Khi Cha Mẹ Làm Teen Phát Điên

14. Cũng có những khi teen làm cha mẹ PHÁT ĐIÊN



Các ấy đã bao giờ bỏ nhà ra đi chưa? Tớ thì có đến mấy cái chiến tích hoành tráng kiểu ấy rồi. Hồi Tết năm ngoái, tự dưng mẹ kêu ca tớ chuyện dọn dẹp nhà cửa, tớ bực mình quá, hùng hổ bước ra khỏi nhà, đầu không ngoảnh lại, điệu bộ “dứt áo ra đi”. Bước ra được cách nhà khoảng gần trăm mét, tớ lại phân vân vì chả biết đi đâu. Bây giờ mà ra bãi sông Hồng ngồi, chả may có mệnh hệ gì thì teo. Mà bỏ sang nhà bà ngoại thì lãng xẹt quá. Ngay lúc ấy tớ nhận thấy ba đang theo sát tớ. Tự dưng nước mắt tớ tuôn ra như mưa. Ba đến gần, nói với tớ nhẹ nhàng:
– Con về nhà đi, con định để ba mẹ mất Tết à?
Nghe câu ấy, tớ lại càng khóc nấc lên. Nước mắt rơi lã chã như con nít. Bao nhiêu là khí thế oai phong lúc bỏ nhà ra đi bây giờ bẹp dí. Tớ lẽo đẽo theo ba về nhà.
 
Hay là có lần, tớ giận ba, quyết định tuyệt thực mất mấy ngày vì ba cứ dò hỏi lí lịch của mấy đứa bạn tớ làm chúng nó chạy xa hàng kilômét vì sợ bị gọi điện thoại về nhà hỏi han. Buổi tuyệt thực đầu tiên, tớ leo lên sân thượng ngồi vào giờ ăn để xem cả nhà có nháo nhác đi tìm và phát sốt vì tưởng tớ mất tích không. Lúc ngó đầu xuống phòng bếp, thấy mọi người vẫn đang ăn uống vui vẻ, tớ tức xì khói. Thậm chí mẹ còn không có ý định để cho tớ một hột cơm nào. Tớ ấm ức vào trong phòng trùm chăn khóc rưng rức. Lúc sau, em gái tớ bước vào phòng. Nó thản nhiên như không, chả thèm nhìn tớ trìu mến lấy một cái. Kiểu này chắc là bị ép vào nói với tớ vài câu châm chọc chứ chẳng thích thú gì:
– Ba mẹ gọi chị ra ăn cơm kìa! Giả vờ dỗi để được ăn toàn đồ ngon. Rõ ghét!
Khi ấy tớ nghĩ, nếu ra ngay thì mất mặt lắm. Ăn sáng xong tớ mới quyết định tuyệt thực mà bây giờ mới có đầu giờ trưa. Thế là tớ trùm chăn đánh một giấc, kệ cho cái bụng đang biểu tình dữ dội. Nhưng anh hùng mà chết đói còng queo thì cũng không ra làm sao. Nghĩ vậy, tớ quyết định bật dậy, đi theo tiếng gọi của cái dạ dày. Cũng may là lúc ấy mọi người đều đã đi ngủ trưa cả, tớ tha hồ mà đánh chén. Mâm cơm bày trước mặt tớ gọn gàng, toàn món ngon lành. Mà hình như mẹ còn nấu riêng cho tớ mấy món tớ thích. Tớ thấy sống mũi cay cay. Dù sao thì tớ cũng thích ngồi ăn và trò chuyện với cả nhà hơn là ngồi một mình thế này. Mà ba mẹ cũng yêu tớ nhiều lắm ấy chứ.
Bây giờ nghĩ lại mấy chuyện dở hơi ấy, tớ lại vừa buồn cười lại vừa thấy có lỗi. Nhiều lúc tớ cãi ba mẹ ghê lắm. Ghê đến mức chắc bạn bè tớ chả có đứa nào dám như vậy. Mấy bác hàng xóm lúc nào cũng khen tớ ngoan, nhưng không ai biết tớ đã hư thế nào. Công nhận là ba mẹ tớ nhiều khi khó chịu thật ấy. Lúc nào cũng thích săm soi, điều tra rồi cấm đoán tớ đủ kiểu. Nhưng mà giá tớ được hiền dịu, nết na như mấy đứa con gái khác thì chắc sẽ không “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho cả nhà cứ buồn bã, nặng nề mãi.
Nói thật là sau mỗi lần chiến tranh như thế, tớ cũng muốn xin lỗi ba mẹ lắm. Nhưng nói “Con xin lỗi” sao mà khó thế. Tớ thấy cứ sến súa làm sao ấy. Chẳng bù cho ngày xưa, cái ngày còn chim chích bông, tớ cứ xoen xoét thỏa thích: “Con yêu ba mẹ nhất trên đời”. Từ ngày có con em, tớ bị đi vào quên lãng, thế là tớ cũng quên luôn mấy cái câu nói kiểu kiểu như thế. Tớ bị mắc chứng lời nói đi trước, ý nghĩ theo sau. Có cái gì tức giận là tớ cứ xả cho bằng sạch đi đã, còn tội lỗi gì thì sau đó mới nhận ra. Mà thường thì toàn ba mẹ tớ làm lành trước, khi thì nấu cho tớ món ngon, khi thì đưa hai chị em tớ đi chơi… Lúc vui vẻ, tớ lại thấy có lỗi với ba mẹ và tự hứa với lòng mình là từ giờ sẽ không bao giờ cãi láo nữa. Nhưng cuối cùng, đến lúc tức điên lên, tớ lại quên béng tất cả. Hứa với chả hẹn.
Mấy lần, bác hàng xóm sang kể chuyện con bác ấy là tớ lại nhanh chân lẩn vào phòng, vì sợ mẹ nhắc lại mấy cái tội của tớ thì xấu hổ chết. Nhưng mà kiểu gì tớ cũng nghe lỏm được chuyện. Mẹ tớ thường than thế này này:
– Em đến phát điên lên. Cả ngày đầu cứ nặng trĩu vì lo lắng. Con cả nhà em cá tính, khó bảo lắm. Nó bướng, không chịu nghe lời. Nói mãi rồi, không thấy biến chuyển gì.
Tiếp sau đó là mẹ lại tua lại cả đống tội của tớ:
– Nó đã không nhanh cho lắm lại lười học.
– Hôm nọ đi họp mới giật mình vì thấy cô giáo nói là nó nợ cả đống tiền ăn quà vặt ngoài cổng trường.
– Nó lười dọn dẹp, tính không chỉn chu, em nắn mãi cũng không xong.
– Cả ngày chỉ ru rú trong phòng. Em chỉ lo có lúc nó bị tự kỷ.
– Mà chị ấy cũng bắt đầu biết thinh thích mấy anh con trai rồi. Như thế là chết, học hành gì nữa.
– …
– Bla… blá… blà
Chuyện qua rồi mà mẹ nhắc lại làm gì không biết. Mẹ cứ lo lắng thái quá về mấy cái vụ lãng xẹt ấy. Tớ cũng chẳng biết làm cách nào cho ba mẹ hiểu là tớ đã biết lỗi rồi và tớ nhất định sẽ cố gắng sửa. Ba mẹ cứ suốt ngày bàn bạc rằng tại sao tớ lại như thế rồi là phải làm sao với tớ? Nghĩ nhiều quá thế nên tự dưng ba mẹ cứ nặng nề về chuyện của tớ. Mẹ thì đi đâu, làm gì cũng tâm sự việc này, việc nọ của tớ. Ba thì cứ kè kè cả ngày kèm cặp, soi xét.
Vấn đề là ba mẹ lúc nào cũng quan trọng hóa mọi việc lên ấy. Còn nếu cứ nghĩ bình thường như tớ thì có chuyện gì đâu mà phải lo lắng. Đúng là tớ bừa bộn, tớ không được cẩn thận như mẹ, nhưng mà khi nào lớn lên, tớ sẽ được như thế. Rồi là tớ học dốt môn Toán thật, bù lại, tớ lại giỏi mấy cái trò làm đồ Hand-made, sau này tớ đi bán mấy thứ ấy mà chả giàu sụ à.
Nhưng mà công nhận cũng có nhiều lúc tớ quá đáng, thiếu suy nghĩ. Ví như mấy cái vụ cứ giam mình trong phòng cả ngày, ì ra, vừa bày bừa, lại vừa xem xét, chả học hành gì, ba mẹ động đến là cằn nhằn cứ như là oan lắm. Mấy lần tớ giấu giếm ba mẹ đi ăn quà vặt xong bị đau bụng, tớ vẫn chưa kể cho các ấy nhỉ? Xong rồi lại còn ti tỉ lần vất đồ không đúng nơi quy định, mặc cho mẹ tớ cứ kiên trì sắp xếp cả ngày nữa chứ… Haizz, ba mẹ đau đầu vì tớ cũng phải. Nhưng tớ sẽ sửa mà, chỉ thỉnh thoảng tớ lơ đãng chút nên lại “Ngựa quen đường cũ” thôi.
 
Dù sao đi chăng nữa, tớ vẫn muốn nói là: “Con yêu ba mẹ nhiều lắm”. Mỗi lần mẹ tớ đi công tác xa, thoải mái thì thoải mái thật đấy nhưng cứ chiều tối là tớ lại nhớ mẹ ghê gớm. Thế mà gọi điện thoại cho mẹ cũng chẳng nói được câu nhớ nhung tử tế nào, toàn là nhắc mua quà với cả khoe tội của ba với con em. Dù đã cao lớn uỳnh uỳnh, nhưng tớ vẫn ham cái trò được ba cõng lắm í. Ba tớ hay cằn nhằn một tẹo, nhưng lúc nào cũng thương chị em tớ nhất.
“Ba mẹ à, con biết là có những lúc con làm cho ba mẹ phát điên lên vì con. Con chưa ngoan, con chưa được như là ba mẹ mong muốn. Nhưng con luôn yêu ba mẹ nhất trên đời. Hì. *Con ngại nói mấy cái câu sến súa ấy lắm!* Con xin lỗi vì những lúc hâm hâm ấy của con. Nhà mình luôn là nhà hạnh phúc nhất!”
Chuyên gia gỡ bom ra tay
Tớ đã từng đọc một bài báo, trong đó, có tường thuật lại một hội thảo dành cho giới trẻ. Sau những lời phê bình, một diễn giả đứng lên diễn đàn mở đầu bằng ba câu: “Giới trẻ không thể chấp nhận được, chúng không vâng lời”, “Giới trẻ bây giờ chúng quá nông nổi” và “Giới trẻ bây giờ thiếu sự sâu sắc”, khán phòng ồ lên vỗ tay. 
Nhưng sau đó ông nói tiếp: “Đây là 3 câu nói ở 3 thời điểm: Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, thời thập niên 1930, và thời hiện tại… và ở thời điểm nào cũng vậy, cũng có những thế hệ “không vâng lời” và nó mới tạo nên sự phát triển”.
Nói vậy, không phải để cổ vũ cho cái sự “không vâng lời” của tuổi teen chúng mình. Mà đơn giản, chỉ vì “không vâng lời” dường như là một “đặc thù” của tuổi teen. Bạn có nhớ chứ, đã bao lần bạn ầng ậng nước mắt vì những trận cãi vã với bố mẹ dù nguyên nhân chỉ bé bằng một đầu tăm? Cả những lần chán ngán, bỏ cơm, thậm chí, còn tuyên bố bỏ nhà đi bụi bởi vài hiểu lầm cỏn con? Tớ đã từng muốn gào lên với bố mẹ rằng: “Cả nhà, chả ai hiểu con hết. Không biết con có mặt ở cái nhà này làm gì nữa”. Tuổi trẻ ngốc dại, muốn cả thế giới hiểu mình trong khi bản thân mình lại không mảy may quan tâm cái thế giới ấy đang nghĩ gì, lo lắng những gì và đặt bao nhiêu kỳ vọng ở mình. Này, đừng nghĩ rằng tớ nói đến “thế giới” là nói đến hàng tỷ người trên trái đất này bạn nhé. Vì thực ra, trái đất đông đúc nhưng người thương yêu ta thật lòng, thương yêu không điều kiện ấy, thì chỉ có một (à, mà hai), là bố mẹ chúng ta thôi. Phải đâu ta không biết điều ấy, nhưng vì lẽ này hay lẽ khác, giữa teen và bố mẹ cứ có những “trận chiến” dài và tình hình “chiến sự” không biết bao giờ mới có thể ngừng lại. Có bao giờ bạn hỏi bố mẹ “phát điên” vì điều gì và lý do nào mà chúng mình cứ làm bố mẹ phát điên lên như thế không?
1. Bố mẹ phát điên vì điều gì?
Teen có “nhuộm xám” cuộc sống của bố mẹ không?
Đặt một phép tính đơn giản nhé, một ngày của bố mẹ là phép cộng của công việc ở công ty, những lo toan cho đám trẻ con ở nhà (bao gồm cả chúng mình đấy), các mối quan hệ ngoài xã hội và áp lực phải trang trải các chi phí để bảo đảm cuộc sống. Nhất là trong thời hiện đại, cái gì cũng yêu cầu phải khẩn trương hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn trong khi quỹ thời gian lại có hạn. Bố mẹ chúng ta không phải là Tôn Ngộ Không để làm phép phân thân thành ba, bốn. Thế nên, bạn cũng chẳng lạ đâu cảnh sáng ra, bố tất bật đưa bạn đến trường, mẹ quýnh quáng đưa nhỏ em qua lớp. Mà nào phải thế là đã yên chuyện. Trên đường đến trường có cảnh tắc đường, rồi một ai đó đánh võng khiến bạn sợ xanh mắt mèo, hay như nhỏ em bạn khủng khỉnh đòi ăn bánh mì ruốc thay vì bánh mì pate. Ôi chao, bố mẹ đến bốc hỏa vì chúng mình mất. Đấy, bạn có thể thấy nhé, đôi khi chúng mình chính là một trong những tác nhân khiến cuộc sống của bố mẹ trở nên “u ám” hơn. Bố mẹ vốn đã mệt mỏi vì những áp lực của cuộc sống rồi, nhưng chính những đặc điểm “hổng giống ai” của cái lứa tuổi ẩm ương đã khiến bố mẹ chịu không thấu. Thêm một chút nóng nảy, một chút thiếu kiên nhẫn nữa, thái độ tiêu cực ập đến với bố mẹ là một điều chẳng khó hiểu.
 
Cuộc sống là một cuộc chạy đua nước rút
Và teen chẳng bao giờ hoàn thành được chặng nước rút của mình. Điều đó khiến bố mẹ thất vọng hoài hoài thôi. Đơn cử như việc bố mẹ muốn bạn đạt giải cao nhất trong kỳ thi Olympic toàn thành. Vậy mà bạn đành lẹt đẹt ở giải Tư. Hay khi chuyển trường, mẹ muốn bạn vào trường Chuyên kia. Kết quả chung cuộc chỉ là lớp Chuyên ở một trường bình thường. Đến ngay cả chuyện vận động hàng ngày bạn cũng chẳng được khéo léo như con nhà người khác. Con nhà người khác có thể khiêu vũ, múa bale hoặc biểu diễn những tiết mục sinh động ở các sân khấu từ cấp khu phố đến cấp trường, cấp quận thì bạn đi đến đâu là đổ đình đổ chùa đến đấy, đơm một cái cúc áo cũng lúng túng để kim đâm cả vào tay. Hiểu ở một góc độ nào đó, trong mỗi teen là hiện hình cho một ước mơ của bố mẹ vậy. Những điều bố mẹ không thực hiện được, bố mẹ đành giữ lại và gửi trọn ở teen. Ai cũng muốn con mình không trở thành thiên tài thì chí ít cũng là một người đặc biệt… Ao ước là thế, kỳ vọng là thế nên bố mẹ cứ mãi là những cổ động viên, không ngừng đốc thúc teen để teen như một chiến binh dũng mãnh lao về phía trước. Tuy nhiên, đâu phải người nào sinh ra cũng để chiến thắng hoặc sẵn sàng bắt đầu cho một cuộc đua mà đích đến duy nhất là hình ảnh mơ ước của bố mẹ. Thất vọng, chán nản với bản sao của mình nên có lúc bố mẹ “phát điên” lên là vì thế đấy.
Cá không ăn muối cá ươn
Tự bao giờ, người lớn mặc định những đứa trẻ biết nghe lời là những đứa trẻ ngoan. Những câu này nghe có quen không: “Con nhà bác ấy ngoan lắm, bảo học là học, chơi là chơi. Cấm có cãi một câu” hay “Phải gương mẫu như chị X, Y, Z kia kìa. Bố mẹ bảo sao, nghe vậy”. Bởi điệp khúc “bảo sao nghe vậy” nên teen mới xảy ra bao nhiêu cơ sự. Vì bố mẹ nhà ai cũng có một tiêu chí giống nhau nên nội dung của điệp khúc “bảo sao nghe vậy” cũng chẳng khác nhau là bao. Cứ làm theo y chang, ắt teen sẽ là những chú cừu Doly được nhân bản vô tính. Trong khi teen không muốn giống bất kỳ ai, thậm chí là chính mình của ngày hôm qua. Vì thế, những mốt thời trang, dù bị bố mẹ coi là dị hợm, những câu
 
nói mang đậm dấu ấn của teen, bạn bè thân thiết hay cả một cô, cậu “gà bông” nữa… tất thảy đều chẳng nhất thiết phải đợi bố mẹ “thông qua”. Độc lập, tự do là ở đấy chứ đâu. Ngược lại, trong mắt bố mẹ, những điều này lại bị coi là biểu hiện chống đối hoặc chí ít cũng là minh họa điển hình của câu tục ngữ “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Trước một đứa con bị “oánh giá” là hư, bố mẹ nào còn giữ được thái độ ôn tồn, điềm đạm chứ?
2. Sao teen cứ làm bố mẹ phát điên lên thế nhỉ?
Sự khác biệt về vị trí
Vì bố mẹ là người cầm trịch trong nhà còn chúng ta chỉ là phận làm con (theo kiểu, con sâu cái kiến, thấp cổ bé họng nhỏ dạ dày ạ) nên tiếng nói chả có chút gram giá trị nào. Sự áp đặt của bố mẹ lên con cái có lúc trở thành một gánh nặng tâm lý đẩy teen vào tình huống cực chẳng đã là “phản pháo” lại bố mẹ. Có thể lúc teen nói, teen không nghĩ về tác động của những điều mình vừa “nhả ngọc phun châu”. Song, với suy nghĩ của bố mẹ, cộng thêm hàng tá áp lực có tên lẫn không tên khác từ cuộc sống, bố mẹ sẽ thấy bọn trẻ con nhà mình chẳng biết nghĩ cho bố mẹ, chỉ biết đòi hỏi, vòi vĩnh, không thương cho công sức vất vả, nhọc nhằn của những người suốt ngày quần quật ngoài đường (đấy là câu cửa
 
miệng của bố mẹ tớ đấy, không biết bố mẹ bạn có thế không). Hơn nữa, teen càng không thấu hiểu được mong muốn cháy bỏng mà bố mẹ gửi gắm vào những đứa con là gì nên cứ “lờ lớ lơ” với công cuộc học hành, phấn đấu. Có teen còn sống theo phương châm của cái “tàu điện ngầm”, cứ lừ lừ mà tiến, bỏ ngoài tai những điều bố mẹ ra rả cả ngày. Thái độ bất hợp tác kiểu đó chính là nguyên nhân to lớn đẩy bố mẹ vào trạng thái căng thẳng, bực bội đấy.
Vì teen thích thế
Xin đừng hiểu nhầm là teen nào cũng muốn chọc cho bố mẹ tức điên lên và trong hoàn cảnh nào cũng thế đâu nhé. Chả teen nào muốn sở hữu ý thích quái chiêu này đâu. Chỉ là, những lúc bố mẹ nhỡ lời, quát mắng teen thái quá hoặc cấm đoán một cách lộ liễu ấy. Khi đó, “máu anh hùng” của teen nổi lên, dẫn đến thái độ ta đây chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, bố mẹ có cấm cũng mặc kệ, cùng lắm là cáu gắt một trận. Khi cơn cáu giận không còn là nỗi sợ hãi với một đứa trẻ (lớn xác) thì nó đến rồi nó sẽ lại… đi thôi. Sự thiếu suy nghĩ, hiếu chiến, hiếu thắng thúc đẩy teen tự đưa mình vào thế đối đầu với bố mẹ, lấy sự mất kiểm soát của bố mẹ là biểu hiện cho sự chiến thắng của mình. Hay ho đâu chẳng thấy, chỉ thấy mệt nhọc cho cả hai bên thôi, teen ạ.
Khi nguyên nhân ở bố mẹ
Khi các bậc phụ huynh nhà ta giàu trí tưởng tượng, hay suy diễn, lại còn thiếu kiềm chế hoặc có thói quen “ngó nghiêng” sang con cái nhà người khác thì một lúc nào đó, nỗi bực tức, ghen tỵ khó mà kiềm chế được. Người lớn rất chi là hay nhé. Một mặt, họ khuyên con cái chỉ nên tập trung vào bài vở của mình, đừng xét nét hay đua tranh quá mức với bạn bè kẻo lại thành đố kỵ. Mặt khác, họ lại nóng lòng sốt ruột nếu con nhà người thành công trước con nhà mình. Giá như bố mẹ hiểu rằng, thành công hoàn toàn không phải là đích đến nằm ở con đường. Hoặc cũng có trường hợp, bố mẹ có tính cách nóng nảy, coi bạo lực là phương thức hữu hiệu trấn áp tinh thần con mình thì có khi teen chưa “châm ngòi”, bố mẹ đã tự “bùng nổ” trước.
3. Hậu quả và cách hóa giả cơn giận của bố mẹ
Khoa học đã chứng minh, bộ não con người có ba lớp: não người, não thú và não bò sát. Khi nóng giận, chúng ta sẽ giải phóng rất nhiều chất Adrenalin làm mờ các lớp não và con người có xu hướng hành động theo bản năng (não bò sát). Dài dòng vậy để giải thích rằng sự nóng giận chưa bao giờ là tích cực. Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế cách hành xử theo bản năng bằng cách không đánh thức những cơn giận. Muốn vậy, teen chỉ còn cách hạn chế tối đa những cuộc va chạm, đối đầu với bố mẹ. Teen có biết khi bố mẹ “bừng bừng lửa giận” thì hậu quả sẽ là gì không?
– Không khí trong nhà hừng hực như trước trận giông, ai cũng cảm thấy căng thẳng và bực bội;
– Con không tiếp cận được với bố mẹ, mất tiêu khả năng cảm nhận yêu thương;
– Đánh mất sự kính trọng và lễ phép của con với bố mẹ;
– Đẩy con tìm đến bạn bè hoặc tình “iu” như một sự thay thế; bố mẹ đem theo nỗi bực tức đến cơ quan và công việc không hiệu quả.
Vậy làm thế nào để những cơn sóng gió, sấm chớp không ghé qua căn nhà của chúng mình nữa đây? Sẽ dễ thôi teen à, nếu bạn thực sự muốn sự bình yên ngự trị trong tổ ấm của mình.
Làm dịu cơn nóng
Mỗi khi bố mẹ “phát điên” thì như có một cái lò lửa tỏa nhiệt vậy. Không cẩn thận, nhiệt lượng có thể làm bùng cháy cả những thứ xung quanh. Điều quan trọng nhất là phải làm dịu nhiệt lượng ấy lại, trước khi nó lan tỏa ra xung quanh. Cơn cáu giận của bố mẹ chúng ta cũng vậy. Nó cần phải được xoa dịu bằng những hành động tích cực. Điều này cũng đúng luôn với cảm giác không hài lòng dai dẳng, âm ỉ trong lòng bố mẹ nữa. Khi teen ra tay, với tinh thần tự giác, hẳn sẽ phát huy tác dụng. Vậy phải làm thế nào nếu không phải là việc teen nói như đổ thêm dầu vào lửa trong những phút nóng giận
 
của bố mẹ, sớm nhận biết và chấm dứt, hoặc chí ít thì cũng nhấn nút “pause” cho những hành động khiến phụ huynh nhà mình nổi cơn thịnh nộ. Hay chọn cách lựa lời khuyên giải, từ từ trần tình cũng là một ý hay.
Hãy thừa nhận
Sẽ chẳng ai bảo bạn nhát hít nếu bạn thừa nhận lỗi sai của mình hay những thiếu sót, không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Thái độ dũng cảm đó chính là một điểm cộng tuyệt vời cho mối quan hệ của bố mẹ và con. Đồng thời, nó cũng giúp bố mẹ nhận ra bạn không ngoan cố hay bảo thủ với những lỗi lầm của mình. Bạn có nhìn nhận và biết sửa chữa. Thế thì ai mà “phát điên” lên với bạn được chứ.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Để nói lên rằng, bố mẹ còn quan trọng với bạn lắm. Ngược lại, bạn cũng rất tôn trọng, yêu quý bố mẹ mình. Chúng ta cứ đi học các kỹ năng sống ở đâu đâu song chẳng để tâm đến việc áp dụng các kỹ năng này ở nhà. Chỉ cần nhìn thẳng vào bố mẹ lúc nói, cái vòng tay ôm nhẹ khi bố đón bạn ngoài cổng trường hay ánh mắt vô tư, sẵn sàng giúp đỡ mẹ lúc mẹ lúi húi nấu nướng trên bếp là đủ làm bố mẹ hạnh phúc rồi.
Yêu thương nhiều hơn
Yêu thương không phải là một câu khẩu hiệu, càng chẳng phải là một cái status trên Facebook hay cái nhãn trên áo. Yêu thương ở đây là yêu thương có thật, được thể hiện từng ngày, từng giờ với người thân. Bố mẹ trở nên nóng nảy với chúng ta hơn có lẽ vì càng ngày, khoảng cách giữa bố mẹ và con càng trở nên rộng ra. Khoảng cách làm cho sự thấu hiểu, sẻ chia hay đồng cảm biến thành xa xôi, lạ lẫm. Có khi nào bạn tự hỏi mình vì sao bố mẹ phải vất vả làm lụng và chặng đường từ một đứa trẻ đến một kẻ
 
“ẩm ương” của bạn đã đi qua bao phấp phỏng, trông ngóng, quan tâm? Nếu hỏi được những câu ấy, thì tình yêu thương sẽ chẳng dừng lại ở một lời hô hào nữa, mà đã thấm sau vào trái tim của tất cả những ai đang lớn.
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.