Mỗi mùa hè cả nhà tớ lại háo hức lên đường về quê thăm bà nội. Sau cả một năm học hành vất vả thì về quê quả là một phần thưởng hấp dẫn cực kỳ mà ba mẹ dành cho tớ. Các ấy biết không, quê của tớ còn đẹp hơn cả trong phim nữa đấy! Ở thành phố này bói không ra chỗ nào rộng rãi, thoáng mát cực kỳ như quê tớ. Nếu tớ nóng, tớ có thể nhảy ùm xuống sông mà tắm thỏa thích. Nếu tớ mệt, tớ có thể mắc võng ra giữa vườn cây của bà tớ mà chén no nê toàn thứ quả ngon lành. Thế nhưng, nếu các ấy hỏi tớ có thích về quê ăn Tết không thì tớ sẽ trả lời chắc chắn như sau:
– No, no và Noooooooooo.
Vì sao ấy hả? Thứ nhất nè, về quê ăn Tết đồng nghĩa với việc số tiền lì xì của tớ sẽ giảm đi hai phần ba là ít, rồi tớ sẽ không được cùng cả nhà đi ngắm pháo hoa và phải ngồi nghe lũ bạn tớ ba hoa chích chòe chờ về cái Tết “bội thu” của chúng nó. Nhưng những chuyện ấy cũng đau khổ bình thường thôi. Điều khiến tớ lo ngại nhất trong mỗi dịp về quê ăn Tết là cũng vào thời điểm ấy, cả NHÀ tớ tụ họp đông đủ và tớ bắt đầu bị rơi vào một mê hồn trận không có lối ra. Nếu các ấy nghĩ NHÀ ở đây có nghĩa là bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái thôi thì các ấy nhầm rồi đấy. Ở quê tớ, NHÀ còn có cả cành cây hoa lá, nghe có vẻ giống thực vật nhưng thực ra nó còn có cả chi, chi trên chi dưới, không phải bốn chi mà linh tinh chi hết cả.
Lần nào cả nhà về quê ăn Tết, ba mẹ cũng nhắc đi nhắc lại bên tai tớ:
“Về quê nhìn thấy ai con cũng phải chào hỏi lễ phép. Đừng để cho các ông, các bà, các cô bác nói là ba mẹ không biết dạy con đấy nhé.”
Tình hình là ở nhà bà nội tớ Tết nào cũng có khoảng ba mươi người họ hàng đến để cùng làm cơm, sum họp rất đầm ấm. Tớ sẽ rất vui nếu như ba mẹ không yêu cầu tớ phải chào hỏi từng người một và tớ bắt đầu rơi vào một ma trận với cả đống phương trình không thể nào giải xuể. Ông X chắc chắn là ông cậu của tớ, bà Y lấy ông X, sinh ra ba chú A, B, C. Thế quái nào mà chú A lại đi lấy bác D ở bên họ nhà mẹ, sinh ra hai người con E, F. Chỉ khổ tớ bây giờ không biết gọi chúng nó là em hay là chị nữa đây.
Đã khó thì chớ, lại thêm mẹ lúc nào cũng kè kè đi bên kiểm tra xem tớ có chào hỏi đúng hay không. Được cái tớ vốn ngoan ngoãn nên gặp ai tớ cũng nhanh nhảu chào:
Tớ: – Cháu chào ông ạ!
Mẹ: – Không, là chú thôi con ạ!
Tớ: – Ui, em bé đáng yêu quá ạ.
Mẹ: – Hỗn nào, mau chào ông đi!
Tớ: – Em mới 14 tuổi nên anh gọi là em thôi ạ.
Mẹ: – Con bé này hay thật, cháu nó biết trật tự trên dưới, nó chào thế là đúng rồi…
Mọi thứ cứ loạn hết cả lên!
Nhiều lúc tớ còn phải cõng cả ông tớ đi chơi. Ông năm nay mới có ba tuổi, tên là Bon, cơ mà tớ cũng không chắc ông có biết tớ là cháu của ông không nữa. Ông Bon lúc nào cũng chỉ ngoác miệng ra khóc, đòi tớ cõng từ đầu làng đến cuối làng. Nhưng là cháu thì phải chiều ông nên tớ chẳng thể làm cách nào khác. Không biết nếu tớ tả về ông của tớ thật thế này thì cô giáo sẽ cho tớ mấy điểm nhỉ?
Hè vừa rồi về quê, tớ quyết định khắc phục bằng cách đứng ở ngoài cổng nhà bà, vẻ mặt niềm nở và chào thật to:
“Con đã về! Con chào tất cả mọi người ạ!”
Rồi từ đó trở đi cho hết ngày, tớ quyết tâm cứ câm như hến, không nói chuyện với ai để khỏi phải nhầm. Nhưng ba mẹ lại vẫn cứ bắt tớ phải đi chào hỏi từng người một làm đầu óc tớ rối hết lên, và thế là tớ lại xưng hô sai lung tung cả. Ngay lúc ấy thì ba mẹ nhẹ nhàng từ tốn lắm. Nhưng một lúc sau là mẹ lại kéo tớ ra một góc, nói cái giọng đầy trách móc làm tớ khó chịu vô cùng:
“Ăn không nên đọi, nói không nên lời. Có mỗi việc chào hỏi mà cũng không xong. Bao nhiêu lần rồi, lần nào cũng để cho bố mẹ xấu hổ. Năm nào Tết về cũng gặp bác ấy mà không nhớ, chuyên đời gọi là cô. Đúng là đầu chỉ để mọc tóc!”
Khổ lắm cơ! Tớ đã lầm bẩm cả tối hôm qua rồi nhưng mà ai bảo họ hàng nhà mình rắc rối quá, làm sao tớ nhớ cho xuể. Và thế là tớ chơi bài nói cùn:
Bố mẹ cứ quan trọng quá. Gọi thế nào mà chả được ạ. Tiếng Anh thì cũng là You hết.
Tớ thấy mẹ tớ tức xì khói, mặt đỏ lên như là sắp khóc:
“Hư đốn. Việc ấy mà không quan trọng à? Năm sau ở nhà, đừng về quê nữa cho xấu mặt chúng tôi ra.”
Chuyên gia gỡ bom phàn nàn
Hôm trước, cô giáo cho bọn tớ đề văn viết về quê hương, trong đó có dẫn câu “Quê hương là chùm khế ngọt”. Trong kí ức của chúng tớ, quê là một miền quê xa lắc lơ, mỗi năm chỉ được về có hai lần vào dịp Tết và hè. Quê có ông bà nội, ông bà ngoại, có họ nội, họ ngoại cực kỳ đông đúc và xôm tụ. Cơ mà mỗi lần về quê là tớ lại sợ phát khiếp vì không thể nào nhớ cho tường tận từng người trong dòng họ “khoai lang môn” (tên gọi “yêu” cho dòng họ hoành tráng) nhà tớ được. Đã thế, cứ gặp tớ, cô, dì, chú, bác dù xa hay gần đều bắt tớ đoán xem họ là ai, tên là gì, bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu? Cứ như đi thi “Ai là triệu phú” ấy. Thế mà khi tớ cần đến sự trợ giúp của người thân là mẹ thì mẹ lại lắc đầu quầy quậy, ý là, tớ phải tự biết, tự trả lời chứ. Hic hic, với cái trí nhớ “thảm họa” của tớ thì người gặp hôm qua đến hôm nay có khi đã bị tống ra khỏi bộ nhớ, nói chi đến những người cả năm cả đời mới gặp vài lần. Vì thế, với tớ, quê hương đôi khi cũng không phải là một chùm khế ngọt nữa mà có biến thành “khế chua” vì cứ sau mỗi lần về quê là tớ lại bị bố mẹ cằn nhằn. Ôi, cuộc đời thế có đáng chán không cơ chứ.
1. Ngòi nổ ở đâu?
Những người lạ quen biết
Nếu tính họ hàng bắt đầu từ những người gần ơi là gần như ông bà nội, ông bà ngoại, các cô chú bên nội, các cậu dì bên ngoại… thì hàng năm, tớ chỉ gặp được họ hàng vài ba lần. À, cũng có những lần bố mẹ đón ông bà lên chơi; các cô, chú, cậu, mợ ghé qua nhà nhân dịp đi công tác hay cho đám nhóc tì thăm quan thủ đô. Cứ mỗi dịp đó là nhà tớ bị xới tung lên, thói quen hàng ngày bị phá bỏ bằng hết. Tớ hậm hực dọn nhà thêm mấy lần mỗi ngày, chịu khó nêm nếm khác đi vì khẩu vị của mọi người ở quê cũng khác. Gọi là chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn. Cơ mà có lúc, tớ vẫn thấy lạ lẫm thế nào đó với những người lẽ ra là rất thân thiết ấy. Tớ không quen được cảnh bọn nhóc chui hết góc nọ góc kia để chơi trốn tìm, hét inh ỏi cả khu tập thể nhà tớ khi chơi trò đồ hàng, cũng không quen được cảnh bà ngoại lụi cụi gói ghém lại cơm và đồ ăn thừa để riêng cho mấy bà chuyên đi lấy nước gạo, hay lời bà nhắc tớ phải đi nhẹ, nói khẽ cho ra dáng con gái, những câu chuyện về thời kỳ khốn khó từ xửa từ xưa của ông bà… Tự dưng, tớ trở thành một kẻ phung phí, không biết quý trọng mồ hôi và công sức của những người lao động, một bà chị khó tính ngay cả với bọn trẻ ranh. Tóm lại, có ai đó từ quê lên chơi là tớ lập tức bị đẩy vào một phần còn lại của thế giới. Khổ nỗi là bố mẹ tớ lại không thấy nỗi niềm của tớ. Trong mắt bố mẹ, tớ hiện nguyên hình là đứa cháu không hiếu thuận, bà chị chuyên cau có… Tớ cách xa mọi người cả tỉ năm ánh sáng. Bố mẹ uốn nắn tính nết tớ mềm mại một chút vì: “Không phải lúc nào nhà ta cũng có người ghé thăm. Con nhún nhường một chút thì có sao”. Ừ thì đúng là không sao, nhưng cảm giác lạ lẫm của tớ vẫn chẳng dễ mà vơi bớt. Điều đó làm bố mẹ tớ nói đi nói lại trong những câu chuyện về sau này với điệp khúc “bọn trẻ bây giờ”. “Bọn trẻ bây giờ thật buồn cười. Hồi bé thì quấn ông bà như sam mà lớn lại trở thành lạnh nhạt như thế này”. Haizz, ai mà biết được chứ. Sông có khúc, người có lúc mà.
Khi họ hàng là “tập rỗng”
Thỉnh thoảng, à mà không, rất nhiều lần, nhà tớ đón khách khứa ở quê ra chơi. Sau một màn chào hỏi, tự giới thiệu chán chê, tớ mới bớt đi sự ngỡ ngàng và gật gù, tỏ ý rằng mình đã hiểu. Nhưng đấy là với những người rất rất thân, còn với các cô, các bác họ xa xa một tẹo thì nói thật là tớ chẳng hiểu gì hết trơn. Cứ nghe tường trình về gốc gác cách tớ đến ba bốn đời là tớ đã thấy hoa hết cả mất. Thế là chút ký ức vừa có đã bay sạch sành sanh trong đầu. Hậu quả kéo theo là tớ xưng hô mỗi lúc một kiểu, cùng là một người nhưng khi thì tớ gọi là cô, lúc tớ gọi là dì. Mẹ tớ nghe thấy, có vẻ rất buồn thảm: “Sao con chẳng nhớ gì hết trơn? Đằng ngoại thì gọi là dì chứ?” “Dì ạ? Nhưng con có gặp dì này bên ngoại bao giờ đâu?” Chỉ cần nghe tớ thắc mắc đến đấy là mẹ tớ đã bù lu bù loa lên: “Con ơi là con, chẳng nhớ được chút gì về quê hương, bản quán hay sao”. Các bậc phụ huynh nhà ta vô lý thật đấy, teen có chứa trong đầu cả cái gia phả của dòng tộc đâu mà có thể tường tận được từng người, từng chi của họ hàng được. Kinh khủng hơn, bố mẹ còn đồng nhất điều ấy với việc vô tâm với nguồn cội, bất hiếu với tổ tiên. Mà không chỉ riêng bố mẹ tớ đâu. Đi “điều tra” lòng vòng một hồi, tớ phát hiện ra rằng đám bạn bè của tớ cũng gặp những vấn đề tương tự. Bảo sao, giữa teen và bố mẹ hay có những đợt sóng ngầm.
Sự hiếu khách để đâu
Với những teen có bố mẹ xởi lởi, tình cảm và hết lòng cưu mang những người cùng quê thì câu hỏi này ắt sẽ rất quen thuộc. Trong khi bố mẹ lo lắng từng miếng cơm, ngụm nước, hỏi han từ sức khỏe đến công việc của những người họ hàng thì teen cứ “dửng dừng dưng” như chẳng quen biết. Thái độ đó làm cho bố mẹ thấy “nóng mắt”. Thực ra, bố mẹ cũng phiến diện cơ. Bởi, bố mẹ đã từng lớn lên, từng có kỷ niệm với những người họ hàng của gia đình hoặc ít nhất, vì trách nhiệm của một “người lớn” nên bao giờ bố mẹ cũng tìm được cách ứng xử phù hợp, trọn vẹn tình nghĩa. Với những đứa “ăn chưa no, lo chưa tới” như chúng mình thì lại khác. Chúng mình chẳng có nhiều kỷ niệm với những người họ hàng. Trong khi đó, tình cảm không thể nảy sinh trong một sớm một chiều. Đang là những người (có vẻ) xa lạ, tự dưng teen lại vồ vập hỏi han, quấn quít thì… ngại lắm. Sự hiếu khách đâu dễ dàng mà có được khi cả hai bên đều chưa biết gì về nhau? Nhưng mà bố mẹ không chịu hiểu cho điều đó, chỉ chăm chăm chụp mũ teen thành những đứa trẻ lạnh nhạt, hời hợt mà thôi.
2. Khi teen trúng bom
Con phải nhớ những ai nữa?
Bị trách cứ hoài vì tội nhớ nhớ, quên quên những người họ hàng dù gần dù xa có thể làm cho teen “nổi quạu”. Cho một ai đó vào bộ nhớ cũng khó lắm chứ bộ. Phải nhớ từ gương mặt, giọng nói, nhớ cả đến những tính cách chỉ riêng người đó có. Trong khi teen lại chẳng gặp họ hàng thường xuyên… Ôi chao là “thiên nan vạn nan”. Thái độ bực tức này của teen không hẳn là khó hiểu. Đi kèm với nó là sự không hài lòng và chống đối nếu như bố mẹ bắt épteen phải nắm chi li gốc gác, “đặc điểm nhân vật” của mọi người trong dòng họ nhà mình. Nếu thái độ
này được lặp lại thường xuyên, gay gắt hẳn nó sẽ đẩy teen đến sự khó chịu vì bị ép buộc còn bố mẹ thì cho rằng teen thật cứng đầu cứng cổ, vô tâm bảo thủ.
Bố mẹ cũng có nhớ hết đâu
Nếu bị bố mẹ ca thán trong một thời gian dài, teen sẽ để mắt tới bố mẹ để xem bậc sinh thành của mình đã dành sự quan tâm đúng mực cho họ hàng như vẫn nói hay không. Một khi teen quyết chí “bới lông tìm vết” thì bố mẹ cũng khó tránh khỏi sơ suất. Một cậu bạn ở lớp tớ đã cực kỳ hả hê khi bố cậu ấy vừa bị bà nội mắng bởi cái tội trót quên ngày giỗ cụ cố. “Đấy, bố cũng có nhớ nổi ngày trọng đại vậy đâu. Thế mà bố mẹ suốt ngày bảo con không có tinh thần nguồn cội. Bla, bla, bla…”. Khỏi phải nói, trước những sơ suất kiểu này, teen vui mừng biết chừng nào. Bắt bài được bố mẹ, teen có cơ hội chứng minh rằng mình không phải là ngoại lệ duy nhất và yêu cầu của bố mẹ thật quá khắt khe. Tuy nhiên, biểu hiện này cũng có lúc bị coi là thiếu tôn trọng bố mẹ, thậm chí là hỗn hào. Với lại, hỏi chính teen nè, nếu lúc nào bạn cũng chăm chăm bắt lỗi bố mẹ thì bản thân bạn cũng có thấy vui?
Ai cũng là họ hàng
Bạn có nghĩ những ngày bạn về quê xa ơi là xa, gặp mọi người lạ ơi là lạ mà mọi người kiên quyết “ngậm hột thị” đến khi bạn nhận diện ra ai là ai mới thôi? Cậu bạn ngồi cạnh tớ trên lớp đã nghĩ ra một chiêu cực hay. Đó là, thấy ai có vẻ quen quen là cậu ấy xếp vào diện họ hàng hết. Tức là, người nào trông trẻ trẻ thì chào hết là cô, chú, nếu là bên nội; chào là cậu, dì nếu là bên ngoại; thấy ai thì cứ cười toét miệng dù rằng họ còn cách cả một quãng xa. Ấy vậy mà cũng không ổn. Vì có một ngày, mẹ cậu ta góp ý: “Sao gặp ai mày cũng cười như… nghé thế hả con? Không nhớ thì bảo là không nhớ. Mày cứ cười kiểu đó rồi có lúc người ta lại bảo ngơ ngơ thì chết”. Chỉ đợi có thế, cậu bạn tớ đã thành thật thổ lộ về nỗi “khổ tâm” của mình. Nghe xong, không chỉ mẹ mà cả nhà cậu được phen ôm bụng cười vì cái “tối kiến” đó.
3. Gỡ bom nào
“Về nguồn” thôi
Nếu mọi lần, người hô hào về thăm ông bà, họ hàng đều là bố mẹ thì lần này, bạn thử chủ động đề xuất. Có thể bố mẹ sẽ mắt tròn mắt dẹt trước tinh thần tự giác, vì nguồn cội của bạn. Trong chuyến đi, bạn hãy đặt mình vào tâm thế của một người thực sự hào hứng với việc về thăm quê hương của mình xem nào. Chăm chỉ đi chào hỏi họ hàng, hỏi han người này, người kia như một đứa cháu tình cảm. Hic hic, khéo bố mẹ lại chẳng mừng mừng tủi tủi khi thấy cậu ấm, cô chiêu nhà mình đã chững chạc hơn hẳn. Nhân dịp đó, bạn cũng tiện thể hóa giải những hiểu lầm hoặc nhận định chưa đúng của bố mẹ về bạn, để bố mẹ biết là không phải bạn không quan tâm đến những người trong dòng tộc, chỉ là, bạn chưa có cơ hội thể hiện điều đó thôi.
Tăng cường “giáo dục truyền thống”
Tất nhiên, trong công cuộc giáo dục này thì người thụ hưởng là bạn còn người giáo dục ắt phải là bố mẹ bạn rồi. Thỉnh thoảng, bạn đặt cho bố mẹ những câu hỏi mang tính chất gợi mở lịch sử gia đình, trong đó, xoáy sâu vào thời thơ ấu của bố mẹ, những kỷ niệm đáng nhớ với ông bà. Sau nữa, bạn lân la hỏi sang cả những người thân thiết xung quanh. Được dịp hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, chẳng bố mẹ nào lại từ chối. Thậm chí, như bố mẹ tớ còn rất nhiệt tình kể lại những đoạn ký ức của hai người thuở hàn vi, sống trong vòng tay ông bà và sự thương yêu của họ hàng, làng xóm. Kể cả khi teen thấy những câu chuyện đó quen ơi là quen, trăm lần như một thì cũng hãy ráng lắng nghe. Hiểu thêm về họ hàng là một chuyện, ngoài ra, bạn còn được bố mẹ tâm đắc vì có ý thức tìm hiểu nữa đấy.
Quê hương, nếu ai không hiểu
Sẽ chẳng ai có thể sống đơn độc mãi, tựa như cái cây thường sống trong một rừng cây vậy. Có thể hôm nay bạn và cả gia đình đều ổn cả song không ai dám chắc rằng một ngày nào đó, gia đình bạn không cần đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Trốn tránh việc phải nhận biết và thiết lập mối quan hệ mật thiết với những người họ hàng vừa làm không khí trong nhà căng thẳng vừa chẳng giúp cho mọi việc tốt đẹp hơn. Hơn nữa, có sự am hiểu và yêu mến quê hương, họ hàng bạn sẽ thấy mình hấp thụ được bao giá trị quý báu, tốt đẹp đã được lưu truyền lại từ đời trước. Vấn đề là phải làm thế nào thôi? Hãy nhờ đến bố mẹ nếu như bạn thực sự cảm thấy việc “kết nối” với họ hàng là quá khó. Bố mẹ luôn là một cây cầu tốt để nối bạn với những người thân mà lạ, lạ mà thân ấy.