Kỹ Năng Buông Bỏ
Chương 10: Đối Mặt Với Sự Mất Mát
Một trong những thứ khó đối diện nhất chính là sự mất mát, ví dụ như mất việc làm, mất nhà cửa, mất người thân.
Tuy nhiên, ta cũng chịu ảnh hưởng bởi những mất mát nhỏ hơn hàng ngày, ví dụ như mất hợp đồng, mất sức khỏe tạm thời, mất đi viễn cảnh về thằng tôi thành đạt khi đang phải hứng chịu thất bại.
Những mất mát dù lớn hay nhỏ đều khiến ta khổ. Sự đau khổ vì mất mát là một phần của cuộc sống, nhưng không nhất thiết phải tác động mạnh đến đời ta như ta nghĩ. Ta hay có thói quen kéo dài sự đau khổ một cách không hề đáng.
Ví dụ:
– Li cà phê tôi thích bị vỡ. Đây là một sự mất mát, và tôi thất rất buồn, dĩ nhiên. Tuy nhiên, lúc này tôi có thể buông bỏ và tiếp tục sống, khi đó nỗi đau vỡ li không ảnh hưởng gì lắm. Tuy nhiên, thói thường là tôi sẽ nổi điên với bất kì kẻ nào dám làm vỡ cái li yêu dấu của tôi, thậm chí cạch mặt họ một thời gian. Tôi sẽ tự hỏi: “Trời ơi, tại sao lại là cái li của mình?” Và bắt đầu khổ sở một thời gian, thầm mong cái li bỗng vẹn nguyên, lòng thì trách cứ cuộc đời bất công vô đối. Nỗi đau kéo dài hoàn toàn là do tôi, chứ không phải là vì cái li vỡ. Tôi cứ níu kéo cái viễn cảnh lí tưởng (tôi vẫn còn cái li lành), mà không chấp nhận thực tại là nó đã vỡ rồi.
– Amir mất việc. Dĩ nhiên đây là một biến cố lớn, và dĩ nhiên đời anh sẽ không còn được như lúc trước. Mất việc là một cú đấm thẳng vào cái tôi, nên việc Amir đau khổ cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng ngay lúc này, anh có thể buông bỏ sự mất mát, chấp nhận thực tại mới (thất nghiệp), và tìm cách bước tiếp. Anh có thể tìm việc mới, tìm nơi ở mới rẻ hơn, bán bớt xe xịn và đi xe đạp… Hoặc anh có thể nổi điên lên vì mất việc, dằn vặt, đau khổ. Nỗi đau này tiếp tục ảnh hưởng đến những cuộc phỏng vấn trong tương lai, thậm chí khiến anh không có những quyết định sáng suốt nữa. Anh có thể bắt đầu cãi nhau với bạn gái vì cảm thấy phẫn uất.(1) Sự khổ sở này do Amir tạo ra, chứ không phải là do mất việc.
(1)Ngay tại thời điểm viết dòng này, dịch giả vừa được nhóc bán quán cà phê thông báo là bị chôm nón bảo hiểm.
– Tomas, chồng của Petra có người mới và đâm đơn li dị. Dĩ nhiên là Petra đau đớn và giận dữ vì bị phản bội, vì mất đi một người chồng, một người bạn tâm giao. Điều này hoàn toàn tự nhiên, và không có gì sai trái khi Petra cảm thấy đau khổ hay giận dữ. Thực tế là nhiều người chọn cách chối bỏ cảm xúc của mình thay vì chấp nhận, khiến mọi thứ tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, sau phản ứng đầu tiên đó, Petra có thể chọn, hoặc buông bỏ cuộc sống trong quá khứ (một người phụ nữ có gia đình với anh chồng Tomas ở bên) và chấp nhận thực tại mới (một phụ nữ vừa li dị), sau đó tìm những hành động phù hợp, làm mới cuộc đời và bản thân. Cơ hội làm mới này đồng nghĩa với sự tự do. Hoặc là Petra có thể chìm đắm trong nỗi đau mất mát và nỗi tủi nhục khi bị phản bội. Petra có thể thầm ước cuộc đời mình khác đi, tự hỏi tại sao Tomas không yêu mình nữa, thầm theo dõi Facebook anh hàng ngày và ngồi rủa bạn gái mới của anh. Cô có thể cay đắng cả tháng trời, ăn để bớt buồn, bắt đầu thừa cân và mất đi sức khỏe, không còn muốn hẹn hò ai vì vẫn còn dính với Tomas. Cô bắt đầu chán ghét bản thân mình và nghĩ mình xấu xí. OK, những gì tôi mô tả có thể hơi quá đà, nhưng nhiều người vẫn hay chọn cách này và trải qua những trạng thái tương tự. Petra đã làm tổn thương chính mình khi không chịu buông bỏ.
– Cha của Justin sắp mất vì bệnh ung thư. Dĩ nhiên Justin rất đau buồn, bởi vì anh phải đối mặt với nỗi đau mất cha trong vòng một năm nữa. Tuy nhiên, nỗi đau của anh có thể sẽ khiến cha anh càng khó vượt qua thời điểm khó khăn này hơn, bởi thay vì tập trung tìm cách giúp cha, anh lại tập trung vào nỗi đau của riêng mình. Thay vì tận hưởng những khoảnh khắc còn cha bên mình và chấp nhận thực tại, anh lại nghĩ đến những điều sẽ xảy đến trong tương lai, và không thể buông bỏ nỗi đau này. Lẽ ra anh đã có thể buông bỏ tương lai, cũng như những viễn cảnh mà anh mơ ước (cha anh không phải chết), và chấp nhận thực tại, chấp nhận nỗi đau của mình. Anh có thể chấp nhận rằng người cha đang dần mất đi sự sống này là người cha duy nhất anh có (anh không còn người cha khỏe mạnh trước kia nữa), và trân trọng ông trong hiện tại. Justin có thể nhìn thấu những nỗi đau mà cha anh đang phải trải qua, chấp nhận và thông cảm với ông. Justin có thể trân trọng từng phút giây anh có với cha, trân trọng sức khỏe của chính mình, trân trọng những gì cha đã cho anh trong suốt quãng đời mình.
Tuy sự mất mát rất khó đối diện và cực kì đau khổ, nhưng dù sự mất mát ấy có lớn đến đâu, ta vẫn có thể tự mình kéo dài hay rút ngắn thời gian đau đớn phụ thuộc vào kĩ năng buông bỏ của chính mình.
Ta có thể buông bỏ sự mất mát như thế nào? Đầu tiên chỉ cần chấp nhận cảm xúc hiện tại của bản thân. Buồn bực, đau đớn khi mất mát không có gì xấu cả. Tuy nhiên, sau quãng thời gian đau buồn ban đầu này, ta có thể nhìn nhận rằng mình đang bám víu lấy quá khứ cũng như các viễn cảnh phi thực tế trong tương lai, thay vì chấp nhận thực tại. Và chính sự bám víu này lại làm ta đau đớn.
Nhìn thẳng vào nỗi đau sẽ giúp ta buông bỏ, bởi ta có lựa chọn: hoặc tiếp tục bám víu vào quá khứ và đau khổ, hoặc buông bỏ, chấp nhận thực tại và bớt buồn hơn.
Sau đó, ta có thể tập trung chú ý vào thực tại và nhìn thấy mặt tích cực của cuộc sống. Hãy trân trọng những thứ ta có trước mắt và tìm kiếm cơ hội gầy dựng lại. Hãy tìm kiếm sự cảm thông cho chính mình và những người xung quanh đang phải chịu nỗi đau tương tự. Hãy chấp nhận cuộc sống mới, bởi đó là cuộc sống duy nhất ta đang có trong thời khắc này.
Những điều đơn giản ấy chính là kĩ năng buông bỏ, và kĩ năng này sẽ giúp ta đối diện với bất kì mất mát nào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.