Kỹ Năng Buông Bỏ

Chương 9: Đối Mặt Với Sự Thay Đổi



Chân lí là bất kì điều gì – bất kì người nào, bất kì tình huống nào, bất kì vật thể nào, bất kì cơ thể sống nào – cũng đều vận động và thay đổi.

Con người không phải là thực thể tồn tại vĩnh viễn không thay đổi. Ngay cả bản thân ta cũng đều thay đổi hàng giờ. Có thể ta vẫn giữ một số tính chất cũ nào đó, nhưng ta không còn là ta của ngày hôm qua nữa. Ai cũng vậy cả.

Ngay cả những vật thể trông có vẻ đang đứng yên cũng luôn vận động.

Những thứ này đang phân rã, cũ kĩ hơn, hóa thạch, bị bào mòn…

Sự bất ổn này thật đáng sợ, nhưng cũng thật tự do.

Khi ta có thể nhìn vào bản chất bất ổn của mọi thứ quanh mình, ta sẽ thấy được rằng mình luôn cố gắng nắm giữ thứ không thể giữ, cứ như giơ tay cố níu cơn gió thoảng vậy. Ta cố nắm bắt những thứ không bao giờ đứng yên, và làm đau chính mình. Đó là lí do tại sao ta lại sợ, tại sao ta lại chần chừ, tại sao ta lại xao nhãng, bị stress, nóng giận và bực bội.

Sự thay đổi, bất ổn cùng với sự mất mát đi kèm (ta luôn mất đi cuộc sống, mất đi chính mình trong quá khứ) thật sự là rất đáng sợ. Ta muốn mọi thứ giữ nguyên như cũ, nhưng không thể. Đó là lí do ta đau.

Ta nên làm gì để đối mặt với nỗi sợ về sự thay đổi, sự bất ổn và mất mát này? Đơn giản là chấp nhận thực tại. Đó là cách vận hành của cuộc sống. Ta không thể thay đổi tính bất ổn của cuộc sống hay chính bản thân mình. Ta có thể lựa chọn, hoặc là chống đối lại bản chất tự nhiên để rồi đau khổ, hoặc là cứ đơn giản chấp nhận là xong.

Và rồi sau đó, ta có thể thấy sự tự do trong chính sự bất ổn. Nếu ta biết mình luôn thay đổi, và nhận ra rằng không hề có việc gì là bất biến, thì ta cũng có thể nhận ra rằng mình luôn được trao cơ hội hóa thành một con người mới mỗi giây. Vì bản thân ta luôn bất ổn, luôn thay đổi, ta có thể biến mình thành bất cứ thứ gì ta muốn. Ta đâu còn bị trói buộc hoàn toàn vào bản thân mình một phút trước đây nữa.

Lấy ví dụ một phút trước, tôi đang là một con người đang chần chừ không dám đặt bút viết quyển sách này. Tôi nghĩ: “Mình thật là một nhà văn đáng chán, một kẻ chỉ biết chần chừ thiếu quyết đoán!” Và rồi tự nản bản thân mình. Hoặc tôi có thể buông bỏ hình ảnh bản thân mình một phút trước và xây dựng một con người mới đang say sưa viết lách, chỉ đơn giản bằng cách bắt đầu viết mà thôi.

Vậy nếu bạn đang có thói quen xấu, bạn có thể buông bỏ bản ngã quá khứ, bởi vì những gì trong quá khứ đã biến mất rồi. Hãy tạo nên một con người mới, cứ thế, cứ thế.

Nếu người yêu của bạn nổi quạu với ta, rõ ràng là không hề vui chút nào. Nhưng nếu sự nóng giận ấy là do chính họ đang đau khổ, thì hãy nhìn nhận thế này: nỗi đau ấy có thể thay đổi và nguôi ngoai. Nếu nóng vội phản ứng, thì chính ta lại bực bội vì một người đang sai trái và có thể thay đổi (thật không đáng). Thay vào đó, ta có thể cảm thông với họ, và giúp họ nguôi ngoai. Ta hoàn toàn có thể buông bỏ đi bản ngã nóng giận trong quá khứ của chính mình, và tạo nên một con người bình tĩnh, biết cảm thông. Khi đó, mối quan hệ giữa hai người có thể được tái dựng, cũng vì mối quan hệ này luôn được làm mới.

Tôi không có ý nói quá khứ hoàn toàn vô nghĩa. Rõ ràng quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, ta không nhất thiết cứ phải dính chặt với quá khứ. Nếu thứ gì cũng luôn thay đổi, thì chính nỗi đau trong quá khứ cũng hoàn toàn có thể biến chuyển đi.

Những gì tôi nói có vẻ khá mơ hồ, và đúng là như vậy. Ta sẽ tập trung vào những thứ rõ ràng hơn ở những phần sau. Những phần này giúp cho ta nhìn nhận rõ mình đang phải đối mặt với những thứ gì khi luyện tập kĩ năng buông bỏ. Kĩ năng này sẽ giúp ta đối diện với thực tại, thay vì cứ bám víu theo viễn cảnh lí tưởng phi thực tế. Khi đó, ta có thể thoải mái hơn giữa thực tại luôn luôn thay đổi này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.