Lắng Nghe Yêu Thương
18.
HAI NGÀY SAU, ông Jonathan đưa cháu tới sân bay Ben Gurion trong chiếc xe Subaru cũ kỹ.
Ông và cháu tạm biệt sau một cái ôm thật lâu. Cháu mời ông tới thăm cháu ở Trieste, và ông hứa sẽ tới sớm; lẽ tất nhiên, lời mời của cháu dành cho cả Arik và gia đình cậu nữa.
Đến Milan, cháu đi tàu tới Venice và xuống Mestre. Ngay sau khi trình diện ở trụ sở cảnh sát, một hạ sĩ trẻ đưa cháu tới nhà xác. Trong lúc đi, anh ta giải thích rằng họ đã tiến hành khám nghiệm tử thi, và cha cháu chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Rất nhanh chóng, trái tim cha đã ngừng đập.
Người phụ trách nhà xác đi trước để dẫn đường. Đôi guốc cao su của cô ta tạo tiếng kêu rin rít lạ lùng trên nền nhà bằng vải sơn lót sàn.
Một luồng khí lạnh lẽo phả vào khi cháu bước vào khoang lạnh. Ba thi thể đang nằm trên những chiếc bàn bằng inox. Cha nằm ở giữa. Một cánh tay buông thõng và đôi chân ông thò ra ngoài bên dưới tấm vải màu xanh – đây là lần đầu tiên cháu nhìn thấy ông không đi giày.
Nhân viên nhà xác nâng tấm vải lên: “Cô có nhận ra ông ấy không?”
Đôi môi ông hé ra như trong một biểu cảm ngạc nhiên. “Có,” cháu đáp. “Ông ấy là cha tôi, Massimo Ancona.” “Tôi rất tiếc,” người hạ sĩ nói.
“Tôi cũng vậy,” cháu trả lời, và đó là giây phút cháu cảm thấy những giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má.
Trong trạng thái xúc động, cháu chộp lấy bàn tay trắng bệch của cha đang buông thõng dưới tấm vải và siết chặt nó. Làn da lạnh lẽo như da rắn, trọng lượng và độ dày của nó không khác nhiều so với một bàn tay sống, và các móng tay được cắt tỉa vội vàng.
“Đây là tiền đồn cuối cùng của cha,” cháu thì thầm và cúi xuống hôn ông rồi nói thêm, “Dù sao đi nữa, con cũng cảm ơn cha. Cảm ơn vì cuộc đời cha đã ban cho con.”
* * *
Khi đã trở về nhà ở Trieste, cháu mở chiếc túi nhựa mà người cảnh sát đã đưa. Bên trong là một chiếc chìa khóa nhà và chìa khóa xe của cha, một giấy phép lái xe trên đường cao tốc địa phương (đã hết hạn một tháng trước), một cuốn sổ địa chỉ nhỏ, một chiếc ví đã sờn và một phong bì màu trắng đề tên cháu.
Chiếc ví chứa vài đồng xu, một tín phiếu 50.000 lia, hai tín phiếu 5.000 lia, một thẻ bảo hiểm y tế, một tấm thẻ nhỏ của một siêu thị ở Monfalcone có dán tem thưởng tích lũy để giành được một phần thưởng mà ông đã mong ước từ lâu: chiếc áo choàng tắm bằng vải bông, và, thò ra từ ngăn ví bên cạnh, một bức ảnh nhỏ cũ mèm. Một phụ nữ thanh lịch, không cao lắm, nắm chặt tay một bé trai, nhìn người chụp ảnh với một biểu cảm nửa kiêu kỳ, nửa bực bội. Bức ảnh chắc được chụp ở Venice. Bé trai đang cười, cặp mắt ánh lên sự tò mò và ham thích không ngừng, tay chỉ vào thứ gì đó khiến nó ngạc nhiên. Một con tàu chăng? Hay loài chim biển nào đó mà nó chưa từng thấy? Đằng sau bức ảnh là dòng chữ đã phai màu: Venice năm 1936, mẹ và mình trên bờ kè.
Cuốn sổ địa chỉ nhỏ chỉ chứa vài số điện thoại. Ở vần D, là số điện thoại của bác sĩ và nha sĩ; ở vần T là số điện thoại của mấy nhà hàng; đôi chỗ có thông tin liên lạc của vài nhà xuất bản và vài ba cái tên phụ nữ; và ở trang đầu là số điện thoại của cháu tại Trieste, bên dưới đó, với nét bút chì run rẩy, là số điện thoại của cháu ở Israel.
Cũng bàn tay run rẩy ấy nguệch ngoạc tên cháu trên mặt trước phong bì. Cháu mở ra. Bên trong là hai trang giấy ố vàng (có phần tiêu đề của một khách sạn ở Cracow), viết đầy chữ trên hai mặt.
Grado Pineta, ngày 13 tháng 5
Cha không biết liệu lá thư này có tới tay con không – nếu con đang đọc nó, nghĩa là cha đã không còn trên đời này nữa. Con biết cha ghét cay ghét đắng sự ủy mị; tuy nhiên, cha không thể không viết cho con những dòng này. Xét cho cùng thì con cũng là món quà không chờ đợi.
Đáng sợ và không chờ đợi.
Con đến vào những ngày cuối đời của cha, và, giống một trong số những cái cây len lỏi những cái rễ mỏng manh (và vô cùng mạnh mẽ) nhằm xâm chiếm khu vực xung quanh, con đã mở một vết nứt trong cuộc đời cha bằng đôi mắt, giọng nói, những câu hỏi của con, và kể từ đó, đôi mắt, giọng nói, những câu hỏi ấy, cha mãi không bao giờ giải thoát được chúng ra khỏi mình.
Liệu đó là tiếng gọi của tình máu mủ hay là sự yếu đuối của tuổi già? Cha không biết. Cha không đủ sức, hay còn đủ thời gian để trả lời con. Nói chung, điều ấy không quá quan trọng. Vào lúc này, cha không phải biện hộ cho mình hay giải thích gì nữa.
Hôm nay, cha đã cố tự sát.
Quyết định kết liễu cuộc đời là điều cha đã quyết khi lần đầu tiên hiểu ra mình không được chọn để sinh ra, nhưng việc mình chết ở đâu và chết như nào là tự do duy nhất mình có được. Cơ thể của cha rõ ràng đã suy tàn, và thật không may, trí não cha cũng theo sau nó.
Sáng nay, cánh cửa chớp bảo vệ trên cửa sổ phòng cha bị gãy, và cha không mở được nó. Cha ở trong bóng tối cho tới 5 giờ chiều, sau khi gọi điện cho thợ sửa chữa một cách vô ích. Cuối cùng, cha quyết định bước ra bầu không khí ôn hòa của tháng Năm, cùng với những chuyến bay không mệt mỏi của bầy chim mang thức ăn về tổ; cha trông thấy những bông hoa vàng bé nhỏ khắp mọi nơi, mọc ra từ những kẽ nứt xi măng. Tháng Năm, cha nghĩ, là thời gian bất thường nhất của năm để rời bỏ trái đất mãi mãi, thời gian cần sự gan dạ nhất, vì đó là khi trời đất đang ở đỉnh cao của sự huy hoàng. Cha không tốn quá nhiều dũng khí để tự sát trong tháng Mười Một, khi bầu trời phủ đầy những đám mây mưa u ám. Lúc này, có thể con sẽ nghĩ chính sự chán nản đã đẩy cha tới điều này, nhưng thực ra cha hoàn toàn minh mẫn và nhận thức đầy đủ sự lựa chọn của mình.
Sau khi về nhà, cha cố gọi cho con. Cha muốn nghe giọng con lần cuối, nhưng cha không gặp may. Ở đầu dây bên kia, lần lượt có những người khác nhau, nói một chút tiếng Anh, một chút tiếng Do thái, một chút tiếng Tây Ban Nha, nhưng chẳng ai trong số họ cố gắng tìm con.
Rồi cha trèo lên ghế tìm khẩu súng lục, khẩu súng đã ở trên nóc giá sách, bọc trong miếng vải đen nhiều năm rồi. Cha nạp đạn sẵn, vừa đợi cho hết đêm, vừa đọc những bài thơ yêu thích của mình. Trong sâu thẳm, cha không muốn chết giống như một con chuột; cha muốn ra đi trong một không gian mở rộng, đối diện với biển cả, nhìn ngắm bình minh thêm lần nữa, để được thấy mặt trời lên và thế giới ngập tràn ánh sáng.
Khoảng bốn giờ, cha xuống bãi biển. Khi bước trong bóng tối, cha có thể nghe tiếng vỏ sò lạo xạo dưới gót giày. Cha ngồi xuống chiếc thuyền mà con từng chọn khi chúng ta dừng lại để nghỉ. Cha có thể cảm thấy kim loại lạnh lẽo dưới bắp đùi.
Hơn 5 giờ sáng, bầu trời phía đông Trieste và Istria bắt đầu hừng sáng. Không khí tràn ngập tiếng kêu của chim biển, và mức thủy triều thấp đang dịu dàng vỗ về bờ cát. Cha nhìn quanh và lấy khẩu súng khỏi túi, chờ đợi. Khi đỉnh chiếc đĩa màu cam nhô lên phía chân trời, cha chĩa súng vào thái dương, bóp cò. Một tiếng tách lớn, và chẳng có gì xảy ra. Cha quay ổ đạn, thử lại lần nữa: thêm một tiếng tách.
Trong lúc ấy, một ông già cùng đôi chó xù xuất hiện trên bờ biển. Ông ta quăng một quả bóng sặc sỡ vào không khí và những con chó đuổi theo nó, sủa lên vui vẻ. Cha bỏ lại khẩu súng vào trong túi.
Vài giờ sau đó, thợ sửa cửa chớp đến và mang ánh sáng vào căn phòng của cha. Buổi chiều hôm ấy, cha tới Monfalcone để mua sắm. Cuộc sống lại tiếp tục, cha không biết sẽ dài bao lâu nữa, nhưng nó vẫn tiếp diễn, cha nghĩ khi thả khẩu súng vào ngăn kéo. Cha sẽ đợi cho tới lúc số phận an bài.
Buổi tối, cha đứng trên ban công nhỏ của nhà bếp. Nhiệt độ gần như lúc mùa hè, đủ ấm để lên men đám tảo trong vịnh và làm đượm bầu không khí bằng hơi nước mặn mòi của biển. Các đèn đã bật trong một căn hộ ở tòa nhà chéo với nhà cha; một phụ nữ đeo tạp dề và cầm một chiếc xô đang dọn khu nhà, sẵn sàng cho mùa du lịch sắp đến.
Cha định trở vào nhà thì bắt gặp một chùm sáng đột ngột giữa các bụi cây um tùm ngăn cách hai tòa nhà. Những con đom đóm. Đã nhiều năm rồi cha mới thấy đom đóm. Chúng đang nhảy múa giữa mặt đất và các lùm cây, thêu dệt không gian bằng những đốm sáng lập lòe. Nếu là ngày hôm trước, cha sẽ cười vào sự xảo quyệt trong các chiến lược tái sinh của thiên nhiên; ánh sáng đó có thể là gì ngoài mưu mẹo để giành tình cảm trong mùa giao phối?
Nhưng tối hôm đó, cùng một lúc, mọi thứ như khác đi. Cha không còn coi ánh sáng chập chờn nhỏ bé của những con đom đóm như một phần của một quy trình máy móc nữa.
Chẳng có gì gian xảo trong ánh sáng ấy, ngoài sự thông thái, cha tự nói với mình, và cha bắt đầu khóc. Gần sáu mươi năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng cha khóc, trên con tàu đưa cha tới Brazil.
Cha khóc chậm rãi, lặng lẽ, không một tiếng nức nở; cha khóc cho những tàn lửa bé nhỏ đó, bị bao bọc trong bóng đêm thống trị, và cho chuyển động hỗn loạn của chúng, vì bỗng nhiên mọi thứ chợt sáng tỏ đối với cha rằng mỗi một bóng tối đều đè nén một mảnh sáng.
Cha đang làm con bật cười ư? Cha có vẻ đáng thương ư? Có lẽ vậy. Những lời này có thể sẽ chọc tức thêm cơn thịnh nộ tuổi trẻ chưa được dập tắt của con, nhưng cha đã tới cái độ không còn e ngại điều gì nữa. Vậy nên, cha sẽ che dấu bản thân mình bằng điều thậm chí lố bịch hơn, bằng cách nói cho con biết trong những tháng qua, cha đã sống với niềm hi vọng được gặp lại con lần nữa.
Những ngày này, trong thời gian còn lại mà số phận dành cho cha, cha tự giải thoát mình khỏi lòng kiêu hãnh, và cha có thể suy ngẫm mọi điều mà không sợ hãi, bởi cơ bản thì, cha đã chết rồi; cha có thể cảm nhận tấm vải liệm trên thân thể và lớp đất ẩm ướt phủ lên cha. Chính vì cha đã thắng (và không còn sợ sự nhạo báng), cha có thể nói với con rằng nỗi sợ hãi đã định đoạt cuộc đời cha; thứ mà cha gọi là dũng cảm thực chất chẳng là gì ngoài nỗi sợ. Cha sợ mọi việc sẽ không theo cách cha đã định. Cha sợ đi quá giới hạn nào đó, không phải giới hạn tinh thần, mà là giới hạn của trái tim. Cha sợ yêu và không được yêu lại.
Rốt cuộc, đó là nỗi khiếp sợ duy nhất có thật của một con người, và nó là nguyên nhân khiến anh ta dâng mình cho sự đê tiện.
Tình yêu, giống một cây cầu lơ lửng trong hư không.
Vì sợ hãi, chúng ta làm phức tạp những vấn đề đơn giản. Để đi theo bóng ma ký ức, chúng ta biến một con đường thẳng thành một mê cung mà không biết cách thoát ra.
Cha đã làm gì trong suốt cuộc đời mình ngoài việc: chạy trốn bản thân, chạy trốn trách nhiệm, làm tổn thương những người khác trước khi họ có thể làm cha đau đớn?
Khi con đọc những dòng này (và cha đã nằm trong một phòng lạnh hay trên nền đất lạnh), hãy biết rằng trong những ngày cuối đời, cha sống nhờ nỗi buồn – một nỗi buồn u uất, không hề giận dữ, và có lẽ vì thế, lại càng đau đớn hơn.
Tính tự phụ, sự khiêm nhường; cuối cùng, là hai thứ duy nhất được đặt lên bàn cân. Cha không biết sức nặng cụ thể của chúng, nên cha không thể nói liệu một ngày khiêm nhường có đủ để chuộc lại một đời tự phụ hay không.
Thật tuyệt vời nếu được ôm con, quả bom hẹn giờ bé nhỏ, người đã xuất hiện bất ngờ (và quá muộn) để tàn phá cuộc đời cha. Mặc dù việc này chẳng bù đắp được gì, cha muốn được ôm con lần cuối, thật lâu, thật chặt, và trong cái ôm đó sẽ là tất cả những cái ôm mà cha chưa từng dành cho con, những cái ôm từ khi con sinh ra, khi con còn bé, khi con lớn lên, những cái ôm con sẽ cần khi cha không còn nữa.
Hãy thứ tha cho sự xuẩn ngốc của người đàn ông hay nhạo báng, người đã mang con tới thế giới này.
Cha của con.
Đám tang diễn ra một tuần sau đó tại nghĩa trang dành cho người Do thái ở Trieste. Ngoài các thành viên của ban tụng niệm và giáo sĩ, cháu là người duy nhất ở đó. Tiếng cầu kinh sắp dứt thì hồi còi tầm buổi chiều vang lên ầm ĩ trong các xưởng đóng tàu gần đấy.
Trong suốt mùa đông, cơn gió bora đã mang lá cây cùng nhiều loại tờ bướm quảng cáo vào căn nhà nguyện bé nhỏ lâu nay bị bỏ mặc của gia đình ta. Không khí bên trong rất ngột ngạt, có mùi ẩm ướt và nấm mốc; đã nhiều năm rồi không có ai dọn dẹp nơi đây. Cháu mở rộng cửa rồi đi mua một cây chổi và giẻ lau. Khi xong việc, cháu cắm bó hoa hướng dương mua ngoài cổng nghĩa trang vào bình và ngồi xuống cạnh bà một lúc.
Ai biết bà ở đâu và bà thế nào? Có lẽ, ít ra ở phía bên kia, bà và mẹ đã gặp nhau; có lẽ sau cùng thì hai người đã cố gắng để xua tan những cái bóng đã ngăn hai người có một mối quan hệ yên bình. Có lẽ ở nơi ấy, bà và mẹ có thể nhìn thấy cháu đang ngồi bên mộ bà vào một chiều mùa hè. Có lẽ đúng là người chết có khả năng đứng bên người sống và bảo vệ họ mà không để họ rời khỏi tầm mắt. Hay phải chăng, đó chỉ là một ao ước, một trong những hi vọng quá đỗi con người của chúng ta? Có thật là ở phía bên kia có sự phán xét, với Tổng lãnh thiên thần Michael giơ cao chiếc cân mỏng manh? Phải chăng chỉ có hai loại – thiện và ác – hay là phức tạp hơn? Những đau khổ của một người vô tội nặng bao nhiêu? Cái chết dữ dội của một người chính nghĩa có giống với cái chết của một kẻ xấu xa đã sống trọn đời không? Tại sao kẻ xấu thường có cuộc sống lâu dài yên ổn, như thể ai đó bảo vệ họ, trong khi người hiền lành phải chịu đựng tủi nhục và bất hạnh? Tuổi thọ ban cho những kẻ vô liêm sỉ – có phải là dấu hiệu của sự khoan dung thần thánh, cho phép họ sống lâu để có nhiều thời gian mà sám hối và thay đổi trái tim?
Và nỗi đau buồn, sức nặng của nỗi đau buồn là gì?
Nỗi đau buồn của mẹ, của cha, của bà, của cụ Ottavio, và của cháu (khi cháu chết đi) – chuyện gì đã xảy ra với tất cả những nỗi đau buồn ấy? Chúng hóa thành bụi trơ, hay thành nguồn nuôi dưỡng? Liệu có tốt hơn nếu ai đó được sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ? Chuyện gì xảy đến với người không bao giờ tự chất vấn mình, người không có mối hoài nghi nào?
Cậu Arik đã nói về cuộc đấu tranh diễn ra dai dẳng trong trái tim chúng ta. Sống một cuộc đời trì trệ, không một mối lo chẳng phải cũng bằng với dâng hiến bản thân cho sự tồn tại máy móc, cho định luật về trọng lực, luôn luôn ghì ta xuống? Chẳng phải những ngờ vực và thắc mắc xuất phát từ sự luyến tiếc sao? Như những phần tử trên ngọn luôn kéo cây cối vươn lên, tìm kiếm ánh sáng, những thắc mắc hẳn sẽ kéo con người tới thiên đường.
Khi ở Israel, cháu quen với Miriam, một phụ nữ Pháp đã sống sót khỏi địa ngục Auschwitz, giờ trông coi thư viện nhỏ của khu định cư. Khi chiến tranh nổ ra, bà là một sinh viên khoa sinh vật học hai mươi hai tuổi. “Tuy nhiên, lịch sử đã đẩy bác vào một hướng đi hoàn toàn khác bằng một cú huých tàn bạo. Bác nhìn thấy cha mẹ mình đến với tử thần; chúng ta nhìn vào mắt nhau lần cuối trước khi họ biến vào tòa nhà nơi có “những phòng tắm hoa sen”. Vài tháng sau, bác cũng suýt chết trong những trận đòn thù vì cố bỏ trốn, nhưng ai đó đã bước lên và thế chỗ cho bác.
“Bác ở đây vì ông ấy đã tan vào cát bụi. Mọi câu hỏi đều ở trong ba mươi phân nhún nhường ấy: một bước chân tiến lên, bước chân khác lùi lại.”
Cháu và bác Miriam cùng ngồi trong góc mát nhất của thư viện và nói hàng giờ liền về cái chết, về việc trái tim của Châu Âu đã biến thành tro bụi chỉ trong sáu năm.
“Mọi người nói, Chúa ở đâu? Sao Người không kết liễu lũ đồ tể ấy bằng một cái búng tay? Sao Người không giáng một trận mưa lửa và diêm xuống đầu những kẻ làm việc xấu?” Miriam thường lặp lại những câu hỏi ấy, và câu trả lời của bác ấy là, “Nhưng phải nói, con người ở đâu? Đâu là sinh vật được Chúa tạo ra “chỉ thua các thiên thần một chút”? Bởi chính con người đã xây lên các buồng hơi ngạt; để tối ưu hóa thời gian, các kỹ sư chuyên nghiệp đã tính ra góc quay chính xác cho những cái xe goòng chuyển người tới lò thiêu; họ tính toán điều ấy trong khi người vợ đang khâu vá trong phòng khách, còn lũ trẻ đang ngủ trên những chiếc giường bé nhỏ, ôm chặt những chú gấu teddy. Chính con người đã đi hết nhà này tới nhà khác, lùa họ ra khỏi những nơi kín nhất. Chính con người, đã ngâm tay mình trong máu, đá những đứa trẻ sơ sinh tới chết, mổ xẻ những người già. Con người có quyền lựa chọn, và đã không chọn. Con người, thay vì coi người khác cũng là người, lại chỉ coi họ như đồ vật.”
Một lần khác, khi đang nhẹ nhàng phủi bụi cho tủ sách nhỏ nhoi của thư viện như nâng niu lũ trẻ, Miriam nói: “Khi một người mơ tạo ra được thế giới không có nỗi đau, không có khuyết tật, trong thực tế, anh ta đã tháo dỡ dàn thép gai và chia thế giới thành hai nửa phù hợp và bất hợp, thế giới mà ở đó, các thành viên của nhóm thứ hai không khác gì những viên đá dăm, cần được mài giũa dọc đường.
“Tất nhiên, bác tin những gì bà Curie đã tin – nhiệm vụ của con người là chăm sóc người hàng xóm của anh ta khi cần – nhưng khi sự chăm sóc biến thành nỗi hoang tưởng về quyền năng tuyệt đối, khi nó vướng vào cuộc đấu tranh vì những bằng sáng chế hàng tỉ đô la, nó sẽ biến thành thứ gì đó rất khác với khát vọng chính đáng của loài người. Thay vì tán dương những hứa hẹn vĩ đại của khoa học, chúng ta cần can đảm đặt câu hỏi, ngay cả khi chúng khiến ta không nổi tiếng bằng Jeremiah: không bệnh tật, không yếu đuối, không bất định, con người biến thành gì? Chúng ta là những cỗ máy được hoàn thiện, hay những sinh vật đầy phiền muộn bị lưu đày? Liệu ý nghĩa tột cùng của chúng ta có được tìm thấy trong quyền lực vạn năng, hay trong việc chấp nhận bấp bênh? Thắc mắc nảy sinh từ bấp bênh; câu hỏi cũng xuất phát từ ý thức về điều huyền bí và kỳ diệu, nhưng quyền lực vạn năng và sự chắc chắn mang lại điều gì?”
* * *
Tiếng mèo kêu làm gián đoạn hồi ức của cháu. Một con mèo gầy trơ xương đang đứng ở cửa nhà nguyện, nhìn vào. Cái đuôi chỉ còn da bọc xương của nó tong teo như chiếc bút chì. Cháu gọi nó vào. Nó cứ để cháu gãi nhẹ vào cằm, miệng kêu gừ gừ còn bộ mặt thì lộ vẻ thích thú.
Ngoài kia, mặt trời đã qua đỉnh đầu, không khí trong nhà nguyện vẫn nóng bức ngột ngạt. Trước khi rời đi, cháu nhẹ nhàng chạm vào tấm bia đá khắc tên bà. Rồi bước qua tấm bia với hai mốc thời gian vắn tắt trong cuộc đời của mẹ.
Con mèo lẵng nhẵng bám theo cháu qua cổng nghĩa trang, rồi biến mất sau một phiến đá. Những bông hoa rũ xuống nặng nề, kiệt sức trước cái nóng. Hàng tá ong bắp cày bay vù vù quanh vòi nước, va mạnh vào nhau chờ đợi một giọt nước sắp rơi.
Cháu nhìn quanh nghĩa trang lần cuối trước khi rời đi. Tất cả mọi người – bà, mẹ, và cha đều an nghỉ nơi đây trong khi những ẩn số cuộc đời vẫn đang mở ra trước mắt cháu; dù tốt hay xấu, mọi người đã dạy cháu nhiều điều; và bằng cách nào đó, những sai lầm của mọi người đã mang lại cho cháu một kho báu.
* * *
Cháu về nhà và trở lại việc dọn dẹp.
Cháu mở tất cả các cửa sổ để mùi bí bách thoát đi; ánh sáng mùa hè rực rỡ tràn vào mạnh mẽ, soi rọi cả những góc tăm tối nhất. Cháu vào phòng bà để lấy vài tấm ga trải giường mới. Chiếc tủ quần áo được sắp xếp hoàn hảo; vì lý do nào đó, nó thoát khỏi cơn giận trong căn bệnh của bà. Những túi hoa oải hương nhỏ bé mà cháu từng thấy bà làm thật khéo léo, qua bao nhiêu thời gian vẫn còn vương vãi đâu đó. Khi với lấy những tấm trải giường, cháu chợt thấy một phong bì lớn màu vàng đặt bên. Bà đã viết gì đó, bằng nét chữ run run, Gửi cháu.
Cháu chưa từng nhìn thấy nó. Nó đã ở đấy bao lâu rồi? Từ trước khi bà bị ốm chăng? Cháu mở phong bì và thấy trong đó một cuốn sổ lớn với tấm bìa in hoa. Tuy vậy, cháu nhận thấy mình chưa sẵn sàng đối diện với điều gì trong đó nên cháu đặt cuốn sổ trên bàn bếp và tiếp tục lau dọn cho tới quá giờ chiều.
Ngày hôm ấy, trong khi làm việc cật lực, cháu đi tới hai quyết định quan trọng. Quyết định thứ nhất liên quan tới một con chó: cháu muốn đến nơi nhốt chó mèo đi lạc và chọn một con khác, vì cháu không chịu được khi nhìn khu vườn trống trải.
Quyết định thứ hai liên quan đến tương lai của cháu; vào thu, cháu muốn ghi danh vào trường đại học và học ngành lâm nghiệp, vì rốt cuộc cháu đã nhận ra việc cháu muốn làm trong phần còn lại của cuộc đời: chăm sóc cây cối.
Khi những giờ nóng nực nhất trong ngày qua đi, cháu bắt đầu tưới vườn. Bụi hồng đang ở cuối mùa trổ bông và có vẻ không bị ảnh hưởng mấy vì sự vắng mặt của cháu, trong khi những cây tú cầu trông khá tệ. Cháu tưới cho chúng cả một lúc lâu, thỉnh thoảng nâng cao vòi nước để có thể nhìn dòng nước biến thành một trận mưa những giọt vàng.
Khi xong việc, cháu đặt chiếc ghế xếp giữa vườn, ngồi nghỉ, một tay cầm cốc nước cam, tay kia cầm cuốn sổ của bà.
Dòng chữ Opicina, ngày 17 tháng 11, năm 1992 trên trang đầu. Cháu nhận ra chữ viết của bà, vẫn gọn gàng, đều đặn.
Cháu đi đã được hai tháng rồi, và trong suốt hai tháng ấy, bà chẳng nhận được tin tức gì ngoài tấm bưu thiếp vỏn vẹn lời nhắn rằng cháu vẫn còn sống…
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.