Khám Phá Luật Hấp Dẫn Để Mở Khóa Thành Công

Chương 5: ĐỊNH LUẬT GIÀU SANG: KHÔNG AI PHẢI NGHÈO



Một trong những suy nghĩ sai lầm nhất len lỏi vào tư duy con người chính là: không có đủ mọi thứ cho tất cả mọi người, rằng hầu hết mọi người trên Trái đất này đều phải nghèo khổ để một số ít người khác được giàu sang. Suy nghĩ này bắt nguồn từ giả thiết bi quan rằng tất cả mọi người đều giàu có và thành công là điều không thể; rằng những gì mà con người khát khao nhất là hữu hạn; và vì không có đủ cho tất cả mọi người nên một số ít người sẽ tranh đấu một cách ích kỷ “vì mọi thứ”, và những người nhanh nhạy nhất, nhìn xa trông rộng nhất, mạnh mẽ nhất sẽ chiếm được gần hết mọi thứ. Lý thuyết này hoàn toàn sai lầm và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của mọi cá nhân trong cộng đồng.

Sự thật là, nghèo khổ là một chứng bệnh tinh thần chứ không phải là điều Thượng đế an bài, và nếu muốn cả nhân loại cùng đi lên thì ta phải đẩy lùi thứ bệnh này ra khỏi tâm trí. Thay vì cam chịu nó như một số người vẫn làm, nhiệm vụ của chúng ta là tránh xa nó và giúp mọi người cũng làm được như vậy. Giống như mọi thứ bệnh tật khác, nghèo khổ là hậu quả chính của vô tri. Mọi người trên Trái đất đều có thể sống sung túc nếu ý thức được nguồn sức mạnh tiềm ẩn của bản thân, sẵn sàng lao động và tận dụng nguồn sức mạnh đó.

Cách đây không lâu, một người đàn ông trung niên nói với tôi rằng ông ta không mong chờ gì hơn việc không phải ghé đến trung tâm trợ cấp xã hội nữa và có đủ tiền trang trải cho gia đình bé nhỏ của mình. Ông tin rằng cả đời mình sẽ không bao giờ được hưởng giàu sang phú quý, ông chấp nhận từ trước đến nay ông luôn là người nghèo và sẽ nghèo mãi.

Đó chính xác là điều khiến người đàn ông này nghèo khổ, bởi ông vốn là một người chăm chỉ. Ông luôn nghĩ rằng mình sẽ nghèo. Ông chỉ làm đủ để trang trải những nhu cầu cơ bản nhất, chứ không kỳ vọng có thêm gì khác, và tất nhiên ông chỉ có thể kiếm sống qua ngày. Thái độ này của người nghèo đối với cái nghèo có xu hướng khiến họ càng nghèo thêm, làm trầm trọng thêm căn bệnh của họ. Khi người ta vẫn nghĩ như vậy về cái nghèo, họ đang biến mình thành thỏi nam châm hút lấy cái nghèo và không ngừng đẩy bản thân vào những tình cảnh khó khăn mà chính họ muốn tránh.

Bản thân cái nghèo không tồi tệ bằng tư tưởng về cái nghèo. Điều tai hại là, người nghèo tin rằng họ nghèo và mãi mãi không thể thoát nghèo. Chính thái độ mới là điểm mấu chốt, vì họ luôn hướng tới cái nghèo và không chịu quay đầu cố gắng thoát khỏi nó.

Không gì làm tê liệt sức mạnh và hoài bão như sự cam chịu nghịch cảnh, thay vì thế ta nên nhìn nhận nó là bất bình thường và cố gắng thoát khỏi nó. Nghèo khổ chính là một tình cảnh bất thường. Nó bất thường với con người cũng như bệnh tật là bất thường đối với cơ thể. Thất bại cũng vậy. Sợ hãi, lo lắng, băn khoăn đều là các chứng bệnh tinh thần. Ta không phó mặc số phận mình cho chúng. Bên trong mỗi người đều có sức mạnh để chữa lành các chứng bệnh đó. Chính trong tâm trí, ta sẽ tìm thấy kháng thể cho thứ vi rút gây ra các chứng bệnh tai hại đối với năng suất, sức khỏe, hạnh phúc và phồn vinh.

Nếu đang mắc phải chứng bệnh nghèo khổ thì bạn không cần cầu cứu bác sĩ. Bạn có thể là bác sĩ của chính mình. Bạn có thể chữa lành cho chính mình.

ĐỊNH LUẬT PHỒN VINH

Một phụ nữ nghèo sống ở một vùng quê hẻo lánh mới chuyển tới một thị trấn nhỏ, tại đó bà có một căn nhà mới được chiếu sáng bằng đèn điện. Bà chưa từng nhìn thấy đèn điện bao giờ, và những chiếc bóng đèn nhỏ xíu sáng bằng tám ngọn nến đối với bà là một điều kỳ diệu.

Một ngày nọ, một người đàn ông tới chào bán một loại bóng đèn mới và đề nghị bà cho phép ông ta thay một bóng đèn của bà bằng một bóng đèn sáng bằng 60 ngọn nến. Bà đồng ý, và khi đèn được bật lên, bà sững sờ. Với bà, đó như là phép màu vậy, một chiếc bóng đèn nhỏ lại có thể tỏa ra ánh sáng tuyệt vời đến vậy, gần như ánh sáng Mặt trời. Bà chưa bao giờ nghĩ rằng nguồn sáng rực rỡ này vẫn luôn ở ngay đó bao lâu nay, rằng thứ ánh sáng này sinh ra từ cùng một nguồn điện đã thắp sáng chiếc bóng đèn sáng bằng tám ngọn nến của bà.

Vô số người sống cả đời mà không hề biết đến sức mạnh của mình, cũng như người phụ nữ nọ không biết đến sức mạnh của dòng điện. Họ không tận dụng được nguồn lực dồi dào mà họ làm chủ, cũng như người phụ nữ kia không tận dụng được dòng điện.

Nguồn lực dồi dào, vô tận đang chảy qua ngay trước ngưỡng cửa nhà họ, nó có thể mang đến tất cả những thứ tốt đẹp mà họ mong mỏi; nhưng họ không kết nối được với nó, vì vậy họ chỉ hứng được vài giọt khi đáng ra có thể có được vô số.

Dường như họ nghĩ rằng nếu có được nguồn điện sáng bằng bốn hay tám ngọn nến thì đó là tất cả những gì họ có thể có được, hoặc đó là tất cả những gì họ mong muốn. Họ không bao giờ nghĩ rằng vấn đề không phải là ở dòng điện mà chính ở những bóng đèn mà họ đang dùng.

Giờ thì, bạn của tôi ơi, định luật giàu sang, phồn vinh cũng rõ ràng như định luật vạn vật hấp dẫn và cũng hoạt động y như vậy. Nguyên tắc đầu tiên là tinh thần. Của cải được tạo ra trước hết từ tinh thần, nó được hình thành trong tư tưởng trước khi trở thành hiện thực.

Nếu tất cả những người lâm vào cảnh nghèo khổ trên thế giới hôm nay ngừng nghĩ về nghèo đói, ngừng lo lắng và sợ hãi, nếu họ gạt bỏ những suy nghĩ về nghèo khổ khỏi tâm trí, nếu họ cắt đứt mọi kết nối với cái nghèo trong tinh thần và thay thế chúng bằng những suy nghĩ về giàu sang, phú quý, bằng thái độ sống hướng tới giàu sang thì chẳng mấy chốc hoàn cảnh của họ sẽ đổi thay.

Chính sự chìm đắm trong lo lắng, sợ hãi về nghèo đói là điều hút ta về phía nó và hút nó về phía ta. Chúng ta đã tự cắt đứt nguồn điện của mình và thiết lập kết nối với sự nghèo khó.

 

Bạn sẽ chẳng bao giờ là ai khác ngoài một kẻ nghèo khổ nếu cứ giữ những suy nghĩ của kẻ thất bại. Chính sự vô vọng làm chúng ta thoái chí và giết chết hoài bão của chúng ta. Bạn không thể nỗ lực hết sức, không thể thành công khi trong tâm trí chỉ toàn những suy nghĩ về thất bại.

Giờ thì, bạn của tôi ơi, định luật giàu sang, phồn vinh cũng rõ ràng như định luật vạn vật hấp dẫn và cũng hoạt động y như vậy. Nguyên tắc đầu tiên là tinh thần. Của cải được tạo ra trước hết từ tinh thần, nó được hình thành trong tư tưởng trước khi trở thành hiện thực.

Mấu chốt của sự phồn vinh là mối liên hệ không thể tách rời của chúng ta với sức mạnh của vũ trụ, biến chúng ta thành kẻ hợp sức với Đấng sáng thế. Chính cảm giác tách rời khỏi Đấng sáng thế đã khiến chúng ta cảm thấy mình nghèo khổ, yếu đuối, bất lực; khiến chúng ta cảm thấy rằng nguồn năng lượng sáng tạo ở bên ngoài chúng ta, bằng cách bí ẩn nào đó, chỉ một phần nhỏ của nó được một số ít những kẻ “may mắn”, “tốt số”, “có phúc” hấp thụ. Đó chính là điều cản trở ta đến với nguồn năng lượng vô hạn vốn là thứ ta được ban cho. Nhiều năm trước, Henry Ward Beecher đã nói rằng tư duy chính là đang sáng tạo cùng Chúa.

Trong mỗi người có một nguồn sức mạnh hỗ trợ cho thể chất chứ không bắt nguồn từ thể chất, vận hành với trí tuệ siêu phàm trong đại dương tư duy bao la, đó là nguồn cung bất tận đang tạo nên những phép màu, những phát minh trong nông nghiệp, thương mại và công nghiệp. Sức mạnh này hoạt động ở mọi nơi và sẽ nâng mọi thứ lên mức tối ưu.

CÓ ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU BẠN MUỐN

James Allen nói: “Những kẻ vô tâm, dốt nát, lười biếng, chỉ nhìn thấy được vẻ ngoài của sự vật chứ không thấy được bản chất sự vật đó sẽ chỉ nói đến vận may và số phận. Thấy người này trở nên giàu sang, họ nói: ‘Đúng là may mắn!’ Thấy người kia học rộng biết nhiều, họ bảo: ‘Số tốt làm sao!’ Thấy một nhân cách thánh thiện và tầm ảnh hưởng lớn lao của người khác, họ nhận xét: ‘Rõ là có quý nhân phù trợ!’ Họ không thấy được những thử thách và thất bại mà những người kia đã tự nguyện đối mặt nhằm tích lũy kinh nghiệm, không biết được những gì người khác đã hy sinh, những nỗ lực và niềm tin của họ.”

Có niềm tin vào con đường của chính mình và cố gắng nhận ra đó chính là thỏi nam châm thu hút thành công của John Wanamaker, giúp ông trở thành một phú thương. Khi chàng trai Wanamaker giao kiện vải đầu tiên của mình bằng một chiếc xe đẩy trên đường phố Philadelphia, cậu không phí thời gian và tâm trí vào việc ganh tị với người khác hay than thân trách phận. Cậu cũng không để tâm trí mình dính chặt lấy cảnh nghèo khó hay lo sợ rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh này. Ngược lại, cậu nghĩ tới một tương lai tốt đẹp hơn, và khi đi qua những cửa hàng to lớn lộng lẫy, cậu tưởng tượng cảnh bản thân là một thương gia giàu có và tin rằng đến một ngày cậu sẽ sở hữu một cửa hiệu to lớn và trở nên giàu có.

Mọi thứ mà con người đạt được, tất cả những thành tựu lớn lao nhất, những phát kiến vĩ đại nhất đều bắt đầu từ tâm trí. Thành công của tất cả những chàng trai, cô gái nghèo khổ bắt đầu từ những khao khát, từ lý tưởng mà họ đặt trọn niềm tin và can đảm để nuôi dưỡng, và họ đã vun đắp nó cho đến ngày đạt được ước mơ của mình.

Việc luôn tập trung suy nghĩ giải quyết những vấn đề khoa học vĩ đại đã đưa đến cho Edison niềm tin, giúp ông trở thành nhà phát minh vĩ đại. Tâm trí ông luôn hướng đến những phát minh và sẽ cố gắng để biến nó thành sự thật. Ông luôn hình dung mình ở cao hơn một chút, xa hơn một chút, và thành công của ông luôn là nhờ tầm nhìn và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Chúng ta phải thay đổi tư duy trước khi có thể thay đổi cuộc đời mình. Tư duy luôn dẫn lối cho thành tựu, và dù tình cảnh của bạn có cùng cực tới đâu thì bạn vẫn có thể ngay lập tức thay đổi tư duy.

Nếu bạn không tin mình có sức mạnh để bước đi thì bạn sẽ không đi được vì bạn không thử. Nếu bạn không tin mình có thể đạt được điều mình muốn thì bạn sẽ không đạt được nó. Phải đến khi bạn khuyến khích những mong muốn của mình và tin tưởng vào sức mạnh của mình có thể đạt được chúng thì chúng mới trở thành hiện thực. Bạn sẽ không thể thoát khỏi tình cảnh hiện tại cho đến khi bạn tin rằng mình có thể làm được. Giới hạn trong suy nghĩ của bạn chính là giới hạn của các khả năng.

Mặt khác, nếu bạn tin rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình, nếu bạn tin vào sợi dây liên kết không thể tách rời với ngọn nguồn của mọi ngọn nguồn thì bạn có thể chạm tới dòng chảy tinh thần vĩ đại của vạn vật và được hỗ trợ để đạt được những gì bạn mong muốn. Nguồn cung luôn ở đó.

Marshall Field đã nghĩ đến việc rời khỏi một cửa hiệu nhỏ ở vùng quê để nhận một chân thư ký ở Chicago. Rời bỏ vị trí thư ký, ông đã nghĩ đến việc cộng tác kinh doanh. Tiếp theo, ông hướng đến việc làm chủ cơ sở kinh doanh lớn nhất nước Mỹ, không ngừng trù tính và làm việc cho đến khi đạt được mục tiêu.

Câu chuyện của tất cả những người thành công đều giống nhau. Họ vạch ra trong tâm trí mục tiêu họ muốn đạt được. Họ không bao giờ để nó bị lu mờ; họ hình dung ra sự thành công của bản thân, và dù gặp phải bất cứ trở ngại nào, họ vẫn nỗ lực không ngừng hướng tới mục tiêu của mình. Dù có thể họ không ý thức được định luật nằm sau những gì mà họ thực hiện, nhưng họ đã tuân theo đúng định luật đó, và họ đã thành công.

Nếu bạn đang ở vào tình cảnh khốn khó cùng cực và nản lòng đến mức để nó cướp đi của bạn ngay cả tinh thần nỗ lực chạy thoát khỏi nó thì bạn đang tự đầu độc chính mình. Đây chính là nguyên nhân gây ra thất bại cho biết bao cuộc đời, xua đuổi hạnh phúc, sức khỏe và sự thịnh vượng.

Chúng ta phải thay đổi tư duy trước khi có thể thay đổi cuộc đời mình. Tư duy luôn dẫn lối cho thành tựu, và dù đang ở trong tình cảnh khốn cùng thì bạn vẫn có thể ngay lập tức thay đổi tư duy. Shakespeare đã nói: “Chính tinh thần sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh.” Tương tự, chính tâm trí suy sụp sẽ khiến cơ thể kiệt quệ. Bạn không chỉ phải nhớ rằng nghèo khổ là một chứng bệnh tâm lý mà còn phải nhớ rằng bản thân bạn có thuốc giải cho tâm trí nhiễm độc đó.

Nếu bạn đang khiến bản thân trở nên bần cùng, vô hiệu hóa các nỗ lực của mình bằng những suy nghĩ u ám, những lo lắng và nghi ngại, nỗi sợ cảnh túng thiếu, bệnh tật, bất hạnh hay chết chóc thì hãy xua chúng khỏi tâm trí, và thay vào đó, hãy hướng tới những điều ngược lại – sức khỏe, của cải, thành công, hạnh phúc. Hãy không ngừng thúc đẩy bản thân tránh xa những suy nghĩ về cái nghèo, về những khó khăn. Hãy nghĩ tới sự giàu có, và bất chấp giới hạn, bạn sẽ mở mang tâm trí và hướng dòng tư duy của mình tới một nguồn lực vô tận.

Nếu bạn muốn thăng tiến, tăng lương, muốn có tiền trả nợ hoặc có được những gì bạn cần thì hãy bám sát lấy hình ảnh thứ mà bạn đang nỗ lực đạt được, hãy làm việc vì nó và đừng bao giờ, dù chỉ một giây, nghĩ mình sẽ thất bại, chẳng mấy chốc điều bạn muốn sẽ đến với bạn.

Khi ta đã học được cách nhìn nhận cởi mở thay vì hạn hẹp, khi đã học được cách tư duy vượt giới hạn, không bó buộc bản thân thì ta sẽ thấy điều mà chúng ta đang tìm kiếm cũng đang đi tìm chúng ta.

Bạn chịu trách nhiệm với Đấng sáng thế đã ban cho bạn sự sống, sức khỏe, trí tuệ để bạn làm được điều gì đó, để cải thiện tình trạng của bạn. Khi con người giác ngộ được rằng Đấng sáng thế là ngọn nguồn của sự sung túc, là suối nguồn của tất cả những gì tốt đẹp và đáng mơ ước, và rằng chúng ta, những đứa con của Ngài, phải là một phần không thể hủy diệt của ngọn nguồn này, ta sẽ không bao giờ còn biết đến khốn khó hay cơ cực nữa.

“TÔI CHÍNH LÀ THÀNH CÔNG”

“Lời nói của tôi là linh hồn và chúng là sự thực. Chúng sẽ không quay trở lại với tôi trong sự trống rỗng mà sẽ hoàn thành sứ mệnh mà chúng được giao phó.” Có một sức mạnh bí ẩn trong lời nói, trong lời khẳng định mạnh mẽ về một suy nghĩ, gây ấn tượng sâu đậm lên tiềm thức, lên nửa kia trong chúng ta, và những sức mạnh tiềm ẩn trong chúng ta bắt đầu hoạt động để biến điều chúng ta khẳng định trở thành sự thực. Có một sức mạnh lớn lao trong lời khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn, nó được những nỗ lực bền bỉ hỗ trợ để mang lại điều ta mong muốn.

Ai có thể đoán định được nguồn sức mạnh lớn lao, bền vững đã hỗ trợ cho Lincoln vào ngày 22 tháng Chín năm 1862, sau khi đã quyết định ban hành Tuyên ngôn giải phóng nô lệ, ông nói: “Tôi đã hứa trước Chúa rằng tôi sẽ làm vậy”? Ông không chỉ nói ra câu đó mà còn đưa lời thề long trọng đó vào nhật ký của mình: “Tôi đã hứa trước Chúa rằng tôi sẽ làm vậy.”

Nếu những người trẻ hiểu được sức mạnh của sự quả quyết, của sự kiên định trong tâm trí, và thường xuyên khẳng định bằng lời nói rằng họ chính là người mà họ muốn trở thành, rằng họ có thể làm được những gì họ muốn làm thì điều đó sẽ thay đổi cả cuộc đời họ, giúp họ vượt qua mọi thách thức và đưa họ tới những tầm cao thậm chí vượt xa ước mơ lớn nhất của họ.

Chúng ta có thể trò chuyện với con người bên trong hoặc phần khác trong con người chúng ta, giống như nói chuyện với một đứa trẻ: chúng ta có thể gây ấn tượng về những gì mà chúng ta muốn trở thành, muốn làm, muốn đạt được, rồi nó sẽ lắng nghe và làm theo gợi ý của ta.

Khả năng của bạn sẽ tăng theo sự tự tin khi khẳng định những gì bạn quyết tâm trở thành hoặc đạt được. Mặc cho người khác nghĩ hay nói gì về bạn hay cố làm bạn thoái chí, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn không thể làm những gì bạn muốn làm. Hãy quả quyết rằng trên thế giới này có một vị trí dành riêng cho bạn, nơi mà chỉ bạn đảm nhận được, và bạn sẽ đảm nhận nó. Hãy tập cho bản thân kỳ vọng những điều lớn lao ở chính mình. Đừng bao giờ thừa nhận rằng bạn sinh ra chỉ để làm những việc tầm thường.

Khả năng của bạn sẽ tăng theo sự tự tin khi bạn khẳng định những gì bạn quyết tâm trở thành hoặc đạt được.

Dù trong quá khứ bạn đã mắc phải những sai lầm hay thất bại nào thì cũng hãy quay lưng lại với chúng và khẳng định khả năng làm chủ các tình huống của bạn.

Mới đây, một thanh niên trẻ tuổi tài cao có vị thế vững chắc trong giới kinh doanh có kể với tôi rằng cậu từng phải sống trong cảnh nghèo khổ trong một thời gian dài, cho đến khi cậu khẳng định rằng mình sinh ra không phải để sống một cuộc sống khổ cực, rằng nghèo đói là một căn bệnh tinh thần mà cậu sẽ tự mình loại bỏ. Cậu tập khẳng định niềm tin vào bản thân và vào khả năng trở thành một người đàn ông có tiền tài và địa vị của mình.

Thay vì tự ép mình ăn những đồ ăn rẻ tiền nhất, mặc những bộ đồ nhàu nhĩ và sống ở những khu nhà ổ chuột thì cậu đã thay đổi hoàn toàn các thói quen của mình. Cậu kiếm một căn phòng ở một địa điểm tốt và bắt đầu ăn vận chỉn chu hết mức, lui tới những nhà hàng tử tế và cố gắng bằng mọi cách có thể gặp được những người có văn hóa và kết thân với những người ở tầng lớp trên, những người có thể giúp cậu tiến bộ.

Kết quả là cậu càng hào phóng với bản thân thì càng nhiều thứ đến với cậu. Chính suy nghĩ về sự sung túc và luôn khẳng định quyền có được những thứ tốt đẹp mà cậu cần đã mang cậu đến với nguồn lực to lớn hơn.

Cách để biến lý tưởng thành hiện thực là không ngừng suy nghĩ về nó. Cách để sung túc là luôn giữ suy nghĩ về nó trong tâm trí, luôn tự nhủ: “Tôi là toàn bộ gia tài của Chúa.” “Ngài là người dẫn dắt tôi, tôi sẽ không túng quẫn.” Nếu tất cả đều là sự thật (và bạn biết rằng đó là sự thật) thì bất cứ cảnh bần hàn cơ cực nào trong đời bạn cũng đều là bất thường.

NHỮNG GÌ CON NGƯỜI LỚN LAO TRONG BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC

Một nhà khoa học uyên bác nọ tặng một cái kén cho một người bạn rất hứng thú với bộ sưu tập bướm của ông và nói rằng nó sẽ biến thành một con bướm rất đẹp và hiếm gặp – nhưng phải để nó phát triển, quan sát nó cẩn thận và ghi chép lại những giai đoạn phát triển của nó.

Người bạn đó quan sát cái kén và sau một thời gian anh ta nhận thấy vỏ kén dần mỏng đi và trở nên trong suốt, rồi anh thấy được ấu trùng bên trong. Chẳng bao lâu anh thấy con ấu trùng bắt đầu chuyển động, và mỗi ngày chuyển động một nhiều hơn, cho đến một ngày anh thấy nó đang cố gắng thoát ra khỏi vỏ kén. Đôi khi, anh phải cố kìm nén cám dỗ phá bỏ cái kén, nhưng cuối cùng sự tò mò đã chiến thắng, anh đã dùng kim châm vào lớp kén. Chẳng mấy chốc, con bướm xinh đẹp mà người bạn của anh miêu tả đã xuất hiện, nó yếu ớt vẫy cánh bay lên rồi rơi xuống và, không bao giờ còn bay được nữa.

Nhà khoa học nói với bạn mình rằng bằng việc giúp con bướm thoát ra khỏi vỏ kén, anh đã cướp đi nỗ lực mà nó cần để có được sức mạnh cho đôi cánh tung bay. Việc giúp đỡ sinh vật xinh đẹp ấy đã hủy hoại nó. Tự nỗ lực là điều cần thiết đối với sự phát triển của con người cũng như đối với loài bướm, và đó là một trong những may mắn của loài người. Chính việc mở ra khả năng, cá tính, thứ duy nhất không ngừng kích hoạt những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, chính những phẩm chất đó khiến con người trở nên phi thường.

Chúng ta làm việc hiệu quả nhất là khi vật lộn để đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta nỗ lực mạnh mẽ nhất, cố gắng nhất khi đang leo lên đỉnh chứ không phải sau khi đã chạm đến mục tiêu. Đây là lý do vì sao con cái của những người giàu có hiếm khi đạt được thành công cá nhân nào. Mọi thứ mà phần con người trong chúng ta khao khát đều đã được chuẩn bị cho họ. Họ thiếu động cơ để leo lên, thiếu cái thôi thúc mãnh liệt, thiếu tham vọng mạnh mẽ thúc đẩy ta đạt được những gì mình mong muốn. Gia tài mà một người cha tỷ phú để lại cho con mình thường làm thoái chí, làm lu mờ mọi lý tưởng và hủy hoại khả năng tự lực cánh sinh của người con. Nó cướp đi của người con động lực đã thúc đẩy con cái trong các gia đình nghèo khó làm nên việc lớn, khiến cho cuộc đời chúng trở nên có ý nghĩa.

Trước mặt tôi là lá thư từ một nhân viên trong một doanh nghiệp lớn, anh than vãn rằng anh đã làm mãi một vị trí trong nhiều năm liền mà không hề được tăng lương hay thăng chức. Anh nói: “Tôi làm việc cũng tốt như mọi đồng nghiệp khác trong phòng, nhưng mọi người khác đều được thăng tiến trong khi tôi vẫn mãi giậm chân ở vị trí ban đầu. Vấn đề là họ có động lựcthôi thúc, còn tôi thì không. Tôi phải làm gì để tiến lên?” Giờ thì tôi tin chắc rằng vấn đề ở chàng trai này, thứ đang ghìm chân anh, cũng như hầu hết các trường hợp tương tự, là nhân tố bên trong chứ không phải bên ngoài anh ta.

Nhiều người trẻ đang sống vật vờ, chờ đợi điều gì đó xuất hiện, chờ ai đó thúc đẩy họ, trong khi những người khác, dù có ít cơ hội hơn so với họ, lại có thể tự đưa bản thân ra khỏi cảnh bần hàn. Vấn đề đối với hầu hết mọi người là ở chỗ họ tin rằng cánh cửa dẫn đến hoài bão, cánh cửa vốn ở ngay trước mặt họ, đang bị đóng lại; rằng nếu họ không có được sự thôi thúc, không có một người nào đó giúp họ đặt bước chân đầu tiên vào đời thì họ sẽ không bao giờ mở được cánh cửa đó. Họ không nhận ra rằng không ai đóng cánh cửa đó lại ngoài chính họ. Đấng sáng thế đã nói với bạn, với tôi, với tất cả chúng ta rằng: “Ta đã đặt trước các con một cánh cửa rộng mở mà không ai có thể đóng lại.” Không ai có thể đóng sập cánh cửa dẫn đến hoài bão chính đáng, đến một cuộc đời rộng mở, đủ đầy hơn ngoài chính chúng ta.

Không có chướng ngại nào, không có khó khăn nào, không có sức mạnh nào trên Trái đất, không gì ngoài chúng ta có thể vô hiệu hóa lời hứa của Chúa với loài người. Nhưng đó chính là điều mà rất nhiều người trong chúng ta đang làm, bằng những sự nghi ngờ, lo sợ, bằng sự thiếu niềm tin vào Đấng sáng thế và vào chính mình, hoặc do không biết sử dụng những công cụ mà Ngài đã trao cho chúng ta để biến những mong muốn của chúng ta thành sự thực.

Hãy bắt đầu ngay bây giờ, đừng chờ đợi bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Với những công cụ mà bạn có, áp dụng định luật giàu sang và dùng tới nguồn lực siêu phàm, bạn hoàn toàn có thể “biến đổi” hoàn cảnh của bạn trong vòng một năm. Bạn có thể ở bên kia cánh cửa mà bạn nghĩ đã đóng kín. Nó sẽ rộng mở khi bạn sẵn sàng bước vào, nghĩa là, khi bạn đã trả phí vào cửa. Không ai có thể cho bạn tấm vé miễn phí, và vé vào cửa không thể chuyển từ người này sang người khác. Bạn phải tự mình trả tiền vé, nếu không thì phải ở ngoài. Cái giá ở đây là nỗ lực của bản thân. Nếu bạn cam kết mà không thực hiện, tin tưởng mà không nỗ lực, vạch ra mục tiêu mà không chịu bắt tay vào biến nó thành hiện thực thì cũng chẳng bao giờ đi được đến đâu.

Như Samuel Smiles, tác giả cuốn Self-help (tạm dịch: Tự lực) đã nói: “Nếu bạn chỉ dừng lại ở mong muốn và ước mơ thì chúng sẽ mọc rêu trong tâm trí bạn, trừ khi bạn thực hiện chúng ngay lập tức.” Thay vì mơ ước và chờ đợi người khác giúp mình, hãy kêu gọi sức mạnh siêu phàm bên trong bạn và tự nhủ: “Tôi có thể và sẽ trở thành những gì mà tôi mong muốn”, hãy chứng minh tuyên bố đó bằng hành động, và chiến thắng đã thuộc về bạn, không khó khăn nào có thể giữ chân bạn, không trở ngại nào có thể đóng cánh cửa dẫn đến mục tiêu của bạn.

Hãy nghĩ đến những gì mà Helen Keller – người từng được mệnh danh là “người tuyệt vời nhất thế giới” – đã đạt được, mặc cho những trở ngại nếu so với chúng thì những khó khăn của bạn quá nhỏ bé. Khiếm thị và khiếm thính, nhưng từ năm bảy tuổi bà đã theo học một giáo viên tài năng là cô Sullivan, và chỉ trong vòng sáu tháng cô bé đã biết đọc và biết viết. Mười sáu tuổi, cô bắt đầu nhập học trường Radcliffe. Tuy không thể nghe thấy giọng của chính mình nhưng Helen Keller đã học nói, và từ khi tốt nghiệp trường Radcliffe năm 1904, cô đã giảng dạy tại các trường công lập và viết nghiên cứu về rất nhiều lĩnh vực. Bà đã cống hiến cuộc đời mình cho những người khiếm thị và khiếm thính, động viên và giúp đỡ họ vượt qua những khiếm khuyết của bản thân trong khi chính bà cũng đang nỗ lực vượt qua những khiếm khuyết của chính mình.

Ai có thể đóng lại cánh cửa tri thức của cậu bé nghèo Fred Douglass, người đã học đọc từ các bức áp phích và các mẩu giấy trong một trại nô lệ vào thời mà việc dạy học cho nô lệ bị coi là phạm tội? Không có thứ “may mắn”, “số phận” hay “định mệnh” nào, không có sức mạnh nào của con người có thể đóng lại cánh cửa cơ hội của cậu bé da đen này sau khi cậu học được bảng chữ cái. Cậu cứ thế bước từ cánh cửa này qua cánh cửa khác, cho đến khi thu hút được sự chú ý của tổng tống Mỹ, người đã bổ nhiệm cho cậu làm công sứ tại một trong các nước cộng hòa Nam Mỹ.

Ai có thể kìm chân “Stonewall” Jackson từ khi còn là sinh viên ở West Point, ông đã tập hợp cho mình những quy tắc nhất định, chẳng hạn: “Bạn có thể trở thành bất cứ ai mà bạn quyết tâm trở thành.” Chính nhờ sống đúng theo quy tắc này, bất chấp mọi thất vọng và chướng ngại mà Jackson đã trở thành một trong những nhân vật anh hùng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có một câu chuyện về cuộc đời ông như sau: “Ông xuất hiện ở West Point, theo lời người em út, rất giản dị – một người lóng ngóng, vụng về, nhưng với một khuôn mặt cương nghị mà trên đó người ta đọc được “Tôi sẽ kiên trì”. Toán là môn học yêu thích của ông, nhưng ông học kém đến mức ông sợ rằng mình sẽ trượt kỳ thi đầu tiên sau khi nhập học, vì vậy ông học thâu đêm dù bạn bè đã ngủ từ lâu. Ngay trước khi có chuông báo tắt đèn đi ngủ, ông chất đống củi vào lò sưởi, rồi khi đèn tắt, ông nằm rạp trên sàn nhà, ghé sát vào ngọn lửa để học cho đến khi nào lửa tắt mới thôi.” Một người trẻ nỗ lực vì mục tiêu của mình với năng lượng và quyết tâm sắt đá cùng niềm tin vào bản thân không thể lay chuyển thì sao có thể không thành công?

Bạn sẽ không bao giờ làm nên việc lớn cho đến khi bạn tin vào nguồn lực của bản thân và tuân theo quy luật tối thượng của vũ trụ, đó là không ngừng phát triển tới giai đoạn phát triển cao hơn. Dù họ có ý thức được điều này hay không thì đây chính là bí quyết thành công của tất cả những người đã vươn lên trong cuộc sống bất chấp nghịch cảnh và trở ngại.

Dù bạn có làm gì thì sẽ luôn có rất nhiều người cho rằng bạn sẽ thất bại. Họ sẽ nói rằng bạn không bao giờ gây dựng nổi một doanh nghiệp mà không có một số vốn cực lớn cũng như sự trợ giúp từ bên ngoài trong thời buổi cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, rằng bạn sẽ không thể học xong đại học, rằng bạn không bao giờ có thể trở thành người mà bạn mong muốn và ước ao trở thành. Bạn sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại, bạn sẽ có thể gặp phải rất nhiều sự phản đối, và bạn phải có tinh thần thép và niềm tin sắt đá để tiếp tục hướng tới mục tiêu của mình. Nhưng niềm tin vào bản thân, được ủng hộ bởi nguồn sức mạnh chỉ lối đưa đường cho cả vũ trụ, đã là quá đủ. Không gì khác có thể giúp bạn chiến thắng.

Chính niềm tin không thể lay chuyển vào những nguồn lực của chính mình, vào tài trí và khả năng của mình đã biến H. Gordon Selfridge trở thành một trong những thương gia vĩ đại nhất thế giới. Chàng trai Selfridge đã có được kiến thức về các nguyên tắc và phương pháp kinh doanh từ Công ty Marshall Field ở Chicago, nhưng chính ở thành phố London thủ cựu, trầm lặng, bằng những phương pháp kinh doanh táo bạo và độc đáo, ông đã có được danh tiếng và thành công. Ở đó, mặc cho những sự phản đối mạnh mẽ nhất, ông đã xâm nhập được vào khu mua sắm thời trang lớn nhất và mở được một cửa hàng năm tầng. Nhiều người đã dự đoán về thất bại của ông, họ khăng khăng rằng người Anh sẽ không thay đổi thói quen cố hữu của mình để hạ cố đến “cửa hàng Mỹ”, rằng họ sẽ không bao giờ đi thang máy bốn hay năm tầng lên để mua sắm. Họ khinh miệt những cách tân như “máy bán nước giải khát tự động” hay “giảm giá hời” và những quảng cáo hoang phí của “gã Mỹ khinh suất”.

Nhưng “gã Mỹ khinh suất” đã thắng, và Selfridge vẫn tiến tới những vinh quang mới. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, Selfridge nói rằng có một điều đã giúp ông nhiều hơntất thảy, đó là luôn tưởng tượng ra một đối thủ sừng sỏ ngay cạnh mình, kẻ luôn lừng lững sau lưng đẩy ông tới đường cụt, thách thức ông ganh đua, buộc ông phải vận dụng mọi sức sáng tạo và tài trí, không ngừng thúc đẩy ông tiến tới thành lập những công ty mới mà ban đầu chính bản thân ông cũng không dám mơ tới. Chính đối thủ luôn đứng sau lưng này ngay từ đầu đã đưa đẩy ông đến London để thử vận may của mình.

Bạn sẽ không bao giờ làm nên việc lớn cho đến khi bạn tin vào nguồn lực của bản thân và tuân theo quy luật tối thượng của vũ trụ, đó là không ngừng phát triển tới giai đoạn phát triển cao hơn.

Đối thủ thực sự của bạn là người giỏi giang hơn, có khả năng hơn trong bạn, con người mà bạn hoàn toàn có thể sánh ngang. Đối thủ của Selfridge ngay từ ban đầu chính là con người giỏi giang hơn trong ông.

Sức mạnh tạo nên một thương nhân, học giả, luật sư, kỹ sư hay bất kỳ con người giỏi giangnào chính là tham vọng của một con người khác giỏi giang hơn nằm bên trong bản thân anh ta. Nếu bạn không đáp lại sự thôi thúc của đối thủ vô hình này thì mọi phẩm chất thành công của bạn cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Bạn sẽ bỏ phí khả năng của mình. Điều quan trọng là phải luôn hướng đến những khả năng cao nhất, những năng lực lớn nhất trong bạn. Bạn không thể vượt qua những khả năng của chính mình, chúng đánh dấu đỉnh núi của những thành tựu bạn có thể đạt được, nhưng bạn hoàn toàn có thể như đa số mọi người, dừng lại dưới thung lũng, thậm chí những người mà còn không bao giờ thử tranh đấu để lên tới đỉnh núi.

Bạn sinh ra là để vươn tới đỉnh núi, đạt được thành công trọn vẹn, chứ không phải thành công nửa vời. Để làm được điều này, không gì có thể giúp ích hơn việc luôn giữ trong tầm ngắm một đối thủ tưởng tượng, con người tài giỏi của bạn, như Selfridge đã làm.

Sức mạnh siêu phàm bên trong bạn chảy qua con người cao cả của chính bạn. Chính nó kết nối bạn với Đấng sáng thế, và nếu bạn có quyết tâm thành công và hòa hợp với sức mạnh này thì bạn sẽ đập tan được bất cứ rào chắn nào giữa bạn và cánh cửa mục tiêu.

Kuhn nói: “Thành công, danh dự, tiếng tăm chính là những từ kỳ diệu khiến cho dòng nhiệt huyết trong bạn dâng trào lên não bộ. Nhưng đừng quên rằng chúng là kết quả chứ không phải nguyên nhân, chúng là phần thưởng cho sự chủ động, kiên trì, chăm chỉ, những giấc mơ trở thành hiện thực, những mong muốn mơ hồ được truyền sức sống. Đó là định luật không thể đổi hướng, kẻ chiến thắng là kẻ phải trả giá.”

Bạn đang làm gì trên con đường hướng tới hoài bão của mình? Bạn đã thực sự nỗ lực đến đâu? Bạn có đang trả giá cho phần thưởng mà bạn kiếm tìm không? Hay bạn quá lười biếng và thiếu quyết tâm để leo lên những nấc thang lên tới nơi mà những người bạn ngưỡng mộ hoặc ganh tị đang đứng?

Chúa không thiên vị bất cứ ai. Vấn đề chỉ là dám tuân theo quy luật và trả giá cho những gì bạn muốn. Không ai có thể đóng cánh cửa dẫn tới nơi cao hơn, không ai có thể ngáng đường hoặc lừa gạt, khiến bạn không thể đạt được thành công mà bạn mong muốn, ngoại trừ chính bạn.

XUA ĐUỔI MỤC TIÊU CỦA CHÍNH MÌNH

Liệu có cơ hội chiến thắng nào cho một học sinh tham gia một cuộc thi nhưng lại thoái chí, thờ ơ với suy nghĩ rằng: “Tôi sẽ thi đấu để giành giải, nhưng tôi biết tôi sẽ không đạt được nó. Tất nhiên tôi đâu ngu ngốc đến mức nghĩ rằng tôi sẽ là người đoạt giải trong số hàng trăm học sinh xuất sắc, nhưng dù sao tôi cũng vẫn sẽ thử xem sao. Tất cả những gì tôi có thể làm là thất bại”?

Tất nhiên cậu ta sẽ không có cơ hội đoạt giải, cũng như một người đi tìm việc trong tâm thế tương tự cũng không thể đạt được mục tiêu của mình. Vậy mà ta thường bắt gặp những người nói rằng họ đang thử ứng tuyển vào một vị trí, nhưng họ biết rõ rằng họ sẽ không có được nó. Sẽ có rất nhiều ứng viên nên họ không dám hy vọng rằng họ sẽ được lựa chọn, họ cho rằng mình sẽ không phải là kẻ may mắn, vì họ chưa bao giờ gặp may.

Chính thái độ này đã đẩy đi khỏi rất nhiều người những gì mà họ đang khao khát. Họ không nhận ra rằng chính sự nghi ngại và sợ hãi đã làm thui chột rất nhiều năng lực của họ rằng họ đã không cố gắng đạt được mục tiêu của mình nhiều như khi tự tin và quyết thắng. Họ cũng không nhận ra rằng sự thoái chí của họ ảnh hưởng tới diện mạo của họ và không khí xung quanh họ, tạo ra định kiến về họ trong tâm trí người khác.

Một trong những bi kịch cuộc đời là không thu hút về mình những gì ta yêu thích và khát khao mà thu hút những thứ ta ghét bỏ và sẵn sàng làm mọi cách để thoát khỏi chúng. Ta không tự nguyện thu hút sự nghèo khổ, rủi ro hay lo lắng về mình, nhưng chính chúng ta lại đang kéo chúng về phía mình bằng cách hướng tâm trí về phía chúng. Đó là một quy luật, ta cứ nghĩ đến thứ gì thì nó sẽ tìm đến với ta.

Dù là điều tồi tệ hay tốt đẹp, chúng ta luôn đẩy mình vào những gì đang bám trong tâm trí mình. Nói cách khác, cứ nghĩ mãi về một việc gì đó, dần dần chúng ta sẽ chìm vào cái ảnh hưởng tư duy, và nó chắc chắn sẽ đẩy chúng ta vào tình cảnh của chính những gì ta đang nghĩ đó, những điều vốn ăn sâu trong mô hình tư duy.

Hầu hết mọi người đều thất vọng về những gì đến với họ trong đời, bởi sự tương phản rất lớn giữa những điều đó với những gì họ thực sự mong muốn, khát khao và nỗ lực đạt được. Họ không bao giờ tưởng tượng được rằng họ đã mang tất cả những thứ đó đến với mình bằng việc biến tâm trí mình thành thỏi nam châm thu hút chúng. Họ đang nỗ lực đạt được một thứ, nhưng lại luôn lo sợ và nghĩ đến điều ngược lại. Rất ít người nhận ra rằng chính mình đã cản trở những gì khao khát, vì không hiểu được định luật hấp dẫn nên họ biến tâm trí mình thành thỏi nam châm thu hút chính những thứ mà họ ghét bỏ và sợ hãi.

Tôi có quen một doanh nhân, từ khi chúng tôi biết nhau, anh ta đã luôn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Thời kỳ khó khăn đang đến, tài chính sẽ eo hẹp, hàng năm trời suy thoái đang ở ngay trước mặt, tình hình lao động đáng báo động. Sắp tới sẽ có những cuộc đình công làm ngưng trệ mọi thứ, và nước Mỹ sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng vì quá tôn sùng đồng đô- la. Anh ta luôn khuyên mọi người hãy chuẩn bị cho những gì sắp tới – thời tiết xấu, biến động chính trị, kinh doanh thua lỗ. Trên thực tế, những suy tính về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đã che phủ hoàn toàn tầm nhìn của anh. Anh luôn trong tư thế chuẩn bị cho con thuyền kinh doanh của mình trước cơn bão lớn, gập buồm và đi chậm lại. Kết quả là anh ta luôn neo thuyền giữa lúc thời tiết đẹp vì nghĩ rằng bão đã gần kề, và đương nhiên anh chẳng tiến được bao xa. Trên thực tế, anh ta mãi mãi ở trên bờ vực thất bại.

Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha rằng: “Mỗi lần con cừu cất tiếng kêu, nó để mất một miệng đầy cỏ.” Mỗi lần bạn để cho mình than vãn: “Tôi nghèo, tôi không bao giờ làm đượcnhững gì người khác làm được, tôi sẽ không bao giờ giàu có, tôi không có khả năng mà người khác có, tôi là một kẻ thất bại, vận may không mỉm cười với tôi” là bạn đang tự tạo rắc rối cho chính mình, tự cản trở việc đạt được những gì mà bạn đang nỗ lực.

Nếu bạn luôn nghĩ đến thất bại, chuẩn bị tinh thần cho nó, than vãn về thời thế, điều kiện và kêu ca rằng việc kinh doanh sẽ đi xuống thì nó sẽ như thế với bạn. Nỗi sợ thất bại, sợ rơi vào cảnh bần hàn, sợ bị bẽ mặt đã kìm chân không biết bao nhiêu người, khiến họ không đạt được những gì họ mong muốn. Sự lo lắng và căng thẳng đã hút cạn sinh khí và tước đi năng lượng của họ, lấy đi những nỗ lực hiệu quả và sáng tạo cần thiết để đem lại cho họ thành công.

Người diễn viên thành công là người nhập tâm vào vai diễn của mình, dù đó là vai kẻ hành khất hay người hùng. Nếu diễn vai người hùng thì anh ta hành động như một người hùng, suy nghĩ và nói chuyện như một người hùng; từ con người anh ta toát lên vẻ anh hùng. Và ngược lại, nếu diễn vai hành khất thì anh ta ăn vận như hành khất, suy nghĩ và nói chuyện như hành khất, luồn cúi, quỵ lụy và than vãn như một kẻ hành khất.

Tất cả chúng ta đều là những diễn viên trên sân khấu cuộc đời, và nếu muốn thành công thì bạn phải tỏ ra giống như một người thành công, bạn phải ăn nói, suy nghĩ và hành động như một người thành công. Bạn phải duy trì trạng thái đó bằng cách tin tưởng vào những gì bạn đang cố gắng làm. Nếu bạn có bộ dạng và hành động như một kẻ thất bại, nếu bạn cứ nói với tất cả mọi người rằng bạn xui xẻo, rằng bạn không tin rằng bạn sẽ chiến thắng vì thành công chỉ dành cho một vài kẻ may mắn, những người có động lực, những người được thúc đẩy thì bạn sẽ chẳng thành công hơn một diễn viên phải vào vai một nhân vật nhưng lại suy nghĩ, hành động hoàn toàn ngược lại với nhân vật đó.

Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha rằng: Mỗi lần con cừu cất tiếng kêu, nó để mất một miệng đầy cỏ.

Những người luôn sợ hãi, luôn chỉ nhìn thấy những nguy hiểm, khó khăn trong tương lai, những kẻ luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một “ngày mưa”, sẽ không chỉ thu hút về mình chính những gì mà họ lo sợ mà còn đánh mất mọi nguồn vui trong cuộc sống. Và thật không may là rất nhiều trong số những người làm việc chăm chỉ nhất, cần cù, trung thực, ngay thẳng, những người có quyền được hưởng những điều tốt đẹp lại luôn sống trong túng thiếu, khổ sở. Họ dựng lên những bức tường xung quanh mình khi không tuân theo quy luật phồn thịnh.

Thay vì cởi mở tâm trí hướng tới nguồn lực vô hạn mà Đấng sáng thế đã ban cho tất cả con của Ngài, thì họ lại không ngừng lấy cớ rằng không có khả năng làm những việc nhất định hay không có khả năng đạt được những gì họ cần vì nghèo đói.

Họ luôn nói: “Ôi, tôi không thể làm việc này, tôi không thể làm việc kia. Năm nay ta chỉ có vậy thôi. Ta phải chuẩn bị cho ngày mưa. Mùa màng có thể thất bát. Kinh doanh có thể sẽ thua lỗ vào năm sau. Có thể sẽ có chuyện xảy ra, ta phải tiết kiệm.”

Nếu những người “đề phòng ngày mưa” này làm theo phương châm của New York: “Chúng tôi chỉ nói về sự phồn vinh”, và khi bắt đầu nói chuyện về dư dả thay vì nghèo đói thì môi trường và cơ hội của họ sẽ nhanh chóng thay đổi!

Nếu khẩu hiệu này hoặc một khẩu hiệu tương tự về thịnh vượng được mọi gia đình nghèo trên đất nước này tuân theo thì đó sẽ là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong công cuộc đẩy lùinghèo đói. Nhưng thay vào đó, dường như khẩu hiệu của phần lớn các gia đình là “Ở đây chúng tôi nói về đói nghèo”. Mọi thứ về họ đều cho thấy cách họ trò chuyện và thái độ sống của họ. Họ luôn như đang nói: “Chúng tôi nghĩ về nghèo đói, chúng tôi hành động như những kẻ bần hàn, chúng tôi luôn sợ nghèo đói, chúng tôi luôn nghĩ về nó, chờ đợi nó, chúng tôi kinh hãi cảnh bần hàn, nhưng chúng tôi không thể thấy bất cứ thứ gì khác ở phía trước ngoài nó. Chúng tôi không tin rằng mình có thể thoát khỏi đói nghèo vì nó là thứ chúng tôi kế thừa. Tổ tiên của chúng tôi rất nghèo, không ai trong số họ là người giỏi kiếm tiền. Họ không có bản năng kiếm tiền, và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi phải tin rằng mình sẽ nghèo mãi, vậy thôi.”

Ở một số gia đình, bên cạnh khẩu hiệu đói nghèo còn có đủ các loại khẩu hiệu khác góp phần xua đuổi những thứ mà họ đang kiếm tìm. Đó là các khẩu hiệu: “Chúng tôi lo lắng rất nhiều, chúng tôi luôn băn khoăn về một rủi ro gì đó mà chắc chắn sẽ tìm đến với chúng tôi – bệnh tật, ốm đau, tính xấu di truyền. Chúng tôi thấy mình là nạn nhân của những gì chúng tôi được thừa hưởng từ tổ tiên. Sớm muộn gì thì một chứng bệnh di truyền cũng sẽ mang chúng tôi đi. Chúng tôi không thể nói chuyện về sức khỏe vì chẳng có ai trong chúng tôi khỏe mạnh cả. Lúc nào một trong chúng tôi cũng gặp vấn đề nào đó, và chúng tôi lúc nào cũng phải uống thuốc, phải dùng thuốc biệt dược, vậy mà chẳng có hiệu quả gì, chúng tôi rất ốm yếu. Chúng tôi không nói về thành công ở đây; thay vào đó chúng tôi nói về thất bại và luôn chờ đón nó. Với sức khỏe kém, chúng tôi không thể tin vào khả năng thành công của bản thân.”

Những kẻ bất hạnh “gặp vận rủi” này luôn ốm đau, buồn rầu hay cơ cực. Và tất cả bọn họ, đúng như quy luật, đều là nạn nhân của chính những ám thị của mình. Chỉ cần họ thay thế những ám thị tiêu cực, phá hoại đang cầm tù họ bằng những suy nghĩ tích cực, sáng tạo thì họ sẽ chiến thắng thay vì thất bại. Họ sẽ hạnh phúc chứ không khổ đau, mạnh khỏe thay vì ốm yếu, giàu có chứ không nghèo khổ. Tư tưởng không lành mạnh của họ hiển hiện ra bầu không khí xung quanh họ, và chính điều đó hạn chế họ.

Chúng ta bắt gặp những người nghèo khổ, tự trói buộc bản thân ở khắp nơi. Khắp nơi đều có những người đã chắt bóp cả đời và vẫn đang chắt bóp để chuẩn bị cho một ngày mưa nào đó trong tương lai.

Họ đã tự biến cuộc đời mình thành một ngày mưa dài, và rất ít người nhận ra rằng tư tưởng nghèo đói thâm căn cố đế của họ không chỉ đẩy của cải vật chất đi mà còn tạo ra cảnh khó khăn khiến họ liên tục phải chắt bóp. Lo xa và tiết kiệm cho tương lai đương nhiên là điều cần thiết, nhưng suy nghĩ “không có khả năng” ăn sâu vào tiềm thức nhiều người, sẽ hủy hoại mọi tư tưởng lớn lao, mọi ý tưởng về sung túc.

Chính ám thị sống những năm tháng tiếp theo trong cảnh cơ cực, mang một nỗi sợ về viễn cảnh những người thân yêu sẽ rơi vào cảnh bần hàn là viễn cảnh ảm đạm nhất mà ta có thể giữ trong đầu, và cái gì ảm đạm thì cũng sẽ khiến chúng ta yếu đuối. Hãy nghĩ đến những gì bạn mong muốn và khát khao, hãy giữ chặt nó trong tâm trí và tin tưởng rằng nó sẽ đến với bạn.

Chắc chắn là có điều gì đó tốt đẹp hơn những lo lắng và sợ hãi về cái ăn cái mặc. Chính bạn là người quyết định liệu bạn có chiến thắng được đói nghèo hay không. Con đường dẫn tới giàu sang không phải của riêng ai, bất kỳ ai muốn cũng đều có thể chọn đi trên con đường đó. Những người tìm đến được con đường đó là những người không bị ngăn trở bởi nỗi lo sợ rằng họ sẽ không đạt được điều mình muốn. Họ không thiếu niềm tin vào Chúa và vào chính họ. Họ tự tin, dũng cảm, táo bạo. Họ không bao giờ nghi ngờ rằng nguồn lực vô tận không đáp ứng được nhu cầu của họ. Họ tuân theo quy luật chứ không chống lại nó.

ĐÁNH BẠI NHỮNG KẺ THÙ CỦA THÀNH CÔNG

Có người đã định nghĩa lo lắng là “suy nghĩ thiển cận quá chú trọng đến những thứ nhỏ nhặt và thổi phồng ảnh hưởng của chúng. Tầm nhìn tư tưởng thực sự bao trọn cả vũ trụ và nhìn nhận mọi thứ đúng theo tầm của chúng. Khi đã được đặt vào đúng mối tương quan, không trải nghiệm nào trong đời mà con người ta có quyền lo lắng.” Tình trạng tâm trí luôn bị ám ảnh bởi sợ hãi và âu lo là không bình thường, và điều đó khiến ta không thể nhìn nhận bất kỳ thứ gì theo đúng bản chất của nó. Tâm trí đó đang ở vào thế bất lợi trong trận chiến cuộc đời.

Tư tưởng tạo nên bầu không khí xung quanh ta, và chúng ta sống đối nghịch hay hài hòa phụ thuộc vào chất lượng của những suy nghĩ và tâm thế mà chúng ta nuôi dưỡng. Nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng là những yếu tố hủy hoại bầu không khí xung quanh ta, lấy đi của ta những thứ vốn là quyền mà khi sinh ra chúng ta đã có – hòa bình, hạnh phúc, giàu sang, thành công. Trong số những kẻ thù của tinh thần thì sợ hãi là kẻ thù tồi tệ nhất. Nó luôn là chướng ngại lớn nhất trên con đường của chúng ta.

Giáo sư Frank Crane nói: “Không bàn tay run rẩy vì sợ hãi nào có thể làm nên việc lớn. Không trí óc đầy lo ngại nào có thể nhìn ra sự thật. Không linh hồn nào có thể thực sự tốt đẹp ngoài linh hồn không sợ hãi.” Không nghi ngờ gì nữa, sợ hãi và người anh em song sinh với nó là lo lắng không chỉ kìm hãm năng lực mà còn khiến tinh thần yếu đi và làm suy giảm toàn bộ nghị lực. Đắm chìm trong lo lắng hoặc sợ hãi là một biểu hiện rõ ràng của sự hèn nhát, yếu đuối và thiếu niềm tin. Nó phô bày sự yếu đuối trong tư tưởng của những người không có ý niệm thực sự về mối liên hệ mật thiết với Đấng sáng thế.

Giá mà mọi người nhận ra rằng bất cứ suy nghĩ lo âu, sợ hãi nào cũng sẽ chia cắt họ khỏi nguồn sống vĩ đại, rằng đó là thứ độc dược hàng đầu hủy hoại sức khỏe, cản trở sự phát triển của bản thân và kìm hãm các khả năng thành công thì họ sẽ tránh xa những suy nghĩ đó, cũng giống như tránh xa thuốc độc vậy. Nếu họ hiểu rằng lo lắng và sợ hãi đã hủy hoại đời người còn nhiều hơn tất cả những cuộc chiến tranh đã phá hủy thế giới kể từ thuở bình minh của nhân loại thì họ sẽ không bao giờ cho phép bản thân chìm đắm trong đó nữa, cũng giống như họ sẽ không cho phép kẻ trộm vào nhà lấy đi những của cải đáng giá nhất của mình.

Không ai có thể tính toán được mức độ tàn phá mà những thứ độc dược, những kẻ hủy hoại năng lực này gây ra cho cuộc đời ta. Chúng làm tim giảm nhịp, tóc bạc trắng, mặt đầy nếp nhăn, những bước đi nặng nhọc, lòng can đảm biến mất, để lại cho nạn nhân đống đổ nát của con người trước đây của anh ta.

Có hàng nghìn người lao động làm nhân viên cấp thấp vì họ lắng nghe tiếng nói của sợ hãi. Họ từng có tham vọng leo lên đỉnh cao và không bao giờ tưởng tượng được rằng mình sẽ mãi mãi ở lại vị trí hiện tại. Khi mới bắt đầu, họ nghĩ mình sẽ là một ai đó rất khác biệt, nhưng nỗi sợ hãi đã ghìm chặt lấy họ, làm tê liệt động cơ và lòng can đảm của họ. Mỗi lần họ dự định thành lập một doanh nghiệp cho riêng mình, nỗi sợ hãi ấy lại cảnh báo họ nên cẩn thận, rằng thời buổi này không phải là lúc cho một kẻ không có vốn, không có bạn bè và không có người chống lưng.

Ai đó đã thống kê được là có tới 7000 kiểu sợ hãi, mỗi kiểu đều là một kẻ thù về thể chất, tinh thần và trí óc, làm tổn hại sức khỏe, giảm sút năng lực và hủy hoại yên bình, thành công và hạnh phúc.

Nó thì thầm rằng họ sẽ chỉ thất bại mà thôi, rằng họ sẽ bị cười vào mặt vì tính tự phụ và hấp tấp của họ. Sau đó, sự nghi ngờ, đứa con đẻ của sợ hãi, đặt câu hỏi rằng liệu họ có chắc là họ có khả năng tự khởi nghiệp hay không. Nó chỉ ra rằng hoài bão của họ thực ra có lẽ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, rằng chẳng thể nhìn thấy được thành công trong đó. Nó thuyết phục rằng rất nhiều người đã thử sức để rồi thất bại vì kém cỏi, bất tài.

Ai đó đã thống kê được là có tới 7000 kiểu sợ hãi, mỗi kiểu đều là một kẻ thù về thể chất, tinh thần và trí óc, làm tổn hại sức khỏe, giảm sút năng lực và hủy hoại yên bình, thành công và hạnh phúc.

Hầu hết chúng ta đều bị kìm chân bởi một hoặc vài trong số 7000 kẻ thù ghê gớm này. Chúng ta gặp trở ngại suốt cả đời bởi ám thị sợ hãi, sợ di truyền, sợ bệnh tật, sợ tai nạn, sợ chết chóc, sợ lửa, sợ trên cạn và sợ dưới nước, sợ thất bại, sợ thất vọng về những hy vọng và kế hoạch của mình, sợ thất bại trong cuộc sống vì thiếu năng lực.

Tiến sĩ Holbrook đã nói: “Con người giống như một loài động vật bị ám từ khi sinh ra đến khi chết đi, trở thành nạn nhân của những nỗi sợ, những niềm tin lầm lạc và những sai lầm cụ thể của cả loài người, từ quá khứ cho đến hiện tại.”

Khuôn mặt của những người ta gặp kể cho ta câu chuyện buồn về cuộc đời đầy sợ hãi, lo lắng và bất an của họ. Rất hiếm khi ta gặp được ai đó thực sự tận hưởng giây phút hiện tại. Một chút bất an, một chút sợ hãi, một chút linh tính luôn gây ra rắc rối trong cuộc đời chúng ta. Một điều gì đó mà ta nghĩ là sẽ xảy ra, hoặc điều gì đó đã xảy ra trái ngược với những mong muốn và kế hoạch của chúng ta, chúng luôn ám ảnh và đẩy chúng ta đi ngược lại tiến trình của cuộc sống.

Không ngày nào mà báo chí không đưa tin về những vụ tự tử của những người bị đẩy đến tuyệt vọng vì lo lắng về những vấn đề tài chính, vì lo sợ rằng họ sẽ không thể chu cấp cho những người thân của mình, vì sợ bị ghét bỏ nếu một tội lỗi hoặc một hành động điên rồ nào đó thời trẻ bị phơi bày… Rất nhiều người lấy đi mạng sống không chỉ của mình mà còn của con cái họ vì lo sợ những gì sẽ xảy đến với chúng trong tương lai.

Một tâm hồn đầy sợ hãi, một kẻ thường xuyên lo lắng luôn làm cạn kiệt năng lượng và chống lại những lợi ích và hạnh phúc của chính mình. Anh ta cũng ngu ngốc y như một người chủ nhà máy tạo lỗ hổng trên con đập của mình và để cho tất cả lượng nước trữ được trong suốt mùa xuân, dành cho trường hợp khẩn cấp, bị tràn đi một cách phí phạm[17].

Người thường xuyên lo lắng còn làm điều tồi tệ hơn, vì tuy nhà máy không thể hoạt động được vì không có lượng nước cần thiết để xoay guồng, nhưng người chủ nhà máy vẫn không bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng khi lo lắng là bạn đang tự làm tổn thương và lừa gạt bản thân. Không ai là nạn nhân của sợ hãi lại có thể thực sự có năng lực hoặc thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Anh ta không bao giờ có thể làm hết sức mình, không bao giờ có thể thanh thản, bình tâm, khỏe mạnh hay hạnh phúc nếu cứ chống lại các quy luật của Chúa thay vì tuân theo chúng.

Giáo sư William James [18] nói: “Thần dược hiệu quả nhất cho nỗi sợ hãi và lo lắng là đức tin. Một người nắm rõ việc kiểm soát thực tế và hiểu rõ thực tiễn luôn tồn tại thì những thăng trầm liên miên trong cuộc đời anh ta sẽ chỉ giống như là những điều vặt vãnh mà thôi.”

Bằng sức mạnh của mình, bạn có thể thay đổi suy nghĩ. Nỗi sợ hãi dưới bất cứ hình thức nào sẽ không thể tồn tại trong tâm trí bạn nếu bạn luôn nghĩ đến lòng dũng cảm và sự tự tin.

Hãy bỏ thói quen sợ mọi thứ giống như bỏ bất cứ thói quen nào khiến bạn đau đớn. Hãy lấp đầy tâm trí với những suy nghĩ tích cực. Không thoái chí, không bất an, không lo âu hay nản lòng, không kẻ thù nào của hạnh phúc có thể xâm nhập vào tâm trí bạn khi nó đã được lấp đầy bằng những suy nghĩ vui vẻ, đẹp đẽ, hài hòa, thương yêu. Mỗi khi lo lắng hay sợ hãi cố gắng xâm chiếm tâm trí bạn, hãy nói: “Tôi là con của Chúa, và tôi sinh ra không phải để hèn nhát, luồn cúi, sợ hãi. Sợ hãi không phải là đặc tính của thần thánh. Tôi dũng cảm, can đảm, không sợ hãi, tôi là người chinh phục nỗi sợ chứ không phải là nô lệ của nó.”

Lần tới khi có gì đó thì thầm vào tai bạn và cố gắng làm lung lạc lòng tự tin của bạn, kìm chân bạn thì hãy nhớ rằng đó chính là nỗi sợ. Khi bạn bị bủa vây vì lo lắng về một điều đã xảy ra hoặc một điều bạn nghĩ rằng có thể xảy ra, khi bạn nghi ngờ khả năng của bản thân và nghĩ rằng tốt hơn hết bạn không nên làm bất cứ điều gì mà bạn không chắc chắn là sẽ đạt được kết quả tốt thì hãy nhớ rằng chính là nỗi sợ hãi đang cố gắng đánh lừa bạn.

Hãy xua nó ra khỏi tâm trí của bạn, hãy nói với nó:

Ngươi không có quyền lực gì đối với ta, ta sẽ không để cho ngươi phá hủy lòng thanh thản và hủy hoại sự nghiệp của ta, ngươi không phải là bản chất của ta, bản chất của ta là siêu phàm, và ngươi không thể chạm tới đó được. Ta có thể và sẽ vượt qua mọi khó khăn, sửa chữa mọi sai sót và lỗi lầm của ta. Từ nay trở đi ta sẽ nghe theo lời Chúa bên trong ta. Ta sẽ không để bất cứ kẻ thù nào đánh bại. Ta sẽ vượt qua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.