Kẻ Nhắc Tuồng

Chương 9 – Phần 2



Mila không nói tiếng nào. Tất cả những chuyện này khiến cô căng thẳng. Cô hít thật sâu và siết chặt nắm đấm làm các khớp xương kêu răng rắc. Có một điều gì đó không hợp lý, nhưng cô không tài nào xác định được. Goran quay sang cô trong một thoáng, như thể rất bứt rứt về cái nhìn của cô. Mila vờ như không nhận thấy điều đó.

Trong khi chờ đợi, không khí trong căn phòng bắt đầu nóng dần. Boris trút giận vào Rosa vì cú thử nghiệm vô ích.

– Nếu chị nghĩ có thể tồn tại một hàng rào ngăn chặn truy cập, tại sao chị không thực hiện quy trình kết nối song song?

– Thế sao cậu không đề nghị chuyện đó lúc nãy?

– Tại sao? Chuyện gì đang xảy ra thế? – Giáo sư Goran hỏi.

– Chuyện là khi có một hệ thống bảo vệ như thế này thì ta không có cách nào truy cập được!

– Chúng ta sẽ thử chế ra một từ khóa mới và cố gắng lần nữa. – Sarah Rosa đề nghị.

– Thật á? Nhưng phải có đến hàng triệu tổ hợp ấy! – Boris chế nhạo.

– Cậu xéo ra chỗ khác đi! Cậu muốn đổ lỗi lên đầu tôi đấy à?

Mila im lặng chứng kiến màn quặc nhau của họ.

– Nếu ai có đề nghị hay định dạy dỗ gì, cứ việc nói ngay từ đầu có phải hơn không!

– Nhưng hễ ai nói một chữ là chị lại nhảy chồm chồm lên!

– Này, Boris, khôn hồn thì biến! Tôi có thể cho cậu…

– Cái gì thế này?

Câu nói của Goran rơi xuống như một thanh chắn giữa hai đối thủ. Giọng điệu của ông không hoảng hốt, cũng không sốt ruột như Mila tưởng, nhưng nó vẫn có hiệu quả để buộc hai người kia phải im lặng.

Nhà tội phạm học đang chỉ một thứ gì đó phía trước mặt. Nhìn theo cánh tay phải của ông, mọi người lại một lần nữa chú ý màn hình máy tính.

Nó không còn đen ngòm nữa.

Ở góc trên bên trái, một hàng chữ xuất hiện.

“a do ha?”

– Khỉ thật! – Boris rủa.

– Này, có chuyện gì thế? Ai đó giải thích cho tôi nghe được không? – Goran hỏi lại một lần nữa.

Rosa lại ngồi vào trước màn hình, đưa tay vào bàn phím.

– Chúng ta đã vào được. – Cô thông báo.

Những người khác xúm lại quanh cô để nhìn cho rõ hơn.

Dấu chuột trên hàng chữ vẫn tiếp tục nhấp nháy, như thể đợi một câu trả lời cho đến lúc này vẫn chưa xuất hiện.

“a ha?”

– Tóm lại, ai đó có thể giải thích cho tôi chuyện đang diễn ra được không? – Goran sốt ruột nói.

Rosa nhanh chóng đưa ra lời giải thích:

– Đây là một cái cổng.

– Nghĩa là sao?

– Cổng truy cập. Rõ ràng chúng ta đang vào trong một hệ thống phức tạp. Trên màn hình là một hộp thoại: một kiểu chát… Ở đầu bên kia có một kẻ nào đó.

– Và kẻ đó muốn nói chuyện với chúng ta… – Boris nói thêm.

– Hay đúng hơn là với Alexander Bermann. – Mila đính chính.

– Vậy thì còn đợi gì nữa? Trả lời đi! – Stern vội vàng nói.

Giáo sư Gavila nhìn Boris: anh chàng cảnh sát chính là chuyên gia thương thuyết. Anh tiến đến đứng sau lưng Rosa để nhắc cho cô dễ hơn.

– Cứ trả lời là chị đang ở đây.

Rosa gõ phím:

“Uh, anh day”

Họ đợi một vài giây. Sau đó một hàng chữ khác xuất hiện trên màn hình.

“ko co tin gi cua a, e lo wa”

Boris đọc tiếp một câu trả lời khác cho Rosa. Anh nhắc cô viết chữ thường, giống như kẻ đối thoại, do rằng một số người thấy e ngại khi đối phương dùng chữ hoa. Mà họ thì đang muốn kẻ kia cảm thấy thoải mái.

“a ban lam, e sao roi?”

“ho hoi e nhiu lem, nhung e ko noi gi het”

Người nào đó đã đặt câu hỏi? Về chuyện gì?

Mọi người, đặc biệt là giáo sư Goran, lập tức có cảm giác là người mà họ đang đối thoại có dính líu đến một điều gì đó mờ ám.

– Có thể hắn đã bị cảnh sát hỏi thăm, nhưng rồi họ thấy không cần thiết phải bắt giữ hắn lại. – Rosa phỏng đoán.

– Hoặc có thể là họ không có đủ bằng chứng. – Stern ủng hộ ý kiến của Rosa.

Trong đầu mọi người bắt đầu vẽ lên hình ảnh kẻ tòng phạm của Bermann. Mila nhớ lại chuyện đã xảy ra ở nhà nghỉ, khi cô cảm thấy bị bám theo. Cô chưa tiết lộ chuyện này với ai, do sợ rằng đó chỉ là ảo giác.

Boris quyết định hỏi người đối thoại bí mật:

“ai hoi e?”

Bên kia ngừng một chút.

“ho”

“ho la ai?”

Không có câu trả lời. Boris quyết định phớt lờ sự im lặng và thử đi vòng qua chướng ngại vật bằng cách đặt một câu hỏi khác.

“e da noi gi voi ho?”

“e noi voi ho chien a dan e, vay la ok”

Ngoài sự tối nghĩa của từ ngữ sử dụng, Goran còn lưu ý các lỗi chính tả mà kẻ kia liên tục mắc phải.

– Đây có thể là một kiểu mật mã nhận diện. – Ông lý giải. – Có thể hắn cũng chờ đợi chúng ta phạm các lỗi chính tả tương tự. Nếu như chúng ta không làm thế, hắn có thể chấm dứt đối thoại.

– Có lý đấy. Chị hãy bắt chước lối viết và các cách sử dụng từ ngữ của hắn. – Boris nhắc Rosa.

Trong lúc đó, một hàng chữ khác xuất hiện trên màn hình.

“e da chun bi moi thu nhu a dan. e mun di lem. bao gio a?”

Cuộc đối thoại này chẳng đưa họ tới đâu cả. Vậy nên Boris bảo Rosa trả lời là hắn sẽ sớm biết “thời điểm”, nhưng lúc này cần phải ôn lại kế hoạch để bảo đảm là nó trót lọt.

Mila thấy đó là một ý rất hay. Làm như thế, họ có thể thu được thêm thông tin về kẻ mà họ đang đối thoại. Một lát sau, hắn hồi âm:

“ke hoach la: ra khoi nha ban dem de ko ai thay. 2h ra dau duong nup trong bui cay doi. a se nhay den xe 3 lan de e chui ra”

Chẳng ai hiểu chuyện gì. Boris nhìn quanh dò hỏi. Mắt anh chạm mắt giáo sư Goran.

– Giáo sư, ông nghĩ sao?

Nhà tội phạm học suy nghĩ một lúc.

– Tôi không biết nữa… Có một thứ gì đó không ổn, nhưng tôi không tài nào chộp được nó.

– Tôi cũng thế, tôi cũng có cùng cảm giác như thế. – Boris đáp. – Kẻ ở đầu bên kia… có thể nói là hắn bị chậm phát triển trí tuệ hoặc là thiểu năng tâm lý.

Goran tiến lại gần Boris hơn nữa.

– Cần phải buộc hắn lộ diện.

– Bằng cách nào?

– Tôi không biết nữa… Cứ bảo hắn là anh không chắc chắn được, rằng anh tự hỏi liệu có nên chấm dứt mọi chuyện. Cứ bảo hắn “họ” cũng đang sờ gáy anh, sau đó yêu cầu hắn cung cấp một minh chứng… Chẳng hạn, bảo hắn gọi điện cho anh theo một số an toàn!

Rosa vội vã đánh máy. Sau đó suốt một lúc lâu, dòng hồi đáp trên màn hình chỉ có dấu nháy. Rồi rốt cuộc câu trả lời cũng xuất hiện.

“e ko goi dien dc. ho nghe len”

Rõ quá rồi: hoặc hắn rất khôn ranh, hoặc hắn sợ bị rình mò thật.

– Thúc ép hắn. Xoay đường khác. Tôi muốn biết “họ” ở đây là ai. – Goran nói. – Hỏi hắn xem “họ” đang ở đâu lúc này.

Câu trả lời đến ngay lập tức.

“ho o gan lem”

– Hỏi hắn xem gần đến mức nào? – Goran nhấn mạnh.

“ho o ke ben e”

– Nhưng thế là thế nào? Khỉ thật! – Boris văng tục, anh cáu tiết đưa tay lên ôm lấy gáy.

Rosa ngả người dựa vào lưng ghế, lắc đầu chán nản.

– Nếu như “họ” ở gần hắn đến thế, và lại đang trông chừng hắn nữa, tại sao họ không nhìn thấy những điều hắn đang viết?

– Vì họ không thấy những gì chúng ta đang thấy. – Mila đáp.

Cô hài lòng nhận thấy mọi người không quay lại để nhìn cô như nhìn một bóng ma vừa lên tiếng. Nhưng ngược lại, nhận xét của cô làm cho cả nhóm chú ý trở lại.

– Ý cô là thế nào? – Giáo sư Gavila hỏi.

– Chúng ta cứ nghĩ là hắn cũng giống như chúng ta, đang ngồi trước một màn hình đen. Nhưng theo tôi nghĩ, hộp thoại của hắn nằm trong một trang mạng cùng với nhiều thứ khác, có thể là những hình trang trí chuyển động, các văn bản hoặc hình ảnh… Đó là lý do mặc dù “họ” ở rất gần, nhưng vẫn không nhận ra hắn đang trao đổi với chúng ta.

– Cô ấy nói có lý! – Stern thốt lên.

Một không khí sảng khoái kỳ lạ lại tràn ngập trong phòng. Giáo sư Goran nói với Rosa:

– Ta có thể thấy những gì hắn thấy được không?

– Tất nhiên rồi. – Rosa đáp. – Tôi sẽ gửi cho hắn một tín hiệu nhận biết, và khi máy tính của hắn gửi lại, chúng ta sẽ có địa chỉ trang web mà hắn đang kết nối.

Trong lúc nói, cô đã kịp mở điện thoại di động để tạo một kết nối mạng thứ hai.

Một lúc sau, trên màn hình xuất hiện dòng chữ:

“a con o do ko?”

Boris nhìn Goran:

– Ta trả lời thế nào đây?

– Tìm cách câu giờ. Nhưng đừng để hắn nghi ngờ.

Boris viết cho hắn, bảo đợi một lát vì có người gọi cửa nên phải ra mở.

Trong lúc đó, trên điện thoại của mình, Sarah Rosa đã sao chép thành công địa chỉ Internet mà kẻ kia đang vào để chát.

– Đây rồi, ta tìm ra rồi… – Cô thông báo.

Cô đưa các thông tin vào trong cửa sổ truy cập và nhấn nút “chạy”. Sau một vài giây, một trang web xuất hiện.

Không ai rõ liệu sự kinh ngạc hay nỗi kinh hoàng đang làm mọi người câm lặng.

Trên màn hình, những con gấu đang nhảy múa cùng với bầy hươu cao cổ, hà mã dùng chân đánh trống châu Phi theo nhịp và một con tinh tinh chơi đàn ukulele. Âm nhạc tràn ngập căn phòng. Giữa không gian rừng xanh, một con bướm đủ màu sắc chào mừng sự kết nối của họ.

Tên của nó là Priscilla.

Tất cả mọi người không tin nổi vào mắt mình và hoàn toàn câm lặng. Boris ngước mắt nhìn màn hình máy tính, nơi một câu hỏi vẫn đang nhấp nháy:

“a con o do ko?”

Chỉ đến giây phút đó, anh mới có thể thốt ra những chữ đau lòng:

– Chó chết… Đây là một đứa trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.