Lắng Nghe Yêu Thương

BẢNG PHẢ HỆ – 6.



BỐ MẸ TA LÀ AI? Điều gì ẩn sau khuôn mặt của các đấng sinh thành ra ta? Trong hàng tỉ con người, chỉ có hai; trong hàng trăm nghìn tinh trùng, chỉ có một. Trước khi trở thành con của bố mẹ, chúng ta là kết quả của hàng tỉ sự kết hợp và lựa chọn – cả được hình thành và không hình thành – nhưng không ai hiểu rõ về chúng. Sao là con tinh trùng này mà không phải con tinh trùng ở cạnh nó? Sao chỉ có nó mang các nét đặc trưng của một con người? Đứa trẻ chưa ra đời có thể trở thành Leonardo da Vinci, một người thợ sửa ống nước, hay một tên sát nhân man rợ.
Nếu đúng mọi thứ đều là do tiền định, như một thực đơn trong nhà hàng, nếu Leonardo phải trở thành Leonardo, chứ không phải bất kì ai khác, người thợ sửa ống nước phải trở thành người thợ ống nước và tên sát nhân chỉ có thể là tên sát nhân, thì sự tồn tại của chúng ta ngoài kia phỏng có ý nghĩa gì? Chúng ta có thực sự được cấu thành từ nhiều mảnh ghép, như các mảnh của trò ghép hình không? Vậy có con số nào trên mỗi mảnh ghép quyết định hướng đi của nó chăng?
Có lẽ, đâu đó trên thiên đường, có người nào đó – như một bà nội trợ siêng năng – đang vội vã quyết định: Hôm nay, chúng ta cần 400 thợ ống nước, khoảng 80 tên giết người và 42 nhà khoa học.
Hoặc có lẽ đúng như nhiều người vẫn nói, thiên đường trống rỗng, và mọi thứ xảy ra như một chu kì vận động không ngừng; vật chất bắt đầu tích tụ hàng niên đại trước, và giờ nó không thể dừng lại; các dạng thức mà nó sản sinh ngày càng phức tạp hơn. Sự phức tạp ấy mở đường cho một hư cấu lớn, khiến chúng ta tin có Ai đấy ở đâu đó trên trời.
Dù sao đi nữa, chúng ta là một phần của bố mẹ, một phần của ông bà, một phần của cụ kị, và cứ mãi như thế, cứ lùi xa hơn về quá khứ, cho đến khi phả hệ được mở rộng – ông ngoại đam mê côn trùng, bà cố thích ca hát, kị ông có tài kinh doanh, một người ông họ nghiện rượu, hai người chú cứ chăm chăm tự hủy hoại mạng sống của mình, một bà bác bị ám ảnh bởi thế giới tâm linh – tất cả những điều này nằm rất gần bên trong ta, như thể trong một quả bom hẹn giờ có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Và như thế, một người đàn ông và một người đàn bà – trong hàng tỉ con người – đã gặp nhau tại một thời điểm trong đời, và sau một khoảng thời gian có thể du di từ vài phút đến vài thập kỉ, đã tái sinh lại chính bản thân họ trong một hình hài sống khác.
Theo các nghiên cứu tiến bộ nhất, nguồn gốc của việc kết đôi này có lẽ lại một lần nữa xuất phát từ mùi hương, giống hệt trường hợp của lũ chim di trú.
Ta đang nghe theo lệnh chiếc mũi, hay định mệnh?
Sự tiến bộ của nhân loại có là nhân tố chính? Hay là do sự yếu đuối cộng với khát vọng vô tận, không gì lí giải nổi của con người với tình yêu?

* * *

Hình ảnh duy nhất của bố khi còn trẻ – mà cháu có thể tìm được sau khi bà mất – nằm trong một bức ảnh tập thể. Bố đứng sau mẹ. Cả hai người, tay cầm lon bia, vẻ như đang ăn mừng một dịp nào đó. Mẹ nhìn bố đầy sùng bái như một chú chó đang ngắm chủ mình. Khói thuốc của mẹ hòa vào làn khói đang lơ lửng khắp phòng. Sau bức hình là dòng chữ được viết bằng bút chì: Tháng Ba, 1970.
Bức ảnh này nằm lẫn trong tập ảnh gia đình trong một cái va li bằng giấy bồi phủ kín bởi hai tấm thảm, cháu thấy trên gác xép. Cháu cũng tìm thấy rất nhiều bức thư, một vài lá được buộc lại bằng các dải ruy băng nhiều màu sắc, số còn lại nằm lộn xộn trong các túi ni lông, lẫn với các tấm thiệp từ Salsomaggiore, từ Cortina d’Ampezzo, từ các trụ đất ở Nam Tyrol, và từ Porreta Terme, cùng với đó là các tấm vé tàu, vé vào viện bảo tàng, thiếp mời đám cưới, thiếp mời sinh nhật, điện chia buồn, và dưới đáy va li có bốn đến năm cuốn sổ…
Nhìn vào lớp bụi, có thể biết không ai chạm vào chiếc va li này đã nhiều năm; chắc lâu rồi bà không lên lại gác xép, cháu cũng chưa từng thấy nó bao giờ. Khát vọng trở về và khám phá quá khứ chỉ trỗi dậy khi cuộc đời ta thay đổi vì vài lí do bất ngờ và tồi tệ, như bị ốm hay bỗng dưng bị bỏ rơi chẳng hạn. Cháu đã lấy hết can đảm để mở toang chiếc va li. Trong đó là những câu chữ bị kìm nén, không được thốt ra thành lời, những việc chưa từng làm, và những người chưa từng gặp; tất cả những gì chiếc va li ấy cần là một cái chạm nhẹ để giải thoát các linh hồn.
Con ma đầu tiên cháu gặp không phải bố mà là mẹ. Cháu tình cờ tìm thấy nó – bị giấu dưới một quyển nhật kí, một tập thư và vài tấm ảnh nằm lộn xộn.
Cháu cẩn thận gom mọi thứ lại và trở xuống phòng khách, chứ không muốn ở lại gác xép, ở lại lãnh địa của họ; cháu thấy mình thật mong manh. Để giả vờ là mình không đơn độc, cháu mở ti vi và ngồi xuống ghế bành.
Các trang nhật kí được làm bằng giấy lụa Florentine in hình những bông hoa huệ tây nhỏ tin hin. Trên trang đầu tiên, ai đó có lẽ đã dùng một cây bút mực đỏ tòe ngòi để tô đậm cho dòng chữ: NỔI LOẠN. Dòng chữ được gạch chân ba lần, sau nó là những dấu chấm than đầy mơ hồ.
• Ngày 14 tháng 9 năm 1969

Lễ Thánh giá
Hôm nay là ngày tự do đầu tiên của mình! Bái biệt các cơn tức giận của Trieste; bái biệt sự kìm kẹp của gia đình.
Chẳng dễ gì khiến mẹ chấp nhận lựa chọn của mình. Mình có thể học các khóa học y như thế ở Trieste, vậy thì chịu tốn kém khi chuyển đến thành phố khác để làm gì chứ?
Mẹ chịu nhượng bộ nhanh hơn mình tưởng. Câu thần chú ở đây chính là: ‘tự quản’: ‘Con muốn tự quản bản thân.’ Mẹ hiểu ra và nói: ‘Nếu đó là lí do thì mẹ đồng ý.’ Đáng lẽ mình phải nói với mẹ là mình sẽ đi dù mẹ có nói gì đi nữa. Cuối cùng, mình sẽ không còn làm một cái bóng nữa, và mình có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn trên đời này. Mình đã phí mất hai năm vì sự cổ hủ của mẹ rồi.
Khi tới đây hồi tháng Bảy, một thông báo trên bản tin của trường Đại học đã dẫn ngay mình tới căn hộ này. Nó đúng là một cái ổ chuột. Mình ở chung nhà với Tiziana, cô ta là dân Comelico và là sinh viên y khoa. Dù sao đi nữa, mình sẽ chẳng ở lì trong căn phòng này. Mình cảm thấy như một con chó, sau bao năm cố gắng, cuối cùng đã được tự do; mình sẽ thường xuyên rong chơi, hít khí trời, mình sẽ được mở rộng tầm mắt, mình quyết định sẽ trải nghiệm mọi thứ, để hiểu được mọi điều.
• Ngày 27 tháng 9
Nửa số đồ mình mua đã không cánh mà bay khỏi tủ lạnh. Đã hỏi T., cô ta chối. Thôi bỏ qua, tránh cãi vã.
• Ngày 02 tháng 10
M. gọi điện. Mình vẫn đang ngái ngủ khi điện thoại kêu. Mẹ bảo gió bora thổi cực mạnh – nó làm toác cả thân của một cái cây trong vườn. ‘Tại sao con phải quan tâm tới chuyện ấy chứ?’ mình nói rồi gác máy. Mình biết đây chỉ là một trong các cách kiểm soát của mẹ mà thôi.
• Ngày 13 tháng 10
Buổi học đầu tiên. Giảng đường chật ních người, mình đến muộn, và phải đứng cả buổi, Giáo sư đã già và nổi tiếng là phát xít. Khi thầy giảng, không khí rất căng thẳng. Những cục giấy được vo tròn lại, bay từ góc này tới góc kia hội trường. Cuối cùng, lúc thầy giải thích về thời khóa biểu các buổi học lí thuyết, một nhóm sinh viên hứng chí, bắt đầu huýt sáo tỏ ý chê bai, một nhóm đông khác cũng hùa theo. Giáo sư bực tức bỏ đi, những tiếng cười nhạo báng đuổi theo sau lưng thầy.
• Ngày 30 tháng 10
M. gọi, lại vào sáng sớm như thường lệ – mẹ làm như thể sinh viên cũng giống như nông dân ấy. ‘Con được nghỉ dài cuối tuần, sao không về thăm nhà?’ mẹ nói. Mình thấy mình thật xuất sắc khi nói: ‘Con bận học mà mẹ.’ Nói xong, mình lật người sang bên kia và ngủ tiếp.
• Ngày 18 tháng 11
Mình vừa nhập môn lí luận ngôn ngữ. Người dạy là một trợ giảng. Mái tóc mới điểm vài sợi bạc khiến thầy trông quyến rũ hơn. Thầy là giáo sư duy nhất có râu quai nón. Ai ai cũng chăm chú nghe thầy giảng. Khi bọn mình rời giảng đường, mình nói với Carla, bạn học mới của mình: ‘Giáo sư Ancona đâu có xấu trai.’ C. cười đầy hàm ý, như muốn nói: ‘Cậu tưởng chỉ mình cậu thấy thế hay sao?’
• Ngày 02 tháng 12
C. cố dụ mình tới nhóm nâng cao ý thức cho phụ nữ. Ban đầu, mình thấy hơi ngượng, vì mọi người chỉ toàn nói về cơ thể họ.
Theo những gì mọi người nói thì họ chỉ nhận thức được về bản thân sau khi chia sẻ hết cái cảm giác tội lỗi về việc sinh đẻ, và nhận thức mới này giúp họ nhận ra sự áp đặt khó tin khi bé gái chỉ được chơi búp bê và đồ hàng. ‘Đó là khởi đầu của kiếp sống nô lệ!’ một cô gái hét lên, và mọi người đều rất nhiệt tình hưởng ứng.
Đến lượt mình, mình không biết nói gì. Một hồi ức bỗng hiện lên rất nhanh, đoạn hồi ức khi mình ở với bố: Lúc ấy mình khoảng sáu hay bảy tuổi, ăn tối xong, thật cẩn thận, mình mang một tách cà phê tới phòng khách cho ông. ‘Con đúng là một bà nội trợ nhỏ bé đảm đang’, ông thốt lên và cười với mình.
Giờ, mình nói, rõ là tôi đã bị đóng dấu, cái gánh nặng và cái đích đến đó gắn vào trong tôi từ bấy tới giờ. Sẽ ra sao nếu tôi muốn trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh hay một nhà du hành vũ trụ? Lời mình nói nhận được nhiều đồng tình. Những bà nội trợ nhỏ đảm đang và tất cả những kẻ phá nát giấc mơ hãy xuống địa ngục đi. Lúc rời cuộc thảo luận, mình cảm thấy ít nhiều đã trưởng thành thêm được một chút.
• Ngày 27 tháng 12
Để tránh biến các cuộc cãi vã thành chiến tranh toàn diện, mình phải về nhà vào Giáng sinh. Thường thì đêm Giáng sinh là lúc tụ tập của đám bạn góa, của các bà cô trầm cảm và cả của những họ hàng xa tít mù khơi chẳng có nơi nào khác để đi.
Đêm ấy, lúc nằm trên giường, mình nghĩ về Madonna, về cách bà trở thành biểu tượng của phụ nữ trong những ngày xa xưa ấy, kì lạ nhất là bà có một đứa con dù chưa từng làm tình; bà chỉ cần nhìn vào Linh hồn Thánh thiện trong mắt mình, thế là đủ, và trong suốt hai nghìn năm, bà luôn hiển hiện quanh đây với nét mặt ngây dại ấy.
Vì thế, sáng sớm trước khi rời đi, mình đã ban cho bà một ân huệ. Mình đã tới lấy cắp bức tượng nhỏ của bà đặt ở sườn nhà thờ Thánh Joseph, để lại đó mảnh giấy với dòng chữ ‘mang đi sửa’ và đưa Madonna ra ngoài, hưởng chút không khí trong lành.
Trước khi lên xe, mình đặt bức tượng dưới bức tường thấp, đằng sau trạm xe buýt. Mong là ai đó sẽ đưa bà đi vòng vòng một lát để bù đắp cho bà khoảng thời gian đã mất.
• Ngày 31 tháng 12
T. vẫn đang ở cái thung lũng đầy tuyết nhà cô ta, tối nay mình phải mở tiệc thật lớn mới được. Mình đi mua sắm sớm hơn thường lệ và tình cờ gặp giáo sư A. Tim mình đập loạn xạ khi thấy thầy. Mình rất muốn nói chuyện với thầy, nhưng thấy ngại làm sao. Mình nghĩ chắc thầy sẽ bất ngờ khi thấy mình – sao có thể hi vọng thầy nhớ được hết đám sinh viên cơ chứ.

Lúc mình tránh thầy, đẩy xe đi, mình có cảm giác như thầy đang nhìn mình. Thầy có đôi mắt đen láy, khi thầy nói, chúng như sáng bừng lên. Có lẽ vì thế mà mình thấy nóng bừng ở gáy.
Đọc đến hết năm 1969, cháu gấp quyển nhật kí lại.
Đống chăn, ga trên giường cháu thật lạnh lẽo; dù có cuộn chặt vào người đến đâu đi nữa, cháu cũng không thấy ấm. Ánh trăng tháng Tư rọi qua kẽ nứt của cánh cửa chớp đã đóng kín, chia nền nhà và chiếc bàn ra làm đôi, rồi dừng chân trên tấm ảnh của Ilaria.
Không màng tới tất thảy những gì cháu đã tưởng tượng, đã mơ, đã đoán về mẹ, điều đơn giản nhất cháu chưa từng nghĩ tới đó là: mẹ cũng chỉ là một cô gái.

* * *

Chín giờ sáng hôm sau, cháu đã ở trong phòng khách. Trước khi lật giở cuốn nhật kí, cháu để tập ảnh lên chiếc bàn trước mặt, xếp chúng thành cột theo kiểu chơi bài solitaire: Ảnh chân dung của mẹ, ảnh mẹ với đám bạn gái, ảnh do mẹ chụp, ảnh của những người thuộc giới tính bên kia. Nhưng xấp ảnh cuối cùng này lại vô cùng ít ỏi, đa phần là ảnh chụp tập thể.
Trong tập ảnh này, có một tấm được chụp trong quán nước. Đó hẳn là mùa đông vì trong ảnh, mẹ có quàng khăn và đội mũ len. Có một người đàn ông ngồi cạnh mẹ, tay che mặt; giữa các khe ngón tay thoáng thấy đôi mắt và bộ râu quai nón của ông ta. Đó có phải tiệc hóa trang không? Họ đang đi chơi sao? Bàn tay xòe ra ấy nghĩa là gì? Là từ chối? Là ngăn cách? Có lẽ ông ta đã kết hôn và không muốn tự làm hại mình, cũng có thể ông ta không muốn để lại bằng chứng là mình có quan hệ tình cảm với sinh viên nữ.

Cháu so tấm ảnh này với tấm ảnh chụp đám người đang uống bia. Ngoài người đàn ông có bộ râu quai nón, còn có một người nữa đứng cạnh mẹ. Người này có vẻ nhỏ con hơn người đàn ông có bộ ria kia, và mặt ông ta đầy mụn.
Xa về phía góc phải, ngay trước hai cô gái – hình như là Carla và Tiziana thì phải? – là một người đàn ông có làn da nhợt nhạt với đôi mắt ốc nhồi màu xanh, cổ quấn chặt một cái khăn màu đỏ, đang khom mình như một cầu thủ bóng đá.
Mình là con gái của ông ta hay của người đàn ông mặt mụn? Thực ra, trong ảnh chỉ có duy nhất một người có râu quai nón, đó là người đứng ngay sau mẹ. Cháu so sánh bàn tay ông ta với bàn tay cháu, mắt ông ta với mắt cháu, và bắt đầu đọc tiếp nhật kí.
Cháu đọc kĩ từng trang, giống như một người lái xe đọc các biển cảnh báo – nguy hiểm có lở đất, nguy hiểm có đá rơi, nguy hiểm đường có vách đá dựng đứng – nhưng người tài xế ấy không hề dừng lại, vẫn tiếp tục lái xe với cái chân để hờ lên phanh, bàn tay sẵn sàng về số, cảm thấy vô cùng sợ hãi vì đây là con đường duy nhất trên thế giới mà người tài xế ấy muốn đi cho đến cùng.
• Ngày 6 tháng 1 năm 1970.
Dù không muốn, mình vẫn bị kéo đến bữa tiệc toàn người lạ, và ở đấy, mình đã gặp giáo sư A.
Khi thấy thầy, mình giữ vẻ lạnh lùng, hay chí ít cũng cố giả vờ như vậy, nhưng hai má mình bỗng nhiên cứ đỏ ửng lên; vì thế mình đã quay vào tường và nói chuyện với một cô bạn mình đã thoáng thấy ở một cuộc họp nhóm về quyền phụ nữ. Nhưng lúc ấy, tất cả những gì trong đầu mình chỉ là mình sẽ tiếp cận thầy thế nào bây giờ.
Tuy nhiên, điều ấy chẳng còn cần thiết nữa vì thầy đang tiến lại chỗ mình. ‘Hình như ta đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải,’ thầy nói, mắt thầy tìm mắt mình trong khi môi thầy vẫn đang nhấm nháp li rượu vang đỏ.
Mình nghĩ mình đã chót cất giọng cao quá: ‘Vâng, ở siêu thị!’ (mình đúng là con ngốc mà), may mà sau đó mình còn nói thêm, ‘Em là sinh viên của thầy.’
Thầy đặt nhẹ tay thầy xuống tay mình, hỏi: ‘Em thích triết học không?’
‘Rất thích ạ.’
Khi tiệc tàn, chúng mình đã đi dạo dưới mái vòm, đi mãi cho đến khi tới kênh nước. Hai bên bờ, sương bắt đầu xuống, và trong cái tĩnh lặng của thành phố đang yên giấc này, cả hai thầy trò chỉ nghe thấy tiếng nước vỗ bập bềnh và tiếng thở của nhau. Lúc thầy và mình đi qua mái vòm trước nhà thờ, cánh tay thầy gần như đã ghì chặt vào sườn mình. Ở phía Đông, mặt trời bắt đầu ló rạng, dát ánh sáng lên mái và mặt tiền của các tòa nhà.
‘Nhìn kìa,’ thầy nói. ‘Triết học và mặt trời rất giống nhau. Cả hai đều cùng có nhiệm vụ là xua tan bóng tối – bóng tối tự nhiên và bóng tối của tâm tưởng – thứ đè nặng sự mê muội lên cuộc sống con người.’
Mình và thầy đã chúc nhau ngủ ngon ở lối vào chính tòa nhà mình ở. ‘Ta có còn gặp lại nhau nữa không?’ mình hỏi thầy. Thầy vẫy chào tạm biệt bằng một bàn tay mở ra đầy khó hiểu.
• Ngày 11 tháng 1
Không may là mình lại bắt đầu thấy lo lắng. Mình đã tìm tên thầy trong danh bạ điện thoại, nhưng chẳng thấy cái tên Massimo Ancona nào cả. Mình không thể gọi cho thầy và không biết thầy sống ở đâu. Tất cả những gì mình có thể làm chỉ là chờ đợi.
• Ngày 15 tháng 1
Mình đến giảng đường trước một tiếng để có thể ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng thầy chẳng thèm nhìn mình lấy một lần, cho dù mình đang ngồi ngay trước mặt thầy. Có lẽ thầy không muốn bị phân tâm; không muốn để lộ ra trước lớp.

Mình đợi thầy trước cửa lớp, nhưng một gã đầu đỏ đã nhanh chân hơn. Thầy và hắn cùng đi xuống hành lang, vừa đi vừa nói chuyện như đã quen thân từ lâu. Có lẽ hắn là một trong những sinh viên năm cuối của thầy.
• Ngày 25 tháng 1
Lại thêm hai buổi lên lớp vô ích nữa. Mình nghĩ là mình sắp điên rồi. Mình đã liên tục đi siêu thị, mong chạm mặt thầy. Nhưng vô ích.
• Ngày 28 tháng 1
Lại là một bữa tiệc hóa trang khác, nhưng mình chẳng thấy vui chút nào. Đám phụ nữ trong nhóm ăn vận như những mụ phù thủy, còn mình thì hóa trang thành một bộ xương, đó cũng chính là cảm giác của mình khi không có thầy, không được thầy nhìn: cảm giác như thể mình đã chết.
Mình đến các bữa tiệc chỉ với một hi vọng là thấy thầy ở đó. Nhưng chẳng thấy thầy đâu, và mình cứ bị cuốn vào hết cuộc vui này tới cuộc vui khác. Ít nhất thì điều ấy cũng khiến thời gian trôi nhanh hơn…
• Ngày 30 tháng 1
Mình muốn ngắt lời thầy giảng và hét vào mặt thầy: Sao thầy không nhìn em nữa? Đêm qua mình mơ là mình đã hét lên như thế với thầy, và rồi sáng nay thức dậy, xương hàm mình bị cứng lại. Mình đã bộc lộ nỗi lòng với C. Cậu ấy nói rắc rối duy nhất của mình chính là sự sợ hãi; trực giác của cô ấy mách bảo là cảm giác của mình với thầy quá lớn, quá quan trọng, thế nên mình sợ phải tiến xa hơn.
Mình nghĩ là cậu ấy nói đúng.
Sao mình phải bỏ chạy khi giữa thầy và mình chưa hề xảy ra chuyện gì? C. khuyên mình nên chủ động. Thời đại đã thay đổi rồi. Cái thời phụ nữ phải cư xử như những pho tượng nhỏ xinh đẹp trước mọi người, rồi một mình than vãn đã qua rồi.
• Ngày 2 tháng 2

Cuối cùng mình cũng đã bỏ được mẩu giấy nhắn vào thùng thư của thầy ở phòng giáo viên. Sau khi đắn đo rất lâu, mình đã viết, ‘Ánh sáng trí tuệ xua đuổi bóng đen mê tín. Đêm nào em cũng rảnh, mong được cùng thầy ngắm bình minh.’ Và để đề phòng, mình đã ghi tên và địa chỉ của mình lên giấy.
• Ngày 6 tháng 2
Ngồi lẫn trong đám sinh viên ở giảng đường. Mình nghĩ thầy bắt đầu quay tìm mình. Mình đã cười với thầy, và hình như thầy cũng có cười với mình.
• Ngày 12 tháng 2
Ảo tưởng, ảo tưởng, đúng là ảo tưởng… Có lẽ mình nên bỏ cuộc, trở về Trieste và bắt đầu lại từ đầu… hoặc là chết chìm trong khói thuốc…
• Ngày 15 tháng 2
C. mang tới vài viên thuốc kích thích. Cậu ấy nói chúng mình nên phiêu một chuyến cùng nhau, một cuộc du hành tới miền đất kì thú, tới những thế giới chỉ hai đứa mình thấy. Mình nói với cậu ấy là lúc này, mình chỉ mong có một chuyến phiêu lưu duy nhất, đó là được ở trong vòng tay của thầy Massimo.
• Ngày 2 tháng 3
Điều ấy đã xảy ra! Đã xảy ra! Xảy ra rồi! Đó có phải là sức mạnh thần kì của mùa xuân không? Ai mà biết? Và ai thèm quan tâm cơ chứ? Quan trọng là điều ấy đã xảy ra.
Mình đã quá cô đơn, buồn bã, quá lo lắng! Lúc thầy bấm chuông, mình vẫn đang nằm ngủ trên giường. Mình ra mở cửa, trên người vẫn vận nguyên bộ đồ ngủ (bộ hình chú gấu Teddy; trông chẳng gợi cảm chút nào cả). Mình lắp bắp, ‘Xin lỗi, em không…’ Thầy chạm nhẹ đôi tay ấm áp của thầy vào má mình và nói: ‘Thế này em cũng vẫn xinh đẹp.’
• Ngày 15 tháng 4
Có lẽ mình được sinh ra chỉ là để được hưởng những ngày này. Có thầy ở bên, mọi thứ đều thay đổi. Mình thấy thật phi thường; mình được giải thoát khỏi tất cả những nỗi sợ, những khao khát được vỗ về; không còn phải gò bó bản thân nữa. Massimo không sợ các rào cản – thực ra, thầy còn đi tìm và phá tan chúng.
Ở nhà hai ngày trong Lễ Phục Sinh: như là rơi xuống một hành tinh khác vậy.
M. nói, ‘Cuối cùng, sắc mặt con cũng khá hơn rồi!’ Làn da của mình – mẹ chỉ quan tâm mỗi thế. Vẻ bên ngoài, cái mặt nạ.
Nếu mẹ là người khác thì giờ này mình sẽ kể mẹ nghe mọi chuyện của mình, nhưng nói gì với một con cá chết ở cả đời ở trong tủ lạnh bây giờ? Đôi khi mình nghĩ về bố mẹ. Quan sát hai người sống bên nhau trong cái nơi tù túng này suốt bao nhiêu năm, và thấy họ chẳng có gì nói với nhau, chẳng có tình cảm với nhau, mình tự hỏi cả hai đã sinh ra mình như thế nào? Mình có thật là con gái của họ không? Mình có yêu họ không?
Có lẽ bố mình bị bất lực; có lẽ mình là con nuôi và mẹ không dám nói điều ấy với mình. Nhưng thế thì có gì khác đâu? Cuối cùng thì điều quan trọng là mình đang sống một cuộc đời tự do, không bị đè nén và không giả tạo.
Khi chào tạm biệt, lần đầu tiên trong đời mình thấy thương hại mẹ, người mẹ già khốn khổ, bị chôn chặt trong chính nỗi đau của mình.
• Ngày 1 tháng 5
Mình sẽ không tham gia cuộc diễu hành vì bị đau đầu. C. nói mình nên đi thử thai, không được chần chừ lâu, nếu không mình sẽ phải tới London, và mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp. Mình thấy rất lạ, mông lung, không thốt được lời nào. Mình chưa từng nghĩ chuyện này có thể xảy ra.
• Ngày 3 tháng 5
Dương tính.
Cháu bật đứng dậy, những lá thư và tập ảnh rơi xuống sàn.

Khoác cái áo có mũ trùm đầu lên người, cháu bước ra ngoài đi dạo, men theo đỉnh núi Carso.
Bên dưới, nước biển lấp lánh như một chiếc gương và phía sau cháu, dãy Nanos vẫn phủ đầy tuyết.
Dương tính.
Đó không phải là cháu – năm sinh không khớp. Vậy thì điều gì đã xảy đến với người anh chị đó của cháu?

* * *

Hôm sau, tiết trời dịu mát hơn. Từ sáng sớm, muôn loài chim đã cùng nhau hòa ca vô cùng sôi nổi.
So với không khí ấm áp bên ngoài, ngôi nhà trông như một chiếc hang lạnh giá và tối tăm. Quyển nhật kí vẫn nằm trên bàn, những lá thư và tập ảnh vẫn nằm vương vãi khắp sàn nhà, như đang tỏa ra một thứ ánh sáng màu vàng trong bóng tối bao phủ căn phòng.
Cháu lấy một cái ghế xếp trong nhà xe mang ra vườn, không xa cây mận lớn đang trổ đầy hoa là mấy. Đám hoa mận tỏa hương thơm dịu nhẹ, hấp dẫn cả một lũ ong nghệ. Tiếng kêu vo vo điên cuồng của chúng cứ văng vẳng bên tai cháu.
Thứ cháu cần để có thể tiến lên phía trước là cuộc sống, là ánh sáng, là cảm giác rằng cháu là một phần của thế giới rộng lớn này.
• Ngày 12 tháng 5
Mình không dám lên lớp – không dám nhìn vào mắt thầy. Cảm giác của mình thay đổi từng giây, từng phút. Đôi khi mình nghĩ mình đang mang một bí mật nhỏ bé đáng yêu trong người. Mình muốn có một chuyến đi dạo thật lâu và lãng mạn cùng thầy, và sau đó, có lẽ khi đang cùng nhấm nháp chút rượu, mình sẽ thì thầm vào tai thầy, ‘Anh biết không? Chúng mình sắp có con,’ và xem thầy sẽ phản ứng ra sao, chắc là sửng sốt rồi vui mừng rạng rỡ. Nhưng như vậy thì mau quá, tất cả những điều này như một gánh nặng bất chợt đổ lên đầu và bóp nghẹt mình.
Mình sợ ràng buộc, sợ nỗ lực và trách nhiệm. Mình sẽ nói gì với mẹ đây? Rằng mình đang mang thai với người đàn ông lớn hơn mình gần 20 tuổi sao? Mình có thể phóng tác nên một chuyến phiêu lưu lãng mạn ở Thổ Nhĩ Kì, mình đã thấy Massimo hút thuốc như một tay Thổ Nhĩ Kì chính gốc… Hoặc một ngày nào đó mình dẫn thầy về nhà và nói, ‘Mẹ à, đây là người con yêu, là cha của đứa bé con đang mong đợi.’ Và mình tự nhủ mối quan hệ của mình và thầy sẽ không bao giờ ảm đạm như của bố mẹ đâu.
Có lẽ thầy sẽ rất sốt sắng giới thiệu mình với nhà bên đấy. Nhưng có lẽ cũng chẳng ích gì khi cứ mãi tưởng tượng viển vông thế này. Trước khi có thêm bất kì chuyện gì nữa, mình phải báo tin cho thầy; chúng mình sẽ quyết định những điều sắp tới cùng nhau. Lần nào gặp Carla, cậu ấy cũng hỏi, ‘Sao rồi?’ như thể muốn giục mình hãy nhanh lên.
• Ngày 20 tháng 5
Thầy không lên lớp đã hai tuần. Theo những gì mình thu thập được thì có vẻ thầy bị ốm. Mình đã mang thai được gần hai tháng. Tâm trạng phởn phơ nhạt dần, thay vào đó là sợ hãi, rồi tức giận. Thầy có ốm thật không? Hay là thầy đã đoán ra điều gì đó và muốn ngãng ra?
• Ngày 24 tháng 5
Carla triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vấn đề của mình, nhân danh tình chị em. P. là người châm ngòi: ‘Trước khi đưa ra quyết định, chúng ta phải biết đứa bé là con trai hay con gái đã. Đừng để thế giới này xuất hiện thêm một kẻ thù nữa của ta.’ Vài người trong nhóm tán đồng, số khác lại phản đối.
B. phản hồi ngay: ‘Mình nghĩ nếu đứa bé là con trai, ta càng nên giữ nó lại. Nếu chúng ta không cải tạo cái giống đàn ông, thì ai sẽ làm đây?’
Nhiều người tán thưởng ý kiến này hơn, và rồi mọi người bắt đầu hò hét: “Đúng, ta sẽ bắt họ chơi đồ hàng!
Bắt họ chăm sóc búp bê! Sẽ dạy họ là không cần thiết phải hung hăng! Sẽ bắt họ mặc đồ màu vàng và đỏ…’
Để chốt hạ, C. nói: ‘Sư tử cái có bao giờ hỏi sư tử đực:
‘Anh yêu, anh có muốn giữ lại đứa con này không?’ Không hề! Nó sẽ giữ lại đứa con, đơn giản thế thôi, và rồi cả đàn sư tử cái sẽ cùng nuôi con, đó là tình chị em thực sự. Phụ nữ và những đứa con: đây là điều luật chi phối thế giới – các điều còn lại chỉ là vô dụng mà thôi. Giống đàn ông chỉ hữu dụng trong một chốc, một lát – sau đó, ta chẳng cần đến họ nữa.’ Căn phòng nổ tung bởi những tiếng reo hò tán thưởng.
Tôi thú thật: ‘Các bạn! Tôi… Tôi không biết phải làm gì… Tôi không biết liệu mình có muốn giữ lại đứa bé hay không.’
Sự im lặng đến ghê người bao trùm cả căn phòng.
‘Dù gì thì cậu vẫn là người phải ra quyết định cuối cùng. Là chị em của cậu, chúng mình chỉ có trách nhiệm ở đây với cậu thôi. Nếu cậu muốn giữ đứa bé, chúng ta sẽ làm như sư tử cái, tức là sẽ cùng nhau nuôi nó. Còn nếu cậu muốn phá cái thai, chúng mình cũng sẽ lo việc này. L. và G. đã học qua một khóa rồi, và họ rất giỏi.’
Sau những lời này, cuộc họp chính thức kết thúc, mọi người cắp túi ra về.
• Ngày 5 tháng 6
Mình tới văn phòng khoa để hỏi thăm thông tin. ‘Phải năm tới Giáo sư Ancona mới bắt đầu dạy lại,’ người ta bảo mình vậy. Mình đã nhanh trí nói rằng mình là sinh viên năm cuối của thầy và thật sự cần nói chuyện với thầy. Hẳn mình đã đỏ mặt, thế nên cô thư kí mới nhìn có chút nghi ngờ thế kia. ‘Em không nhờ Giáo sư dạy thay tư vấn được à?’
‘Dạ, không…’ ‘Thế thì viết cho thầy ấy một bức thư, rồi để lại văn phòng.’
Các trang nhật kí đằng sau đầy rẫy những dòng chữ bị gạch xóa. Đôi khi, qua nét chữ đậm từ cái bút có vẻ như bị tòe ngòi, vài nét mực hiện ra như những con cá thoát khỏi tấm lưới. Yêu. Trách nhiệm. Làm sao đây? Giữ t. viết nổi lên, ngay dưới đó, được viết lại ba lần bằng chữ in hoa với nhiều gạch chân bên dưới là chữ TUYỆT VỌNG, TUYỆT VỌNG, TUYỆT VỌNG.
Trước khi viết thư, mẹ hẳn đã viết nháp nhiều bản – vì dù sao thì ông ấy cũng là giáo sư triết học chuyên ngành lí luận ngôn ngữ. Lúc đọc những đoạn thư này, cháu có cảm giác mẹ rất sợ dùng sai từ; từng câu, từng chữ đều thể hiện sự bất an trong đó. Mẹ như người mất thăng bằng, bị đẩy phải đi trên gờ đá, với duy nhất một sự lựa chọn: sống hoặc chết.
Những khi mẹ tham gia các cuộc họp nhóm, khi mẹ lo lắng lao nhanh tới lớp, lúc mẹ hút thuốc hay (có lẽ) khi mẹ nằm khóc vùi trên giường, người anh hoặc chị đó của cháu vẫn đang lớn lên trong mẹ. Bằng sự thông minh và một chu kì điềm tĩnh, các tế bào tự sinh sôi, sắp xếp thành một gương mặt sau này. Đứa bé ấy đang dần lớn lên trong bụng mẹ, nhưng mẹ vẫn chưa quyết định được có giữ nó lại hay không; mẹ hoàn toàn có quyền quyết định số phận của nó. Khi đọc những dòng nhật kí ấy, cháu không thấy căm ghét hay khinh thường, mà tự nhiên chỉ muốn bảo vệ mẹ. Như thể mọi nỗi tuyệt vọng, đơn độc và sự khờ khạo đáng chế nhạo của mẹ đã chạy thẳng vào các tĩnh mạch của cháu, và kết lại thành niềm đau vô tận.
Lúc này, cái nắng giữa trưa nóng đến là khó chịu, khiến lũ ong đang bay vo ve quanh những đóa hoa kia cũng phải xây xẩm mặt mày. Ngay khi cháu định gấp quyển nhật kí lại, một con ong nghệ bỗng rơi vào giữa các trang giấy, chân sau của nó dính đầy phấn hoa.
Cháu nhẹ nhàng giúp nó trở lại với không trung.
Con ong đã để lại một vòng tròn màu vàng ở chỗ nó rơi xuống. Cháu đọc các dòng bên dưới vệt màu ấy:
Đã quyết định.
Ba ngày nữa kể từ hôm nay, tại nhà của B.
Tiziana, sinh viên y khoa xuất sắc phải thốt lên, ‘Cậu điên à. Họ sẽ giết cậu mất.’
Mình trả lời, ‘Có lẽ như thế sẽ tốt hơn.’
Hai trang sau đã bị xé mất. Ở trang sau nữa, bằng bàn tay đầy lo lắng, mẹ đã viết :
Đêm hôm sau, bị giằng xé giữa sự giải thoát và hỗn loạn, mình đã mơ thấy mình ăn một miếng bột mì chưa nướng, và nó bắt đầu nở to trong bụng mình. Ai đi qua cũng hỏi, ‘Cậu có bầu à ?’ ‘Không,’ mình trả lời, ‘Chỉ là men bánh thôi, nó vẫn đang nở,’ nhưng khi nói ra điều đó, mình không còn tin là mình đã làm đúng nữa.
Mình tỉnh giấc, thấy là lạ nên đã gọi cho B. ‘Cậu chắc là mọi chuyện ổn cả chứ ?’ mình hỏi. B. lại một lần nữa cam đoan là quy trình hoàn toàn chính xác. ‘Hơn nữa,’ cậu ấy nói thêm, ‘chẳng phải mình đã cho cậu xem cái thai trong chậu rồi còn gì?’ Cậu ấy có vẻ hơi bực vì mình cứ nghi ngờ khả năng của cậu ấy, để làm chuyện này dịu đi, mình đã nói đùa, ‘Nhưng giả sử cậu làm y như thầy mo người Philippine và cho mình xem hai cái gan gà thì sao?’ Cả hai cười vang, chẳng còn căng thẳng nữa.
Cháu thấy mình nên tách khỏi cuộc đời của mẹ vài ngày. Cháu không thể chịu nổi nỗi phiền muộn của những năm tháng đó thêm một chút nào nữa.
Để rũ sạch nỗi đau và bóng tối, để gột rửa bản thân, cháu đã đi bộ xa mãi qua cao nguyên. Lẩn trong các bụi cây, lũ chim két và chim chích hợp xướng các bản tình ca. Màu xanh dịu mát của những chồi non mới nhú như tô điểm thêm cho quang cảnh rực rỡ xung quanh. Một đám mây khổng lồ kết từ vô vàn các ong thợ bận rộn lượn trên những đồng cỏ cao tít điểm xuyết những bông bồ công anh, cúc dại và huệ tây.

Đôi khi cháu nằm sóng soài dưới một đáy hố sâu ẩm ướt. Từ đó, cháu có thể ngắm nhìn các vòm lá và bụi cây quanh miệng hố, ngắm nhìn lũ nhện lưng sáng đang leo lên, leo xuống cái màng tơ vô hình của mình, và ngắm lũ bọ cánh cứng, trông như những viên đá quý màu tím, đang thả vào không gian những tiếng kêu rả rích. Nhưng cũng có nhiều khi, cháu muốn trèo lên cao hơn, tới một nơi mà từ đó cháu có thể nhìn thấy chân trời tít tắp phía xa kia.
Khi đi qua các hõm đất và ụ đồi dọc biên giới Slovenia, cháu đã nghĩ tới người anh – hoặc chị của cháu – người đã bị tước quyền được sinh ra trên đời. Cháu tự hỏi, liệu cháu có được sinh ra nếu người anh hay chị ấy vẫn còn sống? Liệu có phải cái chết đấy đã giúp cháu được sinh ra trên đời này?
Ngoài ý chí, sự yếu đuối và các kế hoạch của ta ra, còn cái gì, hay còn ai có thể kiểm soát vòng luân hồi không? Sao cháu lại được sinh ra chứ không phải là một trong những anh chị em khác?

* * *

Những chuyến đi bộ ấy đã cho cháu sức mạnh để tiếp tục những khám phá của mình. Một buổi sáng, cháu bị đánh thức thức bởi tiếng mưa tí tách đập vào ô kính cửa sổ. Cơn bão Bora đã ùa về trong đêm, thời tiết dịu đi, và gió mạnh lùa khắp khu vườn trong nắng thu. Những bông hoa trắng nằm rải rác dưới gốc mận và gốc cây anh đào như nhắc cháu mùa xuân đã đến.
Sau một chút điểm tâm, cháu lại trèo lên gác mái. Một tấm rèm hoa cũ kỹ phủ lên đống hộp lớn, nhỏ. Vài cái là vỏ hộp rượu và sô-cô-la; còn lại là đám hộp các tông được dán kín bằng băng keo. Cháu dùng dao nhíp mở từng hộp một, hóa ra chúng là các hộp đựng đồ trang trí Giáng sinh. Cháu phải tháo vài mét ruy băng màu bạc mới thấy được mô hình Chúa Hài đồng bên máng cỏ. Chuồng ngựa không đẹp cũng chẳng quá cũ với hai bức vách gỗ và một cái thang dẫn lên vựa cỏ khô dưới mái nhà. Bên trong, một con bò và một con cừu nằm chổng vó lên trời, còn Thánh Joseph và Mẹ Madonna thì đang ngồi bên cạnh chúng. Có một chiếc túi nhỏ đựng cái máng ăn, bầy cừu lớn và đám cừu con. Cháu đã tìm thấy bức tượng nhỏ yêu thích của mình. Một cô cừu cũ kĩ bằng thạch cao bị gãy mất một chân và cổ được quấn ruy băng đỏ. Nó là thứ cháu thường giấu vào Đêm Giáng sinh; nó chính là con cừu bé nhỏ cháu giấu để bà phải đi tìm, phải lục lọi khắp các căn phòng quanh nhà.
Cháu cũng tìm thấy vài món đồ thủy tinh rẻ tiền vẫn gắng sống được qua mấy chục mùa Noel và một món đồ trang trí trên ngọn cây đã bị thủng mất một lỗ.
Những cái hộp bên dưới đựng bộ sưu tập lũ bọ cánh cứng đa dạng của ông ngoại: chiếc lọ thủy tinh nhỏ được bọc vải nhung, trong là lũ bọ được cố định bằng những chiếc đinh ghim mảnh và dài, lọ nào cũng có nhãn ghi tên con bọ bằng chữ Latinh, được viết bằng nét bút rõ ràng và quả quyết.
Trong lúc chầm chậm xếp đống lọ thủy tinh sang một bên, cháu chạm phải một túi nhựa, được dính lại bằng băng dính điện, có in phù hiệu của cảnh sát bang; hình như bên trong có một cái túi vải đeo vai. Tim cháu đập rộn lên. Nó có thể là gì chứ nếu không phải là cái túi mẹ mang theo lúc bị tai nạn?
Cháu dùng móng tay xé lớp vỏ ni lông bọc bên ngoài. Cái túi không có khóa kéo, chỉ có một cái nút, bỏ lửng không cài. Trong ấy có một cái ví với vài ngàn lia, một thẻ thành viên của câu lạc bộ phim ảnh chọn lọc, vài đồng đi-na, một vé xe lửa tuyến Trieste-Padua, và bọc trong chiếc phong bì sạch sẽ là bức ảnh chụp lấy ngay đã ngả màu hình cháu lúc nhỏ trên bãi biển, trong vòng tay một người đàn ông. Một người lạ mặt tóc tai bù xù, cổ đeo một cái vòng bằng vỏ sò, ông ta cười, còn cháu trông rõ là khó chịu. Tay cháu cầm một chiếc xô nhỏ, có lẽ cháu vừa khóc xong hoặc là đang chực khóc. Từ cảnh nền của bức ảnh, cháu đoán bức hình này được chụp ở vịnh Sistiana.
Ngoài chiếc ví ra, trong túi còn một chiếc bút bi đã hết mực, một gói giấy cuộn thuốc lá, một cái máy uốn tóc nhỏ, chùm chìa khóa nhà, một chiếc khăn sợi tổng hợp, một thỏi son, vài viên kẹo cho người hút thuốc lá, và giấu trong một ngăn nhỏ là hai lá thư. Bức đầu tiên đề gửi cho mẹ cháu đến từ Padua, vài tháng trước lúc cháu được sinh vài tháng.
Chữ nhỏ và đều nhưng vẻ gai góc hiện qua từng nét bút.
Ilaria thân yêu,
Nhận được thư của em tôi vội hồi đáp ngay vì không muốn em lãng phí thì giờ chờ đợi vô ích, cũng không muốn khuyến khích những ảo tưởng sẽ chỉ làm em đau khổ.
Nếu giả tạo thêm chút nữa, nếu như cái sự thật trần trụi không quá thúc ép như thế – tôi sẽ nói dối em là tôi đã kết hôn, rằng tôi không định mạo hiểm cuộc hôn nhân của mình với cuộc tình kéo dài có một tháng.
Nhưng tôi muốn nói thật, và nói thật rõ với em là tôi không muốn có con. Tôi không muốn có con, có vợ, hay bất cứ thứ gì vướng bận, ảnh hưởng đến sự tự do của tôi.
Em vẫn còn quá trẻ, quá đa cảm nên vẫn mơ mộng về cuộc đời qua điệp khúc – một túp lều tranh, hai trái tim vàng. Em còn viết: ‘Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một thế giới khác, ta sẽ nuôi dưỡng bọn trẻ thật sáng tạo và sống cuộc đời của một cặp đôi tự do.’
Nói tóm lại, em nghĩ chúng ta nên đóng vai những kẻ tiên phong, và em huyễn hoặc rằng em sẽ thành công – chúng ta sẽ thành công – bằng cách giải phóng chính mình khỏi nỗi đau khổ tinh thần do các cuộc hôn nhân mang lại cho con người.
Nét ngây thơ chính là điều tôi yêu nhất ở em, yêu ngay từ lần đầu ta gặp nhau. Vì lí do ấy và vì khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ ta đã ở bên nhau, tôi thấy mình có nghĩa vụ nói cho em vài điều.

Em mới chỉ hiểu một phần của tôi, cũng như tôi mới tiếp xúc với một phần nhỏ của em, chúng ta cho nhau những điều tuyệt vời nhất của mình, tương tự như các bông hoa sẽ khoe những màu sắc rực rỡ nhất của nó để thu hút côn trùng đến thụ phấn, nhưng khi đã thụ phấn được rồi, cánh hoa rụng đi, chỉ còn để lại chút tàn dư của cái vẻ lộng lẫy xưa cũ ấy.
Chẳng có gì phải bất ngờ cả – đó là quy luật tự nhiên. Mọi cuộc kết đôi của muôn loài đều là kết quả của nhiều dạng cám dỗ. Như con ong không thể nói ‘Anh yêu em’ với bông hoa (hay ngược lại), mà chỉ có thể nói rằng, ‘Ta cần nhau.’ Chúng chẳng làm thế vì khoái cảm; chúng làm thế để đảm bảo sự sống của giống loài, để đảm bảo những bông hoa như chúng sẽ tồn tại cả trong tương lai. Cơ chế ấy cũng là điều bẩm sinh của loài người. Bất chấp tư tưởng phức tạp của ta, thể xác của ta vẫn muốn tái sản sinh ra chúng. Một đứa trẻ ra đời có thể là kết quả từ một vụ hãm hiếp, hay từ việc xuất tinh sớm. Trong cuộc đua của hai trăm năm mươi nghìn tinh trùng, chỉ duy nhất có một con chiến thắng – con giỏi nhất, con khỏe nhất, con may mắn nhất, hay con lừa lọc nhất – cũng chẳng có gì khác biệt. Điều quan trọng là cuộc sống luôn tái tạo và tiến triển không ngừng.
Nói thực là, tôi phải nhắc em rằng em đã sai rồi. Sao em không dùng các biện pháp tránh thai? Hay đây là điều em muốn, để tạo mối liên kết, ràng buộc với tôi?
Có lẽ, sâu trong bản năng tự nhiên của mình, em thực sự tin chắc về tương lai của một cặp vợ chồng. Không ít đàn ông đã nhún nhường và đầu hàng, vì họ là những kẻ yếu đuối, hoặc vốn sợ cái chết không gì thay đổi được. Còn ai ngoài con cháu họ mới có thể đảm bảo cho sự bất diệt của họ nữa đây?
Nhiều kẻ đầu hàng, nhưng tôi thì không. Mọi dao động trong tôi đều bị chặn đứng bởi ý nghĩ đứa trẻ đang lớn lên trong bụng em sẽ không chỉ là một kẻ xa lạ, mà còn là một kẻ bạo ngược, hút cạn năng lượng của chúng ta – các đấng sinh thành ra nó. Tôi sẽ chẳng bao giờ yêu nó. Em cũng sẽ như tôi, trừ việc em đang mang thai nó. Một buổi sáng nào đó em thức dậy và nhận ra rằng: em vừa đưa một kẻ xâm lược về nhà.
Em cứ làm điều em muốn. Nếu muốn giữ nó, cứ việc, còn nếu muốn bỏ cái thai đi, tôi cũng không phản đối. Nhưng hãy nhớ là, một ngày nào đó, nếu em ôm một cái bọc đến đứng trước tôi, tôi sẽ chẳng mủi lòng hay phản bội lại niềm tin của mình đâu. Tôi rất biết ơn em về khoảng thời gian tuyệt vời ta đã ở bên nhau, về những âu yếm và ngây thơ luôn hiện hữu trong mắt em mỗi khi em nhìn tôi.
M.
Bố cháu cũng là bố người anh đã chết của cháu. Một kẻ đốn mạt.
Giờ thì cháu chẳng mấy hoài nghi về nội dung trong cái phong bì màu trắng kia nữa. Cháu từ từ mở thư, nhìn chăm chú vào đó và nhận ra nét chữ quen thuộc.
Từng câu chữ của thầy càng minh chứng rõ hơn điều em luôn biết. Trẻ con chỉ thuộc về mẹ của chúng; sau khi người cha thực hiện xong vai trò thụ tinh cần thiết, ta chẳng cần đến họ nữa.
Bạn bè, gia đình em ở Trieste có rất nhiều người. Em không thiếu sự hỗ trợ và đứa trẻ sẽ lớn lên mà không sống lối đạo đức giả. Nó sẽ không phải chịu đau khổ và lo lắng, vì tuổi thơ của nó sẽ song hành với lòng tốt vốn ở trong tim mỗi con người.
Đó là thử thách: sinh ra những sinh linh hoàn thiện hơn chúng ta. Nếu không tạo ra được cuộc cách mạng bằng vũ khí, thì ít nhất ta có thể làm cách mạng bằng cách nuôi dạy con cái theo cách mới.
G. nói đâu đó trên thiên đường đã viết em và thầy sẽ gặp nhau, và sự hợp nhất của chúng ta sẽ cho ra đời một sinh linh mới. Định mệnh của chúng ta và của con chúng ta là vẽ tiếp vào vòng tuần hoàn đã tồn tại bao đời rồi ấy – Em tin vào điều ấy, cho dù thầy không thừa nhận.
Chắc chắn đứa bé sẽ giống thầy; nó sẽ có đôi mắt, bàn tay, miệng cười của thầy, nhưng nếu nó có hỏi bất kì điều gì về thầy, em sẽ kể cho nó về chuyện tình một đêm tuyệt vời, khó có thực trên một bãi biển xa xôi…
May mà em còn có G. trong đời. Anh ấy không phải là tình nhân mới của em mà là một người đặc biệt, rất quan trọng với em. Những mảnh vỡ tâm hồn tan nát của em đã được anh ấy nhặt nhạnh lại, kiên nhẫn tìm hiểu ý nghĩa của từng mảnh vỡ rồi trả lại đúng chỗ cũ cho em. G. có thể thấy những điều người khác không thấy. Anh ấy biết cách tháo gỡ những lo lắng rối như tơ vò của một người, và giúp họ tìm được đúng đường để đi tới bình an.
Em chưa từng kể với thầy là mấy năm trước em cũng đã từng có mang với thầy.
Lần đầu mang thai ấy, em đã nạo đi đứa con của chúng ta vì em sợ. Sợ trách nhiệm, sợ cam kết, sợ phải từ bỏ tuổi trẻ, sợ rằng em sẽ không thấy được sự mãnh liệt trong mắt thầy, sợ làm thầy thất vọng. Em đã nói dối thầy khi lần đầu ta ở bên nhau: Em đã không dùng thuốc tránh thai. Và có lẽ một trong các lí do khiến em nạo thai là vì em sợ thầy cười nhạo vì đã nói dối.
Em đã 30 rồi, và không còn là đứa con gái ngây thơ, một thời mê đắm vị giáo sư đẹp trai của mình, không còn nữa rồi thầy ạ. Em đã lớn và có thể đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm, và em chọn làm mẹ. Em thất nghiệp, nhưng sẽ kiếm việc dạy thêm. Thầy sẽ không phải chứng kiến cảnh em bế đứa bé đến cầu xin thầy đâu.
Thầy có biết G. nói gì không?Anh ấy nói mỗi người chúng ta đều đang cầm một đầu của sợi dây dẫn ta tới vì sao của mình. Số phận của ta là học cách đi theo nó khi nó di chuyển quanh thiên đường. Đó là một ngôi sao-diều, nghiệp chướng của ta được viết trên cánh của nó, và nếu chúng ta thả dây ra, tất cả sẽ bay mất, mọi thứ sẽ rối tung giữa các ngôi sao.
Tin em đi, nếu thầy không tìm thấy ngôi sao của thầy, nếu thầy không đi theo nó, sớm hay muộn thì sợi dây của thầy cũng sẽ mắc và rối vào các sợi dây dẫn lên những ngôi sao khác, và sẽ chẳng thể nào gỡ nó ra được nữa đâu.
Khi đang đọc thư, có một lúc mắt cháu như mờ đi; những con chữ nhảy múa loạn xạ còn hai bàn tay thì run lẩy bẩy.
Giấc mơ của mẹ không giống với bất kì hồi ức nào của cháu cả. Điều mẹ ảo tưởng là tự do đã khiến cho một đứa trẻ như cháu, chẳng có gì ngoài sự hoang mang và bối rối. Ngôi sao của mẹ là ngôi sao của sự hủy diệt; những nỗ lực quá hời hợt mẹ làm để cứu lấy bản thân mẹ đã đẩy cháu vào trạng thái rối loạn cùng cực và dai dẳng.
Cháu để lại hai lá thư vào trong ngăn nhỏ của chiếc túi đeo vai, trân trọng nâng niu chúng như những di chỉ khảo cổ được khám phá sau hàng thế kỉ bị chôn vùi. Yên nghỉ nhé, cháu nói với chúng, yên nghỉ nhé, những mũi tên đang nóng hừng hực kia, các người đừng đâm vào lòng ta thêm nữa, nó vốn đã yếu đuối lắm rồi.
Khi đang nói điều ấy, tay cháu chạm phải một mảnh giấy bị gấp lại, nằm dưới đáy túi. Mảnh giấy bị xé một cách cẩu thả khỏi một quyển sổ ghi chép.
Tiêu đề cho thấy tờ giấy được viết vào tháng Năm, cùng năm mẹ qua đời. Dưới dòng chữ ghi ngày tháng ấy là một dòng chữ in hoa, nó viết THẦY BIẾN TÔI THÀNH KẺ NGỐC SUỐT CẢ CUỘC ĐỜI NÀY!
Đằng sau tờ giấy là một bức thư rất ngắn:
Tha thứ cho mẹ vì đã sinh ra con ở cõi đời này.
Mẹ mắc hết sai lầm này tới sai lầm khác. Mẹ mất cả đời chạy quanh và đào hang như một con chuột chũi, mù quáng trước mọi thứ.
Không có đường chân trời, và không có tương lai.
Mẹ được sinh ra để sống trong bế tắc, và giờ mẹ đã cùng đường rồi.
Hãy tha thứ cho mẹ nếu con có thể.
Nếu như con không thể tha thứ được, mẹ cũng hiểu. Ôm và hôn con thật nhiều.

Mẹ đã tẩy mất chữ kí – Ilaria – bằng hai vạch mực đen và đậm, và ngay bên dưới ấy, mẹ viết những chữ cái khá to với nét chữ có chút trẻ con, Mẹ.

* * *

Cháu muốn tìm hiểu thêm, nhưng tất cả chỉ có thế. Cháu chẳng có gì để dựa vào ngoài những kí ức của mình, vài kí ức ngắn ngủi, yếu ớt của giai đoạn đầu đời đã bị khép lại nhiều năm rồi. Cuộc sống của cháu – cuộc sống vốn cháu đã biết – đã thuộc về bà, về ngôi nhà của bà; mọi điều diễn ra trước khi cháu chuyển tới đây sống đã hoàn toàn bị xóa sạch. Như thể cháu được sinh ra khi đã bốn tuổi vậy.
Những khám phá về mẹ và những năm tháng cũ đã lột bỏ tấm mạng che ký ức của cháu, như thể người ta trở về nhà sau một thời gian dài đi xa, rũ bỏ tấm phủ bảo vệ những chiếc ghế sofa.
Điều đầu tiên hiện lên trong kí ức của cháu là một thứ mùi đặc biệt, mùi của xì gà và mùi thuốc lá Hasit đang cháy trong căn phòng thiếu không khí. Cháu hẳn là một con chim lang bạt, lần theo mùi hương để tìm về với tổ. Cái tổ, trong trường hợp này, là căn hộ của mẹ ở Trieste, nơi cháu bò đi giữa những người đàn ông và đàn bà, nằm, ngồi vạ vật trên sàn.
Cháu chỉ thấy có hai tấm ảnh về hồi đó trong va li. Trong bức ảnh đầu tiên, cháu nằm trong vòng tay của mẹ, mặt mũi lem luốc, phụng phịu, mình mặc một chiếc áo len màu đỏ, và mẹ – với mái tóc dài và hai cái bọng mắt – đang nắm và giơ một cánh tay của cháu lên, vẫy vẫy, cố để cho cháu chào tạm biệt với ai đó. Bức ảnh thứ hai được chụp vào ngày sinh nhật lần thứ ba của cháu. Có rất nhiều người ngồi trên sàn nhà, cháu ngồi ở giữa họ, trước mặt là một khối méo mó, đen sì, được thắp sáng bởi ba cây nến, đó chắc hẳn là một cái bánh sinh nhật. Cạnh cháu, một dải giấy vệ sinh được căng lên như một tấm biểu ngữ, ai đó đã viết dòng chữ ‘ Chúc mừng Sinh nhật’ lên đó bằng một chiếc bút đã tòe ngòi.
Cháu chẳng nhớ gì về hai việc đó cả; thứ cháu còn nhớ trong những năm tháng đầu đời của mình là một bối cảnh ồn ào, một chuỗi âm thanh của những cuộc cãi vã, của lối sống phóng đãng đầy mơ hồ, hết lần này tới lần khác bị át đi bởi tiếng của một loại nhạc cụ kinh khủng (sau này cháu mới biết đó là tiếng đàn xita) đã làm cháu phải khóc thét lên.
Cháu đã rất sợ âm thanh ấy, rất sợ phải ở một mình sau khi mọi người ngủ gục hết trên sàn nhà, và cháu sợ lúc mặt trời đã lên cao, cháu lay mẹ dậy, nhưng thay vì mở mắt ra, mẹ lại trở mình và ngủ tiếp.
Cháu sợ đàn xita, và cháu sợ mẹ vì mẹ thường không phải là mẹ; mẹ là một người hay vớ lấy mọi thứ rồi đập nát, hoặc cứ đập đầu mình vào tường và đá cửa.
Có lẽ chính nỗi sợ ấy đã khiến cháu xóa nhòa gương mặt mẹ trong tâm trí. Cháu biết sự thật ấy có thể căng lên và vỡ thành nghìn mảnh bất cứ lúc nào, và không hiểu sao cháu thấy ánh sáng của tia lửa điện có gì đó liên quan tới cháu.
Ngoài sự yếu đuối và lo lắng triền miên trong những ngày ấy, cháu nhớ mình còn có một cảm giác nhỏ nhoi và rúng động hơn vì đó là thứ cảm giác xuất phát từ một đứa trẻ nhỏ: cái cảm giác thương hại. Đúng vậy, cảm giác thương hại nghẹn lại trong cổ khiến cháu phải khóc khi thấy mẹ nằm mệt lử trên sàn nhà. Và cháu tiến lại gần mẹ đầy sợ hãi nhưng cũng thật nhẹ nhàng, để có thể vươn tay và chạm vào gương mặt của mẹ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.