Thế giới này thật tuyệt vời khi tất cả mọi đứa con gái khác đều xấu xí và chỉ có mình tớ là xinh đẹp. Bởi vậy nên dĩ nhiên T.O.P sẽ yêu tớ, yêu say đắm. Và cũng như bao đôi khác, tớ và T.O.P đã phải trải qua thật nhiều trắc trở. Bạn đừng nghĩ đó là ung thư hay máu trắng. Với tớ, những căn bệnh đó chỉ có trong phim mà thôi. Còn thử thách trong tình yêu của tớ và T.O.P gai góc, hiện thực hơn thế nhiều.
Ấy là làm sao để giữ được bọc tiền quỹ lớp to tướng không bị rơi vào tay kẻ cắp.
… Trời tối đen như mực, đôi chân của tớ ríu lại. Tớ cứ chạy mãi, chạy mãi mà vẫn thấy như mình đang đứng yên. Lũ cướp gian ác đã gần đuổi kịp tớ và T.O.P. tớ hoảng hốt đưa đôi mắt đẹp long lanh nhìn T.O.P. Trời ơi! Chưa lúc nào tớ thấy T.O.P gần mình đến vậy. T.O.P đang nắm lấy tay tớ, còn tay kia ôm chặt bọc tiền quỹ lớp của tớ. Thời gian như ngưng đọng, cái cảm giác nắm tay T.O.P bỗng chốc choán ngợp tất cả. Đôi bàn tay rắn chắc, nam tính và ấm áp làm sao! Trong khoảnh khắc ấy, tớ có thể nhìn thấy từng sợi tóc của T.O.P đang bồng bềnh bay…
Trời bừng sáng… Những cánh hoa hồng nhẹ rơi quanh T.O.P. T.O.P quay lại mỉm cười với tớ. Ôi, nụ cười mà mỗi khi chỉ thoáng nhìn thấy trên tivi, trong poster cũng đã khiến tớ sung sướng đến phát điên và mất ăn, mất ngủ đến mấy ngày. Vậy mà giờ đây nụ cười ấy đã dành cho tớ. Tớ xinh đẹp nhất thế giới, tớ cũng là người hạnh phúc nhất thế giới vì có T.O.P bên cạnh… Nếu cứ chạy cướp thế này thì tớ chạy cả đời cũng được.
Đứng lại! Tao mà bắt được, tao rạch tay bằng dao dính AIDS!
Nguy quá, lũ cướp chết tiệt đã ở ngay sau lưng! Hoa hồng thôi rơi, tóc T.O.P thôi bay, tớ chạy quáng quàng trong đêm tối…
Tránh xa ra lũ cướp gian ác, không được động đến T.O.P của ta!
Tớ thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Đang đêm hôm mà hét toáng lên thế? Không để cho ai ngủ à?
Ai quát thế? Một tên nữ tướng cướp chăng? Tớ giật mình choàng tỉnh dậy. Giọng nói ngay lập tức được xác định đã bay ra từ phòng ba mẹ. Tớ đang nằm trên chiếc giường thân yêu của mình, không có T.O.P, cũng chẳng có lũ cướp gian ác nào cả. Tớ ngẩn người tiếc những giây phút ở bên T.O.P đã vụt qua như một giấc mơ. Ờ mà, nó quả thực đúng là một giấc mơ cơ mà nhỉ… Tớ vội vàng ôm lấy tấm ảnh của T.O.P đặt ngay đầu giường, thấy sống mũi mình cay cay. Tớ ghét mẹ! Nếu không có tiếng hét kinh khủng của mẹ, T.O.P vẫn sẽ nắm tay tớ, bảo vệ tớ và biết đâu, T.O.P sẽ còn trao cho tớ nụ hôn cháy bỏng khi thử thách đã qua đi. Tớ nghẹn ngào… Có lẽ, mẹ mới chính là trở ngại lớn nhất trong tình yêu của T.O.P và tớ.
Tớ nhẹ nhàng đặt mình xuống giường. Đầu tớ lúc này giống như một cuộn film đang quay. Tớ lần lại giấc mơ ở quãng đang hét lên đe dọa lũ cướp gian ác và tiếp tục tưởng tượng. T.O.P…T.O.P… nắm tay, nắm tay… cười, cười… Nhưng đáng ghét làm sao, cảm giác được nắm bàn tay của T.O.P đã biến mất, T.O.P bằng xương bằng thịt cũng không còn gần tớ như vừa cách đây mấy phút nữa. Tớ ấm ức lắm. Nhất định tớ sẽ giận mẹ thật lâu vì mẹ đã vô tâm và tàn nhẫn biết chừng nào!
Tớ đã thức từ lúc đó cho đến tận sáng. Tớ nhớ T.O.P! Giá như T.O.P ở bên tớ lúc này. Nếu được như vậy, tớ sẵn sàng đổi lấy khoảnh khắc ấy bằng tất cả mọi thứ quý giá nhất với tớ: xe đạp điện Yamaha, điện thoại đời mới, hay thậm chí cả tiền tiêu vặt trong mười năm cũng vẫn được…
Tớ lặng nhìn bức hình của T.O.P ở ngay trước mặt. T.O.P cũng đang nhìn tớ bằng đôi mắt sắc lạnh, cá tính. Chỉ mình tớ hiểu rằng, đó là cách tán tỉnh rất riêng của T.O.P.
“Xoạch!” – Dậy đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng khẩn trương nào!
Mẹ không bao giờ có thói quen gõ cửa phòng tớ trước khi vào. Tớ vẫn còn rất giận mẹ. Chưa bao giờ mẹ hiểu được những gì tớ nghĩ, cũng không hề rung động trước tình cảm chân thành mà tớ dành cho T.O.P. Lúc nào mẹ cũng gọi T.O.P là “thằng đầu xanh, đầu đỏ”, là “đồ cái bang ăn mặc rách rưới”, làm ảnh hưởng đến việc học của con gái của mẹ. Tớ thực lòng cũng muốn gọi mấy ông ca sĩ mà mẹ thích là những lão già cổ hủ, thân hình béo mẫm, đầu tóc lúc nào cũng bóng lộn quê mùa, và có khi lại còn mặc cả quần ống loe xẻ gấu…
Tớ nặng nề bước ra phòng ăn. Ba mẹ đã ngồi sẵn sàng ở bàn với chiếc bánh mì và hộp sữa tẻ nhạt. Mẹ chẳng bao giờ biết đến những chiếc Cuppy Cake vô cùng “cute” và lãng mạn như trong các MV của Big Bang. Mẹ cũng tẻ nhạt như những chiếc bánh mì khô khốc kia vậy. Tớ bỗng thấy chán nản biết mấy những chuỗi ngày bình thường, không Hàn Quốc một tí nào đang nối tiếp nhau trong cuộc đời tớ. Tớ nhẩm theo giọng của ba với theo bởi tớ đã nghe nó đến cả nghìn lần: “Sao giờ này mới chịu đánh răng rửa mặt hả con? Tác phong nhanh nhẹn để đâu rồi?”
Nhưng khó chịu hơn cả là giọng mỉa mai của mẹ khi trả lời ba: “Nó còn mải ngắm ảnh anh Tốp.”
Tớ bỗng thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Cục tức trong tớ hóa thành quả bom và nổ tung. Nghe cách mẹ nói tên “Tốp” mới đáng ghét và quê mùa làm sao! Tớ đóng sầm cửa phòng vệ sinh lại. Tớ muốn mẹ nhận lấy hết sự tức giận của tớ qua âm thanh đầy phẫn nộ ấy. Vậy mà tiếng sập cửa lại chẳng giúp tớ giải tỏa điều gì, nó chỉ dấy lên cả một tràng than vãn rất bài bản có mở đầu, diễn biến, liên tục cao trào và chưa bao giờ có ý định kết thúc của mẹ: “Con với cái, lúc nào cũng đâm đầu vào mấy thằng Hàn Quốc đầu xanh đầu đỏ rồi nhảy nhót, hư hỏng. Anh xem, nó có bao giờ thương ba mẹ mà học hành cho tử tế đâu? Nói nó thì nó đóng sầm cửa lại, nó thái độ. Có ăn, có học mà không có khôn. Rồi tao xé hết ảnh, vất hết đĩa nhạc nhẽo đi. Không học hành cho nên thân thì đừng đòi hỏi, mong muốn gì thêm… bla… bla… ”.
Trời ơi, tớ thấy tức điên lên mất. Tớ vớ lấy chiếc bàn chải đánh răng, dồn hết tức giận vào đó, cố bẻ cho bằng gãy.
Tớ không muốn ở căn nhà này nữa. Ngay bây giờ, tớ sẽ mang hết đống ảnh của T.O.P, mang hết số tiền tiết kiệm ra để thực hiện chuyến đi mơ ước của mình và gặp T.O.P, bỏ mặc sau lưng những người không bao giờ hiểu tớ, không hiểu tình yêu của tớ dành cho T.O.P.
Tớ chạy như tên bắn về phòng, vơ hết quần áo và tranh ảnh ném lên giường, trong lòng hừng hực quyết tâm ra đi.
Mọi thứ đã gần như xong xuôi!… Vậy mà cái vali chết tiệt thường ngày vẫn nằm ở góc phòng, hôm nay bỗng dưng biến mất. Tớ đã tưởng tượng đến cảnh kéo chiếc vali sành điệu xuống sân bay và ôm chầm lấy T.O.P. Tớ đã tưởng tượng như thế và tớ không muốn cảnh đó thay đổi chỉ vì sẽ phải mang theo một cái túi bì thô thiển, quê kệch thay cho chiếc vali đắt tiền. Nhưng nếu bây giờ phải hỏi mẹ về chuyện cái vali thì mất mặt quá. Tớ chưa muốn xuất hiện lúc này. Tớ muốn khi bước ra khỏi phòng, mọi thứ đã sẵn sàng. Và tớ sẽ bước đi lạnh lùng trong sự níu kéo vô ích của cả ba và mẹ. Tớ hả hê nghĩ tới lúc đó. Nó khiến tớ thấy sung sướng hơn cả cái ý nghĩ sẽ được gặp T.O.P. Tớ sẽ ra đi và để lại cho ba mẹ nỗi day dứt vì đã đối xử tàn tệ với đứa con gái duy nhất của họ!…
Vậy mà cái vali! Cái vali chết tiệt! Nó khiến cho dự định to tát của tớ có nguy cơ tan vỡ! Thật cay đắng!
“Xoạch”
Mẹ lại không gõ cửa và xuất hiện đột ngột trong phòng của tớ. Ngay sau đó là cả một đoạn Zing.mp3 cứ lặp đi lặp lại đến nhói tai nếu người ta không thể ấn nút Pause hoặc chuyển bài: “Con với cái, ăn ở bẩn thỉu. Nó học được cái thói ấy từ bọn Hàn Quốc, Hàn Xẻng ăn mặc rách rưới, lôi thôi đây mà. Sáng ra đã bày bừa hết cả quần áo, tranh ảnh ra đầy giường. Nó có biết ba mẹ nó vất vả như thế nào đâu. Thế này thì tôi sống làm sao được… bla… bla”. Tớ vẫn ngồi yêng hùng, không nhúc nhích giữa đống đồ lộn xộn. Tớ cảm thấy nếu chỉ khẽ động đậy hay tỏ ra sợ hãi lúc này thì ngay lập tức sẽ phá hỏng hình tượng lạnh lùng. Nhiều lúc tớ nghĩ, sao ông trời không lập trình mẹ giống như là Youtube, vừa phong phú lại vừa chạy video xong là ngừng hẳn, trừ khi có lệnh reload. Lập trình mẹ dạng Zing.mp3 thật mệt mỏi, vì nếu người ta không tắt nó đi, nó vẫn cứ tua đi tua lại mãi mãi. Nhưng cuối cùng, do hết pin, máy mp3 mắng nhiếc pro cũng tự động ngắt. Tớ tự thấy mình thật anh hùng khi vẫn ngồi trơ như đá, mặt tỉnh bơ sau những sóng gió vừa qua…
Chuyên gia gỡ bom ra tay
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu?
Chứng kiến cô con gái yêu nhấp nhổm như kiến trên chảo lửa để kiếm cho bằng được tấm vé đắt đỏ cho buổi Fan meetting của một nam diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc, mẹ lắc đầu: “Mấy anh chàng Hàn Quốc, hàn xẻng hút bọn trẻ cứ như nam châm hút sắt ấy nhỉ?” Chưa hết, khi thấy dân teen nhà mình cóp nhặt tiền tiêu vặt, tiền làm thêm để mua vé tham gia live show của anh Noo hoặc chí ít thì cũng đủ tiền vô phòng trà nhân dịp anh Lam Trường ra thủ đô biểu diễn, bố mẹ chúng ta lại được một phen “nghiến răng”: “Con với cái, chỉ tối mắt vì mấy anh đẹp trai. Có bao nhiêu người tài năng sáng ngời ngời thế kia thì không thần tượng?” Bố mẹ đâu biết rằng, khái niệm thần tượng đối với bố mẹ và với teen cách nhau đến cả tỷ năm ánh sáng. Vì thế, nhiều khi tình cảm ái mộ mà teen dành cho thần tượng của mình cũng khiến bố mẹ “nóng con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”. Xung đột cứ gọi là xảy ra tới tấp.
Sao lại được làm thần tượng?
Ắt hẳn câu hỏi này không ít thì nhiều, teen cũng đã được nghe. Cũng phải thôi, trong mắt bố mẹ, thần tượng của teen nào có “xi nhê” gì đâu. Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, phải là một người thật tài năng, xuất chúng hoặc chí ít cũng có tinh thần vượt khó, có ý chí vươn lên thì mới xứng đáng trở thành thần tượng cho giới trẻ. Bởi, thần tượng là quan trọng lắm lắm ý. Không chỉ là một nhân vật đặc biệt, có tầm ảnh hưởng với một phạm vi xã hội nhất định mà thần tượng còn có thể là người định hướng, là hình mẫu cho teen noi theo, học tập. Đấy, lý thuyết đã bảo vậy và bố mẹ cũng tin là vậy cơ mà. Hèn chi, trước cảnh tượng con mình dán một đống tranh ảnh của những cô, cậu ca sĩ, diễn viên “mắt xanh mỏ đỏ, ăn mặc nhí nhố” lên tường, bố mẹ đương nhiên phản ứng ngay tắp lự.
Thế gian còn đầy người kiệt xuất
Dẫn chứng là những nhân vật “nổi bần bật” vì thành tích trong thể thao, trong nghiên cứu khoa học hay là hoạt động xã hội chẳng hạn. Vì có những người kiệt xuất, lỗi lạc như vậy nên khi đặt chung một chiếu với thần tượng của teen, bố mẹ mới giật mình vì con mình toàn đi hâm mộ những người ở tận đâu. Cứ thỉnh thoảng, bố mẹ lại thở dài thườn thượt: “Nhìn cái cô/chú, bạn A, B, C kia kìa. Người ta giỏi giang là thế mà không biết noi theo là sao”. Hay là bố mẹ nghĩ rằng, đằng nào cũng mất công hâm mộ một ai đó, thì hâm mộ luôn một người thật siêu phàm, vĩ đại cho rồi?
Thần với chả tượng, chỉ tổ tốn kém
Thì đấy, thời gian để đi lùng bằng được CD mới của anh ca sĩ đang lên, thời gian để fanclub tụ họp, biểu dương tinh thần “hết mình vì thần tượng”, thời gian để tranh cãi với bạn bè xem thần tượng của ai “hoành tráng” hơn, VIP hơn… Trước mắt là tốn thời gian. Sau nữa thì tốn kém tiền bạc. Bọn trẻ ngày nay ghê gớm lắm. Khi hâm mộ ai đó, đâu chỉ là việc mặc cái áo có in hình, chép đầy sổ những bài hát của họ, hay cắt những bài báo viết về thần tượng của mình như bố mẹ làm cái thời “một ngàn chín trăm lâu lắm”. Đấy, trên báo chả nói đầy về những “tấm gương” bỏ nhà, bỏ cửa, xách
va li đi theo tiếng gọi của “tình yêu thần tượng” kia kìa. Teen có thấy điệp khúc này quen không? Không quen thì tớ cứ gọi là đi đầu xuống đất.
Không còn việc gì hay hơn để làm à?
Không còn việc gì khác nên teen mới phải “lồng lộn” lên vì một ai đó xa lạ. Bố mẹ hẳn sẽ thấy ngạc nhiên vì không hiểu giữa lịch học chính, học thêm kín mít thì teen dành thời gian đâu cho thần tượng? Mà thế đã xi nhê gì, có teen còn coi thần tượng là lẽ sống đời mình, một lòng một dạ “sống chết” vì thần tượng. Chính thái độ này mới khiến bố mẹ nhanh chóng xếp teen vào thành phần “hâm mộ mù quáng”. Bố mẹ lập tức quy kết “thần tượng = mê muội”. Thực ra, không phải lúc nào sự hâm mộ cũng đi đôi với ý nghĩa tiêu cực. Hơn nữa, bố mẹ nào chả mong muốn con cái tập trung tối đa cho việc học hành. Thời gian dành cho thần tượng lập tức sẽ được cho vào quỹ thời gian lãng phí, vô bổ.
2. Khi teen bị trúng bom
“Public hóa” thần tượng
Mặc cho bố mẹ nói gì thì nói, nhiều teen vẫn thể hiện lòng hâm mộ với thần tượng một cách quyết liệt. Vốn hâm mộ ban nhạc 2NE1, một cô nàng ở lớp học thêm của tớ đã thường xuyên mặc áo có in hình thần tượng. Thêm nữa, móc khóa, cặp sách hay cách đi đứng… tất thảy đều có dáng dấp của các cô gái nổi tiếng xứ Hàn. Cứ thấy cô nàng này ở đâu là bạn bè lại e dè nhìn nhau một cách đầy… cảnh giác vì thế nào nàng ý cũng tuôn một tràng về 2NE1 sắp có ca khúc gì mới, dự án nào hay… Bởi trong mắt cô nàng, thần tượng là nhất, là “đỉnh của đỉnh”, nếu mọi người không biết thì là một tổn thất to lớn.
Trước sự cấm đoán hay ngăn cản của người lớn, teen sẽ tảng lờ như không biết và làm cho độ phủ sóng của thần tượng ngày càng trở nên phổ biến. Mặc định rằng “thể hiện = tình yêu” nên sự thể hiện đôi khi cũng trở nên thái quá. Chậc, nhưng kệ chứ, vì đó là làm theo tiếng gọi của tình yêu mà.
Bố mẹ nói xem cuộc sống có gì vui?
Teen sẽ “vặc” lại bố mẹ như thế ngay, nếu bố mẹ có thắc mắc sao teen cứ phải chú ý đến những màn trình diễn thiếu muối hay những sản phẩm như cơm sống của thần tượng. Teen cũng thấy ấm ức lắm chứ, vì ngoài lịch học dày đặc ra, những trò giải trí lành mạnh không phải lúc nào teen cũng có điều kiện để tiếp cận. Chẳng có người định hướng trong cuộc sống, không được trang bị kỹ năng sống cần thiết và bố mẹ nhiều khi quá bận rộn; teen còn biết làm gì trong những khoảng thời gian trống nếu không có các “ù ni” “ù pa” của mình cứu cánh? Bố mẹ cứ bảo teen sử dụng thời gian một cách vô bổ nhưng chính bố mẹ cũng có dành thời gian hợp lý cho con đâu?
Có ai làm thần tượng của con đâu
Cứ “công kích” các thần tượng của con, song bố mẹ thử nhìn xem có người nào phù hợp để làm thần tượng cho tất cả tụi con không? Hầu hết những người bố mẹ cho rằng chúng con nên học tập, noi gương họ đều không còn phù hợp với lứa tuổi của chúng con nữa. Chúng con đâu cần một ai đó quá thành đạt, nghiêm nghị hoặc hay lên giọng dạy bảo bọn trẻ. Thần tượng của chúng con phải là một người gần gũi, như một người bạn lớn, phải long lanh sành điệu, và truyền cho chúng con những cảm xúc tích cực. Bố mẹ đâu biết rằng, chính thái độ “bài xích” những “ù ni” “ù pa” dễ thương mà teen yêu mến sẽ đẩy bố mẹ ngày càng xa con cái. Đâu chỉ là chuyện mến mộ một ai đó, mà còn là việc chúng con tin tưởng vào ai và lấy điều gì làm phương châm sống của mình.
3. Gỡ bom nào
Bố mẹ cũng từng có thần tượng
Hẳn bố còn nhớ chứ, thời đi học, bố từng “mê mệt” những nhân vật trong sách. Thậm chí, bố còn chép nguyên cả những đoạn viết về họ đầy cả cuốn sổ tay. Thời mà câu nói của nhân vật Pavel Korchagin được học thuộc lòng. Rồi cả ban nhạc huyền thoại như The Beatles hay vị lãnh tụ kiệt xuất Che Guevara nữa. Bố mẹ cũng từng là teen, cũng từng có một thời mến mộ một ai đó. Hãy nắm thật
vững chân lý này, teen sẽ khẳng định được rằng việc mình trót dành tình cảm quá nhiều cho một diễn viên, ca sĩ, hay một hotgirl, hotboy nào đó chẳng phải là một điều khó hiểu. Mỗi con người đều tiềm ẩn những điều đặc biệt để tỏa sáng. Thứ ánh sáng teen nhìn thấy có thể bố mẹ không nhìn thấy được. Nhưng không phải vì thế mà teen không thể có những “ngôi sao” riêng trong lòng mình. Điều quan trọng nhất khi “thi triển” tuyệt chiêu này, là teen phải tìm bằng được thần tượng một thời của bố mẹ là gì. Nhất là với những bậc phụ huynh kín tiếng. Chỉ cần chứng minh bố mẹ cũng từng có thời gian “điêu đứng” vì một người nổi tiếng nào đó là teen đã tạo được cán cân thăng bằng với bố mẹ rồi.
Khi thần tượng là động lực
Thần tượng không tự nhiên mà tỏa sáng, họ cũng trầy trật luyện tập, cũng vượt khó, học giỏi, tài cao. Thần tượng những người này, bạn sẽ học được nhiều điều từ cách sống và quá trình họ đối mặt với khó khăn để mang về thành công. Hãy thuyết phục bố mẹ rằng hơn cả việc hâm mộ một ai đó, bạn còn tìm được những chỉ dẫn và lời khuyên bảo sáng suốt từ những trải nghiệm của thần tượng. Nghe hợp lý quá đi ấy chứ!
Giải pháp xả “xì trét”
Lịch học hành dày đặc cộng với những biến đối trong tâm lý của lứa tuổi ẩm ương khiến các teen nhà mình “sáng ẩm, chiều mưa, đến trưa lại nắng”. Chính bố mẹ cũng có lúc phàn nàn chả hiểu nổi bọn trẻ bây giờ, đẩy teen rơi vào cảm giác lạc lõng vì không có ai hiểu mình hoặc ấm ức vì không thể thu xếp được thời gian hợp lý để cân bằng giữa việc học hành với vui chơi, giải trí. Những lúc ấy, teen biết làm gì để xả “xì trét”? Có một cách đơn giản mà hữu hiệu đó là bật một ca khúc thật hay, nhún nhảy theo phần vũ đạo sôi động; hoặc xem một bộ phim do thần tượng đóng, sưu tầm những thông tin hay ho về thần tượng. Tất cả đều là những gợi ý không tồi để mang đến cho teen cả giác “refesh”. Tất nhiên, cái gì lạm dụng quá cũng trở nên phản tác dụng. Không nên ngồi ngắm ảnh thần tượng cả ngày, quên mất nhiệm vụ chính của mình là phải hoàn thành khối lượng bài vở. Vì thế, xả “xì trét” là một chuyện, bạn vẫn phải nhớ những phần việc khác và phải làm ngon lành đấy nhé.
Thần tượng là cầu nối văn hóa
Điều này đặc biệt đúng với các sao ngoại. Bạn thử để bố mẹ thực hiện một phép liên tưởng thế này, bạn làm sao coi hết những phim của anh Bi (Rain) nếu không có tí teo hứng thú gì về văn hóa của xứ sở Kim chi. Hay, như cô bạn cùng lớp tớ đã lao vào học tiếng Nhật “điên cuồng” chỉ vì nàng ấy hâm
mộ mấy nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản và đã từng tham dự lễ hội Cosplay. List mục tiêu của cô nàng có một dòng to đùng: “Vào đại học và xin học
bổng sang Nhật”. Bây giờ, trình độ tiếng Nhật của cô ấy mới chỉ dừng ở sơ cấp thôi. Nhưng có hề gì, vì với tinh thần yêu mến văn hóa Nhật Bản và quyết tâm đến với vùng đất của manga ấy, chắc mục tiêu kia sẽ được thực hiện. Cô bạn đã từng bước chứng minh với mọi người rằng hâm mộ một ai đó (dù chỉ là nhân vật truyện tranh) không hề xấu, nếu từ tình yêu đó, bạn biết làm những việc thiết thực hơn, sống có ích hơn. Nếu làm được điều đó, bố mẹ sẽ giơ cả hai tay ủng hộ cả bạn và thần tượng.