Kẻ Nhắc Tuồng

Chương 8



Mila sẽ gọi cô bé là Priscilla.

Cô sẽ dùng phương pháp của giáo sư Goran Gavila, người luôn đặt tên cho những kẻ sát nhân mà ông truy tìm. Để “con người hóa” chúng, khiến chúng trở nên “thực” hơn trong con mắt của ông và không còn là những bóng ma lẩn khuất nữa. Cũng thế, Mila đặt tên cho nạn nhân thứ sáu bằng cái tên của một cô bé khác, may mắn hơn, người mà ở đâu đó – cô không biết chính xác – đang tiếp tục được làm một bé gái bình thường như những cô bé khác, và không hề hay biết mình đã thoát khỏi chuyện gì.

Mila quyết định như thế trên đường quay về phòng trọ. Một cảnh sát đã nhận đưa cô về. Lần này Boris không xung phong nữa, và Mila cũng chẳng thể trách được anh sau khi đã đột ngột đẩy anh ra lúc sáng nay.

Việc gọi cô bé số sáu là Priscilla không chỉ bởi cần phải cho cô bé một tính trạng con người. Còn một nguyên nhân khác: Mila không thể cứ gọi cô bé bằng một con số. Từ giờ trở đi, cô cảm thấy chỉ có mỗi mình cô là còn để tâm đến việc khám phá danh tính của cô bé, vì sau khi nghe thấy lời nhắn của Bermann, chuyện đó không còn là mối ưu tiên hàng đầu nữa.

Họ đã có một xác chết trong xe, và đoạn băng ghi âm từ máy trả lời tự động rất gần với một lời tự thú. Không cần quá lao tâm khổ tứ nữa. Lúc này chỉ cần liên kết tay chào hàng với các nạn nhân còn lại, sau đó đi tìm động cơ. Nhưng động cơ của hắn, có lẽ họ đã biết cả rồi…

Nạn nhân không phải là các cô bé. Mà là gia đình của các em.

Chính Goran đã đưa ra lời giải thích ấy trong lúc quan sát cha mẹ của các nạn nhân xấu số trong nhà xác. Những người cha người mẹ mà, vì những lý do này khác, chỉ có mỗi một đứa con.

Một bà mẹ đã gần năm mươi tuổi và về mặt sinh học không thể mong chờ một lần mang thai khác nữa…

“Chính họ mới là nạn nhân. Gã đã nghiên cứu họ, đã lựa chọn họ. Một đứa con gái độc nhất. Gã muốn tước mất khỏi họ mọi hi vọng khép lại nỗi đau và quên đi sự mất mát. Họ sẽ phải nhớ điều gã đã làm với mình cho đến hết đời. Gã làm cho sự thống khổ của họ tăng lên bội phần khi lấy đi tương lai của họ. Gã đã tước đoạt cơ hội lưu truyền hồi ức của bản thân họ cho tương lai, cơ hội trường tồn sau cái chết của chính họ… Gã sống bằng điều đó. Chính nó là sự tưởng thưởng cho sự tàn ác của gã, là nguồn khoái lạc của gã”.

Alexander Bermann không có con cái. Hắn đã cố gắng có con, đã cầu viện đến biện pháp thụ tinh nhân tạo. Nhưng vô ích. Có lẽ vì lý do đó mà hắn đã trút cơn điên cuồng vào các gia đình khốn khổ kia. Có thể hắn muốn trả thù vì sự vô sinh của mình.

Không. Đây không phải là sự trả thù. Có điều gì đó khác… Mila không thể chấp nhận suy nghĩ đó, nhưng cô không biết linh cảm ấy từ đâu mà ra.

Chiếc xe hơi về đến khu nhà nghỉ. Mila xuống xe, chào từ biệt viên cảnh sát kiêm tài xế. Anh ta gật đầu rồi quay đầu xe phóng đi, bỏ cô lại giữa con đường trải sỏi rộng rãi. Phía sau cô là cánh rừng với những ngôi nhà nghỉ. Trời khá lạnh. Ánh sáng độc nhất phát ra là từ tấm bảng đề chữ “CÒN PHÒNG” và “CÓ TRUYỀN HÌNH CÁP”. Mila tiến về nhà nghỉ của mình. Mọi ô cửa sổ đều tối om.

Cô là người khách trọ duy nhất.

Cô đi ngang qua phòng của bảo vệ. Căn phòng đang chìm trong thứ ánh sáng xanh lờ mờ phát ra từ chiếc ti vi. Âm thanh đã bị tắt và nhân viên bảo vệ không có ở đó. Chắc anh ta đi vệ sinh, Mila nghĩ bụng, rồi bước tiếp. May mắn là cô đã cầm theo chìa khóa, chứ nếu không cô buộc phải đợi anh ta quay lại.

Trong tay Mila là một bao giấy đựng món đồ uống có ga và hai cái bánh kẹp phômai, bữa tối hôm nay của cô. Cô cũng đã mua một lọ thuốc mỡ để bôi vào các vết phỏng trên hai bàn tay. Hơi thở của cô tạo thành đám khói trong bầu không khí lạnh giá. Cô bước nhanh hơn, cảm thấy như sắp chết cóng. Những bước chân của cô trên con đường rải sỏi là âm thanh duy nhất trong màn đêm. Nhà nghỉ của cô nằm tận cuối dãy.

Priscilla. Cô nhớ lại những điều mà bác sĩ Chang đã nói: “Tôi cho rằng thủ phạm đã kết liễu các nạn nhân ngay lập tức. Gã không có lợi gì trong việc duy trì sự sống cho bọn trẻ lâu hơn mức cần thiết, và gã không hề chần chừ. Phương pháp ra tay với các nạn nhân là như nhau. Ngoại trừ một cô bé…”

Giáo sư Gavila đã yêu cầu anh giải thích rõ hơn, và Chang đã vừa nhìn ông vừa đáp rằng đối với nạn nhân số sáu, sự việc còn tệ hại hơn…

Câu nói của bác sĩ Chang đã ăn sâu vào tâm trí Mila.

Không chỉ vì nạn nhân thứ sáu đã phải trả một cái giá đắt hơn các cô bé còn lại… “Gã đã làm giảm nhịp tim của nạn nhân để cái chết đến với cô bé chậm hơn… Gã muốn thưởng thức tấn tuồng”. Không, vẫn còn một điều gì khác nữa. Vì sao thủ phạm lại thay đổi phương thức gây án? Cũng hệt như lúc nghe bác sĩ Chang báo cáo, Mila bất giác thấy lạnh nơi gáy.

Phòng trọ của cô chỉ còn cách vài mét. Cô đang tập trung suy nghĩ, chắc mẩm lần này mình sẽ tìm được câu trả lời. Bỗng cô hụt chân vì một cái lỗ trên mặt đất.

Lúc đó cô mới nghe thấy.

Tiếng động rất khẽ phía sau lưng Mila khiến mọi suy nghĩ trong đầu cô biến mất. Một tiếng đạp nhẹ trên sỏi. Một kẻ nào đó đang bắt chước những bước đi của cô. Kẻ đó căn chỉnh nhịp bước của mình cho trùng khớp với cô. Bước hụt của Mila khiến hắn lỡ đà và bị lộ.

Mila không bối rối và tiếp tục duy trì nhịp độ. Những bước chân của kẻ theo dõi lại hòa nhập làm một với nhịp bước của cô. Theo tính toán của mình, Mila cho rằng kẻ theo dõi ở cách cô tầm chục mét. Cô bắt đầu tính đến các giải pháp. Rút khẩu súng đang giắt sau lưng thì chỉ vô ích, vì nếu tên kia có vũ khí, hắn sẽ có thừa thời gian để khai hỏa trước. Nhân viên bảo vệ, cô nghĩ bụng.Chiếc ti vi được bật trong căn phòng trống. Hắn đã khử anh ta. Giờ thì đến lượt mình. Lúc này cô đang ở rất gần cánh cửa nhà nghỉ. Cần phải quyết định ngay. Cô buộc phải hành động. Không còn cách nào khác.

Mila lục tìm chìa khóa trong túi và nhanh chóng trèo lên bậc tam cấp dưới hàng hiên nhà. Xoay hai vòng chìa, cô mở cửa và lỉnh ngay vào bên trong. Tim cô đập thình thịch. Một tay cô rút khẩu súng lục ra, tay kia bật công tắc điện. Ngọn đèn cạnh giường vụt sáng. Mila đứng im không nhúc nhích, vai tì vào cửa, hai tai căng lên nghe ngóng. Hắn đã không tấn công mình, cô nhủ thầm. Rồi cô nghe thấy tiếng bước chân trên lớp ván gỗ ngoài hàng hiên.

Boris đã nói với cô chìa khóa của khu nhà nghỉ có thể mở được tất cả các phòng, vì người chủ đã chán thay khóa sau khi khách trọ cầm chìa bỏ đi mất. Kẻ theo dõi mình có chìa khóa không? Rất có khả năng. Cô tự nhủ nếu hắn cố tình lẻn vào trong phòng, cô sẽ gây bất ngờ cho hắn từ phía sau.

Mila quỳ xuống, di chuyển trên lớp thảm sàn vấy bẩn để ra cửa sổ. Cô dán mình vào tường, đưa tay lên mở cửa. Băng giá đã làm bản lề cứng lại. Cô khá vất vả nhưng cuối cùng cũng đã mở được một cánh cửa sổ, rồi bật dậy nhảy ra bên ngoài, giữa đêm tối.

Trước mặt cô là cánh rừng. Những ngọn cây xào xạc bên nhau nhịp nhàng. Mặt sau của khu nhà nghỉ có một con đường tráng xi măng nối liền các căn nhà với nhau. Mila lần dọc theo nó, người cúi lom khom, cảnh giác dò tìm mọi động tĩnh chung quanh. Cô nhanh chóng băng ngang qua nhà nghỉ bên cạnh nhà mình, rồi đi qua một nhà nữa. Sau đó cô đi vào khe trống giữa hai nhà nghỉ.

Bây giờ, Mila cần phải thò đầu ra để quan sát hàng hiên. Nhưng việc này khá rủi ro. Dùng cả hai tay giữ súng cho chắc, cô nén đau đếm từ một đến ba, hít ba hơi sâu, rồi nhảy phắt ra khỏi góc tường, chĩa súng ra trước mặt. Không có ai cả. Đây không thể là đều do cô tưởng tượng ra. Cô tin chắc có người theo dõi mình. Một kẻ có khả năng di chuyển theo nhịp bước của mục tiêu.

Một kẻ săn mồi.

Mila quét mắt tìm kiếm dấu vết của hắn trên mặt đất. Dường như hắn đã tan biến vào không khí, trong tiếng cây lá xào xạc quanh khu nhà.

– Xin lỗi cô…

Mila quay phắt lại và nhìn người đàn ông vừa lên tiếng, súng chúc xuống. Cô đờ người vì ba từ ngắn ngủi đó. Phải mất vài giây cô mới nhận ra người bảo vệ. Nhận ra mình đã làm cô hoảng sợ, anh ta lặp lại, lần này là để cho cô hoàn hồn:

– Xin lỗi cô.

– Có chuyện gì vậy? – Mila hỏi trong khi tim vẫn đang đập dồn dập.

– Có người muốn nói chuyện điện thoại với cô…

Nhân viên bảo vệ chỉ cho cô máy điện thoại trong phòng trực. Mila tiến đến, không buồn đợi anh ta.

– Mila Vasquez. – Cô nói vào ống nghe.

– Chào cô, Stern đây… Giáo sư Gavila muốn gặp cô.

– Tôi á? – Cô hỏi, vừa ngạc nhiên lại vừa hãnh diện.

– Phải. Chúng tôi đã báo cho viên cảnh sát vừa đưa cô về. Anh ta sẽ đến đón cô.

– Được thôi. – Mila thấy bối rối vì Stern không nói gì thêm nên cô hỏi tiếp. – Có tin gì mới à?

– Alexander Bermann đã giấu chúng ta một chuyện.

Boris cố điều chỉnh thiết bị định vị toàn cầu mà không rời mắt khỏi con đường. Mila nhìn thẳng phía trước, không nói gì. Gavila ngồi ghế sau. Ông thu mình trong chiếc áo măngtô sờn cũ, mắt nhắm lại. Họ đang trên đường đến nhà người chị của Veronica Bermann, nơi vợ của Alexander tạm lánh để trốn cánh phóng viên.

Goran đã kết luận rằng Alexander Bermann cố tình che giấu điều gì đó trong lời nhắn để lại trên điện thoại.

“Hừm… Anh đây… E hèm… Anh không có nhiều thời gian… Nhưng dẫu sao anh cũng muốn xin lỗi em… Anh xin lỗi em, vì tất cả… Lẽ ra anh phải làm điều này sớm hơn, nhưng anh đã không thể… Em cố gắng tha thứ cho anh. Tất cả đều là lỗi của anh…”

Nhờ vào bảng kê chi tiết các cuộc gọi, toán điều tra phát hiện ra Bermann để lại lời nhắn khi hắn ở đồn cảnh sát giao thông, gần như đúng vào lúc xác của Debby Gordon được phát hiện.

Goran bất chợt nảy ra câu hỏi vì sao một người ở vào tình thế như của hắn – với một tử thi trong cốp xe và ý định tự kết liễu cuộc đời – lại gọi một cú điện thoại như thế cho vợ mình.

Những tên giết người hàng loạt không bao giờ xin lỗi. Những khi chúng làm thế chẳng qua là vì chúng muốn trưng ra một hình ảnh khác của bản thân, vì điều đó thuộc về bản chất dối trá của chúng. Mục đích của chúng là làm rối nhiễu sự thật, phủ thêm tấm màn mờ ảo bao quanh chúng. Nhưng với Bermann, việc này có vẻ khác. Có một sự khẩn cấp trong giọng điệu của hắn. Hắn muốn hoàn tất một điều gì đó trước khi quá muộn.

Alexander Bermann muốn được tha thứ chuyện gì?

Goran tin rằng chuyện này có liên quan đến người vợ và cuộc hôn nhân của họ.

– Thưa giáo sư, xin ông vui lòng kể lại một lần nữa…

Goran mở mắt và thấy Mila đang xoay sang phía ông. Đôi mắt cô đang chăm chú nhìn ông chờ đợi.

– Có thể Veronica Bermann đã phát hiện ra điều gì đó. Điều này có thể là chủ đề gây tranh cãi giữa họ. Theo tôi, hắn đã muốn được tha thứ cho điều đó.

– Thế tại sao thông tin này lại quan trọng đến thế với ta?

– Tôi không biết liệu nó có thực sự quan trọng hay không… Nhưng một người đàn ông ở trong tình thế của Alexander sẽ không bỏ thì giờ đi giải quyết mâu thuẫn vợ chồng.

– Thế thì sao?

– Có thể cô vợ không hoàn toàn ý thức được điều cô ta đang biết.

– Và hắn, với cú điện thoại này, hắn muốn làm chủ tình hình, ngăn không cho vợ mình đi đến tận cùng, hoặc báo cho chúng ta về chuyện ấy…

– Phải, đó là điều tôi đang nghĩ… Cho đến lúc này Veronica Bermann tỏ ra rất hợp tác. Cô ta không có lợi lộc gì khi giấu giếm chúng ta điều gì đó, trừ phi cô ta cho rằng thông tin ấy chỉ liên quan đến hai vợ chồng họ, và không dính dáng gì với tội ác mà chúng ta đang gán cho chồng cô ta.

Đối với Mila, mọi việc giờ đã rõ ràng hơn. Trực giác của giáo sư Gavila sẽ dẫn tới việc đổi hướng điều tra. Trước tiên cần phải kiểm chứng nó đã. Chính vì lý do này mà ông giáo sư chưa cho thanh tra Roche biết.

Họ hi vọng sẽ thu được thông tin có ý nghĩa sau cuộc nói chuyện với Veronica Bermann. Với kĩ năng thẩm vấn nhân chứng lành nghề, lẽ ra Boris sẽ là người dẫn dắt cuộc đối thoại không mang tính chính thức này. Nhưng Goran đã quyết định chỉ có ông và Mila gặp trực tiếp bà Bermann. Boris chấp hành như thể đó là một mệnh lệnh của cấp trên chứ không phải của một người dân thường. Nhưng sự thù nghịch của anh đối với Mila chỉ càng tăng thêm. Anh chàng không thể hiểu được tại sao cô cần phải có mặt.

Mila cảm nhận được sự căng thẳng ấy, nhưng ngay cả cô cũng không hiểu lý do gì đã khiến giáo sư Gavila lựa chọn như vậy. Nhiệm vụ duy nhất còn lại của Boris là hướng dẫn cho Mila cách dẫn dắt cuộc nói chuyện, và anh đã làm hết mình cho đến lúc này, trước khi phải vật lộn với cái máy định vị toàn cầu để buộc nó chạy trở lại.

Mila nhớ lại câu bình phẩm của Boris khi Stern và Rosa miêu tả Alexander Bermann: “Tôi thấy như bị lóa mắt. Tất cả đều ‘sạch sẽ’ quá mức”.

Sự hoàn hảo đó khó có thể tin được. Nó dường như được sắp đặt từ trước. Ai cũng có bí mật, Mila tự nhủ. Mình cũng vậy.

Người ta luôn có điều gì đó cần giấu giếm. Bố cô từng nói hồi cô còn bé xíu: “Chúng ta ai cũng từng thò tay ngoáy mũi. Thường thì chúng ta chỉ làm điều đó khi không ai trông thấy. Nhưng đúng là chúng ta có làm chuyện đó”.

Vậy thì bí mật của Alexander Bermann là gì?

Vợ hắn biết những gì?

Khi họ đến nơi thì trời đã tảng sáng. Ngôi làng với một mái vòm nhà thờ nhỏ nhô cao nằm ở chỗ uốn khúc của bờ sông. Các ngôi nhà nằm ngấp nghé bờ nước.

Chị gái của Veronica Bermann ở trong một căn hộ nằm phía trên một hiệu bánh. Sarah Rosa đã gọi điện báo cho cô ta về chuyến viếng thăm. Như dự kiến, cô ta không phản đối và cũng không hề tỏ ra dè dặt. Ý đồ của việc báo trước là nhằm trấn an cô ta rằng đây không phải là một buổi thẩm vấn. Nhưng Veronica Bermann không bận tâm đến sự cẩn trọng của đặc vụ Rosa. Cô ta thậm chí sẵn sàng chấp nhận bị tra khảo.

Khi Veronica Bermann ra đón Mila và Goran thì đã gần bảy giờ sáng. Cô ta trông hoàn toàn thoải mái trong chiếc áo ngủ và đôi dép bông. Vợ Bermann đưa hai người vào phòng khách. Trần phòng có những thanh xà lộ liễu, đồ đạc trong phòng toàn bằng gỗ dát. Veronica mời họ dùng cà phê nóng. Mila và Goran ngồi xuống chiếc trường kỷ, còn cô ta thì ngồi xuống mép cái ghế bành, với đôi mắt tối bưng của người không thể ngủ nghê hay khóc lóc gì nữa. Nhìn thấy đôi tay chắp lại đặt trên đầu gối, Goran hiểu cô ta đang căng thẳng.

Căn phòng được chiếu sáng bởi ánh vàng ấm áp của một ngọn đèn có chụp bằng lụa đã cũ. Mùi hương của những bụi cây leo ngoài cửa sổ góp thêm một chút hiếu khách cho nó.

Chị của Veronica Bermann dọn cà phê rồi bê cái khay đỏ ra khỏi phòng. Goran để cho Mila nói trước. Các câu hỏi mà họ sắp đặt ra đòi hỏi nhiều sự khéo léo. Mila thư thả dùng cà phê. Cô không có gì phải vội. Cô muốn người phụ nữ trước mặt hạ hẳn hàng rào cảnh giác xuống trước khi mở lời. Boris đã cảnh báo rằng trong một vài trường hợp chỉ cần một câu nói vụng về là đối tượng sẽ khép kín lại và không chịu hợp tác nữa.

– Thưa bà Bermann, tất cả những chuyện này quá đau đớn, và chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đã đường đột đến đây vào lúc sáng sớm như thế này.

– Cô đừng lo, tôi luôn thức dậy sớm.

– Chúng tôi cần tìm hiểu kĩ hơn về chồng bà, nhất là để hiểu được ông ấy thực sự có liên quan tới vụ án đến mức độ nào. Vụ việc này còn rất nhiều uẩn khúc, bà tin tôi đi. Xin bà hãy kể cho chúng tôi nghe về chồng bà…

Các biểu hiện trên gương mặt của Veronica Bermann không mảy may suy suyển, nhưng ánh mắt cô ta đã sinh động hơn. Cô bắt đầu kể:

– Alexander và tôi quen nhau từ hồi học trung học. Anh ấy hơn tôi hai tuổi, và chơi trong đội khúc côn cầu. Anh ấy không phải là một vận động viên xuất sắc, nhưng ai cũng hâm mộ. Anh ấy chơi với một cô bạn của tôi, từ đó mới biết tôi. Chúng tôi bắt đầu đi chơi cùng nhau, nhưng luôn đi cùng nhóm, như những người bạn đơn thuần: lúc ấy giữa chúng tôi vẫn chưa có gì cả, và thậm chí chúng tôi cũng chẳng nghĩ có điều gì có thể gắn kết cả hai với nhau. Thật ra, tôi không tin anh ấy có bao giờ định “tiến tới” với tôi… tức là đặt vấn đề cưới xin ấy. Mà tôi cũng không…

– Chuyện ấy sau này mới xảy ra…

– Phải, cũng lạ, cô nhỉ? Sau khi tốt nghiệp, tôi mất liên lạc với anh ấy trong nhiều năm. Qua bạn bè, tôi biết anh ấy đã lên đại học. Một ngày nọ, anh ấy tái xuất hiện trong đời tôi: anh ấy gọi điện thoại cho tôi, bảo rằng tình cờ tìm thấy số điện thoại của tôi trong cuốn kỷ yếu. Thật ra, sau đó cũng qua bạn bè, tôi biết được sau khi học xong, anh ấy đã quay về hỏi han tin tức của tôi…

Trong khi lắng nghe, Goran có cảm giác Veronica không hoàn toàn đơn giản là trải lòng với những kỷ niệm xưa, mà với một cách nào đó, câu chuyện của cô ta có một mục tiêu chính xác. Như thể cô ta cố ý dẫn họ đến một nơi nào đó xa xưa trong quá khứ, nơi mà họ có thể tìm thấy điều cần tìm.

– Từ đó, hai người nối lại quan hệ… – Mila nói.

Goran hài lòng nhận ra cô cảnh sát đã làm theo những chỉ dẫn của Boris. Cô không đặt ra các câu hỏi cho Veronica Bermann, mà mớm lời để cô ta nói tiếp, để cho giống một cuộc đối thoại hơn là một buổi thẩm vấn.

– Từ đó chúng tôi nối lại quan hệ. – Vợ của Bermann lặp lại lời Mila. – Alexander theo đuổi tôi dữ lắm, để thuyết phục tôi cưới anh ấy. Rồi rốt cuộc tôi cũng đồng ý.

Goran chú ý đến câu nói cuối cùng của cô ta. Nghe nó hơi gượng, tựa như một câu nói dối nhằm giữ thể diện được hấp tấp chen vào trong lời kể với hi vọng không bị phát hiện. Ông nhớ lại những gì đã chú ý ở lần đầu tiên gặp người đàn bà này: Veronica không đẹp, có lẽ hồi trẻ cũng thế. Một phụ nữ tầm thường, không có sức quyến rũ nào. Alexander Bermann, ngược lại, khá đẹp trai với đôi mắt xanh nhạt và nụ cười tự tin của một người đàn ông ý thức được sức hấp dẫn của mình. Giáo sư Gavila thấy khó mà tin được Bermann phải nài nỉ cô vợ đồng ý lấy mình.

Đúng lúc đó, Mila quyết định nắm thế chủ động trở lại trong cuộc nói chuyện:

– Nhưng rồi rốt cuộc, chuyện giữa hai ông bà không thật sự êm đẹp…

Veronica ngừng một lúc. Khá lâu, theo đánh giá của giáo sư Goran.

Có lẽ Mila đã quăng mồi quá sớm.

– Chúng tôi có một số vấn đề. – Cuối cùng cô ta thú nhận.

– Hai người đã cố gắng có con trước đây…

– Tôi đã trải qua một đợt điều trị bằng hormone. Sau đó chúng tôi cũng đã thử bơm tinh trùng.

– Chắc hai ông bà muốn có một đứa con lắm…

– Alexander là người muốn nhất. – Veronica Bermann nói với một giọng phòng thủ, dấu hiệu cho thấy đó chính là chủ đề gây bất hòa giữa hai người.

Họ đã đến gần mục tiêu. Goran khá hài lòng. Ông đã chọn Mila để khiến Veronica Bermann trải lòng, vì ông tin rằng phụ nữ là lý tưởng nhất để tạo dựng sự cảm thông cũng như khuất phục các kháng cự nếu có. Đúng ra ông có thể dùng Sarah Rosa, như thế có lẽ sẽ đỡ động chạm đến lòng tự ái của Boris. Nhưng ông cảm thấy Mila thích hợp nhất, và ông đã không lầm.

Để có thể nhìn vào mắt Goran mà không bị chú ý, Mila đặt tách cà phê xuống chiếc bàn đặt giữa trường kỷ và cái ghế bành mà Veronica Bermann đang ngồi, đồng thời nghiêng đầu. Nhà tội phạm học khẽ gật đầu: đã đến lúc thôi rào đón và đi thẳng vào chủ đề.

– Bà Bermann này, tại sao trong tin nhắn của máy trả lời tự động, chồng bà lại xin bà tha thứ cho ông ấy? – Mila hỏi.

Veronica quay mặt giấu một giọt lệ đang chực trào ra do xúc động.

– Bà Bermann, bà có thể tin ở chúng tôi. Xin nói thật với bà là không có ai, dù là cảnh sát, công tố viên hay quan tòa nào có thể ép được bà phải trả lời câu hỏi này, bởi vì nó không có liên quan trực tiếp đến vụ án. Nhưng nó rất quan trọng đối với chúng tôi, vì chồng bà có thể là hoàn toàn vô tội…

Nghe đến chữ ấy, Veronica quay lại nhìn Mila.

– Vô tội ư? Alexander không giết ai cả… nhưng không có nghĩa là chồng tôi không có tội!

Cơn thịnh nộ đột ngột làm Veronica lạc cả giọng. Goran đã có lời khẳng định mà ông đang chờ đợi. Mila cũng đã hiểu ra: Veronica Bermann đã chờ đợi họ. Cô ta đã mong chờ cuộc thăm viếng này cũng như những câu hỏi gài trong các câu nói vô thưởng vô phạt của Mila. Họ cứ tưởng đang dẫn dắt cuộc đối thoại, nhưng thật ra người đàn bà kia đã chuẩn bị sẵn kịch bản để đưa họ đến chỗ hiện tại. Cô ta cần phải tiết lộ sự việc với một ai đó.

– Tôi nghi Alexander có nhân tình. Đàn bà luôn cảm nhận được những chuyện như vậy và là người quyết định xem có tha thứ được cho người đàn ông của mình hay không. Nhưng sớm muộn rồi họ cũng muốn biết rõ. Chính vì thế, một hôm tôi đã lục lọi đồ đạc của Alexander. Tôi không biết chính xác mình phải tìm gì, và cũng không biết sẽ phản ứng ra sao nếu phát hiện ra bằng chứng.

– Bà đã phát hiện được gì vậy?

– Một sự khẳng định: Alexander che giấu một sổ nhật ký điện tử giống hệt cái mà anh ta dùng trong công việc. Tại sao lại mua hai lần cùng một thứ, nếu không phải là để dùng cái nọ lấp liếm cái kia? Nhờ thế tôi phát hiện ra mụ nhân tình của anh ta. Alexander ghi lại tất cả mọi cuộc hẹn! Tôi trưng bằng chứng ra trước mặt anh ta, nhưng Alexander chối bay chối biến và thủ tiêu luôn cuốn nhật ký thứ hai. Tuy vậy, tôi không hề bỏ cuộc. Tôi đã bám theo anh ta đến tận nhà ả kia, trong cái ổ tò vò ấy. Vậy nhưng tôi lại không dám tiến xa hơn. Tôi dừng lại ở ngoài cửa. Thật ra, tôi không muốn nhìn thấy mặt con đàn bà ấy.

Đây là bí mật không thể thú nhận của Alexander sao? Goran tự hỏi. Một ả nhân tình? Họ cất công đến tận đây chỉ để khám phá được có thế?

Cũng may ông đã không báo cho Roche về nước đi của mình, nếu không ông sẽ phải gồng mình nhận lấy những lời nhạo báng của viên chánh thanh tra, người sẽ coi như vụ án đã được khép lại. Trong lúc đó, Veronica giận sôi lên và không hề có ý định để cho hai vị khách ra về trước khi trút cạn nỗi oán hận đối với người chồng quá cố. Rõ ràng việc cô ta cương quyết bênh vực chồng khi xác chết trong xe bị phát hiện chỉ là lớp vỏ bọc. Nó chỉ là một phương tiện để tránh sức nặng của cáo buộc, để tránh bị dây vào vết bùn. Giờ thì cô ta đã tìm được sức mạnh để giải phóng mình khỏi tình nghĩa vợ chồng, và cũng như những người khác, cô ta đang ra sức đào một cái hố thật to để cho Alexander Bermann không bao giờ thoát ra được.

Goran ra hiệu bằng mắt cho Mila kết thúc cuộc trao đổi càng sớm càng tốt. Khi đó, ông thấy vẻ biến sắc trên gương mặt của cô, pha trộn giữa vẻ ngạc nhiên và bối rối.

Trong cả sự nghiệp của mình, Goran đã học được cách phát hiện ra biểu hiện của nỗi sợ hãi trên gương mặt người khác. Một điều gì đó đã làm Mila chấn động sâu sắc.

Đó là một cái tên.

Ông nghe thấy cô hỏi Veronica Bermann:

– Bà vừa nói tên nhân tình của chồng bà là gì cơ?

– Tôi xin nhắc lại. Tên của con đàn bà lăng loàn đó là Priscilla.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.