh hưởng đi chăng nữa vẫn sẽ phải có một sự điều chỉnh giữa đồng tiền cũ vốn rớt giá khoảng 14% do chính phủ thuộc địa Anh phát hành với những đồng tiền Malaysia mới. Sự việc này dẫn đến việc đóng cửa các cửa hiệu bất thường (ngưng làm việc để phản đối), và lần lượt dẫn đến những cuộc đụng độ sắc tộc. Người Hoa từ nông thôn chuyển vào thành thị và chúng tôi lo ngại rằng nếu như những cuộc đụng độ sắc tộc nổ ra phổ biến, thì lực lượng vũ trang Malaysia sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết rắc rối ở nhiều thành thị.
Mối lo ngại rằng các nhóm bạo động này có thể làm liên lụy đến Singapore, buộc chúng tôi nhanh chóng thành lập đoàn xe thiết giáp của chúng tôi. Vào tháng Giêng năm 1968, chúng tôi quyết định mua những xe tăng hạng nhẹ AMX–13 của Pháp do người Israel bán lại với giá hời vì họ đang nâng cấp xe thiết giáp của họ. 30 chiếc xe tăng mới tân trang đã về đến vào tháng 6/1969 và 42 chiếc khác về vào tháng 9/1969. Chúng tôi cũng đã mua 170 xe thiết giáp bốn bánh V200.

Người Anh không sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi xây dựng quân đội như họ đã giúp Malaya vào những năm 1950. Họ đã ủng hộ Singapore từ sau hậu trường trong liên bang Malaysia và gánh lấy sự tức giận của người Malaysia. Giờ đây, họ phải đối phó với một Malaysia không mấy vui vẻ với họ. Và do người Malaysia giúp đỡ chúng tôi trở thành thành viên của Khối Thịnh vượng chung và thành viên của Liên Hiệp Quốc, nên người Anh chắc đã đoán biết được rằng Malaysia cũng sẽ muốn làm thầy dạy quân sự cho chúng tôi, không vì lý do nào khác là để chắc chắn chúng tôi không được dạy nhiều hơn những gì mà họ biết “phòng thủ”.

Chúng tôi phải lấy lại hai trung đoàn bộ binh của chúng tôi và khôi phục lại tính đồng nhất Singapore của họ để đảm bảo lòng trung thành của binh lính. Goh Keng Swee, lúc ấy là Bộ trưởng Tài chính đã từng đề nghị được làm Bộ trưởng Quốc phòng ngay khi độc lập. Ông ta sẵn lòng xây dựng một quân đội từ đầu, mặc dù tất cả những gì ông ta biết về những vấn đề quân sự là từ kinh nghiệm khi là một hạ sĩ quan trong Quân đoàn Tình nguyện Singapore do người Anh chỉ huy cho đến khi nó đầu hàng vào tháng 2/1942. Tôi bảo ông ta cứ tiến hành. Keng Swee nhờ Mordecai Kidron, đại sứ Israel ở Bangkok giúp đỡ. Vài ngày sau cuộc chia tách vào ngày 9/8, Kidron bay đến từ Bangkok để giúp huấn luyện quân sự, Keng Swee đưa ông ta đến gặp tôi. Kidron có tiếp xúc với tôi vài lần trong những năm 1962 – 1963 để xin thiết lập một lãnh sự quán Israel ở Singapore. Ông ta quả quyết với tôi rằng Tunku bằng lòng và chúng tôi không cần phải đợi đến khi Malaysia được thiết lập trước. Tôi đáp lại rằng nếu như Tunku đã đồng ý thì sẽ không có gì rắc rối cho việc hình thành nó sau khi Malaysia được thiết lập, nhưng nếu như tôi làm như thế trước thì tôi sẽ tạo ra một vấn đề có nguy cơ gây kích động những thường dân Hồi giáo Malay và làm đảo lộn những kế hoạch hợp nhất của tôi. Ông ta rất thất vọng. Như tôi đã dự kiến, khi Malaysia thành lập, Tunku không thể và không cho phép thiết lập lãnh sự quán Israel.

Tôi lắng nghe dự thảo huấn luyện quân sự của Kidron, song lại bảo Keng Swee hãy chờ đợi cho đến khi Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri, và Tổng thống Ai Cập Nasser trả lời thư xin hỗ trợ khẩn cấp để xây dựng lực lượng vũ trang của tôi.

Tôi viết cho Shastri nhờ đưa một cố vấn quân sự đến giúp chúng tôi thành lập 5 tiểu đoàn. Hai ngày sau, Shastri phúc đáp, gửi “những lời chúc tốt đẹp chân thành cho hạnh phúc và sự thịnh vượng của nhân dân Singapore”, nhưng không đề cập đến thỉnh cầu của tôi. Còn Nasser, trong thư trả lời, ông ngỏ ý công nhận Singapore là một quốc gia độc lập và có chủ quyền nhưng cũng không đề cập đến lời yêu cầu một cố vấn hải quân để thiết lập sự phòng thủ bờ biển của chúng tôi. Tôi nửa tin nửa ngờ, có lẽ chính phủ Ấn Độ không muốn đứng về phe chống lại Malaysia. Xét cho cùng Ấn Độ cũng là nước láng giềng khá gắn bó ở châu Á. Nhưng tôi thất vọng khi Nasser, một người bạn tốt, đã không tham gia. Có lẽ điều này thể hiện tinh thần đoàn kết Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo Malaysia.

Tôi bảo Keng Swee tiếp tục làm việc với người Israel, song giữ cho vấn đề này không phổ biến công khai càng lâu càng tốt, để không gây ra mối ác cảm trong thường dân Hồi giáo Malay ở Malaysia và Singapore. Một nhóm nhỏ người Israel do Đại tá Jak Ellazari dẫn đầu đã đến vào tháng 11/1965, tiếp sau đó là một nhóm sáu người đến vào tháng 12. Để giữ bí mật sự có mặt của họ, chúng tôi gọi họ là “những người Mexico”. Trông họ cũng ngăm ngăm đen giống người Mexico.

Chúng tôi phải có một lực lượng tin cậy để tự bảo vệ mình. Tôi không lo sợ Tunku thay đổi quan điểm mà e ngại những lãnh tụ Malay có quyền lực khác như Syed Jaafar Albar, người đã phản đối kiên quyết việc chia tách đến nỗi ông đã từ chức tổng thư ký UMNO, có thể thuyết phục Lữ đoàn trưởng Alsagoff rằng tinh thần yêu nước đòi hỏi ông ta thủ tiêu việc chia tách. Viên lữ đoàn trưởng này với một lữ đoàn quân đặt căn cứ ở Singapore có thể bắt tôi và tất cả những bộ trưởng của tôi không mấy khó khăn. Vì vậy chúng tôi vẫn giữ thế im lặng không gây hấn, trong khi Keng Swee với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng đã hối hả làm việc để xây dựng một khả năng phòng vệ.

Chúng tôi phải đương đầu với một nguy cơ an ninh khác từ thành phần sắc tộc của quân đội và cảnh sát. Nước Singapore độc lập không thể tiếp tục là một thành phố với ba phần người Hoa lại được cảnh sát và quân đội Malay canh gác và bảo vệ như người Anh đã làm trước đây. Người Anh đã tuyển mộ đa phần người Malay sinh ở Malaya vốn có truyền thống đến Singapore đăng ký đầu quân. Người Malay thích đi lính trong khi người Hoa xa lánh, một di sản lịch sử do thói quen cướp bóc của lính tráng trong những năm loạn lạc và tranh bá xưng hùng ở Trung Quốc. Vấn đề là liệu quân đội và cảnh sát này có trung thành với một chính phủ không còn thuộc Anh hoặc Malay, mà là một chính phủ bị người Malay nhận thức như là của người Hoa. Chúng tôi phải tìm cách tuyển vào lực lượng cảnh sát và quân đội nhiều người Hoa và người Ấn cho tương xứng với sự pha trộn sắc tộc trong dân số.

Ngay sau cuộc chia tách, theo yêu cầu của chính phủ Malaysia, chúng tôi gửi tiểu đoàn SIR II đến Sabah làm nhiệm vụ trong cuộc đối đầu với Indonesia. Chúng tôi muốn chứng minh lòng trung thành và đoàn kết với Malaysia cho dù hiệp định phòng thủ chính thức chưa được ký kết. Việc này đã bỏ lại những doanh trại ở Camp Temasek trống không. Kế đó, chúng tôi đồng ý với đề nghị của Malaysia là một trung đoàn Malaysia phải được gửi đến Camp Temasek. Tiểu đoàn SIR II phải rút khỏi Borneo vào tháng 2/1966, và những dàn xếp được thực hiện ở cấp bậc tham mưu đối với việc rút quân của trung đoàn Malaysia. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia yêu cầu rằng thay vì quay về đóng tại Camp Temasek, chúng tôi nên gởi một tiểu đoàn Singapore đến Malaya để trung đoàn Malaysia duy trì đóng quân tại Camp Temasek. Keng Swee không đồng ý. Chúng tôi muốn cả hai tiểu đoàn của chúng tôi đóng ở Singapore. Chúng tôi cho rằng người Malaysia đã thay đổi quan điểm bởi vì họ muốn giữ một trung đoàn Malaysia ở Singapore để kiểm soát chúng tôi.

Người Malaysia từ chối chuyển đi, vì vậy nhóm tiền trạm tiểu đoàn SIR phải sống dưới những chiếc lều trại ở Farrer Park. Keng Swee gặp tôi để báo rằng nếu như quân đội chúng tôi sống trong lều vải quá lâu, cộng với tình trạng thiếu thốn phương tiện vệ sinh cá nhân, thì sẽ có nguy cơ nổi loạn hoặc binh biến. Ông ta tự so sánh mình như một vị tướng người Anh chỉ huy những đội quân đa số là người Italy. Người Malaysia có thể lợi dụng điều này và thông qua Lữ đoàn trưởng Alsagoff, dựng lên một cuộc đảo chánh. Keng Swee khuyên tôi dời nhà trên đường Oxley về Istana Villa trong khu Istana và gửi các cảnh vệ Gurkha đến canh gác chung quanh để đề phòng sự cố. Trong vài tuần kế đó, tôi và gia đình ở đấy với một nhóm Gurkha trực chiến.

Ngay sau đó, người Anh bỏ trống một doanh trại gọi là Khatib ở phía Bắc Singapore gần Sembawang. Chúng tôi trao nó cho người Malaysia và họ đã đồng ý vào giữa tháng 3/1966, họ sẽ dời ra khỏi doanh trại của chúng tôi và đến Khatib, đây là nơi họ đã ở trong 18 tháng trước khi họ tự nguyện rút quân vào tháng 11/1967.

Sự vô lý của họ làm chúng tôi càng quyết tâm xây dựng Lực lượng vũ trang Singapore (Singapore Armed Forces – SAF) để họ không thể dọa dẫm chúng tôi như kiểu vừa rồi được. Nó càng củng cố quyết tâm của chúng tôi và làm cho chúng tôi cứng rắn hơn.

Keng Swee, vẫn luôn là một chiến binh dũng cảm, đã viết trong báo cáo gửi về cho Defco (Hội đồng An ninh – Defence Council) như sau:

Thật là điên rồ khi tự cho phép chúng ta bị thôi miên bởi sự chênh lệch về tỷ lệ dân số giữa Singapore và những nước láng giềng. Điều đáng kể chính là sức mạnh chiến đấu của quân đội, chứ không phải

ở quy mô dân số… Sau năm năm cưỡng bách quân dịch, chúng ta có thể đưa ra chiến trường được một đạo quân 150.000 người bằng cách huy động những người ở lực lượng dự bị. Bằng cách sử dụng những người lớn tuổi và phụ nữ vào những nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu, cuối cùng chúng ta có thể hình thành một đạo quân với sức chiến đấu của 250.000 quân bao gồm những người đàn ông từ tuổi 18 đến 35. Sức chiến đấu của một dân tộc nhỏ, can trường, có học vấn và có động cơ cao không bao giờ nên bị đánh giá thấp.

Đây là một kế hoạch nhiều tham vọng dựa trên thực tiễn huy động một con số tối đa trong một thời gian ngắn nhất có thể được của người Israel. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là làm cho người dân ở trong nước cũng như bên ngoài Singapore hiểu rằng mặc dù dân số chúng tôi ít, chúng tôi có thể huy động được một lực lượng chiến đấu hùng mạnh trong một thời gian ngắn.

Nhiệm vụ của chúng tôi không dễ dàng chút nào. Chúng tôi phải tái định hướng quan điểm của nhân dân để họ chấp nhận nhu cầu cần có một quân đội của nhân dân và khắc phục truyền thống không thích đi lính của họ. Mỗi gia đình người Hoa đều biết câu nói “hảo hán bất đăng binh, hảo thép bất đả đinh” (người tốt không làm lính, thép tốt không làm đinh). Chúng tôi lập ra những đội thiếu sinh quân quốc gia và thiếu sinh quân cảnh sát quốc gia ở khắp các trường cấp II để các bậc cha mẹ đồng nhất ngành quân đội và cảnh sát với con cái họ. Chúng tôi muốn dân chúng xem người lính là những người bảo vệ cho họ, một sự thay đổi hoàn toàn so với thời kỳ những bộ đồng phục, cảnh sát và quân đội gây khiếp sợ và giận dữ như những biểu tượng của sự áp bức thực dân.

Người dân phải ngưỡng mộ sự dũng cảm của quân đội. Như Keng Swee đã buồn rầu nói “Phong cách sống của người Xpác–tơ4 không tự nhiên có được trong một cộng đồng sinh sống bằng buôn bán”. Tôi phải làm người dân thay đổi thái độ. Chúng tôi còn phải cải thiện tình trạng thể chất của giới trẻ bằng cách khuyến khích chúng tham gia chơi thể thao và những hoạt động thể chất đủ loại, cũng như phát triển sở thích phiêu lưu và tích cực hơn, những hoạt động ly kỳ không phải không có nguy hiểm. Chỉ thuyết phục không thì chưa đủ.

Chúng tôi cần những thể chế được tổ chức, trang bị nhân viên và định hướng tốt tiếp theo những lời hô hào và những bài diễn văn sôi nổi. Trách nhiệm quan trọng bậc nhất này thuộc về Bộ Giáo dục. Chỉ khi chúng tôi thay đổi được nếp nghĩ và quan điểm của người dân, chúng tôi mới có thể dựng nên một quân đội dân quân lớn mạnh như của Thụy Sĩ hoặc Israel. Chúng tôi tự cho mình một thập niên để hoàn thành điều này.

Vào ngày kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, chúng tôi tập trung tất cả những gì ít ỏi mà chúng tôi có được để đẩy mạnh nhuệ khí của quần chúng. Chúng tôi tổ chức Lực lượng Phòng vệ Quần chúng (People’s Defence Force – PDF) dưới sự lãnh đạo của một tập hợp gồm đủ thành phần như công chức, các nghị sĩ và những bộ trưởng, những người đã được trải qua một khóa huấn luyện sĩ quan sơ sài. Những binh sĩ là thường dân đa phần được học hành bằng tiếng Hoa, được tuyển mộ thông qua những trung tâm cộng đồng. Nhiều trung đội PDF diễu hành vào ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, ngày 9/8/1966. Họ tạo ra một màn trình diễn can trường, được những người phía sau lễ đài và đám đông đứng dọc theo các đại lộ hoan nghênh nhiệt liệt, bởi vì họ đã nhận ra được những bộ trưởng và nghị sĩ rám nắng trong bộ đồng phục, hăm hở bước những bước dài nhưng hơi thiếu tác phong quân sự.

Những người lãnh đạo cộng đồng đại diện cho tất cả các sắc tộc tham gia diễu hành mang theo băng cờ hay biểu ngữ. Người Hoa, người Ấn, người Malay và những người đứng đầu các doanh nghiệp người Anh tham dự trong nhóm nhỏ đi qua chủ tịch đoàn ở phía trước Tòa Thị chính. Họ được hoan nghênh nhiệt liệt. Có những đơn vị công đoàn, đảng PAP và các ủy ban hành pháp. Cảnh sát và lính cứu hoả được đưa đến để thêm vào đạo quân đồng phục trình diễn. Người Malaysia có thể không khiếp sợ năng lực quân sự của chúng tôi, nhưng họ không thể không bị ấn tượng bởi quyết tâm và tinh thần của chúng tôi trong việc xây dựng lực lượng phòng vệ, bảo vệ quốc gia non trẻ của chúng tôi.

Kế hoạch ban đầu của Keng Swee là thiết lập một quân đội chính quy gồm 12 tiểu đoàn giữa những năm 1966 và 1969. Không tán thành kế hoạch này, tôi đề nghị nên thành lập một quân đội thường trực nhỏ cộng với khả năng huy động toàn dân, huấn luyện họ và đưa vào lực lượng dự bị. Keng Swee lập luận rằng, trước hết, chúng tôi phải huấn luyện một số lớn sĩ quan chính quy và sĩ quan không có quân hàm trong 12 tiểu đoàn của ông ta trước khi chúng tôi có thể huấn luyện thường dân trên quy mô lớn như vậy.

Tôi không muốn chi những phí tổn tái diễn định kỳ cho một quân đội lớn: Tốt hơn nên chi tiền vào hạ tầng cơ sở mà chúng tôi cần để nâng cấp và huấn luyện những tiểu đoàn nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ quân sự sẽ đem lại những lợi ích xã hội và chính trị. Keng Swee có quan điểm quân sự chuyên nghiệp cho rằng mối đe dọa trực tiếp từ Malaysia phải được chống lại bởi một lực lượng chiến đấu chính quy vững mạnh được hình thành trong vòng ba năm tới. Tôi nói rằng không chắc người Malaysia sẽ tấn công chúng ta trong khi lực lượng Anh và Khối Thịnh vượng chung vẫn còn ở Singapore. Sự hiện diện của họ sẽ là một rào cản, thậm chí không cần đến một hiệp ước phòng thủ. Tôi muốn một kế hoạch phòng thủ nhằm vào huy động đại bộ phận quần chúng càng rộng lớn càng tốt để khích động tinh thần phòng thủ ở người dân trong tinh thần yêu nước mạnh mẽ mà họ có được nhờ những trải nghiệm mới đây.

Kế hoạch sửa đổi mà Keng Swee đề xuất hồi tháng 11/1966 sẽ động viên đại bộ phận quần chúng và giữ được thành phần quân lực chính quy với con số 12 tiểu đoàn. Tôi thiết tha về việc có phụ nữ tham gia làm nghĩa vụ quân sự như những phụ nữ Israel, bởi vì điều đó sẽ rèn luyện ý nguyện tự bảo vệ của nhân dân. Nhưng Keng Swee không muốn Bộ mới thành lập của ông ta gánh thêm gánh nặng này. Và khi các bộ trưởng khác ở Defco không mấy tha thiết về việc bắt phụ nữ đi quân dịch, tôi thôi không có ý kiến.

Cản trở lớn nhất cho bất kỳ kế hoạch nào của Malaysia nhằm lấy lại quyền kiểm soát Singapore là ở nhận thức của họ rằng ngay cả khi họ đánh bại được quân đội của chúng tôi thì họ sẽ còn phải đè bẹp cả một dân tộc được huấn luyện sử dụng vũ khí và chất nổ tốt. Ngoài việc hòa nhập dân chúng thành một cộng đồng đoàn kết hơn nữa qua việc đối xử công bằng về tuyển mộ, bất kể hoàn cảnh xã hội hay sắc tộc của họ, chúng tôi cần thu hút và giữ lại một số người tài năng nhất cho những chức vụ cao cấp của SAF. Quan trọng hơn cả, chúng tôi phải đảm bảo sự lãnh đạo chính trị đối với SAF bằng cách đặt những chức năng quan trọng như nhân lực và tài chính dưới quyền kiểm soát của những viên chức dân sự trong Bộ Quốc phòng. Defco tán thành tất cả những mục tiêu này.

Vào tháng 2/1967, tôi đệ trình một tu chính luật quy định nghĩa vụ quân sự vốn được người Anh thông qua vào năm 1952. Những ai đăng ký phục vụ chính thức cho SAF sẽ được bảo đảm công ăn việc làm trong chính phủ, ủy ban hành pháp hoặc khu vực tư nhân khi họ rời quân ngũ chuyển vào lực lượng dự bị. Có sự ủng hộ hoàn toàn của công chúng, dự luật được thông qua một tháng sau đó. Tôi nhớ lại cuộc động viên đầu tiên vào năm 1954 cũng dưới sắc lệnh này và những cuộc nổi loạn của học sinh trung học người Hoa. Lần này chúng tôi không có rắc rối gì khi nhận 9.000 bạn trẻ đăng ký nghĩa vụ trong đợt đầu tiên. Tôi đã đúng khi cho rằng thái độ công chúng đã thay đổi.

Cùng lúc, Keng Swee tập hợp một ê–kíp và bắt đầu xây dựng lực lượng nhờ sự giúp đỡ của người Israel, ông tận dụng nhân sự, thiết bị truyền thông và những tài sản khác của cảnh sát để bắt đầu xây dựng. Phó cục cảnh sát Tan Teck Khim trở thành tổng tham mưu.

Chúng tôi bắt đầu huấn luyện một nhóm chọn lọc vào tháng 8/1967, đây là nhóm 10% những người đứng đầu đợt đăng ký này. Để phản đối định kiến truyền thống chống lại nghề lính, chúng tôi tổ chức những buổi lễ tiễn đưa các tân binh tuyển mộ từ các trung tâm cộng đồng ở mỗi khu vực bầu cử. Các nghị sĩ, bộ trưởng và những người đứng đầu cộng đồng sẽ tham dự và đọc diễn văn ngắn trước khi các tân binh leo lên những chiếc xe tải quân sự đến các doanh trại huấn luyện. Qua nhiều năm, chúng tôi dần dần phá vỡ được sự định kiến nghề lính.

Với mọi người, đây quả là một chương trình cấp tốc trong những khóa học cấp tốc. Có quá nhiều lộn xộn. Công việc dàn xếp chưa bao giờ được chuẩn bị chu đáo và việc xử trí khủng hoảng là công việc hàng ngày, nhưng đó là nhiệm vụ khẩn thiết và quan trọng mà chúng tôi phải hoàn thành trong một thời gian ngắn nhất có thể được. Chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ này với những người có ít kinh nghiệm và năng lực không xuất sắc. Nhưng tinh thần đồng đội thật tuyệt vời và họ đã đạt được tiến bộ.

Trong khi hối hả xây dựng lực lượng, chúng tôi gặp phải một thời kỳ khó khăn nữa vào tháng 10/1968, sau khi hai lính biệt kích Indonesia bị kết án treo cổ vì đã sát hại ba công dân Singapore khi họ cho nổ bom ngân hàng Hong Kong & Thượng Hải ở đường Orchard năm 1964. Khi những kháng án của họ bị Hội đồng Cơ mật ở London bác bỏ, Tổng thống Indonesia Suharto đã gửi người phụ tá thân cận của ông ta, một thiếu tướng, xin tổng thống chúng tôi khoan dung và giảm tội tử hình xuống phạt tù.

Nội các đã triệu họp trước đó để quyết định nên đề xuất ý kiến nào cho tổng thống. Chúng tôi đã phóng thích 43 người Indonesia bị bắt giữ vì phạm tội tấn công suốt thời kỳ “đối đầu”. Đáp lại những lời bào chữa của Indonesia, chúng tôi cũng thả hai người Indonesia bị kết án tử hình vì mang bom định giờ vào Singapore. Nhưng những người này đã bị bắt trước khi họ gây thiệt hại, không giống như vụ án có ba thường dân bị sát hại. Chúng tôi nhỏ và yếu. Nhưng nếu như chúng tôi nhượng bộ, thì vai trò của pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa không chỉ trong nội bộ Singapore mà còn giữa những nước láng giềng với Singapore vì chúng tôi đã tỏ ra yếu đuối, nhượng bộ trước áp lực. Nếu như chúng tôi e sợ không làm cho luật pháp của chúng tôi có hiệu lực lúc lực lượng Anh còn ở Singapore, mặc dù họ đã tuyên bố rằng họ sẽ rút quân vào năm 1971, thì rồi những nước láng giềng của chúng tôi, hoặc Indonesia hoặc Malaysia, đều có thể dẫm lên chúng tôi mà không bị trừng phạt sau năm 1971. Do đó, chúng tôi quyết định không bỏ thủ tục pháp lý theo quy định để tán thành lời thỉnh cầu. Hai người lính đó đã bị treo cổ vào ngày 17/10. Lúc ấy tôi đang ở Tokyo nhân chuyến viếng thăm chính thức Nhật Bản. Khoảng 20 đến 30 người Indonesia tụ tập gần Geihinkan (nhà khách chính phủ Nhật) mang theo áp phích và băng rôn phản đối khi xe tôi đi qua.

Ở Jakarta, một đám đông người Indonesia trút cơn thịnh nộ lên tòa đại sứ Singapore, xé nát những tấm hình tổng thống Singapore và nói chung là đập phá cho hả giận, chứ không đốt cháy tòa đại sứ như họ đã làm với người Anh. Đại sứ của chúng tôi, P.S. Raman trước đây là Giám đốc đài phát thanh và truyền hình Singapore, một người Tamil Brahmin dũng cảm và là một người công giáo cải đạo. Ông ta và ban tham mưu của ông đã tự chống đỡ bằng sự tự tin và bất chấp giống như Andrew Gilchrist, đại sứ Anh đã làm vào năm 1963, khi người Indonesia trút cơn thịnh nộ lên đại sứ quán Anh. Nhưng không giống như Gilchrist, ban tham mưu đại sứ Singapore không có người thổi kèn phô trương sự bình tĩnh của họ.

Ngày hôm sau, ABRI, lực lượng quân đội Indonesia tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành các cuộc diễn tập trong vùng lãnh hải bên ngoài đảo Riau, sát với Singapore. Viên chỉ huy hải quân Indonesia nói rằng ông ta sẽ đích thân dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm sang đánh chiếm Singapore. Một nghìn sinh viên biểu tình đòi viên chỉ huy lực lượng Đông Java của Indonesia trả thù Singapore. Báo chí tường thuật rằng quân đội Indonesia cho rằng Trung Quốc Cộng sản đã thúc ép Singapore treo cổ hai người lính ấy. Một tuần lễ sau, chính phủ Indonesia tuyên bố cắt giảm mậu dịch với Singapore, buộc hạn chế xuất khẩu. Tình báo của chúng tôi đánh giá rằng sẽ không có sự xâm lược mở rộng nhưng phá hoại là có khả năng xảy ra. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng tôi cũng giữ vững vị trí.

Lại một khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa khi tình trạng phân biệt chủng tộc căng thẳng đang bao vây Singapore, tiếp theo những cuộc bạo loạn chủng tộc đẫm máu ở Kuala Lumpur vào ngày 13/5/1969, vài ngày sau cuộc tổng tuyển cử của họ. Sự hoảng sợ lan rộng trong cả người Hoa và người Malay ở Singapore; người ta sợ rằng những cuộc đụng độ sắc tộc sẽ lan tràn sang Singapore và điều đó đã xảy ra. Người Hoa từ Malay trốn sang Singapore đã kể lại những câu chuyện tàn bạo giáng xuống người thân của họ ở đấy. Khi tin tức lan nhanh về những hành động tàn bạo của người Malay và những thành kiến của lực lượng quân đội Malaysia trong việc giải quyết tình trạng đó, sự giận dữ và sợ hãi dâng cao ở Singapore.

Lợi dụng số lượng đông hơn ở Singapore, người Hoa trả thù cho những gì đã xảy ra ở Kuala Lumpur. Vào ngày 19/5/1969, khoảng 20 đến 30 thanh niên người Hoa tấn công một số người Malay ở một khu Malay gần đền Hồi giáo Sultan ở Sultan Gate. Khi tôi từ Mỹ quay về Singapore vào ngày 20/5, tôi được thông báo rằng một người Malay đã bị một nhóm côn đồ không xa Raffles Institution bắn chết. Những vụ đụng độ liên tiếp xảy ra khoảng nhiều tuần.

Vào ngày 1/6/1969, tôi đến khu định cư người Malay ở Geylang Serai, nơi xảy ra những vụ đụng độ chủng tộc nghiêm trọng. Lim Kim San với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng đã tháp tùng tôi trong chiếc Land Rover do một cảnh binh người Malay lái, cùng với một sĩ quan cảnh sát khu vực ngồi cạnh tài xế. Ngay lập tức, cả Kim San và tôi đều lưu ý đến những bộ mặt ủ rũ không thân thiện của những người lính Malay trong SIR. Ngay cả viên sĩ quan cảnh sát, một sĩ quan người Malay mà tôi quen biết trong nhiều năm cũng trông có vẻ chua xót. Tôi cảm nhận có điều gì đó không hay và ý thức rằng những người Malay đang khiếp sợ. Tình hình này khác hẳn những cuộc bạo động chủng tộc năm 1964, khi đó cảnh sát và quân đội mà đa phần là người Malay dưới quyền chỉ huy của các lãnh đạo Malay ở Kuala Lumpur, đặc biệt bảo vệ người Malay và trừng trị người Hoa. Lần này, người Malay ở Singapore rất lo ngại. Mặc dù lực lượng cảnh sát đa phần vẫn là người Malay, song những lãnh tụ người Hoa ở Singapore hiện giờ đang nắm quyền trong chính phủ, vì vậy có thể chống lại họ và điều khiển cánh sát cùng quân đội. Tôi nhất quyết làm sáng tỏ với mọi chủng tộc, đặc biệt là với người Hoa lúc này đang chiếm đa số, rằng chính phủ sẽ áp dụng luật công bằng bất kể chủng tộc và tôn giáo.

Nhờ cảnh sát ra tay mạnh, 684 người Hoa và 349 người Malay đã bị bắt song không đủ chứng cớ để khởi tố họ. Chỉ có 36 người bị kết tội trước tòa, gồm 18 người Hoa và 18 người Malay. Một người Hoa bị buộc tội nghiêm trọng nhất là tội cố ý giết người. Anh ta bị phát hiện phạm tội và bị kết án 10 năm tù. Một người Hoa và 3 người Malay đã bị sát hại, 11 người Hoa và 49 người Malay bị thương.

Chúng tôi bị sốc khi phát hiện ra những mối quan hệ chủng tộc ở Singapore trở nên quá xung đột như thế. Thậm chí cả những người Malay từng phục vụ ngành cảnh sát và quân đội trong nhiều năm cũng trở nên ý thức về vấn đề chủng tộc, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những lôi kéo chủng tộc trong suốt những cuộc bạo động chủng tộc xảy ra ở Malaysia.

Tôi muốn bảo đảm rằng cảnh sát và quân đội không bị yếu đi bởi những lôi kéo chủng tộc. Tôi còn muốn có được lời giải thích tại sao quá nhiều binh lính Malay được triển khai ở Geylang Serai, nơi mà thiểu số người Hoa ở đó sẽ được một lực lượng đa chủng tộc bảo vệ tốt hơn. Tôi quyết định chúng tôi phải xem xét lại sự pha trộn chủng tộc ở những tân binh trong SAF.

Kim San xem xét vấn đề này và đã thấy rằng mặc dù đã có sự cố ở khu huấn luyện quân đội Shenton Way năm 1966, chúng tôi vẫn tuyển mộ quá nhiều người Malay vào SAF. George Bogaars, khi đó là thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng và là một trong những sĩ quan đáng tin cẩn nhất của chúng tôi, đã từng là giám đốc cơ quan đặc vụ, từ đó ông ta không tin giới trí thức người Hoa bởi vì gần như hầu hết nhóm cộng sản là gồm những người Hoa có học thức. Ông ta thích người Malay hơn khi tuyển mộ các hạ sĩ quan và chuẩn úy cho SAF để huấn luyện lực lượng nghĩa vụ quân sự của chúng tôi. Ông ta cho rằng các trí thức người Hoa thiên về chủ nghĩa sô–vanh và chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Thành kiến này phải được uốn nắn lại, một nhiệm vụ hết sức nhạy cảm mà chúng tôi đã giao phó cho đội ngũ của Bogaars. Trung tá trẻ tuổi Edward Yong đã thực thi một kế hoạch giúp giảm bớt tỷ lệ người Malay trong nhiều năm qua chủ yếu bằng cách tuyển mộ nhiều người không phải người Malay.

Tôi mời các bộ trưởng quốc phòng năm cường quốc Khối Thịnh vượng chung (Malaysia, Anh, Úc, New Zealand) đến tham dự lễ kỷ niệm 150 năm ngày phát hiện ra Singapore. Razak, đại diện cho Malaysia đã từng tham dự lễ diễu hành Quốc khánh của chúng tôi vào ngày 9/8/1969. Kim San sắp xếp một trung đoàn xe tăng AMX– 13 và những xe thiết giáp V200 lăn bánh trong đoàn diễu hành. Điều này có tác động sâu sắc đối với dân chúng ở Johor khi họ xem tivi tối hôm ấy và vào ngày hôm sau, khắp nơi ở Malaysia báo chí đăng tải hình ảnh của những xe tăng này. Người Malaysia lúc đó không có xe tăng. Tại buổi dạ tiệc của tôi đêm ấy, Razak nói với Keng Swee rằng nhiều người dân ở Malaysia lo ngại về xe thiết giáp của chúng tôi, nhưng bản thân ông ta thì không. Ông ta nói vấn đề lo lắng ở Johor là liệu Singapore có ý định xâm chiếm nhà nước của họ không và đề nghị Kim San với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng nên đi đến Kuala Lumpur thuyết phục người dân ở đó rằng những ý định của Singapore đối với Malaysia không phải là thù nghịch. Trong bức thư ngắn của Keng Swee gửi cho Defco có đoạn kết như sau: “Một điểm sáng trong toàn bộ tình tiết đáng buồn này (những cuộc bạo động chủng tộc ở Kuala Lumpur) là ảnh hưởng có lợi mà xe thiết giáp của chúng ta đã tác động vào nền tảng chính trị của Malay.”

Thật tốt là chúng tôi đã quyết định mua xe tăng và xe thiết giáp. Cuộc bạo động chủng tộc ngày 13/5/1969 ở Kuala Lumpur đã hình thành những quan hệ xung đột chủng tộc ở Malaysia, gợi lại nỗi lo sợ trong tôi rằng với Tun Abdul Razak giờ đây đang nắm quyền và phe cực đoan Malay đang chiếm uy thế, thì Tunku có thể bị bỏ qua một bên và những lãnh tụ phái cực đoan có thể quyết định đưa quân đội hành quân xuống cưỡng bức Singapore quay lại Liên bang bằng vũ lực. Tôi hỏi Yong Pung How (vốn là bạn của tôi từ thời ở Đại học Cambridge, lúc ấy đang sống ở Kuala Lumpur và sau này làm chánh án ở Singapore) khi ông ta đến thăm Singapore, rằng công chúng Malaysia nghĩ gì về SAF. Ông ta nói rằng vào năm 1966, người dân Malaysia nghĩ tất cả chỉ là một trò đùa. Nhưng bây giờ thì không phải như thế nữa. Người ta truyền miệng nhau ở Kuala Lumpur rằng Viện Huấn luyện quân đội Singapore (Singapore Armed Forces Training Institute – SAFTI) đã huấn luyện được nhiều binh sĩ giỏi và các viên chức cao ủy Anh đã xác nhận điều này.

Vào năm 1971, chúng tôi có 17 tiểu đoàn nghĩa vụ quân sự (16.000 người), với 14 tiểu đoàn (11.000 người) trừ bị. Chúng tôi có bộ binh và những đơn vị biệt kích; những đơn vị pháo binh được trang bị súng cối; một tiểu đoàn xe tăng, những xe chuyên chở cá nhân bọc thép, những kỹ sư dã chiến, những hiệu lệnh, bảo trì dã chiến, bệnh viện dã chiến, tiếp liệu dã chiến, và một đoàn vận tải nặng. Chúng tôi đã thành lập trường huấn luyện quân sự căn bản và những học viên trường sĩ quan, pháo binh, kỹ sư, các đơn vị bom hẹn giờ và huấn luyện về hải quân. Không lực của chúng tôi có một phi đội Hunters, phi cơ huấn luyện Strikemaster, trực thăng Alouette và phi cơ vận tải.

Cho đến khi chúng tôi có thể đạt được khả năng phòng thủ đáng tin cậy vào những năm 70, chúng tôi còn phải dựa vào sự hiện diện của quân đội Anh, chúng tôi hy vọng họ sẽ ở lại trong khoảng 5 đến 10 năm để tạo một lá chắn bảo vệ phía sau mà chúng tôi có thể tựa vào để xây dựng lực lượng của riêng mình. Song người Anh đã thông báo về việc rút quân vào tháng Giêng năm 1968. Điều này buộc chúng tôi phải cố xây dựng một phi đội chiến đấu và một đội hải quân nhỏ đủ sức phòng thủ vùng biển chống lại những kẻ xâm nhập trước khi người Anh ra đi vào năm 1971. Những mục tiêu khiêm tốn này kéo theo việc giảm bớt những nguồn lực đáng kể của nền kinh tế còn bị trói buộc cộng với nhân lực được huấn luyện còn hạn chế của chúng tôi. Đợt đầu tiên, chúng tôi gửi sáu phi công thực tập đến Anh để huấn luyện vào tháng 8/1968, bảy tháng sau tuyên bố rút quân. Vào tháng 9/1970 chúng tôi có một phi đội gồm 16 máy bay chiến đấu (Hawker Hunters) hoạt động ở Singapore.

Người Israel đã giúp đỡ chúng tôi hoạch định việc xây dựng hải quân và người New Zealand huấn luyện các thủy thủ cho đội thuyền tuần tiễu nhanh của chúng tôi. Hai đội tàu chiến ba thuyền, có khả năng tác chiến trong chưa đầy hai năm. Sau đó chúng tôi phát triển loại pháo hạm tên lửa.

Người Israel không chỉ có khả năng truyền đạt những kỹ năng quân sự mà còn có khả năng phổ biến lý thuyết huấn luyện; những phương pháp của họ khác hẳn với phương pháp của người Anh vốn xây dựng SIR I và II theo cách thức từng bước, huấn luyện quân đoàn sĩ quan từ những chỉ huy trung đội đến chỉ huy đại đội và cuối cùng, sau 15 hoặc 20 năm thành những trung tá chỉ huy tiểu đoàn. Người Israel nhấn mạnh ngay từ buổi đầu rằng các sĩ quan của chúng tôi học và tiếp quản việc huấn luyện của họ càng sớm càng tốt. Không giống như người Mỹ, dưới thời tổng thống Kennedy, trong đợt đầu đã gửi từ 3.000 đến 6.000 “cố vấn” giúp Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm xây dựng quân đội miền Nam Việt Nam, người Israel chỉ gửi đến cho chúng tôi 18 sĩ quan. Mỗi việc họ làm đều được một người Singapore cộng tác làm theo, từ những chỉ huy trung đội, chỉ huy đại đội, đến tổng tham mưu trưởng. Chúng tôi tuyển chọn trong số những sĩ quan cảnh sát và sĩ quan quân đoàn tình nguyện Singapore cũ từ thời thuộc Anh – những người có một ít kinh nghiệm về quân sự hay bán quân sự. Một số người là công chức nhà nước, số khác từ khu vực tư nhân. Chúng tôi tạo cơ hội để họ phục vụ chuyên nghiệp trong quân đội. Quân đội Anh chú trọng vào việc bảo trì quân trang quân dụng, huấn luyện quân sự nhằm tăng cường tính kỷ luật và tuân theo mệnh lệnh cấp trên. Người Israel chú trọng đến kỹ năng quân sự và động cơ cao. Nhanh, mạnh và dứt khoát lúc tập luyện và khi có hiệu lệnh thì SAF chưa bao giờ học được từ “người Mexico”. Bất kỳ sự thành thạo nào mà SAF có được đều do những sĩ quan người Anh chỉ huy SIR I và II của những năm trước đây đào tạo.

Khi các sĩ quan Israel do Ellazari chỉ huy bắt đầu hoạt động và chúng tôi bị mang ơn, thì Kidron yêu cầu Singapore chính thức công nhận Israel và trao đổi đại sứ. Ông ta kiên trì nhấn mạnh điều này. Tôi nói với Keng Swee, đây hoàn toàn là một chuyện không thể được. Chúng tôi sẽ làm nổi giận những tín đồ Hồi giáo Malay ở Singapore và Malaysia vốn dành thiện cảm cho những anh em Hồi giáo của họ – những người Palestine và người Ả Rập. Chúng tôi không thể tán thành điều này thậm chí nếu người Israel quyết định rút lui. Khi họ hiểu ra được đó là chuyện không thể được, Tel Aviv gửi đến một thông điệp rằng họ thông hiểu vị thế của chúng tôi và họ sẽ giúp đỡ, dù sao họ cũng hy vọng cuối cùng chúng tôi sẽ cho họ thành lập một sứ quán ở Singapore.

Khi cuộc chiến Sáu ngày giữa Ả Rập và Israel nổ ra hồi tháng 6/1967, chúng tôi yên lòng vì Israel không bị đánh bại, nếu không SAF của chúng tôi sẽ mất niềm tin vào ông thầy Israel. Khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bàn luận biện pháp lên án Israel, Rajaratnam, ngoại trưởng và là một đại biểu tranh biện Á – Phi đã làm tất cả vì điều đó. Keng Swee thúc tôi ép Raja điều khiển phái đoàn ở Liên Hiệp Quốc của chúng tôi không bỏ phiếu tán thành nghị quyết hoặc là người Israel sẽ ra đi.

Vì tôi không thể tham dự cuộc họp nội các được, tôi bày tỏ quan điểm của mình trong một bức thư ngắn. Chúng tôi phải đứng lên vì quyền sinh tồn của những quốc gia nhỏ bé. Tự do đi lại trên mọi tuyến đường quốc tế, chẳng hạn qua eo biển Tiran và Malacca là vấn đề tối quan trọng và Liên Hiệp Quốc nên đóng vai trò bảo vệ hòa bình hoặc giải quyết vấn đề sau những hành động thù địch. Tôi nói thêm rằng tôi không tin những cố vấn Israel sẽ ra đi ngay cả khi chúng tôi bỏ phiếu cho giải pháp Á – Phi. Tôi ủng hộ việc bỏ phiếu trắng ở cuộc bỏ phiếu này. Nội các tán thành quan điểm của tôi. Chúng tôi bỏ phiếu trắng và người Israel đã không ra đi. Tuy nhiên, sự hiện diện của người Israel ở Singapore được nhiều người biết đến, nên chúng tôi cho phép họ thành lập một phái đoàn ngoại giao. Họ muốn có một đại sứ quán. Chúng tôi quyết định cho phép họ đặt một văn phòng đại diện thương mại trước vào tháng 10/1968. Tháng 5 sau đó, sau khi người Hồi giáo Malay ở Singapore và trong khu vực trở nên quen thuộc với sự hiện diện của người Israel, chúng tôi cho phép họ nâng cấp thành tòa đại sứ.

Lính dự bị của chúng tôi phải sẵn sàng để chiến đấu. Năm 1994, chúng tôi thay đổi tên gọi “dự bị” thành “trực chiến” nhằm nhấn mạnh sự sẵn sàng chiến đấu của họ. Vài tuần mỗi năm, họ được tập trung huấn luyện trong một đơn vị để xây dựng tình đồng đội. Vài năm một lần, họ được gửi đến Đài Loan, Thái Lan, Miến Điện hoặc Úc để tập trận cấp lữ đoàn hoặc thực hành bắn đạn thật cấp tiểu đoàn. Tất cả mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành công tác huấn luyện ở doanh trại khoảng một vài tuần mỗi năm, kể cả những trường hợp người chủ bị mất ban điều hành và nhân viên của họ.

Để đạt được hiệu quả, SAF phải động viên và thu hút toàn xã hội vào các hoạt động phòng vệ. Thế là, các hiệu trưởng trường học, giáo viên, phụ huynh, người sử dụng Lao động và những nhà lãnh đạo cộng đồng được đưa vào một mạng lưới hỗ trợ dưới khái niệm gọi là “Phòng ngự toàn diện”. Điều này giúp giữ được nhuệ khí ở mức cao.

Nghĩa vụ quân sự đã có một tác động sâu sắc vào xã hội Singapore trong hơn 30 năm qua. Nó đã trở thành một nghi lễ vào đời cho thanh niên và trở thành một phần lối sống của chúng tôi nhằm giúp đoàn kết nhân dân lại. Họ học cách sống và làm việc chặt chẽ với nhau, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo nào. Những cấm kỵ về ăn uống của người theo đạo Hồi và Ấn được tôn trọng vì tất cả đều là những nghi thức tôn giáo, từ người theo đạo Phật, Hindu, Hồi, Sikh cho đến người theo đạo Công giáo và đạo Zoroastria. Dù bố bạn là một bộ trưởng, chủ nhà băng, chuyên viên, công nhân, tài xế tắc xi hay là người bán hàng rong thì cấp bậc quân sự của bạn vẫn tùy thuộc vào thành tích của bạn.

Để có cả trí tuệ lẫn thể lực, vào năm 1971, tôi và Keng Swee bắt đầu tuyển một số sinh viên có năng lực nhất vào SAF. Chúng tôi trao học bổng du học ở Oxbridge và các trường đại học khác ở Anh của SAF cho một số học viên sĩ quan ưu tú nhất mỗi năm, ở đấy họ tham gia những lớp học chính khóa về nhân văn, khoa học, kỹ thuật hoặc chuyên môn. Suốt những năm đại học, ngoài học bổng trang trải cho tất cả chi phí, ăn ở và nhu cầu sinh hoạt ở nước ngoài, họ còn nhận được đầy đủ lương bổng như một trung úy. Họ phải ký cam kết phục vụ 8 năm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian ấy họ sẽ được gửi đến Mỹ hoặc Anh để học hai hoặc thường là ba khóa. Khóa đầu tiên huấn luyện họ thành chuyên viên pháo binh, xe thiết giáp hoặc truyền tin; khóa thứ hai làm việc ở ban tham mưu và chỉ huy ở Mỹ hoặc Anh; và khóa cuối cùng học về quản trị cộng đồng hoặc kinh doanh ở một đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard hoặc Stanford.

Vào cuối năm thứ tám, họ có thể chọn lựa ở lại SAF hay chuyển sang cơ quan dân chính làm nhân viên hành chính, ngạch công chức cao cấp nhất, tham gia hội đồng lập pháp, hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Họ sẽ tham gia huấn luyện nghĩa vụ quân sự hàng năm trong khoảng hai hoặc ba tuần. Thông qua kế hoạch do tôi đề nghị và Keng Swee sửa đổi lại, chúng tôi tuyển mộ một số sinh viên giỏi nhất vào SAF. Nếu như không tuyển khoảng 10 trong số những sinh viên giỏi nhất hàng năm, thì SAF sẽ không có năng lực trí tuệ để sử dụng vũ khí quân sự sao cho có lợi nhất.

Chất lượng của những đợt tuyển ban đầu đã và đang được khẳng định. Vào năm 1995, bốn cựu sinh viên nhận học bổng của SAF, được cất nhắc vào những vị trí cao cấp, tham gia hoạt động chính trị và sau này trở thành các bộ trưởng nội các: Thiếu tướng lữ đoàn trưởng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) – con trai tôi, Thiếu tướng George Yeo; Trung tá Lim Hng Kiang và Thiếu tướng Hải quân Teo Chee Hean.

Diện tích hạn hẹp của Singapore là một sự ràng buộc khắt khe. Khi việc xây dựng phát triển, chúng tôi cần đến những khu huấn luyện ở nước ngoài để triển khai một lữ đoàn, và sau này là một sư đoàn. Tôi đã thực hiện một cuộc đột phá vào năm 1975 khi tổng thống Tưởng Kinh Quốc cho phép bộ binh, thiết giáp, pháo binh của chúng tôi đến huấn luyện ở Đài Loan. Chúng tôi còn tổ chức phối hợp tập trận ở Đài Loan cùng với Siegfried Schulz, một tướng hồi hưu của Cộng hòa Liên bang Đức, người đã đi cùng các sĩ quan cao cấp của chúng tôi trong cuộc “thị sát tham mưu” để dạy về “tập trận dã chiến”.

Tổng thống Marcos và Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép Không quân Cộng hòa Singapore sử dụng những tiện nghi huấn luyện của Mỹ tại Căn cứ Không quân Clark vào cuối những năm 70. Vào những năm 90, khi người Mỹ rời Clark, chúng tôi dời đến huấn luyện ở Úc và Mỹ. Chúng tôi phải tìm những giải pháp độc đáo cho những khó khăn của chúng tôi.

Năng lực phòng thủ đất nước đã liên tục được nâng cấp nhờ công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, được ứng dụng vào hệ thống vũ khí. Vấn đề này đòi hỏi phải có một nền kinh tế mạnh mới có khả năng chi trả cho vũ khí mới và nguồn nhân sự có trình độ cao, được đào tạo, có thể phối hợp nhiều loại vũ khí khác nhau thành một hệ thống và làm cho chúng hoạt động hiệu quả.

Một năng lực phòng thủ đáng tin cậy giúp giảm thấp rủi ro của những hành động chính trị hấp tấp. Mỗi khi bất đồng với chúng tôi, các lãnh tụ Malaysia thường phát biểu qua báo chí đe dọa cắt đi nguồn cung cấp nước ngọt cho chúng tôi.

Vào năm 1990, khi tôi từ chức Thủ tướng, tờ Military Technology (Kỹ thuật quân sự), một nhật báo quốc phòng quốc tế viết rằng: “Vào năm 1965, khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập, họ thực sự chẳng có gì cả về lực lượng vũ trang để phòng vệ. Nhưng đến năm 1990, Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) đã phát triển thành một lực lượng chuyên nghiệp đáng nể và điều hành những hệ thống phòng thủ hiện đại có khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập quốc gia.” Từ lúc đó năng lực và sự sẵn sàng của SAF liên tục được báo chí quốc phòng, trong đó có tờ Jane’s và Asia Pacific Defence Reporter, đánh giá cao.

Một kết quả như vậy đã không có trong ý nghĩ của tôi vào tháng 4/1966 khi tôi đến London với hy vọng Thủ tướng Harold Wilson sẽ bảo đảm rằng lực lượng Anh vẫn duy trì ở Singapore trong vài năm nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.