Kẻ Nhắc Tuồng
Chương 2
Thầy dạy nhạc đã lên tiếng.
Nhưng đó không phải là điều khiến cô chú ý. Đây không phải lần đầu tiên. Rất nhiều người cô độc nói thành tiếng suy nghĩ của họ những lúc ở trong nhà mình. Ngay cả Mila cũng thỉnh thoảng tự nói chuyện một mình khi cô ở nhà.
Không, điều mới mẻ ở đây là chuyện khác. Nó là phần thưởng cho cả một tuần rình rập, ngồi chịu trận trước cái lạnh cắt thịt trong chiếc xe hơi đậu phía trước ngôi nhà màu nâu để theo dõi tình hình trong nhà với cặp ống nhòm nhỏ xíu. Đối tượng của cô là một gã đàn ông trạc bốn mươi tuổi, to béo và trắng trẻo. Hắn bình thản đi lại giữa không gian ngăn nắp của mình, lặp đi lặp lại các cử chỉ ấy, tựa như đang dệt một tấm mạng nhện chỉ mình hắn trông thấy.
Thầy dạy nhạc đã lên tiếng, nhưng lần này điều mới mẻ là hắn đã thốt ra một cái tên.
Mila đã nhìn thấy nó phát ra từ môi hắn, từng chữ cái một. Đó chính là điểm then chốt cho phép cô len vào trong cái thế giới bí ẩn của hắn. Giờ thì cô đã biết.
Thầy dạy nhạc có một người khách.
Mươi ngày trước đó, Pablo chỉ là một cậu bé tám tuổi, tóc nâu và đôi mắt lanh lợi, thích chơi trượt ván trong khu phố nhà mình. Nếu Pablo phải đi mua đồ cho mẹ hoặc bà, chắc chắn cậu sẽ đi bằng ván trượt có bánh xe. Cậu dành hàng giờ để chạy tới chạy lui trên đường cùng nó. Đối với những người hàng xóm thường trông thấy cậu phóng qua trước cửa sổ nhà mình, Paplito – cái tên mà mọi người dùng để gọi cậu bé – đã trở thành một phần của quang cảnh khu phố.
Có lẽ cũng vì điều đó mà không ai nhận thấy gì vào buổi sáng một ngày thứ Bảy trong tháng Hai ấy, tại khu phố nơi mà ai cũng biết tên tuổi của nhau, nơi mà mọi căn nhà và mọi cảnh đời đều tương tự như nhau. Một chiếc Volvo màu xanh xuất hiện trên phố – thầy dạy nhạc hẳn đã chọn nó vì nó giống với đám xe hơi đậu trên những con đường nhỏ. Sự yên lặng của buổi sáng thứ Bảy hoàn toàn bình thường bị phá vỡ bởi tiếng lốp xe nghiến chầm chậm trên lớp nhựa đường và tiếng lạo xạo mờ nhạt của một chiếc ván trượt đang tăng dần tốc độ… Mất sáu giờ sau mới có người để ý rằng trong những âm thanh của buổi sáng thứ Bảy đã thiếu mất một điều gì đó. Tiếng lạo xạo. Và vào buổi sáng nắng lạnh tê người ấy, cậu bé Pablo đã bị nuốt chửng bởi một cái bóng ghê rợn nhất quyết không nhả cậu ra, chia tách cậu với chiếc ván trượt yêu quý.
Tấm ván có bốn bánh xe rốt cuộc nằm chỏng chơ giữa một toán cảnh sát kéo đến khu vực ngay khi có người báo động.
Giờ đây, mười ngày sau, có thể đã quá muộn để cứu Pablo. Quá muộn cho tâm hồn mong manh thơ dại của cậu bé. Quá muộn để đánh thức cậu khỏi cơn ác mộng mà không phải chịu ảnh hưởng gì.
Lúc này tấm ván trượt đang nằm trong cốp xe của nữ cảnh sát cùng với những món vật dụng khác như đồ chơi và quần áo. Những manh mối mà Mila đã dùng để tìm kiếm dấu vết và dẫn cô tới cái sào huyệt sơn màu nâu này. Tới ông thầy giáo dạy nhạc trong trường trung học và chơi organ tại nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật, đồng thời là phó chủ tịch một hiệp hội âm nhạc chuyên tổ chức liên hoan nhạc Mozart quy mô nhỏ hàng năm. Một người đàn ông độc thân nhút nhát vô danh tiểu tốt, mắt đeo kính, hói đầu bẩm sinh và có đôi bàn tay mềm, ướt mồ hôi.
Mila đã quan sát hắn rất cẩn thận. Vì đó là năng khiếu của cô.
Cô vào ngành cảnh sát với một mục đích rõ ràng và dồn hết tâm huyết của mình cho nghề nghiệp sau khi rời học viện. Cô chẳng hứng thú gì với bọn tội phạm, chưa nói tới luật pháp. Đó không phải là lý do khiến cô không ngừng sục sạo mọi ngóc ngách tối tăm, nơi cuộc sống cứ thế thối rữa ra.
Khi nhìn thấy trên môi của tên cai ngục kia mấp máy cái tên Pablo, Mila cảm thấy một cơn đau nơi chân phải. Có lẽ đó là do cô đã ngồi quá lâu trong xe để chờ đợi dấu hiệu kia. Cô lại thấy đau thêm lần nữa, chắc là vì vết thương nơi bắp đùi mà cô đã tự tay băng bó.
Mình sẽ xử lý nó sau, cô tự hứa với bản thân. Chỉ sau khi xong việc. Trong khi suy nghĩ, Mila nhận thấy mình đã sẵn sàng để vào trong căn nhà, phá vỡ lớp bùa chú và đặt dấu chấm hết cho cơn ác mộng.
– Cảnh sát Mila gọi trung tâm: đã nhận diện được nghi phạm bắt cóc cậu bé Pablo Ramos. Ngôi nhà có màu nâu ở số 27 đại lộ Alberas. Tình huống có thể nguy hiểm.
– Tốt, cảnh sát Vasquez, chúng tôi đang cử viện binh đến, nhưng phải mất ít nhất ba mươi phút nữa.
Quá lâu.
Mila không có nhiều thời gian đến thế. Pablo không còn nhiều thời gian.
Nỗi sợ phải nói ra hai chữ “quá muộn” khi báo cáo tình hình đã thôi thúc cô tiến về phía ngôi nhà.
Bỏ lại tiếng bộ đàm văng vẳng, súng lục lăm lăm, cánh tay hạ thấp quá trọng tâm cơ thể, mắt nhìn cảnh giác, chân bước những bước nhanh và ngắn, Mila tiến đến hàng rào gỗ sơn màu kem bao quanh căn nhà nhỏ.
Một cây tiêu huyền đồ sộ phủ bóng trùm lên cô. Những chiếc lá đổi màu trong gió, lấp lánh ánh bạc. Mila dán người vào hàng rào, dỏng tai nghe ngóng. Thỉnh thoảng tiếng trống của một bài hát rock vang đến chỗ cô, hẳn nó được gió mang đến từ một nơi lân cận. Mila nghiêng người qua cánh cổng gỗ và thấy một mảnh vườn được cắt tỉa gọn gàng, một cái chòi cất dụng cụ, một đoạn ống nước màu đỏ chạy dích dắc qua bãi cỏ đến một vòi phun, mấy món đồ bằng nhựa và một cái lò nướng ga. Tất cả đều rất bình thường. Một cánh cửa màu hoa cà với lớp kính mờ. Mila vươn tay qua cánh cổng và khéo léo nhấc then. Các bản lề kêu rin rít khi cô mở hé cánh cổng đủ rộng để lách người qua.
Cô đóng cổng để không ai trong nhà nhận thấy sự khác biệt khi nhìn ra ngoài. Mọi thứ phải ở nguyên chỗ của nó. Rồi cô đi như đã được huấn luyện, thận trọng đặt từng bước chân lên thảm cỏ – chỉ đi bằng mũi chân để không lưu lại dấu vết – và sẵn sàng bật nhảy khi cần thiết. Một lát sau, cô đã ở bên cạnh cửa hậu, ở phía không đổ bóng khi thò đầu nhìn vào trong nhà. Lớp kính mờ khiến cô không thể quan sát bên trong, nhưng nhìn hình dáng của đồ đạc thì có vẻ như đó là phòng khách. Mila đưa tay tới nắm cửa ở phía bên đối diện, vặn nó xuống. Khóa cửa kêu tách.
Cửa mở.
Thầy dạy nhạc chắc hẳn cảm thấy rất an toàn trong hang ổ mà hắn đã chuẩn bị cho mình và cho tù nhân của mình. Chẳng mấy chốc Mila đã hiểu tại sao.
Sàn nhà trải vải nhựa kêu kin kít khi tiếp xúc với đế giày cao su của cô trong mỗi bước đi. Mila cố gắng điều chỉnh dáng đi để không gây ra quá nhiều tiếng động, nhưng sau đó cô đành phải cởi luôn đôi giày thể thao và đặt nó cạnh một cái tủ. Bước đi trên đôi chân trần, cô lần đến cuối hành lang và nghe thấy tiếng nói chuyện của hắn:
– Tôi cũng muốn đặt một gói khăn lau vạn năng. Cùng với sản phẩm tẩy rửa gốm sứ… Đúng rồi, loại ấy đấy… Tiếp theo, mang cho tôi sáu hộp súp gà, đường, một tờ chương trình tivi và một hộp thuốc lá loại nhẹ, hiệu như mọi lần…
Tiếng nói vọng ra từ trong phòng khách. Thầy dạy nhạc đang mua hàng qua điện thoại. Quá bận nên không thể ra khỏi nhà chăng? Hay là hắn không muốn rời xa nó, để có thể kiểm soát nhất cử nhất động của con tin?
– Phải, số 27 đại lộ Alberas, cám ơn. Vui lòng cầm theo tiền thối cho năm mươi đồng, vì tôi chỉ có tiền loại ấy thôi.
Mila lần theo giọng nói và đi ngang qua một cái gương cho hình ảnh phản chiếu méo mó giống như ở nhà gương trong hội chợ. Khi đến ngưỡng cửa phòng, cô giương súng lên, hít một hơi rồi đột ngột bước qua cửa. Cô cứ ngỡ mình sẽ làm đối phương bất ngờ trong khi hắn đứng cạnh cửa sổ, lưng quay về phía cửa phòng, điện thoại vẫn còn trong tay. Một mục tiêu hoàn hảo.
Nhưng cô chẳng thấy hắn đâu.
Phòng khách trống không, ống nghe đang gác trên điện thoại. Khi cô hiểu ra chẳng có ai gọi điện từ trong phòng này thì cảm thấy một nòng súng lạnh ngắt chạm nhẹ vào gáy mình.
Hắn đang ở sau lưng cô.
Mila rủa thầm trong bụng, tự gọi mình là con ngốc. Thầy dạy nhạc đã sửa soạn rất kĩ lưỡng sào huyệt của hắn. Cánh cổng vườn kêu ken két và lớp vải nhựa rin rít chính là lời cảnh báo khi có kẻ đột nhập. Từ đó mới có trò giả vờ gọi điện thoại, một thứ mồi nhử để thu hút con mồi. Cái gương dị dạng là để có thể đứng phía sau cô mà không bị trông thấy. Tất cả là một cái bẫy.
Mila cảm thấy tay hắn vươn đến tước súng của mình. Cô để yên cho hắn làm.
– Mày có thể bắn tao, nhưng đừng vội mừng. Đồng đội tao sắp đến rồi. Mày sẽ không thoát được đâu. Tốt hơn là tự nộp mình đi.
Hắn không nói không rằng. Qua khóe mắt, Mila có cảm tưởng như nhìn thấy hắn. Hắn đang cười chăng?
Thầy dạy nhạc lùi lại, họng súng rời khỏi gáy Mila, nhưng cô vẫn còn cảm thấy lực hút giữa đầu mình và viên đạn trong nòng. Thế rồi gã đàn ông đi vòng qua người cô và bước đến trước mặt. Hắn nhìn cô chòng chọc một lúc lâu. Nhìn mà như không nhìn. Trong đáy mắt hắn có cái gì đó, tựa như một căn buồng tăm tối.
Thầy dạy nhạc đường hoàng quay lưng lại với cô. Mila thấy hắn đi thẳng đến chỗ chiếc đàn piano kê sát tường. Khi đến nơi, hắn ngồi xuống ghế và đưa mắt nhìn các phím đàn. Đặt hai khẩu súng xuống phía bên trái, hắn nâng tay lên rồi lập tức thả những ngón tay xuống các phím đàn.
Bản dạ khúc số 20 cung Đô thăng thứ của Chopin vang lên tràn ngập căn phòng. Mila hít thật mạnh. Cơn co cứng lan tỏa khắp các thớ cơ trên cổ của cô. Những ngón tay của thầy dạy nhạc lướt trên phím đàn một cách điêu luyện và nhẹ nhàng. Những nốt nhạc êm dịu khiến Mila bỗng chốc thành một người thưởng ngoạn màn biểu diễn, tựa như bị thôi miên.
Nhưng cô cương quyết bắt mình phải tỉnh táo lại và lướt nhẹ về phía sau trên đôi chân trần, thật chậm rãi, cho đến khi ra hẳn ngoài hành lang. Cô lấy lại hơi thở, cố kìm hãm nhịp tim của mình, rồi bắt đầu tìm kiếm các căn phòng trong tiếng nhạc riết róng. Cô kiểm tra từng căn một: phòng làm việc, phòng tắm, phòng ăn. Rồi đến lượt một cánh cửa đóng kín.
Mila đẩy cửa. Vết thương ở đùi làm cô nhức nhối, nên cô dồn toàn lực vào vai. Cánh cửa gỗ bật mở.
Ánh sáng yếu ớt ngoài hành lang là thứ đầu tiên tràn vào trong căn phòng có các cửa sổ bị bịt kín. Mila bước theo luồng sáng vào trong, và vấp phải đôi mắt ươn ướt đang nhìn trừng trừng vào cô như hóa đá. Pablo đang ngồi trên giường, co hai chân vào bộ ngực gầy còm. Trên người thằng bé mặc độc cái quần lót và chiếc áo ba lỗ. Nó đang cố nghĩ xem liệu mình có nên hoảng sợ hay không, liệu Mila có phải là một phần của cơn ác mộng này không. Cô nói với cậu bé câu quen thuộc mà cô vẫn luôn nói mỗi khi tìm ra một đứa trẻ.
– Đi thôi cháu.
Thằng bé ưng thuận, giơ tay ra nắm lấy đôi tay cô. Mila vẫn nghe ngóng tiếng nhạc đang vang lên đầy ám ảnh. Cô sợ bản nhạc sẽ không đủ dài và hai người sẽ không có đủ thời gian để ra khỏi ngôi nhà. Cô lại bắt đầu lo lắng đến một vấn đề khác. Cô đã đặt mạng sống của mình và con tin vào vòng nguy hiểm, nên giờ cô thấy sợ. Cô sợ mình lại mắc sai lầm, sợ làm lỡ cơ hội thoát thân cuối cùng này, sợ là ngôi nhà sẽ khép chặt cửa như một cái tổ nhớp nhúa, giữ rịt lấy cô mãi mãi.
Nhưng cửa mở được, và hai cô cháu bước ra vùng ánh sáng ban ngày tuy yếu nhưng an lành.
Khi nhịp tim Mila đã chậm lại, khi cô thôi không nghĩ đến khẩu súng bỏ lại trong nhà và ôm chặt Pablo, dùng cơ thể mình như một cái khiên ấm áp để trấn an nó, thằng bé ghé miệng vào tai cô thì thầm:
– Còn chị ấy, chị ấy không ra hở cô?
Đôi chân của Mila như lún xuống đất trước sức nặng đột ngột, cô lảo đảo, nhưng vẫn giữ được thăng bằng.
– Chị ấy ở đâu?
Thằng bé giơ tay chỉ lên tầng trên của ngôi nhà. Ngôi nhà giương các cửa sổ nhìn hai cô cháu và cười ngạo nghễ bằng khuôn cửa mở rộng vừa để cả hai thoát ra ngoài.
Lúc ấy nỗi sợ của cô hoàn toàn biến mất. Mila chạy nốt quãng đường ngắn ngủi còn lại đến bên chiếc xe hơi của mình, đặt Pablo vào trong xe, rồi bình tĩnh nói với cậu bé:
– Cô sẽ quay lại ngay.
Thế rồi cô quay trở lại ngôi nhà, tự nguyện để mình bị nuốt gọn trong cái miệng toang hoác kia.
Mila đứng dưới chân cầu thang. Cô nhìn lên phía trên, tự hỏi mình sẽ tìm thấy gì trên đó. Cô bám lấy lan can cầu thang để trèo lên. Giai điệu của Chopin vẫn không hề ngắt quãng, bám theo cô trong cuộc tìm kiếm. Đôi bàn chân Mila nhấn sâu vào các bậc thang, trong khi hai tay cô dính vào hàng lan can như đang muốn níu chặt cô không rời.
Tiếng nhạc đột ngột chấm dứt.
Mila sững người, các giác quan căng ra cảnh giác. Tiếp đó là tiếng vang khô khốc của một phát súng, một tiếng thình và những phím đàn vang lên hỗn loạn dưới trọng lượng cơ thể của thầy dạy nhạc. Mila trèo thật nhanh lên tầng trên. Cô không thể biết chắc đây có phải là một cái bẫy hay không. Cầu thang kết thúc và bậc thang trên cùng nối vào một hành lang hẹp trải thảm dày. Cuối hành lang là một cái cửa sổ. Còn phía trước nó, là một thân người. Dặt dẹo, mong manh, nổi bật trên nền sáng, cô gái trẻ đặt đôi chân trên một chiếc ghế, vươn cổ và hai tay về phía một nút thòng lọng từ trần nhà buông xuống. Mila trông thấy cô gái tròng đầu vào thòng lọng. Cô thét lên. Cô gái nhìn thấy Mila và cuống cuồng làm nhanh hơn. Bởi đó là điều mà hắn đã bảo, điều mà cô gái đã thuộc nằm lòng.
“Nếu bọn họ đến, con phải tự sát”.
“Bọn họ”, đó là những người khác, từ thế giới bên ngoài, những kẻ không chịu thông hiểu và sẽ không bao giờ tha thứ.
Mila lao bổ về phía cô gái, tuyệt vọng tìm cách ngăn em lại. Càng đến gần, cô càng có cảm giác như đang lao ngược trở về quá khứ.
Bởi nhiều năm trước, ở trong một cuộc sống khác, cô gái trẻ này đã từng là một đứa bé.
Mila còn nhớ như in tấm ảnh của cô bé. Cô đã nghiên cứu nó rất tỉ mỉ, từng đường nét một, ghi nhớ trong đầu từng nếp nhăn biểu cảm, vừa làm vừa phân loại và lưu giữ mọi dấu hiệu riêng biệt, ngay cả những tì vết nhỏ nhất trên da cô bé.
Và đôi mắt ấy. Với sắc xanh rực rỡ và sống động. Có thể lưu giữ trọn vẹn ánh chớp của đèn flash. Đôi mắt của một bé gái mười tuổi, Elisa Gomes. Tấm ảnh được bố cô bé chụp. Một khoảnh khắc bất chợt trong một ngày lễ, khi cô bé chuẩn bị mở một gói quà. Mila thậm chí đã hình dung ra bối cảnh của bức ảnh. Bố Elisa cất tiếng gọi con bé để làm nó bất ngờ. Và Elisa quay sang bố, thậm chí chưa kịp ngạc nhiên. Một nét mặt vĩnh viễn được ghi lại, một điều gì đó mà mắt thường không thể chộp bắt được. Một nụ cười tuyệt vời chớm nở trên đôi môi Elisa ngay trước khi thành hình và khiến đôi mắt của cô bé sáng lên như ánh sao tân sinh.
Chính vì lý do đó mà Mila không bất ngờ khi bố mẹ Elisa đưa cho cô bức ảnh này lúc cô yêu cầu họ cung cấp một tấm hình mới chụp của con mình. Đó không phải là bức ảnh thích hợp nhất, nét biểu cảm không tự nhiên của Elisa khiến cho khó có thể sử dụng nó để thực hiện các thay đổi, chẳng hạn như làm cho khuôn mặt già đi theo thời gian. Các thành viên khác trong đội điều tra phàn nàn điều này, nhưng đối với Mila, chuyện đó không quan trọng, bởi vì trong bức ảnh có một cái gì đó, một thứ năng lực khác lạ. Đó chính là thứ mà họ cần tìm. Không phải một khuôn mặt như những khuôn mặt khác, một đứa trẻ như những đứa trẻ khác. Mà là cô bé này, với nguồn sáng trong đôi mắt ấy. Mong rằng không ai có thể làm ánh sáng đó tắt đi…
Mila ngăn cô gái lại vừa kịp lúc. Cô tóm lấy hai chân của cô gái trước khi cô kịp thả người trên sợi dây thòng lọng. Cô gái trẻ vùng vẫy, gào thét chống cự.
– Elisa. – Mila gọi tên cô gái thật nhẹ nhàng.
Và cô gái bừng tỉnh.
Elisa đã quên mất mình là ai. Những năm tháng bị giam cầm đã tước đi nhân thân của cô, mỗi ngày một ít. Cho đến khi cô tự thuyết phục mình rằng người đàn ông ấy là gia đình của mình, vì những người khác đã lãng quên cô. Những người khác sẽ không bao giờ cứu cô. Elisa ngạc nhiên nhìn vào mắt Mila, bình tĩnh trở lại và để cho mình được giải cứu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.