Khám Phá Luật Hấp Dẫn Để Mở Khóa Thành Công
Chương 6: NGHỆ THUẬT BÁN HÀNG: HÃY LÀ MỘT NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP
Đứng đầu trong danh sách tất cả các nghề chính là nghề bán hàng. Chính người bán hàng sẽ giữ cho lò lửa của các nhà máy và xưởng luyện kim luôn rực cháy, chính người bán hàng sẽ giữ trên biển khơi những con tàu buôn chất đầy hàng hóa và hướng về mọi hải cảng, chính người bán hàng tạo nên điều khả thi ở các thành phố lớn, xây nên những đường tàu và mang đến công ăn việc làm cho vô số người lao động trên khắp miền đất này.
Ngày nay không nghề nào có nhu cầu nhân sự cao như nghề bán hàng. Toàn bộ thế giới kinh doanh đang săn tìm người có thể bán được mọi thứ, tại mỗi xưởng sản xuất đều có một tấm biển tìm kiếm người có thể rao bán các sản phẩm. Người như thế hiếm khi thiếu việc làm.
Nhiều người bị hấp dẫn bởi lợi nhuận lớn của nghề bán hàng, họ muốn trở thành người bán hàng, nhưng họ cảm thấy mình không có năng lực để đảm bảo thành công.
Đúng là chỉ có một số người nhất định được sinh ra với năng khiếu về âm nhạc và nghệ thuật, tương tự, chỉ có một số người nhất định sở hữu khả năng thiên bẩm giúp họ thành công. Nhưng dù đúng là có một số người sở hữu nhiều năng lực hơn những người khác, chuyện người chưa được đào tạo có thể tương đương với người qua đào tạo ngày nay không còn đúng nữa, cũng như nó chưa bao giờ đúng trong ngành nghệ thuật, thể thao hay kinh doanh.
Người chưa được đào tạo có thể đạt được kết quả nào đó vì anh ta có khả năng tự nhiên và dùng đúng các phương pháp dù chỉ trong vô thức. Người đã qua đào tạo sẽ đạt được kết quả thường xuyên vì anh ta luôn dùng đúng các phương pháp một cách nhất quán.
Bất kể nghề nghiệp hay công việc của anh là gì, việc đào tạo sẽ giúp anh trở thành một nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Nền tảng của nghệ thuật bán hàng khó có thể được tạo dựng từ quá sớm. Các bạn trẻ phải sử dụng thời gian rảnh rỗi lúc ở trường, trong các kỳ nghỉ lễ và ngoài giờ làm việc, để học hỏi nghệ thuật bán hàng, điều này sẽ giúp họ có khả năng bước vào thế giới mà nơi đó không thể dễ dàng bước vào bằng bất cứ phương tiện nào khác.
“Chúa bán mọi thứ cho mọi người với mức giá công bằng.” Cái giá của sự thông thạo trong bất cứ lĩnh vực nào chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cơ hội tốt sẽ chỉ như một sự trêu ngươi, chỉ nhấn mạnh sự thiếu hiệu quả của bạn và làm lộ những khuyết điểm của bạn nếu bạn không được chuẩn bị cho cơ hội đó. Việc chuẩn bị quan trọng hơn cơ hội. Thực tế là việc chuẩn bị sẽ tạo ra cơ hội.
Chúng ta cần học hỏi, chúng ta cần được đào tạo cho mọi công việc trong cuộc sống. Và ngày nay, phương pháp đào tạo bằng cách khắc phục những nhược điểm bẩm sinh và phát triển năng khiếu thiên bẩm thành năng lực rất hiệu quả, và tất cả các bạn trẻ đều có thể làm được điều này. Bất kể năng lực bẩm sinh của bạn trong bất cứ ngành nào có xuất sắc đến đâu thì để đạt được những kết quả tốt nhất, nó phải được củng cố qua đào tạo. Charles Kingsley đã nói: “Càng biết nhiều, bạn càng có thể tự giúp mình và có thể làm nhiều việc hơn với ít nỗ lực hơn.”
Càng hiểu biết nhiều về lĩnh vực của mình, bạn càng đưa bản thân vươn xa hơn, vượt lên hàng trăm người cạnh tranh với bạn, những người chỉ sẵn lòng làm vừa đủ tốt mà thôi. Người bán hàng càng biết nhiều về lĩnh vực của những người khác thì càng thông thạo hơn và thích hợp hơn với vị trí của chính mình.
Trong nghệ thuật bán hàng cũng như trong chiến tranh, đều có tấn công và phòng thủ. Người bán hàng được đào tạo sẽ biết lúc nào nên tấn công, làm sao để phòng vệ khi bị tấn công.
Một người bán hàng thành công không chỉ cần được đào tạo bài bản mà còn cần hiểu con người, cần tháo vát, sáng tạo và tư duy độc đáo. Thật vậy, người bán hàng phải kết hợp được nghệ thuật bán hàng cùng một số phẩm chất trí tuệ cao nhất thì mới trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực của mình.
Thế nhưng, trong nghề bán hàng, cũng như trong mọi nghề khác, không có phẩm chất cần thiết nào mà bất cứ bạn trẻ nào lại không thể nuôi dưỡng được cho dù trí thông minh và năng lực của họ chỉ ở mức trung bình. Thành công trong nghề này, cũng như thành công trong các nghề khác, chỉ đơn thuần là chiến thắng những phẩm chất tốt bình thường và khả năng thông thường. Phạm vi kiến thức của một người càng rộng thì những cơ hội dành cho người đó trong bất cứ công việc nào sẽ càng nhiều.
Những yêu cầu căn bản để thành công trong nghề bán hàng là sức khỏe tốt, tính khí vui vẻ, tác phong lịch sự, tế nhị, tháo vát, khéo léo trong biểu đạt, chân thành, một niềm tin vững chắc và không lay chuyển được vào bản thân mình, niềm tin vào các sản phẩm đang được bán và khả năng tiếp cận khách hàng, chúng không thể mang đến điều gì khác ngoài thành công trong bất cứ công việc nào.
Trong tình hình giao thương phát triển mạnh, nhu cầu tuyển nhân viên bán hàng đang tăng nhanh chưa từng thấy.
Bạn trẻ nào chưa đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu của nghề bán hàng nhưng sẵn sàng học hỏi kiến thức sẽ không gặp khó khăn quá lớn để tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội này.
SỨC KHỎE, TÀI SẢN LỚN NHẤT CỦA NGƯỜI BÁN HÀNG
Bạn có nhận thấy điều gì đang len lỏi vào mọi cuộc mua bán mà bạn thực hiện không? Có bao giờ một ý nghĩ chợt lóe lên trong bạn rằng trí não bạn, nền tảng giáo dục và đào tạo của bạn, kinh nghiệm của bạn, kỹ năng của bạn, tài khéo léo của bạn, tính cách cá nhân của bạn – tất cả những điều trên, nguồn vốn sống của bạn, đang được đưa vào mọi cuộc giao dịch?
Kết quả mọi cuộc chào hàng của bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn hòa mình vào đó đến mức độ nào, và bạn sẽ nhiệt tình, vui vẻ và lịch thiệp đến mức nào trong từng vụ chào hàng. Bạn không thể dốc hết sức mình vào việc bán buôn trừ khi mọi chức năng trong cơ thể bạn ưng thuận việc đó. Các cơ quan trong cơ thể bạn phải phối hợp hoàn hảo hoặc sức sống của bạn sẽ giảm đi, và bạn sẽ bị cướp đi một phần năng lượng nhất định. Thể trạng của bạn chính là một yếu tố quan trọng trong mọi cuộc giao dịch.
Tính hiệu quả nằm trong sự cân đối và vận hành hoàn hảo tất cả các cơ quan trong cơ thể bạn. Nếu chúng không cố gắng giúp bạn thực hiện vụ giao dịch đó, nếu bạn đối xử tệ với chúng và chúng đang chống đối bạn thì chúng sẽ đánh bại bạn. Bạn có thể nghĩ rằng bất kể bạn cảm thấy thế nào đi nữa, bạn có thể thực hiện được vụ giao dịch nhờ vào sức mạnh ý chí, nhưng hãy nhớ rằng sức mạnh ý chí của bạn phụ thuộc vào sự hòa hợp của tất cả chức năng trong cơ thể. Nó sẽ yếu đi ngay khi một trong các chức năng của cơ thể bị suy yếu.
Bao nhiêu lần bạn đã ước, đã khao khát có thêm khả năng? Bao nhiêu lần bạn đã nghĩ khả năng của bạn có giới hạn chỉ vì bạn cảm thấy có khiếm khuyết? Có lẽ bạn đã cố gắng để cải thiện khả năng yếu kém nào đó như óc sáng tạo, lòng dũng cảm, khả năng quyết tâm đến cùng hoặc khả năng khác, nhưng bạn chỉ đạt được rất ít thành công trong chuyện đó.
Bộ máy con người rất phức tạp, và thậm chí chỉ một điều nhỏ nhặt thôi cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tính hài hòa và hiệu quả của nó. Một đôi giày không vừa có thể làm bạn mất đi một đơn hàng, có thể làm giảm năng suất của bạn mất 25%. Một hạt bụi có thể làm hỏng mắt Napoleon, một sợi tóc vương vào có thể làm chiếc đồng hồ tốt nhất thế giới chạy sai giờ. Một bữa trưa đóng hộp ít chất dinh dưỡng phải ăn vội ăn vàng có thể làm hệ tiêu hóa suy yếu, làm giảm năng lực trí não và khiến bạn làm việc thiếu hiệu quả ngay vào lúc quan trọng nhất.
Tôi từng có dịp đi du lịch với một anh chàng có khả năng chi trả mọi khoản phí phụ trội, nhưng anh ta không bao giờ chịu vào toa xe có giường ngủ buổi tối, cũng như không chịu vào dùng bữa ở toa ăn trên xe lửa. Anh luôn mang theo đồ ăn trưa, hoặc sống dựa vào những chiếc bánh mì sandwich hay bất cứ thứ gì được bày tại các quầy bán đồ ăn trưa dọc đường. Kết quả là, khi đến được thành phố xa xôi, anh kiệt sức và mệt mỏi, dạ dày của anh yếu đi do ăn uống không điều độ, và anh mất nhiều ngày để lấy lại sức, và như thế anh sẽ tiêu phí một khoảng thời gian quý giá.
Tôi biết một doanh nhân đã đánh mất những khoảng thời gian định kỳ đáng kể do lơ là chăm sóc đôi chân của mình. Mỗi bước đi đều làm anh đau đớn, nhưng anh không thể chịu được ý nghĩ phải bỏ tiền đến gặp bác sĩ chuyên khoa và chấp nhận thực hiện một cuộc tiểu phẫu. Cuối cùng, sau nhiều năm chịu đựng đau đớn, cuộc tiểu phẫu cũng đã được thực hiện và khiến anh nhẹ nhõm ngay lập tức.
Thật đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người thông minh lại thờ ơ trước câu hỏi về sức khỏe và tình hình rèn luyện cơ thể họ.
Nhiều người trì hoãn những buổi điều trị nha khoa hoặc những cuộc tiểu phẫu cần thiết trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trời đơn giản chỉ vì họ sợ phải chi tiêu, do đó họ không chỉ chịu đựng đau đớn không cần thiết suốt khoảng thời gian dài mà còn mất hết khả năng cống hiến cho công việc.
Là một người bán hàng, bạn sẽ phải mang theo toàn bộ nguồn vốn của mình. Bạn chỉ tham gia kinh doanh, nhưng bạn phải mang theo mọi thứ kết nối với nó – nhà máy của bạn, bộ phận bán hàng. Những tài sản vận hành của bạn chính là tinh thần, và nếu bạn không làm hết sức để duy trì chúng trong trạng thái tốt thì bạn sẽ thể hiện bản thân mình giống như một người nông dân bỏ lại toàn bộ máy móc trong nông trại có giá trị của anh ta ngoài trời trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, khiến chúng bị hủy hoại bởi mưa gió và bão tuyết.
Kỹ năng, chuyên môn, cách thức biểu đạt, sự khéo léo tế nhị, cách suy xét, sự sáng suốt, hiểu biết về con người, tính dũng cảm, óc sáng tạo, tài tháo vát, tính tình vui vẻ, sức hấp dẫn cá nhân thực tế và mỗi yếu tố tinh thần của bạn là một phần vốn kinh doanh của bạn, là một tài sản, và tình trạng của nó phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn chăm sóc động cơ đang cung cấp sức mạnh hoạt động cho toàn bộ cỗ máy tinh thần của bạn. Động cơ đó chính là cơ thể bạn, vì vậy đừng bỏ bê nó.
Thật đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người thông minh lại thờ ơ trước câu hỏi về sức khỏe và tình hình rèn luyện cơ thể họ.
Bạn nên chuẩn bị thật tốt về thể chất cho cuộc chiến với tư cách một chiến binh xuất sắc, người đã xác định phải giữ vững kỷ lục của mình.
Nếu người bán hàng không duy trì tốt thể trạng thì phẩm chất tốt đẹp nhất trong anh sẽ không đáp lại những nỗ lực của anh. Khi đó anh ta sẽ phải thỏa mãn với kết quả hạng nhì hoặc hạng ba nếu thể chất của anh đi xuống, nếu sức sống của anh giảm sút. Những người huấn luyện ngựa đua biết rằng lòng can đảm của một chú ngựa suốt cuộc thi đấu phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe. Cũng tương tự với người điều khiển chú ngựa, lòng can đảm, tác phong đĩnh đạc, sự chuyên nghiệp, tháo vát và sức mạnh thể chất, tất cả phải đi cùng nhau. Tính sợ hãi, rụt rè, thiếu kiên định, hay ngờ vực, lưỡng lự, chán nản thường góp sức làm suy yếu thể chất.
Sự bền bỉ, ngoan cường là một phần trong sự nghiệp thành công của một người bán hàng có nền tảng căn bản về thể chất. Sức mạnh ý chí, lãnh đạo của vương quốc tinh thần, phụ thuộc chủ yếu vào sức khỏe. Cũng tương tự với sức hấp dẫn cá nhân, nếu muốn trở thành người bán hàng hạng nhất, bạn cần thường xuyên đánh giá lại khả năng của bản thân và lên danh sách những người bạn và kẻ thù của sức khỏe.
Bất cứ điều gì làm suy giảm sức sống của bạn, bất cứ điều gì gây hại cho hệ tiêu hóa, cướp đi những giấc ngủ và sự nghỉ ngơi cần thiết của bạn sẽ làm yếu đi khả năng phòng vệ và mở rộng cánh cửa cho những cuộc tấn công của kẻ thù đối với sức khỏe.
LÒNG NHIỆT TÌNH LÀM NÊN MỘT NGƯỜI BÁN HÀNG VĨ ĐẠI
Hugh Chalmers được xem là một người bán hàng rất có năng lực, thời gian trước ông đã lên danh sách mười phẩm chất dẫn đầu để thành công với nghề bán hàng, đó là: sức khỏe, trung thực, sáng tạo, có kiến thức kinh doanh, tài ứng biến khéo léo, ngay thẳng, luôn nỗ lực, chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi và lòng nhiệt tình. Ông nói, không có yếu tố cuối cùng thì chín phẩm chất còn lại sẽ mất đi sức mạnh của chúng.
Thật vậy, không điều gì có thể thay thế cho lòng nhiệt tình. Nó tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa người đặt nửa trái tim và toàn bộ trái tim mình vào công việc, giữa thất bại và chiến thắng.
“Gulliver là người khổng lồ đã bị người lùn bắt giữ trong lúc anh ta đang chợp mắt ngủ bằng cách trói anh lại bằng những sợi dây li ti. Một sợi dây sẽ là chuyện vặt vì anh đã có thể dễ dàng làm đứt. Nhưng anh đã không tỉnh giấc và những người lùn đã quấn những sợi chỉ quanh người anh đủ nhiều để khi thức dậy anh không thể thoát ra được nữa. Bạn có phải là chàng Gulliver hiện đại hay không? Bạn có thiếu lòng nhiệt tình không? Bạn có để cho những tên quỷ của sự hờ hững lấy đi điều tốt đẹp nhất trong mình không? Nếu có, hãy tỉnh giấc và vùng thoát ra”, một nhà văn nói. Lòng nhiệt tình là yếu tố tuyệt vời để kinh doanh thành công. Nó dễ lây lan đến nỗi trước khi ta nhận ra, nó đã ảnh hưởng đến ta mặc dù bản thân ta đã cố chống lại nó.
Nếu bạn đặt cả trái tim vào công việc thì lòng nhiệt tình trong bạn sẽ thường khiến cho khách hàng tiềm năng quên mất rằng bạn đang cố thực hiện một vụ buôn bán. Nhưng nếu cố thu hút khách hàng bằng lời gợi ý mà ngay cả bạn cũng không thấy hấp dẫn thì cũng giống như bạn chỉ đang nỗ lực làm tan một ống nước đá bằng một tảng băng mà thôi.
Ngài Arthur Brisbane[19] nói: “Có một điều sẽ mang đến thành công, trên mọi điều, đó là phải yêu thích công việc của bạn và quan tâm đến nó, và chuyện không yêu thích công việc của bạn là điều chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại”.
Dù công việc không vừa ý bạn thì thái độ đúng đắn sẽ lấy đi sự cực nhọc vất vả khỏi bất cứ công việc nào. Nếu bạn quyết tâm ngay từ đầu rằng bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong bất cứ việc gì bạn phải làm, rằng thay vì ghét bỏ và làm việc một cách miễn cưỡng với tinh thần của một kẻ lao dịch, bạn sẽ tìm thấy niềm vui, tìm thấy cách thức để phát triển trong nó, sẽ biến nó thành bậc thang nâng bước bạn đến sự tiến bộ, thì bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng công việc của bạn thật dễ dàng và dễ chịu biết bao.
Thế giới luôn mở đường cho lòng nhiệt tình. Nó buộc mọi người phải lắng nghe. Nó thuyết phục được cả những người đa nghi nhất.
Đấng sáng thế không bao giờ có ý định tạo ra bất cứ con người nào để rồi kẻ đó trở thành nô lệ. Nếu bạn ở đúng chỗ của mình, làm công việc phù hợp với mình, nó sẽ trở thành niềm vui. Đối với tâm hồn khao khát thiết tha nhất thì công việc vất vả, cực nhọc chỉ là do bạn ở sai chỗ, do bạn đang làm việc bằng những khả năng yếu kém hơn thay vì điểm mạnh của bạn. Tôi chưa từng thấy người nào khốn khổ khi bận rộn trong công việc phù hợp với năng lực của họ. Vì còn gì thỏa mãn hơn cảm giác thành thạo, làm chủ những việc chúng ta đang đảm trách, nhận thức khả năng của bản thân và thực hiện những việc quan trọng trong kế hoạch cuộc đời ta một cách xuất sắc. Và không có công việc chính đáng nào, dù đơn giản nhất, lại không mang lại giá trị cho thế giới này.
Người bán hàng nào làm nhiệm vụ của mình với sự hờ hững hay coi nó như một công việc tẻ nhạt và hành động như thể anh ta ước gì anh ta đang ở nơi nào khác, đang làm việc nào đó thích hợp hơn thì người đó không thể làm hài lòng những người anh ta phục vụ. Chỉ người nào đảm trách công việc của mình như thể anh ta yêu quý nó, đặt niềm kiêu hãnh và sự nhiệt tình vào nó, thì người đó mới có thể chiến thắng. Nếu bạn đem vào công việc tinh thần của một nghệ sĩ thay vì một thợ thủ công, nếu bạn đem vào đó nhiệt huyết cháy bỏng, nếu xác định đặt hết sức mình vào công việc, bạn sẽ không còn phiền muộn với cảm giác vất vả cực nhọc nữa.
Mua và bán định hình nên phần lớn công việc của nhân loại, và từ trước đến nay chưa bao giờ nhu cầu về nhân viên kinh doanh trong mọi lĩnh vực lại lớn đến thế. Chưa từng có mức lương cao đến thế được trả cho người có thể quản lý doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu, nhận các đơn đặt hàng, bán bất cứ loại hàng hóa nào. Không cần nói chúng ta cũng có thể thấy rằng giá trị của người bán hàng được đánh giá bằng năng lực thu hút và giữ khách hàng của người đó.
Thời của người nhận đơn đặt hàng thuần túy đã qua rồi. Người mua đang suy xét, không chỉ đối với các giá trị mà còn đối với độ tin cậy của người mà họ giao dịch. Danh tiếng của một doanh nghiệp gạo cội và có uy tín bị ảnh hưởng vì người bán hàng đã thất bại trong việc mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Người bán hàng giỏi phải làm được nhiều hơn những gì anh ta hứa một chút thay vì làm được ít hơn một chút.
Tôi biết những người nhận được mức lương khủng vì họ có tính cách vui vẻ, tự tin và nhiệt tình, những yếu tố giúp thu hút khách hàng và giúp họ có khả năng “giữ lời cam kết”. Những người này luôn được săn đón trong mọi lĩnh vực, vì doanh nghiệp có thể đặt hy vọng vào họ, thậm chí trong những giai đoạn buôn bán ế ẩm nhất và dưới những điều kiện khó khăn nhất.
Cách đây không lâu, tôi có nghe kể về một thanh niên trẻ, anh ta được trả 10.000 đô -la một năm chỉ vì khả năng lấy được đơn đặt hàng từ một khách hàng đặc biệt. Đó là một khách hàng quan trọng, người bán hàng duy nhất có thể tiếp cận và làm ông ta hài lòng – vì ông ta rất gay gắt, thô lỗ và khó chịu – là chàng trai trẻ này, người đã kết hợp được nghệ thuật làm hài lòng khách hàng với óc sáng tạo, lòng nhiệt tình và sự tự tin. Khách hàng cộc cằn này luôn thích gặp anh ta, mời anh ta đến nhà và thường trao cho anh ta những đơn hàng lớn.
Thế giới luôn mở đường cho lòng nhiệt tình. Nó buộc mọi người phải lắng nghe. Nó thuyết phục được cả những người đa nghi nhất. Như Bulwer- Lytton từng nói: “Không gì dễ lan tỏa như lòng nhiệt tình. Nó có thể dời non lấp bể, nó mê hoặc cả những người hờ hững nhất. Lòng nhiệt tình luôn đi cùng sự chân thành, và sự thật là ta không thể giành được chiến thắng nào nếu không có nó.”
“Chúng ta hãy coi chừng việc đánh mất lòng nhiệt tình”, Phillips Brooks nói.
Tôi có biết những cố vấn pháp luật hoàn toàn phụ thuộc vào lòng nhiệt tình của bản thân họ, đến nỗi có những ngày họ hầu như không thực hiện một chỉ thị nào. Còn những ngày khác họ lại ra ngoài và quét sạch mọi thứ trước mắt chỉ vì hôm đó lòng nhiệt tình dâng cao trong họ. Họ có một liều thuốc bổ tuyệt vời từ thực tế rằng mọi thứ trông sáng sủa và đầy hy vọng. Nhưng ngay thời điểm họ cảm thấy chán nản, lòng nhiệt tình trong họ mất dần và họ không thể thực hiện bất cứ việc gì nữa. Họ chỉ có thể chờ đến khi nước triều lại dâng. Bạn sẽ gặp họ vào một ngày nọ, và bạn nghĩ rằng họ sẽ làm nên những kỳ công, và có thể ngay ngày hôm sau họ lại bi quan, công việc của họ trì trệ và sức mạnh của họ mất đi, cho đến khi họ có được nguồn cung cấp năng lượng mới.
Giữ được lòng nhiệt tình giữa lúc chán nản là cả một nghệ thuật. Mấu chốt nằm ở việc kiểm soát suy nghĩ. Chúng ta có thể giữ cho trí não mình tránh đi những suy nghĩ chán nản, sợ hãi, bệnh tật, mâu thuẫn. Không gì làm tan biến lòng nhiệt tình nhanh chóng hơn là việc để tâm trí đầy những suy nghĩ tiêu cực và mâu thuẫn. Chúng ta có thể kiểm soát được tâm trạng, và cách tốt nhất để giữ tâm trí tránh xa bóng tối chính là để nó tràn ngập ánh sáng Mặt trời.
Bất kể ta thông minh như thế nào hay nền giáo dục chúng ta được hưởng tốt ra sao, nếu không có lòng nhiệt tình, nhân tố thúc đẩy bộ máy con người, thì cuộc đời chúng ta sẽ trở nên mờ nhạt.
Chính con người sục sôi nhiệt huyết, với sự hăng hái trong tâm trí, mới có thể chuyển dịch mọi thứ trong thế giới này. Nếu sống thờ ơ, luôn thay đổi, không mục đích, bạn sẽ được dòng chảy cuốn đi và trở thành kẻ lang bạt và bị quăng quật trên biển cả cuộc đời.
Cuộc sống luôn mở đường cho lòng nhiệt tình. Nó nhân sức mạnh của con người lên, làm tăng bất cứ khả năng nào anh ta đang có đến mức độ cao nhất. Horace Greeley từng nói rằng sản phẩm lao động tốt nhất chính là người lao động có tinh thần cao thượng cùng lòng nhiệt tình dành cho công việc của anh ta.
Một số người có lòng nhiệt tình quá mạnh mẽ, và nó đã phản tác dụng. Một người bán hàng trẻ quá nhiệt tình sẽ hoàn toàn bị cuốn đi với những tiềm năng của thứ anh ta đang chào bán, anh ta biểu lộ quá ít khả năng thấu hiểu người khác và quá nhiều lòng nhiệt thành khi chào hàng, đến nỗi anh ta khuấy lên nỗi ngờ vực trong tâm trí khách hàng về các viễn cảnh anh ta vẽ ra.
CHÀO BÁN SỰ HÀI LÒNG
“Người bán hàng không biết nhìn thẳng vào mắt người khác, không thể thật lòng nói được câu ‘Món hàng này sẽ y như những gì tôi giới thiệu’ thì người đó đang làm giảm đi bản sắc của bản thân tới mức độ kèm theo sự tầm thường và sáo rỗng”. Nếu muốn trở thành một người bán hàng, hoặc một thương gia thành công, bạn phải bán được sự bằng lòng, bạn phải biến khách hàng thành bạn bè, bạn phải khiến người đó cảm thấy rằng bạn đã trao cho anh ta một dịch vụ thực sự.
- R. Vardaman đã viết trong cuốn sách The master salesman (Tạm dịch: Bậc thầy bán hàng) xuất sắc của ông: “Bán hàng theo hướng xây dựng uy tín trong kinh doanh thực thụ sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc chỉ dựng quầy bán hàng và thu tiền. Bán hàng thực sự có nghĩa là làm hài lòng khách hàng và mang đến giá trị đã ghi nhận. Nghệ thuật bán hàng thực tiễn này đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tại nơi khách hàng không hoàn toàn hài lòng với người bán hàng, họ sẽ nhận được nhiều lời đề nghị thử đến những nơi khác ngay.”
Một người bán hàng giỏi không cố thử thực hiện những “mánh lới” hay các mưu đồ nhằm tác động lên tâm trí một người. Anh ta dựa vào tiếng tăm của doanh nghiệp mình, vào chất lượng sản phẩm của mình, vào sự chân thành và tính chính trực của bản thân và chỉ kể một câu chuyện thẳng thắn chân thực không rườm rà.
Có một thời, những người bán hàng được tuyển dụng nhờ vào sự khôn ngoan, tính láu cá, khả năng lôi cuốn khách hàng của họ, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp cấp tiến đang áp dụng những phương pháp cởi mở, thẳng thắn và minh bạch. Con người đang dần nhận ra rằng lòng chân thành là phẩm chất tốt đẹp nhất mà nếu thiếu nó thì việc kinh doanh sẽ không thể thành công.
Đã có thời người ta cố gắng thu được nhiều đơn hàng lớn tại một thời điểm mà không suy nghĩ đủ nhiều về tương lai. Giờ đây, có được khách hàng lâu dài mới là điều mà mọi doanh nghiệp mong muốn. Người bán hàng khôn ngoan biết rằng có được một đơn hàng nhỏ và giữ lại một khách hàng lâu dài thì tốt hơn là nài ép một người mua thứ mà anh ta đang không cần.
Người bán hàng từng bị đánh giá chủ yếu dựa trên giá trị của những đơn hàng mà anh ta đem về, nhưng giờ đây anh ta có giá trị tương ứng với lượng khách hàng thường xuyên mà anh tìm được cho doanh nghiệp của mình.
Các khách hàng tiềm năng, dĩ nhiên, là tài sản lớn nhất của một thương nhân, và anh ta muốn tất cả nhân viên bán hàng sẽ bảo vệ tài sản này bằng mọi cách. Nếu một khách hàng bực tức, không hài lòng thì doanh nghiệp không chỉ có thể mất đi vị khách đó mà còn có thể mất đi nhiều khách hàng khác – những người sẽ có ấn tượng xấu từ những gì người kia nói về doanh nghiệp này. Người bán hàng thấy được những khách hàng tiềm năng cũng như người thương gia khôn ngoan nhìn thấy triển vọng nơi họ, và người nào kiếm được nhiều khách hàng thân thiết nhất sẽ là người thành công nhất.
Mấu chốt của kinh doanh là khiến cho bạn trở nên hữu ích nhất có thể đối với các khách hàng, khiến họ thật sự quan tâm, đặt bản thân bạn vào vị trí của họ, cố gắng hết sức mình để đem đến cho họ thứ họ muốn và tiễn họ đi trong sự hài lòng.
Tư duy đúng và khát vọng phụng sự sẽ cho phép bạn thấu hiểu và xử trí một cách dễ chịu, thậm chí với những khách hàng phiền phức và gàn dở nhất. Tôi có biết một quý bà New York thường chờ đợi nửa tiếng hoặc thậm chí lâu hơn trong một cửa hàng bách hóa chỉ để gặp được một nhân viên bán hàng đặc biệt, chỉ vì cô ấy quá vui vẻ và tốt bụng, quá ân cần, chu đáo, để tâm đến nét đặc biệt và tính cách kỳ lạ của bà. Những nhân viên thu ngân khác thường thiếu kiên nhẫn và ngại tiếp xúc với bà chỉ vì bà cầu kỳ tỉ mỉ, nhưng cô gái đặc biệt này không bao giờ mất kiên nhẫn, cô thường tìm giúp bà đúng thứ bà muốn và thực hiện việc đó với một thái độ hết sức vui vẻ.
Mấu chốt của kinh doanh là khiến cho bạn trở nên hữu ích nhất có thể đối với các khách hàng, khiến họ thật sự quan tâm, đặt bản thân bạn vào vị trí của họ, cố gắng hết sức để đem đến cho họ thứ họ muốn và tiễn họ đi trong sự hài lòng.
Đó chính là thái độ làm khách hàng cảm thấy thoải mái. Việc nghiên cứu những nhu cầu đặc biệt của khách hàng, thấu hiểu họ, đối xử với họ bằng tác phong nhã nhặn làm nên những phẩm chất tạo nên một người bán hàng giỏi.
Nhiều doanh nghiệp đang có hàng nghìn người quảng cáo miễn phí giúp họ, những người này khuyên mọi người mua hàng ở cửa hàng đó, vì bên cạnh việc tiếp tục giữ được chất lượng hàng hóa tốt nhất, họ còn đáng tin cậy và luôn đối xử với khách hàng của họ rất tốt.
Một thương nhân thành công gần đây đã phát biểu: “Rất ít người nói năng có sức thuyết phục xuất sắc đến mức hàng hóa sẽ bán chạy mà không cần đến quảng cáo và nghệ thuật bán hàng, và có những quảng cáo hết sức đơn giản đang giúp sản phẩm bán chạy mà không cần tới đội ngũ chào hàng”. Nói cách khác, thành công hay thất bại của một hãng bán lẻ hay bán sỉ của bất cứ ngành hàng nào đều phụ thuộc vào việc mở rộng lượng người cần tuyển dụng để bán sản phẩm.
Một thương nhân giỏi sẽ coi năng lực bán hàng của mình là một biểu tượng cá nhân, là người đang làm những gì tự bản thân ông sẽ làm nếu ông có đủ sức khỏe để gặp gỡ và phục vụ mọi khách hàng của hãng.
Nếu muốn là nhân viên bán hàng thành công, bạn phải nhớ rằng người mà bạn đang cố gắng chào hàng sẽ đề phòng bất cứ kiểu dối trá lừa lọc nào. Người đó sẽ tìm kiếm chứng cứ vạch trần lời nói không thành thực. Người đó không hề có ý định cho phép bản thân bị lừa bịp hay cả tin. Trên hết, hãy nhớ rằng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không gì có thể thay thế cho sự chân thành. Không gì chiếm được vị trí của sự minh bạch, giản đơn, chân thành, tử tế trong cuộc đời chúng ta.
CÁ TÍNH VÀ NGHỆ THUẬT BÁN HÀNG
Một người bán hàng thành công không chỉ phải sử dụng hết tài tháo vát của mình trong công việc mà còn phải mang vào cuộc chơi cá tính chiến thắng của mình. Điều này nghĩa là anh ta không chỉ phải hết sức cẩn thận về phục trang, diện mạo, mà còn phải có tác phong lịch sự, tế nhị, tự nhiên, lanh lợi, giao tiếp tốt và tính khí vui vẻ.
Một nhân cách tuyệt vời đồng nghĩa với đỉnh cao của tất cả những gì cao quý nhất và tốt đẹp nhất trong việc tạo dựng tính cách cá nhân, tri thức cá nhân. Nhân cách tuyệt vời đồng nghĩa với yêu cầu cao về trí thông minh, nghĩa là một trí tuệ uyên bác, hoạt bát lanh lợi, là một tâm trí tích cực và sáng tạo.
Không điều gì đem đến một hình ảnh tốt đẹp hơn cho người bán hàng hay bất cứ người làm những công việc yêu cầu giao tiếp xã hội khác hơn là phong thái đĩnh đạc, vui vẻ, mạnh mẽ. Thái độ này sẽ thể hiện tinh thần tích cực hướng đến cuộc sống và truyền cảm giác tự tin cho mọi người.
Tất cả chúng ta theo bản năng đều ngưỡng mộ và tin tưởng một tâm hồn mạnh mẽ, đầy hy vọng và hân hoan. Chúng ta thích giao thiệp với những người như thế. Hầu hết chúng ta đều tán thành những gì tiến sĩ Frank Crane đã nói về chuyện mua sắm: “Ngay lúc này đây, tôi thú nhận rằng 9/10 món hàng mà tôi mua là do người bán hàng đã khiến tôi vui vẻ làm điều đó. Sự hân hoan là dấu hiệu chứng tỏ bạn cảm thấy vui vẻ, đang tận hưởng cuộc sống và tràn đầy niềm vui, chúng tốt hơn bức thư giới thiệu của ngài Rockefeller rất nhiều.”
Có một sự thật rất đúng rằng: “Nếu không thể học cách tươi cười thì bạn không thể học cách bán hàng.” Người bán hàng giỏi là người luôn lạc quan, đầy hy vọng và vui vẻ. Họ đánh giá cao giá trị của nụ cười, của việc luôn tỏ ra thân thiện. Tinh thần lạc quan có tính lan truyền. Mọi người sẽ như một tâm hồn ngập tràn ánh nắng.
Việc định hình nên thói quen vui vẻ từ sớm là rất quan trọng. Người lạc quan là người mà tâm trí họ luôn hướng về phía tươi sáng của cuộc đời và hình thành thói quen giữ tâm trạng vui vẻ. “Những gian khó sẽ tan biến trước người khoác lên mình tinh thần phấn khởi và không ngừng cự tuyệt sự nản chí.”
Một cá tính chiến thắng, một tính khí vui vẻ, một giọng nói thân thiện không ngạo mạn mà dịu dàng, ai có thể ước tính được giá trị của những yếu tố này trong nghệ thuật bán hàng cơ chứ?
Cư xử hòa nhã có tác động mạnh mẽ lên những người khác và có sức mê hoặc lớn.
Người bán hàng thường thấy cách nghĩ của khách hàng không giống mình. Người đó không muốn món hàng, hoặc ít nhất anh ta nghĩ rằng anh ta không muốn, và vì thế anh ta quyết tâm không mua.
Anh ta cố gắng chống lại tất cả các khả năng khiến mình phải làm điều mà mình đã quyết định không làm. Thế nhưng, một lúc sau, anh ta vui vẻ mua món hàng, trả tiền cho nó và cảm thấy chắc chắn rằng mình thật sự muốn nó. Thái độ của anh ta đã thay đổi hoàn toàn nhờ vào nghệ thuật thuyết phục, qua những bước hợp lý, và mỗi bước đều phải được thực hiện đúng trật tự, hoặc kết quả sẽ là thất bại.
Một số người bán hàng giao tiếp rất khéo léo. Họ luôn tươi cười, hoạt bát, vui vẻ và thu hút đến mức họ không bao giờ phải thúc ép hay thậm chí gõ cửa bất cứ nơi đâu. Cánh cửa luôn mở sẵn để chào đón và họ sẽ được mời vào, cũng như khi chúng ta mời vẻ đẹp, sự thân thiện, tươi vui vào tâm trí mình. Sự hiện diện của họ đã đem đến sức ảnh hưởng tinh tế và luôn khiến người khác thoải mái. Họ biết cách thuyết phục mà gần như không phải thốt ra một lời nào.
Dù bạn là người bán hàng rong hay đang bán trong cửa hiệu, không điều gì giúp bạn thành công hơn việc rèn luyện tác phong lịch sự, nhã nhặn.
Một cá tính chiến thắng, một tính khí vui vẻ, một giọng nói thân thiện không ngạo mạn mà dịu dàng, ai có thể ước tính được giá trị của những yếu tố này trong nghệ thuật bán hàng cơ chứ?
Một nhà văn từng nói: “Tác phong nhã nhặn tạo sức hút để bạn có được sự chú ý của công chúng, nó giúp giữ lấy khách hàng và phát triển kinh doanh. Bạn trẻ nào có đạo đức tốt, có nghị lực và tính khí dễ chịu, vui vẻ và lịch thiệp sẽ gần như chắc chắn được mọi người công nhận và thành công trong sự nghiệp.”
Người bán hàng giỏi nhất là những người có tính khí hòa đồng, tốt bụng và đáng mến. Đó là do cách cư xử thân thiện của họ.
Ông chủ của các thương hiệu lớn nhất mong đợi người bán hàng luôn chu đáo, ân cần với khách tham quan, nhưng không bao giờ được nài nỉ họ mua hàng; họ cần phải nhớ rằng khách tham quan, dù có mua hàng hay không cũng đều là khách của doanh nghiệp và cần được đối xử như thế. Người bán hàng là những đại diện của ông chủ khi gặp gỡ và chào đón khách tham quan, và do đó họ phải cố gắng tỏ thiện ý một cách khiêm tốn để tạo mối liên kết tốt đẹp giữa chủ doanh nghiệp và cộng đồng.
TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI BÁN HÀNG KHÔNG THÀNH CÔNG?
Có hàng nghìn người bán hàng trên khắp đất nước này thất vọng với doanh thu bán hàng của họ. Họ là nạn nhân của những khuyết điểm và yếu kém của chính mình.
Họ đi hết con đường sự nghiệp và chấp nhận một nửa hoặc có lẽ chỉ 1/4 mức lương mà họ biết mình có thể kiếm được, họ không thể kiếm được phần lương còn lại vì lý do nào đó mà họ dường như không bao giờ khám phá ra.
Vấn đề của hầu hết những người thất vọng về bản thân khi không bắt kịp thế giới nhanh hơn chính là miễn cưỡng tìm kiếm những nguyên nhân trong chính họ. Có vẻ như hầu hết chúng ta không thích nhìn thẳng vào những thất bại, những nhược điểm và khiếm khuyết của bản thân. Chúng ta nhạy cảm với chúng. Chúng ta tránh né chúng. Kết quả là nhiều người trong chúng ta sống hết đời như là nạn nhân của những điểm yếu, và sợi dây cuộc đời ta sẽ đứt tại điểm nối yếu nhất, nơi vốn có thể dễ dàng được siết chặt.
Tôi biết những người bán hàng đang bị ghìm chân do thái độ không phù hợp. Họ không tạo được ấn tượng tốt vì họ thiếu tế nhị và kém hiểu biết. Những người khác lại không chú ý gì đến vẻ ngoài của bản thân, họ trông lôi thôi, luộm thuộm. Người bán hàng nào không chú tâm đến trang phục thì sẽ gặp bất lợi trong công việc.
Gấm vóc lụa là không thay đổi được bản chất con người, nhưng một người ăn mặc chỉnh tề, đặc biệt khi ở giữa những người lạ, sẽ được tiếp đón chu đáo hơn người ăn mặc lôi thôi. Sự thật đúng là vậy. Một người với chiếc áo khoác chỉn chu sẽ đi đứng với tư thế trang trọng hơn người khoác áo nhăn nhúm, điều này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của anh ta.
Một thương gia nổi tiếng nói: “Sẽ rất tốt cho những bạn trẻ mới bước vào kinh doanh và cũng như cho những người đã không đạt được thành công mà họ mong đợi khi họ cân nhắc ý kiến sau đây của những người rất thành công và giàu kinh nghiệm, rằng tính cách vui vẻ không chỉ là tài sản giá trị mà còn là yếu tố gần như bắt buộc đối với những người vô danh đang khao khát tiến thân. Không nghi ngờ gì khi có hàng nghìn nam nữ thanh niên trong các thành phố khác đã ra về buồn bã sau khi nộp đơn ứng tuyển cho vị trí nhân viên bán hàng nhưng lại chẳng biết gì về lý do họ thất bại khi tìm kiếm cơ hội việc làm này.
Họ có thể có đủ trình độ để làm công việc họ ứng tuyển, thế nhưng chỉ vì sự bất cẩn trong phục trang hay thái độ thiếu chú tâm, họ đã gây ấn tượng xấu với người đánh giá họ, và do đó mất đi cơ hội thể hiện những gì họ có thể làm. Nếu họ chịu nghĩ đến từ trước rằng những người lạ thường phán xét năng lực của họ dựa vào hình thức bên ngoài thì có lẽ họ đã có thể cải thiện được hình thức của bản thân đủ để bước lên vị trí cao hơn.”
Rất nhiều người trí tuệ đã thất bại khi làm nhân viên bán hàng hay cứ mãi là một người tầm thường, chỉ vì anh ta không bao giờ học được cách thể hiện bản thân. Cách nói chuyện nhàm chán, ngập ngừng sẽ là trở ngại lớn trong kinh doanh.
Cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích và rõ ràng luôn tạo được ấn tượng tốt với người khác. Hầu hết chúng ta vụng về trong các buổi trò chuyện vì ta không trải qua khó khăn hay đau đớn để học cách trò chuyện tốt. Chúng ta nói năng ngắc ngứ, lủng củng chỉ vì như vậy dễ hơn rất nhiều so với suy nghĩ kỹ trước khi nói và thể hiện bản thân với cung cách thanh lịch, thoải mái.
Gọng điệu của ta cũng rất quan trọng. Rất khó thuyết phục được khách hàng tiềm năng mua sản phẩm khi bạn trình bày với âm điệu hoặc cao vút, the thé, chói tai hoặc lẩm bẩm khó nghe.
Chỉ vì thiếu tế nhị mà vô số nhân viên bán hàng đã không thể thành công khi làm những việc quan trọng. Họ tỏ ra cố chấp không đúng lúc, hoặc nhận xét hay ẩn dụ không phù hợp, tất cả đã hủy hoại cơ hội thành công của họ.
Rất nhiều nhân viên bán hàng quá cứng nhắc đến độ chọc tức khách hàng. Điều đó kích thích sự phản kháng và nghi ngờ, và khách hàng sẽ không mua hàng khi trong đầu anh ta đã có định kiến.
Một người bán hàng kém thường thất bại khi tìm đơn hàng vì anh ta thờ ơ trước những nguyên tắc tâm lý học, anh ta không thử cố trung hòa bất cứ định kiến hay sự phản kháng nào trong suy nghĩ của khách hàng tương lai. Nhiều người bán hàng không quan tâm đến quan điểm của người mua hàng.
Họ không đặt mình vào vị trí của khách hàng hay cố gắng suy nghĩ xem điều gì sẽ tác động được đến họ nếu họ ở vị trí người mua hàng. Họ không tế nhị và khéo léo trong giao thiệp. Họ không biết khi nào khách hàng đang thận trọng, tiết kiệm, khi nào họ sợ đầu tư mạo hiểm, họ không thể tiếp cận khách hàng đó như khi họ tiếp cận người khách hào phóng, có tầm nhìn rộng rãi và tiêu tiền mạnh tay.
Họ không phải là những người am hiểu về bản chất con người, họ chỉ đưa ra những lập luận nhàm chán, trò chuyện cùng một kiểu với mọi người. Nói cách khác, họ không tế nhị hay thông minh và lúc nào cũng tự khiến mình vấp ngã, hay càu nhàu và tạo ra những sai lầm ngớ ngẩn làm mất khách hàng.
Cần có những phẩm chất tốt mới làm nên một nhân viên bán hàng giỏi. Bạn không thể bán hàng chỉ như một cái máy.
Tôi từng được nghe một doanh nhân thành công kể về lần ông đi mua bộ com-lê ở một trong những cửa hàng hàng đầu ở New York.
Ông kể: “Người bán hàng phục vụ tôi, đã trưng ra cho tôi vô số bộ com-lê với tất cả các kiểu dáng và màu sắc. Anh ta đã không làm tôi hứng thú với bất cứ bộ nào. Anh ta làm phân tán sự chú ý của tôi, hết sức thờ ơ và thể hiện rằng anh không quan tâm liệu tôi sẽ mua hay không. Sau một giờ đồng hồ lãng phí, tôi rời khỏi đó trong tâm trạng chán ghét. Tôi tự nhủ: “Một thương hiệu có đến hàng nghìn bộ com -lê và một nhân viên bán hàng giỏi thì chắc chắn sẽ bán được cho mình một bộ.” Tôi đến một cửa hàng khác. Người nhân viên tại cửa hàng này đã lấy được niềm tin trong tôi ngay từ đầu, anh ta giới thiệu cho tôi chỉ ba bộ com-lê và làm tôi hứng thú với một bộ đặc biệt, chỉ cho tôi thấy tại sao tôi nên mua bộ đó và chỉ trong 18 phút tôi đã trả tiền, và giờ thì tôi đang tận hưởng cảm giác khoác lên mình bộ com – lê ấy.”
Cần có những phẩm chất tốt mới làm nên một nhân viên bán hàng giỏi. Bạn không thể bán hàng chỉ như một cái máy. Bạn phải tạo kết nối với khách hàng tương lai bằng cách khiến anh ta cảm thấy bạn không chỉ là một người xứng đáng để trò chuyện cùng mà còn rất đồng cảm và thật sự mong muốn được phục vụ anh ta, được mang điều tốt đẹp đến cho anh ta.
Vấn đề của rất nhiều nhân viên bán hàng không thành công là họ không có khả năng thích ứng với sự phản đối. Họ kéo cờ trắng lên ngay thời khắc chạm trán với kẻ địch. Họ không có năng lực chiến đấu và đầu hàng trước cả khi phát súng đầu tiên được bắn ra. Khi một vị khách tỏ ra khó chịu với một trong những nhân viên bán hàng này thì anh ta coi như xong. Anh ta sẽ nói: “Chà, tôi đoán có lẽ bạn nói đúng, tốt hơn là bạn không nên mua nó lúc này.” Người bán hàng này thiếu khả năng chịu đựng. Chẳng có đủ canxi trong xương sống của anh, chẳng đủ sắt trong máu anh. Anh ta có tâm hồn chân thành nhưng lại thiếu tính kiên cường giúp tạo nên tính cách của một nhân viên bán hàng xuất sắc.
Nếu muốn thành công trong công việc bán hàng, hãy nhớ rằng mỗi nét tính cách nhút nhát hay khó ưa trong bạn sẽ làm giảm doanh thu bán hàng và cản trở thành công của bạn. Sự nhạy cảm, rụt rè sẽ làm giảm khả năng bán hàng của bạn, và bạn phải khắc phục được những điểm yếu này.
Hãy vứt bỏ tính nhút nhát, thói nhạy cảm quá mức của bạn đi. Hãy tự tin rằng bạn sẽ trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc, đặc biệt, cá tính, sáng tạo. Đừng bao giờ cho phép mình ước những điều mình cho là đúng đắn phải khác đi, bởi vì suy nghĩ bạn giữ trong đầu chính là hình mẫu cho việc xây dựng cuộc đời bạn. Hãy nghĩ đến niềm tin, lòng dũng cảm, sức mạnh và bạn sẽ phát triển được những phẩm chất đó.
Bạn sẽ có mọi thứ khi thể hiện niềm tin vững chắc rằng bạn sẽ chiến thắng. Hãy trục xuất mọi nghi ngờ và sợ hãi khỏi tâm trí và tiếp cận mọi khách hàng với niềm tin thành công.
Tâm lý học kinh doanh, khái niệm mà chúng ta nghe nói đến rất nhiều, chỉ đơn giản là tên gọi mới cho nguyên tắc mà những doanh nhân và những nhân viên bán hàng tài giỏi đã sử dụng trong mọi thời đại. Sự khéo léo trong giao thiệp, tài ứng biến, thiện chí, sự tự tin và tin vào sự hữu ích của thứ mình đang bán, bất kể đó là hàng hóa hay dịch vụ, tất cả những điều này đều nằm trong tâm lý học kinh doanh và là phẩm chất của những nhân viên bán hàng giỏi.
Xây dựng hay làm hỏng cuộc đời bạn đều nằm trong tay bạn. “Chúa bán mọi thứ và cho mọi người với cái giá công bằng.” Thành công đang được bán trên khắp thế giới. Tất cả những ai sẵn sàng trả giá đều có thể mua được nó.
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.