Lắng Nghe Yêu Thương
16.
TRONG MẤY THÁNG SAU ĐÓ, cháu làm việc trong phòng giặt ủi cùng một nhóm các bà già nói tiếng Đức cổ. Kiến thức tiếng Đức giúp cháu hiểu một số lời họ nói và tham gia chút ít vào câu chuyện.
Cháu dành phần lớn thời gian rảnh của mình cùng ông cậu Jonathan; ông cũng có vẻ vui vì tìm lại được nhánh phả hệ thất lạc của mình. Vào các buổi tối, cháu và ông ngồi nói chuyện hàng giờ trong căn phòng khách nhỏ hoặc đi dạo dọc theo các hàng cam do chính ông trồng.
“Một thời gian dài, đối với ta, việc trồng cây giống như xây một bức tường; ta không thấy có gì khác biệt. Nhưng khi năm tháng qua đi, ta chăm sóc các cây và nhìn chúng lớn lên, và dần có mối đam mê thực sự với chúng. Vợ ta thường trêu: “Anh nghĩ về những cái cây này nhiều hơn nghĩ về các con” và có lẽ bà ấy đã đúng.
“Xét cho cùng, định mệnh của bọn trẻ là không thể tránh được. Dù cố gắng nuôi dạy chúng theo cách tốt nhất có thể, ta biết chắc rằng tự chúng, có thể có một lựa chọn sai, hoặc đơn giản là khác với lựa chọn của ta.”
“Tuy nhiên, với cây cối thì lại khác. Chúng phụ thuộc vào sự chăm sóc của ta. Chúng cần nước khi đất khô cằn, cần dầu khoáng để bảo vệ chúng khỏi lũ rệp son, và lượng phân bón phù hợp vào cuối mùa đông, vì nếu bón sai tỷ lệ các loại phân trộn, cây sẽ ra quá nhiều lá hoặc quả sẽ rụng non, hoặc thậm chí gây ra những vết rám nguy hại. Đó là lỗi mà ta rất hay mắc phải trong thời gian đầu: ta cho đất quá nhiều dinh dưỡng. Ta bón phân cho đất nhiều như một bà mẹ hay lo và khiến nó phát ốm lên. Phân bón phải được dùng đúng tỉ lệ, đúng thời điểm và đôi khi, không cần bón gì cả. Rút đi một lượng phân hợp lý sẽ tốt cho cây cối cũng giống như bớt chăm bẵm quá độ đối với trẻ con vậy; để biết ham muốn thứ gì đó, trước hết phải biết từ bỏ.
“Ta thường thảo luận vấn đề này với các cặp đôi trẻ, và họ bảo rằng ta cổ hủ và thậm chí hơi khắc nghiệt. Họ không hiểu là ta phải cảm thấy luyến tiếc gì đó trước khi tiếp tục một cuộc hành trình. Nếu ta lấy đi ánh sáng của cây cối, chúng sẽ tập trung mọi sức mạnh để tìm lại nó. Các phần tử trên ngọn cây sẽ cố gắng từng chút để tìm ra một kẽ hở, và khi làm được, cái cây sẽ mạnh lên vì nó đã phải đương đầu và vượt qua nghịch cảnh. Những cái cây sâu, giống lũ trẻ hư, chỉ biết chiều theo bản ngã.
“Ta nghĩ, mọi người nên nghĩ nhiều hơn về cây cối, học cách quan tâm tới chúng và biết ơn chúng, bởi vì nếu không có cây cối, cuộc sống của chúng ta sẽ không tồn tại; chính hơi thở của chúng đã giúp chúng ta thở được.
“Cháu có biết khía cạnh nào của thế giới hiện đại khiến ta e ngại nhất không? Ý nghĩa mở rộng của quyền năng. Con người cho rằng họ có thể làm bất cứ thứ gì vì họ sống trong một thế giới nhân tạo, xây dựng bởi chính đôi bàn tay họ, và họ tin họ có toàn quyền chế ngự nó. Nhưng bất cứ ai trồng cây cối, đều biết là không phải vậy.
“Tất nhiên, nếu muốn đảm bảo nguồn nước cho cây cối của mình, ta có thể xây một hệ thống tưới tiêu tinh vi, nhưng nếu trời không mưa trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, đến lúc nào đó, đất sẽ khô cằn tới mức nứt nẻ, cây cối và động vật sẽ chết cùng với chúng. Chúng ta không thể làm ra nước, cháu biết đấy. Và cũng không thể làm ra khí ô xi. Chúng ta phụ thuộc vào thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu nước biển dâng lên, chúng ta sẽ bị ngập chìm; nếu nạn châu chấu đến, chúng sẽ ăn sạch mùa màng và cây giống, đúng theo cách chúng đã làm trong thời đại của các pha-ra-ông.
“Những không gian tù túng tạo nên sự trì độn lạ lùng ở con người. Cháu phải đứng ra khoảng trống để thừa nhận rằng có những thứ mà mình không hiểu nổi. Nhận thức mới đó không phải là thất bại; nó khiến cháu có thể trưởng thành.
“Từ thời điểm đó, cháu có thể tiếp tục những hành trình phi thường khác, còn nếu không, bất cứ con đường nào cháu đi đều chỉ dẫn cháu theo một vòng luẩn quẩn.
“Giống như mọi đứa trẻ thành thị, lúc mới bắt đầu trồng cây, ta nghĩ rằng chúng chẳng khác nào những chiếc cột, ngoại trừ việc chúng mọc lá. Khi thời gian qua đi và ta lắng nghe chúng, quan sát sự tăng trưởng của chúng, nhìn thấy chúng bị sâu bệnh, chết đi hay ra trái, ta nhận ra rằng chúng không khác trẻ con, chúng cần chăm sóc, yêu thương, nhưng cũng cần một bàn tay cứng rắn. Thật lạ lùng, ta nhận thấy mỗi cây đều có cá tính riêng – cây mạnh mẽ, cây yếu đuối, cây hào phóng, cây keo kiệt, và thậm chí có cây đồng bóng.
“Ta săn sóc mọi cây với cùng sự tận tâm và nghiêm khắc, nhưng chúng đáp lại theo cách rất khác nhau. Điều này khiến ta thấy chúng không phải là những cái cột, mà là những sinh vật có cả số mệnh. Nếu có điều bí ẩn về chúng, điều bí ẩn bao bọc nhân loại sẽ lớn hơn tới mức nào?”
* * *
Cháu kể cho ông Jonathan về niềm đam mê của cháu đối với cây cối. Cháu mô tả cây óc chó mà bà đã chặt đi và cảm giác nặng nề sau đó. Nó cũng giống như một cái cây đã bị chặt nhỏ bên trong cháu. Vết thương luôn luôn há miệng và các nỗi lo âu của cháu cứ tuôn chảy ra từ đó không ngừng.
Hai ông cháu cũng nói về trận ốm của bà, về cách mà cháu vẫn chưa thể lý giải được trong mối quan hệ của chúng ta: quá gần gũi và bảo bọc trong thời thơ ấu, rồi về sau đầy ắp mâu thuẫn. Cái thực tế rằng bà yêu cháu nhưng lại không thể yêu con gái của bà đã khiến cháu trôi nổi, chênh vênh trong cái mâu thuẫn về tư tưởng đối với bà.
Rồi cháu kể về cha mình, về mối quan hệ của ông với mẹ cháu và những năm tháng của họ ở Padua. Sau đó cháu và ông cậu bắt đầu chơi trò chơi về cây cối. Ông cậu ví mẹ cháu như một loại cây dưới nước với những cái rễ nổi không đủ sức tạo thành thân cây cứng cáp hoặc giữ nó sống lâu; còn cha cháu thì giống cây cỏ lăn ở vùng sa mạc. Chúng giống các vương miện bằng gai, khi bị gió đẩy, chúng nhảy múa, trèo lên các đụn cát rồi lăn ngược xuống, không bao giờ dừng lại. Vì chúng không có rễ mà cũng không có khả năng để mọc, chúng thậm chí không thể cho bầy ong cái tổ, và số phận của chúng là bị trôi dạt mãi mãi và đơn độc tan vào hư không.
Cháu kể với ông, khi còn là đứa trẻ, cháu muốn có sự mạnh mẽ vững chắc của cây sồi hay hương thơm của cây chanh, nhưng gần đây cháu đã đổi ý. Cháu lo lắng khi thấy các cây chanh bị giam cầm bên các đại lộ, trong các vườn cây, và thấy buồn với số phận của cây sồi, bị buộc phải sống cô đơn. Vì vậy, bây giờ cháu muốn làm cây liễu, được buông những lọn tóc dài bên một dòng sông, ngâm các nhành rễ của mình trong suối, được lắng nghe âm thanh của dòng nước, chìa những cành cây hiếu khách của mình đón các chú sơn ca cùng bầy chim chích, và được ngắm nhìn những con chim bói cá xuất hiện rồi biến vào làn nước, giống như những chiếc cầu vồng bé nhỏ.
Rồi cháu hỏi ông cậu: “Thế còn ông? Ông muốn thành loại cây nào?”
Ông Jonathan suy nghĩ một chút trước khi trả lời: “Lúc còn trẻ, ta thích là loại cây bụi nào đó – một cây hồng dại, hoặc một cây táo gai, hay một cây mận, mọc chen vào giữa một hàng rào. Sau khi tới Israel, ta thích là một trong những cây tuyết tùng oai vệ mọc trên sườn núi Hermon. Nhưng những năm gần đây, loại cây mà ta luôn nghĩ tới, cây mà ta lưu luyến nhất, là cây dẻ gai. Ta nhớ các cây dẻ gai từ những chuyến du ngoạn trên núi: những thân cây xám bạc, phủ đầy rêu, những cái lá thắp sáng không khí như những ngọn lửa nhỏ…Vậy đấy, giờ ta thích là một cây dẻ gai. Vì khi cuộc đời sắp sửa tàn lụi, nó sẽ thăng hoa với những tình cảm, những ký ức, những cảm xúc, giống như tán lá của những cái cây kia, sẽ biến thành ngọn lửa vào mùa thu.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.