Kinh Thánh Về Nghệ Thuật Lãnh Đạo

CHƯƠNG 1: Chính trực và lương thiện



“Một câu trả lời chân thực giống như một nụ hôn môi”.

— Prov. 24:26

“Xin Chúa hãy đánh giá con qua… tính chính trực”.

— Ps. 7:8

Đức tin của Chúa. Hành động đi đôi với lời nói và lời nói tương đồng với hành động. Con người chính trực và lương thiện. Con người mà chúng ta có thể tin tưởng. Đó là những điều chúng ta mong muốn ở những nhà lãnh đạo.

James Kouzes và Barry Posner, một trong những nhóm chuyên gia quản lý nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, đồng thời là hai tác giả của cuốn Thử thách khả năng lãnh đạo, đã tiến hành một cuộc khảo sát hàng ngàn người trên toàn thế giới với hàng trăm tình huống cụ thể. Hai ông nhận thấy rằng đức tính được trông đợi nhiều nhất ở một nhà lãnh đạo giỏi giang là tính lương thiện đến mức họ đã viết về đức tính này trong riêng một chương: “Các nhà lãnh đạo được và mất tín nhiệm như thế nào? Tại sao người ta mong được tín nhiệm?”

Cho dù động cơ của bạn có cao thượng và đáng giá đến thế nào đi nữa, nếu bạn không thường xuyên giữ lời hứa và làm theo đúng khả năng thực sự để thu được sự tín nhiệm của người khác, họ cũng chẳng ủng hộ bạn lâu dài. Có thể họ theo bạn đến một lúc nào đó, nhưng khi khó khăn, họ sẽ chùn bước hoặc sẽ tìm nhà lãnh đạo khác. Bạn có thể nói với những người đi theo mình rằng cho dù gặp khó khăn trở ngại, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu và rằng chắc chắn bạn sẽ hỗ trợ họ mọi việc. Nhưng nếu trước đây bạn không hỗ trợ được cho họ (hoặc thậm chí đơn giản là họ chưa biết rằng bạn đáng tin cậy và chân thực), sẽ chẳng có ai xếp hàng đi theo bạn để vượt qua dù chỉ là một vũng bùn lầy, huống chi lại là vượt qua biển Đỏ.

Gần đây, người ta ngày càng mong đợi các nhà quản lý và lãnh đạo trên thế giới phải có được phẩm chất quan trọng này. Richard Nixon thuê người đột nhập vào các trụ sở của đảng chính trị đối lập, rồi lại dối trá tuyên bố rằng mình chẳng dính dáng gì đến việc này. Bill Clinton thì dan díu với một nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng chỉ hơn con gái ông ta có vài tuổi, rồi ngay sau đó lại phủ nhận việc mình đã từng lăng nhăng với cô ta.

Hãng hàng không Morton Thiokol không chịu nghe lời của một nhà khoa học cảnh báo rằng máy bay mang tên Challenger không an toàn, khiến cho toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng bởi một vụ nổ ngay sau khi máy bay cất cánh. Nhóm chuyên viên cao cấp của hãng Texaco dính líu đến một vụ phân biệt đối xử có hệ thống đối với nhân công là người thiểu số và tìm mọi cách ém nhẹm chuyện này nhưng các cuốn băng thu lại đã cung cấp đầy đủ những bằng chứng không thể chối cãi về hành động của họ.

Những nhà lãnh đạo trong Kinh Thánh thì ngược lại. Cho dù họ nhìn nhận về tương lai có hơi phi thực tế nhưng người ta vẫn đi theo họ vì họ lương thiện và chính trực. Trong Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về những cá nhân đã vượt qua các trở ngại lạ thường của thiên nhiên và con người để thực hiện lời nói của mình, về những nhà lãnh đạo sẵn sàng đối mặt với nguy cơ mất hết quyền lực, tiền bạc và thậm chí cả mạng sống của mình để giữ trọn lòng chính trực. Noah được lựa chọn để tưởng thưởng nhờ tính chính trực; Lot được cứu rỗi từ ngọn lửa địa ngục và tro tàn của Sodom và Gomorrah nhờ tính chính trực.

Bản thân Moses − người mang lời cảnh tỉnh của Chúa đến cho những môn đồ của Người trong một hoàn cảnh trớ trêu, rằng họ không được nói dối, ăn cắp và ham muốn cá nhân − cũng là một con người nổi tiếng liêm khiết. Mười điều răn của Chúa cũng rất rõ ràng: “Ngươi chớ trộm cướp”. “Ngươi không được sát sinh”. “Ngươi không được làm chứng giả chống lại người láng giềng”. “Ngươi chớ tham vợ của láng giềng; chớ tham nhà, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ thứ gì thuộc về người láng giềng của ngươi”. Đó là bốn trong số mười điều răn của Chúa trực tiếp đề cập đến tính chính trực và lương thiện.

Isaiah, Jeremiah và những nhà tiên tri khác, bất chấp sự nguy hiểm và lạnh nhạt, đã cảnh báo với toàn thể nhân loại khi họ từ bỏ những lời giáo huấn của tổ tiên về sự trung thực và đạo lý. Chúa Jesus mang lại thông điệp rằng “sự thật sẽ giải phóng cho ngươi” và Người sẵn lòng hy sinh vì những sự thật mà Người chính là hiện thân. May mắn thay, ngày nay chúng ta có được một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện đại, họ nhận thức được nếu không có tính lương thiện và chính trực thì vòng tròn “thành công” chỉ là rỗng tuếch.

Lương thiện (và bất lương): Những nhân vật điển hình

Thật may cho một số người trong chúng ta được làm việc dưới quyền những nhà lãnh đạo hiện đại, những người vẫn giữ được tính chính trực và lương thiện. David Hunke, Giám đốc quảng cáo của Miami Herald thuộc Tập đoàn Knight-Ridder, giải thích: “Chúng tôi thường đùa với nhau là ở đây chúng tôi khó mà giữ được bí mật, nguyên nhân chủ yếu là do tính chính trực. Chẳng ai có thể tưởng tượng được một người lãnh đạo cấp cao nhất của tập đoàn này lại có thể nói dối bạn”.

Giờ đây tất cả chúng ta đều biết rằng nhà báo có một tập hợp các chuẩn mực đạo đức, ít nhất là theo những tuyên bố chính thức. Vậy còn những nhà quản lý mạng toàn cầu thì sao? Robert Knowling, Giám đốc điều hành Tập đoàn Truyền thông Covad, một nhà cung cấp dịch vụ Internet, bắt mỗi nhân viên phải thực hiện quá trình nhìn nhận và đánh giá trong ba ngày, quá trình này diễn ra trong một môi trường luân chuyển nhanh mà thời gian (được tính theo từng giây) chính là tiền bạc. Điểm cốt lõi của quá trình này chính là khái niệm chính trực. Knowling cho biết: “Đó không phải là một tham vọng “dời non lấp biển” gì nhưng chúng tôi cũng gài một số cái bẫy”. “Một lần chúng tôi đã phải sa thải một quản lý rất có triển vọng vì anh ta đã vi phạm những giá trị của công ty. Nhưng theo như lời Jack Welch, bạn phải công khai hậu quả của việc phá vỡ những giá trị cốt yếu. Tôi không muốn một ngày nào đó lại thấy xuất hiện một tập đoàn thịnh vượng nhưng thiếu bản sắc riêng”.

Hãy so sánh tính chính trực của Hunke và Knowling với hành động của Quốc vương Ahab và Hoàng hậu Jezebel, “bộ đôi xấu xa” bất lương trong Kinh Thánh có thể là kình địch với những “ông vua” thời hiện đại Leona và Harry Helmsley. Xin nói để các bạn biết, Leona Helmsley là “Bà hoàng khách sạn” New York, bà ta đã thản nhiên nói rằng “có rất ít người chịu đóng thuế” khi người ta phát hiện ra đế quốc kinh doanh hùng mạnh của bà ta hầu như không đóng thuế thu nhập. Có câu chuyện, có thể chỉ là lời đồn đại, kể rằng bà ta đã bố trí một trong số “ít người” đó ở hai bên bờ bể bơi của mình với một xô tôm ướp lạnh để bà ta thưởng thức trong lúc bơi.

Nhưng sự bất lương của Ahab và Jezebel chắc chắn có thể là còn vượt cả “Nữ hoàng Leona”. Naboth là một người có vườn nho gần cung điện của Ahab. Ahab muốn mua khu vườn này để trồng rau, nhưng Naboth không chịu bán: Ahab nổi giận và trở nên rầu rĩ, không chịu ăn, nhưng ít nhất thì ban đầu ông ta vẫn nghĩ đến việc tuân thủ pháp luật, cho dù điều này có làm cho ông ta khó chịu và bực dọc đến đâu chăng nữa.

Nhưng rồi Jezebel nhận thấy chẳng việc gì phải giận dỗi hay chán nản: “Ngài cư xử như vậy có xứng đáng là Ông hoàng của Do Thái hay không? Hãy ngồi dậy và ăn uống! Hãy vui lên! Ta sẽ lấy được cái vườn nho đó cho ngài”. (1 Kings 21:7) Bà ta nghĩ ra một kế đơn giản nhưng hoàn toàn vô đạo đức. Bà ta thuê hai tên vô lại (có thể bằng cách mua chuộc hoặc đe dọa, vì bà ta có thể làm vậy) để chúng công khai làm chứng rằng Naboth đã nguyền rủa cả Đức Chúa và Đức Vua (bà ta muốn thật chắc chắn).

Jezebel đã thành công: Naboth bị ném đá đến chết. Ngay khi nghe được “tin mừng”, bà ta nói với chồng “Hãy đến mà lấy cái vườn nho mà Naboth the Jezreelite đã không chịu bán cho ngài”. (1 Kings 21:15) Ahab, vốn là con người lương thiện, đã quá đỗi vui mừng mà đồng ý ngay.

So sánh phương pháp của Ahab và Jezebel với phương pháp của Vua David khi muốn xây một đền thờ Chúa trên sân đập lúa của một người tên là Araunah the Jebusite. David đến gặp thẳng Araunah và nhún nhường yêu cầu anh ta bán lại cái sân đập và trả giá đầy đủ (Ahab đã khiến cho Naboth bị giết để chiếm không vườn nho của Naboth).

Araunah đã biếu không cái sân đập lúa cho David: “Ngài cứ việc lấy nó! Đức Vua hãy làm những gì ngài muốn”. (1 Chron. 21:23) Nhưng David vẫn nhất quyết trả đủ tiền cho dù là với cương vị nhà vua, ông có thể dễ dàng ban những sắc lệnh tối cao để chiếm đoạt cái sân.

Qua so sánh, có một ví dụ hiện đại về một “vườn nho” chắc chắn là được nhiều người thèm muốn nhưng không thể cướp khỏi tay người chủ hợp pháp do tính lương thiện của một vị quản lý cấp cao. David Armstrong, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Armstrong muốn xây một xí nghiệp mới bên cạnh xí nghiệp cũ. Để làm được vậy, công ty phải mua lại ngôi nhà của một nhân viên đã nghỉ hưu ngoài 70 tuổi và buộc ông này phải chuyển chỗ ở. Ngài Chủ tịch đã bác bỏ kế hoạch này, ông nói: “Khi chúng tôi mua lô đất để xây dựng công ty, tôi đã hứa rằng ông ấy có thể ở đây tùy thích. Bây giờ bắt ông ấy chuyển đi sẽ làm cho ông ấy thất vọng mà tổn thọ mất”. Và xí nghiệp mới đã được xây đối diện với ngôi nhà của người nhân viên.

Hãy xem xét sự chính trực của Jean Maier, Giám đốc Dịch vụ bảo hiểm của công ty Northwestern Mutual Life. Có thể xem như cô đang trông nom “các vườn nho” (nguồn tài chính) của hàng ngàn khách hàng mua bảo hiểm. Trước khi nhận công việc này, cô nói với sếp: “Tôi không thể nhận công việc này nếu tôi không biết chắc rằng việc mình đang làm là đúng đắn. Tôi không thể từ chối hợp đồng của mấy cụ già… nếu tôi nghĩ rằng như vậy là thiếu tôn trọng. Và sếp nói với tôi: ‘Cô sẽ không bao giờ phải làm như vậy.’ Và tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống đó”. Nếu có người láng giềng như vậy, hẳn Naboth đã được an toàn.

Có vẻ như chính trực và lương thiện thường không thành công tức thời, trong khi bất lương và không chính trực lại có hiệu quả tức thời. Bạn có thường được nghe những câu nói kiểu “Đừng làm điều gì với người khác nếu không muốn họ làm tương tự như vậy với bạn” hay “Gieo nhân nào gặt quả nấy” không? Trong Kinh Thánh (cũng giống như trên thương trường và trong cuộc sống), rốt cuộc thì những người làm điều sai trái cũng phải nhận hậu quả thích đáng và chỉ những con người có đạo đức mới được tặng thưởng cho việc họ làm, mặc dù có thể họ sẽ phải chịu nhiều đau khổ vô ích. Giá như ngay từ lúc bắt đầu con người có thể sống lương thiện hơn.

Ví dụ, như trường hợp của Pharaoh cổ đại, sự bất lương của ông này có thể ngang hàng với bất cứ nhà lãnh đạo nào trong thế giới hiện đại. Người trị vì độc đoán này của Ai Cập không thể tha thứ cho bất cứ mối đe dọa nào đến quyền lực của mình. Để giam giữ những nô lệ Do Thái và xây dựng cho mình những lăng tẩm khổng lồ, ông ta sẵn sàng trút xuống đầu người dân sự hủy diệt và chết chóc. Khi ông ta từ chối thả tự do cho những người Do Thái, Chúa đã giáng xuống người dân Ai Cập mười thảm họa với mức độ hủy diệt ngày một lớn, bắt đầu bằng nạn ếch nhái (một tai họa khá nhẹ nhàng) rồi tới việc giết chết người con đầu lòng (nói về mức độ trừng phạt tăng dần).

Pharaoh hối hận, có lẽ vì con trai ông ta cũng là một trong số những người bị giết. Câu chuyện người Do Thái vội vã gói ghém đồ đạc rời khỏi Ai Cập (kết quả là cho ra đời loại bánh mì nướng nhanh nhất thế giới, bánh matzoh − bánh thánh không men chuyên dùng trong lễ Do Thái) được tất cả những người Do Thái cũng như người Cơ Đốc giáo biết đến. Cũng may là họ có thể “nướng bánh mì và chạy khỏi Ai Cập” nhanh chóng như vậy, vì sự “lương thiện” của Pharaoh chỉ kéo dài được có vài ngày. Ông ta không chịu giữ lời hứa và đuổi theo người Do Thái vào tận sa mạc.

Tất cả chúng ta đều biết chuyện xảy ra với những người lính của Pharaoh khi họ cố gắng truy đuổi người Do Thái xuyên qua biển Đỏ, vốn được tách đôi ra để giúp những người chạy trốn đi qua. Biển có thể tách đôi giúp những người trung thực và lương thiện, nhưng cũng chính biển lại đổ ập trở lại nhấn chìm những người không chịu giữ lời hứa.

Qua thái độ đối với tài sản “chung”, chúng ta có thể đánh giá sự lương thiện của nhà lãnh đạo. Một số lãnh đạo sẽ vơ hết về mình, một số người sẽ không tơ hào một xu nào trong ngân quỹ mà họ được giao phó. Thời nay chúng ta được biết nhiều nhà lãnh đạo như Ferdinand Marcos và vợ, Imelda (người có đến hàng ngàn đôi giày) đã chiếm đoạt rất nhiều tài sản quốc gia trước khi trốn ra nước ngoài. Thử so sánh giữa việc biển thủ và trốn chạy của họ với hành động của Samuel, người được tôn là Linh mục tối cao của Do Thái trong vài thập kỷ. Ông không chỉ từ chối nhận những thứ không phải của ông mà còn yêu cầu giáo dân chỉ ra những thứ ông tích góp được nhờ địa vị của mình, rồi nhanh chóng trả lại một cách vui vẻ!

Tôi đứng đây. Hãy làm chứng cho tôi trước Chúa… Tôi đã lấy bò của ai? Tôi đã lấy lừa của ai? Tôi đã lừa dối ai? Tôi đã bóc lột ai? Tôi đã nhận hối lộ của ai để nhắm mắt làm ngơ? Nếu tôi đã làm bất cứ điều sai trái nào kể trên, tôi xin sửa chữa lỗi lầm.

“Ngài chưa bao giờ lừa dối hay bóc lột chúng tôi”, họ trả lời. “Ngài chưa bao giờ cướp bất cứ thứ gì khỏi tay chúng tôi”. (1 Sam. 12:1-4)

Bây giờ có được bao nhiêu nhà lãnh đạo cả trong kinh doanh lẫn trong chính trị dám tự nguyện công khai chất vấn mình như vậy? Michael Milken và Ivan Boesky chắc chắn sẽ không qua được kỳ sát hạch này. Và rất nhiều lãnh đạo ở các nước thuộc thế giới thứ ba như Vua nước Borneo, biển thủ 1 tỷ đô la dầu lửa của quốc gia. Nhưng thế giới thứ ba không phải là nơi duy nhất có những chính trị gia không kiểm soát được mình: Chỉ cần hỏi chuyện người tài xế lái chiếc xe tải đã dừng lại trước cửa ngôi biệt thự mới của cựu Tổng thống Clinton ở hạt Westchester, sau đó lặng lẽ lăn bánh và trở về trả lại cho Nhà Trắng một bộ sưu tập khổng lồ những đồ đạc đắt giá mà ông ta được biếu tặng − không phải cho cá nhân ông ta mà là cho “Văn phòng Tổng thống”.

Samuel không hề thụ động đối phó với một cuộc thanh tra tài sản. Tự ông đề xướng việc đó! Ông đề nghị người khác xác minh tài sản và sự lương thiện của mình, kiểm tra đến tận con bò và con lừa cuối cùng, cam đoan sẽ trả lại những thứ bị chiếm đoạt phi lý, cho dù chỉ là những thứ lặt vặt tầm thường. Và ông cũng cam đoan sẽ sửa sai nếu có bất cứ bằng chứng nào về thu nhập không chính đáng và bất minh.

Có thể bắt gặp sự lương thiện kiểu này xuyên suốt Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước.

Hãy xem bài diễn văn từ biệt của Paul, tông đồ của Chúa Jesus, nói với các môn đồ:

Ta không bao giờ thèm muốn vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai. Tự các ngươi biết rằng đôi bàn tay ta đã nuôi sống bản thân và cả bạn bè mình… Tất cả bọn họ đều khóc khi ôm hôn ngài. Điều khiến họ đau lòng nhất là ngài nói với họ rằng họ sẽ không bao giờ được gặp lại ngài. (Acts 20:32-37)

Không còn nghi ngờ gì nữa, đức tin và sự thể hiện tính chính trực và lương thiện ấy đã khiến những môn đồ của Paul tận tâm trung thành với ông, hay ý nghĩ sẽ mất ông khiến họ đau lòng đến vậy? Nếu ngày nay bạn rời bỏ công ty bạn làm việc, liệu những người đi theo bạn có thể hiện sự tiếc nuối trước sự ra đi của bạn, và nếu có, liệu sự tiếc nuối ấy có phải vì mất đi một nhà lãnh đạo chính trực hay không?

Nhưng có thực là sự lương thiện có thể tồn tại trong cấp lãnh đạo cao nhất của những doanh nghiệp thời nay? Phải chăng điều đó cản trở những thành công? Theo Charles Wang, Chủ tịch Công ty Computer Associates, chẳng có gì phải bàn cãi về việc này. Wang lãnh đạo một công ty trị giá 4,7 tỷ đô la, nhưng ông cho rằng chung quy thì hiệu quả được đo bằng lời nói thật chứ không phải bằng những đồng đô la.

“Để trở thành người thành đạt, bạn phải là người lương thiện. Lời nói của bạn phải được thể hiện bằng mọi việc bạn làm. Bạn phải có lương tâm, đạo đức. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp bạn là nhà lãnh đạo vì bạn được nhiều người biết đến. Người ta sẽ có những suy nghĩ về bạn, và nếu bạn không trung thực, người ta sẽ cho rằng bạn là kẻ đạo đức giả… Chúng ta mua một công ty bằng một hợp đồng tệ hại, nhưng bạn lại là người được thừa hưởng mọi hợp đồng. Bạn có thể lập luận rằng người kia không có thẩm quyền ký vào đó, nhưng bạn lại thực hiện đúng hợp đồng đó”.

Nhưng khả năng lãnh đạo không phải lúc nào cũng chỉ cần thiết đối với những người có địa vị, chức sắc. John Boten, Giám đốc hệ thống thương mại của Công ty John Deere nhận thấy mọi giao dịch, dù lớn dù nhỏ, đều phải được quản lý một bởi những người chính trực. Khi người bán lẻ bán giá rẻ cho công ty, Boten đã hành động giống như Vua David chứ không phải như Vua Ahab. “Chẳng có gì phải thắc mắc, chúng tôi trả cho anh ta số tiền anh ta xứng đáng được hưởng. Ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp tôi đã học được rằng: phải trung thực trong mọi hành động của mình”. Giao dịch này không làm lợi cũng chẳng gây thiệt hại gì cho công ty. Boten đã quyết định làm theo mách bảo của lương tâm và những lời trong đoạn trích Luke 16:10: “Người nào không trung thực trong những việc nhỏ nhặt cũng sẽ không trung thực trong những việc lớn”.

Thử thách tính lương thiện trước cám dỗ và nghịch cảnh

Câu chuyện về Zacchaeus cho thấy những người đã mất đi lòng chính trực cũng có thể hoàn lương. Zacchaeus làm nghề thu thuế cho Giáo hội La Mã, đây là một trong những nghề bị ghét bỏ nhất thời Do Thái cổ đại. Nhưng ông ta vẫn có thể hối cải. Vì thân hình thấp bé, ông ta trèo lên một ngọn cây để có thể nhìn xa hơn và ông ta đã nghe được lời của nhà tiên tri thần bí Jesus. Đáp lại, Jesus đã tự mình đến nhà của con người bị mọi người ghét bỏ này:

“Hãy trèo xuống ngay hỡi Zacchaeus, vì hôm nay ta sẽ đến nhà ngươi…”. Tất cả mọi người đều chứng kiến việc này và bắt đầu xì xào, “Ngài đã đến thăm một kẻ có tội”. Nhưng Zacchaeus đã đứng lên thưa rằng… “Xin Chúa chứng giám! Con xin gửi tặng một nửa tài sản của mình cho những người nghèo, và nếu con đã lừa đảo ai lấy bất cứ thứ gì, con xin trả lại người đó gấp bốn lần”. (Luke 19:1-8)

Đó quả là một sự thay đổi khá lớn đối với một người đi thu thuế. Ngay cả Samuel, linh mục tối cao của Do Thái, cũng chỉ hứa sẽ trả lại những gì mình đã lấy, chứ không phải gấp bốn lần như Zacchaeus!

Đôi khi tính lương thiện của những kẻ từng phạm tội còn cao hơn cả những con người luôn tỏ ra cao thượng. Đầu những năm 1990, các cuốn băng cho thấy một nhóm chuyên viên cao cấp của Texaco đã có thái độ phân biệt chủng tộc và liên kết với nhau để khước từ việc tuyển dụng và thăng tiến cho những nhân viên người Mỹ gốc Phi. Lúc đầu Texaco phủ nhận việc này, nhưng cuối cùng ông Tổng giám đốc Peter Bijur đã quyết định giải quyết có trách nhiệm hơn. Ông ta sa thải một trong số những chuyên viên phạm lỗi, cắt bổng lộc hưu trí của một người nữa, tiến hành tuyển thêm nhân viên người Mỹ da đen vào mọi cấp bậc chức vụ của công ty và bỏ ra 140 triệu đô la để dàn xếp vụ kiện. Đó là một thay đổi khá lớn đối với một tập đoàn dầu lửa.

Rick Roscitt có thể bị cám dỗ và trình bày sai lệch thông tin về tiềm lực của Công ty AT&T Solutions, nơi anh đang làm việc, vì dự án thương mại anh mới đưa ra có thể đem lại rủi ro tài chính lớn cho công ty cũng như rủi ro cho sự nghiệp tương lai của chính anh. Mặc dù rất cần đạt được dự án mới này, anh vẫn từ chối yêu cầu khách hàng nếu anh tự thấy mình không thể đáp ứng, anh cũng thừa nhận sai lầm, chứ không hề ấp úng như những người khác. Dick Anderson, Trưởng phòng kỹ thuật, cho biết “Tôi thích nhất ở Rick là tính trung thực trong công việc của anh ấy”. “Anh ta không hề ngần ngại bảo với khách hàng, ‘Ngài hiểu cho, chúng tôi đã không làm đúng như ngài mong muốn’ hoặc ‘Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi đáp ứng được yêu cầu của ngài’… Không phải anh ấy lúc nào cũng cố tỏ ra thật thành thực, mà anh ấy muốn để mọi việc diễn ra theo đúng chiều hướng”. Một khách hàng cho biết thêm: “Anh ấy cam kết với chúng tôi bằng sự trao đổi đầy thiện ý… anh ấy là một con người trung thực, biết giữ lời hứa và can đảm. Tôi sẽ chỉ làm việc với những đối tác như vậy”.

Warren Buffett, người vươn lên dẫn đầu trong giới đầu tư đầy biến động, có ý kiến rằng, sự thiếu trung thực có thể dẫn đến nghịch cảnh. Bạn có thể nghĩ rằng những tiêu chuẩn tuyển dụng của ông rất cao và khó đáp ứng… Nhưng hãy xem những tiêu chuẩn thật sự ông đưa ra: “trung thực, thông minh, nghị lực. Tuyển những người đáp ứng được hai điều kiện sau mà thiếu mất điều kiện đầu tiên quả là một sai lầm chết người”.

Kinh Thánh nói rất cụ thể về việc làm ăn lương thiện: “Không được có hai chiếc cân khác nhau − một nặng, một nhẹ − trong túi. Không được có hai thước đo khác nhau − một to, một nhỏ − trong nhà. Ngươi phải có cân và thước thật chính xác, để có thể sống lâu trên đất này”. (Deut. 25:13-15)

Muốn “sống lâu trên đất” của Merrill Lynch, bạn phải là người chính trực. Chủ tịch Emeritus John Tully gọi cho những nhà môi giới mỗi khi họ vớ được món hời hai hay ba triệu đô la. “Họ tưởng tôi gọi để chúc mừng”, ông trầm ngâm nói. “Nhưng thực ra tôi gọi để hỏi họ vài câu. ‘Làm thế nào anh kiếm được số tiền đó? Nếu những gì anh làm được tường thuật trên trang nhất của tờ Thời báo New York thì anh có thấy tự hào không?’ Tôi chỉ muốn nhắc cho họ nhớ đến văn hóa của công ty này và tôi muốn biết chắc rằng họ có thể làm theo được”.

Sự trung thực cũng là yêu cầu đầu tiên Tully xét đến khi đánh giá hiệu quả công việc kinh doanh của 200 nhân viên cao cấp trong công ty. “Câu đầu tiên chúng tôi hỏi luôn là ‘Dan có bao giờ bị điều tiếng gì về việc xuyên tạc hay bóp méo sự thật chưa?’, chứ không bao giờ hỏi ‘Kết quả công việc của Dan ra sao?’”.

Tully cũng yêu cầu công ty thể hiện sự chính trực khi thị trường chứng khoán suy sụp năm 1987. Một số công ty đã quyết định giảm thiểu thiệt hại bằng cách “trốn tránh” khách hàng trong suốt thời kỳ này. “Tôi đã nói rằng hôm nay sẽ là một ngày chúng ta được khách hàng ghi nhớ do cách xử sự của chúng ta. Tôi muốn tất cả các bạn hãy ra ngoài… trả lời điện thoại, tôn trọng khách hàng, đưa ra những chỉ dẫn cụ thể… Hãy làm những điều có lợi cho mọi người… và các bạn sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Cái cách những công ty khác đang thực hiện sẽ không hiệu quả đâu”.

Một người nữa cũng tán thành quan điểm của Tully, nhưng lại sống cách ông những 4.000 năm trước, đó là Job. Có thể bạn cho rằng đối với những nhà lãnh đạo trong Kinh Thánh, mọi việc diễn ra dễ dàng hơn nhiều vì họ sống trong một thế giới không phức tạp như ngày nay, khi việc buôn bán trao đổi chỉ tính bằng vài con lạc đà, chứ không phải bằng hàng triệu đô la. Thời đó, ranh giới giữa cái đúng và cái sai rõ ràng hơn nhiều và những quyết định mang tính đạo đức được đưa ra dễ dàng hơn nhiều.

Hãy nói điều đó với những nhân vật chính trong cuốn về Job. Đó là một trong những cuốn dài nhất trong Kinh Thánh, một cuộc tranh luận mở rộng về sự chính trực, khiêm tốn, kỷ luật và ứng dụng của những đức tính này vào “đời sống thực” ra sao.

“Sự kiên trì của Job” là một huyền thoại. Nhưng người ta thường quên đi tính trung thực của ông. Job là người phải chịu mọi tai họa mà Chúa Trời cũng như con người từng biết đến. Đầu tiên, ông bị bọn cướp Sabeans cướp đến con bò và con lừa cuối cùng, sau đó chúng giết sạch người hầu trong nhà ông. Mọi việc ngày càng tồi tệ hơn, tất cả con cái ông đều chết trong một cơn bão do ngôi nhà sập xuống khi họ đang mở tiệc. Cuối cùng, ông bị quỷ Satan hành hạ với những vết thương khiến ông đau buốt “từ gan bàn chân lên tận đỉnh đầu. Sau đó, ngồi giữa đống tro tàn đổ nát, Job nhặt một mảnh sành vỡ và tự cào xước bản thân mình”. (Job 1, 2)

Hãy bàn đến sự đỉnh điểm của sức chịu đựng! Đây là một người phải chịu nhiều thử thách ngang bằng hay thậm chí còn nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào thời nay. Ông từng có 7.000 con cừu, 3.000 con lạc đà, 500 cặp bò, 500 con lừa và rất nhiều đầy tớ. Ông đã mất cả bảy đứa con trai và con gái. Nếu có người nào đáng được tha thứ cho việc nhất thời (hay vĩnh viễn) rời bỏ niềm tin của mình thì người đó chính là Job. Ngay cả vợ ông còn cho rằng ông là lão ngốc khờ khạo vì cứ mãi tuân thủ những nguyên tắc đó: “Ông vẫn còn khư khư giữ mãi cái tính thực thà đó sao? Hãy nguyền rủa Chúa và chết đi!” (Job 2:9-10)

Nhưng Job kiên quyết không chịu từ bỏ đức tin: “Bà nói năng như một mụ già ngu ngốc. Chẳng lẽ chúng ta chỉ nhận những điều tốt lành do Chúa ban tặng thôi sao mà không chịu chấp nhận những thử thách của Người?… miễn là tôi còn một hơi thở… tôi sẽ không bao giờ mở miệng nói những điều xấu xa… tôi sẽ không bao giờ phủ nhận đức tin của mình”. (Job 2:10, 27:2-5)

Lãnh đạo thời nay có thể phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng ít ai phải chịu nhiều gian nan như Job. Xét theo nghĩa nào đó, đối với Job, sự chính trực là điều duy nhất còn sót lại, và ông vẫn kiên quyết giữ vững đức hạnh của mình. Các nhà lãnh đạo của mọi thời đại cần nhận ra rằng cho dù két sắt của họ có đầy ắp hay trống rỗng, cho dù lượng con chiên có đông đảo hay ít ỏi, người ta vẫn dùng sự chính trực làm thước đo để đánh giá năng lực của người lãnh đạo.

Xét trường hợp của Randall Tobias, Giám đốc điều hành của Công ty Eli Lilly. Giữa những năm 1990, khi công ty trải qua một số thời kỳ khó khăn, ông đã không tìm kiếm một phương thức thuần túy theo nguyên tắc toán học để giảm thiểu chi phí. Ông cân nhắc tất cả mọi ảnh hưởng của việc này đối với công ty cũng như đối với từng nhân viên, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho công ty. Ông chọn giải pháp cho họ nghỉ hưu sớm và được hưởng trọn một năm tiền lương, chứ không sa thải họ.

Bill Adams, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Quốc tế Armstrong, thì lại có cách thức gây dựng lòng tin rất riêng biệt, mang tính tiên phong tại công ty. Ông cho tất cả các nhân viên số điện thoại cá nhân của mình và bảo với họ, “Hãy gọi thẳng cho tôi nếu anh bị yêu cầu làm bất cứ việc gì anh cho là sai trái”. Phương châm của ông không phải là “Khiến khách hàng đề phòng” mà là “Khiến khách hàng tin tưởng”.

Nhưng có một số người không bao giờ chịu học hỏi. Một trong những kẻ bất lương nhất trong Kinh Thánh là Judas Iscariot, môn đồ của chúa Jesus, kẻ đã phản bội ngài, một kẻ hết sức tham lam và, có lẽ, cũng rất hay ghen tị. Judas nhận thấy hắn không có sức mạnh hồi sinh, không có khả năng truyền đạt, càng không có khả năng thu hút người khác một cách hoàn toàn như “ông chủ” của hắn. Hắn biết rằng hắn sẽ không bao giờ trở thành một người như “ông chủ”, thậm chí trở thành cánh tay phải của “ông chủ” cũng không. Nhưng hắn có thể gây ảnh hưởng bằng cách phản bội con người được nhiều người tin là con trai của Chúa Trời này.

Từ trước khi Judas phản bội Jesus, người ta đã để ý thấy sự bất lương của hắn. Những kẻ bất lương thường thể hiện qua nhiều trường hợp. Tại một bữa tối để bày tỏ lòng tôn kính, một người phụ nữ đã mang đến một lọ nước hoa đắt giá bôi vào chân của Jesus. Hãy đoán xem môn đồ nào đã lấy “liêm khiết” làm cái cớ để phản đối? Đó là kẻ bất lương nhất: Judas Iscariot, hắn nói: “‘Tại sao không bán lọ nước hoa đi và dành số tiền đó cho người nghèo? Lọ nước hoa này bằng tiền công một năm làm việc đấy chứ.’ Hắn nói vậy không phải vì hắn quan tâm đến người nghèo mà chỉ vì hắn là một tên kẻ cướp, là kẻ được giao giữ túi tiền, hắn đã tự tiện lấy tiền trong đó bỏ túi riêng của mình”. (John 12:4-6)

Qua ví dụ về Judas, chúng ta có thể thấy được rằng chỉ cần có một kẻ bất lương hoặc bất mãn cũng có thể phá hoại một nỗ lực hợp tác, nhất là khi kẻ đó lại là nhà lãnh đạo hoặc thân tín với lãnh đạo.

Thời nay có một nhà lãnh đạo cũng vờ tỏ ra cảm thông với người nghèo trong khi ông ta đang làm giàu cho bản thân mình trên chính công sức của họ, đó là William Aramony, cựu Giám đốc điều hành của The United Way, một tổ chức chuyên giúp đỡ các quả phụ, trẻ mồ côi và người tàn tật. Thời đó, Aramony kiếm được tới 400 nghìn đô la mỗi năm. Người ta phát hiện ra ông ta đã biển thủ một số tiền khổng lồ từ ngân quỹ của tổ chức để bỏ túi riêng cho mình.

Hành động chính trực

Lời nói không hẳn lúc nào cũng “chẳng mất tiền mua” nhưng hành động mới là đáng giá hơn cả. Matthew đã nhấn mạnh rằng con người chính trực không nhất thiết phải nói năng dài dòng và hứa hẹn đủ điều.

Đừng bao giờ thề có Trời chứng giám, vì đó là nơi Chúa ngự trị; hay có Đất chứng giám, vì đó nơi Chúa đặt chân; cũng đừng thề có Jerusalem, vì đó là thành phố của vị Vua vĩ đại. Và cũng đừng có lấy đầu mình ra thề thốt, vì bạn không thể làm cho sợi tóc trắng hay đen. Đơn giản, hãy nói “Có” là “Có”, và “Không” là “Không”. (Matt. 5:33-37)

Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo đã ứng xử theo kiểu như Bill Clinton yêu cầu ban thẩm vấn “phân biệt rõ” ý nghĩa của từ “trở thành”, Bill Gates đặt câu hỏi về ý nghĩa của từ có liên quan. Đối mặt với những rắc rối như vậy, đôi khi chúng ta thấy khó có thể tin được những lời “không” và “có” của họ.

Nhưng hãy thử quay ngược thời gian trở về thời điểm cách đây mấy ngàn năm, ta sẽ thấy Nehemiah, một con người chính trực có thể kêu gọi được người dân Judah dựng lại ngôi đền trong vòng chưa đầy hai tháng. Được Vua Artaxerxes phong làm quan cai trị ở đó, Nehemiah có thể làm giàu cho bản thân mình và sử dụng bất cứ thủ đoạn nào ông muốn để hoàn thành ngôi đền. Nhưng:

Tôi và những người anh em đều không động đến khẩu phần ăn dành riêng cho nhà cầm quyền. Nhưng những nhà cầm quyền trước đây đã đè nặng áp bức lên vai người dân và lấy đi 40 đồng bạc kèm theo rượu và thức ăn. Tôi sẽ không làm vậy. Ngược lại, tôi đã dành cả đời vào việc xây dựng bức tường này… chúng tôi không cần lấy thêm đất… Không những thế, 150 người Do Thái và quan chức được ăn cùng bàn với tôi… Khẩu phần mỗi ngày của tôi gồm một con bò, sáu con cừu được chọn lựa cẩn thận và một số loại ngũ cốc… nhưng thay vì vậy, tôi không bao giờ đòi hỏi những thức ăn dành cho nhà cầm quyền, vì như vậy làm tăng thêm gánh nặng cho dân chúng. (Neh. 5:14-18)

Điều đáng chú ý là Nehemiah đã từ chối lấy thêm những thứ ngoài quyền hạn của mình. Ông thậm chí không đòi hỏi hết những thứ ông có quyền được hưởng mà còn chia sẻ những thứ mình có cho thuộc hạ. Mục đích của việc đó là để cổ vũ tinh thần cho dân chúng và để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. So sánh phương châm sống của ông với Russ Baumgardner, Chủ tịch Tập đoàn Apogee, công ty sản xuất thủy tinh được đánh giá là một trong số 100 doanh nghiệp lý tưởng nhất để làm việc ở Mỹ: “Chúng tôi trả hết tiền thuế đúng hạn. Chúng tôi không trả hơn số mình thiếu, nhưng chúng tôi không bao giờ gian lận thuế của chính phủ… Và chừng nào còn hoạt động, chúng tôi không bao giờ lừa dối nhà cung cấp, nhân viên, hay khách hàng của mình”.

Những nhà tiên tri là những người gìn giữ sự “lương thiện” của đất nước Do Thái. Không biết bao nhiêu lần người ta mất đi những người chỉ huy lương thiện và chính trực. Không biết bao nhiêu lần, các nhà tiên tri đã hồi sinh để nhắc nhở, soi lối dẫn đường mỗi khi cả dân tộc lầm đường lạc lối về đạo đức và phẩm hạnh.

Ezekiel đã tiên đoán ngược lại với những nhà tiên tri giả dối, với “những lời giả dối, những viễn cảnh giả dối… và những phương pháp bói toán cực kỳ giả dối”. (Ezek. 13:8-9) Thời nay chúng ta nói về những người “che đậy” hoặc “đánh bóng” sự thật bằng cách sơn một lớp sơn bóng đẹp đẽ một cách giả tạo trên bề mặt của một cấu trúc kém chất lượng. Mấy ngàn năm trước, Ezekiel đã chỉ ra sai lầm phổ biến này chỉ bằng một phép loại suy cực kỳ đơn giản:

Khi xây một bức tường mỏng, người ta quét một lớp vôi trắng, vậy hãy nói với những người quét vôi rằng bức tường này sắp đổ… Nếu tường đổ, ngươi sẽ bị chôn vùi trong đống đổ nát đó… Vì vậy ta sẽ hướng sự tức giận của mình vào bức tường và vào những người quét vôi trắng cho nó. Ta sẽ nói với ngươi, “Bức tường không còn nữa, và cả những người quét vôi cho nó cũng vậy”. (Ezek. 13:10-16)

Ezekiel tuyên bố rằng nếu không thực sự chính trực và lương thiện thì không thể có hòa bình hay tình hữu nghị thực sự, ngay cả trong kinh doanh và chính trị. “Lớp vôi trắng” có thể có hiệu quả trước mắt, nhưng về lâu dài thì nó chẳng có tác dụng gì.

Năm 1985, các Ủy viên công tố Liên bang đã buộc tội Hệ thống Re-Entry của GE gian lận, cáo buộc rằng họ đã sửa đổi sổ chấm công của công nhân để thu 800 nghìn đô la bất chính. Lúc đầu GE phủ nhận, nhưng Jack Welch nói: “chúng tôi đã tìm ra được bằng chứng cho thấy có ai đó đã gian lận… Trước khi tìm được bằng chứng đó chúng tôi cứ bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn”. Lẽ ra ông phải nói thêm rằng họ chỉ quét thêm những “lớp sơn trắng” lên một công trình đã bị hư hỏng. Cuối cùng khi Welch và GE nhận thấy đây là một trong những vấn đề thuộc phạm trù “tính bản thiện”, họ đã thừa nhận những vi phạm của mình và đưa ra phương hướng giải quyết.

Thời kỳ của nhà tiên tri Jeremiah là thời kỳ suy tàn, có lẽ còn suy tàn hơn cả nước Mỹ cuối thế kỷ XX! Ông liên tục nói về sự bất lương đã ngấm vào toàn thể xã hội, điều này cũng không giúp ông trở thành vị khách danh dự đáng kính trong các buổi thiết triều hay các bữa tiệc của nhà vua. Nhưng một nhà lãnh đạo chỉ ra sự bất lương của các nhà lãnh đạo khác không nhất thiết sẽ được nhiều người biết đến trong xã hội hay trong giới kinh doanh:

Hãy đi lại trên đường phố Jerusalem, hãy quan sát và ngắm nghía, tìm hiểu mọi ngõ ngách của thành phố này. Nếu các ngươi có thể tìm thấy chỉ một người làm ăn lương thiện, ta sẽ tha thứ cho thành phố này. Mặc dù họ nói: “Chắc chắn, thề có Chúa”, nhưng đó là lời thề nguyền giả dối. (Jer. 5:1-2)

Cũng giống như nhà hiền triết Hy Lạp Diogenes, Jeremiah không thể tìm nổi một người lương thiện trong cả thành phố. Nhưng ông cho rằng đó là vì ông chỉ tìm kiếm trong những người bình thường, chứ không tìm trong số những người đức cao vọng trọng. Nhưng đối với một người “vừa muốn phá vỡ gông cùm, vừa muốn phá bỏ xiềng xích thì sư tử rừng già sẽ tấn công họ, cáo sa mạc sẽ cướp bóc của họ… vì sự nổi loạn của họ quá lớn và họ đã tái phạm nhiều lần”. (Jer. 5:5-6)

Trước đó, sự xuất hiện của sư tử hay chó sói tấn công chỉ là những giả thiết theo nghĩa đen và mang tính ẩn dụ nhiều hơn. Ngày nay, sự thiếu trung thực và bất lương của các nhà lãnh đạo trong kinh doanh và trong chính trị của chúng ta gây ra ít hậu quả vật chất trực tiếp hơn, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường kinh doanh và chính trị của đất nước. Lũ “sói” và “sư tử” tấn công các nhà lãnh đạo hoặc các công ty làm ăn gian dối chính là sự mất phương hướng, mục đích, sự bất mãn, sự chán nản từ phòng bảo vệ cho đến phòng giám đốc và sự mất niềm tin hoàn toàn từ khách hàng sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của công ty.

Hãy so sánh tác động lâu dài của việc hãng Johnson & Johnson đã tự nguyện đi tiên phong trong việc tiêu hủy lô hàng nhãn hiệu Tylenol có trị giá hàng triệu đô la tại các giá bán hàng khi phát hiện ra vài công-te-nơ nhiễm độc xyanua với việc hãng Ford bực bội công nhận (sau rất nhiều bài báo, nhiều phiên tòa và nhiều bài phát biểu của Ralph Nader) rằng nơi đặt thùng chứa dầu Mustang phải chịu trách nhiệm về nhiều vụ cháy lớn gây chết người. Công ty nào hành động chính trực hơn? Công ty nào sẽ có được kết quả kinh doanh và quan hệ công chúng tốt hơn, xét trong ngắn hạn và dài hạn?

Nhà tiên tri Isaiah sống trong một kỷ nguyên mà sự chính trực và lương thiện không phải là những nguyên tắc nền tảng của dân tộc Do Thái. Ông nhìn thấy cảnh Chúa với các thiên thần vây quanh, nhìn xuống ông và nhận thấy ông và dân tộc của ông đã chìm đắm trong sự suy đồi:

“‘Khổ thân tôi!’ tôi than khóc. ‘Tôi là kẻ hư hỏng! Tôi là kẻ miệng lưỡi dơ bẩn và tôi sống giữa những kẻ miệng lưỡi dơ bẩn.’” (Isa. 6:5)

Có lẽ Isaiah là người “miệng lưỡi trong sạch nhất” trong thị trấn, nhưng ngay cả ông cũng nhận thấy mình là kẻ bất lương. Trong một tổ chức không trong sạch, tất cả mọi người cũng sẽ trở nên không trong sạch. Nếu một công ty có tai tiếng vì “làm ăn phi pháp” thì người nhân viên trung thực nhất trong công ty cũng cùng một giuộc. Có thể Isaiah không có nơi nào để đi, cũng có thể ông muốn có cống hiến cao cả cho dân tộc, nhưng ông đã quyết định ở lại và sửa đổi những sai lầm, mặc dù ông phải giảng giải đạo lý và truyền đạt các thông điệp một cách mạnh mẽ hết sức trong khi chẳng ai buồn nghe hay đáp lại lời ông.

Mỗi tổ chức có ít nhất một người như Isaiah, một người nhắc nhở cả tổ chức nhớ đến nhiệm vụ và nguyên tắc cơ bản của họ mỗi khi họ quên. Người lãnh đạo sáng suốt và can đảm thừa nhận sự tồn tại của “các Isaiah” như một chiếc van an toàn và một tín hiệu cảnh báo. Những nhà lãnh đạo thông thái nhất bảo vệ cho các Isaiah được an toàn, hay thậm chí chính họ cũng trở thành người như Isaiah. Một số các tổ chức còn có chức vụ “tổng thanh tra”, người đóng vai trò thử thách sự thông thái và lương thiện của tổ chức, với sự ủng hộ của những người cầm quyền, nhưng có thể không phải lúc nào cũng là vì lợi ích lâu dài của tổ chức.

Trên 90% trong số các nhà lãnh đạo có tên The Fortune 500 đều đã từng phát biểu về vấn đề đạo đức. Nhưng với nhiều người, những phát biểu trên chẳng qua chỉ là những chữ viết trên tường. Bao nhiêu người đã hành động như Northrup Grumman, lập ra một Ban đạo đức với một nhân viên chính thức có trách nhiệm đào tạo và cố vấn cho các nhân viên khác về những vấn đề phức tạp có thể làm nản lòng người mà ngành công nghiệp máy bay thường phải đối mặt?

Hay thử xem một Giám đốc điều hành đã tự mình đóng vai trò “Isaiah” như thế nào. Một lần, Bill Hewlett của Tập đoàn Hewlett-Packard nhìn thấy một cửa kho bị khóa. Ông không thích nghe nói về sự thiếu trung thực của nhân viên trong công ty mình, do vậy ông dùng một cái cưa máy phá khóa và lưu lại một tờ ghi chú: “Đừng bao giờ khóa cánh cửa này lại”. Có lẽ hành động này đã nói lên nhiều điều về sự trung thực trong công ty hơn hàng trăm bài phát biểu tại các cuộc họp công ty.

Ngài Adrian Cadbury, Giám đốc điều hành của một công ty có tên tuổi gắn liền với sự ngọt ngào chứ không phải sự cứng rắn, lại rất kiên định với niềm tin vào hành động, vốn là thước đo sự trung thực, chứ không hề tin vào các lời nói. “Các tiêu chuẩn đạo đức của một công ty được đánh giá bằng hành động của công ty đó, chứ không phải bằng những tuyên ngôn đạo đức giả qua tên gọi của công ty”. Có thể coi đây là lời chỉ trích nhắm thẳng vào các công ty hiện đang thuê các chuyên gia tư vấn bên ngoài để “thiết kế” một “tuyên ngôn đạo đức” cho mình, vốn rất ít hoặc chẳng liên quan gì đến đường lối kinh doanh thực sự mà họ đang thực sự theo đuổi. Đạo đức thực sự của một công ty được thể hiện qua “vị thế mà chúng ta có được với tư cách của cá nhân các quản lý và cách cư xử của chúng ta khi đối mặt với những quyết định đòi hỏi phải kết hợp được những đánh giá cả về mặt đạo đức và mặt thương mại. Các nguyên tắc điều hành của cá nhân chúng ta là gì? Những nguyên tắc này sẽ còn ảnh hưởng đến những ai nữa?”

Việc các nhà lãnh đạo hành động theo niềm tin và theo “thiện ý” quan trọng đến thế nào? Đừng đặt riêng câu hỏi này cho người đứng đầu một công ty. Hãy đặt câu hỏi này cho James, một trong mười hai môn đồ của Jesus: “Người chỉ nghe mà không chịu làm theo lời nói thì cũng giống như một người đang soi gương, và sau khi ngắm nhìn mình, anh ta bỏ đi và ngay lập tức, chẳng còn nhớ trông mình ra sao”. (James 1:22-24)

Hệ thống, biện pháp an toàn, chuẩn mực

Các cá nhân có xu hướng trung thực và lương thiện hơn nếu được văn hóa của tập thể khuyến khích. Các cá nhân giữ được những tính cách này phải rất mạnh mẽ, nhất là khi họ có vị thế, quyền lực, không gì ngăn cản, không ai đối chiếu, không phải tuân theo luật lệ.

Luật lệ được nhắc đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh, chính là các luật lệ thực tế. Đặc biệt còn có những lời cảnh cáo về sự lạm dụng chức quyền của những người lãnh đạo cấp cao, cũng như những mệnh lệnh yêu cầu các nhà lãnh đạo và những người đi theo họ ở mọi cấp đều phải cư xử theo nguyên tắc đạo đức.

Đoạn trích sau đây là của Moses, viết trước thời Saul được xức dầu thánh, tôn xưng làm vị vua đầu tiên của Do Thái hàng thế kỷ. Moses đã sắc sảo nhận thấy khả năng lạm dụng quyền lực của tất cả các nhà lãnh đạo, cho dù họ ngay thẳng đến đâu chăng nữa. Vì vậy, ông đã đưa ra một số biện pháp an toàn mà chúng ta thường rất hay bỏ qua khi lựa chọn cho mình các nhà lãnh đạo cả trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị thời nay (hay là các biện pháp mà chính họ cũng bỏ qua nếu họ ở vị trí của chúng ta):

Nhà vua không được phép sở hữu nhiều ngựa cho riêng mình, nếu không sẽ khiến cho những người quay trở lại Ai Cập có nhiều ngựa hơn… Nhà vua không được lấy quá nhiều vợ, nếu không trái tim Người sẽ lầm đường lạc lối. Nhà vua không được tích lũy quá nhiều vàng bạc. Nếu được tôn làm Vua, Người phải tự viết cho mình một bộ luật… Người phải luôn giữ bên mình bộ luật đó và phải đọc nó hàng ngày trong suốt cuộc đời mình… [Người] không nên cho rằng mình cao quý hơn các anh em khác và đảo ngược mọi luật lệ. (Deut. 17:14-20)

Giá như thời nay các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chú ý hơn đến những chỉ dẫn này! Moses đã nhận thấy điều mà hàng thế kỷ sau ngài Lord Acton đã diễn đạt hết sức súc tích, rằng “quyền lực khiến người ta sai lầm và quyền lực tuyệt đối khiến cho sai lầm đó càng trầm trọng hơn”. Ông nhận thấy mối đe dọa tiềm ẩn bên trong khi việc có quá nhiều quyền lực có thể sẽ là thách thức đối với lòng chính trực và trung thực của nhà lãnh đạo. Lời cảnh báo của Moses ám chỉ sự nguy hiểm của lòng tham (có quá nhiều ngựa hay nhiều vàng bạc có thể làm tối mắt người lãnh đạo khiến ông ta trở nên sai lầm trong những việc khác), nhục dục (có quá nhiều vợ hay dính dáng nhiều đến chuyện tình ái cũng có thể gây tổn hại cho lương tri và tín nhiệm của nhà lãnh đạo) và tính ngạo mạn (không nhà lãnh đạo nào, kể cả trên thương trường hay chính trường, được phép đặt mình cao hơn các luật lệ).

Ngay cả các vị vua và các giám đốc điều hành cũng cần có những chuẩn mực và hướng dẫn bằng văn bản để nhắc nhở họ hành động theo đạo lý. Khi Solomon sắp sửa kế tục David lên làm Vua Do Thái, điều David quan tâm và tha thiết mong mỏi nhất chính là con trai ông sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống chính trực: “Thưa Chúa, con biết rằng Người thử thách lòng người và rất hài lòng với tính lương thiện… Và xin Người hãy cho con trai con, Solomon, được toàn tâm toàn ý, một lòng tuân theo những mệnh lệnh, những yêu cầu và quy định của Người..”. (1 Chron. 29:17-19)

Một công ty có hệ thống đạo đức phát triển − tức là phải thực sự được áp dụng chứ không phải chỉ là nói ra rồi để đấy − sẽ không mất nhiều thời gian để cân nhắc xem quyết định họ đưa ra có phù hợp với đạo lý hay không. Thực ra, một chuẩn mực đạo đức rõ ràng như cương lĩnh của hãng Johnson & Johnson khiến cho mọi quyết định trở nên dễ dàng hơn. Một chuẩn mực đạo đức càng kiên quyết, càng được áp dụng thường xuyên bao nhiêu thì việc xem xét xem những hành động có phù hợp với chuẩn mực không càng rõ ràng bấy nhiêu.

John Pepper, Chủ tịch Tập đoàn Procter & Gamble, tin rằng “doanh nghiệp đạo đức là doanh nghiệp thịnh vượng”. Hơn thế nữa, doanh nghiệp đó còn có xu hướng thu hút và giữ được những nhân viên có đạo đức.

Có rất nhiều người trong công ty này đã đến với chúng tôi và sát cánh bên chúng tôi − nhờ những chuẩn mực đạo đức của chúng tôi. Khi chúng tôi chuyển đến những nơi như Đông Âu và hỏi các nhân viên mới rằng tại sao họ lại tìm đến với chúng tôi, thật tuyệt khi nghe họ trả lời: “Bởi vì những gì các ngài đại diện/ủng hộ”. Tôi nhớ lại lời ngài cựu Chủ tịch của P & G, rằng nếu có lúc nào chúng tôi nghĩ rằng mình đã không thể giữ gìn đạo đức để tồn tại ở một nước nào đó, chúng tôi sẽ rời khỏi đó… Thật tuyệt vì chúng tôi đã không phải làm như vậy. Khi chúng tôi bàn bạc về một sản phẩm và có gì đó không ổn, chúng tôi sẽ không phải thảo luận gì thêm cho đến lúc sản phẩm đó được hoàn thiện.

Herb Kelleher, Giám đốc điều hành của Hãng hàng không Southwest Airlines cũng có cùng quan điểm với Pepper. Ông cũng nhận thấy việc duy trì một chuẩn mực đạo đức.

… khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nếu ai đó có đề xuất gì trái với những giá trị đạo đức của chúng tôi, chúng tôi sẽ không mất nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ nói: “Không, chúng tôi sẽ không làm như vậy!” Bạn có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng điều đó không khác biệt là mấy. Đó không phải là điều chúng tôi mong đợi.

Chúng tôi có thể nhanh chóng chuyển chủ đề và nói, “Được rồi, vậy vấn đề tiếp theo là gì?”

Có lẽ có nhiều nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị cũng mong rằng họ có thể “chuyển sang chủ đề tiếp theo” chứ không phải dấn thân vào một hành động có vấn đề về mặt đạo đức. Nhưng cần phải có một bộ chuẩn mực để có thể biết đâu là lúc “chuyển chủ đề”.

Theo lời khuyên của Jethro dành cho Moses khi lựa chọn “các cộng sự trong số hàng ngàn, hàng trăm và hàng chục người”, các chuẩn mực đạo đức cũng giúp “chọn ra những người có năng lực… những người đáng tin cậy, căm ghét những thu nhập bất chính”. (Exod. 18:21) Nhưng chỉ trong trường hợp một vài “trái táo hỏng” rơi ra khỏi thùng, cần phải đưa ra một hệ thống để kiểm tra và loại bỏ chúng. Sau vụ tai tiếng bị buộc tội đã ghi sai số liệu trong bảng trả lương cho nhân viên, GE đã đặt ra một cương lĩnh đạo đức, trong đó có cuốn sách hướng dẫn Hình thức và nội dung sự phạm tội của chúng ta (The Spirit and the Letter of Our Commitment). Được tái bản bằng tất cả các thứ tiếng, cuốn sách hướng dẫn này giải thích rằng mỗi cơ sở đều có một thanh tra và một đường dây nóng để tìm hiểu tình hình thực tế về những hoạt động phi đạo đức có thể xảy ra. Welch nói, “Chúng tôi cho các nhân viên biết chính xác người họ có thể gọi đến… Sau vụ bê bối, bạn có thể đạt được những thành công. Phải làm gì đó để giải quyết mỗi khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra… Làm thế nào để chuyển sang bước tiếp theo?”

Một hệ thống đạo đức và chuẩn mực thậm chí còn có thể vượt qua những rào cản tôn giáo tưởng như không thể lay chuyển nổi. Gary Heavin là người sáng lập nên Hãng Curves for Women, một chuỗi câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có chi nhánh trên toàn thế giới. Là một người Cơ đốc thủ cựu, các nguyên tắc mà Heavin đặt ra cho công ty mình chủ yếu dựa trên các nguyên tắc trong Kinh Tân Ước. Nhưng trớ trêu thay, ông lại chọn Chasidic Jews (là người Do Thái) để nhượng quyền kinh doanh. Lý do vì sao? “Họ nói với tôi rằng ‘Chúng tôi đánh giá cao hệ thống giá trị và sự chính trực của ngài. Chúng tôi không thể tin tưởng vào những người không tuân theo một hệ thống đạo đức nào.’”

Dennis Bakke và Roger Sant, hai nhà lãnh đạo của AES, một tập đoàn cung cấp điện khổng lồ, cũng nhận thấy nguồn “dự trữ” đặc biệt họ nhận được từ các nhân viên đều dựa trên hệ thống giá trị của họ: “Mục tiêu chính của chúng tôi… là xây dựng một công ty thể hiện được bốn nguyên tắc mà chúng tôi thấy luôn đóng vai trò chủ đạo trong bất kỳ cộng đồng nào, cho dù là cộng đồng kinh doanh, nhà thờ, làng mạc hay là gì đi nữa: đó là công bằng, chính trực, có tinh thần trách nhiệm chung và vui vẻ”. (Ai cho rằng một công ty có đạo đức thì tẻ nhạt nào?)

Dù sao, ai là người quan sát?

Trong một câu chuyện cổ tích, một người nông dân bảo người làm bắt một con gà và mang nó tới nơi “không ai nhìn thấy” để giết. Vài giờ sau, người làm đó quay trở về với con gà còn sống. Người nông dân hỏi: “Sao anh không giết nó?”. “Tôi đi đến đâu con gà cũng nhìn thấy” − người làm trả lời.

Đằng sau câu chuyện cười này là một thông điệp sâu sắc: Luôn có ai đó quan sát, thậm chí đó chính là nạn nhân, là thủ phạm, hay là lương tâm của thủ phạm. Quân lính của Vua David đã dàn trận để chống lại quân của Hoàng tử Absalom, người đã cố chiếm đoạt ngôi vua của cha vài năm trước khi Đức Vua sẵn sàng nhường ngôi. (Giống như mẫu hình của một công ty gia đình). David ra lệnh cho quân lính: “Hãy vì ta mà nương tay với Absalom”. (2 Sam. 5:5) Absalom cưỡi trên mình một con la, đã bị treo ngược trên một cành cây bằng chính tóc của mình khi bị một người lính bộ binh của David bắt được, nhưng không hề làm gì khác tổn hại đến anh ta. Người lính đó đã báo cáo lại sự việc cho Joab, chỉ huy của mình:

Joab nói với người lính “Cái gì? Anh đã gặp hắn? Tại sao anh không giết hắn ngay ở đó? Như thế ta sẽ thưởng cho anh mười đồng bạc và một đai đeo gươm chiến binh”. Nhưng người lính trả lời “Cho dù có mất đi hàng ngàn đồng vàng, tôi cũng sẽ không ra tay sát hại con trai của Đức Vua. Chúng tôi đều nhớ đức vua đã ra lệnh cho ngài, ‘Hãy vì ta mà bảo vệ chàng trai trẻ Absalom.’” (2 Sam. 18:11-12)

Người lính bộ binh này đã thể hiện lòng chính trực thực sự, đã từ chối sự ràng buộc về những phần thưởng vật chất để nhận lấy sự tức giận của người chỉ huy trực tiếp của mình. Anh ta biết rằng mình không hề “đơn độc” trong cánh rừng; cho dù anh ta có làm gì đi nữa, Absalom (và có lẽ cả một thế lực cao hơn nào đó) cũng sẽ nhìn thấy.

Kinh Tân Ước cũng có nhiều ví dụ liên hệ đến sự trung thực và chính trực, như đoạn trích trong phần Matthew: “Hãy sống như thể Chúa đang quan sát chúng ta. Đừng chỉ bày tỏ thiện ý của mình trước mặt người khác”. Tôi từng làm việc cho một tổ chức, một nhóm người trong tổ chức đó đã dựng lên một tấm biển đề: “Đừng làm những việc bạn sẽ không làm nếu Chúa ghé thăm. Đừng nói những lời bạn sẽ không nói nếu Chúa ghé thăm. Đừng nghĩ đến những điều bạn sẽ không nghĩ đến nếu Chúa ghé thăm”. Tấm biển này rất cần thiết vì trong nhóm rất căng thẳng và có nhiều sự bất đồng, ít nhất cũng vì tính chất đặc thù của công việc cũng như vì cá tính riêng của mỗi người. Tôi không thể tưởng tượng nổi họ sẽ làm việc với nhau ra sao nếu không có tấm biển đó!

Paul Galvin, cựu Giám đốc điều hành của Hãng Motorola, luôn làm theo nguyên tắc: “Nói sự thật, vì trước hết đó là việc làm đúng đắn, và thứ hai là vì trước sau gì mọi người cũng tìm ra sự thật”. Cho dù là trước mắt hay về lâu về dài, luôn có cách phát hiện ra sự gian dối. Và thường thì sự gian dối sẽ bị vạch trần đúng vào lúc chẳng ngờ nhất.

Các nhân viên không chỉ trong ngành điện tử, mà cả trong ngành hàng không vẫn đang theo sát những hành động của người lãnh đạo. Gordon Bethune tiếp quản Hãng hàng không Continental Airlines đúng vào lúc tinh thần và sự tín nhiệm đang ở mức cực kỳ thấp. Ông đã đốt sạch các cuốn hướng dẫn thủ tục, cho sơn lại các máy bay, kiếm được khoản lợi nhuận đầu tiên cho hãng sau nhiều năm hoạt động và đem lại cho mỗi công nhân một khoản tiền thưởng 65 đô la như đã hứa nếu hoàn thành công việc đúng thời hạn. Các công nhân luôn quan sát rất kỹ xem ông có đáng tin cậy hay không; bất kỳ sự thất bại nào của ông trong việc thực hiện những lời hứa trên đều có thể đặt dấu chấm hết cho sự tái sinh của Continental.

Và nếu bạn là một nhà lãnh đạo có lương tâm, bạn sẽ tự quan sát mình. Chris Graff, người sáng lập Marque, một hãng sản xuất xe cứu thương của Ấn Độ, nói rằng : “Tôi cho rằng đối với tôi chỉ là quyết định về đạo đức hay lương tâm mà thôi. Mỗi khi ra quyết định, chúng tôi phải đưa ra được cùng một lời giải thích cho bất kỳ ai muốn hỏi, cho dù đó là bạn đời, đối tác, nhân viên, chủ nợ hay khách hàng của chúng tôi. Đêm đến tôi cũng cần yên tâm mà ngon giấc chứ”.

James Burke, cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Johnson & Johnson, đã đưa ra nhiều quyết định trọng đại nhất dựa trên cương lĩnh nổi tiếng của Johnson & Johnson, có hiệu lực gần sáu thập kỷ nay. Thông điệp cơ bản của bản cương lĩnh này như sau: Hãy thẳng thắn với nhân viên, với khách hàng, với công chúng và với bản thân mình, bạn sẽ đạt được thành công lâu dài. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng Tylenol, công ty đã đưa ra một quyết định đạo đức, rằng trước việc mạo hiểm đẩy thêm cho dù chỉ một mạng người nữa vào nguy cơ nhiễm độc xyanua thì việc hy sinh lợi ích kinh tế là một việc làm thiết yếu. Một số lượng lớn sản phẩm đã bị tiêu hủy, nhưng Johnson & Johnson vẫn đứng vững.

Không ai dám cho rằng Jack Welch là kẻ “khờ khạo”. Nhưng ngay cả Welch, người “chơi rắn” nhất, cũng tin rằng “sự vượt trội và khả năng cạnh tranh hoàn toàn tương đồng với sự trung thực và chính trực. Một sinh viên giỏi, một vận động viên chạy cự ly một dặm trong bốn phút, một người đang giữ kỷ lục thế giới về nhảy cao − tất cả đều là những người thắng cuộc mạnh mẽ − có thể đạt được những thành tích trên mà không cần phải gian lận. Những kẻ gian lận đơn giản là những kẻ yếu ớt”.

Welch đã vô cùng sửng sốt khi gần phân nửa nhóm sinh viên kinh tế đã trả lời một bài tập giả thuyết tình huống rằng họ sẽ ký quỹ vào tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ một triệu đô la cho một người môi giới để có được một đơn đặt hàng trị giá 50 triệu đô la. “Tôi rất sửng sốt! Vô cùng sửng sốt! Tôi nói với các sinh viên đó rằng người ta đã dạy các bạn những điều sai trái. Đây không phải là một trong những trường hợp các bạn phải diễn giải luật; đơn giản đây là một vụ hối lộ”.

Bill O’Brien, Chủ tịch Hãng Bảo hiểm Hanover, tuyên bố rằng mặc dù “một thời đạo đức công sở có vẻ chỉ cần ở mức độ thấp hơn đối với các hoạt động khác, chúng tôi tin rằng không thể có sự thỏa hiệp nào giữa các phẩm chất đạo đức để thành công trong cuộc sống và trong kinh doanh. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được cả hai. Chúng tôi tin rằng, qua thời gian, nếu trong cuộc sống chúng ta càng thực hiện những phẩm chất đạo đức tốt, chúng ta càng đạt được nhiều thành công hơn về kinh tế”. Vào thời điểm ông phát biểu câu này, công ty của ông đang là công ty đầu ngành và đạt mức tăng trưởng nhanh hơn mức chuẩn của ngành trong thời kỳ mười năm là 50%.

Chính trực và lương thiện không phải là những đức tính dễ thực hiện trong thời gian dài, nhưng đây vẫn là hai đức tính được giữ vững qua thử thách của thời gian − chính xác là hơn 5000 năm nếu chúng ta muốn nhìn nhận vấn đề này theo cách nhìn thật sự “chiến lược” (Kinh Thánh). Frances Hesselbein, cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Girl Scouts tại Hoa Kỳ đã nhận thấy những tổ chức tồn tại được lâu nhất thường là những tổ chức may mắn có được những nhà lãnh đạo có đạo đức và trung thực. Có thể bà đang nghĩ đến Girl Scouts hay những công ty đã tồn tại hàng thế kỷ nay như Procter & Gamble, nhưng nhận xét của bà cũng có thể áp dụng cho các nhà lãnh đạo trong Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước.

Cho dù vào thời điểm nào đi nữa − năm 5000 trước Công nguyên hay thế kỷ XXI − chính trực và lương thiện luôn là yếu tố đảm bảo cho sự thành công về mặt tổ chức theo cách mà người ta mong đợi nhất − về lâu dài!

NHỮNG BÀI HỌC TỪ KINH THÁNH VỀ SỰ CHÍNH TRỰC VÀ LƯƠNG THIỆN

• Người ta sẽ không ủng hộ những người bị coi là thiếu trung thực.

• Bạn không thể mong đợi những người trung thực đi theo mình nếu bạn là người không trung thực.

• Địa vị của bạn càng cao, sự chính trực hoặc bất lương của bạn càng trở nên dễ thấy hơn.

• Những hành động gian dối “tầm thường” thường gây ra những hành động gian dối quy mô lớn hơn.

• Trước cơn khủng hoảng, trước nghịch cảnh, và trước cám dỗ, sự chính trực của người lãnh đạo trở nên rõ ràng nhất.

• Sự chính trực được thể hiện bằng hành động, chứ không phải bằng những tuyên bố suông.

• Chính trực và lương thiện sẽ có kết quả về lâu dài, cho dù có thể trước mắt sẽ gây ra thiệt hại và đòi hỏi phải hy sinh.

• Một tổ chức có chuẩn mực đạo đức và có hệ thống an toàn có thể tạo ra nhiều nhà lãnh đạo trung thực và kiên định.

• Hãy hành động như thể có ai đó có quyền lực cao hơn đang quan sát bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.