Nếu tớ kể ra đây hết những món quà vặt tớ thích ăn thì các ấy chỉ có mà ứa nước miếng rồi ôm bụng vì đói. Ở trước cổng trường của tớ là cả một hệ thống hàng quán hoạt động liên tùng tục với các món ăn hấp dẫn cực kỳ. Nào là nem chua rán, pho mai que, bánh tráng trộn, bánh khoai, khoai tây lốc xoáy, bò bía, thịt xiên nướng, chè xôi, trà sữa, sữa chua mít, chè khúc bạch, thịt hổ, mì que cay… Ôi, cứ nhắc đến là tớ đã thèm lắm lắm rồi!
Nhưng có một điều mà chắc chắn các ấy cũng sẽ nghĩ giống tớ, đó là đừng có dại mà để lộ ra cho mama và baba biết “history” hôm nay mình đã ăn những món gì ngoài cổng trường. Vì chắc chắn, kết quả sẽ là thế này đây:
Mama: “Tôi đến điên đầu lên mất. Công tôi hì hục nấu ăn ngon lành sạch sẽ cho nó ở nhà thì nó không ăn. Nó ra ngoài đường ăn vào người toàn những đồ thiu, đồ thối. Con cái có lớn mà không có khôn, không biết thương ba mẹ.”
Baba: “Con đã đọc báo viết về những món ăn vặt độc hại, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khủng khiếp như thế nào chưa? Con ăn linh tinh như thế vừa tốn tiền, vừa có hại đến sức khỏe… bla… bla”.
Có phải tớ không biết công mẹ vất vả nấu nướng, chăm sóc cho cả nhà đâu. Tớ ăn cơm mẹ nấu ba bữa: sáng, trưa, tối và luôn tuân theo quy tắc phải ăn trên hai bát cơm đấy chứ. Tớ nuốt lấy từng lời mẹ dặn dò rằng ăn nhiều rau cho mát ruột, nhiều tôm cua cho cao lớn, nhanh nhẹn… Nhưng mà mẹ thì chẳng bao giờ làm nem chua rán, làm phô mai que, khoai tây lốc xoáy… cho tớ ăn cả. Mẹ lúc nào cũng chỉ có cơm, cháo và quá lắm là mì thôi. Mà nghĩ đi nghĩ lại thì nếu mẹ có làm những món quà vặt ấy, tớ vẫn thích ăn chúng ở ngoài quán với lũ bạn hơn là ngồi ăn một mình.
Ba thì lúc nào cũng tua đi tua lại rằng những món ăn bán ngoài đường là cực kỳ bẩn, cực… cực kỳ độc hại. Vậy mà cả lớp tớ, đứa nào cũng mê những thứ quà đó nhưng có ai hề hấn gì đâu. Ngược lại, những lúc đói meo cả bụng mà lẻn được ra ngoài cổng trường, mua thịt hổ hay kem xôi vào lớp ăn thì thật là tuyệt cú mèo. Lúc ấy mắt chỉ có mà sáng quắc lên, đầu óc minh mẫn gấp bội phần, chân tay nhanh nhẹn, mồm miệng liến thoắng ấy chứ.
Rồi, cứ cho là những món ăn đó độc hại thật đi thì ăn vào cũng có chết được ngay đâu, cũng chỉ chết từ từ thôi.
Mà chính ba là người đã kể cho tớ nghe rằng:
“Ngày xưa, nhà bà nội đông con, ba có được chiều chuộng, ăn ngon, mặc đẹp như con bây giờ đâu. Ra đồng, bắt được chuột cũng đem nướng ăn ngon lành ấy chứ.”
Ngày xưa ba còn ăn cả chuột, thế sao bây giờ tớ ăn toàn những đồ ngon lành, thơm phưng phức như vậy thì ba lại phản đối kịch liệt? Mâu thuẫn ơi là mâu thuẫn!
Các cô, các bác bán quà vặt ở ngoài cổng trường thì quý mến bọn tớ thôi rồi. Lần nào vào quán, chúng tớ cũng được ưu tiên cho những suất ngon hơn, được khuyến mãi trà đá và thỉnh thoảng còn được tặng cho cả phô mai hay nem chua rán. Vậy mà ba mẹ lúc nào cũng nhìn các cô các bác ấy với ánh mắt hình viên đạn:
“Họ cho hê-rô-in vào thức ăn để dụ các con ăn đấy! Đừng có dại, thành con nghiện ngay được đấy con ạ!”
“Thế vào quán ăn họ có nói chuyện gì xấu xa không? Cứ lê chân vào những chỗ ấy rồi có ngày hư người!”
Haizz, mọi chuyện đâu có phức tạp đến thế. Chỉ là quán quà vặt thôi mà…
Mà những thứ quà vặt đó đâu có chỉ ngon lành không, chúng còn rất “cute” nữa chứ. Thời buổi này mà không biết ăn bánh tráng trộn, không biết câu: “Xin lỗi, anh chỉ là thằng bán bánh giò” thì lạc hậu lắm lắm ý.
Chuyên gia gỡ bom ray tay
Các cụ ngày xưa có câu: “Cái miệng làm tội cái thân” quả không sai. Cứ mỗi lần tớ hẹn hò bạn bè offline ở một địa điểm lý tưởng nào đó cho bọn “xì tin” là mẹ lại nhướn mày: “Mẹ chả hiểu ở đấy có gì hay ho mà các con thích túm năm tụm bảy như thế? Sao không về nhà? Đồ ăn đồ uống đâu có thiếu mà lại có không gian sạch sẽ, thoáng mát?” Thắc mắc của mẹ rất đúng nhưng cái lũ bạn “trời ơi đất hỡi” của tớ (và chính tớ) lại không nghĩ thế. Mà cũng
có lý thôi. Trong khi dân tình đang sốt đùng đùng với chè khúc bạch để giải nhiệt trong những ngày nóng bức thì quan điểm của mẹ lại chỉ là ngồi nhà và uống nước chanh, thậm chí, còn hạn chế cho đá vì uống nước có đá dễ bị… viêm họng. Mùa đông, tụi tớ thích mê nầm nướng, phô mai que, nem chua rán… thì lại phải “kính nhi viễn chi” với những thứ đồ ăn ngon lành đó. Lý do ư? Vì mỗi lần đón tớ về sau những ca học, mẹ đều đi qua những hàng quà đấy thật nhanh với lý luận: “Đồ vỉa hè có gì ngon ngọt mà bọn trẻ con cứ sán vào ăn thế nhỉ?”
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu
Vi trùng – có hàng tỉ con vi trùng
Có lẽ đây là lý do đầu tiên để bố mẹ bắt chúng mình tránh xa những thứ thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, nhãn mác gì từ vỉa hè. Cứ thử hồi tưởng lại ánh mắt săm soi của mẹ lúc nhìn vào những thứ đồ ăn “ngon, bổ, rẻ” chúng mình đưa lên miệng xem. Trong mắt những bà nội trợ kiểu mẫu như mẹ, thật không thể nào chấp nhận nổi việc cái bát ngoài quán chỉ cần lau qua bằng vài mẩu giấy ăn nhão nhoẹt là yên tâm được. Không những thế, đũa, thìa, dĩa thì có hôm nhờn mỡ hôm mốc meo. Đặc biệt, với tình hình thông tin được update từng ngày, từng giờ thì hẳn mẹ sẽ không lạ lẫm gì với những tin trên báo, đài về thực phẩm bẩn. Lúc đó thì ôi thôi, bao nhiêu ưu điểm của đồ ăn ngoài đường bị các bậc phụ huynh nhà mình “sổ toẹt” bằng hết. Mang sẵn trong mình mối lo ngại như vậy, bảo sao các bậc phụ huynh nhà mình lại cấm đoán con cái bén bảng gần thực phẩm ngoài đường?
Có bao nhiêu calo?
Nỗi thắc mắc của mẹ trước những mặt hàng ăn uống bạt ngàn, vô biên ngoài vỉa hè là đây. Có lần, tớ thấy mẹ ngần ngại trước những que cá viên chiên thơm lừng vì không rõ đó là cá thật hay… cá giả, ăn vào có được chút xíu dinh dưỡng nào không? Thói quen cân đo đong đếm hàm lượng dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn của mẹ được áp dụng vào đồ ăn vặt và… “chào thua” vì không có một đồ ăn vặt nào được niêm yết hàm lượng các thành phần dinh dưỡng, mà có muốn niêm yết cũng chả biết niêm yết vào đâu. Thế là niềm tin về giá trị của thực phẩm ngoài đường trong lòng nhị vị phụ huynh nhà mình chả còn đến được nửa lạng.
Lê la có gì hay
Lý do tế nhị nữa để bố mẹ phản đối việc chúng mình ăn uống ngoài đường đó là, ngồi ở ngoài đường sẽ rất dễ bị nhầm tưởng là la cà quán xá, trông thật “mất hình tượng”. Trong mắt bố mẹ, hình ảnh một tốp học sinh ngồi túm năm tụm bảy, cười cợt, trêu đùa nhau sau giờ học; chưa kể đến chuyện chúng nó còn hay “chém gió” hoặc “dìm hàng, hạ giàn” nhau chẳng có gì hay ho. Vì vậy, “thà cấm nhầm còn hơn bỏ sót”, bố mẹ chúng ta cứ gọi là cấm đoán triệt để hòng hạn chế tối đa cái việc đàn đúm, chơi bời, lêu lổng. Trong đó, có cả việc gặp gỡ và tụ họp ở các quán ăn ngoài cổng trường hay trên đường đi học về. Thế có khổ cho teen không chứ?
Con không thích cơm mẹ nấu à?
Nếu ăn vặt thường xuyên, có thể, bạn sẽ làm mẹ chạm tự ái đấy. Với trí tưởng tượng phong phú và óc suy diễn không biên giới, hẳn mẹ sẽ cho rằng cơm mẹ nấu chán òm nên chúng ta mới phải cầu viện đến những đồ ăn không dán mác “made by mẹ”. Sâu xa hơn nữa, những bữa cơm trong gia đình luôn được coi là thời gian để cả nhà quây quần, sum họp sau một ngày làm việc và học tập căng thẳng. Cứ đi ăn ngoài nhiều đồng nghĩa với việc bạn không coi trọng những phút giây đáng quý này vậy. Sẽ bị “trừ điểm” rất nặng trong mắt mẹ cho mà xem.
2. Khi teen trúng bom
Một trong những điều làm cho tuổi học trò đáng nhớ là những món đồ ăn đặc biệt, dường như được ra đời chỉ để dành cho cái lũ “nhất quỷ nhì ma”. Sẽ chẳng ai đi qua tuổi học trò mà không nhớ như in những quán chè, quán kem hoặc quán nem chua rán, trà sữa trân châu, lẩu nướng… gần trường học. Đôi khi, chỉ nhắc tới thôi mà bao nhiêu teen đã nuốt nước miếng ừng ực rồi. Vì thế, bố mẹ có cấm cản đến mấy chăng nữa thì chắc chắn teen vẫn có cách “lách luật” điệu nghệ, như những cách sau đây:
Lén lút cho thỏa cơn thèm
Biết rằng phụ huynh nhà mình không thể cai quản con cái cả ngày được, nên những quãng thời gian không bị bố mẹ “quản thúc”, teen sẽ nhanh chóng nhập hội quà vặt cho bằng bạn bằng bè. Cốc nước mía mát lạnh sau trận bóng mệt nhoài, ly chè thập cẩm nhân dịp nhận được học bổng hay bỗng một ngày đẹp trời cả lớp trống tiết giữa và chẳng biết làm gì ngoài việc dắt díu nhau ra một tiệm ăn nào đó gần trường… Thế là teen có thể thỏa thích ăn uống cùng bạn bè. Vừa “xả xì trét” lại vừa đỡ nhớ nhung những món đồ ăn yêu thích, hợp khẩu vị.
Ăn ngoài đường có gì sai?
Trong đầu bạn lúc nào cũng lùng bùng, ấm ức với câu hỏi này. Bạn đòi bố mẹ đưa ra một lý do cho việc hạn chế bạn xài thực phẩm ngoài đường. Bạn thấy mình chẳng có gì sai khi thỉnh thoảng tạt ngang tạt ngửa đâu đó. Thực phẩm ngoài đường đáp ứng nhu cầu ăn uống của bạn một cách kịp thời, lại ngon và chẳng hề đắt đỏ như những món fast food trong những cửa tiệm sang trọng. Thế mà bố mẹ chẳng nhận ra.
Người ta ăn đầy ra đấy
Người ta ăn đầy ra đấy, nên teen sử dụng thực phẩm ngoài đường cũng chỉ là “chạy theo trào lưu” thôi. Người ta ăn đầy ra đấy mà chẳng bị làm sao nên bố mẹ cũng đừng “trầm trọng hóa” vấn đề lên. Thỉnh thoảng, teen vẫn “lý luận cùn” kiểu đấy. Hơn nữa, với teen, chuyện ăn uống chỉ đơn thuần là ăn uống, không bao gồm việc “oánh giá” về việc ngoan hay không ngoan, thích đi đến nơi về đến chốn hay thích la cà chơi bời. Sự suy diễn của bố mẹ nhiều lúc sẽ khiến teen phát cáu lên mất thôi.
3. Nào cùng gỡ bom
Lời nói có sức mạnh
Hãy thủ thỉ với mẹ về những tình huống bạn buộc phải nhờ thực phẩm ngoài đường “cứu viện”. Những lúc chuyển tiếp giữa ca học chính và học thêm trong khi “ông anh ruột”đang ồn ào kêu đói. Những hôm lỡ bữa, khi mẹ đi vắng còn bạn lại bộn bề bài vở. Hoặc một ngày xấu trời bỗng dưng bạn “nhạt mồm nhạt miệng” và những thứ quà vặt lại khiến bạn cảm thấy dễ nuốt trôi hơn. Không có cái gì hoàn toàn vô giá trị. Vì vậy, hãy giải thích để bố mẹ hiểu ra bạn tìm thấy ích lợi gì ở đồ ăn ngoài quán nhé.
Cam kết không lạm dụng
Nếu bố mẹ đã chấp thuận cho phép bạn thỉnh thoảng được mon men tới gần đồ ăn ngoài đường thì cũng hãy nhớ, đó chỉ là trong những tình huống cần kíp mà không phải là tất cả. Nói “cam kết” là hơi quá song hãy hứa với mẹ về một tỷ lệ hợp lý giữa việc “cơm hàng cháo chợ” với cơm nhà mẹ nấu. Sự rõ ràng và rành mạch không bao giờ thừa, kể cả trong chuyện ăn uống. Cam kết không lạm dụng đồ ăn ngoài đường, một mặt, cho thấy bạn cũng biết suy nghĩ chán chê trước khi sử dụng kiểu đồ ăn này và sự thành thật của bạn với bố mẹ. Thế là một mũi tên mà trúng hai đích còn gì?
Cũng đảm đang ra phết
Những lúc mẹ hí húi nấu nướng, chiên xào trong bếp, hãy sà vào làm cùng mẹ. Vừa làm, vừa khéo léo so sánh món mẹ nấu với những món khác không phải do mẹ nấu. Thế nào mẹ cũng được dịp phổng mũi vì tài năng nấu nướng có dịp được tán tụng. Quan trọng hơn hết, bạn sẽ có cơ hội thể hiện rằng mình cũng quan tâm tới sự nghiệp “nữ công gia chánh”, bạn ăn ngoài hàng hoàn toàn không phải vì lười biếng với công việc nhà mà chỉ vì những lý do khách quan thôi. Nếu “dẻo miệng”, biết đâu bạn có thể nịnh nọt mẹ chế biến những món chỉ có trong thực đơn của những cửa hàng ngoài đường thì sao? Lúc đó, bạn sẽ vừa được thỏa mãn vị giác, lại vừa được mẹ khen là có óc sáng tạo ấy chứ.
Kéo bố mẹ làm đồng minh
Thỉnh thoảng, bạn có thể gợi ý: “Con biết quán này có món A, B, C… ngon lắm. Lại hợp vệ sinh nữa. Hay bao giờ nhà mình ra đấy đổi món nhỉ?”. Đó là một cách để hâm nóng lại không khí gia đình, cũng là để bố mẹ có cái nhìn khác về một góc của thế giới teen. Đi cùng bạn, cảm nhận cùng bạn; có thể bố mẹ sẽ gật gù hiểu tại sao bọn trẻ lại thích những quán xá này đến thế.
Lồng vào những lý do hợp lý
Cách này không được “thật thà” cho lắm song teen có thể áp dụng khi cần. Giống như cô bạn cùng lớp tớ vậy. Là cộng tác viên cho một tạp chí tuổi teen, nên lý do của cô nàng rất đáng yêu: “Con phải gặp nhân vật phỏng vấn ở quán trà sữa để tạo không khí thoải mái” hoặc “Nhóm cộng tác viên của con hôm nay hẹn offline ở quán Z nha mẹ”. Nghe hợp lý vậy, chẳng bố mẹ nào nỡ cấm cản. Tuy nhiên, nhớ là đừng có lạm dụng, kẻo có ngày bố mẹ chép miệng: “Công việc đâu chả thấy. Chỉ thấy lý do lý trấu là giỏi”. Làm gì thì làm nhưng cũng đừng để ảnh hưởng đến lòng tin bố mẹ dành cho, teen nhé!