Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

27. HOA KỲ: NGƯỜI CHỐNG CỘNG CHỦ CHỐT



Cuối tháng 8/1965, trong vòng mấy ngày sau cú sốc do tách khỏi Malaysia, bất ngờ tôi phải đối mặt với một vấn đề cá nhân. Choo trong tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, đòi hỏi phải qua phẫu thuật. Dr. Benjamin Sheares, bác sĩ phụ sản của cô ấy, khuyên tôi nên mời một chuyên gia người Mỹ, ông này là bác sĩ giỏi nhất trong ngành. Tôi cố mời ông ta nhưng không thuyết phục được, ông ta muốn Choo sang Thụy Sĩ. Ông ta có một số việc sắp phải sang đó. Tôi tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ và qua ông ta tranh thủ sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng họ chẳng giúp ích được gì; hoặc là họ không thể giúp hoặc là họ không giúp. Tôi quay sang nhờ người Anh tìm hộ vị chuyên gia hàng đầu của họ do Sheares đề nghị. Ông ta đồng ý và lập tức bay sang Singapore, bày tỏ sự thông cảm với việc tôi không muốn vợ mình đi nước ngoài trong khi tôi không thể rời Singapore. Sự cố này củng cố thêm cảm giác cố hữu của tôi là tôi sẽ thấy khó làm việc được với người Mỹ; tôi không biết họ bằng người Anh.

Tôi tức giận và bị căng thẳng. Mấy ngày sau đó, trong khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài trên đài truyền hình, tôi đã công kích người Mỹ hết lời. Tôi bày tỏ nỗi buồn bực của mình trước việc chính phủ Mỹ không thể giúp thuyết phục một chuyên gia y tế Hoa Kỳ sang Singapore chữa trị cho một người mà tôi yêu quý. Rồi lần đầu tiên tôi để lộ cho công chúng biết câu chuyện: trước đó bốn năm, một nhân viên CIA đã cố hối lộ một viên chức trong Cơ quan Đặc vụ của chúng tôi (cơ quan tình báo nội bộ Singapore).

Năm 1961, CIA hứa trả cho viên chức này một khoản lương cực kỳ lớn và đảm bảo nếu hoạt động của anh ta bị phát hiện hay anh ta gặp rắc rối thì họ sẽ đưa anh ta và gia đình anh ta sang Mỹ; tương lai của anh ta được đảm bảo. Đề nghị của họ hấp dẫn đến mức viên chức kia đã mất ba ngày tính toán trước khi quyết định phải báo cho Richard Corridon, thủ trưởng của anh ta biết về việc này. Corridon lập tức báo cáo với tôi và tôi bảo ông ta hãy cài bẫy. Ông ta tiến hành cài bẫy và đã bắt quả tang ba người Mỹ trong một căn hộ ở đường Orange Grove trong khi họ sửa soạn tiến hành một cuộc kiểm tra bằng máy dò nói dối đa ký đối với viên chức Cơ quan Đặc vụ của chúng tôi để kiểm chứng sự trung thực của anh ta. Một trong ba người Mỹ đó là nhân viên lãnh sự Hoa Ký ở Singapore. Ông ta nói rằng ông ta được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao; hai người kia là viên chức CIA, một người có cơ quan ở Bangkok và người kia ở Kuala Lumpur. Họ bị bắt với các chứng cứ đầy đủ để bỏ tù họ 12 năm. Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tuy không biết gì về chuyện này nhưng đã phải từ chức.

Sau khi trao đổi về vấn đề này với Keng Swee, Chin Chye, Raja và Pang Boon, tôi thông báo với Toàn quyền Anh, Ngài Selkirk, rằng chúng tôi sẽ thả ba người này và sẽ không công bố công khai hành động ngu xuẩn này của họ nếu Hoa Kỳ cho chính phủ Singapore 100 triệu đôla Mỹ để phát triển kinh tế. Họ đưa giá 1 triệu đôla Mỹ nhưng không trao cho chính phủ Singapore mà trao cho PAP – một sự xúc phạm quá thể. Người Mỹ đã mua chuộc rất nhiều nhà lãnh đạo ở Nam Việt Nam (ý nói Ngụy quyền Sài Gòn – ND) và nhiều nơi khác, đến nỗi họ tin rằng họ có thể mua chuộc các nhà lãnh đạo ở mọi nơi. Chúng tôi buộc phải thả vị người Mỹ có quyền miễn trừ ngoại giao nhưng chúng tôi bắt giam hai viên chức CIA theo lệnh giam giữ một năm của Quy chế về tình trạng khẩn cấp. Sau mấy lần Toàn quyền Selkirk thôi thúc, một tháng sau đó chúng tôi đã thả họ và cảnh cáo họ không bao giờ được lặp lại một hành động tương tự. Chúng tôi hy vọng lời cảnh cáo đó sẽ được người ta lưu ý nhưng e rằng họ sẽ không nghe.

Phản ứng trước sự tiết lộ công khai này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phủ nhận rằng không hề có việc đưa hối lộ và lấy làm tiếc rằng tuyên bố của tôi là “điều đáng buồn, không mang lại lợi ích gì mà chỉ là tiếp tay cho Indonesia.” “Người Mỹ đã phủ nhận một cách ngu xuẩn những điều không thể phủ nhận,” tôi nói khi tiết lộ các chi tiết và một lá thư đề ngày 15/4/1964 do Dean Rusk ký tên:

Thưa Thủ tướng,

Tôi cảm thấy đau buồn sâu sắc khi nghe tin một số quan chức của chính phủ Hoa Kỳ bị chính phủ của Ngài phát hiện đã tham gia những hoạt động không đúng mực ở Singapore. Tôi muốn Ngài biết rằng tôi rất lấy làm tiếc là sự cố đáng buồn này xảy ra gây tác hại cho các quan hệ thân thiện đang tồn tại giữa hai chính phủ chúng ta. Chính phủ mới (của Mỹ – ND) đang xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc và dự kiến sẽ kiểm điểm các hoạt động của những quan chức này để có hình thức có kỷ luật.

Chân thành kính chào Ngài,

(Ký tên: Dean Rush)

Thái độ của tôi trong năm 1961 đối với nước Mỹ và người Mỹ được tóm tắt trong các chỉ thị của tôi gửi Corridon: “Điều tra vấn đề này một cách thấu đáo, về mọi khía cạnh của nó. Không bỏ sót một tí gì chừng nào chưa tìm ra cốt lõi của vấn đề. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng không phải chúng ta đang xử lý vấn đề với một kẻ thù mà với sự ngu xuẩn tệ hại của một người bạn.”

Ngoài việc trút giận lên người Mỹ vì lý do họ không giúp mình, tôi tiết lộ sự việc này vào đúng tháng 8/1965 với ý đồ phát tín hiệu cho phương Tây hiểu rằng nếu người Anh rút khỏi Singapore thì sẽ không có các căn cứ của Mỹ ở đất nước này, mà chúng tôi “sẽ đi với Australia và New Zealand”. Tôi muốn người Anh ở lại. Tôi sợ rằng sau sự phân ly đột ngột của chúng tôi với Malaysia, Anh quốc sẽ muốn rút lui chừng nào sự đối đầu của Indonesia chấm dứt.

Tôi nhìn người Mỹ với những cảm giác lẫn lộn. Tôi phục cái quan điểm can–do (có thể làm) của họ nhưng lại chia sẻ quan điểm của người Anh, lúc bấy giờ, cho rằng người Mỹ sáng ý nhưng xấc xược; họ có một khối của cải khổng lồ nhưng thường lạm dụng nó. Để giải quyết một vấn đề không phải chỉ cần đưa của ra là được, điều đó không đúng. Nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tin rằng có thể giải quyết được tình trạng thù ghét do ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc, sự tranh giành, thù địch, cừu hận cố hữu hàng nghìn năm nay, nếu có đủ của cải, tiền bạc. (Một số vẫn tin như vậy. Các cố gắng của họ nhằm xây dựng các xã hội đa tôn giáo, đa chủng tộc ở Bosnia và Kosovo thành những xã hội hòa bình xuất phát từ quan điểm này).

Các biện pháp của họ chống lại chủ nghĩa cộng sản ở châu Á không gây cho tôi một ấn tượng nào. Họ vô nguyên tắc trong việc xử lý với Ngô Đình Diệm, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của Nam Việt Nam. Họ chỉ ủng hộ ông ta chừng nào ông ta còn thực hiện mệnh lệnh của Mỹ; một khi ông ta từ chối làm theo họ là họhết ủng hộ, và khi ông ta bị các tướng lĩnh ám hại thì họ quay ngoắt làm ngơ. Họ có ý định nhưng độc đoán và thiếu ý thức lịch sử. Tôi cũng sợ họ cho rằng có khả năng tất cả người Hoa đều là những người ủng hộ cộng sản bởi vì Trung Quốc là cộng sản.

Nhưng Mỹ là đất nước duy nhất có sức mạnh và quyết tâm ngăn chặn trào lưu hung hãn này của lịch sử và đảo ngược sự xói mòn ý chí của quần chúng để chống lại những người cộng sản. Vậy nên tôi muốn người Anh, người Australia và người New Zealand làm chỗ đệm. Cuộc sống sẽ khó khăn nếu như Singapore trở nên giống như Sài Gòn hay Manila. Người Anh ở Malaysia và Singapore tự mình không thể ngăn cản bước tiến của cộng sản vào Đông Nam Á. Chính người Mỹ đã ngăn chặn những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, không cho họ mở rộng sự nổi loạn của du kích sang Campuchia và Thái Lan. Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Tổng thống Sukarno ở Indonesia cho đến khi những người cộng sản làm đảo chính hụt vào tháng 9/1965. Đó là vai trò tiền vệ không ai có thể thay thế.

Tôi an tâm khi thấy người Mỹ sẵn sàng chống lại những người cộng sản ở bất cứ nơi nào có sự đe dọa của họ và với bất cứ giá nào. Bởi vì người Mỹ kiên quyết chống cộng và sẵn sàng đương đầu với họ nên Nehru, Nasser và Sukarno mới có thể chọn lập trường không liên kết. Đây là thế đứng thuận lợi và là thế đứng mà tôi lựa chọn lúc đầu chứ chưa nhận ra rằng nó được người Mỹ trả tiền một cách hậu hĩnh. Không có họ ở phía trước, cùng với người Anh, người châu Âu, người Australia và người New Zealand, để ngăn cản những người cộng sản Nga và Trung Quốc thì Singapore đã không thể có thái độ phê phán đối với Trung Quốc hay nước Nga.

Tôi nói rõ là tôi ủng hộ sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Tháng 5/1965 khi Singapore còn thuộc Malaysia, tôi phát biểu trước một cử tọa cánh tả tại Hội nghị các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa châu Á ở Bombay. Vào thời điểm người Ấn Độ giữ lập trường trung lập và đang chỉ trích hành động của Mỹ ở Việt Nam, tôi bảo với họ rằng: “Là người châu Á chúng ta phải đề cao quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam (ý nói: Nam Việt Nam – ND) và phải thoát khỏi mọi ý đồ thống trị của châu Âu. Là những người xã hội chủ nghĩa dân chủ chúng ta phải đòi cho người Nam Việt Nam có quyền không bị ép buộc thông qua sức mạnh vũ trang, khủng bố có tổ chức và cuối cùng bị chủ nghĩa cộng sản áp đảo. Vì vậy chúng ta phải tìm một công thức mà trước tiên tạo được khả năng cho người Nam Việt Nam phục hồi quyền tự do lựa chọn, mặc dù vào lúc này quyền đó bị giới hạn trong phạm vi giữa một bên là sự xâm chiếm của cộng sản và một bên là những hoạt động quân sự không ngừng của Mỹ”.

Trong nhiều bài phát biểu tôi đã nhấn mạnh rằng các chính phủ Đông Nam Á phải sử dụng thời gian mà người Mỹ mua cho chúng ta bằng sự can thiệp của họ ở Việt Nam để giải quyết vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và tình trạng mất công bằng trong xã hội của chúng ta. William Bundy, Thứ trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á đã đọc các bài diễn văn của tôi mà tôi không biết. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên tại văn phòng của tôi vào tháng 3/1966. Ông ta cam đoan với tôi rằng Mỹ dự định sẽ đóng một vai trò thầm lặng và không muốn duy trì một sự có mặt quân sự ở Malaysia. Họ đã bị lôi kéo vào Việt Nam sâu hơn dự định và không thiết tha dính líu vào một nơi nào khác ở Đông Á.

Vì những lý do lịch sử, người Mỹ muốn người Anh ở lại Malaysia và cũng là vì “một sự phân công lao động”. Họ sẽ chừa lại cho người Anh một phần lớn công việc quản lý chính sách vì nước Anh là cường quốc châu Âu có khả năng làm điều đó. Nếu Malaysia quay sang yêu cầu họ giúp đỡ kinh tế thì họ sẽ vui lòng giúp nhưng ở mức thấp.

Tôi hỏi Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu xảy ra xung đột sắc tộc do cộng sản xúi giục giữa Singapore và Malaysia. Bundy khẳng định họ (người Mỹ – ND) không thích bị dính líu. Tôi nhấn mạnh rằng họ không nên xem toàn bộ cộng đồng người Hoa tha phương như một nhóm đồng nhất bị những người cộng sản Trung Hoa đại lục chi phối. Nếu Mỹ có chính sách đối xử với mọi người Hoa ở Đông Nam Á như tay sai tiềm ẩn của Trung Hoa đại lục thì họ chỉ có cách trở thành những kẻ sô–vanh Trung Hoa đại lục.

Vào đầu năm 1966 chúng tôi thỏa thuận rằng lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam (Nam Việt Nam – ND) có thể đến Singapore nghỉ ngơi, giải trí. Nhóm đầu tiên gồm 100 lính đến Singapore vào tháng 3/1966 và lưu lại 5 ngày tại một khu căn hộ cho thuê ở vùng ngoại ô. Mỗi tuần ba lần họ bay từ Sài Gòn sang Singapore trên một chiếc máy bay dân dụng của hãng hàng không Pan American. Trong một năm có khoảng 20.000 lính Mỹ, chiếm tới 7% tổng số khách du lịch lúc đó, đến Singapore. Lợi ích về tài chính thì nhỏ thôi nhưng đây là cách bày tỏ thầm lặng sự ủng hộ của Singapore đối với cố gắng của Mỹ ở Việt Nam.

Bundy lại gặp tôi vào tháng 3/1967. Tôi cảm thấy mình có thể tin ông ta; ông ta cởi mở và nói thẳng. Ông ta không cố gây ấn tượng với bất kỳ ai và không chú ý đến cách ăn mặc – tôi nhận thấy ông ta đi những chiếc vớ bị sờn rách. Những ông ta có vẻ điềm tĩnh tự tin. Ông ta biết tôi đang ép người Anh ở lại. Đó cũng là chính sách của Mỹ. Ông ta cam đoan với tôi rằng Mỹ sẽ tiếp tục đánh mạnh ở Việt Nam. Ông ta tin chắc đảng Cộng hòa, lúc đó nằm ngoài chính phủ, không có phương sách nào khác. Các vấn đề có thể trở nên rối rắm nhưng Tổng thống Johnson rất quyết tâm và sẽ không bỏ cuộc bởi vì Mỹ tin rằng hành động của họ ở Việt Nam là một sự đóng góp lớn vào sự ổn định ở Đông Nam Á.

Bundy mời tôi đi thăm không chính thức Washington vào cuối mùa thu, vì tránh được tình trạng khách thăm chen chúc vào khoảng thời gian khai mạc phiên họp thường niên của Liên Hiệp Quốc. Tôi sẽ có cơ hội gặp trao đổi và thảo luận với những người làm chính sách và những người trong các giới rộng lớn hơn nhưng là một bộ phận của cơ quan vạch chính sách. Tôi nói rằng trong khi người Anh đang giảm dần các căn cứ của họ ở Singapore mà tôi đi thăm Mỹ thì xem ra có vẻ như tôi lo sợ.

Tháng 7/1967 ông ta viết thư cho tôi, đề cập đến các tin tức từ London, nói rằng có thể tôi đã gây nên “một sự rạn nứt thực sự trong hàng ngũ các nghị sĩ Công đảng, những người không có được một sự hiểu biết đúng mức về thực tế cuộc sống ở Đông Nam Á.” Ông ta còn khen tôi phát biểu ngắn gọn và đề cập thẳng trong một cuộc phỏng vấn của BBC trên vô tuyến truyền hình về tầm quan trọng có tính quyết định của những việc Mỹ đang làm ở Việt Nam. Nước Mỹ đang bị báo chí phê phán đến nỗi hễ có một ai đó không phải là quốc gia đồng minh bày tỏ sự ủng hộ cho chính sách không được lòng dân của họ là họ cảm thấy nhẹ nhõm. Ông ta đề nghị một chuyến thăm chính thức. Raja khó chịu vì phải thông báo quá sớm chuyến thăm Washington của tôi sau khi Sách trắng Quốc phòng của Anh mới được phát hành. Việc làm này chứng tỏ chúng tôi hoang mang. Nhưng tôi quyết định đi. Việc Bill Bundy muốn tôi đi Washington năm đó hẳn phải có nguyên nhân nào đó.

Tôi chưa hề đến nước Mỹ, trừ lần năm 1962; khi đó tôi đến để ra mặt trước ủy ban phi thực dân hóa của Liên Hiệp Quốc ở New York. Trước năm 1967, Singapore chưa có phái bộ ở Washington. Thế là tôi ngó qua ngó lại tìm kiếm nguồn thông tin gấp về tư duy và bầu không khí ở Washington và những nhân vật chủ chốt. Tôi tiếp cận các cao ủy Anh quốc, Australia và New Zealand. Tôi viết thư cho một người bạn tốt từ thập kỷ 50 tên là Louis Heren. Lúc đó anh ta là phóng viên báo London Times ở Washington. Trong tất cả các tóm lược thông tin thì các thông tin của anh bạn tôi là có giá trị nhất. Anh ta viết: “Đối với một siêu cường như Hoa Kỳ thì mọi quốc gia, trừ Liên Xô và Trung Quốc, đều là nước nhỏ. Nếu so sánh – xin các bạn đừng lấy làm khó chịu – Singapore chỉ là con tép. Ngoài Cơ quan các vấn đề cháu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao ra thì ít ai để ý tới nó.” Nhưng anh cam đoan rằng tôi “đã có tiếng là ôn hòa, vừa phải nhưng là loại người kiên định,” chủ yếu vì lập trường của tôi trong vấn đề Việt Nam. Chuyện ồn ào về sự cố CIA phần lớn đã bị lãng quên. “Vấn đề ở Mỹ chính là cái thế chân vạc: Chính phủ, Quốc hội và báo chí. Quốc hội và báo chí có xu hướng phản ứng bằng thứ ngôn ngữ đơn giản: Đông – Tây. Anh là cộng sản hay anh đứng về phía Mỹ? Chính phủ thì rất khác. Trời biết, người ngốc trên đời này thì có đủ, nhưng cũng có những con người thuộc loại hảo hạng. Rõ ràng dưới cấp nội các thì có William Bundy và Robert Barnett, một trong các phó của Bundy, một chuyên gia uyên bác về Trung Quốc, và Walt Rostow, trợ lý đặc biệt của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia.” Những người khác mà tôi nên tìm đến là Averell Harriman, lãnh đạo phái đa số trong thượng viện, một con người “thức thời và có thế lực một cách thầm lặng.”

Anh ta đã đưa ra một bản tóm tắt về Johnson, đấy là tài liệu tốt nhất mà tôi đã đọc trước khi gặp tổng thống. “Một con người kỳ lạ, đầy thủ đoạn, nhiều mánh khóe thao túng và đôi khi nhẫn tâm. Sau khi nói điều đó, tôi phải thừa nhận mình là một trong số ít những người thán phục ông ta nếu được coi là như vậy. Ông ta có lửa trong bụng – nói theo nghĩa cổ kinh thánh. Ông ta muốn làm điều tốt lành cho người dân trong nước, đặc biệt là người nghèo và người da đen…

Rusk và McNamara có thể tin cậy. Cả hai đều trung thực và khá lịch thiệp, tốt bụng – dùng theo nghĩa cổ của từ này.”

Tháng 10/1967, tôi bay tới sân bay Kennedy, New York, và sau đó tiếp tục bay đi Williamsburg và ở lại trong một ngôi nhà cổ phục chế với trang trí nội thất thời Williamsburg còn là thủ phủ bang Virginia. Choo và tôi được đưa đi tham quan Williamsburg trên một chiếc xe ngựa; lái xe là người da đen bận y phục thời kỳ đó. Đấy là vùng Disneyland lịch sử. Ngày hôm sau chúng tôi đáp máy bay lên thẳng tới Nhà Trắng. Nhân viên lễ tân yêu cầu tôi bắt tay Tổng thống bằng tay trái vì tay phải ông ta bị băng bó. Khi tôi xuống máy bay trên thảm cỏ trước Nhà Trắng để được nghênh đón với đầy đủ nghi lễ nhà nước cùng đội danh dự, tôi bắt tay trái Johnson như một hướng đạo sinh xuất sắc.

Johnson dùng tính từ so sánh bậc nhất để mô tả tôi như “một nhà ái quốc, một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc và một chính khách của châu Á mới,” và ông ta mô tả Singapore “là một tấm gương sáng chói về những gì có thể thực hiện chẳng những ở châu Á mà cả ở châu Phi và Mỹ Latinh – ở bất cứ nơi nào mà con người đang hoạt động vì một cuộc sống tự do và có nhân phẩm.” Tôi cảm thấy ngượng trước những lời ca tụng quá mức, rất không Anh tí nào. Để đáp lại, tôi gián tiếp tán thành những gì ông ta đang làm ở Việt Nam nhưng đặt câu hỏi phải chăng người Mỹ tin rằng con cháu họ sẽ thừa kế cái thế giới mới dũng cảm đó nếu họ không kiên trì (ở Việt Nam).

Ngay sau lễ đón tiếp, Johnson đã có cuộc bàn luận tay đôi với tôi. Ông ta là người bang Texas, cao to, giọng nói oang oang. Đứng bên cạnh ông ta tôi có cảm giác mình như chú lùn. Ông ta buồn rầu, lo lắng nhưng muốn nghe tôi phát biểu quan điểm của mình. Ông ta cảm thấy nhẹ nhõm khi có được một người từ Đông Nam Á, gần Việt Nam, hiểu, thông cảm và lặng lẽ ủng hộ những gì ông ta đang làm.

Johnson rất thẳng. Cuộc chiến này có thể thắng không? Việc ông ta đang làm có đúng không? Tôi nói với ông ta rằng ông ta đang làm đúng nhưng cuộc chiến này không thể thắng theo nghĩa quân sự. Ông ta có thể ngăn chặn những người cộng sản chiến thắng. Điều này tạo điều kiện làm xuất hiện một ban lãnh đạo Việt Nam (Ngụy quyền – ND) có khả năng tập hợp quần chúng xung quanh họ. Như vậy chính là thắng lợi vì chính phủ đó sẽ được sự ủng hộ của dân và là chính phủ không cộng sản. Tôi tin khi bỏ phiếu tự do, kết quả sẽ khả quan. Ông ta vui sướng, dù chỉ là thoáng qua.

Trong bữa tiệc tại Nhà Trắng vào đêm đó, Johnson trả lời câu hỏi của tôi về khả năng tiếp tục ở lại của Mỹ: “Có, Hoa Kỳ có quyết tâm và kiên nhẫn thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này ở Việt Nam… Tôi không thể nói rõ hơn hay với sự tin tưởng chắc chắn hơn. Ông biết một ngạn ngữ phổ biến tại khu vực mà các ông có thể dùng để mô tả đúng quyết tâm của chúng tôi. Các ông nói, cưỡi lưng hổ. Các ông đã cưỡi lưng hổ. Chúng tôi cũng sẽ cưỡi lưng hổ”.

Sau bữa tiệc, một vài thượng nghị sĩ dẫn tôi lên hành lang đầu cầu thang nhìn ra thảm cỏ Nhà Trắng. Một Mike Mansfield cao, gầy, tái nhợt, một nhà dân chủ từ Montana, lãnh tụ phe đa số thượng viện, hỏi tôi một câu hỏi trực tiếp: “Ông nghĩ việc ám sát Diệm là tốt hay có hại?” “Có hại,” tôi nói, “ông ta là người có khả năng lãnh đạo. Không ai thay được ông ta. Có thể có những cách khác để bắt Diệm thay đổi chính sách hay phương pháp cai trị của ông ta. Việc vứt bỏ ông ta đã gây nên mất ổn định và tệ hại hơn là tâm trạng bất an về việc hiện có một nhà lãnh đạo nào đó đứng lên vì Việt Nam và không chịu làm theo lời khuyên của Mỹ mà có thể đứng vững. Ông ta mím môi và nói: “Phải, thật tệ”. Ông ta hỏi đâu là giải pháp. Tôi bảo với ông ta rằng có, nhưng không dễ, không có giải pháp dứt điểm ngay mà sẽ là phương pháp đấm mạnh lâu dài, và không hấp dẫn: phải cứng rắn và ngăn không cho cộng sản chiến thắng, cho đến khi một ban lãnh đạo Nam Việt Nam xuất hiện – và thế là đủ thắng lợi. Điều đó có nghĩa là kiên trì lâu dài. Qua nét mặt của ông ta, tôi có thể hiểu rằng người Mỹ khó mà làm được như vậy.

Dean Rusk, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là một người trầm lặng, chín chắn, trông có dáng một học giả hơn là một nhà hoạt động chính trị. Tôi bảo với ông ta rằng tôi hy vọng phương sách thắng cử của tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ khiến Hà Nội nhận thức được rằng nhân dân Mỹ có đủ kiên nhẫn và quyết tâm chiến thắng. Nếu Mỹ triệt thoái thì triều dâng sẽ tràn khắp các nước không cộng sản. Thái Lan sẽ đứng về phía phe khác và Malaysia sẽ bị nghiền nát bởi chiếc máy xay thịt của những cuộc nổi dậy của du kích. Sau đó, khi các đảng cộng sản anh em đã nắm quyền, những người cộng sản sẽ loại bỏ chúng tôi ở Singapore. Quân đội Trung Quốc không cần phải tiến vào Đông Nam Á.

Phó tổng thống Hubert Humphrey phát biểu không mấy dè dặt. Ông ta tin rằng ngoài thiểu số hoặc là diều hâu hoặc là bồ câu, 70 đến 80% thượng nghị sĩ ủng hộ chính sách của tổng thống về Việt Nam. Phe đối lập bao gồm những người từ thế hệ người Mỹ lớn lên trong khoảng thời gian 22 năm sau Thế chiến thứ hai. Họ không hề biết chiến tranh và những khó khăn thực sự về kinh tế. Họ là nòng cốt của phe đối lập tại các trường đại học. Điều quan trọng là những người như tôi – không liên kết và được biết đến là những kẻ độc lập về chính trị phải lên tiếng phát biểu và ngăn chặn sự xói mòn của công luận tại Hoa Kỳ. Nỗi lo sợ của ông ta là ở chỗ Johnson sẽ bị đánh bại ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam trừ phi những người như tôi có thể giúp giữ nguyên tấm thảm dưới chân Johnson. Humphrey là người đáng mến và giảo hoạt về chính trị nhưng tôi nghi ngờ ông ta không đủ cứng rắn.

Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có đôi mắt rạng rỡ, thiết tha và đầy nghị lực. Ông ta nghĩ rằng Mỹ và Singapore có cùng những mục tiêu như nhau; cả hai chúng tôi đều muốn người Anh ở lại Singapore. Nhân dân Mỹ không muốn nhìn thấy Hoa Kỳ đứng một mình. Ông ta nói việc Anh quốc mua máy bay F–111 cho thấy các mối quan hệ rất khắng khít của nước này với Hoa Kỳ và ý định của họ muốn hoàn thành các cam kết của Anh ở Đông Nam Á. Việc này xảy ra vào tháng 10/1967, một tháng trước khi Anh phá giá đồng bảng và quyết định từ bỏ khu đông kênh đào Suez.

Đối với cả hai ủy ban, ủy ban các vấn đề đối ngoại hạ viện và ủy ban đối ngoại thượng viện, chủ đề chính trị là Việt Nam. Tôi cho họ những đáp án ít làm giảm bớt các mối lo ngại của họ. Họ muốn nghe những đáp án có thể thực hiện được trong vòng một năm hoặc ít hơn, trước cuộc bầu cử tổng thống sau đó. Tôi không đưa ra những giải pháp như vậy.

Ở Harvard tôi nói chuyện với một số sinh viên. Tôi cũng gặp giáo sư Richard Neustadt, giám đốc Học viện chính trị ở Harvard, và một chuyên gia về chức Tổng thống Mỹ. Tôi hỏi Bill Bundy liệu có khả năng cho phép tôi có mấy ngày nghỉ để tìm hiểu về người Mỹ và hệ thống của họ. Tôi cảm thấy mình phải hiểu họ. Họ có những điểm mạnh và những điểm yếu khác với người Anh. Đất nước họ là một lục địa rộng lớn. Họ không hề có một nhóm người ra quyết định thuần nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau mà tất cả đều cụm lại hoặc ở Washington hoặc ở New York như người Anh ở London. Những người ra quyết định của Hoa Kỳ ở rải rác khắp 50 bang, mỗi bang có những lợi ích khác biệt và những thế lực khác nhau. Bundy thu xếp cho tôi gặp Neustadt, ông này hứa mở một khóa học cho tôi ở Học viện chính trị kéo dài một học kỳ vào mùa thu 1968.

Ngày nào tôi cũng đi, nói chuyện liên tu bất tận với giới truyền thông và các nhóm người khác nhau như Hội châu Á, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, các sinh viên ở Harvard và ở St. Louis, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Chicago, và giới báo chí và truyền hình ở Los Angeles. Thậm chí ở Honolulu, nơi tôi ở lại với tư cách là khách nhà của vị tổng chỉ huy, giữa Thái Bình Dương, tôi cũng phải nói chuyện. Chỉ có ở khu nghỉ dưỡng Mauna Kea trên hòn đảo lớn Hawaii là tôi có thể xả hơi, chơi gôn cả ngày và ban đêm, sau bữa ăn tối, thì xem cá đuối.

Báo cáo của các phái bộ của chúng tôi ở Washington, Canberra và Wellington đều tốt, nhưng Keng Swee và Raja lo rằng tôi có vẻ như quá thân Mỹ khi tôi bảo vệ sự can thiệp của Johnson ở Việt Nam. Điều này có thể làm cho đám đông dân thường nói tiếng Hoa của chúng tôi bất bình. Họ khuyên tôi quay về một lập trường trung lập hơn. Khi tôi trở về Singapore, tôi bàn luận với họ về vấn đề này và đã thay đổi cách phát ngôn của mình theo hướng phê phán nhiều hơn nhưng vẫn bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam. Tôi tin rằng chỉ trích gay gắt chính sách của Mỹ ở Việt Nam sẽ đụng đến Tổng thống Johnson và phương hại vị thế của ông ta ở Mỹ. Tôi không hề muốn làm những gì chống lại lợi ích của Singapore.

Chuyến thăm 10 ngày đó đã gây cho tôi một số ấn tượng mạnh. Như tôi đã nói với các đồng nghiệp của mình trong nội các rằng quan hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ chỉ mang tính chất ngoại giao, khác với quan hệ của chúng tôi với Anh. Người Mỹ tư duy bằng con số và kích cỡ. Ở Đông Nam Á, người Malaysia và Singapore không là cái gì so với người Indonesia.

Các sự kiện chuyển động một cách không ngờ, và có tính chất quyết định sau khi tôi trở về. Người Anh phá giá đồng bảng và đến tháng 1/1968 thì tuyên bố rút sớm – trước năm 1971. Hai tuần sau đó là cuộc tấn công dịp Tết ở Việt Nam (Tết Mậu Thân – ND). Họ nổi dậy ở hơn một trăm đô thị và thị trấn, kể cả Sài Gòn. Công chúng Mỹ rúng động bởi những tin tức tường trình cuộc tấn công này. Giới truyền thông đã làm cho người Mỹ tin rằng đây là tai họa khủng khiếp đối với họ và trong cuộc chiến tranh này, họ đã thua. Hai tháng sau, vào ngày 31/3, Johnson thông báo: “Tôi sẽ không tranh cử và sẽ không nhận đề cử của đảng tôi để ra tranh cử tổng thống.” Từ đó trở đi một không khí chán nản bao trùm lên nước Mỹ; họ trông ngóng chờ đợi vị Tổng thống mới tìm kiếm một sự rút lui không nhục nhã ra khỏi Việt Nam.

Từ tháng 10 đến tháng 12/1968, đúng theo kế hoạch, tôi được rảnh rỗi một thời gian ngắn ở trường đại học Columbia Anh quốc (University British Columbia – UBC) và Harvard. Tôi để lại công việc cho Goh Keng Swee phụ trách. Tôi lưu lại mấy tuần ở UBC. Từ câu lạc bộ khoa – tôi lúc này là khách – tôi xem vận động bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ trên màn hình tivi. Sau khi Nixon thắng, từ Vancouver tôi bay đi Ottawa để gặp Pierre Trudeau. Ông này đã trở thành Thủ tướng vào đầu năm đó. Từ đây tôi tiếp tục bay đi Boston và Harvard.

Ở Harvard tôi là nghiên cứu sinh của Viện Chính trị, viện này có quan hệ gắn bó với Trường John F. Kennedy của chính phủ.

Tại tòa nhà Eliot của đại học Harvard tôi ở cùng 200 sinh viên và 10 nghiên cứu sinh; tôi dự một khóa học ngập đầu bài vở về nền văn hóa Mỹ. Neustadt đã thu xếp cho tôi được tiếp xúc rộng rãi với các học giả Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực, chủ yếu là về quản lý nhà nước của Mỹ và chính trị, kinh tế học phát triển, động cơ thúc đẩy và năng suất. Đấy là một chương trình đầy ắp; buổi sáng thảo luận với một nhóm, một bữa trưa làm việc với nhóm khác, một cuộc hội thảo buổi chiều, những bữa ăn tối giao lưu với các học giả nổi tiếng. Tại buổi đấu bóng đá giao lưu thường niên giữa đội Harvard và đội Yale, tôi có dịp cảm nhận được sức sống mãnh liệt của thanh niên Mỹ trong tiếng reo hò cổ vũ cùng với những lớp sóng tay vẫy chào. Hiệu quả của sự thu xếp, bố trí ở đây thật là ấn tượng. Một sinh viên tốt nghiệp thường xuyên gắn bó với tôi, thu thập tài liệu, hay thu xếp những cuộc gặp ngoài chương trình mà tôi cần. Cơ quan mật vụ gây ra không ít những gián đoạn trong sinh hoạt bình thường ở tòa nhà Eliot vì họ bố trí trung tâm hoạt động của mình trong hội trường dành cho sinh viên các năm trên để đảm bảo an toàn cho tôi 24/24 giờ. Tôi ăn cơm trong phòng lớn, cùng với sinh viên, nghiên cứu sinh và thầy hiệu trưởng Alan Heimert. Tôi ngạc nhiên trước quan hệ thoải mái không quan cách giữa thầy và trò. Sinh viên thì cực kỳ thông minh; một thầy giáo thú nhận rằng tranh luận với một số sinh viên có thể làm mình khá mất bình tĩnh.

Các cán bộ giảng dạy ở đại học Cambridge bang Massachusetts khác với đồng nghiệp của họ ở đại học Cambridge bên Anh. Cán bộ giảng dạy ở Anh trong các thập kỷ 40–50–60 cảm thấy sung sướng khi ở trong tháp ngà, tách biệt với không khí náo nhiệt, ồn ào của London và Westminster. Ngược lại, các giáo sư Hoa Kỳ nâng cao tầm vóc của mình bằng cách giao kết với chính phủ. Thời chính phủ Kennedy, nhiều giáo sư thường qua lại như con thoi giữa các thành phố Boston – New York – Washington. Sở trường của cán bộ giảng dạy Anh quốc thời bấy giờ là nghiên cứu nghiêm ngặt quá khứ, chứ không phải hiện tại và tương lai, cả hai thời buộc họ phải phỏng đoán. Họ không có tác động qua lại trực tiếp với kinh doanh và công nghiệp như Trường doanh nghiệp Harvard. Người Mỹ không giống như người Anh. Họ không tự hạn chế mình trong phạm vi nghiên cứu có phê phán quá khứ. Nghiên cứu hiện tại để tiên đoán tương lai là thế mạnh của giới học giả Hoa Kỳ. Đội ngũ chuyên viên của họ đã làm cho môn tương lai học trở thành một môn học đang được coi trọng dưới danh nghĩa “nghiên cứu vị lai”.

Mối lợi to lớn nhất đối với tôi không phải kiến thức mà là các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ thân thiện với các học giả là những người không chỉ uyên bác về các vấn đề đương thời mà còn gắn bó với các trung tâm thần kinh của chính phủ và doanh nghiệp. Ở Harvard tôi là đối tượng của sự tò mò; một nhà hoạt động chính trị châu Á dành thời gian để làm việc “sạc lại bình điện”, tìm kiếm kiến thức trong học thuật khi đã bước vào tuổi 45, sau 10 năm ở nhiệm sở. Họ vui vẻ tạo điều kiện cho tôi gặp gỡ những nhân vật lý thú, trong đó có nhà kinh tế John Kenneth Galbraith, chuyên gia về Nhật Bản và cựu đại sứ Mỹ ở Nhật Bản Edwin Reischauer, chuyên gia về Trung Quốc John Fairbank, giảng viên khoa học chính trị đại học MIT Lucien Pye, người đã thực hiện công trình nghiên cứu về du kích cộng sản ở Malaysia trong thập kỷ 50 và Paul Samuelson giảng viên đại học MIT, người nổi danh nhờ quyển sách giáo khoa về kinh tế do ông soạn và là người đã giải thích cho tôi tại sao người Mỹ cần duy trì các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp như ngành dệt chẳng hạn. Cuộc thảo luận có giá trị nhất của tôi là với Ray Vernon, giảng viên Trường Doanh nghiệp Harvard. Ông ta cho tôi những hiểu biết thực tế về hoạt động của các loại hình kinh tế đương thời ở Hồng Kông và Đài Loan (đã được mô tả ở phần trước) sâu sắc đến nỗi cứ bốn năm tôi lại trở lại học thêm ở ông ta.

Tôi tìm thấy nhiều ý tưởng mới mẻ và lượm lặt được tri thức của những người có hiểu biết sâu rộng mặc dù không phải lúc nào họ cũng đúng. Họ quá đúng đắn về mặt chính trị. Harvard quả là không có sự thành kiến. Không một học giả nào sẵn sàng nói hay thừa nhận rằng có những khác biệt cố hữu giữa các chủng tộc, các nền văn hóa hay tôn giáo. Họ cho rằng con người là bình đẳng. Và để thành công mỗi xã hội chỉ cần có những chính sách kinh tế và những thiết chế quản lý đúng đắn. Họ sáng suốt đến nỗi tôi thấy khó tin được rằng họ chân thành giữ những quan điểm này mà họ cảm thấy buộc phải tán thành.

Các cán bộ giảng dạy ở đại học Harvard mà tôi gặp ở bàn tiệc đều sắc sảo, hóm hỉnh và biết gợi chuyện, mặc dù không phải lúc nào tôi cũng đồng ý với họ. Galbraith có giọng lưỡi gay gắt nhất trong bọn. Một hôm vào bữa ăn tối tôi gặp Henry Kissinger. Một điều may mắn hoàn toàn ngẫu nhiên làm ông ta phấn khởi là tại bữa ăn, trong khi nhiều người Mỹ có tư tưởng tự do đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ thì tôi lại nêu quan điểm trái ngược. Tôi giải thích rằng chỗ đứng của Mỹ có tầm quan trọng quyết định đối với các nước Đông Nam Á không cộng sản. Kissinger đã thận trọng chọn từ ngữ bào chữa cho sự can thiệp của Mỹ. Vây quanh là những người thuộc phái bồ câu nên ông ta đã cẩn thận, không tỏ vẻ diều hâu. Kissinger nói chậm rãi bằng thứ tiếng Anh giọng Đức nặng nề, gây cho tôi cảm giác ông ta không phải là người dễ dàng bị cuốn hút bởi tình cảm trong phút chốc. Chẳng bao lâu sau đó văn phòng Nixon thông báo Kissinger sẽ là cố vấn an ninh quốc gia. Đến lúc đó ông ta đã rời Harvard. Trước khi tôi bay về nước vào tháng 12 năm đó, tôi gặp ông ta ở New York để cổ vũ ông ta giữ vững tiến trình ở Việt Nam và người Mỹ có đủ khả năng để ngăn ngừa những người cộng sản chiến thắng.

Tôi muốn đến thăm Tổng thống Johnson. Bill Bundy ngạc nhiên khi thấy tôi muốn thăm một tổng thống thất sủng chứ không phải tổng thống đắc cử. Tôi nói Nixon cần có thời gian để lựa chọn nhân sự và nghị trình, hơn nữa tôi có thể trở lại sau khi ông ta đã ổn định công việc. Người tôi gặp lúc này là một Johnson đau khổ, u sầu. Ông ta nói ông ta đã dốc hết mọi thứ vào Việt Nam. Hai đứa con rể của ông ta đều ở trong lực lượng vũ trang và cả hai đều phục vụ tại Việt Nam. Không ai có thể làm hơn nữa. Tôi ra về, để lại phía sau một Johnson phiền muộn.

Lần tiếp theo tôi thăm nước Mỹ là vào năm 1969. Tôi đến chào Tổng thống Nixon vào ngày 12/5. Trước đó ông ta đã gặp tôi ở Singapore hồi tháng 4/1967, trên chặng đường đi tham quan các nước Đông Nam Á để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trong năm sau. Ông ta là người suy nghĩ nghiêm túc, am hiểu châu Á và thế giới. Ông ta lúc nào cũng thích nhìn toàn cảnh. Hơn một giờ đồng hồ ngồi trong văn phòng của tôi, ông ta nêu câu hỏi và tôi trả lời. Cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang trong giai đoạn cao trào. Ông ta hỏi tôi nghĩ gì về những chuyện đang xảy ra. Tôi nói sự hiểu biết duy nhất mà tôi có được là từ việc hỏi dò những người già cả của chúng tôi được chúng tôi cho phép về thăm thân nhân hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến thuộc vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Theo chỗ chúng tôi hiểu thì ông Mao muốn làm lại nước Trung Hoa. Giống như Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, người đã đốt hết sách đương thời để xóa sạch dấu vết của những gì đã xảy ra trước đó; Mao muốn xóa sạch nước Trung Hoa cũ và vẽ nên một nước Trung Hoa mới. Nhưng Mao đang phết sơn lên một bức tranh khảm Trung Hoa cổ; khi trời mưa nước mưa sẽ gội sạch lớp sơn và bức tranh lại tái hiện. Mao chỉ sống hết đời mình nên không có đủ thời gian hay sức mạnh để xóa đi trên 4.000 năm lịch sử, truyền thống văn hóa và văn học Trung Quốc. Dù là đốt hết sách thì tục ngữ, ngạn ngữ vẫn sống mãi trong ký ức của dân gian. Mao chắc chắn sẽ thất bại. (Sau đó mấy năm, khi Nixon về hưu, ông ta đã trích dẫn điều tôi nói, đưa vào hồi ký của mình. Ông ta còn trích dẫn lời tôi nhận xét về người Nhật: họ có nghị lực và tài năng để làm nhiều hơn chứ không phải chỉ sản xuất và bán radio bán dẫn. Chỉ lúc đó tôi mới biết: cũng như tôi, Nixon có thói quen ghi chép sau những cuộc bàn luận nghiêm túc).

Được hỏi ý kiến về sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc, tôi nói sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc không có nguồn gốc tự nhiên hay trường cửu. Kẻ thù tự nhiên của Trung Quốc là Liên Xô, nước có chung với Trung Quốc 4.000 dặm biên giới mà đoạn biên giới này lại chuyển sang thế bất lợi cho Trung Quốc chỉ mới 100 năm nay. Có những chuyện cũ cần thanh toán. Còn ranh giới giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là nhân tạo do người ta vạch ra trên mặt nước băng qua eo biển Đài Loan. Như vậy nó sẽ chóng bị xóa nhòa và sẽ mất đi với thời gian.

Khi chúng tôi gặp nhau ở Washington năm 1969, Nixon lại hỏi tôi về Trung Quốc. Tôi dành cho ông ta những câu trả lời về cơ bản cũng như vậy. Lúc đó tôi không biết ông ta đã tập trung tâm trí vào Trung Quốc nhằm cải thiện vị trí của nước Mỹ đối địch với Liên Xô.

Chủ đề chiếm nhiều thời gian nhất là Việt Nam. Hoa Kỳ – ông ta nói – là một quốc gia rộng lớn, giàu có và hùng mạnh, đánh nhau trong một cuộc chiến tranh du kích với Việt Nam, một nước nghèo, chưa phát triển và hầu như không có công nghệ. Hàng tỷ đôla Mỹ đã được chi tiêu vào cuộc chiến tranh với thiệt hại 32.600 người Mỹ chết và 200.000 người Mỹ khác bị thương. Điều này hầu như đã làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của nhân dân và các đại biểu Quốc hội Mỹ. Sức ép gia tăng hàng ngày đòi Mỹ rút càng sớm càng tốt. Nhưng ông ta phải xem xét tác động của việc Mỹ rút quân đối với nhân dân, chính phủ và giới quân sự Nam Việt Nam cũng như đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, các đồng minh của Mỹ, kể cả Australia, New Zealand, Philippin, Nam Triều Tiên, Thái Lan, và cả thế giới nói chung. Vấn đề là độ tin cậy trong những lời hứa của Mỹ. Bất chấp sức ép của dư luận chung trong Quốc hội Mỹ, ông ta buộc phải đảm bảo giải pháp tốt đẹp nhất cho vấn đề này. Tôi có cảm giác rằng ông ta muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam do có sự chống đối trong nước, nhưng không sẵn sàng làm vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên chiến bại. Ông ta muốn một lối ra trong danh dự.

Lần sau, khi tôi gặp Nixon vào ngày 5/12/1970, ông ta có vẻ mệt mỏi sau cuộc vận động căng thẳng cho bầu cử giữa kỳ. Ông ta điểm qua các phương án về Việt Nam. Sau đó ông ta quay sang Trung Quốc. Tôi gợi ý rằng đối với Trung Quốc ông ta nên mở cả cửa đi và cửa sổ và bắt đầu buôn bán các mặt hàng phi chiến lược. Khi 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ việc kết nạp Trung Quốc, không nên để Hoa Kỳ bị xem là kẻ cản trở. Hoa Kỳ không nên nản lòng trước thái độ tiêu cực của Mao. Tôi nhắc lại rằng Hoa Kỳ không có biên giới chung với Trung Quốc như nước Nga.

Tại một cuộc gặp riêng ở phòng cánh gà của Nhà Trắng, Henry Kissinger hỏi tôi về việc cho người Nga sử dụng xưởng đóng tàu tại căn cứ hải quân ở Singapore. Tôi cũng đã nghĩ là qua Ted Heath, ông ta đã nghe tin Kosygin quan tâm đến việc sử dụng căn cứ hải quân này sau khi người Anh rút. Việc này tôi đã nói với Heath từ trước để khuyến khích ông ta không rời khỏi căn cứ hải quân này một cách vội vàng. Tôi đảm bảo với Kissinger rằng tôi sẽ thông báo cho phía Anh và ông ta biết trước khi có quyết định. Động thái đó của người Nga đã cho tôi một con bài để chơi. Tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ khuyến khích Australia ở lại Singapore. Tôi rất an tâm với Anh, Australia, New Zealand và Malaysia trong Hiệp ước phòng thủ Năm Nước (Five–Power Defence Arrangement). Tôi theo quỹ đạo quanh Australia và New Zealand, và họ quanh Hoa Kỳ – một tình hình phấn khởi cho Singapore. “Cả cho Hoa Kỳ nữa,” Kissinger nói thêm. Tôi nói vì Singapore không nhận viện trợ Mỹ nên tôi có thể nói tiếng nói khách quan, không liên kết, từ Đông Nam Á. Kissinger đồng ý rằng như vậy là tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trong khi đó Kissinger đã liên hệ với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, thông qua Pakistan. Ông ta bí mật thăm Bắc Kinh trong năm 1971 để chuẩn bị cho chuyến thăm của Nixon vào tháng 2/1972. Khi Nixon thông báo điều đó vào tháng 1/1972, cả thế giới sửng sốt. Tôi khó chịu vì ông ta làm như vậy mà không thông báo trước cho bất cứ đồng minh nào ở châu Á, chẳng báo cho Nhật Bản, cũng chẳng báo cho chính phủ Trung Hoa, một đồng minh khác của họ ở Đài Loan. Như Nixon nói, chuyến thăm này quả là “một tuần làm thay đổi thế giới”.

Tình hình chiến tranh ở Việt Nam có vẻ không có triển vọng khi tôi thăm Mỹ lần tiếp theo vào tháng 4/1973. Thương vong tiếp tục mà không thấy có triển vọng chiến thắng và Quốc hội Mỹ đang gây sức ép bắt chính phủ triệt thoái hoàn toàn khỏi Đông Nam Á. Choo và tôi ăn trưa cùng Robert McNamara, lúc đó là Chủ tịch Ngân hàng thế giới, cùng vợ ông ta tại nhà riêng của họ ở Georgetown. Với vẻ mặt ảm đạm, McNamara nói rằng có những tin báo đáng lo ngại rằng Nixon dính líu vào việc che dấu vụ Watergate và tình hình có thể sẽ rất khó khăn. Tôi linh cảm thấy phía trước là một tình hình gay go, cả cho Nixon và Đông Nam Á.

Khi tôi đến Nhà Trắng vào sáng ngày 10/4, Tổng thống đứng ở cửa vòm trước nhà để chào đón tôi. Ông ta nhiệt tình, thân mật và cố hết sức biểu lộ cho tôi thấy ông ta rất cảm kích về sự ủng hộ công khai kiên định của tôi đối với lập trường đơn độc của ông ta về Việt Nam và Campuchia. Để phóng viên có dịp chụp ảnh, ông ta tản bộ cùng tôi trong vườn hồng Nhà Trắng, tán chuyện về giống hồng và cây đại táo đang mùa nở hoa rực rỡ. Ngồi trong Nhà Trắng, Nixon nói ông ta không thấy Trung Quốc là nguy cơ trực tiếp, và chỉ trở thành lực lượng phải tính đến trong 10 hay 15 năm tới khi chương trình hạt nhân của họ đã chín muồi. Ông ta hỏi về Việt Nam và những điều kiện ngừng bắn theo đó Hoa Kỳ hứa sẽ giúp tái thiết Bắc Việt Nam. Tôi trả lời rằng trong hoàn cảnh hiện nay thì đây là sự thu xếp tốt nhất có thể có. Lôi kéo Việt Nam ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc là đúng. Nếu Mỹ không viện trợ tí nào cho tái thiết, Bắc Việt Nam sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều mối bận tâm trong thời gian rất ngắn sau khi được tái cử Tổng thống cùng với việc trù tính vụ Watergate, Nixon đã tổ chức bữa tiệc ở Nhà Trắng để chào mừng tôi. Có một nghi lễ trong các bữa tiệc ở Nhà Trắng làm tăng thêm uy phong của Tổng thống. Choo và tôi cùng Tổng thống và phu nhân bước xuống cầu thang Nhà Trắng, theo sau là các sĩ quan phụ tá lộng lẫy trong những bộ quân phục gắn đầy mề đay và cân đai màu vàng. Chúng tôi dừng lại ở đầu cầu thang trong khi đội kèn nổi binh nhạc thu hút sự chú ý của mọi người. Một sự im ắng tràn ngập trong khi chúng tôi bước xuống những bậc thang cuối cùng và đám đông quan khách cùng ngước mắt nhìn chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đứng thành hàng

– Tổng thống, bà Nixon, tôi và Choo – để đón khách. Khi Lyndon Johnson mở tiệc đón mừng tôi năm 1967 cũng có nghi lễ giống hệt. Nhưng phong cách của Nixon thì rất khác. Ông ta bắt tay mọi người rất nhiệt tình và chào đón đâu ra đấy: “Rất vui mừng được gặp

Ngài.” “Thật vui mừng được gặp lại Ngài.” “Ngài thật quý hóa.” Gặp những khách đặc biệt, trong khi tôi bắt tay họ, ông ta còn xen vào mấy lời ca ngợi hay bình phẩm. Giữa chừng câu chuyện ông ta nói nhỏ: “Đừng bao giờ dùng những câu chào không hay như Xin kính chào Ngài/Ồng/Bà vì biết đâu mình đã gặp người ta từ trước. Chào như vậy hóa ra mình không nhận ra người ta và người ta sẽ tự ái. Hãy luôn dùng những câu chào chung chung mà đẹp như Được gặp Ông/Bà, mừng quá; Được gặp Ông/Bà, quý quá. Và nếu ta nhận ra khách thì vui vẻ chào: Trời ơi, đã lâu lắm rồi mới được gặp lại Ông/Bà, hay quá!” Ông ta con nhà nghề nhưng ít nói chuyện vụn vặt và không bao giờ đùa, không giống như Ronald Reagan là người nói chuyện rôm rả và hay điểm xuyết những câu chuyện xã hội.

Marshall Green, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, hỏi tôi thấy sáng kiến của Mỹ về Trung Quốc như thế nào; ông ta có ý đề cập đến chuyến thăm Trung Quốc của Nixon vào tháng 2/1972. Tôi nói đấy là những sáng kiến không thể chê trách ngoại trừ mỗi yếu tố bất ngờ. Có thể làm sao đó để bớt gây ngạc nhiên và như vậy những kết quả có lợi sẽ lợi hơn. Nhân tố bất ngờ đã gieo mối lo sợ trong suy nghĩ của người Nhật và Đông Nam Á cho rằng các nước lớn có thiên hướng đột nhiên xoay chuyển chính sách và như vậy có thể làm cho họ hụt hẫng.

Green giải thích rằng người Nhật khó giữ bí mật; tự họ thừa nhận như vậy. Ông ta nhấn mạnh rằng quan hệ mới với Trung Quốc không làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với bất kỳ quốc gia nào trong vùng. Đài Loan lúc đầu tỏ ra lo ngại. Nhưng bây giờ rõ ràng là Hoa Kỳ đang duy trì những cam kết hiệp ước của mình. Hàn Quốc cũng lo lắng nhưng bây giờ cảm thấy rằng quan hệ của họ với Mỹ không hề thay đổi. Nói tóm lại, bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không gây tác hại cho ai cả. Kết quả cuối cùng là ổn định nhiều hơn cho tất cả mọi đối tượng ở châu Á.

Sự tiếp xúc ngày càng tăng với văn minh và công nghệ phương Tây – tôi nói – nhất định có tác động đến Trung Quốc. Không thể duy trì sự cô lập hiện nay của họ. Ví dụ, bởi vì nhân dân Trung Quốc bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài mà đội bóng bàn Trung Quốc khi thăm Singapore không vui lòng nói chuyện về bất cứ cái gì trừ mỗi bóng bàn. Tôi tin rằng một khi nền kinh tế Trung Quốc vượt qua “mức nghèo túng” thì họ sẽ gặp phải những vấn đề như Liên Xô hiện nay. Nhân dân Trung Quốc sẽ muốn có những sự lựa chọn về những sản phẩm tiêu dùng, và với những sự lựa chọn đó họ sẽ mất đi sự nhiệt thành theo chủ nghĩa quân bình.

Green cam đoan với tôi rằng Hoa Kỳ hoàn toàn có ý định tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định châu Á. “Chúng tôi sẽ duy trì các lực lượng của mình ở khu vực này và chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết hiệp ước của mình”. Ông ta làm tôi nhớ lại những lời đảm bảo trước đây của Harold Wilson và Denis Healey nói rằng người Anh sẽ ở lại Singapore. Tôi tự an ủi mình với ý nghĩ: bởi vì không như nước Anh, nước Mỹ chưa bao giờ dựa vào một đế chế thuộc địa để trở thành cường quốc cho nên không phải vì bị những áp lực kinh tế giống hệt như Anh mà họ rút khỏi châu Á.

Khi Nixon từ chức ngày 9/8/1974, để tránh bị luận tội về vụ Watergate thì tôi sợ thay cho Nam Việt Nam. Một trong những hành động cuối cùng trong cương vị tổng thống của mình, Nixon đã ký thông qua một dự luật áp đặt một khoản viện trợ quân sự tối đa mà Mỹ dành cho Nam Việt Nam là 1 tỷ đôla Mỹ để sử dụng cho 11 tháng sau đó. Trong vòng mấy ngày sau khi ông ta từ chức, Hạ viện đã biểu quyết cắt xuống còn 700 triệu đôla Mỹ. Lưỡi dao đang rơi xuống và người nằm trên thớt chém là tổng thống Thiệu.

Ngày 25/4/1975, Thiệu bỏ chạy khỏi Sài Gòn. Ngày 30/4, một chiếc máy bay lên thẳng của Mỹ cất cánh từ trên mái bằng đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn bị chụp ảnh trong cảnh nhục nhã. Nó bị níu lại trong phút chốc bởi những người Nam Việt Nam hoảng loạn đang bám chặt lấy càng máy bay. Sau đó, cùng trong ngày, những chiếc xe tăng Bắc Việt Nam tiến sát Dinh tổng thống và ung dung húc đổ cổng dinh.

Mặc dù sự can thiệp của Mỹ không thành công ở Việt Nam, nhưng nó cho phép các nước khác ở Đông Nam Á tranh thủ được thời gian. Năm 1965 khi lực lượng quân sự Mỹ ồ ạt đổ vào Nam Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philipin đang đứng trước những mối đe dọa từ các cuộc nổi dậy của những người cộng sản có vũ trang và ở Singapore những người cộng sản đang tích cực hoạt động bí mật. Indonesia trong cơn đau quằn quại sau cuộc đảo chính hụt của những người cộng sản, đang tiến hành một cuộc đối đầu, một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống Malaysia và Singapore. Philipin đòi chủ quyền đối với đảo Sabad thuộc Đông Malaysia. Mức sống thấp và tăng trưởng kinh tế chậm. Hành động của Mỹ đã giúp các nước Đông Nam Á không cộng sản có khả năng sắp xếp lại trật tự trong nhà mình. Các nền kinh tế thị trường thịnh vượng mới xuất hiện của Asean đều được nuôi dưỡng trong những năm chiến tranh Việt Nam.

Trong những tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, một hạm thuyền đồ sộ gồm những tàu, thuyền nhỏ, chật ních người di tản đã rời bến băng qua biển Nam Hải; nhiều thuyền chạy theo hướng tới Singapore. Chỉ một số ít trong bọn họ là có vũ trang. Keng Swee, lúc đó là Quyền Thủ tướng, gửi tôi một báo cáo khẩn cấp – lúc đó tôi còn ở Washington – nói rằng số người di tản lên tới mấy nghìn, đi trên gần 100 thuyền. Ông ta muốn có một quyết sách ngay. Tôi đánh điện rằng nên từ chối; không cho họ đổ bộ mà đưa họ đi tiếp đến các nước lớn hơn, có đủ chỗ tiếp nhận họ. Một hoạt động ồ ạt bắt đầu vào ngày 6/5. Các lực lượng vũ trang Singapore đã sửa chữa, trang bị lại, tiếp thêm nhiên liệu, cung cấp thêm lương thực, thực phẩm, và cho ra khơi tất cả 64 tàu thuyền chở trên 8.000 người di tản. Nhiều thuyền trưởng trên những chiếc thuyền này đã cố ý làm cho động cơ không hoạt động được để tránh phải ra đi.

Trong khi hoạt động này đang diễn ra, tôi đã đến thăm Tổng thống Gerald Ford vào trưa ngày 6/5/1975, tám ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ. Kissinger với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao cũng có mặt. Ford có vẻ lo lắng nhưng không chán nản. Ông ta hỏi về phản ứng của khu vực trước sự thất thủ của Nam Việt Nam. Tôi đã ở Bangkok hồi tháng 4, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ. Người Thái hốt hoảng, giống như dân chúng ở Indonesia. Suharto lặng lẽ nhưng kiên quyết kiểm soát tình hình.

Ford hỏi tôi từ đây nước Mỹ nên đi về đâu. Tôi nói tốt nhất là hãy chờ bụi bặm lắng xuống đã và theo dõi xem các sự kiện ở Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ mở ra như thế nào. Tôi tin rằng Pathet Lao sẽ chiếm lấy nước Lào và chịu ảnh hưởng của Việt Nam. Ở Campuchia, Khơme Đỏ đang tiến hành giết hại hàng nghìn người không cộng sản. (Lúc bấy giờ tôi không biết họ chém giết bừa bãi, sát hại tất cả những người có học hoặc không phải là một bộ phận trong cuộc cách mạng nông dân của họ). Thái Lan sẽ kéo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phía mình như một sự bảo hiểm. Kissinger hỏi liệu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có giúp người Thái không. Tôi nghĩ họ sẽ giúp. Tôi gợi ý rằng tốt nhất là bình tĩnh quan sát sự diễn biến của các sự kiện. Nếu như trong cuộc bầu cử sắp tới một người như McGovern được bầu làm tổng thống và sẽ nhượng bộ cộng sản thì tình hình có thể trở nên tuyệt vọng.

Ford được mô tả như một công chức vênh váo và phạm lỗi lầm, một cầu thủ bóng đá Mỹ đã quá nhiều lần dập đầu vỡ trán. Tôi thấy ông ta là một người giảo hoạt nhưng biết lẽ phải trái, biết cách đánh giá những người mình đã giao dịch. Ông ta thực sự thân mật, thoải mái không quan cách. Sau bữa tối, khi tôi xin miễn vào phòng nghỉ, ông ta cứ năn nỉ mời tôi qua khu nhà riêng của ông ta nghỉ. Thế là chúng tôi vào thang máy lên lầu, theo sau là các vệ sĩ mật vụ. Ở đó, trong một phòng tắm riêng rộng rãi có cả một loạt các thiết bị tập thể dục, rèn luyện thể hình và chăm sóc sức khỏe tối tân nhất, các thứ linh tinh đủ loại phục vụ vệ sinh cá nhân và đồ dùng cạo râu nằm ngổn ngang trên bồn rửa mặt. Tôi không thể tưởng tượng nổi có một nhà lãnh đạo châu Âu, Nhật Bản hay Thế giới thứ Ba nào lại đưa tôi vào phòng tắm riêng của mình để tắm rửa thoải mái. Ông ta đúng là một con người hữu hảo, vui mừng đón tôi như khách đến chơi nhà và hàm ơn vì có được một người từ Đông Nam Á lên tiếng ủng hộ Mỹ trong khi uy tín của nó giảm sút do sự di tản vội vã khỏi Sài Gòn. Ông ta không cố gây ấn tượng nhưng quả là ông ta đã cho tôi cảm giác về một con người kiên định có thể tin cậy được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.