Lộc Đỉnh Ký

Hồi 132: Đôi Bạn Lòng Buồn Bã Chia Tay



Hỉ trong chớp mắt, bầu không khí trong nhà từ đường yên lặng như tờ. A Kha vừa ngấm ngầm sợ hãi lại vừa thẹn thùng. Cô liếc mắt ngó trộm Vi Tiểu Bảo nhớ tới câu mình đã nói ra miệng “chồng ta đó”. Cô tủi thân nằm gục xuống bàn mà khóc oà lên. Cô dậm chân nói:
– Ngươi thật chẳng ra gì! Ngươi thật chẳng ra gì! Mọi sự đều do ngươi mà ra hết. Vi Tiểu Bảo ôn tồn đáp:
– Phải rồi! Phải rồi! Ta chẳng ra gì thật. Bao giờ ta đi cứu Trịnh công tử thì nàng sẽ khen ta hay quá. A Kha nghe gã nói câu “Cứu Trịnh công tử ra” lại phấn khởi tinh thần. Cô ngửng đầu lên hỏi:
– Ngươi… ngươi có thể cứu y ra được không? Dưới ánh ngọn đèn lung linh, trên gương mặt kiều diễm của A Kha còn đọng mấy hạt nước mắt trong như ngọc khiến nhan sắc ô thêm phần tuyệt mỹ, khác nào bông Mai Côi điểm hạt sương lúc ban mai. Vi Tiểu Bảo ngắm ngiá đến thộn mặt ra quên cả trả lời. A Kha kéo vạt áo gã hỏi:
– Ta hỏi ngươi: làm thế nào để cứu Trịnh công tử ra? Ngươi chưa nghe rõ ư? Vi Tiểu Bảo giật mình thở dài đáp:
– Tên thủ lãnh bọn Man tử đã bảo chúng đi chuyến này chẳng thể về tay không được, nhất định phải bắt một người về sơn động nấu cho anh em ăn một bữa! A Kha kinh hãi la hoảng:
– Chúng bắt về để giết thịt ư? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Đúng thế! Bọn chúng còn bảo da thịt nàng trắng và mịnh ăn rất ngon. Đáng lý chúng bắt nàng đem đi để ăn thịt! A Kha nghe nói bất giác run bắn người lên. Cô ngoảnh đầu trông ra ngoài cửa, chỉ sợ bọn Man mọi quay trở lại. Vi Tiểu Bảo nói tiếp:
– Ta phải bảo nàng là vợ ta, bọn chúng mới tha ra không bắt. A Kha ngẹn ngào hỏi:
– Trịnh công tử bị chúng bắt đi giết để” ăn” Vi Tiểu Bảo liền nói:
– Phải rồi. Trừ phi ta chịu hy sinh đem thân đến cho chúng ăn thịt thì chúng mới tha y. A Kha nói:
– Thế thì ngươi đi thay đỗi lấy y về. Câu này vừa thốt ra khỏi cửa miệng. A Kha đỏ bừng mặt lên. Cô biết mình nói lỡ lời, thẹn quá cúi đầu xuống. Vi Tiểu Bảo trong lòng nguội lạnh mắng thầm:
– Con đượi non này! Mi coi chồng không đáng một đồng. Chẳng thà bọn Man tử giết ta để ăn thịt, đặng cứu tên gian phu cho toàn mạng mới vừa lòng mi. Thật ra Vi Tiểu Bảo cũng chưa phải là chồng A Kha, mà Trịnh Khắc Sảng cũng chẳng phải là gian phu của cô. Nhưng gã ở trong kỹ viện lâu ngày thường được nghe những câu họ thoá mạ nhau là “gian phu”, “dâm phụ” đã quen tai rồi. Bây giờ gặp lúc uất hận dĩ nhiên gã lại nhớ tới mà mắng thầm. Rồi gã lạnh lùng đáp:
– Được rồi! Nàng đã muốn ta đi đánh đổi để lấy y về thì ta cũng đi cho nàng đặng vui lòng. Có điều ta chưa biết sơn động của bọn Man mọi kia ở đâu? Gã thở dài nói tiếp:
– Hừ! Chúng ta đi thôi. A Kha không dám nói nhiều, lầm lũi theo gã ra khỏi từ đường. Hai người đến đường lớn thì thấy bọn gia nhân của Trịnh phủ cầm đèm lồng đứng quây quần nói chuyện với nhau. Hai người đi gần tới nơi, bọn gia nhân lớn tiếng hỏi:
– Trần cô nương đây rồi! Tệ công tử đâu? Tệ công tử đâu? Chúng ào ào chạy lại đón. Trong đám đông đột nhiên có một bóng người thân hình ốm nhắt mà thân pháp rất mau lẹ vọt lên trước. Vi Tiểu Bảo vừa hoa mắt lên đã thấy người đó đứng sững trước mặt. Gã lại nghe thanh âm lanh lảnh quát hỏi:
– Công tử nhà ta ở đâu? Người này quay lưng về phía ánh đèn, Vi Tiểu Bảo không nhìn rõ mặt mà trong lòng đã kinh hãi lùi lại hai bước. Ngờ đâu gã vừa lùi lại hai bước thì người kia cũng tiến lên hai bước và đứng đối diện với gã, cách nhau không đầy một thước. Hắn nhắc lại câu hỏi:
– Công tử nhà ta đâu? A Kha đáp:
– Y… y bị bọn Man tử bắt đem đi rồi… chúng muốn giết y để ăn thịt. Người kia hỏi:
– Giữa đất trung nguyên này sao lại có bọn Man tử ở đâu đến hoành hành? A Kha đáp:
– Đúng là quân Man mọi. Mau mau… nghĩ cách cứu y. Người kia hỏi:
– Bọn chúng đi lâu chưa? A Kha đáp:
– Mới đi tức thì. Người kia tung mình nhảy lui lại hạ xuống trúng yên ngựa. Hắn thúc vế vào bụng ngựa cho con vật chạy lao đi. Chỉ trong nháy mắt người ngựa đã mất hút vào trong bóng đêm. Vi Tiểu Bảo và A Kha ngơ ngác nhìn nhau. Một người kinh hãi, một người vui mừng. Nhưng cả hai thấy thân pháp hắn mau lẹ, hiến có ở đời, đều đem lòng kính phục. A Kha hỏi:
– Vị cao nhân này là ai? Bọn gia nhân ở Trịnh phủ đồng thanh đáp:
– Lão nhân gia là sư phụ của Trịnh công tử tên gọi Phùng Tích Phạm, ngoại hiệu là Nhất kiếm vô huyết. Phùng Tích Phạm sư phó võ công thiên hạ vô địch. Lão nhân gia đi cứu công tử nhất định thành công. Vi Tiểu Bảo, A Kha đồng thanh:
– Té ra là lão. Bữa trước Trịnh Khắc Sảng kể cho Cửu Nạn nghe những vị tôn sư của gã đã nhắc tới đệ tam sư phụ là Nhất kiếm vô huyết Phùng Tích Phạm. Gã còn khoe lão là một cao thủ ở phái Côn Luân chỉ đâm một kiếm là chết người mà không đổ máu. A Kha hỏi:
– Phùng sư phó tới đây, sao các ngươi không mời đến nhà từ đường để giải cứu Trịnh công tử ngay? Một tên gia nhân đáp:
– Phùng sư phó vửa mới tới nơi. Lão nhân gia tiếp được truyền thư của bọn tại hạ do chim đưa tới liền từ phủ Hà Gian ra đi ngày đêm tới đây. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Phùng sư phó ở phủ Hà Gian mà sao bọn ta không gặp? Bọn gia nhân ngơ ngác nhìn nhau không biết đáp thế nào. Tên gia nhân kia biết mình lỡ lời liền cúi đầu xuống. Vi Tiểu Bảo nghĩ bụng:
– Té ra họ Trịnh ở Đài Loan đã bố trí mai phục ngấm ngầm những cao thủ tại cuộc Sát quỉ đại hội. Thằng lỏi thối tha đó bị người bắt đem đi chúng mới rượt theo cứu viện. Gã đưa tay lên sờ mặt nói:
– Thịt ơi là thịt! Đã có người đi cứu Trịnh công tử rồi, bọn mi không phải thay thế cho môn bảo bối gan ruột để bọn Man mọi xực nữa. A Kha nghe gã nói móc thẹn đỏ mặt lên. Cô toan trả miếng mấy câu, nhưng lại nghĩ thầm:
– Một mình Phùng Tích Phạm đơn thương độc mã ra đi chưa chắc đã đánh lại bọn Man mọi! Vi Tiểu Bảo thấy cô ngập ngừng muốn nói lại thôi đã đoán ra tâm ý, liền an ủi:
– Nương tử cứ yên lòng. Phùng sư phó mà không cứu được Trịnh Khắc Sảng thì lại đem món thịt thối tha của ta đi đánh đổi lấy món bảo bối kia về. Bậc trượng phu nhất ngôn ký xuất… cái gì mã nan truy. A Kha đáp:
– Ta chỉ mong Phùng sư phó cứu được Trịnh công tử về là hay rồi. Vi Tiểu Bảo căm gan tím ruột đứng phắt dậy toan bỏ đi, nhưng ngó tới khuôn mặt kiều diễm của cô, lòng gã nhũn ra lại ngồi ngay xuống. A Kha thấy gã đứng dậy toan đi thì trong lòng không khỏi hoang mang tự hỏi:
– Nếu Phùng sư phó không giải cứu được Trịnh công tử mà gạ lại bỏ đi thì lấy ai thay thế đánh đổi cho chàng về? Cô thấy Vi Tiểu Bảo lại ngồi xuống mới yên tâm. Bây giờ cô không dám đắc tội với gã nữa mà còn ngời tựa vào mình gã. Vi Tiểu Bảo tự nhủ:
– Lúc này thị đang cầu cạnh ta. Ta không nhân cơ hội này mà lả lơi với thị thì còn đợi đến bao giờ? Gã nghĩ vậy liền quàng tay trái ra ôm lấy lưng cô. Tay mặt nắm lấy ta cô. A Kha chỉ khẽ cựa cạy một chút rồi ngồi yên. Vi Tiểu Bảo trong lòng khoan khoái, khấn thầm:
– Cầu trời cho lão họ Phùng bị bọn Dương đại ca giết chết vĩnh viễn không trở về nữa, ta cứ ở trong tình trạng này mà chớ đợi suốt đời càng hay. Gã hiểu rõ A Kha đối với mình chẳng có chút tình ý gì nên trong lòng mất hết “chí lớn”, chỉ cần được ngồi bên ôm lấy cô thế này là thoả mãn lắm rồi, chứ không mong gì hơn. Nhưng trời chẳng chìu người, Vi Tiểu Bảo mới ôm A Kha trong khoảnh khắc đã nghe tiếng vó ngựa dồn dập từ trên đường lớn ở đối diện vọng lại. A Kha nhảy lên reo:
– Trịnh công tử trở về tới nơi rồi! Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, đã nghe rõ hai người kỵ mã chạy tới. Vi Tiểu Bảo nói:
– Hay quá! Ta lấy được cái mạng này về rồi, không cần phải đem cho bọn Man mọi ăn thịt nữa. Giọng nói của gã đầy vẻ cay đăng. A Kha lật đật, lon ton chạy trên đường lớn đi tiếp đón. Sau một lúc hai người kỵ mã một trước một sau chạy tới nơi. Bọn gia nhân giơ cao lồng đèn lên soi, lớn tiếng hoan hô. Người cưỡi ngựa đi trước chính là Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng thấy A Kha chạy đến đón liền nhảy xuống. Hai người ôm chặt lấy nhau, nỗi hoan hỷ kể sao chi xiết! A Kha chúi đầu vào lòng Trịnh Khắc Sảng vừa khóc vừa nghẹn ngào nói:
– Tiểu muội… tiểu muội sợ bọn Man mọi… đem ca ca.. ca ca… Vi Tiểu Bảo đứng lên thấy tình trạng này khác nào trước ngực bị đánh một đòn nặng. Gã choáng váng lại ngồi phệt xuống, đầu nhức mắt hoa. Gã tự lập lời thề với mình:
– Con bà nó! Kiếp này mà ta không lấy được con đượi non thối tha kia làm vợ, thì ta chỉ làm… con cháu mười bảy, mười tám đời cho tên Trịnh Khắc Sảng. Vi Tiểu Bảo này sẽ thành một kẻ đốn mạt, đê tiện nhất đời. ở địa vị người khác thì gặp trường hợp này là trong lòng nguội lạnh như tro tàn, không còn quyến tiếc gì nữa, nếu chẳng đau lòng rơi lụy cũng quyết ý chặt đứt tơ tình, hay đi tìm mối lương duyên khác. Nhưng Vi Tiểu Bảo bản tính thô lỗ, ba que xỏ lá, lại mặt dầy trơ trẽn, dạ sứa gan lim. Rồi gã nhủ thầm:
– Nói tóm lại lão gia còn làm cho các ngươi còn điêu đứng nhọc nhằn. Lão gia là cái âm hồn bất tán ám ảnh ngươi cho đến chết. Dù ngươi có đi lấy mười tám đời chồng thì đến đời thứ mười chín là đến lão gia. Nguyên Vi Tiểu Bảo sinh trưởng trong kỹ viện đã quen nhìn cảnh kỹ nữ hàng ngày tống cựu nghinh tân. Gã thấy đàn bà con gái thay đổi người yêu như đổi áo, chẳng lấy gì làm quan hệ. Những châm ngôn tục ngữ ca tụng trinh tiết của đàn bà như “Tòng nhất nhi chung”, “Kiên trinh bất nhị”, “Băng thanh ngọc khiết”, gã ít khi được nghe, mà gã có nghe thấy cũng bỏ ngoài tai. Vi Tiểu Bảo chỉ đau buồng trong khoảnh khắc rồi lại cười hì hì tiến đến bên Trịnh Khắc Sảng hỏi:
– Trịnh công tử! Công tử lại được trở về vui vẻ quá nhỉ? Người công tử có bị bọn Man mọi cắn miếng nào không? Trịnh Khắc Sảng sửng sốt hỏi lại:
– Chúng cắn cái gì? A Kha cũng kinh hãi ngắm nghía hắn từ trên xuống dưới thấy ngũ quan còn nguyên vẹn không khiếm khuyết chỗ nào cô mới yên dạ. Phùng Tích Phạm vẫn ngồi trên lưng ngựa hỏi:
– Thằng nhỏ này là ai? Trịnh Khắc Sảng đáp:
– Gã là sư đệ của Trần cô nương. Phùng Tích Phạm gật đầu. Vi Tiểu Bảo ngửng đầu nhìn lão thấy mặt mũi gầy nhom, nước da vàng xạm, trên môi để hai túp ria đuôi én. Cặp mắt ty hí nhỏ như sợi chỉ. Coi bộ lão chẳng khác gì người bị bệnh lao. Vi Tiểu Bảo vẫn lo lắng vì Dương Dật Chi liền hỏi:
– Phùng sư phó! Bản lãnh lão nhân gia quả nhiên phi thường, vừa đi đã cứu được Trịnh công tử đem về, lão nhân gia đã giết chết tên thủ lãnh bọn Man mọi chưa? Phùng Tích Phạm đáp:
– Có phải Man mọi gì đâu? Chúng hoá trang đó. Vi Tiểu Bảo giật mình kinh hãi hỏi:
– Hoá trang ư? Sao bọn chúng nói toàn tiếng Man? Phùng Tích Phạm đáp:
– Toàn là giả tuốt. Lão làm bộ không thèm nói nhiều với con nít, liền bảo Trịnh Khắc Sảng:
– Chắc công tử mệt lắm rồi. Hãy qua bên từ đường nghỉ ngơi một lúc. A Kha nhớ tới sư phụ liền nói:
– E rằng gia sư tỉnh giấc không thấy bọn tiểu nữ, tất người nóng ruột, Vi Tiểu Bảo nói:
– Chúng ta mau trở về. A Kha liếc nhìn Trịnh Khắc Sảng, chỉ mong hắn đi theo. Trịnh Khắc Sảng nói với Phùng Tích Phạm:
– Sư phụ! Chúng ta hãy tìm đến khách điếm ăn uống rồi ngủ một giấc. Dọc đường Vi Tiểu Bảo hỏi dò Trịnh Khắc Sảng về vụ hắn thoát hiểm trong trường hợp nào? Trịnh Khắc Sảng lại khoa trương bản lãnh của sư phụ hắn. Hắn kể lại lão mới trổ mấy chiêu đã làm cho bọn Man mọi cúp đuôi chạy dài. Vi Tiểu Bảo lại hỏi tình trạng tên thủ lãnh Man mọi, gã biết Dương Dật Chi chưa bị giết mới yên lòng. Mọi người đến khác điếm thì trời vừa sáng rõ. Cửu Nạn đã dậy từ lâu. Bà không thấy A Kha và Vi Tiểu Bảo đâu cũng biết cô kéo gã đi cứ Trịnh Khắc Sảng, nên chẳng lấy chi làm lạ. Bây giờ Trịnh Khắc Sảng đưa Phùng Tích Phạm vào giới thiệu, bà ngó tướng mạo lão chẳng có gì quắc thước. Nhưng ngẫu nhiên lão giương cặp mắt lên, bà thấy ánh thành quang lấp lánh, bất giấc bụng bảo dạ:
– Lão này ngoại hiệu là Nhất kiếm vô huyết, tiếng đồn chắc hẳn không ngoa. Bản lãnh lão không phải hạng tầm thường.
¡n cơm sáng xong, Cửu Nạn nói:
– Trịnh công tử! Thầy trò ta có việc phải đi ngay. Vậy xin cáo biệt. Trịnh Khắc Sảng sửng sốt, trong lòng cực kỳ thất vọng, hắn nói:
– Chẳng mấy khi tại hạ có cơ duyên được bái kiến sư thái, có nhiều điều muốn thỉnh giáo. Bây giờ sư thái định đi đâu? Hiện vãn bối cũng không có việc gì, nếu được kết bạn đồng hành thì hay quá! Cửu Nạn lắc đầu đáp:
– Kẻ xuất gia có nhiều điều bất tiện. Rồi bà dẫn A Kha cùng Vi Tiểu Bảo đi thẳng lên xe. A Kha vành mắt đỏ hoe cơ hồ phát khóc. Vi Tiểu Bảo ráng làm bộ ngây mặt ra, nhưng trong lòng gã khấn thầm.
– A Di Đà Phật! Cầu đức Bồ Tát bảo hộ cho sư phụ được sống lâu trăm tuổi. Gã hỏi Cửu Nạn:
– Sư phụ! Bây giờ chúng ta đi đâu? Cửu Nạn đáp:
– Đi lên Bắc Kinh. Sau một lúc bà lại cất giọng lạnh lùng nói:
– Nếu gã họ Trịnh còn đi theo thì các ngươi không được lý gì đến gã. Tên nào không nghe lời ta là ta giết gã đó. A Kha thất kinh hỏi:
– Sư phụ! Tại sao vậy? Cửu Nạn đáp:
– Chẳng tại sao cả. Ta ưa tĩnh mịch, không thích nghe những kẻ ba hoa. A Kha không dám hỏi nữa. Sau một lúc cô chợt nghĩ ra điều gì liền hỏi:
– Nếu sư đệ trò chuyện với y thì sao? Cửu Nạn hờ hững đáp:
– Ta cũng giết chết Trịnh công tử. Vi Tiểu Bảo nghe bà nói câu này sướng quá không nhịn được nữa, bật lên tiếng cười. A Kha nói:
– Sư phụ! Nếu như vậy thì không công bằng, vì sư đệ cố ý nói chuyện với người ta để sư phụ giết y đi. Cửu Nạn trợn mắt lên nhìn cô hỏi:
– Nếu gã họ Trịnh không đi theo thì Tiểu Bảo nói với gã làm sao được? Gã suốt ngày rắc rối, chết là đáng kiếp. Vi Tiểu Bảo khoan khoái như mở cờ trong bụng. Gã cảm thấy trên đời không ai tử tế với gã bằng sư phụ. Đột nhiên gã nắm lấy tay Cửu Nạn hôn một cái. Cửu Nạn hất tay ra quát:
– Gã này lại làm nhộn rồi! Nhưng hơn hai chục năm bà chưa được ai thân thiết như vậy. Bây giờ bà thấy tên đệ tử này tuy rông càn nhưng do chân tình phát ra. Miệng bà quát mà trên môi hé lộ nụ cười. A Kha cho là sư phụ bất công. Cô nhận thấy lần này ly biệt Trịnh Khắc Sảng, không hiểu ngày nào mới được tái ngộ, bất giác trong lòng đau xót, hai hàng châu lệ đầm đìa. Mấy hôm sau ba người lại về tới Bắc Kinh, liền tìm vào trú ngụ trong một toà khách điếm vắng vẻ ở phía Đông thành. Cửu Nạn vào phòng Vi Tiểu Bảo cài then lại, khẽ hỏi:
– Tiểu Bảo! Ngươi thử đoán coi chúng ta trở lại Bắc Kinh làm gì? Vi Tiểu Bảo nghe Cửu Nạn hỏi vậy liền đáp:
– Chuyến này sư phụ đến Bắc Kinh nếu không phải vì vụ Đào cô cô thì cũng vì mấy bộ kinh sách kia. Cửu Nạn nói:
– Phải rồi! Chính là vì mấy bộ kinh sách đó. Bà ngừng lại một chút rồi tiếp:
– Chuyến này ta bị trọng thương, trong lòng liền nẩy ra ý nghĩ: một người bất luận luyện võ công đến trình độ nào rồi cũng có ngày sức cùng lực kiệt. Việc lớn trong thiên hạ cần phải có nhiều người lo mưu hợp sức mới mong thành tựu. Bà trầm ngâm nói tiếp:
– Cuộc “Sát qui đại hội” mới đây của quần hùng tại phủ Hà Gian ta nghĩ kỹ lại thì dù có giết được tên gian tặc Ngô Tam Quế, nhưng giang sơn người Hán vẫn ở trong tay bọn Thát Đát. Vụ này có thành tựu thì cũng chỉlàm cho mọi người hả cơn tức giận trong lúc nhất thời chứ chưa phải là xong việc lớn. Phải tìm cách nào lấy đủ hết được tám pho Tứ thập nhị chương kinh để loàn đoạn thương long mạch của bọn Thát Đát, đồng thời hiệu triệu nhân sĩ khắp thiên hạ dựng cờ khởi nghĩa mới có cơ thu phục lại giang sơn cho nhà Đại Minh ta. Vi Tiểu Bảo đáp:
– Dạ dạ! Sư phụ nghị luận như vậy là phải lắm. Cửu Nạn nói:
– Ta phải tĩnh dưỡng nửa tháng nữa, thương thế mới khỏi hẳn. Khi đó sẽ vào cung thám thính cho biết xác thực bảy pho kinh sách kia hiện lạc lõng nơi đâu rồi tìm cách thu về đầy đủ. Mấu chốt đại sự là ở chỗ đó. Vi Tiểu Bảo nói:
– Trong thời gian sư phụ dưỡng thương, đệ tử hãy trà trộn vào cung trước để tổ chức cơ quan thám thính. Chưa biết chừng nhờ đấng Hoàng thiên phù hộ sẽ lượm được những tin tức cần thiết. Cửu Nạn đáp:
– Ngươi bản tính thông minh lại cơ cảnh dị thường, hoặc giả làm xong việc này. Công lao to lớn đó! Bà nói tới đây thở phào một cái. Cặp mắt sáng lên ra chiều khích lệ. Vi Tiểu Bảo cực kỳ xúc động. Gã toan thổ lộ chân tình:
– Trong tay đệ tử còn sáu bộ Tứ thập nhị chương kinh. Nhưng tiếp theo gã lại nghĩ:
– Tiểu Huyền tử đã có mối giao tình thân như cốt nhục đối với ta. Nếu ta giúp sư phụ phá huỷ giang sơn của y khiến y mất ngôi Hoàng đế, thì còn nghĩa khí gì nữa? Cửu Nạn nạn thấy gã lộ vẻ chần chừ, liền cho là gã lo âu không thành công được. Bà an ủi:
– Việc này thật khó thành công. Chúng ta chỉ biết hết lòng hết sức, cúc cung tận tuỵ mà làm tới đây hay tới đó. Cổ nhân đã nói: “Mưu sự là ở người nhưng việc thành hay bại có trời định”. Hỡi ơi! Không hiểu khí số nhà họ Chu còn cơ phục hưng hay đã hết rồi! Ngoài hai chục năm ta đã chán nản mọi sự, cắt dứt lòng trần tục. Không ngời sau khi gặp ngươi và Hồng Anh, chí hưng quốc lại trỗi dậy, tự mình hứng lấy công cuộc hiện đại. Vi Tiểu Bảo nói:
– Sư phụ! Sư phụ đã là công chúa thì giang sơn này tức là giang sơn của sư phụ. Thiết tưởng sư phụ không thể để người ta chiếm đoạt giang sơn nhà mình, mà phải đoạt lại cho kỳ được mới nghe. Cửu Nạn thở dài đáp:
– Đây không phải là việc riêng của một nhà ta, vả lại dòng họ Chu chết gần hết rồi. Bà xoa đầu Vi Tiểu Bảo nói tiếp:
– Tiểu Bảo! Những chuyện ta nói với ngươi đây, nhất thiết không nên tiết lộ cho sư tỷ của ngươi hay một câu nào. Vi Tiểu Bảo gật đầu vâng dạ. Gã tự hỏi:
– Sư tỷ xinh đẹp và khả ái như vậy, chẳng hiểu vì lẽ gì sư phụ lại không thích nàng? Chắc tại nàng không khéo nịnh hót. Sáng sớm hôm sau, Vi Tiểu Bảo vào cung bái kiến Hoàng đế. Vua Khang Hy cả mừng dắt tay gã vừa cười vừa hỏi:
– Con mẹ nó! Sao mãi đến nay ngươi mới về? Hàng ngày ta mong đợi ngươi. Trước kia ta rất đỗi lo âu, chỉ sợ ngươi bị mụ ác ni cô đó bắt đem đi thì cái mạng nhỏ xíu của ngươi làm sao mà giữ được? Hôm kia nghe Đa Long về báo đã gặp ngươi rồi ta mới yên dạ. Ngươi đã thoát hiểm trong trường hợp nào? Vi Tiểu Bảo tâu:
– Lúc đó mụ ác ni cô kia căm phẫn nô tài đến cực điểm, mụ đấm đá túi bụi. Sau nô tài nói là Hoàng đế cũng là bậc thánh quân như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, không thể giết được. Mụ liền nói nhiều điều đại nghịch. Hễ nô tài tán dương Hoàng đế một câu là mụ lại tát cho một cái đến nỗi nẩy đom đóm mắt. Sau nô tài muốn tránh cái hại trước mắt liền nổi tiếng rên la ra chiều đau đớn. Vua Khang Hy hỏi:
– Ngươi để mụ đánh chết cũng uổng mà thôi. Lai lịch mụ ác ni cô đó ra sao? Mụ nghe ai sai khiến mà đi làm việc hành thích? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Mụ vâng lời sai khiến của ai, nô tài cũng không hiểu. Khi đó mụ bắt được nô tài rồi liền lấy dây cột hai tay nô tài lại giong đi như dắt khỉ. Tâu Hoàng thượng! Ngoài miệng nô tài không dám thoá mạ mụ, nhưng trong bụng cũng chửi ngầm cả mười bảy, mười tám đời tổ tiên nhà mụ. Vua Khang Hy cười nói:
– Cái đó đã hẳn. Gặp tình trạng này còn ai không thoá mạ? Vi Tiểu Bảo nói:
– Mụ lôi đi mấy ngày, hai ba lần toan giết nô tài. May dọc đường gặp một người, mà người này lại có chút giao tình với nô tài. Y đã giúp nô tài nói với mụ nhiều câu tử tế. Từ đó mụ ác ni cô kia mới thôi không đánh đập nô tài nữa. Vua Khang Hy lấy làm kỳ hỏi:
– Người đó là ai? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Người đó họ Dương, hiện làm thủ lãnh bọn thị vệ dưới trướng thế tử của Bình Tây Vương.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.