Khi Cha Mẹ Làm Teen Phát Điên

Lời giới thiệu



Bạn thân mến,
Nhan đề cuốn sách bạn đang cầm trên tay có làm bạn tò mò không? “Khi cha mẹ làm teen phát điên”?Có khi nào bạn phẩy tay, chép miệng (hệt như bố mẹ chúng ta vẫn thế) và cất giọng phán: “Lúc nào bố mẹ chả làm teen phát điên.” Ừ, thì công nhận có nhiều lúc bố mẹ làm chúng ta “nóng con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” và tim, gan, phèo, phổi… dường như chỉ muốn hoán đổi vị trí cho nhau thật. 
Những “cuộc chiến ngầm” vẫn xảy ra như cơm bữa trong gia đình chúng ta, chiến tranh nóng lẫn chiến tranh lạnh, là khoảng cách thế hệ cách xa như cả trăm năm ánh sáng và không bên nào chịu thấu hiểu bên nào. Để có lúc, chính chúng mình nhìn lại và ngơ ngác vì tại sao mình cứ “gây hấn” với bố mẹ hoài hoài. Còn bố mẹ thì nhớ ơi là nhớ về những đứa¯trẻ ¯của¯ngày¯hôm¯qua, khi mà chúng mình còn bé bỏng, trọn vẹn trong một vòng tay. 
Lúc chúng ta còn bé, bố mẹ là cả một bầu trời rộng lớn và ấm áp, hay nói cách khác đi, bố mẹ là “tất cả” theo như lời một bài hát. Chắc bạn cũng chẳng lạ lẫm gì cảnh tượng mẹ bạn ngồi bần thần tiếc nuối những ngày bạn còn nhỏ, nhớ cái cảnh bạn ngồi sau xe của mẹ, bàn tay bé xíu níu chặt áo mẹ. Hoặc bố bạn, đã từng là người bạn lớn của bạn trong đủ các thể loại trò chơi ngốc xít thời bé. Ai là người vót nan tre làm đèn ông sao, dạy bạn chơi đá banh, dạy bạn đi xe đạp trong ngày đầu lóng ngóng? Là bố bạn chứ còn ai nữa. Chúng ta (ý tớ nói là bạn, tớ và những vị phụ huynh yêu quý của chúng mình) đã có những tháng ngày bình yên, êm ấm và thương yêu nhau nhiều đến thế. 
Cho đến một ngày, tất cả đều khác đi.
Tuổi teen dường như là một trong những lứa tuổi “khó hiểu” nhất bởi chính teen cũng không hiểu nổi mình và những người khác thì lại càng không. Sự thay đổi trong suy nghĩ, trong cách hành xử của teen đã kéo theo bao điều rắc rối. Trong khi đó, bố mẹ chúng mình lại không thể “lớn” cùng với con, chính xác hơn, bố mẹ không thể “hồi teen” để trở thành một người “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” được. Sẽ có nhiều lắm những tình huống bố mẹ làm teen “khóc dở mếu dở” hoặc thấy đất trời chao đảo vì những quy định tróe ngoe, những “định luật” hà khắc trong đó bố mẹ luôn ở thế thắng. Teen sẽ đối phó và hóa giải những tình huống đó bằng cách nào? Làm thế nào để làm một phép tính “trung bình cộng” giữa những mong muốn, kỳ vọng, thậm chí là sự áp đặt của bố mẹ với cá tính và đặc điểm lứa tuổi không giống bất kỳ một lứa tuổi nào khác của teen? Làm thế nào để teen được sống đúng với lứa tuổi của mình, cá tính của mình mà không khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng hay bối rối?
Cuốn sách này “zoom” vào những vấn đề rất thường gặp trong đời sống của teen nhưng là thông qua lăng kính của cả bố mẹ và teen. Với cùng một vấn đề, nếu đặt ở góc nhìn của bố mẹ thì sẽ “rất thế này” còn nếu là với teen thì sẽ “rất thế kia”. Chỉ có điều, “rất thế này” và “rất thế kia” đều sẽ trở thành vô nghĩa nếu như cả hai không tìm được một giao điểm. Thiếu một tiếng nói chung, bố mẹ và teen không chỉ dễ “xung đột” mà khoảng cách thế hệ còn có nguy cơ ngày càng xa nhau nữa. 
Chúng tôi – những người viết cuốn sách này không kỳ vọng rằng cuốn sách là một cuốn “cẩm nang biết tuốt” để teen có thể vận dụng trong mọi hoàn cảnh. Nhưng bằng cách này hay cách khác, cuốn sách sẽ là một người bạn của teen. Người bạn theo nghĩa cùng lắng nghe, cùng chia sẻ và đưa ra những chỉ dẫn hợp lý. Và như thế, bạn sẽ đi qua tuổi teen bớt chật vật khó khăn hơn. 
Cuốn sách được viết với phong cách hài hước, không kém phần thông minh, gần gũi và chân thành, để bất cứ teen nào cũng tìm thấy chính mình trong đó. Đồng thời đây cũng là một cuốn sách mà mọi phụ huynh cũng nên tìm đọc nếu muốn hiểu thêm về đứa con tuổi teen của mình.
Còn bây giờ, cùng giở sách ra và khám phá thôi. Luôn có một người bạn chờ teen trong những trang sách này. Chắc chắn đấy!
Mai Hà Uyên

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.