Kinh Thánh Về Nghệ Thuật Lãnh Đạo

CHƯƠNG 3: Lòng nhân ái và lòng tốt



“Phải đâu ta không thương xót những con người bất hạnh?”

— JOB 29:16

“Tâu Đức Vua, xin ngài hãy thương xót những kẻ bị áp bức… Có thể nhờ đó Ngài sẽ được thịnh vượng hơn”.

— DAN. 4:27

Lòng nhân ái và lòng tốt không phải lúc nào cũng được coi là những yếu tố cần thiết cho tài lãnh đạo doanh nghiệp. Cách đây một thế hệ, mô hình doanh nghiệp kiểu mẫu cả Hoa Kỳ là “chỉ huy và điều hành”, còn được gọi là Thuyết X, trong đó đưa ra các giả định như sau:

• Bản chất của con người là lười biếng, cần phải sử dụng hình phạt đe dọa mới khiến họ làm việc.

• Đối xử tốt với nhân viên thường bị coi là bật đèn xanh cho sự chểnh mảng trong công việc, làm giảm năng suất lao động.

Những nhà lãnh đạo trong Kinh Thánh, nhất là trong Kinh Cựu Ước, thường có vẻ tán thành Thuyết X. Trong Kinh Thánh có rất nhiều đoạn nói về việc ứng xử không đúng đắn hay sự lơ đễnh trong công việc thường nhanh chóng dẫn đến những hình phạt, trong đó có lưu đày, tra tấn và tử hình.

Tuy nhiên, trong Kinh Thánh cũng không thiếu những ví dụ về đường lối quản lý theo Thuyết Y. Theo Thuyết Y, con người đương nhiên ai cũng muốn thành đạt (nếu bạn có thể xác định và kết nối được với mục tiêu mong muốn của họ), và rằng các nhà lãnh đạo bày tỏ lòng nhân ái và lòng tốt không nhất thiết sẽ bị chế giễu và phớt lờ sau lưng. Thậm chí họ còn có thể được kính trọng và noi gương, nhất là nếu các nhân viên đã thử thách lòng nhân ái và nhận thấy đó là tấm lòng chân thành và bền vững. Rất nhiều nhà lãnh đạo hiện nay đã có thể dùng lòng nhân ái và lòng tốt để quản lý nhân viên mà không hề phải hy sinh các mục tiêu kinh doanh.

Nguyên tắc vàng

Những người hay nghi ngờ thì tin rằng lời nói của Jesus, rằng “Hãy đối xử với người khác theo cách ngươi muốn người ta đối xử lại với mình” là một tư tưởng chỉ thích hợp với một “môi trường lý tưởng”, như một ngôi trường đạo hoặc một tu viện. Họ cho rằng “những nguyên tắc vàng” thực sự trong kinh doanh là “Những người có tiền là những người làm ra các nguyên tắc” và “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”.

Chẳng ai dám cho rằng để đạt được những thành quả đi kèm với lòng nhân ái là một chuyện đơn giản, nhất là khi những thành quả ngắn hạn lại vô cùng to lớn. Nhưng có nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay lại nhận ra rằng nếu không đối xử tử tế và nhân ái với nhân viên, với khách hàng, với nhà cung cấp, thậm chí với cả đối thủ cạnh tranh nữa, thì những thành quả đạt được trong thời gian ngắn cũng khó mà giữ được lâu. Và có lẽ điều quan trọng hơn cả là, nếu không có lòng nhân ái và thiếu đi sự quan tâm tới từng cá nhân, nơi làm việc sẽ trở thành một môi trường máy móc với những nhân viên (và cả quản lý nữa) chán nản. Nhân viên đi làm muộn, nhiều người xin thôi việc hoặc trở nên bất mãn, còn những người khác thì bỏ đi để tìm cho mình một môi trường làm việc “nhân đạo” hơn.

“Hãy khoác lên mình tấm áo của lòng nhân ái và trắc ẩn”. (Tông đồ Paul, Col. 3:12)

“Hãy đối xử tốt với người khác”. (Eph. 4:32)

Một số doanh nhân và lãnh đạo đang điều hành theo những nguyên tắc giản đơn nhưng hiệu quả này, một số người thẳng thắn thừa nhận đó là do những lý do về mặt tôn giáo hoặc tâm linh, còn những người khác là do đó là những việc làm đúng đắn, hoặc do họ đã chứng kiến những tác hại của việc đối xử tàn tệ và lạnh lùng trong doanh nghiệp và trong đời sống cá nhân. Nhưng tất cả đều có vẻ rất vừa lòng với những thành quả lâu dài họ đạt được.

Với đặc trưng là những thủ tục quan liêu, những tỷ lệ tính toán rủi ro, và những điều khoản loại trừ, dường như ngành bảo hiểm không phải là môi trường thích hợp cho lòng nhân ái và lòng tốt tồn tại. Nhưng USAA, một công ty bảo hiểm ô tô và gia đình, lại hết sức tin tưởng vào “Nguyên tắc vàng” đến mức họ còn thêm vào đó một nguyên tắc nữa, tạo thành “Hai Nguyên tắc Vàng” của USAA:

Giám đốc điều hành Robert McDermott cho biết thêm: “Nguyên tắc vàng chỉ có thể được áp dụng, trước hết nếu bạn thực sự yêu quý bản thân mình và sau đó, yêu quý những người xung quanh”. Tình yêu này rõ ràng đã ảnh hưởng đến cả nhân viên. Cách đây vài năm, công việc tại USAA cũng là một phiên bản hiện đại của việc xây dựng các kim tự tháp, nhưng lại thiếu sự đa dạng. Một người dành cả ngày để mở các phong bì, một người thì phân loại thư, một người khác thì xem lại một loại thư đòi tiền nào đó. Ngày nay, chẳng có ai phải làm những việc hạn hẹp như vậy, các công việc được mở rộng phạm vi khiến cho nhân viên cảm thấy tính nhân đạo cao hơn, có những ý kiến đánh giá chung rất quan trọng và chẳng hề giống với người máy chỉ biết thực hiện những nhiệm vụ đơn giản, nhàm chán.

Với sự phát triển nhanh chóng của Starbucks, các dịch vụ và sản phẩm của tập đoàn chuyển nhượng quyền kinh doanh thành công đến mức không ngờ này trở nên vô cùng nổi tiếng. Nhưng điều ít ai biết đến chính là Howard Schultz đã sáng lập nên Starbucks dựa trên lòng nhân ái. Lòng nhân ái này được rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân của chàng trai trẻ thuộc tầng lớp lao động ở Brooklyn, có một người cha không hề biết gì về cái gọi là “Nguyên tắc vàng”. Cha của Schultz đã chuyển nghề một vài lần − lái xe tải, lái taxi, công nhân − tại những nơi đó ông chẳng mấy khi nhận được các khoản phúc lợi, thậm chí còn chẳng mấy khi được có cảm giác là một thành viên được quý trọng trong công ty.

Schultz viết: “Tôi cho rằng mình thực sự nhận ra rằng có rất nhiều đặc quyền mà chúng tôi không hề với tới được. Lớn lên, tôi nhận thấy những chuyện xảy ra từ thời thơ ấu đã giúp tôi… có được tầm nhìn tổng quan về những điều tôi muốn làm được cho người khác chính vì bản thân chúng tôi không hề có”. Nói tóm lại, Schultz mong muốn công ty mình có tình người hơn. “Tôi luôn mong muốn xây dựng một hình thức công ty không hề giống với những công ty mà cha tôi đã làm”.

Công ty đó như thế nào? Hầu như mọi người cũng chỉ biết đến Starbuck qua những sản phẩm sau cùng: cà phê và bánh kẹo cao cấp được bán trong một môi trường thú vị với những nhân viên trẻ vui vẻ và tận tụy. Chính môi trường làm việc và những khoản ích lợi kết hợp mà Schultz mang lại đã khiến các nhân viên trở nên tận tụy với công việc như vậy. Ông đã khiến mọi nhân viên tự làm chủ công ty bằng việc khởi xướng một kế hoạch tự chọn mang tên “Cổ phiếu Bean”. Ông cho rằng khoản phúc lợi kết hợp là “lợi thế lớn nhất chúng ta có vì giá trị và các mối quan hệ mà các nhân viên mang lại cho công ty, mang lại cho mỗi người, và quan trọng hơn cả là cho khách hàng và cho các cổ đông”. Một trong những “baristas” của Schultz (tên gọi vui của người đứng ở máy đếm tiền nắm giữ “cổ phiếu Bean”) còn cho biết thêm, “Bởi vì chúng tôi được đối xử tốt… điều đó được thể hiện qua cách chúng tôi cư xử với khách hàng”.

Tất cả những điều này đều xuất phát từ “Nguyên tắc vàng” phiên bản của chính Schultz: “Đừng cư xử với nhân viên theo cái cách ngày trước người ta cư xử với cha anh”.

Tài lãnh đạo của Gordon Bethune giúp Hãng hàng không Continental đạt được bước ngoặt trong sự nghiệp chủ yếu dựa vào trọng điểm và mục tiêu. Ông đã khiến cho hãng hoạt động đúng giờ. Nhưng ông không thể làm được điều đó với sự nhẫn tâm mà Mussolini đã khiến cho ngành đường sắt hoạt động đúng giờ ở Fascist, Italia. Mặc dù mục tiêu tương lai rất lớn lao nhưng Bethune không bao giờ làm trái với nguyên tắc “làm một người tốt”.

“Làm một người tốt, nhưng phải như thế nào?” là bài viết cả ông trong cuốn Từ hạng chót lên hàng đầu. “Rất đơn giản! Bạn chỉ cần có những hành động tử tế. Và bạn cũng phải yêu cầu mọi người hành động tử tế. Tôi cư xử với những người dưới quyền quản lý trực tiếp của mình theo cách tôi muốn họ cư xử lại với tôi. Họ cũng cư xử với những người dưới quyền của họ như vậy, cứ như thế xuống tận cấp dưới cùng của công ty”. Bên cạnh đó, Bethune còn liên kết “sự tốt đẹp” này với một biến số vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp, tiền thưởng. “Mọi người đều hiểu rằng tiền thưởng của họ… một phần dựa trên việc đồng nghiệp có cho rằng cộng tác với họ rất dễ chịu và việc họ có làm việc với nhau theo tinh thần đội nhóm hay không”.

Herb Kelleher của Hãng hàng không Southwest Airlines, đối thủ cạnh tranh của Bethune, cũng có bản “Nguyên tắc vàng” của riêng mình: “Tôi biết câu này nghe có vẻ đơn giản, nhưng tôi vẫn luôn nói như vậy, làm theo nguyên tắc vàng của ngành dịch vụ. Phục vụ khách hàng theo cách bạn mong muốn người ta phục vụ mình”. Trong cái ngành mà con người ta thường được nhắc đến qua các “chỗ ngồi”, Kelleher thường hô hào đội ngũ nhân viên của mình là: “Đừng đối xử với người khác như những vật thể vô tri. Các bạn có muốn người ta đối xử với mình như vậy hay không?… Đừng tỏ ra đạo đức giả. Hãy cung cấp những dịch vụ mà bản thân các bạn cũng mong muốn nhận được”.

Để chúng ta khỏi coi những nguyên tắc lãnh đạo này trong Kinh Thánh là dành riêng cho hai ngoại lệ của ngành hàng không, thử xem xét một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới xem sao? Giám đốc điều hành Dennis Bakke của Tập đoàn AES có công khai sáng lập công ty theo những nguyên tắc của Kinh Thánh. “Kinh Thánh răn dạy chúng ta rằng mỗi con người đều thiêng liêng, đặc biệt và duy nhất…

Hãy cư xử với mọi người bằng sự tôn trọng và phẩm giá… Dù biết là không thể nhưng tôi vẫn mong công ty mình càng giống với Vườn Địa đàng càng tốt. Tôi vẫn không ngừng cố gắng”. Đây quả là một phát ngôn về mục tiêu đầy tham vọng!

Người ta đã sử dụng rất nhiều từ ngữ để nói về công ty Ben & Jerry’s: kỳ quặc, bất kính, dở hơi, lập dị. Thế còn ”sùng Kinh Thánh” thì sao? Rõ ràng là vậy, thể hiện rõ nhất qua cách xử sự đầy nhân ái và tốt bụng với nhân viên, với nhà cung cấp và với khách hàng. Jerry Greenfield, chủ sở hữu của một công ty thường bị đánh giá là có những “giá trị lập dị”, cho biết: “Chúng tôi cho rằng, ‘Đó là những giá trị thiên về Kinh Thánh nhiều hơn. Hãy cư xử với người khác theo cách bạn muốn người ta cư xử lại với mình…’ Chỉ vì quan điểm cho rằng làm việc tốt sẽ được đền đáp được viết trong Kinh Thánh mà không xuất hiện trong một số sách dạy kinh doanh không làm giảm giá trị của chân lý này…

Trong kinh doanh luôn tồn tại khía cạnh tâm linh [mặc dù] hầu hết các công ty đều cố quản lý công việc kinh doanh của họ trong một môi trường phi tâm linh”.

Ben & Jerry’s làm thế nào để tránh được cái môi trường phi tâm linh đó? Bằng cách chấp nhận rủi ro dưới danh nghĩa của lòng nhân ái và lòng tốt. Ben & Jerry’s phải mua một số lượng lớn bánh sôcôla hạnh nhân để sản xuất một vị kem mới. Rất nhiều hãng kem non trẻ chưa có chỗ đứng đã phải tìm tới nhà cung cấp có nhiều kinh nghiệm nhất, giá rẻ nhất, có hiệu suất cao nhất. Nhưng Ben & Jerry’s lại chẳng làm theo một tiêu chuẩn nào như vậy. Thay vào đó, họ đã có một lựa chọn đầy trắc ẩn − Greyston Bakeries, một tổ chức phi lợi nhuận dạy nghề và tạo việc làm cho những người chịu thiệt thòi về mặt kinh tế. Kết quả thế nào? Ban đầu − quả là thảm họa! Nhân công và thiết bị không đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất 6.000 tới 7.000 pao bánh sôcôla hạnh nhân mỗi ngày. Nhưng Ben & Jerry’s vẫn gắn bó với Greyston vượt qua mọi khó khăn về mặt kỹ thuật và nhân sự. Ngày nay, Greyston hoàn toàn có thể sản xuất theo bất cứ nhu cầu nào của Ben & Jerry’s, họ còn thừa sản lượng để cung cấp cho các công ty khác nữa.

Lòng tốt

Lòng tốt và sự tử tế thể hiện bằng cảm xúc thường được người tiếp nhận cảm nhận sâu sắc. Lòng tốt thể hiện bằng vật chất cũng vậy, đặc biệt là trong những lúc cấp bách. Khi người ta cần miếng cơm manh áo hoặc chốn dung thân, cho dù là tạm thời hay cố định đi chăng nữa, thì bạn có nói với người ta rằng bạn “vô cùng cảm thông” với họ cũng chẳng ích gì nếu không giúp họ đáp ứng được những nhu cầu đó. Chúa Jesus hiểu rằng cần phải thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người trước khi họ có thể tiếp thu được thông điệp tâm linh, chính vì thế Người đã nhanh chóng cung cấp bánh mì và cá cho 4.000 người ngay cả khi nguồn lương thực của Người hết sức đạm bạc (năm ổ bánh mì và hai con cá). Có thể vì được sinh ra trong máng cỏ nghèo nàn vì hết phòng trọ, Người có thể hiểu được nhu cầu vật chất của các môn đồ.

Một người như J. Willard Marriott, Giám đốc điều hành đồng thời là Chủ tịch Công ty Marriott International, hẳn sẽ không bao giờ đuổi Jesus và gia đình ngài ra khỏi quán trọ của ông. Marriott tạo ra cả một nền văn hóa, trong đó “khách lạ” sẽ nhận được chiếc giường ấm áp và quan trọng hơn, chính là sự đón tiếp nồng hậu. “Họ phải xa gia đình”, ông nói về khách hàng của mình. “Họ mệt mỏi, chân tay rã rời. Và có thể họ đang lạc lối không biết phải làm gì… Lúc họ tới được bên bàn lễ tân của chúng ta, họ đã kiệt sức và chúng ta phải chăm sóc họ”. (Mary và Joseph đáng ra phải gặp được những người chủ quán trọ như thế này!)

Nhưng Willard Marriott hiểu rằng không thể lấy được dòng nước của lòng trắc ẩn từ cái giếng của sự xấu xa. Chỉ có lòng tốt mới sinh ra lòng tốt. Nhân viên nếu không được đối xử tốt sẽ không đối xử với khách hàng với thái độ hiếu khách thiện chí, vốn là sự khác biệt một trời một vực giữa những công ty trung bình với những công ty lớn trong ngành này: “Chúng tôi phải chăm lo cho nhân viên; nếu không làm sao chúng tôi có thể trông mong họ sẽ chăm lo cho khách hàng?”, Marriott phát biểu. “Nếu bạn gặp một nhân viên giao phòng cáu bẳn hoặc… một cô hầu phòng không chịu chào hỏi, bạn sẽ chẳng thấy hài lòng với khách sạn mà bạn nghỉ. Và mỗi lần tôi phát biểu, lần nào cũng vậy, tôi đều nói về những điều này. Chúng tôi muốn giúp đỡ mọi người − không chỉ là khách hàng, mà cả những người chăm lo cho khách hàng của chúng tôi”.

Marriott là người đã thiết lập ra một đế chế hiếu khách khổng lồ dựa trên những lời nói đầy trắc ẩn của thánh Paul trong La Mã hồi 12:10: “Hãy yêu thương nhau… đừng bao giờ lười biếng… hãy niềm nở đón tiếp những người cần thức ăn và mái ấm”.

Noah hẳn đã là một nhà quản lý nghèo nàn nếu ông chỉ làm theo “sự cảm thông” khi ông biết rằng một trận hồng thủy đe dọa sẽ quét sạch cả loài người cũng như mọi sinh vật trên hành tinh này. Ngay lập tức ông tổ chức một đội ngũ nhân lực để phục vụ cho nhu cầu cấp thiết là xây dựng một “khách sạn nổi”.

Một nhà quản lý khác cũng dùng lòng nhân ái và tốt bụng thật sự để đối phó với một thảm họa thiên nhiên, đó chính là M. Anthony Burns, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ryder. Khi cơn bão Andrew đổ bộ vào Florida, Burns biết mình có nhiều việc phải làm hơn là chỉ cho thuê xe tải. Thay vào đó, ông kết nối tiền sảnh tại trụ sở chính của Tập đoàn Ryder với Tập đoàn United Way. Ông tặng thức ăn và quần áo cho các tổ chức từ thiện và giúp những người cần di rời bản thân và tài sản tới những nơi an toàn và khô ráo hơn bằng cách cho họ mượn xe tải của hãng Ryder (một kiểu đoàn thuyền của Noah).

Mặc dù nhiều Giám đốc điều hành bằng lòng với việc “tiến hành” những nỗ lực này từ bàn giấy trong xưởng cạn của công ty, nhưng Burns lại xuống tận “tuyến dưới” và tham gia cùng đội ngũ nhân viên sửa chữa lại các mái nhà bị hư hỏng. Nhờ Burns, nhân viên của Tập đoàn Ryder làm việc nửa ngày tại công ty và nửa ngày còn lại trong các đội cứu hộ, rất nhiều người đã làm việc bảy ngày một tuần. Burns đã được Hội Chữ Thập Đỏ địa phương bầu chọn giải thưởng “Nhân đạo của năm” vì ông đã cống hiến sức lực của bản thân mình cũng như của các nhân viên trong công ty với những hành động cụ thể chứ không chỉ sử dụng tiền bạc để viện trợ “suông”. Người ta nhận thấy ở ông sự tốt bụng và lòng nhân ái thực sự, đó chính là điều ông mong mỏi: “Ông tôi từng nói, ‘điều tốt đẹp nhất cháu có thể cho đi chính là phục vụ người khác.’ Và đó thực sự là một việc tốt”.

Lòng trắc ẩn trước những người gặp khó khăn hoạn nạn

Trong Kinh Thánh có rất nhiều câu chuyện về các nhà lãnh đạo đã khuyên bảo mọi người và cũng đã thể hiện lòng trắc ẩn trước những người gặp khó khăn hoạn nạn: các tù nhân và những nô lệ bị áp bức; nạn nhân của các vụ thiên tai; người dân tị nạn chiến tranh; những người bị què quặt, mù lòa (ngày nay chúng ta gọi là những người tàn tật) và cả những người đã chết, nếu có được lòng trắc ẩn họ sẽ được tái sinh. (Và cũng có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản đã được cứu sống nhờ những nhà lãnh đạo như Lou Gerstner của Hãng IBM và Lee Iacocca của Chrysler).

Daniel đã mạnh dạn tiên tri cho Đức Vua của thành Babylon, Nebuchadnezzar, rằng: “Tâu Đức Vua, xin hãy từ bỏ mọi tội ác bằng cách làm những việc phải đạo và hãy từ bỏ sự độc ác bằng cách đối xử tốt với những người bị áp bức. Có thể nhờ vậy ngài sẽ được thịnh vượng hơn”. (Dan. 4:27) Ông đang cảnh báo một nhà cầm quyền hùng mạnh (và suy đồi) rằng một đất nước được hình thành dựa trên sự bất công và thiếu lòng nhân ái sẽ chính là mầm mống để tự sụp đổ.

Có vẻ như rất nhiều nhà lãnh đạo ngày nay (nếu không phải tất cả các ông vua) đều đã nghe và hành động theo thông điệp của Daniel. Isaac Tigrett, người sáng lập của Hard Rock Cafe, đã thuê một số người vô gia cư − những người lang thang, sống trên hè phố và những người sống bên lề xã hội có thể không hòa nhập được vào những tập thể truyền thống. Ông gọi công ty của mình là “Liên minh Cầu vồng” vì tính chất đa dạng về tầng lớp xã hội và tôn giáo. Ông xóa bỏ các cuộc “họp công ty”, thay vào đó là những buổi “họp mặt gia đình”. Ông xây dựng một chính sách trả lương và chia sẻ lợi nhuận công bằng.

Tigrett nói: “Tôi chẳng quan tâm tới bất cứ việc gì khác ngoài con thương yêu họ, quan tâm tới họ, thông cảm với cuộc sống của họ”. mơ tưởng hão huyền hết thuốc chữa? Một doanh nghiệp lâm vào Không hề, ông là một doanh nhân thành đạt, chỉ vài năm sau ông nghiệp của mình với giá hơn 100 triệu đô la. người. Chỉ cần Một con người cảnh phá sản? đã bán doanh Joseph Rebello, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Citizens Finacial Group, chắc chắn không phải là một ông chủ nhà băng mẫu mực theo tiêu chuẩn của các bạn. Dù nhận ra tầm quan trọng của lợi nhuận nhưng ông vẫn vận dụng một lượng kha khá lòng tốt và lòng nhân ái. Và cũng như Burns của Hãng Ryder Systems, ông luôn đi đầu trong các phong trào từ thiện, không chỉ bằng việc hiến tặng tiền bạc từ dãy văn phòng cao tầng của mình. Rebello cho biết: “Nếu chỉ kiếm tiền thì chúng ta sẽ thất bại”.

Vậy làm thế nào nhà lãnh đạo này tránh được thất bại? Trước hết, ông hiến tặng một nửa số tiền lương hai triệu đô la của mình cho trường học. Sau đó, trước khi nhận chức Giám đốc điều hành tại Citizens Financial Group, ông xin nghỉ phép để xây dựng một ngôi nhà tình thương cho trẻ em bị đối xử tàn tệ. Ông khuyến khích các nhân viên làm những công việc từ thiện tương tự và bị phê bình là đã “quá mềm lòng” (lời phê bình dành cho rất nhiều nhà quản lý và lãnh đạo được nhắc tới trong cuốn sách này). Ông vui vẻ chấp nhận sự gán ghép này và trả lời: “Rốt cuộc thì, điều quan trọng nhất là những việc tốt chúng tôi đã làm được”. Đây là một ông chủ ngân hàng người có khả năng kết hợp được lòng nhân ái và trắc ẩn với những thành công về mặt tài chính.

Hal Rosenbluth của hãng du lịch Rosenbluth Travel cũng bị thôi thúc hơn hết bởi lòng nhân ái chứ không phải là lợi nhuận, khi quyết định chuyển trung tâm xử lý dữ liệu và dịch vụ khách hàng tới Linton, Bắc Dakota. Từ văn phòng công ty tại Philadelphia, Rosenbluth đã nghe nói rằng vùng Bắc Trung tâm Hoa Kỳ vừa trải qua một trận hạn hán nghiêm trọng, khiến cho mùa màng thất bát và nhiều trang trại đã bị tịch biên tải sản để trả nợ.

Tiến hành nghiên cứu thêm, Rosenbluth nhận thấy rằng Linton là thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất trong bang Bắc Dakota. Tránh những phân tích lợi nhuận kỹ lưỡng, ông nhanh chóng thuê khoảng 200 người ở vùng Linton tiến hành công việc xử lý dữ liệu và dịch vụ khách hàng cho công ty. Đây là một bước ngoặt vĩ đại về mặt kinh tế và tâm lý đối với một vùng đất có nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp vừa bị đe dọa nghiêm trọng bởi một thảm họa thiên nhiên.

Thảm họa thường làm nổi bật tính hào phóng và lòng nhân ái. Sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11 tháng 9, rất nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp đã đóng góp về mặt kinh tế cho các nỗ lực cứu hộ và truy quét tội phạm. Jeffrey Immelt, Giám đốc điều hành mới của Hãng GE, đã thay mặt công ty đóng góp mười triệu đô la, một khoản tiền sau đó đã trở thành tiêu chuẩn để công nhận một doanh nghiệp lớn.

Làm cố vấn cho một hãng bảo hiểm lớn cách đây vài năm, tôi đã gặp một nhà quản lý hết sức nhân ái. Công ty đang chuẩn bị tiến hành liên doanh với một công ty dịch vụ tài chính khác và các hoạt động không được sáp nhập ăn khớp cho lắm. Công ty “đối tác”, có trụ sở cách xa nửa vòng trái đất, chưa quen với các hoạt động bảo hiểm và đã thuê những người thiếu kinh nghiệm để xử lý các hợp đồng bảo hiểm. Kết quả là quá trình xử lý các hợp đồng bảo hiểm hoàn toàn bị đình lại và khiến công ty khách hàng, do từ trước tới nay vốn rất hãnh diện về việc xử lý thành thạo và mau lẹ các hợp đồng, vô cùng nản lòng.

Là cố vấn, công việc của tôi là đi thăm các văn phòng chi nhánh và trao đổi với các giám đốc chi nhánh và các nhân viên để xác định chính xác sai lầm ở đâu và tiếp nhận ý kiến đóng góp của họ để khắc phục tình hình. Tôi đặc biệt ấn tượng trước lòng khoan dung nhân ái của một quản lý chi nhánh dành cho nhân viên. Trước khi gặp gỡ toàn thể nhóm nhân viên, anh ta mời riêng tôi đi ăn trưa. Tại đó, anh ta bắt đầu tóm tắt tình hình cho tôi biết, không phải về các vấn đề điều hành hoạt động, mà về những mất mát về mặt cảm xúc mà hoạt động sáp nhập đã tác động lên anh ta và các nhân viên, những người cũng đang bị đứng trước nguy cơ bị giảm biên chế. Anh ta thổ lộ rằng anh ta chán nản tới mức bị mất ngủ về đêm và phải yêu cầu bác sỹ kê thuốc chống căng thẳng. Sự quan tâm dịu dàng đối với nhân viên của nhà quản lý này gợi cho tôi nhớ tới tiếng khóc than của Jeremiah: “Trời ơi, trí óc ta là một dòng suối. Ta sẽ khóc than ngày đêm cho số phận bi thảm của đồng bào ta”. (Jer. 9:1)

Câu chuyện về vua Saul và David, người kế vị ngai vàng, là một ví dụ điển hình về lòng nhân ái khi đối mặt với sự thù địch. Cơn giận của Saul đã bùng nổ ngay từ lần đầu tiên ông ta nghe người ta hát rằng “Saul đã tiêu diệt được hàng ngàn kẻ thù, còn David thì tiêu diệt được hàng vạn người”. Từ lúc đó, ông ta truy đuổi David một cách gắt gao với mong muốn trả thù, tìm cách phóng ngọn giáo vào người ông khi còn ở trong cung điện và đuổi theo David khắp miền thôn quê.

Thật may cho David vì nhận được tình bằng hữu và lòng nhân ái của Jonathan, con trai Vua Saul. Jonathan đã báo trước cho David trốn thoát khỏi vua cha và David đã đáp lại lòng tốt này của Jonathan bằng cách thể hiện lòng nhân ái bao dung đối với Vua Saul. David đang trốn trong hang thì Vua Saul bước vào. Lẽ ra David đã có thể giết vua Saul, kẻ thù không đội trời chung của mình, nhưng không, David chỉ xé một mảnh áo choàng của Saul nhằm báo hiệu rằng ông đủ sức tiêu diệt ông ta nhưng ông đã không làm thế.

Lòng nhân ái bao dung đối với Saul là một bước tiến quan trọng trong tiến trình tiếp nhận ngôi báu một cách hòa khí của David. Ông còn chôn cất Saul tử tế khi ông này tử trận trên chiến trường. Nhưng David còn mở rộng tấm lòng đối với con cháu của Saul.

Ngay sau khi lên ngôi vua của toàn cõi Do Thái, David còn hỏi xem có còn ai sống trong ngôi nhà của Saul, kẻ trước đây đã từng hành hạ ông. Có một người tên là Mephibosheth, cháu nội của Saul và là con trai của Jonathan, “đã bị liệt cả hai chân”. David cho gọi Mephibosheth, chàng trai hiểu rằng điều tồi tệ nhất đã tới vì anh là một thành viên trong gia đình của Saul. Rốt cuộc thì anh ta cũng không thể nào chạy trốn được, và anh ta nhận thấy rằng vì mình là thành viên duy nhất còn sống sót trong gia đình nhà Saul nên anh ta chính là mục tiêu để David trút bỏ lòng hận thù.

Nhưng lòng nhân ái của David còn mạnh mẽ hơn cả sự thù hận. Ông vẫn nhớ ơn lòng tốt của Jonathan và chọn cách bỏ qua sự bội bạc của Saul: “Đừng sợ, vì cha anh ta chắc chắn sẽ đối xử tốt với anh. Ta sẽ trả lại cho anh toàn bộ đất đai thuộc quyền sở hữu của ông nội anh, và anh sẽ luôn được ngồi cùng bàn ăn với ta”. (2 Sam. 9:7)

Chia sẻ của cải vật chất

Cả trong thời Kinh Thánh và thời hiện đại, của cải của mỗi người chúng ta đều không bao giờ đồng đều như nhau. Jacob có vô số gia súc và cừu, trong khi rất nhiều thành viên khác của bộ lạc lại chẳng có gì. Giám đốc của một ngân hàng đầu tư lại có thu nhập gấp 50 lần một nhân viên văn phòng, người thực hiện các giao dịch đó.

Chắc chắn chúng ta không thể xóa bỏ tất cả mọi bất công trong bất cứ xã hội nào, cho dù ở thời Kinh Thánh, thời phong kiến, thời cộng sản, hay tư bản đi chăng nữa. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giữ vững quan điểm (và cả những hành động tương ứng) rằng nên chia sẻ của cải vật chất và các tài nguyên. Lập luận này được John chỉ ra trong một đoạn trích hết sức thẳng thắn trong đoạn Luke 3:11 như sau: “Người nào có hai chiếc áo thì nên chia sẻ với người không có áo mặc và người có thức ăn cũng nên làm như vậy”.

Thế giới của chúng ta ngày nay phức tạp hơn nhiều, nhưng những nguyên tắc chia sẻ thì vẫn vậy. Đầu tư ngân hàng là một ngành chưa từng bao giờ được biết đến tâm lý “chia sẻ”. Một người bạn của tôi làm việc tại “The Street” một lần đã gọi đồng sự của mình là “những kẻ thừa tiền nhưng thiếu tâm hồn”. Nhưng ngân hàng Bear Stearns là một trường hợp cá biệt (ít nhất cũng là ở cấp lãnh đạo). Ngài Chủ tịch Ace Greenberg yêu cầu rằng tất cả 300 giám đốc cấp cao của ngân hàng phải bỏ ra ít nhất 4% tổng lợi nhuận cho các hoạt động từ thiện diễn ra hàng năm, như một hình thức đóng thuế thập phân của doanh nghiệp. Và thật đáng ngạc nhiên (có lẽ sẽ không đáng ngạc nhiên cho lắm nếu xét các khoản thu nhập thêm khác của họ), hầu hết các giám đốc đều đóng thêm rất nhiều. Ngài Greenberg cho biết: “Chúng tôi không cần biết họ trao số tiền đó cho ai, nhưng chúng tôi sẽ kiểm tra để biết chắc họ đã làm thế”.

Gary Heavin của Hãng Curves for Women cũng tin rằng càng cho đi bao nhiêu bạn sẽ nhận được bấy nhiêu. “Tôi luôn cố gắng học theo Chúa”, ông nói. “Nếu bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại gấp nhiều lần”. Heavin tin tưởng vào việc chia sẻ và đóng thuế thập phân tới mức ông đảo ngược công thức: 90% dành cho người khác, còn mình chỉ nhận 10%. Với mười triệu đô la thu nhập trong năm 2001, ông sẽ đóng thuế ba triệu, tặng cho các quỹ từ thiện ba triệu, và dùng ba triệu cho việc tái đầu tư kinh doanh (phần lớn là dành cho việc mở các công ty chi nhánh nhượng quyền thương mại khác) và “chỉ” giữ lại cho mình một triệu đô la mà thôi.

Heavin nói: “Mỗi khi cho đi, tôi thường cho rất nhiều, đó là vì tôi đang làm theo tiếng gọi của thánh thần. Tôi hành động trên cơ sở lòng biết ơn”. Và Heavin cho rằng sứ mệnh của mình không chỉ mang tính vật chất mà còn mang tính tâm linh: “Chúa Jesus chữa khỏi những đớn đau về mặt thể xác nên ngài cũng có thể chữa lành những vết thương về mặt tâm hồn. Đó là điều tôi đang cùng Hãng Curves vươn tới, tôi không chỉ giúp các bạn có cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp mọi người chữa lành cho tâm hồn”.

Đối xử tốt với “người dưng” và những người hoạn nạn

Đoạn Leviticus 19:33 chỉ dẫn: “Khi sống cùng một người không cùng chủng tộc… hãy đối xử với họ như những người địa phương”. Thật không may, không phải lúc nào các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tuân thủ nguyên tắc này. Họ thường coi những người nhập cư hoặc các lao động nước ngoài là một phương thức đơn giản để “tăng sức cạnh tranh” bằng cách trả lương thấp trong một môi trường làm việc tồi tệ.

Aaron Feuerstein của Malden Mills, một hãng sản xuất đồ dệt may ở Lawrence, Massachusetts, luôn thể hiện lòng tốt đối với toàn thể nhân viên, trong đó có rất nhiều người mới nhập cư nếu gặp phải một nhà tuyển dụng ít tử tế và thiếu đạo đức hơn thì họ sẽ rất dễ bị ngược đãi. Vốn nổi tiếng về hoạt động kinh doanh chính đáng, Feuerstein vẫn duy trì nhà máy ở Lawrence trong một thời gian dài sau khi các đối thủ cạnh tranh đã chuyển hết về miền Nam hoặc bắt đầu sử dụng nguồn nhân công rẻ mạt từ các nước thuộc Thế giới thứ ba.

Nhưng ngay cả các nhân viên đã hiểu rõ tính ông vẫn rất ngạc nhiên khi chứng kiến lòng nhân ái sâu sắc của ông. Năm 1995, nhà máy Malden Mills đã bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi, người ta ước tính phải mất ít nhất ba tháng để xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động trở lại. “Hầu như tất cả mọi người ai cũng vui vẻ chờ đợi tới ngày sinh thứ 70 để nhận tiền bảo hiểm và tới Florida nghỉ ngơi”, Feuerstein không nằm trong số “hầu như tất cả mọi người” đó.

Nhận thấy quá nhiều người phụ thuộc vào ông để có kế sinh nhai, Feuerstein quyết định sẽ trả lương 90 ngày và tiền bảo hiểm y tế trong 180 ngày cho toàn bộ 2.400 nhân viên của công ty. Đây là một khoản chi trị giá trên 10 triệu đô la trong khi chẳng ai rõ liệu nhà máy này có thể phục hồi sản xuất và lấy lại vị thế trên thị trường nữa hay không.

Những việc làm của Feuerstein đều xuất phát từ niềm tin thiêng liêng mạnh mẽ. Ông đã trích dẫn lời của Rabbi Hillel khi giải thích về đức tin của mình: “Không phải người nào biết làm giàu cũng là kẻ thông thái”. Ông cũng nhận thấy rằng khi đối xử tử tế với người khác, kết quả thu được thật kỳ diệu: “Nhân viên của tôi trở nên năng động hơn.

Họ sẵn sàng làm việc 25 giờ một ngày”. Kết quả là trong 90 ngày đó, họ không chỉ khôi phục lại nhà máy với công suất gần như ban đầu mà sản lượng còn tăng vọt và tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng giảm hẳn, từ 7% trước trận hỏa hoạn còn 2%.

Trong chúng ta có mấy ai chẳng biết câu chuyện trong Kinh Thánh về “người Xa-ma-ri-a tốt bụng”, đã dừng lại để giúp đỡ một người bị cướp và bị đánh đập. Anh ta thể hiện sự cảm thông với nạn nhân: “Anh ta… băng bó các vết thương, đổ dầu và rượu vào. Sau đó anh ta đặt người đó lên lưng con lừa của mình, đưa tới quán trọ và chăm sóc tận tình. Ngày hôm sau, anh ta lấy ra hai đồng bạc và đưa cho chủ quán. ‘Xin hãy chăm sóc anh ấy”, anh ta nói, ‘và khi trở lại tôi sẽ trả cho anh toàn bộ chi phí phát sinh thêm.’” (Luke 10:34-35)

Aaron Feuerstein cũng chăm sóc “những người dưng” như vậy. Ông liều lĩnh trao tất cả những gì mình có để có thể mang lại cho những công nhân chủ yếu là người nhập cư của mình một mục tiêu và cũng là một kế sinh nhai khi họ không còn biết đi đâu về đâu.

Rất nhiều lần chúa Jesus đã cứu sống trẻ em và người lớn, không phải để tạo ấn tượng mà đều vì lòng nhân ái. Một hình tượng tương tự trong thế giới doanh nghiệp ngày nay là Merck, hãng này đã dành trên ba triệu đô la để xây dựng Ký túc xá cho trẻ em ở ngay trong địa phận của Viện Y học Quốc gia. Những trẻ em này đang phải trải qua những phương pháp chữa chạy thử nghiệm cho các căn bệnh hiếm gặp. Merck hy vọng có thể vực bọn trẻ dậy khỏi giường bệnh và cứu chúng thoát khỏi cái chết cận kề. Tất nhiên, họ cũng nhận được một số “hậu thuẫn về mặt chính trị” khi bỏ ra số tiền từ thiện này, nhưng động lực chủ yếu vẫn là giúp đỡ trẻ em. Roy Vagelos, cựu Giám đốc điều hành của Merck, phát biểu: “Thuốc men là để dành cho những người bệnh chứ không phải để kiếm lời. Lợi nhuận sẽ theo đó mà đến, và nếu chúng ta còn nhớ được điều này thì sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng về việc thu lợi nhuận cả”.

Lòng bao dung độ lượng

Chúng ta đều biết rằng thật khó để tha thứ cho những người mà ta cho là đã đối xử bất công với ta, và cảm giác tha thứ hết thật tuyệt vời. Anh em của Joseph đã bán ông sang Ai Cập làm nô lệ mà không hề hay biết rằng ông sẽ trở thành người cố vấn đầy uy quyền cho Pharaoh. Joseph có thể dễ dàng trả thù khi những người anh em của ông tới Ai Cập mua ngũ cốc khi đất nước họ bị nạn đói hoành hành. Không những không làm thế, Joseph còn đối xử rất tốt với những người anh em, tha thứ cho họ và mời họ đến làm khách danh dự của ông ở Ai Cập.

David đã khoan dung với Saul, và phần thưởng ông nhận được chính là ngai vàng. Paul khuyến khích những người Thiên Chúa giáo thời xưa hãy “khoác lên mình tấm áo của lòng nhân ái và trắc ẩn. Hãy nhẫn nhịn lẫn nhau và tha thứ cho những mối bất hòa”. (Col. 3:12) Bạn sẽ làm gì nếu là Esau khi bạn và 400 gia nhân của bạn bắt gặp Jacob, người em trai đã cướp quyền thừa kế của bạn và xóa tên bạn khỏi di chúc của cha? Bạn có vác giáo đuổi theo ông ta, hay tha thứ? “Nhưng Esau chạy tới bên Jacob và ôm chặt lấy ông; ông ta quàng tay quanh cổ Jacob và hôn ông. Và cả hai đều khóc”. (Gen. 33:4)

Bạn có thể tha thứ cho bản thân mình nếu bạn làm theo lời lẽ thống thiết sau một cách bất nhẫn: “Việc này có thể xảy ra ở thời Kinh Thánh, nhưng chắc chắn không thể xảy ra trong thế giới doanh nghiệp không khoan nhượng ngày nay”. Xin bạn hãy suy nghĩ lại. Lòng khoan dung độ lượng và lòng nhân ái là những thế lực mạnh mẽ, vô tận và chúng tồn tại trong giới doanh nghiệp cũng thường xuyên như trong những mối quan hệ thân thuộc ở thời Kinh Thánh hay thời nay. Thậm chí hai đức tính này còn có thể được thấy ở những doanh nghiệp “cắt cổ” như quảng cáo.

Tại đại lý của Leo Burnett, nhân viên Jerry Reitman nhớ lại một lần anh ta đã thua trong cuộc tranh luận với Ao Lira, trưởng phòng sản xuất. “Nhưng tôi đã thua một cách thảm hại. Al nhận thấy điều đó. Cuối cùng, có một hôm chúng tôi đi ngược chiều nhau trong sảnh đường, anh ấy đã kéo tôi lại, ôm tôi một cách thân mật, hôn lên má tôi, rồi bước đi. Hôm đó tôi đã học hỏi được từ anh ấy lòng nhân đạo”. Jacob và Esau cũng không thể hòa giải một cách cảm động hơn được.

“Hãy yêu quý cả kẻ thù của mình, hãy đối xử tốt với họ… bạn sẽ nhận được những điều tốt đẹp”. (Luke 6:35) Yêu cầu này có thể áp dụng được với những người như Reitman và Lira, nhưng cũng có thể áp dụng cho những công ty như Nissan và Smucker’s. Vào cuối những năm 1980 tại Nissan diễn ra một cuộc chạy đua vào công đoàn, trong đó công đoàn đã thất bại. Ngay khi cuộc bầu cử kết thúc, Jerry Benefield, Chủ tịch Tập đoàn đã xuất hiện trên truyền hình để truyền đạt một thông điệp mang đầy lòng bao dung và nhân ái. “Tôi yêu cầu những người thuộc phía công ty đừng nên hả hê… và tôi yêu cầu những người thuộc phe công đoàn hãy tiếp tục là những thành viên tốt trong nhóm, đừng thù oán lẫn nhau cho dù chúng ta thuộc về phe nào đi nữa, như trước kia”.

Tại Smucker’s, công đoàn thấy dễ bày tỏ thái độ khoan dung với cấp quản lý hơn vì họ đã đối xử tử tế với nhân viên, chủ yếu dựa trên những nguyên tắc của dòng Tin Lành Amish/Mennonite do các nhà sáng lập công ty đề ra. Khi một nhân viên mất sạch mọi thứ trong một vụ hỏa hoạn, những nhân viên khác thu thập mọi việc giúp cô ta. Nhưng người đứng đầu Công ty Tim Smucker cũng “hỗ trợ thêm”. “Sáu bảy tháng sau họ còn hỏi, ‘Cô còn cần thứ gì nữa không?’” người nhân viên nói với sự ngạc nhiên.

Liệu còn ai nghi ngờ rằng lòng nhân ái và bao dung có thể tồn tại trong các mối quan hệ lao động của công ty nữa không? Người đại diện công đoàn của Smucker’s đã mô tả họ là một công ty bạn “không thể ghét bỏ”: “Thật vinh hạnh khi được đại diện cho một công đoàn chống lại họ, bởi vì họ rất dễ cộng tác… Họ thực sự quan tâm đến nhân viên”.

Quan tâm và cảm thông

Các nhà lãnh đạo thời Kinh Thánh luôn thể hiện sự quan tâm đến những môn đồ của mình. Chúa Jesus là một trong những nhà lãnh đạo chu đáo nhất mọi thời đại. Người đã khóc khi chứng kiến cái chết của Lazarus (John 11:25-36), cho dù Người có đủ quyền năng cứu sống anh ta! Vào một thời điểm khác trong hành trình, Người đã “dừng lại và thấy một đám đông lớn, Người vô cùng xót thương họ, vì họ giống như một bầy cừu không có người chăn dắt”. Người giảng giải cho họ những lời lẽ mới mẻ, và khi nhận thấy họ đang đói, chẳng có gì để ăn, Người đã biến năm ổ bánh mì và hai con cá thành một bữa ăn thịnh soạn cho hàng ngàn người. (Mark 6:34-44) Jesus thực hiện những phép màu như vậy không phải để gây ấn tượng cho người khác về quyền năng “biến hóa” ra lương thực, mà là vì lòng nhân ái và lòng trắc ẩn. Công ty Ben & Jerry’s cũng khởi xướng “ngày bột mỳ miễn phí” trên cùng một tinh thần như vậy và họ nhận thấy những việc thiện thường đem lại cho công ty một hình tượng tốt đẹp cũng như một khoản lợi nhuận kha khá.

Ở thời Kinh Thánh cũng như trong thế giới doanh nghiệp thời nay, người ta hăng hái đi theo những người lãnh đạo quan tâm tới họ. “Họ chẳng quan tâm xem bạn biết những gì cho tới khi họ biết được bạn quan tâm đến họ như thế nào” không phải là lời nói sáo rỗng. Lại một lần nữa, thực tế đã chứng minh rằng sự quan tâm thực sự sẽ giúp làm tăng lòng trung thành của nhân viên và (trớ trêu thay) tạo ra những thành quả tốt đẹp hơn những lời cổ vũ lạnh lùng, bắt người khác phải làm nhiều, sản xuất nhiều hơn nữa.

Morgan McCall và Michael Lombardo đã tiến hành một cuộc khảo sát trên phạm vi rộng về “những yếu tố thành công” và “những yếu tố thất bại” để thành công trong công tác quản trị. Hai yếu tố hàng đầu dẫn đến thất bại là:

Herb Kelleher của Hãng hàng không Southwest Airlines nổi tiếng vì thái độ quan tâm chu đáo, “tôi ở cùng chiến tuyến với bạn”. Ông mang hành lý cùng nhân viên khuân vác và phục vụ những khách hàng tầm thường cùng các chiêu đãi viên. Ông nhận thấy một người lãnh đạo thực thụ cần “một nước sơn bóng tinh thần… Tôi thấy rằng bạn phải ở bên các nhân viên để vượt qua các khó khăn, rằng bạn phải quan tâm tới từng người”. Việc Kelleher cùng đi với một người khuân hành lý hoặc một nhân viên nào khác sau giờ làm việc và dành nhiều thời gian lắng nghe và giúp họ giải quyết các rắc rối mà họ gặp phải cũng chẳng còn là điều gì mới mẻ. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi coi trọng nhân viên hơn cả… Nếu bạn đối xử tử tế với họ, họ sẽ đối xử tử tế với khách hàng, và nếu bạn đối xử tử tế với khách hàng thì khách hàng sẽ quay lại”.

Trong nền kinh tế thiếu vắng trầm trọng lòng trung thành ngày nay thì thật khó giữ chân các chuyên viên kỹ thuật. Sandy Weill, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hãng Citigroup, đã giữ chân được nhiều chuyên viên thuộc nhóm này hơn nhờ bỏ tiền (và hy sinh cả bản thân mình) để thực hiện những điều đã nói. “Tôi cho rằng đó chính là sự tận tâm của giới quản lý cấp cao đối với những nhân viên thuộc nhóm này”, ông nhận xét. “Họ cần biết rằng các quản lý cấp cao quan tâm tới họ. Có nhiều đêm tôi đã ngủ trên sàn phòng máy tính, vì họ cố gắng tiến hành một việc gì đó”.

Dave Komansky, Giám đốc điều hành của Hãng Merrill Lynch nói, “Mọi người cần biết bạn quan tâm tới họ. Điều đó không có nghĩa là bạn cứ chạy theo để lấy lòng họ, hoặc bạn bỏ qua lỗi lầm, hoặc bạn chẳng dám nói không. Nhưng họ phải biết rằng bạn quan tâm tới từng người một”.

Thường thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay quá dễ dàng hy sinh một vài (hoặc có khi rất nhiều) cá nhân vì mục đích “tiến bộ hơn” hoặc để giữ cho doanh nghiệp tồn tại. Gần đây việc giảm biên chế ở các công ty thường được bào chữa bằng lý lẽ “nếu chúng tôi không vứt bớt rác rưởi thừa ra khỏi con thuyền, tất cả sẽ cùng chìm” (nghe có vẻ hơi giống câu chuyện của Jonah, người bị “tống cổ” một cách rất trớ trêu khi các thủy thủ ném ông ta ra khỏi thuyền).

Ít nhất thì những nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái hơn cũng cho những người bị thải hồi “phao cứu hộ”. Ví dụ như Randall Tobias của Eli Lilly quyết định chọn một nhóm nhân viên để cho nghỉ hưu sớm kèm theo một năm lương thay vì sa thải họ hoàn toàn với khoản tiền ít ỏi hơn cho mỗi người. Người lãnh đạo giàu lòng nhân ái nhận thấy rằng bất cứ nhân viên nào bị đối xử tàn tệ hoặc những nhu cầu của anh ta không được đáp ứng, tất cả mọi người sẽ biết, và người lãnh đạo sẽ bị lu mờ.

Chúa Jesus tin vào lòng nhân ái ngài dành cho tất cả những môn đồ thật sự và những môn đồ sau này của người: “Nếu một người có một trăm con cừu, một con trong số đó đi lạc, liệu anh ta có bỏ 99 con cừu lại trên đồi và đi tìm con bị lạc kia không? Và nếu tìm được… anh ta sẽ vui vẻ vì tìm được con cừu đó hơn là vì 99 con kia không đi lạc”. (Matthew 18:12-13)

Đối với Gary Heavin của Hãng Curves for Women, mối quan tâm tới tất cả “bầy cừu” này không chỉ dành cho nhân viên, mà còn dành cho cả khách hàng nữa. Ông cho biết: “Bất cứ cơ sở chi nhánh nào cũng có thể gọi cho tôi, và tôi có trên 3.000 chi nhánh. Có một cơ sở gọi cho tôi về việc của một khách hàng (và tôi có tới hơn nửa triệu khách hàng). Cô ta đã giảm cân nhưng lại bỏ chương trình luyện tập. Tôi phải dành thời gian viết thư và gửi cho cô ta một bản chép tay cuốn sách của tôi”. Giờ đó là một nhà lãnh đạo đi tìm từng con cừu một.

Morrison và Forster là một hãng luật với tính ưu ái kỳ lạ − họ đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn tới nhân viên của hãng hơn là tới giờ làm việc hoặc hiệu suất công việc. Một nhà tuyển dụng thay mặt công ty phát biểu: “Chúng tôi không thể tha thứ cho những đối tác có hành vi lạm dụng nhân viên của chúng tôi, cho dù đó là những nhân vật cấp cao hay ‘quan trọng’ đến thế nào đi nữa”. Nhà tuyển dụng này nói thẳng với các luật sư và các thực tập sinh mới vào làm rằng: “nhân viên là kho báu đối với chúng tôi và không được đối xử với họ thiếu trân trọng hơn… Bất cứ ai nói năng hách dịch hoặc coi thường người khác… thì hãy thực sự coi chừng đấy”.

Tại Fel-Pro, một nhà máy ở Skokie, Illinois, sự chu đáo đã trở thành một phong cách sống. Mỗi nhân viên được nhận một khoản trợ cấp lớn hơn, được thêm một ngày lương (và một bữa trưa miễn phí) vào ngày sinh nhật, một con gà tây miễn phí vào Giáng Sinh, và một hộp sôcôla vào ngày Lễ Tình nhân. Có lẽ quan trọng hơn là tình cảm chứa đựng bên trong những hành động này. “Bạn cho đi một cách tự nhiên hơn, chứ không phải vì cảm thấy đó là nghĩa vụ phải thực hiện… Bạn cảm thấy họ quan tâm tới bạn, nên bạn cũng phải quan tâm tới họ”, một nhân viên cho biết.

Tại nhiều công ty, những người làm việc 60 giờ một tuần thường được “khuyến khích” cho tới khi họ kiệt sức. Một nhân viên của Fel-Pro đã rất ngạc nhiên khi ông chủ gọi riêng cô ra và nói: “Cô đang làm việc quá nhiều. Chúng tôi đánh giá cô rất cao. Cô đang kiệt sức đó. Tuần này cô đừng nhận thêm việc về nhà nữa nhé”. Cô nói thêm: “Và họ thật sự nói chuyện nghiêm chỉnh!”

Tình yêu thương

Tình yêu thương đương nhiên có một vị trí nổi bật trong Kinh Thánh. Nếu không có lòng yêu thương giúp họ chống đỡ với hoàn cảnh, người Hebrew đã không thể nào sống sót sau bao nhiêu đày đọa và làm tròn được lời hứa với Chúa, với đất nước và với lẫn nhau. Nếu không có tình yêu thương gắn bó lẫn nhau, những môn đồ đã trở thành một nhóm thiếu “đoàn kết” và thiếu tinh thần trách nhiệm. Thực ra, chính tình yêu thương đó đã có thể giúp họ vượt qua cái chết hiển nhiên của người lãnh đạo do hành vi phản bội của Judas Iscariot, một người thuộc nội bộ nhóm.

Kinh Thánh đã phải nói gì về tình yêu thương?

“Yêu thương là kiên nhẫn, yêu thương là tốt bụng, không bao giờ vui vẻ trước bất công. Yêu thương không bao giờ bỏ cuộc… không bao giờ mất niềm tin”. (1 Cor. 13:4)

“Lẽ ra chúng ta có thể là gánh nặng cho các người, nhưng chúng ta sẽ đối xử dịu dàng với các người, như người mẹ chăm sóc con mình. Chúng ta yêu quý các người tới mức sẵn lòng chia sẻ với các ngươi không chỉ Cẩm nang của Chúa mà cả cuộc đời của chúng ta”. (1 Thess. 2:7-9)

“Hãy khoác lên mình tấm áo của lòng nhân từ, tốt bụng, khiêm nhường, dịu dàng và kiên nhẫn… Và bên ngoài những đức tính này hãy khoác lên mình tình yêu thương để giữ tất cả những đức tính này bên nhau trong một sự hòa hợp hoàn hảo”. (Col. 3:12-14)

“Nếu ta nói bằng tiếng nói của con người và của các thiên thần, nhưng thiếu tình yêu thương, ta sẽ chỉ còn là một tiếng chuông hay tiếng chũm chọe kêu vang… Nếu ta có tài tiên tri và có thể biết được mọi điều bí ẩn… và nếu ta có niềm tin dời non lấp biển, nhưng nếu thiếu tình yêu thương, ta chẳng còn là gì. Nếu ta tặng cho những người nghèo tất cả mọi tài sản của ta rồi hy sinh thân mình trong ngọn lửa, nhưng không có tình yêu thương, ta chẳng đạt được gì”. (1 Cor. 13:1-3)

Đó là những tình cảm cao thượng, lớn lao chắc chắn sẽ xuất hiện trong một cuốn sách thánh hoặc nơi nhà thờ. Nhưng có thực là tình yêu thương cũng tồn tại trong thế giới kinh doanh lạnh lùng, không khoan nhượng, đầy tư lợi, chỉ biết có tiền bạc hay không? Hay là chúng ta lại phải trở thành những kẻ đạo đức giả? Hãy hỏi một số trong những nhà quản lý cấp cao thành đạt nhất hiện nay.

Herb Kelleher của Hãng hàng không Southwest Airlines có lẽ là Giám đốc điều hành theo phái Phúc âm nhiệt thành nhất với động cơ là tình yêu thương. Ông thẳng thừng phát biểu: “Chúng tôi muốn có một công ty được điều hành bởi tình yêu thương chứ không phải bằng sự sợ hãi”. Đây chính là lời diễn giải, vô tình hay chủ ý, đoạn trích 1 John 4:18: “Tình yêu thương hoàn hảo có thể đẩy lùi sự sợ hãi”. Đường băng bay khỏi Dallas của hãng mang tên Love Field (Cánh đồng Tình yêu), ký hiệu của hãng trên thị trường chứng khoán là “Luv”, tạp chí riêng của hãng mang tên Luv Line, và khẩu hiệu trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hãng là “Hai mươi năm Yêu thương”.

Những lời khoa trương sáo rỗng? Chỉ là “những thanh âm thánh thần của một quả chuông âm vang”? Hãy hỏi các nhân viên. Một người cho biết: “Herb yêu quý chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu quý ông ấy. Chúng tôi yêu quý lẫn nhau. Chúng tôi yêu công ty [nghe như một kiểu hội hè Woodstock của ngành hàng không, chỉ có điều thêm vào nhiều điều bổ ích hơn]. Khách hàng chính là một trong những người đầu tiên được lợi từ mối quan tâm chung của chúng tôi”.

Một ví dụ khác là Gore-Tex, một công ty có “kết cấu kỳ công”, được thành lập trên cơ sở của tình yêu thương cũng chắc chắn như trên cơ sở sự đổi mới về mặt khoa học. Shanti Mehta, Giám đốc tài chính của hãng cho biết: “Bill Gore chẳng bao giờ ngồi ở văn phòng và gọi tôi tới. Ông luôn tự mình tới văn phòng của tôi, ngồi tại bàn của tôi… Ông thực sự là suối nguồn nơi tình yêu thương [lại một từ ngữ phi kỹ thuật] chảy suốt trong công ty… Sau khi ông qua đời, trách nhiệm công việc này trút thẳng xuống vai của tất cả chúng tôi”.

Ben Cohen của hãng Ben & Jerry’s nhận thấy tình yêu thương cũng là một gia vị quan trọng như kem đặc hay sôcôla hạnh nhân trong kem của hãng: “Khi ban phát tình yêu thương, bạn cũng sẽ nhận được tình yêu thương… trong kinh doanh cũng có mặt tinh thần giống như trong cuộc sống của mỗi người vậy”.

Pamela Coker, Giám đốc điều hành của Acucobol, một công ty phần mềm thành đạt, lại đề xướng một tình yêu thương bao la: “Hãy yêu quý các khách hàng, nhân viên, cổ đông, nhân viên bán hàng, và cả cộng đồng… rồi lợi nhuận sẽ đến”. Mỗi tháng công ty cử một đại diện gọi tới cho từng khách hàng và mỗi năm khách hàng được nhận quà hai lần. Gia đình và bạn bè, không chỉ nhân viên, đều được mời tới tất cả các buổi lễ của công ty. Coker nói, “Tôi hứa sẽ giúp mọi nhân viên của Acucobol đạt được ước mơ của họ”.

Không phải lúc nào ngành viễn thông cũng được tiếng là giàu tình yêu thương và lòng nhân ái. Nhưng hãy nghe hai “người khổng lồ” trong ngành này nói về sự thiết yếu của hai đức tính này:

“Nếu lâm vào tình trạng suy thoái, chúng tôi cũng không sa thải nhân viên; công ty nên hy sinh lợi nhuận. Đó là rủi ro và trách nhiệm của cấp quản lý. Nhân viên không có lỗi gì trong chuyện này thì tại sao họ lại phải chịu hậu quả?” (Akio Morita, Giám đốc điều hành của Hãng Sony)

“Phương châm kinh doanh của cha? Chỉ gói gọn trong năm từ: yêu thương và thành đạt. Và sẽ không bao giờ có được thành đạt mà thiếu yêu thương. (Robert Galvin, cựu Giám đốc điều hành của hãng Motorola, nói với Chris, con trai và là người kế nhiệm ông, người sẽ đưa nguyên tắc này vào thực hiện trong thế hệ sau).

Nhân từ. Khoan dung. Độ lượng. Yêu thương. Những phẩm chất muôn thuở này đang dần quay trở lại tại các phòng họp ban quản trị, các văn phòng, các nhà máy và hy vọng là cả tại gia đình chúng ta, vốn thường bị ảnh hưởng bởi không khí tại công ty. Có lẽ đôi lúc sự tiến bộ này còn thất thường, nhưng là một xu hướng chung, những lời từ đoạn Ezekiel 11:19 đang được thể hiện thường xuyên hơn, mạnh mẽ và có sức thuyết phục hơn: “Ta sẽ lấy đi trái tim sắt đá của họ và thay cho họ trái tim nhân hậu hơn”.

NHỮNG BÀI HỌC TỪ KINH THÁNH VỀ LÒNG NHÂN ÁI

Làm theo “Nguyên tắc vàng” không chỉ khiến người khác “dễ chịu hơn”, mà còn góp phần xây dựng mục tiêu chung nhờ làm tăng lòng trung thành và hiệu suất làm việc của nhân viên.

Khuyến khích những hành động tử tế bằng những phần thưởng mang giá trị vật chất và sự công nhận mang tính tinh thần.

Bạn không thể trông chờ nhân viên đối xử tử tế với nhau và với khách hàng nếu lãnh đạo đối xử với họ chẳng ra gì.

“Chia sẻ vật chất” thường được đền đáp xứng đáng bằng việc tăng cường lòng tận tâm và tạo dựng một “miếng bánh lớn hơn”.

Bao dung độ lượng là một trong những hành động uy quyền nhất mà một nhà lãnh đạo có thực hiện.

Để đạt được những mục tiêu nhóm, đừng bỏ qua những nhu cầu cảm xúc của từng người; hãy trông nom từng con cừu, đừng chỉ chú ý tới “cả đàn”.

Coi trọng người khác và thể hiện cho họ thấy rằng mối quan tâm của bạn không hề riêng biệt lẫn nhau; thực ra những mối quan tâm này còn có thể củng cố lẫn nhau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.