Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
24. NHỮNG LÃNH TỤ VÀ NHỮNG HUYỀN THOẠI CỦA NAM Á
ẤN ĐỘ
Khi còn là một sinh viên, tôi đã hâm mộ Nehru và mục tiêu của ông về một xã hội đa sắc tộc, phi tôn giáo. Cũng như hầu hết những người theo chủ nghĩa dân tộc ở các nước thuộc địa Anh, tôi đã đọc những quyển sách mà ông viết trong những năm dài bị giam cầm ở các nhà tù Anh quốc, đặc biệt là những bức thư ông gửi cho con gái. Chúng được viết một cách tao nhã, những quan điểm và tình cảm của ông đã đánh thức tôi. Cùng với những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ khác của thập niên 50, tôi tự hỏi Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ trở thành mô hình mẫu cho sự phát triển. Tôi muốn Ấn Độ dân chủ giành chiến thắng, chứ không phải là Trung Quốc cộng sản. Nhưng mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu như cuộc cách mạng xanh, sự phát triển dân số đã và đang kìm hãm mức sống và chất lượng cuộc sống của Ấn Độ.
Tôi đến thăm Delhi lần đầu tiên với tư cách là Thủ tướng vào tháng 4/1962. Tôi được đưa tới nhà của Pandit Jawaharlal Nehru để gặp ông. Đó là ngôi nhà hai tầng, các mái hiên rộng, đất đai, vườn tược mênh mông được trải ra tuyệt đẹp, chốn này từng là nơi trú ngụ của một trong số các chỉ huy quân sự của quân đội Anh. Chúng tôi đã thảo luận nửa giờ đồng hồ.
Chúng tôi ăn trưa trên chiếc bàn dài, có lẽ được kế thừa từ thời còn là thuộc địa Anh. Mỗi vị khách có một khay lớn bằng bạc giống như đĩa dành để ăn tối và chọn những món mình thích từ một dãy đầy cơm, chapatis, cà–ri, rau cải, thịt, cá, đồ chua và gia vị được mang đến cho mỗi người. Một điều khác thường là mọi người đều ăn bốc. Choo và tôi không có thói quen này. Trong khi mọi người bốc thức ăn khéo léo, gọn gàng bằng những đầu ngón tay thì chúng tôi lại bới tung phần ăn của mình, nước sốt thịt chảy xuống các đốt ngón tay. Chúng tôi cảm thấy bẩn thỉu và trông chúng tôi cũng thật bẩn thỉu. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi những tô nước rửa tay bằng bạc có những lát chanh được mang ra cho các vị khách rửa những ngón tay dính đầy mỡ trước khi ăn những món tráng miệng rất ngon. Nehru ngồi đối diện, đã nhận thấy sự vụng về của chúng tôi. Tôi giải thích rằng ngoài đũa, chúng tôi hay sử dụng muỗng và nĩa. May mắn thay, người ta đã mang cho chúng tôi bộ dao ăn trong các bữa ăn khác ở Delhi.
Nehru rất thích thú trước những gì tôi đã kể nên đã mời tôi đến buổi họp mặt lần thứ hai vào ngày hôm sau, lần này ông dành cho tôi 90 phút. Tôi giải thích về nhân khẩu học của Singapore, Malaya và sự kiểm soát dân số Trung Quốc của những người cộng sản, nhờ thành công lớn của họ trong việc chuyển hóa Trung Quốc từ một xã hội tham nhũng, thối nát thành một xã hội năng động, trong sạch và có kỷ cương. Hơn nữa, một Singapore độc lập sẽ là một thảm họa khi nó chắc chắn gánh chịu sự thù địch của các nước láng giềng – người Mã Lai ở Malaya, người Java và các sắc tộc Mã Lai khác ở Indonesia. Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất là hợp nhất Singapore với Malaya và các vùng đất Borneo vì Tunku không muốn một mình Singapore gia nhập bởi lẽ lúc bấy giờ cử tri người Hoa sẽ cân bằng với cử tri người Malaya. Nehru ngạc nhiên nhưng cảm thấy thú vị khi biết có một người Hoa kiên quyết không để Singapore nằm dưới sự điều khiển của cộng sản và ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tôi đến thăm lại Nehru vào năm 1964 khi tôi quá cảnh ở Delhi trên đường quay về từ châu Phi. Ngồi sụp trên chiếc ghế sofa, ông là cái bóng của chính ông trước đó, mệt mỏi yếu ớt ở cả giọng nói và tư thế. Sự tập trung của ông kém hẳn. Người Trung Quốc tấn công qua dãy Himalaya là đòn đánh mạnh vào niềm hy vọng của ông về tình đoàn kết Á Phi. Tôi rời cuộc gặp mà lòng mang nặng nỗi buồn, ông đã mất vài tháng sau đó, vào một ngày tháng 5.
Những cuộc gặp gỡ của tôi với Nehru trong những năm 60 đã cho phép tôi gặp con gái ông, Indira Gandhi. Khi chúng tôi độc lập, chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Ấn Độ giúp đỡ Singapore gia nhập các tổ chức Á Phi; các phái đoàn ngoại giao của họ đã cố gắng giúp đỡ chúng tôi. Một năm sau tôi ghé thăm Ấn Độ để cảm ơn Gandhi và thu hút sự quan tâm của chính phủ Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á. Một Indira Gandhi lạc quan, năng động và trẻ trung đón tôi tại sân bay cùng với đội danh dự, và cùng đi với tôi tới dinh Phó vương trước đây, giờ được gọi là Rashtrapati Bhavan.
Gandhi thẳng thắn và thân thiện trong suốt chuyến lưu lại ba ngày của tôi vào năm 1966. Bà cho rằng bà cảm thấy khó khăn khi tiếp tục làm việc với nội các không phải do bà chọn ra. Các bộ trưởng hoạt động theo nhiều chiều hướng khác nhau. Mặc dù những người lãnh đạo đảng Quốc đại muốn sử dụng hình ảnh của Nehru cho kỳ bầu cử kế tiếp nên đã bổ nhiệm bà với thái độ vô cùng hoài nghi, thì tôi vẫn nghĩ rằng nếu bà chiến thắng với đa số phiếu thì bà vẫn có đủ quyền để thực hiện mọi ý đồ chính trị của bà.
Thật đáng buồn khi phải chứng kiến cảnh tuột dốc từng bước một của một quốc gia, biểu hiện ngay cả ở Rashtrapati Bhavan. Bát, đĩa, muỗng, thìa thật khủng khiếp – tại bữa ăn tối một con dao gãy tách ngay trong tay và gần như bật vào mặt tôi. Máy điều hòa không khí, loại do Ấn Độ sản xuất từ nhiều năm, chạy ầm ầm mà không lạnh. Những người phục vụ, trong bộ đồng phục trắng – đỏ cáu bẩn, lau dọn những vết rượu khỏi những chiếc bàn trong phòng chúng tôi. Hầu hết các ngày trong tuần người Delhi cấm dùng rượu. Vào một dịp nọ, trở về Rashtrapati Bhavan sau buổi tiệc chiêu đãi của cao ủy viên của chúng tôi, hai sĩ quan tùy tùng người Ấn của tôi lộng lẫy trong bộ đồng phục bước vào thang máy cùng với tôi, hai tay chắp sau lưng. Khi tôi bước ra, tôi thấy họ đang cầm mấy chai rượu. Tôi đã hỏi thư ký của tôi và được giải thích rằng đó là các chai rượu Scotch. Thông lệ tại các buổi tiệc chiêu đãi ngoại giao của cao ủy chúng tôi là tặng các chai rượu whisky loại Johnnie Walker Scotch cho các vị khách xứng đáng và mỗi sĩ quan tùy tùng được nhận hai chai. Không thể tìm được thứ rượu này ở Ấn Độ bởi vì chúng không được nhập khẩu. Có một sự vờ vĩnh, đạo đức giả trong chủ nghĩa quân bình chung, như việc các nhà lãnh đạo chính trị mặc quần áo tự dệt may tại nhà để đồng nhất với những người nghèo trong khi họ âm thầm lặng lẽ tích lũy của cải. Điều này đã làm xói mòn đạo đức của các quan chức cao cấp, cả dân sự lẫn quân sự.
Qua vài ngày lưu lại Rashtrapati Bhavan và những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao của họ tại các buổi tiệc chiêu đãi trong các bối cảnh khác nhau giúp tôi nhận ra vấn đề. Trong những lần viếng thăm trước vào năm 1959 và 1962, khi Nehru còn nắm quyền, tôi đã nghĩ rằng Ấn Độ tỏ ra có nhiều hứa hẹn sẽ trở thành một xã hội thịnh vượng và một cường quốc. Đến khoảng cuối những năm 70, tôi lại cho rằng nó sẽ trở thành một cường quốc quân sự lớn nhờ quy mô của nó nhưng không phải là một đất nước vững mạnh về kinh tế bởi vì bộ máy quan liêu của họ nặng nề đến ngạt thở.
Các quan chức Ấn Độ quan tâm nhiều hơn đến việc đạt được một thông cáo chung, một cam kết từ Singapore tham gia cùng Ấn Độ trong “mối lo ngại to lớn về nguy cơ đối với thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng nảy sinh từ việc kéo dài cuộc xung đột ở Việt Nam”. Chính sách không liên kết nghiêng về phía Liên Xô; đây là cái giá để bảo đảm nguồn cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự đều đặn.
Hai năm sau, Indira Gandhi thăm Singapore vào tháng 6/1968. Chúng tôi trao đổi nhiều vấn đề mà qua đó tôi kết luận rằng Ấn Độ không có những tiền đề cần thiết để mở rộng ảnh hưởng đến Đông Nam Á. Mặc dù vậy, khi tôi đến thăm Ấn Độ vào năm 1970, tôi đã hỏi bà rằng liệu Ấn Độ có ý định phát triển các lợi ích hàng hải của mình đến khu vực Đông Nam Á hay không? Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Swaran Singh, có mặt tại đó đã xen vào nói rằng Ấn Độ quan tâm đến việc tăng cường các quan hệ kinh tế nhưng quan tâm lớn hơn của Ấn Độ là duy trì sự khai thông các đường biển phía Tây. Tôi có cảm giác rằng mối quan tâm quốc phòng chủ yếu của Ấn Độ là Pakistan, vì họ lo sợ rằng có sự liên kết giữa Pakistan với Mỹ và Trung Quốc.
Khi Morarji Desai trở thành Thủ tướng năm 1977, tôi đã sớm thiết lập mối quan hệ thân hữu với ông. Tôi đã biết ông khi ông còn là Phó Thủ tướng Ấn Độ vào năm 1969. Tôi đã ăn trưa cùng với ông tại dinh thự của cao ủy trong hội nghị Khối Thịnh vượng chung ở London vào tháng 6/1977. Ông đã trên 80 tuổi, là một người ăn chay khắc khổ, chỉ ăn đậu phộng sống, trái cây và rau củ, không thứ nào được nấu chín. Bữa ăn của ông ngày hôm ấy gồm có nho khô và đậu phộng. Sô–cô–la chất đống trước mặt nhưng ông không hề đụng đến. Cao ủy của ông không biết rằng ông tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Ngay cả sữa phải lấy thẳng từ bò chứ không được qua bất cứ chai lọ nào. Quả đúng như vậy, tại hội nghị Khối Thịnh vượng chung khu vực ở Sydney năm sau đó, Thủ tướng Úc Malcolm Fraser có sẵn con bò sữa để lấy sữa cho ông. Desai bảo đảm với tôi rằng thực đơn ăn kiêng của ông cung cấp cho ông quá đủ chất dinh dưỡng và rằng những người ăn kiêng sẽ sống lâu. Ông đã chứng minh luận điểm của mình bằng việc sống đến năm 99 tuổi. Ông không có tính hài hước nhưng lại có trí nhớ tốt, trừ vài ý tưởng bất thường. Tháng 12/1978, trong chiếc xe hơi chở chúng tôi từ sân bay Delhi đến Rashtrapati Bhavan, ông nói rằng hàng nghìn năm trước, người Ấn đã thực hiện cuộc du hành ngoài vũ trụ và ghé thăm các hành tinh, điều mà mãi sau này người Mỹ mới thực hiện được. Hẳn lúc đó trông tôi có vẻ hoài nghi, vì thế, ông đã nhấn mạnh: “Vâng, điều đó là sự thật. Đó là bởi sự đầu thai. Điều này đã được ghi lại trong kinh Bhagavad Gita.”
Indira Gandhi thất cử năm 1977, nhưng bà lại giành được quyền lực vào năm 1980. Khi tôi gặp bà tại hội nghị khu vực các nguyên thủ quốc gia Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Heads of Government Regional Meeting – CHOGRM) ở Delhi vào tháng 9/1980, bà đã có phần kém hăng hái. Các chính sách căn bản của Ấn Độ không cất cánh được. Liên minh của Ấn Độ với Liên Xô đã ngăn cản bất cứ sự cộng tác chặt chẽ nào với Mỹ và châu Âu. Điều này, cộng với một hệ thống bị chi phối bởi các xí nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả, không có nhiều các xí nghiệp thuộc khu vực tư nhân và ít đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế Ấn Độ khập khiễng. Thành tựu của Ấn Độ là đã nuôi sống dân số đông đúc, tăng nhanh hơn cả Trung Quốc.
Năm 1980, khi Ấn Độ công nhận chính phủ Campuchia, chúng tôi trở thành đối thủ trong các hội nghị quốc tế. Chúng tôi ở hai phía đối nghịch của một vấn đề quan trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á.
Khi bà Indira Gandhi viết thư mời tôi đến dự Hội nghị thượng đỉnh không liên kết lần thứ 7 ở Delhi dự kiến nhóm họp vào tháng 3/1983, tôi đã từ chối với lý do rằng: “Trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất thật sự, Phong trào không liên kết không thể thờ ơ trước những vi phạm gần đây đối với các nguyên tắc cơ bản của độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt của những nước thành viên…”
Nhưng tôi đã tham dự hội nghị các nguyên thủ quốc gia Khối Thịnh vượng chung, toàn khối chứ không phải chỉ khu vực ở Delhi sau đó vào tháng 11/1983; chúng tôi lại một lần nữa tranh cãi về vấn đề Campuchia. Mặc cho việc tranh cãi này xảy ra, không có sự thù địch cá nhân nào giữa hai chúng tôi bởi chúng tôi đã có sự liên kết lâu dài và các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp.
Indira Gandhi là một nữ Thủ tướng cứng rắn nhất mà tôi đã từng gặp. Bà ta đầy nữ tính nhưng không mềm yếu. Bà là một thủ lĩnh chính trị quyết đoán và nhẫn tâm hơn cả Margaret Thatcher, bà Bandaranaike hoặc Benazir Bhutto. Bà có một khuôn mặt đẹp rắn rỏi, với chiếc mũi diều hâu và kiểu tóc gọn gàng, nổi bật trên toàn bộ mái tóc đen huyền được chải ngược ra phía sau là một chiếc băng đô trắng. Bà luôn luôn duyên dáng thanh lịch trong bộ sari truyền thống. Bà tỏ ra nữ tính với nụ cười quyến rũ quý ông trong các cuộc trò chuyện xã hội; nhưng một khi bước vào dòng tranh luận dữ dội, chất thép trong con người bà cũng sánh ngang với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở điện Kremlin. Bà không giống cha. Nehru là một con người giàu ý tưởng, quan điểm đã được ông trau dồi như chủ nghĩa phi tôn giáo, chủ nghĩa đa văn hóa, sự công nghiệp hóa đất nước nhanh chóng bằng các ngành công nghiệp nặng theo kiểu của Liên Xô. Dù đúng hay sai, ông vẫn là một nhà tư tưởng.
Indira Gandhi là một người thực tế và thực dụng. Mối quan tâm chính của bà là cơ cấu quyền lực, giành quyền lực và thực thi những quyền lực đó. Một chương đáng buồn trong những năm tại chức của bà là khi bà xa rời quan điểm về chủ nghĩa phi tôn giáo, và để tranh thủ lá phiếu của người Ấn theo Ấn Độ giáo ở Bắc Ấn, bà đã vô tình hay hữu ý làm cho chủ nghĩa sô–vanh Hindu trỗi dậy, cho phép nó trở thành một lực lượng chính thống trong nền chính trị Ấn Độ. Điều này dẫn đến việc tái diễn các cuộc nổi loạn giữa người Hindu và Hồi giáo, việc đốt phá các nhà thờ Hồi giáo cổ ở Ayodhya và sự nổi lên của Đảng Bharatiya Janata (BJP), một đảng sô–vanh Hindu, là đảng lớn duy nhất trong nghị viện năm 1996 và lần thứ hai năm 1998. Bà tỏ ra cứng cỏi nhất khi sự thống nhất của Ấn Độ bị đe dọa. Khi bà ra lệnh quân đội tiến vào đền thờ thánh của người Sikh ở Amritsar, cả thế giới người Sikh nổi giận. Xem người Sikh ở Singapore thờ cúng thánh thần như thế nào, tôi hiểu rằng điều đó là một thảm họa chính trị: Bà đã xúc phạm, báng bổ nơi tôn nghiêm sâu thẳm nhất trong tín ngưỡng của người Sikh. Nhưng bà không đa cảm, ủy mị và chỉ quan tâm đến sức mạnh của nhà nước mà bà đã quyết tâm gìn giữ. Bà đã phải trả giá cho điều này bằng chính mạng sống của bà năm 1984, khi bà bị chính vệ sĩ riêng người Sikh của bà ám sát.
Các chính sách bất đồng về vấn đề Campuchia của chúng tôi đã làm tôi xa lánh Ấn Độ mãi đến tháng 3/1988, khi tôi cố thiết lập mối quan hệ với con trai bà là Rajiv Gandhi, lúc đó là Thủ tướng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng có mặt cùng Thủ tướng là Natwar Singh, ông ta đã trình bày một cách sắc sảo và rõ ràng lập trường khó khăn của Ấn Độ. Rajiv gợi ý rằng Mỹ nên thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và chấm dứt sự trừng phạt kinh tế bởi ông tin Việt Nam có ý định rút quân khỏi Campuchia và tập trung vào việc tái thiết nền kinh tế. Tôi đáp lại là trong 10 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành một nước Việt Nam khác hẳn, một Việt Nam mà Singapore có thể cộng tác và hoan nghênh như một bạn hàng kinh tế. Khi Campuchia được dàn xếp ổn thỏa, Ấn Độ và Singapore sẽ một lần nữa lại ở cùng một phía. Cả hai sự kiện đó đều đã xảy ra.
Sau những cuộc thảo luận giữa hai chúng tôi, Rajiv Gandhi cùng vợ ông, Sonia, đã mời tôi và Choo ăn trưa tại nhà riêng. Rajiv là một con người ngây thơ về mặt chính trị, đột nhiên thấy mình ở giữa một bãi mìn. Vì mẹ ông đã bị ám sát ngay tại nhà riêng, nên hàng rào an ninh của Rajiv rất chặt chẽ. Ông nói, ông cảm thấy điều đó rất ngột ngạt nhưng ông phải học cách tồn tại cùng với nó. Tôi thấy ông ta giống một phi công chỉ có tầm nhìn thẳng về phía trước. Ông thường quay về phía Natwar Singh trong các buổi thảo luận với tôi. Tôi tự hỏi ai là người dẫn dắt ông qua các hoạt động chính trị của Ấn Độ, nhưng chắc chắn là có nhiều người muốn nắm tay ông và dắt ông theo lối của họ.
Chỉ một vị Thủ tướng có thiện ý mới gửi quân đội Ấn đến Sri Lanka để dập tắt cuộc nổi loạn của người Tamil dòng Jaffna. Đấy là con cháu của người Tamil rời bỏ Ấn Độ cách đây hơn 1.000 năm và khác hẳn người Tamil ở Ấn Độ. Quân đội Ấn đã đổ máu ở Sri Lanka. Họ rút đi và cuộc chiến vẫn tiếp tục. Năm 1991, một phụ nữ trẻ người Tamil dòng Jaffna đến gần ông trong một cuộc vận động tranh cử gần Madras như thể để đeo vòng hoa cho ông và rồi cả hai nổ tung. Đó là điều không công bằng. Những ý định của ông là những ý định tốt đẹp.
Năm 1992, chính phủ đảng Quốc đại dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao buộc phải thay đổi triệt để các chính sách kinh tế của Ấn Độ nhằm tuân thủ các biện pháp cả gói cứu vãn nền kinh tế do IMF áp đặt. Rao tỏ ra niềm nở với thủ tướng của tôi, Goh Chok Tong, khi họ gặp nhau tại Hội nghị không liên kết ở Jakarta năm 1992. Ông ta đã thuyết phục Goh Chok Tong đến thăm Ấn Độ cùng một phái đoàn gồm các thương nhân Singapore. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Manmohan Singh và Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ P.
Chidambaram đã đến thăm Singapore để trình bày với tôi về những thay đổi trong chính sách của họ và thu hút đầu tư từ thương nhân Singapore. Cả hai vị Bộ trưởng đều hiểu rõ cần phải làm gì và làm như thế nào để cải thiện sự phát triển kinh tế Ấn Độ. Vấn đề là làm sao để thực hiện được điều đó khi có sự chống đối bài bác tự do kinh doanh, ngoại thương và đầu tư nước ngoài.
Tháng 9/1994, Rao đến thăm Singapore và bàn luận với tôi về việc mở cửa của Ấn Độ. Tôi nói khó khăn trở ngại nhất chính là hệ tư tưởng của giới công chức Ấn đối với người nước ngoài, cho rằng những người mà theo họ là đang ra sức bóc lột người Ấn và nên bị ngăn chặn. Nếu ông muốn đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ thoải mái như ở Trung Quốc thì các quan chức Ấn phải thay đổi tư duy và chấp nhận rằng trách nhiệm của họ là tạo điều kiện thuận lợi chứ không phải là khống chế các hoạt động của các nhà đầu tư. Ông mời tôi thăm Ấn Độ để cùng dự một kỳ họp tự do trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp và quan chức cao cấp của ông.
Tháng 1/1996, tôi đến Delhi và nói chuyện với các quan chức Ấn tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ và cũng nói chuyện với các thương nhân thuộc ba phòng thương mại về những trở ngại cản trở Ấn Độ đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn. Trong một cuộc họp riêng chỉ có tôi với Rao, ông ta thừa nhận rằng sự lo sợ lâu đời của nhiều người Ấn cho rằng các cải cách kinh tế sẽ dẫn đến sự phân bố của cải không bình đẳng, đã gây khó khăn cho ông ta trong việc tiếp tục những thay đổi sâu rộng hơn. Ông mang về những lượng tiền lớn từ nước ngoài để làm lợi cho nhân dân nhưng lại bị Đảng đối lập kết án rằng ông đang bán đứng, thế chấp cả đất nước. Ông nêu bật hai vấn đề xã hội: tốc độ xây dựng nhà ở công cộng chậm chạp do thiếu ngân sách và tỷ lệ sinh đẻ cao. Ông muốn thủ tướng của tôi giúp đỡ ông trong chương trình xây dựng nhà ở. Tôi đoán biết ông ta nghĩ rằng chúng tôi đã thành công trong chương trình nhà ở của mình nên chúng tôi có thể giải quyết các khó khăn về nhà ở của Ấn Độ, nên tôi phải ngăn không cho ông ta hy vọng. Singapore có thể giúp Ấn Độ quy hoạch nhưng họ phải tự tìm ra các nguồn lực để thực hiện các kế hoạch.
Khi tôi gặp Rao vào những năm 80, ông đã là Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Indira Gandhi. Ông thuộc thế hệ những chiến sĩ chiến đấu cho nền độc lập. Lúc đó, ông đã gần 80 tuổi, đang chuẩn bị nghỉ hưu. Khi Rajiv Gandhi bị ám sát năm 1991 lúc đang vận động tranh cử, đảng Quốc đại đồng ý chọn Rao làm người đứng đầu. Lá phiếu đồng cảm đã đem lại cho đảng của ông số ghế nhiều nhất mặc dù vẫn chưa đủ đa số. Rao trở thành Thủ tướng, và trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm, ông đã tiến hành các cải cách kinh tế triệt để; nhưng ông không phải là một con người trẻ trung năng động theo đuổi các ý tưởng riêng của mình. Lực thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ bắt nguồn từ Manmohan Singh, Bộ trưởng Tài chính của ông. Điều mỉa mai thay, ông này là người đã bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà hoạch định trung ương. Rao không có đủ niềm tin để thuyết phục nhân dân Ấn Độ ủng hộ những cải cách qua mặt phe đối lập đang gây cản trở này.
Với tốc độ phát triển dân số nhanh, nhưng phát triển kinh tế lại chậm, Ấn Độ chưa sẵn sàng trở thành một quốc gia giàu có chỉ trong một thời gian nhất định nào đó. Nó buộc phải giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế của mình trước khi nó có thể đóng vai trò to lớn ở Đông Nam Á. Làm cho Ấn Độ mạnh hơn và có thể góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở phía Ấn Độ Dương của Đông Nam Á chính là lợi ích của các nước Asean.
Ấn Độ có rất nhiều người lỗi lạc trong mọi lĩnh vực học thuật nhưng vì một số lý do nào đó, Ấn Độ đã hạ thấp những tiêu chuẩn cao mà người Anh để lại. Bây giờ, người ta ít chú trọng vào kết quả của các kỳ thi vào các trường trung học và đại học hàng đầu, các trường chuyên nghiệp và ngành dân chính của chính phủ Ấn (Indian Civil Service – ICS). Gian lận trong các kỳ thi thì đầy rẫy. Các trường đại học dành chỉ tiêu số chỗ cho các nghị sĩ của các bang, những người này hoặc bán, hoặc cho những chỗ học cho cử tri của họ.
Các quan chức thuộc ngành dân chính của chính phủ Ấn (ICS) trong thời thuộc Anh được bầu chọn từ những tinh hoa ưu tú của toàn nước Ấn. Một người Ấn phải tỏ ra xuất chúng mới được chọn vào ngạch hành chính ưu tú của Anh này. Trong một chuyến thăm vào những năm 60, tôi nghỉ tại Rashtrapati Bhavan. Một buổi sáng trước khi chơi gôn, hai viên chức Ấn từng là thành viên của ICS đầu tiên chứ không phải của IAS (ngạch hành chính Ấn Độ) vốn từ ICS trở thành, đến dùng bữa sáng. Họ gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Một người đã giải thích làm thế nào vài trăm quan chức ICS có thể cai quản 450 triệu dân Ấn ở một đất nước Ấn thuộc Anh và đã cai quản tốt. Ông nói với một sự hoài niệm về phẩm chất của những người được chọn vào ICS và hối tiếc khi các cuộc thi tuyển vào ICS trước đây từng được chỉ đạo chỉ bằng tiếng Anh, giờ được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Hindi. Các áp lực từ phía những người theo chủ nghĩa dân túy đã hạ thấp các tiêu chuẩn tuyển mộ và còn dẫn đến việc khả năng thông tin trong ngành kém hơn.Đó là một sự trượt dốc từ từ về chất lượng của một ngành đã từng một thời là tinh túy mà bây giờ phải khổ sở trong cơn đau dữ dội của một cuộc cách mạng kinh tế xã hội vốn làm giảm sút mức sống của người dân. Dưới thời cai trị của người Anh, họ đã sống theo một kiểu sống nhất định. Các tướng lĩnh, đô đốc hải quân, tư lệnh không quân và các quan chức ICS cao cấp đều chơi gôn. Ở Ấn Độ những năm 60 và 70, họ không thể mua được những quả bóng chơi gôn loại tốt (ví dụ, bóng nhập khẩu) bởi vì loại bóng này bị cấm nhập khẩu. Tôi nhớ một cuộc du ngoạn đến câu lạc bộ Gôn Delhi. Cao ủy chúng tôi đã khuyên tôi nên mang theo vài hộp bóng chơi gôn để phân phát cho các ủy viên câu lạc bộ. Thật đáng buồn khi thấy các quan chức cao cấp cả quân sự lẫn dân sự xé toạc các bao gói bóng và bốc từng nắm bóng nhét vào túi chơi gôn.
Thật vậy, những quả bóng chơi gôn quý đến nỗi hễ chúng rơi vào nhà dân hay bất cứ nơi nào, những người phục vụ trong sân gôn lập tức bổ nhào đi nhặt hay tìm kiếm chúng. Một lần, tại sân Gôn Hoàng gia ở Bombay cũ năm 1965, tôi đánh xoáy bóng vào khu vực nhà ở và nghe một tiếng va lớn khi nó rơi vào một mái kẽm. Người phục vụ của tôi lao đi. Tôi nghĩ là để tìm xem bóng có va vào người nào không. Nhưng không, một chú bé nhỏ xíu xuất hiện cùng quả bóng trên tay, không thấy nó kêu đau mà chỉ đòi tiền chuộc bóng. Tôi buồn khi thấy những người phục vụ thu lượm những giá đỡ bóng chơi gôn bằng gỗ và bằng nhựa đã gãy, sửa chữa chúng và sử dụng lại để đặt bóng sẵn cho những người chơi gôn. Trong phòng thay đồ, những người hầu mang vớ, giầy cho bạn hoặc cởi chúng ra. Có quá nhiều người nhưng lại quá ít việc.
Có lẽ lỗi là do hệ thống. Ấn Độ đã bỏ phí nhiều thập kỷ cho việc kiểm soát và lập kế hoạch nhà nước; những vấn đề này bị kìm hãm bởi bộ máy quan liêu và tham nhũng. Một hệ thống phân quyền lẽ ra đã cho phép nhiều trung tâm như Bangalore và Bombay có điều kiện phát triển và thịnh vượng. Một nguyên nhân khác nữa có thể là do chế độ đẳng cấp trong xã hội Ấn. Nó là kẻ thù của chế độ nhân tài bởi mỗi đẳng cấp đòi hỏi một số lượng nhất định các vị trí trong mọi thể chế, dù là tuyển mộ vào IAS hay vào các trường đại học. Lý do thứ ba là các cuộc chiến tranh và xung đột không dứt với Pakistan đã làm cho cả hai nghèo nàn hơn.
Delhi mà tôi đến thăm những năm 60 là một thành phố lớn trải dài với không gian thoáng rộng, không bị ô nhiễm và cũng không có quá nhiều khu ổ chuột. Delhi của thập kỷ 90 là một đống hỗn độn nếu xét về môi trường. Lúc tôi đến thăm Delhi là vào tháng Giêng, không khí khét lẹt mùi than cháy bốc ra từ các nhà máy điện và các gia đình. Nhà xây dựng trái phép ở khắp mọi nơi. Để bảo vệ an ninh, họ sắp đặt cả một đại đội lính trước khách sạn Sheraton nơi tôi ở. Giao thông đông nghẹt. Delhi không còn thoáng đãng như xưa.
Đến khi đảng Quốc đại của Narasimha Rao thất cử năm 1996, liên minh 13 đảng, bao gồm cả vài đảng Cộng sản, đã hợp sức lại để ngăn không cho đảng Dân tộc Hindu BJP nắm quyền. Nền dân chủ Ấn Độ đã từ bỏ nền tảng phi tôn giáo của nó. Thật khó khăn để mưu cầu sự tự do hóa hơn cho nền kinh tế. Nhưng những vấn đề sâu sắc hơn không bao giờ được giải quyết. Thủ tướng Inder Kumar Gujral trong một lần phát biểu công khai đã đề cập đến những phát hiện trong một tài liệu khảo sát rằng Ấn Độ là nước tham nhũng đứng hàng thứ hai ở châu Á. Năm 1997, ông nói với Hiệp hội công nghiệp Ấn Độ: “Thỉnh thoảng tôi cảm thấy xấu hổ, và xấu hổ đến chết được khi người ta bảo tôi rằng Ấn Độ là một trong mười nước tham nhũng nhất thế giới”. Ấn Độ là một quốc gia mà tính vĩ đại của nó chưa được thực thi. Tiềm năng của nó chưa được khai thác, không được sử dụng đúng mức.
SRI LANKA
Chuyến viếng thăm Sri Lanka lần đầu tiên của tôi là vào tháng 4/1956 trên đường công du tới London. Tôi nghỉ tại khách sạn Galle Face, khách sạn hạng nhất thời thuộc địa Anh, nằm bên bờ biển. Tôi dạo quanh thành phố Colombo, khá ấn tượng trước các tòa nhà công cộng, nhiều tòa nhà với mặt tiền bằng đá vẫn không bị chiến tranh hủy hoại. Bởi vì Mountbatten đặt Sở chỉ huy Đông Nam Á của ông ta ở Kandy nên Ceylon có nhiều nguồn lực và cơ sở hạ tầng tốt hơn Singapore.
Cùng năm đó, Solomon West Ridgeway Dias Bandaranaike được bầu làm lãnh tụ đảng Tự do Sri Lanka mới ra đời và trở thành Thủ tướng. Ông hứa sẽ công nhận tiếng Sinhale là quốc ngữ và đạo Phật là quốc giáo. Ông là một “pukka sahib” nâu,30 được hấp thụ nền giáo dục Anh quốc và là một tín đồ Thiên Chúa giáo; ông quyết định chọn chủ nghĩa bản xứ, cải đạo thành Phật tử và trở thành người nói thành thạo ngôn ngữ Sinhale. Đó là khởi đầu của việc tháo gỡ Ceylon.
Tổng ủy viên Singapore khi đó là Lim Yew Hock mời tôi gặp ông ta ở bữa ăn tối. Bandaranaike, một người nhỏ bé, hoạt bát, ăn mặc bảnh bao, phát âm rõ ràng, phấn khởi khi được đa số cử tri Sinhale giao cho sứ mệnh biến Ceylon thành một xã hội mang tính bản địa hơn nữa. Đó là một phản ứng chống lại xã hội “Sahib nâu” – tầng lớp ưu tú về chính trị, những người khi thừa hưởng quyền lực đã rập khuôn người Anh, kể cả lối sống. Ngài John Kotelawala, vị Thủ tướng mà Bandaranaike kế nhiệm, thường cưỡi ngựa dạo chơi mỗi buổi sáng. Bandaranaike dường như không lo lắng gì về vấn đề người Tamil dòng Jaffna và các sắc tộc thiểu số khác bây giờ bị đặt vào thế bất lợi, vì tiếng Sinhale trở thành quốc ngữ và người Tamil Ấn Độ giáo, người Moor Hồi giáo và người Burgher Thiên Chúa giáo (con cháu của người Hà Lan và người bản địa) khó chịu trước vị trí được nâng cao lên thành quốc giáo của đạo Phật. Ông đã là Chủ tịch Hiệp hội Oxford và khi tranh luận về xã hội, ông ta phát biểu như thể mình vẫn còn là hội viên của hiệp hội đó. Tôi không ngạc nhiên khi ba năm sau ông bị ám sát bởi một tu sĩ Phật giáo. Tôi nghĩ thật là mỉa mai khi một tu sĩ Phật giáo bất mãn với tốc độ tiến triển chậm của đất nước trong việc biến Phật giáo thành quốc giáo nên đã hành động như vậy.
Trong cuộc bầu cử sau đó, bà góa phụ Sirimavo Bandaranaike đã trở thành Thủ tướng nhờ vào những lá phiếu thương cảm. Bà tỏ ra là một nhà lãnh đạo ít có tài ăn nói hơn nhưng lại cứng rắn hơn nhiều. Khi tôi gặp bà ở Ceylon tháng 8/1970, bà là một phụ nữ quyết đoán, người tin tưởng vào tư tưởng không liên kết. Ceylon ủng hộ việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia và một khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ Dương, không có những xung đột giữa các cường quốc lớn. Là một người trẻ tuổi hơn, tôi kiên nhẫn giải thích các mục tiêu khác nhau trong chính sách đối ngoại của mình, chỉ ra rằng Singapore sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản, đe dọa cả Campuchia, Lào và Thái Lan. Tình trạng nổi dậy sẽ lan đến Malaysia và mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho Singapore. Chúng tôi không thể tán thành hệ tư tưởng cao siêu này khi nó mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của chúng tôi. Các cường quốc khác trong khu vực như Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có ngày mở rộng việc xây dựng hải quân của họ. Vì thế, Singapore cảm thấy cần thiết phải duy trì Hiệp định Phòng thủ năm nước vì nó đã đem lại cho chúng tôi an ninh đáng kể.
Cháu bà, Felix Bandaranaike, là cố vấn của bà về vấn đề quốc tế. Là người thông minh nhưng không sâu sắc, ông nói rằng vị trí địa lý và lịch sử tốt đẹp đã mang lại cho Ceylon hòa bình và an ninh, vì thế chỉ 2,5% ngân sách được chi cho phòng thủ. Tôi tự hỏi ông sẽ nói gì vào cuối thập kỷ 80, lúc hơn nửa ngân sách được chi cho quân đội và lực lượng phòng thủ để dẹp tan cuộc bạo loạn của người Tamil dòng Jaffna.
Ceylon là một đất nước thuộc Khối Thịnh vượng chung theo kiểu mẫu của nước Anh. Nó đã được chuẩn bị cẩn thận để độc lập. Sau chiến tranh, đây là một đất nước có kích thước trung bình với ít hơn 10 triệu dân. Nó có một tiêu chuẩn giáo dục tương đối cao với hai trường đại học chất lượng cao ở Colombo và Kandy dạy bằng tiếng Anh, ngành dân chính phần lớn là người địa phương và có kinh nghiệm quản lý theo hệ dân biểu bắt đầu bằng các cuộc bầu cử hội đồng thành phố trong những năm 30. Khi Ceylon độc lập vào năm 1948, nó là một mô hình cổ điển của tiến trình từ từ đi đến độc lập.
Đáng tiếc là nó không có hiệu quả. Trong những cuộc viếng thăm của tôi qua nhiều năm, tôi đã chứng kiến một đất nước đầy triển vọng đi vào lãng phí. Chế độ một người một phiếu không giải quyết được vấn đề căn bản. Tám triệu người Sinhale chiếm đa số luôn đánh bạt 2 triệu người Tamil dòng Jaffna, những người bị thiệt thòi bởi việc chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Sinhale là ngôn ngữ chính thức. Từ chỗ không có tôn giáo chính thức, người Sinhale coi đạo Phật là quốc giáo của họ. Cũng như người Hindu, người Tamil dòng Jaffna cảm thấy bị tước quyền.
Tháng 10/1966, trên đường trở về từ hội nghị các Thủ tướng ở London, tôi ghé thăm Colombo để gặp gỡ Thủ tướng Dudley Senanayake. Ông là một người đứng tuổi tin vào số mệnh, hiền lành nếu không nói là nhún nhường. Khi chúng tôi chơi gôn ở sân Hoàng gia Colombo cũ, ông xin lỗi vì các túp lều lấn chiếm trái phép và lũ dê, bò trong các đường lăn bóng của sân gôn. Ông nói đó là điều không thể tránh được vì dân chủ và các kỳ bầu cử; ông không thể biện minh việc giữ những khoảng không gian xanh rộng lớn ở trung tâm thành phố. Ông đưa tôi đến Nuwara Eliya bằng tàu hỏa, nơi đây đã từng một thời là nhà ga trên đồi tuyệt đẹp của họ. Đó là một bài học đáng học nhất về những gì đã xảy ra sau độc lập. Thức ăn trên tàu hỏa (trong toa đặc biệt) bị nhiễm độc. Cua bị hư và hôi thối. Tôi vào nhà vệ sinh ngay tức thì và nôn ra tất cả. Điều này đã cứu sống tôi. Ở Nuwara Eliya, tôi nghỉ tại dinh thự “Nhà nghỉ” trên đồi của toàn quyền Anh trước đây. Nó đã đổ nát. Ngày xưa, hẳn nó đã được chăm sóc kỹ lưỡng, với hoa hồng (vẫn còn sót lại một số cây) trong một khuôn viên giống như một khu rừng ở Anh. Nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét so với mặt nước biển, nó mát mẻ và dễ chịu. Tôi chơi gôn trong một sân gôn trước đây rất đẹp; giống như sân gôn ở Colombo, nó cũng bị lều, dê, bò lấn chiếm.
Tại bữa tối, một người Sinhale luống tuổi, uyên thâm với vẻ mặt hơi buồn giải thích rằng những gì đã xảy ra là điều không tránh khỏi với các cuộc bầu cử phổ thông. Người Sinhale muốn trở thành chủng tộc thống trị; họ muốn tiếp nhận vai trò người quản lý các đồn điền dừa, trà từ người Anh và cả vị trí quan chức nhà nước cao cấp của người Tamil. Họ phải trải qua một tấn thảm kịch trong việc biến tiếng Sinhale thành ngôn ngữ chính thức, một việc làm họ phải trả giá đắt khi dịch mọi thứ từ tiếng Anh sang tiếng Sinhale và Tamil, một quá trình chậm chạp và bất kham. Các trường đại học dạy bằng ba thứ tiếng: Sinhale cho đa số, Tamil cho người Tamil dòng Jaffna và tiếng Anh cho người Burgher. Tại trường đại học ở Kandy, tôi hỏi vị Phó Hiệu trưởng rằng làm thế nào để ba kỹ sư khác nhau được đào tạo theo ba ngôn ngữ có thể cộng tác với nhau để xây một chiếc cầu. Ông ta là người Burgher và đeo cà vạt của đại học Cambridge, do đó tôi có thể nhận ra ông là một tiến sĩ đích thực. Ông trả lời: “Thưa ngài, đó là một câu hỏi mang tính chính trị dành cho các vị bộ trưởng.” Tôi lại hỏi về vấn đề sách. Ông đáp rằng các sách giáo khoa cơ bản đều được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Sinhale và Tamil, luôn luôn trễ từ 3 đến 4 ấn bản ngay khi chúng vừa xuất bản.
Các đồn điền chè ở trong tình trạng tệ hại. Những người địa phương được đề bạt không phải là những giám sát viên giỏi như những tiền nhiệm người Anh. Vì không có kỷ luật nghiêm, nên những người hái chè không chỉ hái những búp non mà còn hái cả những lá già nên không thể ủ ra trà ngon được. Các đồn điền dừa cũng chịu cảnh tương tự. Theo như lời một cụ già Sinhale, đó là cái giá người ta phải trả để học cách quản lý một đất nước.
Tôi không đến thăm Ceylon trong nhiều năm cho đến khi tôi gặp Thủ tướng mới được bầu, Junius Richard Jayewardene, năm 1978 tại Hội nghị khu vực các nguyên thủ quốc gia Khối Thịnh vượng chung (CHOGRM) ở Sydney. Năm 1972, Thủ tướng Sirimavo Bandaranaike đã đổi tên nước Ceylon thành Sri Lanka và biến nó thành một nước cộng hòa. Những thay đổi này không làm thay đổi vận mệnh của đất nước. Chè của họ vẫn được bán dưới tên trà “Ceylon”.
Cũng giống như Solomon Bandaranaike, Jayewardene là một người Thiên Chúa giáo cải đạo thành tín đồ Phật giáo và ôm ấp chủ nghĩa bản địa để hòa mình với mọi người. Ở độ tuổi ngoài 70, ông đã trải qua nhiều thăng trầm trong chính trị, trầm nhiều hơn thăng và trở nên bình tâm trong việc chấp nhận các mục tiêu thấp hơn. Ông muốn từ bỏ các chính sách mang tính xã hội chủ nghĩa đã làm phá sản đất nước của Sri Lanka. Sau khi gặp tôi tại Sydney, ông nói ông đến Singapore để kéo chúng tôi tham gia vào sự phát triển của Sri Lanka. Tôi bị cách tiếp cận thực tế của ông gây ấn tượng và bị thuyết phục đến thăm Sri Lanka vào tháng 4/1978. Ông cho biết ông sẽ trao quyền tự trị cho người Tamil ở Jaffna. Tôi đã không nhận ra rằng ông không thể nhượng bộ về uy thế của người Sinhale đối với người Tamil, điều này đã dẫn đến cuộc nội chiến năm 1983 và làm tiêu tan hy vọng về một đất nước Sri Lanka thịnh vượng trong nhiều năm nếu không nói là nhiều thế hệ.
Ông có vài nhược điểm. Ông muốn mở một hãng hàng không bởi ông tin đó là biểu tượng của sự tiến bộ. Hãng hàng không Singapore đã thuê một đại úy Sri Lanka tài giỏi. Tôi nên trả anh ta về chăng? Dĩ nhiên, nhưng làm sao một phi công có thể điều hành một hãng hàng không? Ông muốn hãng hàng không Singapore giúp đỡ. Chúng tôi đã giúp. Tôi khuyên ông rằng một hãng hàng không không nên là ưu tiên hàng đầu của ông bởi nó đòi hỏi nhiều nhà quản trị tài ba và đức độ để mang lại thành công cho hãng khi ông cần họ cho việc tưới tiêu, nông nghiệp, xây dựng nhà ở cũng như cho việc khuếch trương và phát triển công nghiệp và rất nhiều dự án khác. Một hãng hàng không là một đề án hấp dẫn, chứ không có giá trị lớn cho việc phát triển Sri Lanka. Nhưng ông vẫn khăng khăng. Vì vậy, chúng tôi đã giúp ông đưa vào hoạt động một hãng hàng không trong 6 tháng, chuyển 80 thành viên của hãng hàng không Singapore sang làm việc trong khoảng từ 3 tháng đến 2 năm, giúp đỡ họ thông qua các đại diện kinh doanh khắp thế giới của chúng tôi, thiết lập các văn phòng ở hải ngoại, đào tạo nhân viên, phát triển các trung tâm đào tạo v.v… Nhưng họ không có ban điều hành tài giỏi. Khi viên phi công nói trên, giờ là chủ tịch của hãng hàng không mới, quyết định mua 2 máy bay đã sử dụng bất chấp lời khuyên của chúng tôi, chúng tôi quyết định rút lui. Đối mặt với sự mở rộng công suất gấp 5 lần, thu chi âm, thiếu những nhân viên được đào tạo, các dịch vụ không đáng tin cậy, và hành khách không đủ, nó chắc chắn sẽ thất bại. Và nó đã thất bại.
Việc bắt Sri Lanka phải theo mô hình của Singapore là một điều hão huyền. Chỉ là thỏa mãn tính hư danh khi nặn hình đất nước Sri Lanka theo mô hình của Singapore. Họ đã thông báo rằng họ sẽ thực hiện kế hoạch cấp giấy phép khu vực kiểu Singapore để giảm lượng giao thông vào thành phố nhưng điều đó đã thất bại. Họ bắt đầu một chương trình nhà ở vào năm 1982 dựa trên chương trình của chúng tôi nhưng lại không có kinh phí thích hợp. Họ thiết lập một khu vực tự do mậu dịch, chỉ hơi nhỏ hơn so với khu vực của Singapore, giá như không có lực lượng Hổ Tamil thì dự án này đã cất cánh, nhưng các chiến thuật khủng bố của các lực lượng này đã làm các nhà đầu tư sợ mà không đầu tư vào.
Sai lầm lớn nhất mà Jayewardene phạm phải là việc phân chia các vùng đất khai hoang trong khu vực khô cằn. Với sự trợ giúp của nước ngoài, ông đã hồi sinh kế hoạch thủy lợi cổ đại dựa vào các “bể chứa nước” có thể trữ nước được mang về từ những sườn núi ẩm ướt. Đáng tiếc là ông lại đưa vùng đất đã khai hoang vào tay người Sinhale chứ không phải là người Tamil, những người trước đây là nông dân của vùng đất khô cằn này. Bị tước quyền sở hữu và bị chèn ép, họ phát động phong trào “Hổ Tamil”. Thư ký riêng của Jayewardene, một người Tamil dòng Jaffna trung thành với ông, nói với tôi đây là sai lầm nghiêm trọng. Cuộc chiến nổ ra sau đó đã làm cho 50.000 người thiệt mạng và thậm chí nhiều thương vong hơn với nhiều thủ lĩnh bị ám sát. Sau hơn 15 năm, cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Jayewardene nghỉ hưu năm 1988, trong trạng thái mệt mỏi. Ông đã cạn kiệt giải pháp. Ranasinghe Premadasa, người kế nhiệm ông là một người theo chủ nghĩa sô–vanh Sinhale. Ông muốn quân đội Ấn rút khỏi đất nước Sri Lanka, đây là điều không khôn ngoan. Họ đang làm một việc tai hại cho Sri Lanka. Khi quân đội Ấn rút đi, thì ông rơi vào vị thế tồi tệ hơn. Ông cố thương lượng với lực lượng Hổ Tamil nhưng thất bại. Ông không sẵn sàng nhượng bộ đúng mức.
Tôi gặp ông mấy lần ở Singapore sau khi ông đã trở thành Tổng thống và đã cố gắng thuyết phục ông rằng cuộc xung đột này không thể được giải quyết bằng vũ lực. Giải pháp chính trị là con đường duy nhất, một giải pháp được người Tamil dòng Jaffna và cả thế giới coi là công bằng; và khi đó Mặt trận Giải phóng thống nhất Tamil, cánh lập hiến ôn hòa của phong trào tự trị Tamil, không thể bác bỏ. Tôi lập luận rằng mục tiêu của ông ta phải là tước bỏ sự ủng hộ của dân chúng đối với những kẻ khủng bố bằng cách cho người Tamil quyền tự trị qua đầu phiếu. Ông ta vững tin là ông có thể tiêu diệt họ. Năm 1991 và 1992, ông điều quân đội Sri Lanka mở các chiến dịch lớn chống lực lượng Hổ Tamil. Họ đã không thành công. Năm 1993, tại một buổi diễu hành mừng ngày Quốc tế Lao động, một kẻ đánh bom tự sát đã đến gần ông trong một đám rước trên đường. Ông và nhiều người khác đã bị sát hại. Người kế nhiệm ông, con gái của Sirimavo Bandaranaike, Tổng thống Chandrika Kumaratunga đã cố gắng vừa đánh vừa đàm. Bà tái chiếm bán đảo Jaffna nhưng không tiêu diệt được lực lượng Hổ Tamil. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Điều đáng buồn là đất nước cổ xưa mang tên Serendip đã góp thêm vào tiếng Anh một từ mới là “serendipity” (khả năng tìm thấy những may mắn bất ngờ) mà ngày nay đang là mảnh đất của xung đột, đau đớn, buồn thương và tuyệt vọng.
PAKISTAN
Chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao với Pakistan năm 1968 nhưng có rất ít giao dịch buôn bán hay các mối liên hệ khác trong nhiều năm. Chúng tôi không có lập trường chung trong các vấn đề quốc tế mãi đến thập kỷ 80 khi những cuộc xung đột Afghanistan và Campuchia, cả hai đều được Liên Xô cung cấp tiền bạc, đã đẩy chúng tôi lại gần nhau.
Tổng thống Zia ul–Haq thăm Singapore năm 1982 như một phần chuyến công du Đông Nam Á. Ông cho biết mục đích duy nhất trong chuyến thăm Singapore là gặp tôi, người chịu trách nhiệm về Singapore hiện đại. Tôi trả lời khiêm tốn rằng Singapore hiện đại là kết quả làm việc của cả tập thể. Chúng tôi thảo luận về quan hệ giữa Ấn Độ – Pakistan. Mối quan hệ giữa Singapore và Ấn Độ lúc bấy giờ đang căng thẳng vì có bất đồng về vấn đề Campuchia. Tôi đồng ý với Zia rằng chiến lược và mục tiêu của Liên Xô đã gây ra cuộc chiến ở Afghanistan và Campuchia.
Ông mời tôi đến thăm Pakistan và tôi đã đến vào tháng 3/1988. Ông đón tiếp tôi theo nghi thức mà Tổng thống Marcos đã thực hiện năm 1974. Khi máy bay thương mại của chúng tôi băng qua biên giới Ấn Độ – Pakistan gần Lahore, 6 phi cơ chiến đấu F–16 hộ tống chúng tôi về Islamabad. Ông lập một đội danh dự lớn để duyệt binh, 19 phát súng chào, hàng trăm trẻ em vẫy cờ cùng những vũ công Pakistan nhảy những vũ điệu truyền thống chào mừng tôi tại phi trường. Tôi thật sự ấn tượng khi thấy Islamabad được giữ gìn sạch sẽ hơn và tốt hơn so với Delhi – không rác rưởi, không nhà ổ chuột, không có những con đường ở trung tâm thành phố đông nghịt người. Tiêu chuẩn nhà nghỉ và khách sạn ở đây cũng cao hơn.
Zia thuộc kiểu người dữ tướng với mái tóc đen, thẳng được chải ngược ra sau một cách cẩn thận, bộ ria rậm, giọng nói mạnh mẽ và phong thái quân đội tự tin. Ông là một tín đồ Hồi giáo nghiêm khắc và cấm các sĩ quan quân đội Pakistan uống rượu giống như toàn đất nước. Vì là khách của ông ta, chúng tôi được cung cấp một loại bia được ủ ngay tại nhà nghỉ. Tại bữa ăn tối, Zia đọc bài diễn văn ngắn tỏ ý khen ngợi tôi, không chỉ về đất nước Singapore mà đặc biệt là vì dũng cảm chống lại báo chí của phương Tây. Ông luôn theo dõi những trao đổi giữa chính phủ Singapore với các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây và mừng cho chúng tôi. Ông đã từng bị chỉ trích trên báo chí phương Tây và lấy làm vui mừng khi chúng tôi không chịu khuất phục. Ông trao tặng tôi huân chương Thủ lĩnh Vĩ đại của Pakistan (Nishan–I–Quaid–I–Azam).
Trong cuộc họp báo trước lúc rời Pakistan, tôi ca ngợi Tổng thống Zia về tinh thần dũng cảm của ông khi chấp nhận nguy hiểm hỗ trợ hậu cần cho Afghanistan. Nếu ông là một thủ lĩnh hay lo sợ, thích nhìn sự việc theo hướng khác thì thế giới sẽ tồi tệ hơn. Không may là vài tháng sau đó, trước khi mối quan hệ của chúng tôi tiến triển, Zia bị thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay có nhiều nghi vấn.
Quan hệ với Pakistan lại đình trệ cho đến khi Nawaz Sharif trở thành Thủ tướng vào tháng 11/1990. Ông mập, chắc với chiều cao trung bình, lùn so với người Pakistan, hói đầu dù mới tứ tuần. Không như gia đình Bhutto, Nawaz Sharif không xuất thân từ giới quý tộc phong kiến giàu đất đai, mà từ một gia đình kinh doanh trung lưu ở Lahore. Ông đã xây dựng những công ty thép, đường và dệt trong suốt những năm khi Pakistan do các thủ lĩnh quân sự cai trị kể cả Zia ul–Haq. Ông đến thăm Singapore hai lần trong năm 1991, một lần vào tháng 3, lặng lẽ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tiến bộ kinh tế Singapore, một lần vào tháng 12, để mời tôi đến thăm đất nước ông và xin lời khuyên về việc mở cửa nền kinh tế của nước ông. Ông nói Pakistan đã bắt đầu công cuộc cải tổ táo bạo theo mô hình Singapore.
Ông gây cho tôi ấn tượng bởi sự nhiệt thành muốn biến đổi Pakistan hướng về thị trường hơn nữa. Tôi đồng ý đến thăm Pakistan vào năm sau. Theo yêu cầu của tôi, ông phái Saeed Qureshi – Tổng thư ký Bộ Tài chính đến Singapore để thông báo tình hình cho tôi. Chúng tôi có ba cuộc gặp, mỗi cuộc ba tiếng để bàn luận những vấn đề cụ thể mà tôi đã được thông báo từ trước. Rõ ràng rằng họ đang phải đối mặt với những vấn đề cực kỳ hóc búa. Họ có biểu thuế thấp, phần thu từ thuế thu nhập chỉ chiếm 2% GDP. Nhiều vụ giao dịch mua bán đất đai không được vào sổ, hiện tượng trốn thuế tràn lan. Nhà nước bù lỗ về nông nghiệp, đường sắt và các nhà máy thép. Quốc phòng chiếm 44% ngân sách, 35% trả nợ, chỉ còn 21% để quản lý nhà nước. Do vậy, số thiếu hụt ngân sách của họ là từ 8 đến 10% GDP và lạm phát đã đạt đến 2 con số. IMF đã lưu ý họ đến các con số đáng sợ ấy. Các giải pháp đã rõ ràng, tuy nhiên, ý chí chính trị khó có thể thực hiện được trong một đất nước mà đa số cử tri không có học và cơ quan lập pháp chịu sự kìm kẹp của các chủ đất – người nắm giữ lá phiếu của những tá điền thất học. Điều này làm cho việc cải cách ruộng đất và thuế gần như không thể thực hiện được. Tham nhũng đầy rẫy với hàng loạt những vụ trộm cắp tài sản quốc gia, kể cả việc câu trộm điện.
Tôi ở Pakistan một tuần từ ngày 28/2/1992. Tôi có hai cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nawaz Sharif cùng các quan chức chủ chốt trong nội các của ông, cả Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Sartaj Aziz, một người lạc quan không hề kiềm chế. Sau khi trở về, tôi gửi một báo cáo kèm một bức thư riêng cho Nawaz Sharif tóm tắt những việc ông nên làm.
Ông là người năng động đầy nghị lực. Ông thông cảm với hoàn cảnh của những tài xế taxi, giảm thuế xe taxi dẫu điều đó gây ra những vấn đề về quyền bình đẳng đối với những người mua xe khác. Xuất thân nơi thương trường giúp ông tin doanh nghiệp tư nhân là giải pháp cho sự tăng trưởng chậm và ông thiết tha tư hữu hóa các xí nghiệp nhà nước. Tuy nhiên ở Pakistan, khi bán một xí nghiệp, người ta không mời đấu thầu công khai. Tình thân hữu, đặc biệt là quan hệ chính trị, quyết định ai sẽ được cái gì. Ông luôn tin rằng có thể làm điều gì đó để cải thiện tình hình. Vấn đề là ở chỗ ông không có thời gian lẫn sự kiên nhẫn để nghiên cứu một cách toàn diện trước khi quyết định chọn một giải pháp. Công bằng mà nói, tôi tin ông có khả năng điều hành tốt hơn Benazir Bhutto, lãnh tụ đối lập hàng đầu, người sau này kế nhiệm Nawaz Sharif. Ông biết nhiều về công việc kinh doanh hơn cả bà ta hay Asif Zadari, chồng bà, dù có hay không có sự bảo trợ.
Trên đường về, tôi ghé Karachi gặp gỡ Benazir Bhutto. Bà tung đầy những lời độc địa chỉ trích Nawaz Sharif và Tổng thống Ghulam Ahmed Khan. Bà cho rằng đảng của bà bị đối xử bất công; chính phủ cố làm mất uy tín bà và đảng của bà bằng cách truy tố các đồng sự của bà và chồng bà. Một lực lượng cảnh sát thối nát đang tiếp tay cho chính quyền và bộ ba Quân đội – Tổng thống – Thủ tướng điều hành đất nước. Bà còn nói rằng bà đã bắt đầu đẩy nhanh việc nới lỏng quy chế và đã thông qua luật về tư hữu hóa.
Nawaz Sharif thăm Singapore vào tháng 12/1991 trên đường trở về từ Nhật. Ông muốn tôi thăm lại Pakistan để đánh giá tiến bộ trong việc thực hiện các lời khuyên của tôi. Ông đã tư hữu hóa 60% các xí nghiệp được xác định là mục tiêu và đầu tư nước ngoài đã tăng thêm. Một lần nữa, Saeed Qureshi lại báo cáo công việc với tôi. Tôi phát hiện thấy rất nhiều đề nghị của tôi đã không được thực hiện. Tôi đã sợ điều này sẽ xảy ra. Trước khi tôi có thể thăm lại Islamabad, sự đối đầu giữa tổng thống Khan và thủ tướng Nawaz Sharif đã dẫn đến việc cả hai phải từ chức và tổ chức bầu cử mới. Benazir Bhutto trở thành thủ tướng.
Không lâu sau cuộc bầu cử, tôi gặp Benazir Bhutto ở Davos vào tháng 1/1994. Bà rất phấn chấn và tràn đầy những ý tưởng. Bà muốn Singapore tham gia dự án xây dựng con đường từ Pakistan đến Trung Á xuyên qua Afghanistan. Tôi yêu cầu cho đề nghị chi tiết để chúng tôi nghiên cứu. Bà còn muốn tôi xem xét khả năng tồn tại của các công ty suy yếu và tiếp quản chúng. Chồng bà còn sốt sắng hơn. Ông ta dự định xây dựng một hòn đảo ngoài khơi Karachi để phát triển nó thành một cảng tự do và một khu vực mậu dịch tự do với nhiều sòng bài. Điều này hoàn toàn phi kinh tế. Pakistan còn rất nhiều đất chưa sử dụng cần gì phải xây cả một hòn đảo? Quan điểm tiếp cận của họ thật đơn giản: Singapore thành công, có nhiều tiền, vì vậy có thể đầu tư vào Pakistan và làm cho nó cũng thành công.
Tháng 3/1995, Bhutto và chồng đến thăm Singapore. Bà cho biết bà đã lưu ý đến lời khuyên của tôi ở Davos và bảo đảm rằng tất cả các đề nghị của bà đều đã được suy nghĩ cặn kẽ, thấu đáo. Bà mời Singapore di chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đến Pakistan. Tôi nói trước hết bà phải thuyết phục các nhà doanh nghiệp của chúng tôi. Khi các nhà đầu tư thấy trên ti–vi hàng đêm những người Hồi giáo giết hại lẫn nhau ở Karachi bằng vũ khí hạng nặng và bom, thì họ phải tự hỏi tại sao mình lại phải dính líu vào đó? Tôi đã không thăm Pakistan. Năm 1996, bà Bhutto bị Leghari, Tổng thống do chính bà tiến cử cách chức. Nawaz Sharif đắc cử trong cuộc bầu cử sau đó vào tháng 2/1997, và trở lại chức Thủ tướng.
Những vấn đề kinh tế và chính trị sâu xa của Pakistan vẫn còn đó. Quá nhiều ngân sách đổ vào quốc phòng. Các chính sách của họ liên tục bị đầu độc bởi những thù hận khôn nguôi giữa những nhà lãnh đạo của hai đảng chính. Asif Ali Zadari bị buộc tội giết hại Murtaza Bhutto, anh vợ ông ta và cả hai vợ chồng đều bị buộc tội tham nhũng những khoản tiền lớn, trong đó có những khoản tiền đã bị truy ra ở tận Thụy Sĩ.
Góp phần làm cho các vấn đề của Pakistan phức tạp thêm, tháng 5/1998, Ấn Độ tiến hành một số các vụ nổ bom hạt nhân. Hai tuần sau, Pakistan tiến hành các cuộc thử nghiệm của mình. Cả hai đều căng thẳng về mặt kinh tế, nhất là Pakistan. Khi tôi gặp Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong chuyến thăm Singapore của ông ta vào tháng 5/1999, ông quả quyết với tôi rằng ông ta đã có những cuộc thảo luận tốt đẹp với Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee vào tháng trước và không bên nào có ý định triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Ông dám bày tỏ quan điểm rằng sẽ không còn khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước vì cả hai đều đã có năng lực hạt nhân. Một kết cục đáng mong đợi.
Pakistan là một dân tộc ngoan cường với đầy đủ tài năng và học vấn để xây dựng một quốc gia hiện đại. Nhưng sự xung đột không ngừng với Ấn Độ đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và thui chột tiềm năng của Pakistan.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.