Kẻ Nhắc Tuồng
Chương 12 – Phần 2
Người ta đi từ giả thuyết rằng không ai vừa chào đời đã là kẻ sát nhân hàng loạt, nhưng những đối tượng này tích tụ một cách thụ động các kinh nghiệm và các nhân tố kích thích, giống như một dạng ủ bệnh của bản tính giết người, để rồi sau đó bùng phát thành hành vi bạo lực.
Giai đoạn đầu tiên là “ảo tưởng”.
– Trước khi đi tìm kiếm trong thực tại, mục tiêu nhắm đến của dục vọng đã tồn tại một thời gian dài trong ảo tưởng. – Goran nói. – Ta vẫn biết thế giới nội tâm của một tên sát nhân hàng loạt là sự giao thoa giữa các tác nhân kích thích và các áp lực, khi chúng vượt quá sức chứa của nó thì sự bộc phát thành hành động là không thể tránh khỏi. Đời sống nội tâm, vốn là của trí tưởng tượng, rốt cuộc sẽ thay thế cuộc sống thực tại. Chính vì thế mà kẻ giết người hàng loạt nhào nặn thế giới thực tại chung quanh theo trí tưởng tượng của hắn.
– Vậy ảo tưởng của Albert là gì? – Stern hỏi trong lúc tay đút vào miệng viên kẹo bạc hà thứ không biết bao nhiêu. – Điều gì đã thu hút gã?
– Thách thức. – Mila đáp.
– Có lẽ trong suốt một thời gian dài, gã đã bị hoặc cảm thấy bị đánh giá thấp. Giờ đây, gã muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy gã tài giỏi hơn người khác… và hơn chúng ta.
– Nhưng gã đâu chỉ “mơ tưởng” đến chuyện đó, đúng không? – Goran hỏi, không phải để tìm một lời khẳng định, mà bởi ông xem giai đoạn đó như đã kết thúc. – Albert đã đi xa hơn thế, gã đã lên kế hoạch cho mọi hành động, bên cạnh đó đã dự trù phản ứng của chứng ta. Chính gã là người nắm quyền điều khiển. Đó chính là điều gã đang nói với chúng ta: gã tự biết mình quá rõ, nhưng gã cũng rất hiểu chúng ta.
Giai đoạn thứ hai là “tổ chức”, hay “lên kế hoạch”. Óc tưởng tượng đã chín muồi và được chuyển sang hành động, với khởi đầu không thể tránh khỏi là lựa chọn nạn nhân.
– Chúng ta đã biết gã không chọn các cô bé, mà chọn gia đình của các em. Đích nhắm thực sự của gã là các ông bố bà mẹ, những người đã quyết định chỉ sinh một con. Gã muốn trừng phạt sự ích kỷ của họ… Tính biểu tượng của các nạn nhân ở đây không rõ rệt. Các cô bé rất khác nhau và không cùng tuổi, mặc dù sự khác biệt là không lớn. Xét về diện mạo, các nạn nhân không có những đặc điểm chung, chẳng hạn như tóc vàng hay tàn nhang.
– Đó là lý do gã không đụng đến các cô bé. – Boris nói. – Gã không quan tâm đến các em theo lối ấy.
– Vậy tại sao chỉ toàn con gái mà không có con trai? – Mila hỏi.
Không ai trả lời câu hỏi của cô. Goran gật gù, cân nhắc:
– Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết ảo tưởng của gã có nguồn gốc từ đâu. Thường thì lời giải thích đơn giản hơn là ta tưởng. Nó có thể là do gã đã từng bị sỉ nhục bởi các bạn cùng lớp, ai mà biết được… Sẽ rất quan trọng nếu biết được câu trả lời. Nhưng vẫn chưa có các manh mối khác, nên chúng ta đành phải tự bằng lòng với những cái hiện có.
Mila vẫn còn tin rằng nhà tội phạm học thấy khó chịu trước sự hiện diện của cô. Tuồng như ông tức tối vì không biết hết mọi câu trả lời.
Giai đoạn thứ ba là “gài bẫy”.
– Các nạn nhân bị tiếp cận như thế nào? Albert đã giở mánh khóe gì để bắt cóc các bé gái?
– Debby, bên ngoài cổng trường. Anneke, trong khu rừng nơi cô bé thường dạo chơi bằng xe đạp.
– Gã đã bắt cóc Sabine trên một vòng quay ngựa gỗ, ngay dưới mũi mọi người. – Stern nói.
– Bởi vì trên thực tế mọi người chỉ biết đến con cái mình. – Rosa đáp một cách chua chát. – Bọn họ mặc kệ. Sự thực là thế.
– Nhưng dù sao thì gã đã ra tay ngay trước bàn dân thiên hạ. Gã cực kỳ ranh ma, cái đồ quỷ quái ấy!
Goran ra hiệu cho Stern bình tĩnh lại. Ông không muốn sự tức giận làm anh mờ mắt.
– Hai cô bé đầu tiên đã bị bắt cóc tại những địa điểm cách biệt với nơi các em ở. Nó giống như cuộc tổng diễn tập. Khi đã tự tin hơn, gã ra tay bắt cóc Sabine.
– Gã đã nâng tầm thử thách đối với cô bé.
– Đừng quên là vào thời điểm đó gã chưa bị ai săn lùng. Chỉ sau vụ Sabine, các vụ mất tích mới được xâu chuỗi lại với nhau, và tâm lý sợ hãi nảy sinh…
– Đúng, nhưng đằng nào thì Albert cũng đã bắt cóc Sabine ngay trước mắt bố mẹ của em. Gã đã làm cho cô bé biến mất như một trò ảo thuật. Và tôi không thực sự tin rằng, như lời Rosa nói, những người ở đó không bận tâm… Không, gã cũng đã làm ảo thuật với cả bọn họ nữa.
– Hoan hô Stern, chính điểm này là thứ chúng ta cần điều tra thêm. – Goran nói. – Làm thế nào mà Albert ra tay thành công?
– Tôi hiểu rồi: gã dùng phép tàng hình.
Câu nói đùa của Boris làm mọi người bật cười. Nhưng với Gavila thì trong đó có một phần sự thực.
– Điều đó buộc chúng ta nghĩ rằng gã không khác một người bình thường là mấy, và gã có khả năng ngụy trang rất tốt: gã đã đóng vai một ông bố khi nhấc Sabine xuống khỏi con ngựa gỗ. Tất cả chuyện đó ngốn mất của gã bao lâu nhỉ? Bốn giây chắc?
– Gã lẩn ngay lập tức vào trong đám đông.
– Thế cô bé không kêu khóc, không chống cự sao? – Boris phản đối, tỏ vẻ không tin.
– Anh biết bao nhiêu đứa trẻ nhỏ không khóc lóc mè nheo ở ngoài hội chợ nào? – Mila lưu ý anh chàng.
– Kể cả nếu như cô bé khóc lóc thì đó cũng là một chuyện bình thường đối với những người chứng kiến. – Goran nói, rồi tiếp tục mạch suy luận. – Sau đó đến lượt Melissa…
– Tình trạng báo động đã lan rộng. Cô bé bị cấm ra ngoài, nhưng vẫn muốn trốn đi chơi bowling với bạn bè.
Stern đứng dậy, tiến lại gần tấm ảnh Melissa tươi cười gắn trên tường. Nó được lấy từ cuốn kỷ yếu của trường. Cô bé nhiều tuổi nhất trong các nạn nhân, nhưng vẻ ngoài của em vẫn còn giữ những nét trẻ con, hơn nữa em cũng thuộc loại nhỏ người. Chẳng bao lâu nữa Melissa sẽ bước vào tuổi dậy thì, cơ thể em sẽ bắt đầu có những đường cong và bọn con trai rồi sẽ chú ý đến em. Còn lúc này, dòng chữ chú thích chỉ tiết lộ năng khiếu thể thao và việc em tham gia làm báo tường với tư cách tổng biên tập. Ước mơ của Melissa là trở thành nhà báo, nhưng nó sẽ không bao giờ thành hiện thực.
– Albert đã phục sẵn. Cái đồ con hoang ấy…
Mila nhìn Stern. Anh có vẻ bị sốc với chính phát ngôn của mình.
– Caroline, thì ngược lại, gã đã bắt cóc cô bé ngay tại giường.
– Mọi thứ đều đã được tính toán…
Goran tiến đến chỗ tấm bảng, cầm lấy một cây bút rồi nhanh chóng viết ra một vài chi tiết.
– Hai nạn nhân đầu tiên, gã chỉ đơn giản là làm cho biến mất. Gã càng gặp thuận lợi khi mỗi ngày có hàng chục trẻ em bỏ nhà đi vì bị điểm xấu hoặc cãi cọ với bố mẹ. Vậy nên không ai xâu chuỗi hai vụ mất tích lại với nhau… Vụ thứ ba chắc hẳn phải nhuốm màu bắt cóc, vì báo động đã được lan truyền… Trong vụ thứ tư, gã đã biết thừa Melissa sẽ không thể cưỡng lại ham muốn được đi ăn mừng sinh nhật với đám bạn gái… Và cuối cùng, đối với nạn nhân thứ năm, gã đã nghiên cứu kĩ lưỡng nơi ăn ở và nếp sinh hoạt của gia đình, để có thể đột nhập vào nhà cô bé một cách êm thấm… Từ đó chúng ta rút ra được gì?
– Mưu đồ của gã được chuẩn bị rất kĩ. Không chỉ nhắm vào các nạn nhân, mà còn nhắm cả vào những người bảo hộ: các bậc phụ huynh, các nhân viên công lực. – Mila nói. – Đâu cần phải dàn dựng này nọ để chiếm được sự tin tưởng của các cô bé gái, chỉ cần gã giở vũ lực bắt cóc, thế là xong.
Tuy nhiên Mila lại nhớ đến trường hợp của Ted Bundy, kẻ giả vờ bị bó bột để tỏ ra yếu đuối, qua đó chinh phục được niềm tin của các nữ sinh viên. Gã nhờ họ bưng giúp mấy món đồ nặng và thuyết phục họ leo vào trong chiếc xe con bọ của mình. Khi các cô gái nhận ra cửa xe bên phía mình không có tay nắm thì đã quá muộn…
Lúc Goran viết xong, ông tuyên bố chuyển sang giai đoạn thứ tư. Giai đoạn “sát hại”.
– Kẻ giết người hàng loạt lặp đi lặp lại một “nghi thức” giết chóc. Với thời gian, hắn có thể lên tay, nhưng nhìn chung là không thay đổi. Đó là nhãn hiệu của hắn. Mỗi một nghi thức lại đi kèm theo một biểu tượng riêng biệt.
– Tính đến nay, chúng ta đã có sáu cánh tay nhưng chỉ một cái xác. Gã giết nạn nhân bằng cách chặt gọn cánh tay, ngoại trừ cô bé số sáu, như chúng ta đã biết. – Sarah Rosa bổ sung.
Boris cầm lấy tập báo cáo của giáo sư tội phạm học và đọc to:
– Chang khẳng định gã giết các nạn nhân ngay sau khi bắt cóc chúng.
– Sao phải vội như thế? – Stern hỏi.
– Bởi vì gã không quan tâm đến các cô bé gái, nên không việc gì phải giữ gìn mạng sống cho các em.
– Gã không xem các cô bé đó như con người. – Mila xen vào. – Đối với Albert, các em chỉ là những món đồ.
Kể cả số sáu. Tất cả cùng nghĩ đến điều đó, nhưng không ai có đủ dũng khí để nói ra. Rõ ràng Albert phớt lờ việc cô bé có phải chịu đựng đau đớn hay không. Gã sẽ giữ cho cô bé còn sống trong thời gian gã đi tìm mục tiêu của mình.
Giai đoạn cuối cùng là “trưng bày dấu tích”.
– Đầu tiên là nghĩa địa cánh tay, sau đó Albert nhét một cái xác vào trong cốp xe của một tên ấu dâm. Liệu đó có phải là một lời nhắn gửi không nhỉ?
Goran đưa mắt nhìn mọi người dò hỏi.
– Gã muốn nói rằng gã không giống như Alexander Bermann. – Sarah Rosa nói. – Thậm chí có thể gã đang nhắn nhủ chúng ta rằng gã từng là nạn nhân bị bạo hành hồi còn nhỏ. Như thể gã muốn nói rằng: “Đấy, tao là như thế này bởi vì có kẻ đã muốn biến tao thành con quỷ!”
Stern lắc đầu.
– Gã muốn thách thức chúng ta, làm trò với chúng ta. Nhưng trang nhất của các báo hôm nay chỉ nói về Bermann. Tôi không tin gã muốn chia sẻ niềm vinh dự đó với một người nào hết. Gã không lựa chọn một tên ấu dâm vì mục đích trả thù. Chắc hẳn phải có lý do nào khác…
– Còn một chuyện mà tôi thấy kỳ cục nữa… – Giáo sư Goran nói, trong đầu ông hiện lên hình ảnh của buổi khám nghiệm tử thi. – Gã đã tắm gội và sửa soạn tươm tất cho thi thể của Debby Gordon, mặc lại váy áo cho cô bé.
Gã làm đẹp cho Debby vì Bermann, Mila thầm nghĩ.
– Ta không biết liệu gã có làm như thế với các nạn nhân khác, hay biến thao tác đó thành nghi thức của gã hay không. Nhưng nó rất lạ…
Cái lạ lùng mà giáo sư Gavila muốn nói, và Mila cũng hiểu dù không phải chuyên gia, là bọn giết người hàng loạt thường giữ lại một thứ gì đó của các nạn nhân. Một tấm bùa hộ mạng hay một món đồ kỷ niệm, để ôn lại kinh nghiệm giết chóc của mình.
Sở hữu một món đồ đối với chúng cũng tương đương với việc sở hữu con người đó.
– Gã không lấy đi thứ gì từ Debby Gordon hết.
Khi Goran nói ra câu vừa rồi, Mila lập tức nghĩ ngay đến chiếc chìa khóa mà Debby đeo ở cổ tay, vốn dùng để mở chiếc hộp thiếc là nơi mà cô tin cô bé đã dùng để cất giấu quyển nhật ký.
– Thằng khốn nạn! – Cô buột miệng. Một lần nữa cô lại trở thành trung tâm chú ý.
– Cô vui lòng giải thích xem nào, nếu không thì…
Mila ngước mắt nhìn Goran.
– Lúc tôi vào phòng của Debby ở trường nội trú, tôi đã tìm thấy một cái hộp thiếc được giấu dưới tấm nệm. Tôi đã tưởng cô bé cất nhật ký trong đó, nhưng không.
– Thì sao? – Rosa ngao ngán hỏi.
– Cái hộp bị khóa bởi một ổ khóa nhỏ. Chìa khóa đeo ở cổ tay của Debby, nên lúc đó tôi nghĩ, nếu chỉ có cô bé mở được cái hộp, thì không tồn tại cuốn nhật ký nào cả… Nhưng hóa ra tôi nhầm. Chắc chắn đã có một cuốn nhật ký trong đó!
Boris bật dậy.
– Gã đã ở đó! Thằng khốn nạn đã vào phòng của cô bé.
– Nhưng việc gì gã phải liều mạng như thế? – Sarah Rosa phản đối, rõ ràng không muốn nghe theo lời Mila.
– Bởi vì gã luôn ưa thích liều mạng. Nó kích thích gã. – Goran nói.
– Nhưng còn một lý do khác nữa. – Mila nói thêm, càng lúc cô càng cảm thấy vững tin vào lập luận của mình. – Tôi nhận thấy vài tấm ảnh đã biến mất khỏi bức tường, có lẽ là những tấm chụp Debby và nạn nhân số sáu. Gã muốn bằng mọi giá ngăn cản chúng ta phát hiện ra danh tính của cô bé.
– Cũng vì vậy gã đã lấy đi cuốn sổ nhật ký của Debby… trước khi khóa cái hộp lại… Tại sao?
Stern không tài nào hiểu nổi. Nhưng Boris thì lại thấy rất rõ ràng.
– Anh không hiểu à? Cuốn nhật ký đã biến mất trong khi cái hộp vẫn được khóa, chìa khóa thì đeo ở cổ tay của Debby… Như vậy gã muốn tuyên bố với chúng ta rằng chính gã là người đã lấy nó đi.
– Nhưng tại sao gã muốn cho chúng ta biết?
– Bởi gã đã để lại thứ gì đó… cho chúng ta ở đó!
“Dấu hiệu” mà họ đang tìm kiếm.
Một lần nữa, Phòng suy tưởng đã phát huy hiệu quả và chứng tỏ cho Goran thấy tính đúng đắn của phương pháp suy luận tập thể. Ông quay sang phía Mila nói:
– Cô là người đã đến đó, cô đã thấy trong phòng có những gì…
Mila cố gắng nhớ lại, nhưng không tìm được thứ gì nổi bật.
– Nhưng chắc chắn nó phải có một dấu hiệu nào đó! – Goran thúc ép. – Chúng ta đang đi đúng đường đấy.
– Tôi đã lục tung mọi góc phòng, nhưng không còn thứ gì khác khiến tôi phải chú ý nữa.
– Nó phải là một thứ gì đó rất hiển nhiên, cô không thể nào để tuột mất nó được!
Nhưng Mila không nhớ thêm được gì, nên Stern đề nghị mọi người quay lại trường để kiểm tra kĩ hơn. Boris gọi điện thoại thông báo chuyến viếng thăm của nhóm điều tra, trong khi Sarah Rosa yêu cầu Krepp đến đó gặp họ càng sớm càng tốt để lấy dấu vân tay.
Lúc đó, Mila bỗng nhận ra một điều.
– Vô ích thôi. – Cô nói, sự tự tin đã quay lại với cô. – Dù là gì thì nó cũng không còn nằm trong căn phòng đó nữa.
Khi họ đến trường nội trú, các bạn học của Debby đã được gọi vào một gian phòng thường được dùng làm nơi hội họp và phát bằng. Các bức tường được ốp gỗ gụ. Trên tường treo các bức chân dung của các thầy cô đã đóng góp cho tiếng tăm của ngôi trường trong quá khứ. Những gương mặt nghiêm nghị với nét mặt bất biến đang quan sát tất cả từ những khung ảnh ở trên cao.
Mila là người lên tiếng đầu tiên. Cô cố gắng tỏ ra thật dễ chịu, vì các bé gái đang rất sợ sệt. Bà hiệu trưởng trường đã cam đoan sẽ không trừng phạt ai hết, nhưng qua vẻ sợ hãi hiện trên gương mặt của bọn trẻ, rõ ràng là chúng chẳng mấy tin tưởng vào lời hứa đó.
– Chúng tôi biết một số em đã vào phòng của Debby sau khi bạn ấy qua đời. Tôi tin là hành động ấy được thôi thúc bởi mong muốn có được một vật gì đó để tưởng nhớ người bạn gái đã ra đi mãi mãi.
Trong khi nói, Mila quan sát ánh mắt của cô bé mà cô đã bắt quả tang lấy đồ trong phòng tắm của Debby. Nếu không có vụ việc đó, chắc cuộc điều tra của cô đã lâm vào ngõ cụt.
Sarah Rosa quan sát Mila từ trong một góc phòng, chắc mẩm việc cô đang làm sẽ chẳng thu được kết quả gì. Ngược lại, Boris và Stern tỏ ra rất tin tưởng. Còn Goran thì chỉ chờ đợi.
– Lẽ ra tôi không nên yêu cầu các em làm chuyện này, nhưng tôi biết trong thâm tâm các em rất quý mến Debby. Do vậy tôi cần các em mang tất cả những món đồ đó ra đây, ngay bây giờ.
Mila thử tỏ ra cứng rắn.
– Tôi mong các em không bỏ sót thứ gì, ngay cả những món đồ tầm thường nhất cũng có thể rất hữu ích. Chúng tôi tin rằng một manh mối rất quan trọng đã bị để lọt trong quá trình điều tra. Tôi tin rằng tất cả các em đều mong muốn kẻ sát hại Debby bị trừng trị. Và vì tôi biết sẽ không em nào bị kết tội che giấu bằng chứng, tôi tin rằng các em sẽ làm tốt việc được yêu cầu.
Lời đe dọa sau cùng, tuy chỉ là dọa suông vì các cô bé chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cũng góp phần nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của hành động mà chúng đã làm. Đồng thời nó cũng là một sự phục thù nho nhỏ cho Debby, người khi còn sống thì bị xem thường, đến lúc chết đi lại trở thành mục tiêu của sự chú ý và trộm cắp.
Mila dừng lại một chút để dành thời gian suy nghĩ cho các cô bé. Sự im lặng là vũ khí thuyết phục hiệu quả nhất, và cô biết mỗi giây trôi qua lại càng thêm nặng nề đối với bọn trẻ. Cô để ý thấy một số đang trao đổi ánh mắt với nhau. Chẳng có đứa nào muốn đi trước, đó là điều bình thường. Sau đó, có hai cô bé cùng bước ra khỏi hàng một lượt. Năm đứa nữa đi theo. Những đứa còn lại ngồi yên.
Mila đợi thêm một phút, trong lúc mắt vẫn dò xét gương mặt của những đứa ngồi lại xem có con kên kên nào quyết định không bay theo đàn, nhưng không thấy gì. Cô đành hi vọng chỉ bảy đứa kia phạm tội.
– Thôi được, các em còn lại có thể đi.
Bọn trẻ chẳng đợi nhắc thêm và mau chóng rời phòng. Mila quay lại nhìn các đồng nghiệp và chạm phải ánh mắt dửng dưng của giáo sư Goran. Bỗng một hành động của ông khiến cô bất ngờ: ông nháy mắt với cô. Cô suýt cười, nhưng cố kìm lại, vì mọi người đang nhất loạt nhìn cô.
Sau khoảng mười lăm phút, bảy nữ sinh quay lại phòng cùng với các món đồ. Chúng được đặt lên chiếc bàn dài, nơi các thầy cô giáo thường ngồi trong các buổi lễ. Bọn trẻ đứng đợi Mila và các điều tra viên đến xem xét từng món.
Đa số là quần áo và phụ kiện, các món đồ chơi của các bé gái như là búp bê hay thú nhồi bông. Một máy nghe nhạc mp3 màu hồng, một cặp kính râm, mấy lọ nước hoa, muối tắm, một cái bóp cầm tay hình con bọ rùa, chiếc khăn quàng màu đỏ của Debby, và một bộ trò chơi điện tử…
– Cái này không phải do cháu làm hỏng đâu ạ…
Mila ngước mắt nhìn cô bé mũm mĩm vừa lên tiếng. Nó là đứa nhỏ tuổi nhất, cùng lắm là tám tuổi. Nó có một bím tóc dài vàng óng và đôi mắt xanh ngân ngấn nước. Nữ cảnh sát mỉm cười trấn an cô bé trước khi nhìn món đồ kĩ hơn. Sau đó cô đưa nó cho Boris.
– Đây là cái gì vậy?
Anh chàng lật lật món đồ, xem xét.
– Trông như một máy chơi điện tử.
Anh bật cái máy lên.
Một đốm sáng đỏ nhấp nháy xuất hiện trên màn hình, đều đặn phát ra những âm thanh ngắn.
– Nó hỏng rồi ạ. Cái chấm đỏ không chịu chạy. – Con bé vội vàng giải thích.
Mila nhận thấy mặt Boris bỗng tái hẳn đi.
– Tôi biết nó là cái gì rồi… Khỉ thật!
Nghe thấy tiếng chửi thề, con bé mở to mắt, không dám tin có người lại dám rủa xả trong một nơi nghiêm trang như thế.
Nhưng Boris chẳng buồn để ý đến con bé. Sự chú ý của anh đang dồn vào món đồ trên tay.
– Đây là một thiết bị bắt sóng định vị toàn cầu. Ở đâu đó có người đang gửi tín hiệu cho chúng ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.