Theo quan điểm của tớ, sạch sẽ không hẳn lúc nào cũng tốt, còn bừa bộn tuyệt đối không phải là hoàn toàn xấu. Nhất là khi với tớ, bừa bộn chính là cách để giải tỏa. Mỗi lần đi học về, tớ thích nhất cái đoạn ném cặp lên giường giống như mấy anh chị cử nhân tung mũ kiểu như là: “Từ nay ứ thèm học nữa!” ấy. Cái việc tỉ mẩn gấp hay treo áo đồng phục lên trên mắc sẽ làm giảm cái cảm giác Yomost khi kết thúc một ngày học hành vất vả của tớ. Tớ chỉ cảm thấy sung sướng khi được vung tay, vung chân phi thẳng nó vào đâu đó trong phòng. Dọn dẹp thì để lúc khác, miễn là tớ có dọn là được. Còn những lúc thoải mái như vậy, tớ phải vui tẹt đi đã.
Nhưng mẹ thì lúc nào cũng nghĩ tớ sẽ sống cả đời với cái “messing room” ấy mà không bao giờ dọn dẹp.
“Nhìn cái phòng có khác gì cái chuồng lợn không? Con gái con đứa, thế này thì đi ở với ai người ta cũng đuổi ra khỏi nhà.”
Tớ chẳng thể nào giải thích cho mẹ hiểu cái quan điểm đúng đắn của tớ mà chỉ đúc kết nó bằng một câu nói chí lý vô cùng:
“Tí con dọn. Vừa đi học về mệt quá…”
Các ấy chắc cũng đoán ra là mẹ tớ lại ca cẩm thế nào rồi nhỉ.
Tí đến bao giờ? Người ta làm đến đâu là gọn gàng đến đấy, đây làm cái gì cũng bừa phứa ra. Ai đi theo con cả đời mà dọn dẹp được.
Từ trước đến nay, phòng tớ, tớ tự bừa ra thì tớ tự dọn. Thỉnh thoảng mẹ chỉ vào đổ cho tớ tí rác, hay là “dọn” hộ tớ đống thư từ, nhật ký, thế mà mẹ nói như kiểu tớ chỉ biết bừa, chả bao giờ biết thu xếp cái gì không bằng.
Một lý do to đùng khiến cho căn nhà của tớ lúc nào trông cũng nhàm chán là vì cả chục năm nay, mẹ không để cho bất cứ đồ đạc nào trong nhà thay đổi hình thù hay vị trí cả.
Dép là phải để chỗ này.
Mũ là phải treo chỗ kia.
Điều khiển tivi là phải đặt ở đây, đến lúc tìm nó mới dễ.
Thậm chí dép còn được phân loại rõ ràng, loại đi trong nhà thì xếp ở đâu, loại đi ra ngoài để chỗ nào. Còn đối với tớ, một khi đã vội thì dép nào cũng giống nhau cả.
Khó chịu nhất là cứ mỗi lần tớ đang học tập hăng say, mẹ lại ngó vào nhắc nhở vài câu bâng quơ có “tác dụng” làm tớ tụt hết cả hứng thú học hành:
“Xếp gọn cái bàn học vào đi nhé. Bừa bộn thế kia thì học hành sao được.”
Kệ chứ! Học mà không bừa bộn thì học sao được. Sách gì cũng cần nên đều phải bày hết trên bàn. Rồi thỏi son, mấy thứ đồ handmade cũng không thể cất đi được vì sẽ có những lúc xì trét cần phải nghịch ngợm với chúng chứ. Mẹ không phải là tớ nên mẹ không thể hiểu được những lúc học mà cứ phải săm soi xem mọi thứ đã về đúng chỗ chưa thì mất tập trung như thế nào. Chắc chắn tớ sẽ xếp gọn lại là được, miễn không phải là trong lúc đang học.
Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng xe của mẹ trước cửa nhà là tớ lại lo ngay ngáy. Có khi cả ngày tớ chỉ dọn dẹp, ngắm nghía cho không còn tí tẹo vết bẩn nào, đồ đạc về đúng nơi quy định, không chệch một centimet. Thế mà mẹ tớ vẫn có cái để mà phê bình:
– Kính bẩn thế này mà con vẫn cứ để yên được.
– Chổi quyét xong không cất gọn vào mà vất ngổn ngang thế kia.
Mà khó chịu nhất là cái câu:
– Dọn xong rồi mẹ toàn phải chạy theo dọn lại. Thà chả dọn còn hơn.
Những chỗ sạch sẽ ngăn nắp thì mẹ cố tình không nhắc đến, mẹ chỉ để ý đến mấy cái lỗi bé tí tẹo ấy. Bạn bè tớ có đứa còn chả bao giờ biết dọn dẹp nhà cửa là gì. Nếu chúng nó mà làm được như tớ thì chắc bố mẹ chúng nó phải sướng điên lên. Còn mẹ thì lúc nào cũng kì kèo, cằn nhằn. Bực mình!
Mà thỉnh thoảng tớ thấy mẹ mệt, mẹ cũng ném veo cái túi xách vào ghế salon rồi chẳng buồn dọn dẹp gì nữa. Phòng của ba mẹ thỉnh thoảng cũng chẳng sạch sẽ gì cho lắm. Ước gì bà ngoại ở đây để bà mắng mẹ như mẹ đã mắng tớ.
Chẳng may có lần nào mà mẹ phải thân chinh dọn dẹp nhà cửa thì cả nhà tha hồ mà thấy tội lỗi vì những lời ca thán, than thở của mẹ:
– Con với chả cái, nuôi cho lớn ngần ấy mà chẳng được nhờ cái việc gì, chỉ có phá là giỏi. Làm đâu bừa đấy. Mẹ nó đi làm cả ngày về đến nhà lại gò lưng ra dọn dẹp cho nó. Không có tay tao thì cái nhà này thành cái chuồng lợn. Nhà cứ như là nhà trọ, không ai chăm lo ngoài cái thân mẹ nó.
Haizz, mọi lần tớ dọn nhà, có bao giờ tớ kêu than nhiều như mẹ đâu. Mẹ cứ lặng lẽ làm như tớ thì có khi đỡ mệt hơn.
Hôm nay, lúc vừa đi học về, tớ đã thấy đứa em gái ngồi lù lù ở ghế salon với cả đống vỏ bim bim, thịt hổ.
– Mày làm cái gì mà bày bừa ghê thế? Không sợ mẹ mắng à?
– Hôm nay ba mẹ về muộn mà. Với cả mấy thứ này em mua bằng tiền mẹ thưởng cho em vì được điểm mười thi giữa kì mà. Mẹ không mắng em đâu.
Tớ trợn mắt nhìn nó:
– Mày giỏi. Tiền mẹ cho dám lấy mua linh tinh. Mà thôi, kệ mày, muốn mua gì thì mua. Tí mày dọn sạch đống vỏ này đi là được. Không thì lúc mẹ về mà đánh mày, mày lại khóc ỉ ôi, tao không học được bài.
– Biết roài.
Tớ chả thèm quan tâm xem nó có được mẹ thưởng thật không nữa. Tớ mệt lắm rồi, đi ngủ cho sướng đời.
– Ối, đâu hết rồi? Ra ngay đây mẹ bảo!
Oáp, biết ngay con em bị mẹ mắng mà… Tớ tung chăn chạy vội ra phòng khách. Tớ thấy mẹ đứng hiên ngang, tay chống nạnh, mặt mũi hầm hố, mắt hình viên đạn…
– Ở nhà làm cái trò gì mà bày bừa hết cả ra ghế thế này? Bộ salon đẹp thế này mà bôi ra đấy được à?
Tưởng gì, cái chuyện này thì minh oan dễ ẹc, lại còn tố thêm con em một tội nữa chứ:
– Cái L nó ăn đấy mẹ ạ. Con dặn nó dọn rồi mà nó không chịu dọn…
Tự dưng mẹ tớ nổi đóa lên như là tớ vừa nói mẹ bày ra không bằng:
– Dặn dặn cái gì? Ai là chị? Ai nhận việc dọn dẹp nhà cửa? Không thấy nó dọn thì phải biết đằng ra mà dọn đi chứ. Tôi đi làm cả ngày mệt rũ người, lại còn đợi tôi về mà hầu nữa à?
Cái gì thế vậy không biết. Chị thì sao, chị thì cứ phải đi theo em để phục vụ cả ngày à? Cái đứa bày bừa thì không bị mắng, cái đứa vô tội thì đứng đây chịu trận.
– Cái L nó bày ra, sao mẹ mắng con? Chị hay em mà chẳng phải làm. Nó bày ra sao con phải dọn?
Hình như mẹ tớ đang bực cái gì ở cơ quan hay sao ấy. Mà có bực thì cũng chẳng ai giận cá chém thớt cái kiểu vô lý như mẹ cả.
– Vẫn còn gân cổ lên cãi. Có mỗi việc giúp mẹ dọn nhà mà không làm được. Mẹ nói một thì con đã cãi xong mười. Con với chả cái. Khôn ra thì dọn đi, đừng để tôi điên lên nữa.
Ức chế quá. Nhưng mà bây giờ không dọn thì có khi sẽ bị mẹ với con quỷ nhỏ kia tống ra khỏi nhà. Cùng là con mà một đứa như công chúa, một đứa như nô tì ấy. Thì từ trước mẹ đã yêu nó hơn mà. Bao nhiêu cái khổ thì phải dồn cho mình hết là đúng rồi.
Tớ vừa dọn, vừa ức chế. Dọn xong ứ thèm ăn cơm nữa, cho cả nhà ấy vui vẻ với nhau, đỡ bị con ở làm phiền. Con quỷ ác ma, tí ông cho một trận, ăn uống xong vất bừa ra làm ông phải dọn. Vừa mới đi học về, nhắm được nửa cái mắt thì bị dựng dậy, ăn mắng oan xong lại hùng hục làm lụng vất vả. Tớ vừa làm, đầu vừa xì khói. Cục tức trong lòng to đùng đùng, mặt mũi chắc giờ phải nhăn hơn cả khỉ. Không hiểu mẹ nhìn thấy tớ thế này có thương xót không.
– Lau mạnh cái tay lên. Không làm cái gì ra hồn cả. Làm thì ra làm mà không làm thì thôi. Tí tôi lại phải đi lau lại thì cũng bằng hòa.
Bó tay! Chuẩn tớ là con ở rồi. Điên thế không biết, cứ tưởng thương mình thế nào. Đã làm oan rồi thì chớ. Chắc chỉ có một mình con quỷ kia là con của mẹ tớ.
– Bếp thì bẩn như ma. Không hiểu sao bố con mày sống được trong cái chuồng lợn này. Cho ăn, cho mặc, cho học để thành người mà có mỗi cái việc dọn dẹp cũng làm không xong. Đến dọn nhà cũng không làm được thì sau này chỉ có mà đứng đường.
Tớ tức quá, ném bộp cái giẻ bẩn xuống ghế sofa quyền quý của mẹ:
– Có phải tại con đâu? Mà con cũng có phải ô sin đâu?
Chuyên gia gỡ bom phàn nàn
Bữa trước, vừa đi làm về là mẹ tớ đã thở vắn than dài: “Nhìn nhà người ta có con gái mà thèm. Cơm dẻo canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ; cứ như có cô Tấm trong nhà ấy. Còn con nhà này thì…” Tớ “cú” lắm, mẹ nói vậy chẳng hóa ra mình là Cám vừa đáng ghét lại còn lười biếng? Còn bố tớ thì, ý nhị và nhẹ nhàng hơn, lại viện dẫn chuyện cô bé Lọ Lem. Mọi người đều ngưỡng mộ cô bé Lọ Lem duyên dáng lấy được hoàng tử trong truyện cổ tích. Nhưng không nhiều người nhớ cô bé Lọ Lem cũng đã cáng đáng hàng đống công việc nhà. Vì thế, muốn trở thành con gái ngoan của bố mẹ thì hãy lắng lẽ và tự giác đi mà làm?
“Chiếu chỉ” của mẫu hậu đã được ban ra: “Ai cũng đến lúc phải trưởng thành, phải tự lo toan cho cuộc sống của mình. Bây giờ mới bắt con làm việc nhà có khi vẫn là… muộn”.
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu
Việc nhà = sai vặt
Bạn thử hồi tưởng xem, bạn được giao việc nhà như thế nào. Có phải là khi vừa bắt đầu học bài, ngồi chưa ấm chỗ thì bố bạn đã: “Tèo ơi, đi pha cho bố ấm trà” hoặc giữa lúc bạn đang cắm đầu vào bài Toán khó, mẹ bạn réo rắt: “Rót hộ mẹ phích nước với. Mẹ đang dở tay”. Đấy, việc nhà của chúng ta toàn là những việc không tên, cỏn con như vậy đấy. Chúng có thể được giao cho bạn bởi bất kỳ người lớn nào trong nhà, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể chúng ta có hào hứng và tự nguyện làm hay không. Cũng bởi, bố mẹ cho rằng, trẻ con thì làm gì có quyền lựa chọn. Với lại, những việc bé xíu như vậy, có khó khăn gì đâu, sao phải đắn đo, “kén cá chọn canh”. Bố mẹ đâu biết rằng, teen có thể không ngại làm những việc này nhưng cách bố mẹ sai bảo khiến teen dễ có cảm giác mình là một đứa trẻ đang bị sai vặt vậy. Thế nên, sự vùng vằng, ấm ức là một điều dễ hiểu.
Làm như “mèo mửa”
Người lớn lạ thật đấy, khi chúng mình không làm việc nhà thì kêu lười nhưng khi các con đã làm thì lại chẳng công nhận sự cố gắng của chúng mình. Chả nói đâu xa, mẹ tớ chưa bao giờ vừa mắt với một việc nào do chính tay tớ làm. Bất kỳ việc nào mẹ cũng phải “kiểm duyệt” đi “kiểm duyệt” lại sau khi tớ báo cáo kết quả. Thiếu sự tin tưởng, các bậc phụ huynh rất dễ rơi vào xu hướng phủ định những thành quả của con mình. Đặc biệt, xu hướng đó còn thể hiện qua lời nói và vô tình làm con thấy chán nản khi sự cố gắng không được ghi nhận. Dần dần, teen mất hẳn hào hứng cho đến khi việc nhà thực sự không còn là mối bận tâm của teen nữa.
Yêu cầu quá cao
Là những người có kinh nghiệm sống đầy mình, thậm chí, có những ông bố bà mẹ còn hơi kỹ tính, khắt khe và nguyên tắc nên đặt ra một yêu cầu cao cũng làm khó cho con. Nếu chỉ bê nguyên xi thước đo của người lớn vào những việc teen làm thì chắc chắn, còn lâu teen mới qua được điểm 5 trên thang điểm 10. Đơn cử như việc thỉnh thoảng teen nhầm củ hành với củ tỏi, củ riềng với củ nghệ là bố mẹ đã bêu riếu teen, làm như đó là nhầm lẫn chết người rồi. Hoặc những lần nấu ăn, chỉ cần con gái nêm nếm quá tay là mẹ đã gắt gỏng bởi học mãi mà con không nấu hợp khẩu vị với mẹ. Cứ thế, việc nhà sẽ trở thành một nỗi ngán ngẩm của teen từ lúc nào không hay.
Bố mẹ luôn chọn sai thời điểm
Đâu phải lúc nào phòng ốc của con cũng bừa bộn, nhà cửa cũng nhếch nhác. Có nhiều lúc, teen cũng chăm chỉ tận tụy với cửa nhà lắm chứ. Chỉ có điều, những lúc này, mắt bố mẹ để đi đâu ấy, chẳng chịu nhìn ra. Trái lại, vào những khoảnh khắc, teen mệt ơi là mệt, chẳng muốn nhúc nhích chân tay để dọn dẹp cửa nhà thì bố mẹ lại để ý. Thế nên, cô nàng hàng xóm nhà tớ có một chiêu rất hữu hiệu. Đó là, mỗi khi bố mẹ ở nhà thì cô nàng cặm cụi lau nhà cho sàn nhà sáng bóng lên. Lại còn tưới cây, đi chợ. Lúc bố mẹ đi công tác thì… tính sau. Lí giải cho việc này, cô nàng nói: “Bố mẹ nhớ rất dai, mà toàn đi nhớ những lỗi lầm. Tốt nhất là phải tích cực thể hiện để bố mẹ biết rằng mình cũng có ý thức lắm”. Tuy nhiên, với những teen không biết thể hiện như vậy thì việc bị bố mẹ mắng vì không nhiệt tình với việc chăm chút cửa nhà vẫn còn tiếp diễn dài dài.
2. Khi teen trúng bom
Không chăm chỉ, tự giác làm việc nhà hoặc có làm nhưng chớt chát, cẩu thả sẽ là một điểm trừ to tướng trong mắt bố mẹ. Đáng nói hơn, thỉnh thoảng, bố mẹ sẽ nói về điểm trừ này với hàng xóm hoặc bạn bè của con. Khi đó, khỏi phải nói teen sẽ xấu hổ thế nào. Nhưng đừng nghĩ vì xấu hổ mà teen sẽ cắm đầu cắm cổ làm bằng hết việc nhà nhé. Chuyện đó “xưa rồi diễm”. Teen có đủ cách để đối phó với bố mẹ trong công cuộc “nói không với việc nhà” này đấy.
Nhà mình có Ô–sin mà mẹ
Hiện nay, không ít gia đình có người giúp việc. Người giúp việc sinh ra để làm gì, nếu không phải là đỡ đần những công việc thường nhật cho nhà chủ? Chính vì có người giúp việc nên có một bộ phận teen đã phó mặc toàn bộ việc nhà cho họ và chẳng buồn giải thích. Không chỉ có vậy, teen còn chẳng thèm ngó ngàng xem việc nhà gồm những việc gì. Thế nên mới có tình trạng teen ở trong nhà mà như ở trên… cung trăng vì không biết rõ đồ đạc, vật dụng cất ở đâu; nấu nướng cho mọi người theo khẩu vị nào. Teen có biết sẽ có ngày bác Ô – sin phải về quê hoặc bị ốm thì nhà cửa sẽ như thế nào không? Tại sao không quan sát những gì người giúp việc làm để một lúc nào đó “cơ nhỡ” người giúp việc, teen có thể ra tay xử lý hàng núi công việc nhà nhỉ?
“Trẻ em như búp trên cành”
Vì vậy, chỉ cần biết “ăn, ngủ, học hành” thôi là teen đã đạt chuẩn “ngoan” rồi. Thái độ trốn tránh việc nhà này thật chẳng hay ho chút nào. Không phải tự dưng bố mẹ hò hét bạn làm việc nhà. Với tay chân lẩy bẩy, thư sinh thì để teen làm việc nhà có khi bố mẹ ngứa mắt hơn là không làm ấy chứ. Vậy nhưng bố mẹ vẫn bắt teen làm để hình thành và rèn luyện những tính cách tốt đẹp. Nghĩ mà xem này, trong lúc bạn “bán mặt cho sàn, bán lưng cho trần (nhà)” để lau chùi, dọn dẹp, ắt hẳn bạn đã rèn được cho mình cái tính kiên nhẫn; khi bạn kỳ cọ từng vật dụng hoặc ngồi cạnh mẹ vá may là rèn được tính tỉ mỉ, cực kỳ có ích đối với con gái. Khổ nỗi, chẳng phải teen nào cũng hiểu được lý do sâu xa ấy. Chỉ cần có lý do để chối từ thì teen sẽ nắm lấy và chối từ nhiệt tình. Với teen, chỉ cần học hành đàng hoàng, ngon lành, ăn uống ngủ nghỉ điều độ là đã đủ để bố mẹ hài lòng rồi. Mặc kệ công việc nhà đang chất đống ra đấy. Hừm hừm, thế là một biểu hiện của tính ích kỷ đó nha teen.
Con đang bận
Ngoài việc học ra, con còn đầy những việc khác phải làm ấy chứ. Như là việc chung của trường lớp này, tham gia các câu lạc bộ này, hoạt động thể dục thể thao này. Đó là chưa gộp cả việc vào Facebook thả cửa, vô web chơi game, tìm tài liệu… Ôi ôi, bao nhiêu việc như thế này thì teen lấy đâu ra thời gian cơ chứ. Bấu víu vào sự khan hiếm thời gian của mình, teen đã “phẩy tay” trước mong muốn con biết làm việc nhà của mẹ. Vừa khỏi phải làm, vừa chứng tỏ mình năng động, nhanh nhẹn nên mới đảm nhiệm được nhiều việc khác nhau. Xem ra, tuyệt chiêu này đáp ứng được tiêu chí “một công đôi việc” đấy.
Mẹ thích thì làm luôn đi
Câu này nghe có quen không cả nhà? Tớ vẫn thấy bạn bè mình nói thế khi bị mẹ bắt làm việc gì theo đúng ý mẹ. Khổ cái, ý người lớn thế nào thì teen làm sao mà hiểu cho hết. Cứ hì hụi làm xong lại bị mẹ góp ý, bình luận hay chê bai thì chẳng thà để mẹ làm luôn từ đầu cho xong. Mẹ có chán thì cũng chỉ chép miệng một cái hoặc lủng bủng vài câu là xong. Vì suy nghĩ này nên nhiều teen đã để bố mẹ làm hộ mình kha khá việc nhà. Nguy cơ lâu dài là teen sẽ chẳng biết làm việc gì hết khi việc gì khó một chút bố mẹ đã làm giùm cho hết rồi.
Mồm miệng đỡ chân tay
Mẹ: “Con ơi, làm cho mẹ việc này nào.”
Teen: “Ôi mẹ ơi, con phải đi đằng này giờ. Mà hôm nay, mẹ mặc cái áo mới nhìn trẻ ra mấy chục tuổi á. Mẹ làm hộ con lần này đi, lần sau ở nhà con sẽ làm bù. Con là con không hứa lèo bao giờ đâu nhé, bla bla bla…”
Bạn chẳng muốn nhấc tay lên làm việc nhà mà lại không muốn bị mẹ mắng là lười biếng, ỷ lại? Vì thế, bạn ngọt ngào nịnh nọt mẹ hoặc kể cho mẹ một đống những câu chuyện hay ho rồi lỉnh đi đâu đó. Tốt thôi, bố mẹ chúng ta vốn bao dung và thương yêu con cái như trời bể nên cũng chẳng nề hà gì vài việc cỏn con. Chỉ có điều, teen có thấy làm vậy là thiếu trách nhiệm, thiếu tình cảm với bố mẹ lắm không?
3. Nào mình cùng “gỡ bom”
Tại sao bố mẹ và cả teen nữa không thay đổi suy nghĩ và tìm ra những giải pháp nhì?
Thiết lập “ngày hội việc nhà”
Là một dịp tất cả các thành viên cùng xắn tay áo nhào “dzo” đống việc nhà bừa bộn. Có thể tận dụng những kỳ nghỉ lễ trong năm, ngày cuối tuần để bốmẹ và con cùng nhau hò hét, giục giã và chung sức làm việc. Không khí thân thiện, cởi mở sẽ tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và giúp teen hiểu ra ý nghĩa của một mái ấm thực sự.
Thưởng phạt phân minh
Tại sao ngày bé, mỗi lần con làm được việc gì đó là lại được bố mẹ cổ vũ, hoan hô ầm ĩ mà lớn lên thì không? Tuy những công việc đơn giản chẳng tốn nhiều thời gian hay công sức song cũng cần được khích lệ lắm chứ ạ. Bạn có thể gợi ý bố mẹ khen thưởng mình những dịp chăm chỉ và ngược lại, sẵn sàng nhận lại sự phê bình nếu bạn còn chểnh mảng. Đảm bảo, sự công tâm sẽ làm cho bạn có ý thức hơn trong việc nhà và bố mẹ có cơ sở để đánh giá các con nữa.
Quyền được sai
Thật khó cho teen nếu bố mẹ muốn teen làm các việc nhà ngay từ lần đầu đã chuẩn chỉ, cẩn thận. Để có được một căn nhà ngăn nắp, đồ đạc sắp xếp đâu ra đấy, một bữa cơm đúng nghĩa “cơm dẻo canh ngọt” thì teen cũng cần phải học. Teen có thể làm sai, có thể khiến bố mẹ không vừa ý. Nhưng áp đặt phải thành công ngay ở những lần đầu cũng khiến teen áp lực lắm đấy bố mẹ ạ. Bạn này, cảm thấy làm việc nhà cũng khó khăn thì hãy đề xuất để bố mẹ cho bạn thời gian để tự hoàn thiện hoặc làm những việc đơn giản thôi. Nếu không khéo tay hay làm thì sự ép buộc của bố mẹ cũng không khiến bạn giỏi giang trong lĩnh vực “việc nhà” hơn được đâu.