Lắng Nghe Yêu Thương

8.



MỘT MÙI HƯƠNG XÔNG LÊN MŨI – mùi khói lạnh – và chập choạng tối. Đồ đạc màu trắng theo phong cách nhà nghỉ trên bãi biển, những cánh cửa long khỏi tủ đồ và tủ tường, những bề mặt gỗ dát mỏng phồng lên vì hơi ẩm. Sách rải rác khắp nơi, những trang giấy vương vãi, trên sàn nhà một chiếc máy đánh chữ cũ kỹ phủ đầy bụi bặm, một chiếc máy tính xách tay đang mở – nguồn sáng duy nhất trong căn phòng – báo giấy, tạp chí, một chai rượu whisky đứng cạnh một chiếc cốc cáu cặn và dơ dáy tới mức mờ đục, và một chiếc chăn nhớp nháp đặt trên chiếc giường trẻ em đã chuyển thành ghế sô-pha.
Và ngay giữa căn phòng, là ông ấy.
Vẫn khuôn mặt trong bức ảnh chụp in liền, chỉ có điều thật hơn; mái tóc đen, bộ râu muối tiêu, đôi mắt nhìn cháy bỏng. Nửa trên người ông ấy vẫn thon thả, nhưng có chút còng vì chiếc bụng phệ ép quá căng vào chiếc áo sơ mi tới mức cúc áo tưởng như sắp bật ra.
“Em là Elena, rất vui được gặp thầy,” cháu nói rồi ngồi xuống chiếc giường-ghế ọp ẹp.
Sau màn trao đổi (mơ hồ) về các môn học, cháu nhường sân cho ông ấy. Điều đó dường như đúng là thứ ông ấy đang mong đợi. Cháu nhận ra rằng ông ta hẳn rất cô đơn, cái đầu luôn tràn ngập ý tưởng của ông liền chớp lấy cơ hội để thổ lộ cùng người nghe.
Nỗi tức giận trong cháu đã nhường chỗ cho sự tò mò. Cháu cố quan sát ông qua cái nhìn của mẹ: điều gì về ông ấy đã chinh phục được mẹ cháu? Những cảm xúc quyền năng nào từ ông ấy đã quyết định số phận của mẹ bi thảm đến thế?

“Hẳn cô ngạc nhiên lắm,” ông nói, “vì tôi đã chọn sống ở nơi kinh khủng thế này. Có lẽ cô muốn tới thăm tôi ở Venice hơn, trong căn gác của người bán cá được cải tạo lại, với những món đồ cổ và những dấu tích xưa trên tường, nhưng điều đó thì thường quá. Trung thành với mô tuýp có sẵn quá – giáo sư triết học trong môi trường sống tự nhiên – và đó chính là điều tôi không muốn làm: bước vào một khuôn mẫu. Tôi muốn tới những nơi không ai khác có đủ can đảm để tới, và cô có biết vì sao không? Vì tôi không biết sợ. Thế thôi. Vì tôi không sống trong mối ràng buộc với bất kỳ cái gì hay bất kỳ ai. Sự ràng buộc khiến chúng ta trở nên mong manh. Ta phải xây dựng quanh mình một bức vách gồm nhiều thứ và sự thay thế giả tạo, để giữ kín nỗi sợ hãi, nhưng tất cả sự dồn nén này, thay vì giúp ta được thanh thản, lại tạo ra một mối lo sợ thậm chí còn lớn hơn, lo sợ sự mất mát. Càng có nhiều mối ràng buộc, ta càng sống trong thấp thỏm; vật thì bị mất hoặc vỡ, người thì chết hoặc từ bỏ ta, và bỗng dưng ta thấy mình hoàn toàn trơ trọi. Trơ trọi và tuyệt vọng. Tất nhiên, chúng ta luôn trơ trọi, nhưng ta cố giả vờ không biết, không thấy, và tới khi ta nhận ra, thường thì đã quá muộn để tự cứu rỗi chính mình. Có lẽ cô thắc mắc rằng làm sao một người có thể tự cứu rỗi bản thân nếu không thể bấu víu vào bất kì thứ gì. Anh ta cứu rỗi mình không phải bằng hành động – hay bằng hành động hài hòa với sự trỗng rỗng. Sự trống trải luôn đi trước chúng ta; cảm giác trống trải sẽ lại tiếp cận sau khi nỗi đau khổ qua đi. Trong cái trống rỗng đó có một kiểu thông thái, sự thông thái của việc xuất hiện và biến mất, và do vậy chúng ta phải giao phó chính mình cho sự trống trải đó như cho một vú nuôi hào phóng…”
Thời gian trôi đi, và cháu không thể hòa mình vào dòng sông tuôn chảy của những câu nói của ông ấy. Vẫn còn một giờ nữa để kịp bắt chuyến xe buýt cuối cùng, nhưng cháu không biết làm sao để tiếp cận mục tiêu của chuyến viếng thăm này.
May mắn thay, sau một hồi ông ấy đứng dậy rót thêm rượu whisky vào cốc, và mắt cháu chạm phải một tấm thảm Ba tư tuyệt đẹp, món đồ cổ duy nhất trong nhà.
Cháu chỉ vào nó và hỏi, “Tấm thảm ở đâu ra thế ạ?”
“Bố tôi là một nhà buôn thảm – nó là một trong số ít tấm tôi còn giữ.”
“Nó là món đồ gia truyền ạ?”
“Không, nó là két sắt của tôi đấy. Thứ tôi có thể bán đi nếu cần thiết…”
Thay vì trở lại ghế ngồi, ông ấy đến ngồi cạnh cháu trên chiếc giường làm ghế sô-pha, khiến những chiếc lò xo của nó kêu rít lên vì nặng. Im lặng hồi lâu; cách đó không xa, một con chó đang sủa điên cuồng. Rồi ông ấy cầm tay cháu lên và bắt đầu xem xét. “Theo người xưa, bàn tay luôn bộc lộ mọi phẩm chất về tâm hồn của một con người… Ở đây tôi thấy một trí tuệ và óc tư duy thanh cao… Tay của cô rất giống tay tôi.” Bàn tay cháu run run.
“Vì cháu là con gái bác,” cháu nói, bằng một giọng bình thản tới mức làm chính cháu cũng ngạc nhiên.
Vị giáo sư giãy ra xa cháu. “Gì thế này, một trò đùa à?” ông ấy hỏi, với âm điệu nửa lo lắng nửa đùa giỡn. “Padua, mười bảy tuổi. Một sinh viên của bác…” Ông ấy đứng bật dậy để nhìn cháu rõ hơn.
“Cháu nói thật mà.”
Một tia sáng khô khốc ánh lên trong cặp mắt ông ấy, khiến chúng mờ đục hẳn đi, chẳng còn vẻ long lanh rực sáng. “Nếu cháu đến đây để buộc tội, để ta cho cháu biết ngay bây giờ là cháu đến nhầm chỗ rồi.”
“Không hề.”
“Vậy cháu muốn gì? Một chút bù đắp à? Nếu đó là lý do, ta chỉ có thể cho cháu cái thảm.”
“Cháu không cần tiền, và cháu không cần chiếc thảm.”

“Vậy tại sao, cứ cho cháu thực sự là con gái ta, cháu lại cất công đến tận đây?”
“Đơn giản vì hiếu kỳ thôi. Cháu muốn được biết về bác.”
Xe buýt sắp đến rồi. Khi cháu đang mặc áo khoác, ông ấy bảo, “Hãy đến khi nào cháu muốn. Ta luôn ở nhà vào buổi chiều.”
Sau lần đó, cháu tới thăm ông ấy mỗi tuần một lần trong vòng ba tháng. Cháu và ông ấy thường dạo bộ trên bãi biển. Mùa tắm biển còn khá xa, và vào những ngày nắng, đám lùm tảo nặng mùi ở những vùng nước nông dọc bờ biển đã thu hút những đàn hải âu bay đến tìm mồi.
Mực nước thay đổi trông thấy theo thủy triều. Đôi khi, những ngư lão nghỉ hưu phải lội ra xa tít để tìm trai, sò.
Cháu và ông ấy thường gặp một số người chạy bộ, những gã bụng phệ, nhễ nhại mồ hôi ngay cả vào giữa mùa đông, còn những ngày ấm áp thì đôi khi gặp những cặp tình nhân ngồi trên các thân cây ngả xuống vì bão biển. Những lần như thế, cha cháu lại chỉ vào một cặp đang ôm chặt lấy nhau và nói, “Cháu có biết vì sao các cặp tình nhân thường thích ngắm biển không? Đó là vì họ tin rằng tình yêu của họ vô bờ bến, giống như đường chân trời. Tóm lại, họ nhìn vào một đường kẻ hư ảo và thêm thắt vào đó một thứ tình cảm hão huyền.”
Ông ấy không bỏ lỡ cơ hội giải thích cho cháu nghe về cái mã ngoài của thế giới hữu hình. Thế giới vật chất tri giác Maya – một ảo tưởng lớn về vũ trụ, theo triết học Ấn độ Giáo – đã cầm tù chúng ta trong mạng lưới ma thuật của nó, mà chỉ rất ít người có thể tìm lối thoát ra khỏi nó bằng cách dám mở mắt nhìn nhận. Tất cả những người khác đều buộc phải bước theo những cái bóng.
“Tình yêu không thể chỉ là một cái bóng,” cháu trả lời.
“Nó là cái bóng của sự đam mê. Nghe này, ngay bây giờ ta rất vui được tản bộ cùng cháu trên bãi biển này, ta thích trò chuyện với cháu về rất nhiều điều, nhưng đây có phải là tình yêu không? Không, nó chỉ là sự thỏa mãn một phần kiến thức. Ở cháu, người tự xưng là con gái của ta, ta yêu sự phản chiếu trí tuệ của ta; ta yêu những gì ta nhận ra là của chính ta ở cháu. Nhưng nếu, giả sử, cháu bộc lộ một đặc điểm gien khác – có lẽ là đặc điểm giống bà dì ngốc nghếch nào đó bên họ ngoại nhà cháu hoặc nhà ta – nếu hóa ra cháu lại là một cô gái ngờ nghệch sống vì những show truyền hình vớ vẩn, ta sẽ tống cháu ra khỏi cửa ngay. Ta không hứng thú lắm với quyền sở hữu – ta quan tâm tới sự thừa nhận hơn. Ta thích ý tưởng dò tìm một dấu hiệu, một manh mối, được truyền một cách thần bí từ đời này sang đời khác. Hãy thử tưởng tượng cuộc sống của cháu sẽ như thế nào nếu ngay từ đầu cháu biết mình là con gái của Giáo sư Ancona. Cháu sẽ nghiễm nhiên sống theo những khuôn mẫu hành xử tiền định; chẳng hạn, cháu có thể cảm thấy buộc phải học giỏi nhất lớp. Hoặc ngược lại, cố hết sức để trở thành một kẻ đua đòi đáng ghét chỉ để làm ta tức phát điên. Nhưng nếu để tự do, cháu sẽ trưởng thành rất đỗi tự nhiên, và được trở thành chính con người cháu, không phải là một cái cây trồng trong nhà kính mà là một cái cây đứng oai nghiêm một mình giữa chốn hoang vu, và tất cả là nhờ ta, vì ta đã trốn tránh cháu, ta đã rút lui. Đừng nghĩ đó không phải là một sự hi sinh từ phía ta. Ta đã phải từ bỏ vô số những khoảnh khắc vui sướng chỉ người cha mới có, nhưng ta không muốn kìm kẹp đôi cánh của cháu. Cháu có hiểu không? Ta thích để cho nguồn gien thừa kế của cháu biểu lộ một cách tự nhiên, vì cuối cùng thì đó cũng là bản chất cốt lõi của chúng ta. Suốt nhiều thiên niên kỷ, ADN của chúng ta đã tự nó xoay vần. Cháu sống, tồn tại và rồi chết; mọi thứ đều được ghi rõ trong đó, trong chuỗi vật chất nhỏ xíu đó.”
Trời hôm đó rất nóng. Cháu và ông ấy ngồi trên một chiếc thuyền có gắn mái chèo đã được kéo lên bãi cát và cởi bỏ áo khoác. Cha cháu đốt một điếu xì gà, còn cháu thì hướng mắt về phía một con chim cốc nằm chết cách đó không xa, đang bị lũ ruồi nhặng bu kín.

Cha không hề hỏi cháu điều gì về mẹ, mẹ là ai, hay điều gì đã xảy đến với bà. Điều này dường như hơi kỳ quặc với cháu.
“Mẹ cháu mất rồi,” cháu nói, mà không nhìn vào mặt ông. “À, thế à?”
“Mẹ mất lâu lắm rồi. Lúc cháu lên bốn tuổi.”
“Cả điều này cũng là một kiểu may mắn. Bà ấy ra đi như thế nào?”
“Trong một tai nạn xe hơi. Cháu nghĩ mọi chuyện đã trở nên quá sức với bà…”
Làn khói từ điếu xì gà của cha bay lên thành những vòng tròn đồng tâm và trôi về phía mặt ông. Cha hắt ra một tiếng thở dài thật nặng nề. “Cái gien ngây thơ này thường mang lại một sai lầm nào đó.”
“Sai lầm gì ạ?”
“Một xu hướng tự hủy hoại bản thân.”

* * *

Một hôm, sau khi đi dạo, cha đưa cháu đi ăn trưa trong một thị trấn cổ. Có lẽ ông là khách hàng thường xuyên ở đó, vì người phục vụ luống tuổi dẫn cha và cháu vào bàn gọi ông là “Thưa Giáo sư”.
Khi cha và cháu ngồi xuống bàn, ông thì thầm “Họ sẽ nghĩ cháu là người mới nhất ta chinh phục được.”
Cháu muốn nói, “Bác bắt đầu quan tâm tới chuyện người khác nghĩ gì từ bao giờ thế?” Nhưng rồi cháu im lặng.
Trên bức tường phía sau lưng cha, một gã say với chiếc mũ lưỡi trai đội lệch và dòng lệ chảy dài trên má trong bức vẽ sơn dầu nhìn chằm chằm vào cháu. Có một chai rượu đã cạn trên cái bàn của ông ta. Trong bức tranh bên cạnh, một mặt trời màu cam to lớn chiếu những tia nắng xuống hai con ngựa đang đứng đối đầu vào nhau, không rõ là vì thù địch hay vì tình yêu.
“Cháu nên gọi bánh ngô chiên nước xốt,” cha gợi ý. “Không, cháu thích mực chiên hơn.”
Trong lúc chờ đợi, họ mang ra vài món nguội để khai vị và một chai vang trắng. Đó là lần đầu tiên cháu thấy cha ăn. Cháu cứ ngỡ ông sẽ đối xử với thức ăn, giống như với mọi thứ khác, bằng sự hờ hững tột cùng; tuy vậy, cháu vô cùng ngạc nhiên khi ông ăn mọi thứ một cách ngấu nghiến, cứ như đã nhịn ăn khá lâu.
Tới lúc đó, cha vẫn chưa hề bảo cháu kể cho ông nghe bất kỳ điều gì về cháu và cuộc đời cháu. Nhìn ông cúi rạp xuống chiếc đĩa, cháu cảm nhận được là sẽ chẳng có gì khác nếu cháu có là một manơcanh hay một tấm bìa được cắt ra. Nhưng cháu muốn biết chút ít về ông, và vì vậy, trong lúc chờ đợi món ăn được mang ra, cháu hỏi cha về gia đình ông.

* * *

Mẹ ông là người ở đảo Rhodes, và cha ông, Bruno Ancona, là một người buôn thảm – đây là công việc kinh doanh được thừa kế lại từ bố vợ. Họ sống ở Venice, nơi cha cháu được sinh ra vào năm 1932.
Ngay trước khi Bộ Luật Chủng tộc được ban hành năm 1938, Bruno Ancona và gia đình, cùng với một hòm đầy thảm, đã lên tàu sang Brazil. Vợ ông Bruno, tức mẹ của ông Massimo, đã phản đối quyết định này kịch liệt; các cuộc gặp gỡ ở câu lạc bộ chơi bài canasta vẫn diễn ra thường xuyên, tất cả các quý bà vẫn đang chơi, và không có lý do gì để phải lo lắng.

Họ là người Italy mà, giống như mọi người chung quanh đó thôi.
Trong suốt chuyến đi, Bruno phải chịu đựng những lời phàn nàn của vợ. “Anh tưởng tượng quá nhiều đấy,” vợ ông lải nhải. “Trí tưởng tượng của anh đã hủy hoại tất cả chúng ta.”
Sự dày vò của bà vẫn tiếp diễn tận tới khi họ đến São Paolo. Mọi thứ đều quá sức chịu đựng với bà; thành phố này quá ẩm thấp, quá nóng nực, quá bẩn thỉu, quá nghèo nàn, quá nhiều người da đen, và tệ hơn nữa, không có ai để cùng chơi bài canasta. Gắng gượng thêm được hai năm, cuối cùng bà bệnh và mất.
“Chung quy lại là một người đàn bà ngu muội” cha cháu nhận xét. “Rất đẹp, nhưng ngu ngốc.”
Ông Bruno, trái lại, không hề ngu ngốc; một năm sau khi góa vợ, ông tái hôn. Người vợ mới của ông là một mỹ nhân Brazil có nước da sậm màu, người đã sinh ra cho ông một đàn con da màu.
Sau chiến tranh, ông Massimo xin cha cho tài sản thừa kế và trở về châu Âu. Từ đó hai người không bao giờ gặp lại hay liên lạc gì nữa; người này thậm chí còn không biết người kia còn sống hay đã chết.
Khi trở lại Trieste tối hôm đó, mùi đồ ăn chiên vẫn còn ám vào cháu suốt chặng đường về nhà. Cháu mệt mỏi và tất cả những gì cháu muốn là một giấc ngủ, nhưng cháu phải tắm trước đã. Cháu sợ cái mùi buồn thảm đó sẽ ngấm vào cháu và trà trộn với nỗi buồn của cháu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.