Lắng Nghe Yêu Thương
4.
TRONG MỘT CĂN NHÀ HOANG PHẾ, quá trình mục nát diễn ra chậm rãi mà quyết liệt. Bụi tích tụ, những bức tường bắt đầu ngấm cái lạnh ngày đông và hơi nóng mùa hè. Không khí bí bách trong ngôi nhà ẩm mùi cũ nát. Vữa trên tường bong tróc, bở bục thành bột, thỉnh thoảng rơi ầm xuống sàn, tựa như tuyết trên mái nhà đổ ào xuống khi đông tàn. Cùng lúc, từng cơn gió biến các ô cửa sổ thành những mảnh vỡ để gió mưa mặc sức xông vào, cả những tia nắng hè chói chang, những đụn lá, giấy vụn, mảnh nhựa, cành cây nhỏ, đồng hành cùng chúng là đủ loại côn trùng, chim chóc, dơi, chuột. Phân chim và dơi tích tụ bào mục sàn nhà, lũ gặm nhấm lo nốt phần còn lại.
Và vì thế, căn nhà xinh xắn xưa kia giờ chỉ còn là nơi cư ngụ của hồn ma. Không ai dám nghĩ đến việc mở cánh cửa đó. Việc này quá nguy hiểm. Nước chảy liên tục đã làm mục ruỗng các mối nối. Chỉ một bước chân cũng đủ làm bạn bổ nhào xuống tầng dưới. Cuối cùng, sàn nhà sập xuống, kéo theo những gì một thời đem lại sinh khí cho căn nhà. Đồ nội thất đổ nhào, cùng những li thủy tinh, lọ hoa, bát đĩa, áo khoác, giày dép, sách, ảnh những đứa cháu, những món đồ lưu niệm từ các chuyến đi…
Suốt những tháng ngày đằng đẵng đó, hình ảnh ngôi nhà mục nát cứ lởn vởn trong tâm trí cháu. Cháu hình dung ra căn phòng, rồi thấy nó sụp đổ, không phải ngay lập tức, mà là từng chút từng chút một, méo mó, như cát lún hay món thạch mềm. Mọi thứ lộn nhào, nhưng thay vì vỡ nát, chúng lại bị ngốn ngấu trong khoảng không lặng thinh, chỉ có những hồn ma xuôi ngược, trườn qua các khe nứt, nhanh nhẹn như lũ lươn.
* * *
Nhiều năm trôi qua, dễ đến hàng thập kỉ, những người ngoài hành tinh đã ngủ mơ ở một góc nào đó trong não của bà, có lẽ họ đã lưu lại ở đó qua một bộ phim tài liệu về sinh vật ngoài Trái đất. Dù thế nào đi nữa, những sinh vật đó – với các giác hút dưới bàn chân nhỏ xíu và một thứ giống như chiếc kèn trumpet làm chức năng của miệng và mũi – đã xâm nhập vào đầu bà, bí mật trú ở đó, mà không để lộ dấu hiệu nào. Mỗi khi bà nấu cơm, nói chuyện, lái xe, đọc sách, nghe nhạc hay ngâm thơ, tập đoàn tí hon đó lại lơ lửng giữa mơ và tỉnh, chỉ chờ bản lề bật mở, một cơn gió mạnh chưa từng thấy ùa vào giải phóng chúng.
Phải, những linh hồn ngoài hành tinh đó chính là lệnh kèn. Đáng ra cháu phải được cảnh báo với những dấu hiệu sớm đó và sẵn sàng cho cuộc chiến; vậy mà, cháu thậm chí còn không kịp mặc áo giáp. Mà cháu cũng không ngờ cuộc chạm trán tại gia sẽ đổi chiều; hay chính cháu, từ kẻ phục kích biến thành con mồi, bởi một kẻ thù vô hình hoạt động trên cả hai chiến tuyến.
Cháu phải tự bảo vệ mình, và cả bà nữa. Ngày qua ngày, trí nhớ của bà dần giảm sút như những mối ghép sàn ở căn nhà hoang nọ.
Một khi trí nhớ của bà suy sụp, đầu óc bà sẽ chỉ còn toàn những hồn ma.
Đến một lúc nào đó, có một đám đông ngăn cách bà cháu ta. Chúng ta sống cùng bầy khách xấu xa đó, sàn dưới chân trở nên trong suốt và mờ mờ như lớp bột nhồi mỏng manh.
* * *
Vài tháng sau khi những chiếc UFO đó xuất hiện, cháu đã mời cho bác sĩ – khám cho chính cháu, cháu nói dối thế, để tránh đánh động bà.
Hôm đó, bà cư xử chẳng khác gì ngày thường. Bà kê bàn dưới chiếc lều trong vườn, trải lên đó một tấm khăn xinh xắn, và sau khi xếp dao, dĩa, bà mời ông bạn bác sĩ già thân thiết món bánh mì sấy nhấm cùng trà lạnh. Ông thờ ơ hỏi bà vài câu và bà vồn vã đáp lại. Rồi hai người bắt đầu nói về kì nghỉ lễ sắp đến, về những đứa cháu của ông bác sĩ sắp đến ở cùng ông, về cách trừ rệp vừng cho hoa hồng hữu hiệu và rẻ tiền là ngâm đầu mẩu thuốc lá vào nước rồi xịt lên rệp vừng.
“Chính xác!” Ông bác sĩ già thốt lên. “Nếu chúng giết được ta thì cũng diệt được rệp vừng.”
Cháu nhìn bà, lòng đầy hoang mang. Đã có chuyện gì với những vị khách không mời trong bếp rồi?
Phía cuối bãi cỏ, một chú chim két kiên định tuyên bố lãnh thổ, một đám muỗi vằn lao xao trên khóm hoa đẫm nước. Ánh nắng cuối ngày rọi qua những bộ cánh mỏng của chúng trông như những vảy vàng óng ả. Một con bọ vừng om sòm bay qua bàn, bà đứng bật dậy và nói: “Tôi sẽ để hai người vài phút riêng tư – hoa tú cầu của tôi cần tưới nước rồi.”
Cháu và ông bác sĩ im lặng dõi theo bà nhặt một đầu ống và đi đến vòi nước. Con Buck chạy theo bà, sủa ầm vào chiếc ống cao su màu đen đang trượt qua cỏ. Nó đang chơi đùa hay đang nghĩ là mình đang bảo vệ bà?
Ai mà biết được?
Khi chỉ còn hai người, cháu dễ dàng thuyết phục bác sĩ rằng cái vẻ bình thường, điềm tĩnh đó của bà không hẳn là thật như thế đâu. Bác sĩ giải thích rằng những người mắc bệnh ảnh hưởng tới trí nhớ và tính cách ban đầu vẫn giữ được sự kiểm soát bề ngoài. Họ cố gắng vô thức để cư xử bình thường trước người ngoài. Họ tỏ ra bình thường đến khó tin để bảo vệ con người ốm yếu bên trong.
Bác sĩ cho biết bà từng một lần đột qụy khi cháu còn ở Mỹ, và hỏi cháu không biết chuyện đó ư, rồi còn có những triệu chứng thiếu máu khác; lượng máu lên não bà ngày càng giảm. Ban đầu bà bắt đầu lẫn về ngày, rồi đến tháng, năm, giọng nói, khuôn mặt cũng bị cuốn dần đi, nối tiếp nhau như một đợt sóng thần, mỗi con sóng lại mang đi chút sự kiện và cuốn nó ra biển khơi, nhấn xuống lòng đại dương, đến một nơi không thể quay đầu lại…
Bà vẫn đang tưới cho hoa. Cháu và vị bác sĩ có thể thấy hình bóng bà đang cử động, bao quanh là một đám bụi nước lấp lánh sáng bừng lơ lửng trong ánh nắng. “Liệu có chữa được không ạ?” Cháu hỏi.
“Hơi khó. Có vài loại thuốc an thần có thể có ích.” “Bệnh của bà cháu sẽ kéo dài đến bao giờ?”
“Chừng nào tim bà ấy còn đập. Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng sự thật là thế. Khi trí óc không còn, chỉ còn trái tim chống chọi. Nó có thể hoạt động thêm vài năm bên trong cơ thể chỉ còn là vỏ sò rỗng.”
Khi cháu tiễn bác sĩ ra cổng, bà còn vẫy tay chào ông từ xa, lòng bàn tay rộng mở, tựa như một cô bé háo hức khi bắt đầu một chuyến tham quan của trường.
Ngày hôm đó trôi qua thật bình lặng. Tưới cây xong, bà vào nhà nấu bữa tối. Cơn gió đầu hạ mang theo mùi hương, hơi ấm, chất chứa hi vọng ùa qua ô cửa sổ mở tung. Chúng ta đã trò chuyện về sách. Bà muốn đọc lại cuốn Gia đình Buddenbrooks. “Có buồn tẻ không ạ?” cháu hỏi. “Không hề!” bà đáp và bắt đầu kể cho cháu nghe về người ủ rượu, Permaneder, người vợ và các nhân vật khác vẫn còn trong trí nhớ của bà sau chừng ấy năm.
Trước khi đi ngủ, chúng ta đã hôn chúc ngủ ngon. Đã lâu lắm rồi ta không làm vậy, từ trước khi cháu đến Mỹ.
Cháu nằm trên giường và nghĩ có thể bà chỉ đùa thôi; bà đã rất vui vẻ, bà chỉ lừa cháu thôi, và giờ thì trò đó đã kết thúc.
Cháu mang theo ý nghĩ đó chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, cháu bừng tỉnh khi bà kề sát khuôn mặt giận dữ vào cháu và nói: “Cháu đã ăn trộm dép của ta!”
* * *
Vài tuần sau đó, cháu thấy mình như đang sống với một người hoàn toàn xa lạ. Những người ngoài hành tinh đã biến mất, nhường chỗ cho chứng phức cảm bị hành hạ. Tất cả đều đang âm mưu chống lại bà.
Đó là những lời thì thầm ác ý, trò nhạo báng sau lưng, những vụ trộm vặt thường xuyên: dép và váy ngủ của bà biến mất, túi xách và áo khoác của bà mất tăm, chìa khóa và kính không thấy đâu. Ai đó lấy trộm chiếc nồi bà định dùng và bữa trưa bà vừa nấu. Trong tủ lạnh không có dấu vết của những món đồ bà đã mua. Xà phòng trong buồng tắm bốc hơi. Vì UFO và những kẻ chiếm đóng đã đi rồi, giờ người duy nhất chịu trách nhiệm cho những trò trộm vặt tùy tiện này là cháu, chỉ cháu mà thôi. Cháu làm thế để chọc tức bà, để bắt bà phải khốn khổ tìm kiếm.
Bà mua từ cửa hàng về rất nhiều dây xích và khóa để khóa mọi thứ lại. Để khỏi mất từng ấy chìa khóa, bà xâu chúng vào một dải ruy-băng đỏ đeo quanh cổ. Trong trí nhớ của cháu vẫn vang lên tiếng leng keng liên miên của những chiếc chìa khóa, tiếng chân lộp cộp loẹt quẹt của bà, là thanh âm chủ đạo trong nhà suốt những tháng đó.
Bà đổ cho cháu những chuyện không tưởng, khiến cháu chẳng biết phải bào chữa thế nào. Những gì cháu nói chỉ như đổ thêm dầu vào lửa – chỉ vài giọt cũng đủ khiến bà nổ tung. Bà sẽ bừng bừng giận dữ, xiết hàm ken két, mắt cau mày nhíu, bàn tay gầy guộc cào vào không khí; bà sẽ tuôn ra những lời khiếm nhã suốt hàng giờ liền. Bà hết mở lại đóng ngăn kéo, lén chuyển đồ đạc đến những chỗ mới, thậm chí còn bí mật hơn. Bà đóng mở tủ đứng, tủ lạnh, lò nướng. Bà lên xuống cầu thang, đóng mở cửa sổ, bất chợt thò đầu ra để bắt quả tang những kẻ đang rình mò bà. Với cửa trước cũng thế. Bà cam đoan thấy ai đó nấp sau khung cửa, săm soi bà bằng đôi mắt ám muội. Cần thẳng tay cho chúng một trận, không thương xót. Phải đánh cho chừa thói tọc mạch.
Với nỗ lực nhằm tỏ rõ sự ủng hộ, cháu giúp bà bố trí nhiều chiến thuật phòng bị. Cháu mua một chiếc còi và nói nó có sức mạnh kì diệu, có thể khiến những kẻ ác tránh xa. Bà giật nó khỏi tay cháu, mắt mở to đầy thích thú. “Thật chứ? Có tác dụng chứ?” Bà hỏi đi hỏi lại với vẻ cảm kích nhẹ nhõm.
Quả thực nó đã có tác dụng một thời gian. Âm thanh hộ mạng mới mẻ đó hòa cùng tiếng bước chân của bà, tiếng leng keng của chùm chìa khóa tự chế: tiếng còi inh tai thường kéo theo cả tiếng tru của con Buck – vì những âm thanh tần số cao làm nó khó chịu. Cháu ở đó, lang thang như một bóng ma giữa khúc hòa âm tàn nhẫn này. Trong những phút hiếm hoi mà bà chịu ngủ, cháu đứng bên giường quan sát bà. Bà cuộn người ở thế tự vệ, tay nắm chặt, môi mím, cơ mặt động đậy và co rúm không ngừng, cả đôi mắt phía sau lớp mí mỏng cũng vậy.
Nhìn ngắm nét mặt này, cháu cố tìm ra hình bóng của người đã nuôi nấng cháu. Đã có chuyện gì với người đó rồi? Bà già cháu đang nhìn là ai đây? Bà ấy từ đâu ra thế? Làm sao một phụ nữ đoan trang, hòa nhã, dịu dàng lại thay đổi ra nông nỗi này? Bần tiện, nóng nảy, đa nghi, bạo lực – những thứ này là sao? Điều gì đã khiến sự đáng sợ này bùng nổ? Từ lâu nó vẫn tồn tại âm thầm bên trong bà ư? Có phải bà đã khống chế nó từng ấy năm, và giờ khi không còn khả năng chế ngự lên tâm trí, bà đang bộc lộ đúng bản chất của mình? Hay đúng là bà đã bị linh hồn lạ nhập vào? Liệu linh hồn này có xâm chiếm cả cháu không?
Hay là chúng ta, giống như các sinh vật trong một số phim khoa học viễn tưởng, ngay từ đầu đã âm thầm mang một chương trình tự diệt nằm giữa màng cứng và màng mềm ở não? Ai đã hẹn giờ? Ai quyết định tuổi thọ của chương trình?
Trước kia cháu không mấy khi nghĩ đến việc có ai khác sống trên thiên đường ngoài UFO và người ngoài hành tinh bay lượn trên đó, nhưng trong những buổi chiều đằng đẵng của mùa thu năm đó, lần đầu tiên cháu suy ngẫm về câu hỏi này và rút ra một kết luận: Thiên đường vốn trống không, hoặc nếu có gì chăng nữa thì thực thể ngụ trên đó cũng hoàn toàn bàng quan trước những chuyện diễn ra dưới hạ giới. Hẳn vị đó thường lơ đãng trong lúc tạo ra những món đồ chơi nho nhỏ.
Còn cách nào khác để giải thích cho việc một người phải chịu sự sa sút đến vậy chứ? Một cuộc đời đầy phẩm cách và thông tuệ sao lại có thể xuống dốc chỉ trong có vài tháng? Kí ức sao có thể mất sạch, như bị miếng bọt biển chà qua như vậy? Những người nói về Chúa Cha chỉ là kẻ đạo đức giả! Có người cha nào lại muốn con mình chịu số phận như vậy chứ?
* * *
Hàng đêm – mong muốn thoát khỏi tiếng bước chân loẹt quẹt của bà, tiếng còi rít, tiếng cọt kẹt phát ra từ bản lề khô dầu – cháu thường cố náu mình nơi góc sân xa nhất.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà chẳng khác nào con tàu ma. Trước tiên cháu nghe thấy tiếng khóa leng keng, rồi thấy bà xuất hiện và biến mất như một cái bóng sau ô cửa sổ sáng đèn; và cùng lúc đó, tiếng gầm rú của xe cộ tấp nập ngoài đường cao tốc, tiếng chó sủa đơn độc từ phía mấy ngôi nhà rải rác ở chốn thôn dã này vẳng vào tai cháu.
Trong những đêm lộng gió, những cây thông đen sì phía trên kêu kẽo kẹt như cột buồm trên tàu.
Cháu thu mình dưới gốc cây. Cuối cùng cháu cũng có thể khóc – vì tức giận hơn là đau buồn. Từ khóc, cháu bắt đầu chuyển qua đấm đá linh tinh; cháu hung hăng đá mạnh vào thân cây, đấm vào lớp vỏ cho đến khi máu chảy dài xuống cổ tay. “Hãy để tôi chết đi!” Cháu hét to trong gió, cố hết sức để mong gió đưa tiếng hét đi thật cao thật xa. “Để bà chết đi! Hãy mang bà đi, biến bà thành cát bụi! Nếu Ngài không muốn, ít nhất hãy mang tôi đi! Phải, nếu Ngài thực sự tồn tại, nếu Ngài ở trên đó, hãy để tôi chết đi!” Rồi cháu buông mình xuống đất, ôm lấy con Buck đang khiếp sợ quẫy đuôi bên cạnh.
* * *
Một buổi sớm, thức giấc sau một trong những đêm ở ngoài trời như thế, lo sợ những lời cầu nguyện của mình bị nghe thấu, cháu đi ngủ muộn hơn lệ thường, và khi quay vào nhà, cháu cảm nhận một sự tĩnh lặng bất thường. Không có tiếng chân lê bước, không một tiếng còi, tiếng chìa khóa lanh lảnh, không tiếng lầm bầm nguyền rủa, không gì cả.
Sau vài phút nghi hoặc chờ đợi, cháu thận trọng hé mở cánh cửa phòng bà, chỉ sợ sẽ nhìn thấy xác bà trong đó. Vẫn nỗi sợ đó làm cháu nghẹn lại khi tìm kiếm từng phòng mà không thấy bóng bà đâu.
Rồi, với con Buck lẽo đẽo theo sau ra sân nhưng cháu cũng không thấy bà giữa đám phong lữ đỏ, kho củi hay kể cả trong gara. Bà không thể lái xe đi, vì chìa khóa thất lạc đã lâu rồi, vì thế, nếu có đi, hẳn bà đã đi bộ, mặc dù áo khoác và chiếc túi bà luôn mang theo bên mình vẫn đang ở chỗ cũ.
Cháu đang định đi báo cảnh sát việc bà mất tích thì chuông điện thoại reo. Đó là điện của người bán hoa quả. Ông ấy đã chặn bà lại khi bà đang chân trần băng qua ngã tư – trên người chỉ mặc đồ lót – và đưa bà về cửa hàng.
Bà luôn miệng nói: “Ta vào hầm rồi. Bố mẹ ơi, vào hầm rồi.
Sống rồi!”
Suốt một thời gian, bà bị ám ảnh, tưởng đang bị dội pháo, có quân Đức đập cửa. Nhìn thấy cháu, bà trở nên thù địch vì không nhận ra cháu là ai. “Mày muốn gì ở tao?” bà hỏi. Mãi đến khi cháu thì thầm, tự nhận là người phụ trách phòng không, bà mới đưa tay cho cháu và cùng cháu về nhà, ngoan ngoãn như một đứa trẻ kiệt sức.
Từ sau sáng hôm đó, mọi chuyện khẩn trong nhà đều liên quan đến những chuyến bỏ nhà đi và và cử chỉ lơ đễnh của bà. Bà rửa tay bên trên mỏ hàn; nếu muốn ăn mứt cam, thay vì mở, bà đập lọ và nuốt cả những mẩu thủy tinh; khi bà nhốt mình trong phòng để tự vệ, bà hô hoán cần ra hầm trú bom vì chuông báo động đã kêu; khi Buck xuất hiện trước cửa, bà hét lên “Quân Gestapo đến!” – chắc bởi nét tương đồng vô cùng xa xôi với giống chó chăn cừu Đức – rồi bà chạy đi nấp, khuôn mặt đẫm nước mắt.
Bà chỉ biết cháu không còn là kẻ địch và đã trở thành một người hoàn toàn xa lạ; bà không nhận ra cháu là ai. Suốt những tháng tiếp theo, để sống sót và giúp bà sống sót, cháu đã biến mình (như nhân vật Thần đèn của Aladdin mà bà yêu mến) thành vô số nhân vật khác nhau.
* * *
Trò chơi này chỉ kết thúc vào một sáng tháng Mười Hai lộng gió. Khi đi mua đồ về, cháu phát hiện bà nằm trên sân, vẫn mặc chiếc váy ngủ. Đôi chân trần của bà bám đầy đất. Buck đang rên ư ử bên cạnh bà. Bị một trong những con ma truy đuổi, bà chạy khỏi nhà, và có lẽ đã vấp phải vài cái rễ trồi trên mặt đất, đập đầu vào cây. Bà nằm ngửa, miệng mỉm cười, một cánh tay vung trên đầu, như thể đang bơi ngửa trên thảm cỏ. Một dòng máu hằn trên trán bà, và dưới cặp mí, đôi mắt cuối cùng đã được thảnh thơi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.