Kinh Thánh Về Nghệ Thuật Lãnh Đạo

LỜI GIỚI THIỆU



Có thể bạn sẽ tự hỏi Kinh Thánh thì có liên quan gì tới khả năng lãnh đạo? Câu trả lời là Kinh Thánh liên quan tới mọi mặt! Chắc chắn Kinh Thánh là cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới. Cuốn sách này được người ta tôn kính vì những châm ngôn, giáo huấn, vì sự uyên thâm ẩn chứa trong đó, và vì sự lôi cuốn hấp dẫn về mặt văn chương trong đó. Hãy đọc Kinh Thánh thật kỹ và dưới một góc độ khác, bạn sẽ thấy đây còn là một tuyển tập vĩ đại nhất về tài năng lãnh đạo qua các nhân vật cụ thể, đầy ắp những bài học vô cùng bổ ích và sâu sắc dành cho các nhà lãnh đạo và quản lý ngày nay. Chính những câu chuyện và những nhân vật trong Kinh Thánh đã tạo nên một số hình mẫu mang tính toàn cầu về khả năng lãnh đạo tài tình nhất (nhưng cũng có cả những điều tệ hại nhất).

Chúng ta hãy cùng xem xét một số những nhà lãnh đạo và quản lý thời Kinh Thánh và những bài học rút ra cho những nhà quản lý thời nay:

• Jacob, mặc dù không có sức mạnh như người anh trai Esau dũng mãnh, nhưng lại chiếm được quyền thừa kế của người anh bằng cách kêu gọi sự giúp đỡ từ “quyền lực phía sau ngai vàng” (mẹ ông ta) để lung lạc vị giám đốc điều hành (cha ông ta).

• Joseph, bị đày ải do lòng đố kỵ của người em trai khi thấy ông được người cha là Jacob sủng ái, buộc phải đi theo kẻ thù là người Ai Cập. Tại đây, ông thâm nhập vào hoàng cung, gây ảnh hưởng đến Pharaoh, và cuối cùng ông đưa cả gia đình và bộ tộc của mình tới đây sinh sống, trở thành một thế lực vô cùng hùng mạnh. Tuy nhiên, sự “liên kết” giữa người Do Thái và người Ai Cập chẳng được bao lâu lại dẫn đến một chuỗi những rắc rối trong giới lãnh đạo.

• Moses, người phải kế thừa những rắc rối trên, là một người lãnh đạo rất ít nói, đến mức anh trai ông là Aaron thường phải nói thay cho ông. Nhưng sức mạnh tầm nhìn và sự tận tâm của ông với sứ mệnh của dân tộc Do Thái đã giúp ông có khả năng nhìn xa trông rộng, trở thành một người lãnh đạo mà nhân dân sẽ đi theo bất chấp những khó khăn trở ngại nghiệt ngã nào. Nhiều doanh nghiệp ngày nay cũng phải trải qua những thời kỳ khó khăn, nhưng rất ít trong số đó phải trải qua việc lang thang trong sa mạc (theo nghĩa đen hay nghĩa bóng) trong 40 năm. Mười điều răn của Chúa là một tuyên ngôn tối cao về sứ mệnh.

• Joshua kế vị Moses, sự chuyển giao quyền lực này là một ví dụ về việc lập kế hoạch liên tục thông suốt, kèm theo sự can thiệp của thần thánh. Cần phải có một nhà lãnh đạo vĩ đại và có sức hút để thay thế Moses lãnh đạo người dân Do Thái tới Miền đất Hứa. Khả năng lập kế hoạch chiến lược thiên tài của Joshua đã giúp người Do Thái thực sự chinh phục những pháo đài bất khả xâm phạm.

• Samson là một trong những nhân vật xấu xa điển hình nhất trong lịch sử. Ông ta có một sức mạnh vĩ đại nhưng lại vô cùng mù quáng trong việc đánh giá con người. Người ông ta kính trọng nhất cũng là người khiến ông ta sợ nhất, người đã khiến ông ta thất bại. Samson đã bị một người phụ nữ mà ông ta tưởng là bạn, nắm được điểm yếu. Từ câu chuyện này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay có thể rút ra được rất nhiều bài học.

• Job gặp nhiều khó khăn hơn bất cứ nhà quản lý doanh nghiệp nào ngày nay nhưng ông vẫn trung thành với niềm tin và tầm nhìn của mình. Trường hợp của ông có thể là bài học bổ ích cho các doanh nhân thời nay: tuyệt đối trung thành với mục tiêu, bất chấp mọi khó khăn, trở ngại và nghi ngờ.

• Jesus, con trai của một người thợ mộc, sinh ra trong máng cỏ, đã đứng lên lãnh đạo một tôn giáo có đông tín đồ nhất thế giới. Kỹ năng giao tiếp của Jesus thật tuyệt vời. Ông có thể truyền bá các tư tưởng mới mang tính cách mạng đầy thuyết phục bằng cách sử dụng các câu tục ngữ hoặc dụ ngôn thay vì giải thích trực tiếp và ông có thể trả lời những câu hỏi bẫy của Pontius Pilate mà không hề thể hiện rằng mình đã phản bội La Mã hoặc đang cố gắng thể hiện trước mặt những tín đồ của mình. (Pilate hỏi: “Ngài là Đức vua của dân Do Thái?” Jesus trả lời: “Ngài nói tôi là Đức vua của họ”). Bài Thuyết pháp trên Núi là một ví dụ điển hình về kỹ năng khuyến khích, không chỉ tác động đến một nhóm nhỏ mà là hàng triệu người trong hàng triệu nhóm người từ đó tới nay.

Kinh Thánh nói rất nhiều về những con người này cũng như những nhà lãnh đạo khác − những nhà vua, nhà tiên tri, các chiến binh, các vị tham mưu và những người biết nhìn xa trông rộng. Đây là chuyện tiên đoán đúng và sai, những của cải được và mất, những tổ chức ra đời và sụp đổ. Người ta có thể còn ngờ vực tính nguyên bản của Kinh Thánh, nhưng những bài học và câu chuyện trong cuốn Kinh Thánh này đã được coi là những nguyên mẫu chung có ảnh hưởng lớn tới cung cách con người chúng ta sinh sống theo một mức độ tâm lý, tôn giáo và biểu tượng sâu sắc.

Vậy tại sao chúng ta lại không áp dụng sự thông thái về lãnh đạo trong cuốn Kinh Thánh này vào kinh doanh? Tôi viết cuốn sách này chỉ vì mục đích đó, xem xét lại những “câu chuyện” thu hút nhất trong Kinh Thánh và so sánh với những thách thức mà một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công nhất hiện nay phải đối mặt và đã vượt qua được. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu những đức tính và kỹ năng của những nhà lãnh đạo thành công thời Kinh Thánh cũng chính là những đức tính và kỹ năng có thể thấy ở các nhà lãnh đạo thành đạt nhất ngày nay:

• Chính trực và trung thực

• Có mục tiêu rõ ràng

• Giàu lòng nhân ái và trắc ẩn

• Khiêm nhường

• Kỹ năng giao tiếp

• Kỹ năng quản lý

• Phát triển nhóm

• Lòng can đảm

• Sự công bằng

• Phát triển kỹ năng lãnh đạo

Cuốn sách này chủ yếu tập trung vào kinh doanh, và hầu hết những trường hợp đưa ra nghiên cứu ở đây đều là những câu chuyện về kinh doanh. Nhưng trong Kinh Thánh còn có những bài học dành cho các nhà lãnh đạo chính trị, thể thao, nghệ thuật và thậm chí cả tôn giáo nữa. Bạn sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích cho dù bạn đang lãnh đạo một doanh nghiệp, một tổ chức chính trị, một lực lượng đặc nhiệm, một đội vận động viên thể thao, một dàn nhạc giao hưởng, hay một tổ chức tôn giáo nào đó như nhà thờ hay giáo đường (bởi bạn đang nắm trong tay một trong những công cụ quản lý hàng đầu thế giới − Kinh Thánh).

Cho dù lĩnh vực lãnh đạo của bạn là gì đi nữa thì mong ước tha thiết nhất của tôi là qua nghiên cứu những thách thức dành cho những nhân vật lãnh đạo vĩ đại trong Kinh Thánh, bạn sẽ có được lời chỉ dẫn và nhận được nguồn cảm hứng để đối mặt với những thách thức về kỹ năng lãnh đạo của riêng mình.

LORIN WOOLFE

Cuốn sách này tôi xin dành tặng cho Judy, Becca, Talia và Sascha, vì đã nhắc nhở tôi hàng ngày về mục đích thực sự của mình và về những bí mật riêng của tất cả chúng ta.

– Tên sách trong Kinh Thánh, đoạn : câu

Ví dụ: Prov. 24:26: Châm ngôn, đoạn 24 : câu 26

Acts 20:32-37: Công vụ Tông đồ, đoạn 20 : câu 32 đến 37

– Quyển, Tên sách trong Kinh Thánh, đoạn : câu

Ví dụ: 1 Kings 21:7: Các vua, quyển 1, đoạn 21 : câu 7

1 Sam. 12:1-4: Samuel, quyển 1, đoạn 12 : câu 1 đến 4


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.