Lối tư duy của người thông minh

Chương sáu. Tối ưu hóa hiệu quả bộ nhớ



Nạp thông tin mới vào trí nhớ đòi hỏi quá trình xử lý sâu và chủ động.

Để thay đổi tư duy, hãy thay đổi điều bạn đang nghĩ.

Sử dụng những cách thức mô tả khác nhau giúp thay đổi tư duy.

Không phải là nói quá khi tuyên bố rằng, bức tượng Người suy tưởng (The Thinker) của Auguste Rodin là một trong những bức tượng nổi tiếng nhất trên thế giới. Có rất nhiều bản sao đặt trong các viện bảo tàng, trong các không gian công cộng và giữa vô số những chân tượng khác nhau.

Bức tượng này nổi tiếng vì nó thực sự miêu tả được một cuộc đấu tranh (nội tâm) lộ ra trên thể xác. Chính bản thân Rodin ban đầu dự định đặt bức tượng vào một dự án có tên gọi là Những cánh cổng địa ngục (The Gates of Hell). Nó được làm ra để mô tả hình ảnh Dante đang soạn bài thơ Thần khúc (The Divine Comedy). Rodin đã cố gắng tìm ra một cách nắm bắt hình ảnh người suy tưởng với tư cách một đấng sáng tạo. Những nhà phê bình nghệ thuật bình luận về nỗ lực thể chất mà bức điêu khắc thể hiện. Với Rodin, tư duy phức tạp bao gồm sự miệt mài của cả tâm trí lẫn cơ thể.

Tôi luôn thán phục bức điêu khắc này vì nó thực sự là một công trình nghệ thuật tuyệt vời, đồng thời phản ánh một cái nhìn chung về tư duy. Thông thường, mọi người cho rằng, khi ai đó đang giải quyết một vấn đề khó khăn nghĩa là người đó đang làm việc vất vả. Tất nhiên, có những điểm đúng trong suy nghĩ này. Bộ não là một cơ quan rất đói năng lượng, nó chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng sử dụng 20% năng lượng mà cơ thể bạn tiêu thụ mỗi ngày.

Chừng nào não còn tiêu thụ rất nhiều năng lượng, chắc hẳn Tư duy thông minh không cảm thấy giống như là một sự lao động thể chất cực lực như bức tượng của Rodin biểu đạt. Thực tế, khi bạn đang cố giải quyết một vấn đề khó, cảm giác nỗ lực thể chất hết mức nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy bạn đang làm gì đó sai.

Nói chung, tập trung suy nghĩ cao độ có cảm giác khá tốt. Tôi nhớ những bài kiểm tra khó ở đại học mà tôi đã dành ba giờ đồng hồ liên tục để trả lời một chuỗi những câu hỏi bài luận. Tôi chắc chắn đã mệt nhoài sau khi sắp xếp những suy nghĩ của mình và cô đọng lại nội dung học tập của một học kỳ. Dù vậy, trong lúc thi, tôi trải qua những gì mà Giáo sư Tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gọi là dòng chảy. Mỗi suy nghĩ liên tục dẫn đến suy nghĩ tiếp theo và thường làm tôi quên mất thời gian.

Cảm giác khó chịu về thể chất phần nhiều do dòng suy nghĩ không diễn ra suôn sẻ. Nhiều năm trước tôi tham dự một hội nghị ở Sofia, Bulgaria. Sau một loạt những xui xẻo, tôi kết thúc với việc phải ngủ một đêm ở Zurich, Thụy Sỹ. Khi rời khỏi sân bay Zurich, ngay lập tức tôi cảm thấy bối rối. Tôi không nói tiếng Đức, do đó không đọc được hay hiểu được nhiều biển báo. Nhưng không phải lạc hoàn toàn. Tôi vẫn biết rất nhiều thứ về sân bay và đoán ra nơi tôi sẽ tìm thấy những chiếc xe buýt chạy đường ngắn cũng như đủ chắc chắn rằng có những chiếc xe buýt đang rời bến. Khi đến khách sạn, tôi ra ngoài và tìm một toà nhà trông như ngân hàng và đổi một ít tiền để tiêu ngày hôm đó. Tôi đi trên đường một lúc để ngắm cảnh và cuối cùng “sống sót” qua trải nghiệm này. (Thẳng thắn mà nói, người Thuỵ Sỹ hầu hết đều nói nhiều thứ tiếng và dường như sẵn lòng thương hại một khách lữ hành lỡ độ đường, do đó không khó để tìm thông tin và hỏi đường khi cần.)

Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái. Trong suốt quãng thời gian ở Zurich, tôi luôn căng thẳng với ý nghĩ mình sẽ không quay trở về sân bay kịp lúc. Tôi phải suy nghĩ về tất cả mọi thứ trong ngày hôm đó. Tôi không muốn nói rằng đã sử dụng khả năng suy nghĩ của mình rất hiệu quả hay đạt năng suất cao – ngày hôm đó, tôi cảm thấy giống như bức tượng người suy tưởng của Rodin hơn trong bất kỳ cuộc thi nào ở đại học.

Hiểu sự khác nhau giữa trải nghiệm của tôi ở nước ngoài và trải nghiệm trong một kì thi mà tôi đã chuẩn bị tốt là điều quan trọng để biết thêm về cách trí nhớ hoạt động. Hãy bắt đầu bằng một bài tập dễ dàng. Cố nhớ một bữa tiệc sinh nhật mà bạn tham dự khi còn bé.

Bạn làm điều đó như thế nào?

Có thể ngay khi tôi vừa yêu cầu, bạn sẽ chẳng tốn chút sức nào để gọi ra thông tin này từ trí nhớ: quang cảnh, âm thanh và có lẽ thậm chí cả cảm xúc hay mùi vị. Bạn có thể đã gọi lên những hình ảnh về bữa tiệc với những chiếc mũ giấy, bóng bay, bánh sinh nhật và cả trò chơi ghim vào đuôi con lừa.

Những ký ức của bạn liên quan đến hoạt động hồi tưởng có ý thức về một trải nghiệm quá khứ. Những hồi tưởng có ý thức này được gọi là ký ức rõ ràng. Có hai quan sát quan trọng bạn có thể rút ra với ký ức rõ ràng. Đầu tiên là việc gọi ra những thông tin từ trí nhớ không mất sức. Nếu đã từng gặp một mẫu thông tin (như yêu cầu suy nghĩ về bữa tiệc sinh nhật lúc nhỏ), thì bạn sẽ tự động nhớ ra những ký ức liên quan đến thông tin đó.

Quan sát thứ hai là thông tin gọi ra từ tâm trí luôn liên quan đến những gì bạn đang suy nghĩ. Nghĩa là khi bắt đầu đọc chương này, có thể bạn đang không suy nghĩ về những bữa tiệc sinh nhật. Nhưng khi tôi nhắc đến những bữa tiệc sinh nhật, ký ức buộc bạn phải suy nghĩ bằng cách đưa ra vài thông tin về những bữa tiệc sinh nhật. Tuy nhiên, bạn có thể gặp vấn đề khi nhớ ra một ký ức cụ thể nào đó về một bữa tiệc sinh nhật. Trong trường hợp này, chỉ những từ bữa tiệc sinh nhật là không đủ để gọi ra ký ức kia. Dù vậy, sau đó, bạn chắc hẳn thành công trong việc suy nghĩ về một bữa tiệc sinh nhật cụ thể bằng cách thay đổi hướng tập trung về những gì bạn đang suy nghĩ: bạn có thể đã cố hình dùng ra một cái bánh, những cái mũ nhọn hay trò chơi ghim vào đuôi con lừa. Lúc đó, một suy nghĩ là đủ để gợi lên một ký ức từ thời thơ ấu của bạn.

Giờ hãy thử bài tập thứ hai. Cố nhớ một bữa tiệc sinh nhật trưởng thành mà bạn đã tham dự gần đây.

Một lần nữa, chắc hẳn bạn đã nhớ ra thứ gì đó một cách dễ dàng. Nhưng thông tin bạn gọi ra từ trí nhớ chắc hẳn khá khác với bữa tiệc thời thơ ấu. Bữa tiệc này có thể có bánh nhưng có lẽ ít mũ giấy hơn, có những thức uống khác, nhiều cuộc chuyện trò hơn và (tôi nghĩ) ít trò chơi ghim vào đuôi con lừa hơn.

Khi thảo luận về ký ức về những sự kiện trong cuộc sống, mọi người thường quan tâm đến tính chính xác của những ký ức đó. Thông tin bạn nhớ ra về một bữa tiệc sinh nhật lúc nhỏ có thể là một ký ức chính xác về trải nghiệm của bạn. Nhưng nó cũng có thể là một sự pha trộn của vài bữa tiệc sinh nhật bạn tham dự khi còn nhỏ. Nó có thể thậm chí có những đặc điểm bạn nhìn thấy trong những bộ phim chiếu ở nhà hay những video các bữa tiệc khi bạn lớn hơn.

Tuy vậy, vì những mục tiêu của Tư duy thông minh, việc trí nhớ của bạn phản ánh một sự kiện cụ thể trong đời bạn chính xác đến mức nào không thực sự quan trọng. Ký ức của bạn không phát triển để hỗ trợ cho sự hồi tưởng chính xác về một đoạn đời của bạn. Thay vào đó, nó phát triển để trao cho bạn những thông tin cần thiết khi bạn cần nó. Nếu là một người săn bắt hái lượm sống cách đây 10.000 năm, bạn ra ngoài với một nhóm người và cố gắng mang về bữa ăn cho cả đàn. Khi đến một dòng suối nào đó, bạn sẽ nhớ lại tất cả những kiến thức về cách thức băng qua nó. Kiến thức đó có thể bao gồm những câu chuyện được những thành viên khác trong nhóm kể lại, trải nghiệm của riêng bạn từ những lần đi săn trước và những gì bạn quan sát thấy người khác làm trước đó. Nguồn thông tin không quan trọng miễn sao bạn có khả năng sử dụng nó để thực hiện chuyến đi săn thành công.

Cách ký ức hoạt động

Nguyên tắc cơ bản quyết định thông tin nào sẽ được gọi ra từ ký ức rất đơn giản: Thông tin được gọi ra từ ký ức khi tình huống hiện tại khớp với tình huống mà thông tin đó được thu thập.

Từ chìa khoá ở đây là tình huống, cái mà những nhà tâm lý học còn gọi là bối cảnh. Khi bạn học một thông tin mới, nó được liên hệ đến bối cảnh mà bạn học – quang cảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác và thậm chí những suy nghĩ tồn tại vào thời điểm đó. Vì trí nhớ của bạn được thiết lập dựa trên nguyên tắc: kiến thức có thể quan trọng khi tình huống tương tự một lần nữa tái xuất hiện, vì thế trí nhớ muốn cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn. Như đã thảo luận ở Chương 5, trí nhớ của bạn được sắp xếp khi bạn đi vào một cửa hàng McDonald nào đó, giúp gợi nhớ lại kiến thức bạn đã có trong những lần đến các cửa hàng McDonald trước, từ đó giúp bạn hiểu mình cần phải làm gì để có được một suất ăn.

Để khám phá sâu hơn ảnh hưởng của nguyên tắc này, hãy đào sâu một chút vào quá khứ của bạn. Như hầu hết mọi người, bạn không sống mãi trong cùng một ngôi nhà hay một căn hộ. Chắc hẳn bạn có vài ký ức về ngôi nhà thời thơ ấu. Cứ gọi nó bằng cái tên “ngôi nhà thời thơ ấu” là có thể đủ để giúp bạn nhớ ra vài ký ức. Khi có thời gian, hãy để tâm trí mình đi dạo đôi chút qua những ký ức của ngôi nhà thời thơ ấu. Việc mường tượng trong tâm trí một hình ảnh về phòng ngủ của mình có giúp bạn nhớ ra nhiều thông tin hơn không? Thậm chí một khi đã bắt đầu mượng tượng, bạn còn nhớ ra nhiều hơn vì tâm trí bạn đã tái tạo thêm chút ít về bối cảnh vào thời điểm còn sống ở ngôi nhà đó, từ đó cho phép bạn nhớ lại những đặc điểm khác của ngôi nhà. Nếu có khả năng hình dung nhiều hơn về bối cảnh thì bạn có thể nhớ tới những thứ mà cả năm trời bạn chưa từng nghĩ đến. Việc ngồi cùng bố mẹ hay anh em, xem cuốn album cũ, hay thăm lại ngôi nhà thời thơ ấu sẽ gợi lại những hình ảnh, âm thanh, thậm chí mùi vị có thể đã từng là một phần trong bối cảnh của một vài ký ức đầu đời và do đó giúp bạn nhớ ra những thứ từ thời xa lắc xa lơ.

Một thí nghiệm tâm lý kinh điển đã cho thấy bối cảnh trong một ký ức có thể phong phú thế nào. Duncan Godden và Alan Baddeley nghiên cứu những ký ức hình thành từ hai dàn cảnh khác nhau. Những người tham gia thí nghiệm trên đều là những thợ lặn bình dưỡng khí đã qua đào tạo. Những ký ức cơ bản họ có được trong nghiên cứu này không thú vị đến vậy. Họ được cho nghe một danh sách từ vựng và sau đó phải nhớ lại. Phải nhớ một danh sách từ vựng cũng giống như nhớ về ngôi nhà thời thơ ấu. Mặc dù những từ vựng tự thân chúng có thể quen thuộc, song điều quan trọng là các từ vựng cụ thể đó xuất hiện trong danh sách cụ thể kia.

Những người tham gia được yêu cầu học một số danh sách từ trong khi ngồi ở bãi cát gần mặt nước và những danh sách khác khi đang lặn dưới nước trong bộ quần áo thợ lặn. Trong mỗi trường hợp, những thợ lặn này được nghe các danh sách qua hệ thống giao tiếp của thợ lặn. Sau một lúc, người tham gia được yêu cầu nhớ lại những danh sách, ở trên bờ hoặc ở dưới nước. Để nhớ lại các từ vựng, họ viết bút chì – loại có thể dùng được cả ở trên bờ và dưới nước – lên một tấm bảng nhựa. Trong nghiên cứu này, bối cảnh khá phong phú. Việc lặn dưới nước sẽ bao gồm tất cả những loại hình ảnh, âm thanh và mùi vị – bối cảnh rất khác biệt so với ngồi gần mặt nước.

Tất cả những yếu tố mang tính bối cảnh ảnh hưởng đến cách con người nhớ những từ vựng trong danh sách. Nếu những người tham gia học một danh sách lúc đang ngồi trên bờ thì họ nhớ danh sách đó tốt hơn khi được kiểm tra ở trên bờ. Cũng vậy, nếu học danh sách lúc đang lặn, họ sẽ nhớ từ trong danh sách tốt hơn khi được kiểm tra lúc đang lặn.

Hầu hết các tình huống bạn trải qua sẽ không quá cực đoan như lặn dưới nước với bình dưỡng khí. Nhưng nếu đang cố nhớ lại điều gì đó thì bạn có thể tự giúp bản thân bằng cách tái tạo nhiều nhất có thể tình huống ban đầu khi bạn học thông tin đó.

Khi bạn mất thứ gì đó, khả năng nhớ lại có thể được tăng cường bằng cách hồi tưởng lại trong đầu những bước hành động của bạn. Tôi từng thường xuyên để chìa khoá xe lung tung trong nhà. Mỗi khi cần tìm, tôi bắt đầu hình dung lại về ngày hôm đó từ lúc tôi về nhà và cuối cùng cũng nhớ ra đã để nó ở đâu. Việc hình dung chuỗi sự kiện trong ngày cho phép tái tạo nhiều hơn về bối cảnh của từng sự kiện, từ đó cho phép tôi nhớ nơi mình đã móc sạch đồ trong túi ra, từ đó nhớ ra chỗ để chìa khoá. (Sau những sự việc như thế, tôi đã hình thành một Thói quen thông minh. Tôi gắn móc lên cửa nhà xe và hình thành thói quen treo chìa khoá lên đó.)

Nguyên tắc cốt yếu này của ký ức cho thấy rõ rằng để sử dụng kiến thức hiệu quả đòi hỏi phải thu nạp những Kiến thức chất lượng cao vào bộ nhớ, sau đó tái hiện lại bối cảnh tương tự như lúc những ký ức đó đã được tạo ra. Để sử dụng ký ức một cách hiệu quả, bạn phải tác động lên cách thu nạp kiến thức vào ký ức, cũng như cách sử dụng chiến lược để gọi ra thông tin từ trí nhớ.

Thu nhận kiến thức

Những thảo luận về Vai trò của 3 trong Chương 3 và ảnh hưởng của hành động tự lý giải trong Chương 4 đều nhắm đến việc cải thiện chất lượng kiến thức của bạn. Hai đề xuất này có một điểm chung là chúng đòi hỏi bạn phải trở thành một người học tập chủ động. Phải chắc chắn rằng bạn tập trung vào những điểm mấu chốt của một sự kiện sau khi nó kết thúc, bao gồm cả việc làm vài bài tập để kiểm soát những gì bạn có thể nhớ và việc nỗ lực kết nối những thông tin quan trọng với kiến thức hiện tồn của bạn. Hành động tự lý giải rõ ràng cũng là một quá trình chủ động. Nó đòi hỏi bạn đưa ra những lý giải để nhận diện lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của mình.

Điều cần được nói rõ ở đây là, không có mánh lới ảo thuật nào giúp thu thập Kiến thức chất lượng cao. Tôi đảm bảo rằng, nếu ai phát triển được một kỹ thuật cho phép bạn học mà không cần tốn sức, người đó sẽ được tung hô như một anh hùng và xuất hiện trên trang đầu của mọi tờ tạp chí. Công luận xung quanh hiệu ứng Mozart chính là một ví dụ thú vị về khao khát đạt được điều gì đó mà không tốn chút gì của chúng ta.

Hiệu ứng Mozart nhắc đến phát biểu rằng, nghe nhạc của Mozart có thể tăng hiệu suất của những công việc liên quan đến nhận thức. Sự quan tâm phổ biến dành cho hiệu ứng này xuất phát từ những nghiên cứu ban đầu cho thấy người nghe nhạc Mozart (hay những loại nhạc cổ điển phức tạp khác) thực sự tiến bộ trông thấy khi giải quyết những vấn đề liên quan đến không gian rối rắm như mê cung. Nghe có vẻ như đây là một công cụ gần như hoàn hảo khiến bạn trở nên thông minh hơn. Nghe nhạc Mozart rất thú vị. Không quá mất sức. Giống như quảng cáo loại công cụ tập luyện khiến bạn trông rắn chắc và cân đối chỉ với năm phút một ngày trên các tạp chí, hiệu ứng Mozart thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Các công ty bán loại nhạc được thiết kế để tăng trí thông minh đua nhau ra đời. Thậm chí, cựu thống đốc bang Georgia, Zell Miller, còn đề xuất bang của ông nên mua những đĩa nhạc cổ điển cho tất cả trẻ em sinh ra trong bang vào năm 1998.

Thật không may, có vẻ như nghe nhạc Mozart (hay bất kỳ loại nhạc nào khác) sẽ nhìn chung sẽ không khiến bạn thông minh hơn hay cho phép bạn làm những bài kiểm tra tư duy tốt hơn. Vài hiệu ứng của việc nghe nhạc dường như xuất phát từ việc bạn có xu hướng thực hiện những bài kiểm tra khả năng tư duy tốt hơn khi có tâm trạng tốt và việc nghe những bản nhạc nhạc có nhịp điệu nhanh về cơ bản sẽ cải thiện tâm trạng của bạn. Và rất lấy làm tiếc là tác động của việc nghe nhạc đối với tư duy dường như rất ít ỏi và ngắn ngủi.

TƯ DUY SÂU

Thu nạp Thông tin chất lượng cao vào bộ nhớ đòi hỏi nhiều công sức. Bạn cần phải suy nghĩ sâu để đưa chúng vào ký ức thành công. Vậy suy nghĩ sâu nghĩa là gì? Hãy dành ít phút tự mình trả lời câu hỏi đó.

Bạn có dừng lại và suy nghĩ về nó khi tôi yêu cầu không hay bạn cứ đọc tiếp? Nếu đọc tiếp có nghĩa là bạn đang hy vọng tôi sẽ đưa cho bạn câu trả lời. Tất nhiên là bạn đúng. Toàn bộ phần này của chương sẽ chỉ ra những cách giúp bạn nạp nhiều thông tin hơn vào bộ nhớ.

Vấn đề là nếu chỉ đơn thuần đọc những gì được viết ở đây, có thể bạn không thực sự lưu vào tâm trí tất cả những thông tin này. Nhà tâm lý học Bob Bjork nói về vấn đề này khi ông khảo sát cách chúng ta đánh giá về việc giảng dạy của những giảng viên đại học. Giảng viên đại học thường không được đánh giá chính thống bởi các đồng nghiệp như giáo viên trung học. Thỉnh thoảng, chúng ta yêu cầu một nhân viên khoa đến dự giờ các bài giảng của một giảng viên. Việc đó thường được tiến hành khi cần đánh giá ai đó để cân nhắc thăng tiến.

Hầu hết những phản hồi về chất lượng giảng dạy mà các giảng viên đại học nhận được là của sinh viên vào cuối học kỳ. Các sinh viên đánh giá khoá học và giảng viên dựa trên một số tiêu chuẩn, bên cạnh đó đưa ra những nhận định chung. Những đánh giá này được tổng hợp lại và chuyển cho các nhân viên khoa. (Thậm chí có cả những trang web như Đánh giá giảng viên của tôi [www.ratemyprofessors.com], ở đó sinh viên có thể truy cập những đánh giá này để tìm ra nhiều thông tin hơn về giảng viên đứng lớp mà họ đang cân nhắc theo học.)

Những đánh giá này hiệu quả thế nào trong việc xác định xem sinh viên thực sự học được bao nhiêu? Theo những phân tích của Bjork, sinh viên đánh giá cao giảng viên khi bài giảng có yếu tố vui nhộn (do đó họ cảm thấy thích thú) và khi giảng viên kể những câu chuyện rõ ràng và dễ hiểu. Nghĩa là, khi giảng viên vui vẻ và sinh viên dễ dàng hiểu được vấn đề của bài giảng thì sinh viên cảm thấy hài lòng sau khi rời lớp học. Có vẻ rõ ràng là những đặc tính này sẽ cải thiện điểm của giảng viên. Một giảng viên có sự chuẩn bị tốt và truyền đạt kiến thức một cách sáng tỏ sẽ khiến khoá học thu hút sinh viên hơn.

KHÓ KHĂN ĐÁNG MONG ĐỢI

Dẫu vậy, hoá ra chính với những bài giảng quá rõ ràng, sinh viên trong lớp tiếp thu mà không cần phải thực sự suy nghĩ cực nhọc thì họ không học được nhiều kiến thức bằng việc bị thử thách để tự học nhiều hơn. Những thử thách này tạo ra cái mà Bjork gọi là khó khăn đáng mong đợi. Nghĩa là, một số nhiệm vụ khó khăn trong lúc học có thể gây bực dọc nhưng về lâu dài nó khiến cho việc học tốt hơn. Bjork chỉ ra rằng nghịch lý của các đánh giá khoá học đại học là những yếu tố dẫn đến những đánh giá tốt thường không phải là cái giúp sinh viên tối ưu hoá lượng kiến thức học được trên lớp.

Có nhiều bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của khó khăn đáng mong đợi trong học tập. Bạn càng tự suy nghĩ nhiều hơn trong một tình huống học tập thì càng nhớ kỹ những thông tin hơn. Trong một nghiên cứu thực nghiệm, sự tiến bộ này được gọi là hiệu ứng sản sinh vì bạn sinh ra những thông tin mới cho bản thân chứ không chỉ dừng lại là những thông tin được ai đó trình bày. Khi nghe một bài giảng quá trôi chảy, bạn không phải mất nhiều tâm sức để hiểu những gì đang nghe và do đó bạn học được ít hơn so với khi phải làm việc chăm chỉ trong thời gian học. HỌC TẬP CHỦ ĐỘNG

Hiệu ứng sản sinh phát huy tác dụng vì những lý do sau. Đầu tiên, tự tạo ra thông tin bảo đảm rằng bạn thực sự hiểu những thông tin bạn đang suy nghĩ. Đó là hệ quả của hoạt động tự lý giải đã được thảo luận trong Chương 4. Giá trị của sự tự lý giải là nó giúp bạn nhận diện những lỗ hổng trong kiến thức về cách vận hành của sự vật. Bằng cách tạo ra một lý giải, bạn đảm bảo rằng kiến thức của mình không có lỗ hổng nào. Thứ hai, sinh ra những thông tin mới giúp bạn củng cố mối liên kết xuyên suốt các mẩu thông tin. Hãy hình dung những mẩu kiến thức độc lập của bản thân giống như một cái tô chứa những hạt đậu phộng rời rạc. Nhặt một hạt bất kì lên cũng không ảnh hưởng đến những hạt khác. Ngay cả nếu bạn cố nhặt nắm đậu phộng bằng cả bàn tay, vài hạt luôn có thể rơi qua kẽ tay bạn. Nhưng nếu bạn thắng đường với đậu phộng và chờ nó cứng lại, bạn sẽ có một miếng đậu phộng giòn tan. Giờ thì nhặt một hạt đậu sẽ khiến cho những hạt khác bám theo nó. Tạo ra thông tin cũng mang lại những mối liên kết giữa các ý tưởng cho phép chúng được gọi ra cùng nhau.

Thứ ba, tạo ra thông tin cho bản thân giúp củng cố mối quan hệ giữa thông tin bạn đang học và trạng thái tâm trí nội tại của trí nhớ. Bạn gặp thông tin mới trong rất nhiều tình huống. Bạn có thể đang đọc, đang tham dự một lớp học hay đang xem một bộ phim tài liệu trên truyền hình. Nếu học một cách bị động thì hầu hết bối cảnh liên quan đến những kiến thức mới sẽ bao gồm cả tình huống học tập của bạn. Nếu đang lắng nghe giảng bài một cách thụ động thì những kiến thức bạn thu nhận được sẽ liên quan chặt chẽ đến những đặc điểm của bối cảnh lúc đó – giọng nói của giảng viên, âm thanh, mùi và thậm chí nhiệt độ của căn phòng, tất cả trở nên liên kết đến những gì bạn đang học. Tuy nhiên, khi sau này cần thông tin đó, có thể bạn không ở trong cùng bối cảnh như vậy.

Khi học tập một cách chủ động, lặp đi lặp lại những thông tin mấu chốt và tự đưa ra những lý giải, bạn tạo ra một bối cảnh tâm trí phong phú trong đó bạn đang học tập. Bối cảnh nội tâm này bao gồm những suy nghĩ liên quan đến nội dung và mục tiêu học tập của bạn. Khi cần gọi ra thông tin, dù cho bạn đang ở một bối cảnh rất khác thì nhiều đặc điểm của bối cảnh nội tâm có thể vẫn đang tồn lưu. Do đó, xử lý sâu thông tin giúp bạn kết nối chặt chẽ các thông tin với bối cảnh nội tâm của bạn hơn là với những đặc điểm thoáng qua của thế giới bên ngoài.

Vì tất cả những lý do đó, việc xử lý sâu thông tin khi đang học là điều quan trọng. Suy nghĩ sâu sẽ tạo ra sự tái hiện ký ức chi tiết có thể được sử dụng trong những tình huống tương lai. Càng học chi tiết, bạn càng tạo ra nhiều mối liên kết giữa những cấu phần của kiến thức, và sau đó sẽ dễ dàng tìm ra những tình huống với các gợi ý để có thể gọi ra kiến thức từ trí nhớ.

HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CHẠY ĐUA TỐC ĐỘ, HỌC LÀ CHẠY ĐƯỜNG TRƯỜNG Từ những vận động viên chạy marathon nghiêm túc hoàn thành cuộc đua 26.2 dặm trong gần hai giờ đồng hồ đến những người ”chạy cho vui” mất bốn hay năm giờ để hoàn thành đường chạy, tất cả những người chạy đường dài đều có một điểm chung: Mỗi người trong họ đều đã tập luyện rất vất vả để đạt được thành tựu khó khăn này. Việc chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đua đường dài đòi hỏi nhiều tháng trời tập luyện và hầu hết những người chạy sẽ tập luyện ít nhất bốn hay năm ngày mỗi tuần. Những người nghiêm túc không bao giờ tập luyện cho một cuộc đua marathon bằng cách chạy một quãng đường thật dài một tuần trước khi bước vào cuộc đua.

Để có được Kiến thức chất lượng cao, chúng ta cũng cần phải dành nhiều thời gian để luyện tập. Nhiều học sinh phổ thông và sinh viên đại học thường nhồi nhét bằng cách đọc tài liệu và trả lời tất cả những câu hỏi ôn tập vào đêm trước khi thi. Kết quả của phương pháp này cũng không khác gì so với cố gắng chuẩn bị cho một cuộc đua đường dài trong một tuần.

Trong rất nhiều những tình huống chuẩn bị cho một kỳ thi, sinh viên thường coi nhẹ khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị đầy đủ. Sẽ khó để gói ghém kiến thức của một học kỳ trong chỉ một đêm. Nhưng dù cho có đủ thời gian chuẩn bị thì việc nhồi nhét tất cả những chuẩn bị đó vào buổi học chót cùng hơn là trải ra một quãng thời gian dài cũng vẫn kém hiệu quả. Khi học kiến thức trong một bối cảnh, bạn kết thúc bằng việc liên hệ tất cả những kiến thức đó với bối cảnh ấy. Những hình ảnh, âm thanh, mùi vị và cảm xúc mà bạn trải nghiệm trong buổi học trở thành một phần của ký ức về kiến thức bạn học được. Nếu không ở trong cùng một bối cảnh như thế, bạn sẽ rất khó để nhớ ra những gì đã học.

Nếu việc học diễn ra trong một quãng thời gian dài hơn, kiến thức của bạn cũng được kết nối với những bối cảnh khác nhau. Khi học trong nhiều ngày hay nhiều tuần, có rất nhiều hình ảnh, âm thanh, mùi vị và cảm xúc xuyên suốt những lần khác nhau, kết nối những thông tin đang học. Thậm chí vẫn có nhiều thứ thay đổi, dù cho không gian học của bạn không đổi khác, như trên bàn của bạn hay một phòng cá nhân của thư viện. Bạn sẽ mặc quần áo khác nhau. Bạn có thể đói lúc này, no lúc khác. Tâm trạng của bạn có thể cũng khác nhau. Kết quả là có rất nhiều những loại bối cảnh khác nhau có thể giúp bạn nhớ ra thông tin một lần nữa trong tương lai.

Học trong nhiều bối cảnh khác nhau cũng có thể giúp củng cố sự liên kết giữa kiến thức và bối cảnh nội tâm của bạn. Tuy nhiên, bất chấp môi trường vật chất mà bạn đang học là gì, bối cảnh nội tâm của bạn – tức là sự tập trung vào cái đang học – có thể sẽ không thay đổi. Do đó, càng duy trì việc học thường xuyên thì việc chỉ một mẩu kiến thức sẽ có thể trở thành nhân tố kích thích để nhớ ra phần kiến thức còn lại. Do đó, coi học tập như một cuộc đua đường dài sẽ giúp cách ly kiến thức của bạn khỏi những yếu tố ngoại lai như môi trường vật chất mà bạn đang học.

Cuối cùng, Kiến thức chất lượng cao không chỉ là một bộ những dữ kiện. Việc bạn cần làm là thiết lập mối liên kết tốt hơn giữa các cấu phần của kiến thức khi học tập ngày qua ngày.

Thay đổi điều bạn đang nghĩ

Hãng máy tính Apple có một chiến dịch quảng cáo bao gồm hình ảnh về những người có tầm ảnh hưởng đi cùng với dòng chữ “Hãy suy nghĩ khác.” Sở dĩ quảng cáo này lại phổ biến như vậy là vì nó phù hợp với một suy nghĩ được chấp nhận rộng rãi là để có những ý tưởng tuyệt vời và mang tính cách mạng đòi hỏi cách thức tư duy mới. Cụm từ phổ biến “Suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp” cũng nhấn mạnh ý tưởng rằng, tư duy sáng tạo thực sự phải, bằng cách nào đó, vượt ra khỏi lối suy nghĩ mặc định thông thường.

Làm thế nào bạn có thể thực sự suy nghĩ khác? Tôi đã từng nói rằng, suy nghĩ mang lại hiệu quả không đem đến cảm giác mệt mỏi thể chất. Tư duy thông minh không gây căng thẳng. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn bế tắc? Khi rơi vào ngõ cụt, bạn cảm thấy rất bực bội. Lúc đó, có lẽ trạng thái “nâng tạ tâm trí” sẽ bắt đầu.

Hoá ra, con đường thoát khỏi bất kỳ ngõ cụt nào là bắt đầu với một con gấu trắng.

Để hiểu tôi muốn nói gì, trong 30 giây tiếp theo, dù làm gì đi nữa, bạn cũng đừng nghĩ về gấu trắng. Hãy kháng cự lại suy nghĩ đó.

Làm thế nào bạn làm được điều đó? Nếu bạn cố ngăn bản thân mình khỏi suy nghĩ về những con gấu trắng thì có thể trong cả 30 giây đó bạn chẳng nghĩ được gì khác ngoài những con gấu trắng. Hành động gọi ra ký ức mang tính vô thức khiễn bạn không thể ngăn bản thân khỏi việc gọi ra những thông tin từ ký ức của mình. Nó cứ xảy ra. Cách duy nhất để không nghĩ về những con gấu trắng trong 30 giây là buộc bản thân mình bắt đầu nghĩ về thứ gì đó khác. Hãy lặp lại lời của một bài hát. Hãy hình dung về một chuyến tàu mà bạn đã đi. Hãy nhìn vào một vật thể trong phòng và lý giải cách nó hoạt động. Một khi đã thực sự suy nghĩ về thứ gì đó khác, bạn sẽ không nghĩ về con gấu trắng nữa.

Cũng giống như việc cố hướng suy nghĩ của mình đến những vật thể khác ngoài con gấu trắng, khi gặp bế tắc trong một vấn đề, bạn cần tìm ra một cách để gọi ra từ trí nhớ những thông tin mới có thể liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Cách duy nhất để nạp cái mới vào bộ nhớ là thay đổi nội dung những gì bạn đang suy nghĩ vào lúc đó. Bạn cần thay đổi cái manh mối mà bạn đang sử dụng.

Về cơ bản, Tư duy thông minh không đòi hỏi bạn phải suy nghĩ khác đi mà là suy nghĩ về những sự vật khác.

Để thấy được điều này trong thực tế, hãy quay trở lại nghiên cứu tôi thực hiện với Kris Wood và Julie Linsey đã mô tả ở Chương 5, trong đó những sinh viên ngành kỹ sư phải làm bài tập thiết kế tạ du lịch. Rốt cuộc, những sinh viên trong nghiên cứu này đã có khả năng rút ra một so sánh tương tự giữa tạ và đệm hơi. Làm thế nào họ có thể làm điều đó?

Ban đầu, những sinh viên này đều gặp bế tắc. Họ không thể nghĩ tới một thiết kế nào khả dĩ. Lúc đó, chúng tôi khuyến khích họ suy nghĩ cụ thể hơn về cách thiết kế những cái tạ thông qua việc sử dụng một bảng thuật ngữ mô tả các chức năng mà họ đã được học. Bảng từ này bao gồm những phương pháp mô tả các vật thể ở cuối các thanh kim loại với vai trò những vật chứa chứ không phải chỉ là những hình trụ kim loại.

Mô tả mới này giúp những sinh viên thấy được rằng, một vật mang sức nặng có thể được làm rỗng theo cùng cách làm với đệm hơi. Suy nghĩ đó là phần căn bản của phép loại suy và rốt cuộc dẫn đến giải pháp tạo ra tạ du lịch có thể được làm đầy bằng nước khi cần.

Có hai phần mấu chốt trong ví dụ này. Đầu tiên, để vượt qua ngõ cụt đòi hỏi một cách mô tả khác về vấn đề, từ đó nhớ ra những kiến thức mới có thể giúp giải quyết vấn đề. Thứ hai, những sinh viên này thành công một phần vì họ học được một bảng thuật ngữ chuyên dụng cho phép mô tả chức năng của các bộ phận trong sản phẩm mà họ thiết kế.

Thông minh hơn tức thì

Khi thấy khó khăn trong việc nhớ lại

Tiền đề chính của chương này là gợi nhớ ký ức mà không tốn sức. Nhưng tất cả quy luật đều có ngoại lệ. Trong trường hợp của ký ức, ngoại lệ này được thấy rõ nhất qua lăng kính của trò chơi Truy tìm tri thức, một trò chơi do Chris Haney và Scott Abott người Canada sáng tạo ra. Trò chơi này bao gồm việc trả lời những câu hỏi liên quan đến kiến thức tổng quát và tri thức văn hoá thông dụng.

Có ba loại phản ứng đối với những câu hỏi trong trò chơi. Thứ nhất, họ chỉ biết câu trả lời cho một câu hỏi – không có suy nghĩ hay do dự nào khác. Thứ hai, họ không biết và suy đoán. Và thứ ba, họ hoàn toàn chắc chắn biết câu trả lời những không thể diễn đạt nó đầy đủ được.

Phản ứng thứ ba và cũng là trải nghiệm đau khổ nhất gọi là hiện tượng bế-tắc- nơi-đầu-lưỡi. Nhưng tại sao điều này lại xảy ra nếu như hoạt động gợi nhớ ký ức mang tính vô thức?

Hãy xem ví dụ sau: Bạn được hỏi câu hỏi: “Ai là người Mỹ đầu tiên giành chiến thắng ở giải Tour de France?”

Một vài cái tên sẽ được nhớ tới, người nổi tiếng nhất là Lance Armstrong, mặc dù bạn có thể cũng biết rằng ông ấy không phải là người Mỹ đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc đua này.

Lúc đó, việc dễ dàng gọi ra một cái tên nào đó sẽ gây khó khăn cho việc nhớ ra những cái tên khác mà bạn có thể biết. Trong Chương 2, chúng ta đã nói về ký ức như thể một nhóm những đứa trẻ năm tuổi hy vọng giành được một giải thưởng, mỗi ký ức được gọi ra thành công bởi vì chúng nhảy cao hơn những ký ức khác và vì chúng có khả năng đẩy những ký ức khác xuống. Một cái tên có thể không dễ nhớ ra ngay từ đầu (trong ví dụ này là Greg LeMond mới đích thực là người Mỹ đầu tiên giành chiến thắng tại giải Tour de France), sẽ dễ dàng bị đẩy ngã, tạo điều kiện cho hiệu ứng bế-tắc-nơi-đầu-lưỡi xuất hiện.

Trong những tình huống như thế này, xa rời vấn đề trong chốc lát thường sẽ có ích. Những chuyên gia gọi đây là thời gian ấp (trứng). Những nghiên cứu từ rất sớm về chủ đề này đã cho thấy rằng, quãng nghỉ có thể cho phép một quá trình tiềm thức bí ẩn hoạt động và tìm ra giải pháp cho bạn. Ý tưởng chứa đựng trong cách thức giải quyết vấn đề này là: vô thức của bạn thực hiện Tư duy thông minh của riêng nó và bằng cách nào đó mang đến cho bạn câu trả lời đúng khi nó đã giải quyết thành công vấn đề.

Sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể thực hiện Tư duy thông minh mà thậm chí không cần bận tâm đến nó, song vô thức của bạn không chăm chỉ đến vậy. Thay vào đó, khi bạn nghỉ ngơi, nhìn chung bạn cũng cho phép trí nhớ của mình quay trở lại trạng thái nghỉ ngơi. Những đứa trẻ năm tuổi được chọn cũng giống như những ký ức quay trở lại với bạn bè của chúng. Những đứa trẻ bị loại có cơ hội tiếp tục vượt lên. Quãng nghỉ này cho phép bạn quay trở lại vấn đề vào một lúc sau đó và gọi lên những thông tin mới có thể hữu ích cho việc giải quyết vấn đề.

Để quãng nghỉ này hiệu quả, điều quan trọng là bạn phải thực sự tránh tiếp tục giữ cho những ký ức bạn đã gọi lên và chủ động đẩy những ký ức cạnh tranh với chúng xuống. Có rất nhiều cách để thực hiện quãng nghỉ này. Bạn có thể làm gì đó khác trong chốc lát, sử dụng nguồn lực tâm trí của mình cho một nhiệm vụ khác. Hoặc có thể tạm ngừng làm việc, và tập thể dục, đi dạo, hay tắm vòi sen. Những quãng nghỉ mang tính thư giãn này có thể giúp Tư duy thông minh theo hai cách. Đầu tiên, vì trạng thái bế- tắc- nơi- đầu- lưỡi rất căng thẳng, hoạt động thư giãn trợ giúp ký ức. Thứ hai, rời khỏi môi trường làm việc thường là một cách giữ cho bản thân khỏi suy nghĩ về vấn đề chưa được giải quyết (con gấu trắng) tốt hơn so với tiếp tục ngồi lại.

Ngôn ngữ cho Tư duy thông minh

Để thay đổi cái bạn đang suy nghĩ, bạn cần thay đổi cách mô tả vấn đề. Có rất nhiều cách mô tả. Rõ ràng, chúng ta thường sử dụng từ ngữ để mô tả vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể vẽ hình ảnh và hình thành những hình ảnh tâm trí. Chúng ta thậm chí có thể tưởng tượng ra âm thanh. Tất cả những cách này có thể tác động đến cách chúng ta suy nghĩ về một vấn đề.

Hãy thử một tình huống từ thí nghiệm kinh điển sau như một ví dụ về việc bạn có thể thay đổi cách mô tả hình ảnh tâm trí của bạn:

Hãy tưởng tượng chữ D in hoa. Giờ hãy xoay chữ D đó 90 độ ngược chiều kim đồng hồ để phần phẳng của nó nằm sấp xuống. Đặt thêm một chữ J hoa bên dưới phần nền phẳng của chữ D. Bạn có hình gì?

Hầu hết mọi người khi nghe mô tả này có thể nhận ra rằng họ đã mường tượng trong tâm trí hình ảnh của một chiếc ô đơn giản. Trong tình huống này, tôi chưa hề nhắc đến những chiếc ô, do đó để có thể nhận ra cái đã hình thành, chắc hẳn bạn phải tạo ra một hình ảnh. Hình ảnh này sau đó đóng vai trò manh mối để trí nhớ của bạn gọi ra những vật trông giống nó và bạn nhớ đến những chiếc ô.

Một khía cạnh quan trọng khác nữa của ví dụ này là hình ảnh tâm trí cho phép bạn nhớ một từ mô tả nó. Theo cách này, suy nghĩ về những hình ảnh có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ bạn dùng để mô tả một tình huống. Điều này cũng có thể là một phần vô giá của Tư duy thông minh.

Những hình ảnh khác với ngôn ngữ thế nào? Khá nhiều những nghiên cứu cho thấy, một số thứ có thể được mô tả dễ dàng bằng từ ngữ và các câu chữ, nhưng cũng có những thứ khác được mô tả tốt nhất dưới dạng hình ảnh. Thật dễ dàng để mô tả những vật thể và tính chất của chúng bằng ngôn từ. Chúng ta có một bảng từ vựng phong phú với danh từ và tính từ cho phép mô tả sự vật. Do đó, bạn có thể mô tả được một vật thể trên bàn như: Một chiếc cốc nhựa lớn màu vàng.

Mô tả đơn giản này cung cấp thông tin về kích thước, màu sắc và chất liệu của vật thể. Chúng ta cũng có những động từ cho phép mô tả những hành động liên quan đến người và vật thể. Chúng ta có thể mô tả một cảnh đơn giản bằng cách nói: Con chó liếm nước trong cái ca nhựa xanh.

Trong ví dụ này, chúng ta có được thông tin con cho uống nước từ cái ca cũng như cách con chó làm điều đó (liếm nước bằng lưỡi).

Có những thông tin khác khó truyền tải hiệu quả bằng ngôn ngữ. Thường rất khó để mô tả những quan hệ không gian cụ thể. Bạn có thể đứng bên ngoài tìm một quả bóng mà ai đó vừa ném. Một người bạn nhìn thấy quả bóng và cố chỉ cho bạn vị trí của nó. Anh này có thể nói: “Nó nằm bên trái bạn. Hơi nhích qua trái một tí nữa. Và cách bạn khoảng 10 feet. Nào, có thể xa hơn một chút, tôi đoán vậy. Tiếp tục đi. Về bên phải một chút xíu. Nhìn xuống.”

Bạn có hệ thống đo lường để mô tả chính xác những quan hệ không gian (như thước đo, góc độ và khoảng cách), nhưng bạn không mấy khi sử dụng chúng trong giao tiếp thông thường. Và thậm chí, nếu bạn sử dụng một thước đo chính xác đi nữa, người bạn đang nói chuyện cũng không thể tìm ra điểm chính xác đó nếu không có công cụ. Thay vào đó, bạn thường hướng dẫn người khác bằng cách lấy vị trí hiện tại của họ làm mốc và thông tin cho họ những quan hệ chung như bên trái, ở dưới hay xa hơn. Có một cách để mô tả không gian hiệu quả là bằng một phép loại suy, gợi đến một hình ảnh không gian quen thuộc mà người kia đã biết. Con người thường sử dụng mặt đồng hồ như một phép loại suy trực quan. Bạn có thể bảo bạn mình nhìn vào hướng hai giờ để tìm quả bóng.

Cũng vậy, như đã thảo luận ở Chương 4, bạn có ít từ vựng hơn để nói về quan hệ giữa các vật thể so với khi nói về bản thân những vật thể. Bạn có từ vựng cho những quan hệ cơ bản. Bạn có thể nói rằng một sự kiện gây ra một sự kiện khác. Bạn có thể nói về những quan hệ chung trong thời gian (sự kiện này xảy ra sau sự kiện kia) hay trong không gian (vật thể này ở đằng sau vật thể kia). Nhưng bảng từ vựng quan hệ này không mang tính diễn tả nhiều lắm.

Cuối cùng, bạn có thể không giỏi lắm khi nói về phương diện cảm giác của điều mà bạn tri nhận. Có lẽ khó để nói về mùi vị một cách cụ thể. Nếu đọc những đánh giá về rượu, bạn có thể thấy nhiều từ như mùi sồi, mùi hoa quả hay thoảng mùi đất được dùng để mô tả mùi vị của rượu. Nhưng thật khó để thống nhất về nghĩa của những từ ngữ này, ngay cả với các chuyên gia rượu, họ cũng phải mất hàng giờ đồng hồ để học cách phân biệt những mùi vị đó.

Tương tự như vậy, trong khi bạn có thể nói về những đặc điểm chung của âm thanh như cao độ (cao và thấp) và âm lượng (to hay nhỏ), thì cũng khó để đưa ra một mô tả cụ thể. Những nhạc sĩ có thể dùng những từ như sáng, tối, sắc, hay tròn để mô tả đặc tính âm thanh của các nhạc cụ khác nhau nhưng nghĩa của chúng cũng khá rộng. Biết những hạn chế của ngôn ngữ là điều quan trọng, vì khi gặp một vấn đề liên quan đến quan hệ không gian, quan hệ giữa các vật thể và những yếu tố mang tính cảm nhận khác thì bạn nên cân nhắc sử dụng những phương pháp khác ngoài ngôn ngữ để mô tả, giúp hình thành những manh mối cho ký ức.

Mô tả bằng biểu đồ

Trong điều kiện hạn chế ngôn ngữ, khi bị bế tắc trước một vấn đề, bạn có thể không sử dụng ngôn ngữ mà biểu đạt bằng cách sử dụng hình ảnh. Những biểu đồ và bản vẽ phác họa đặc biệt hữu ích trong việc mô tả và giúp hiểu các mặt của một vấn đề khi nó khó có thể mô tả bằng ngôn ngữ. Theo đó, nó thúc đẩy việc thu nhận Kiến thức chất lượng cao và tạo ra những manh mối tốt cho ký ức, từ đó cho phép bạn Ứng dụng kiến thức.

Khi mô tả một quá trình, việc vẽ ra một biểu đồ thể hiện thứ tự các bước thường rất hữu ích. Bạn có thể chỉ cần dùng từ ngữ để làm điều tương tự nhưng biểu đồ mang đến một cách minh họa sự lặp lại của các bước và những điểm lựa chọn theo một cách súc tích hơn so với từ ngữ.

Ví dụ, tôi có thể mô tả bằng từ ngữ tất cả các bước trong một trận đấu quần vợt giữa người giao bóng và người nhận bóng. Nguyên tắc cơ bản của một trận đấu quần vợt rất dễ để mô tả. Người chơi đầu tiên đạt bốn điểm và dẫn trước hai điểm sẽ là người thắng cuộc. Nhưng mô tả đơn giản này khuyết đi những bước mà người chơi phải đi qua để hoàn tất trò chơi.

Trò chơi bắt đầu bằng việc những người chơi đấu nhau để dành một điểm. Người thắng ghi được một điểm vào điểm số của mình. Nếu không người chơi nào có bốn hay nhiều hơn bốn điểm thì họ phải đấu thêm một điểm và đi qua cùng quá trình như vậy. Nếu một người chơi có bốn hay nhiều hơn bốn điểm và dẫn trước ít nhất hai điểm thì người chơi đó thắng cuộc.

Cũng quy trình này có thể được mô tả ở dạng biểu đồ như dưới đây:

Play point: Đấu giành điểm

Who won?: Ai thắng

Server: Người giao bóng

Receiver: Người nhận bóng

Add to server score: Điểm cho người giao bóng

Add to receiver score: Điểm cho người nhận bóng

Does a player have at least 4 points?: Có người chơi nào có ít nhất 4 điểm không?

Is one player ahead by 2 points?: Có người chơi nào dẫn trước 2 điểm không?

Who is ahead?: Ai dẫn trước

Server wins: Người giao bóng thắng cuộc

Receiver wins: Người nhận bóng thắng cuộc

Những biểu đồ như thế này đặc biệt hiệu quả trong việc trình bày thứ tự các bước trong một quy trình. Khi một quy trình đòi hỏi những nhóm các bước khác nhau phụ thuộc vào điều kiện nào đó (như bao nhiêu điểm được ghi), thì sẽ dễ để nhìn thấy các bước cần thực hiện. Ngoài ra, khi một quy trình lặp lại những bước trước đó, bạn cũng sẽ dễ dàng để đi theo chuỗi các bước. Theo cách này, nhữ ng biểu đồ cung cấp một phương pháp mô tả tuyệt vời để lần theo một quy trình phức tạp, từ đó có thể giúp bạn suy nghĩ về tình huống theo một cách khác.

Những biểu đồ cũng có thể hữu ích với kiến thức nhân quả. Mô tả các bước của một quy trình bằng biểu đồ giúp làm sáng tỏ những lỗ hổng trong kiến thức của bạn. Bước nào còn thiếu trong mô tả sẽ hiển hiện ngay trên biểu đồ. Thêm vào đó, liên kết giữa hộp này với hộp kia trong biểu đồ thường thể hiện quan hệ nhân quả giữa bước này và bước kia của quy trình. Thậm chí, biểu đồ đơn giản của một trận đấu quần vợt cũng chỉ ra rõ ràng rằng tổng điểm của một người chơi tăng vì người chơi đó giành chiến thắng trong một đường bóng qua lại.

Một khi đã phát triển một biểu đồ cho vấn đề bạn đang cố giải quyết, biểu đồ đó có thể ảnh hưởng đến cái mà bạn gọi ra từ ký ức. Những biểu đồ quy trình hoàn chỉnh hơn việc mô tả bằng ngôn ngữ. Chúng nhìn chung cũng trừu tượng hơn vì không chứa đựng những thông tin tham khảo về các vật thể. Kết quả là, chúng có thể hỗ trợ khá hữu ích trong việc gọi ra những tình huống tương tự. SỨC MẠNH CỦA PHÁC HỌA

Các bản phác họa cũng có giá trị đối với Tư duy thông minh. Vì những quan hệ không gian thường khó mô tả, nên việc vẽ bức tranh về giải pháp vấn đề có thể hữu ích. Phác họa cũng có thể đặc biệt hữu ích khi thiết kế một vật thể mới nào đó. Bạn có thể lo lắng về việc thử sử dụng những phác hoạ nếu chưa bao giờ tham dự một lớp học vẽ nào và lo lắng về khả năng nghệ thuật của mình. Dù vậy, một phần sức mạnh của các bản phác họa nằm ở sự khó khăn trong việc thể hiện một giải pháp hoàn chỉnh với mức độ chính xác cao.

Trong những nghiên cứu tôi thực hiện cùng các đồng nghiệp là kỹ sư cơ khí Kris Wood và Julie Linsey, chúng tôi khám phá ra vai trò của các bản phác họa trong giải quyết vấn đề theo cách kết hợp. Những người tham gia nghiên cứu này là những sinh viên ngành kỹ sư cơ khí. Họ được yêu cầu thiết kế một thiết bị bóc vỏ đậu phộng có thể sử dụng ở những nước thuộc thế giới thứ ba. Để thiết kế mang tính thực tiễn, nó không được sử dụng điện.

Những nhóm đạt hiệu quả nhất trong thí nghiệm này là nhóm truyền tải ý tưởng bằng cách sử dụng một tổ hợp gồm từ ngữ và bản phác họa. Bản phác họa cho phép chúng ta trình bày quan hệ giữa các bộ phận của vật thể, trong khi từ ngữ rất có ích cho việc mô tả những chức năng khó thể hiện được bằng hình vẽ. Ví dụ, một nhóm muốn ngâm đậu phộng trước để làm mềm vỏ. Để vẽ một bồn chứa nước thì dễ nhưng khó mà diễn đạt được rằng những hạt đậu phải được ngâm trong nước một lúc mà không sử dụng từ ngữ.

Một đặc tính đáng ngạc nhiên của bản phác họa là nó có thể dẫn đến những gợi nhớ không đoán trước được. Trong một nhóm, một người muốn có một thiết bị sử dụng năng lượng gió và do đó cô ấy vẽ ra một cánh quạt. Dù bản phác họa khá thô sơ nhưng nó nhắc một thành viên khác nhớ đến một tuốc bin nước. Do đó, anh này bổ sung bản phác họa ban đầu bằng cách vẽ một dòng nước chảy qua cánh quạt/ tuốc bin. Kết quả ngoài mong đợi này có thể sẽ không xuất hiện nếu sử dụng từ cánh quạt để mô tả. Việc vẽ phác họa có thể làm manh mối cho ký ức, thế nên một ý tưởng độc đáo và nằm ngoài mong đợi đã được thêm vào thiết kế.

Cuối cùng, các bản phác họa hữu ích ở những giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vấn đề vì chúng không bao gồm nhiều chi tiết cụ thể có thể có trong một nguyên bản hay một mô hình. Những công nghệ mới phát triển cho phép tạo ra những nguyên mẫu nhanh chóng, theo đó một ý tưởng có thể được chuyển ngay thành một hình ảnh vật thể ba chiều. Các nhà tâm lý học Chris Schunn và Bo Christensen đã nghiên cứu những nhà thiết kế làm việc trên các thiết bị y tế. Họ nhận ra rằng, các nhóm tạo ra những bản mẫu quá nhanh sẽ trở nên phụ thuộc vào những chi tiết cụ thể của bản mẫu hơn là tập trung rộng hơn vào vấn đề đang giải quyết. Kết quả là, họ dồn phần nỗ lực còn lại vào việc sửa lỗi trên bản mẫu hơn là bảo đảm việc tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Các nhóm làm việc với các bản phác họa và những bản vẽ sơ bộ chứ không phải những bản mẫu có thể tìm ra nhiều giải pháp khả dĩ cho vấn đề thiết kế của mình.

SỬ DỤNG CỬ CHỈ

Việc biểu đạt các mối quan hệ cũng có thể được hỗ trợ bằng cách sử dụng ngôn ngữ cử chỉ. Nếu quan sát cử chỉ mà người khác thực hiện khi nói, bạn sẽ thấy những cách sử dụng cánh tay và bàn tay khác nhau. Vài cử chỉ chỉ đơn thuần là nhịp điệu. Chúng giữ nhịp thời gian khớp với nhịp điệu bài phát biểu của người đó. Vài cử chỉ rõ ràng hướng đến mục đích giao tiếp. Một người nói: “Nhìn bên kia kìa” và chỉ tay tức là đang sử dụng loại cử chỉ mang tính giao tiếp này.

Rất nhiều cử chỉ giúp con người tìm ra cách nói điều họ muốn như một hoạt động truyền tải thông tin đến người nghe. Những cử chỉ này đặc biệt có ích khi giúp bạn mô tả mối quan hệ giữa các thành phần của một quy trình có thể khó mô tả chỉ bằng từ ngữ. Nếu muốn diễn tả một quy trình trong đó hai thành phần kết hợp lại với nhau, bạn có thể đặt hai tay ở xa nhau rồi di chuyển gần nhau. Khi nói về tốc độ và hướng di chuyển của vật gì đó, bạn thường thực hiện những cử chỉ với một tốc độ và hướng tương tự. Thậm chí, nếu người đối thoại không nhìn vào bạn (như khi bạn đang nói chuyện trên điện thoại), bạn vẫn có thể thực hiện những cử chỉ này vì chúng giúp bạn suy nghĩ về những tương quan.

Trẻ con cũng sử dụng những cử chỉ này để học những khái niệm mới. Chúng thường thực hiện những cử chỉ tương ứng với các quan hệ đang học trước khi có thể mô tả bằng từ ngữ. Khi học tính cộng, trẻ con sẽ nhìn vào những công thức trên một trang giấy, sẽ chỉ vào mỗi con số bằng một tay và di chuyển hai tay lại gần nhau. Sau khi bắt đầu thực hiện những cử chỉ này, trẻ con nhanh chóng học cách cộng các con số một cách chính xác.

Những cử chỉ dường như mang đến cho trẻ con một cách diễn đạt mang tính thể chất về những quan hệ trừu tượng mà chúng đang học. Những cử chỉ này cho phép chúng thấy được những đặc tính của các mối quan hệ.

Kỹ thuật đó cũng có thể giúp bạn khi bạn rơi vào tình trạng bế tắc trong lúc đang giải quyết vấn đề. Những mô tả tốt nhất nhằm gọi ra những tình huống tương tự là những mô tả tập trung vào quan hệ giữa các vật thể trong vấn đề. Nếu vẫn đang cố gắng giải đáp những quan hệ này thì các cử chỉ mang đến một cách khiến cho kiến thức đang mông lung của bạn về vấn đề trở nên cụ thể hơn. Do đó, bạn nên tái mô tả vấn đề bằng cách thực hiện các cử chỉ, điều đó sẽ giúp bạn tìm ra những tương quan có thể cung cấp nền tảng cho việc gọi ra kiến thức từ tâm trí.

Kiến thức chìa khóa

Nghe có vẻ ngược đời, song hoạt động gọi ra ký ức không tốn sức. Nếu nỗ lực gọi ra và sử dụng kiến thức khiến bạn toát mồ hôi thì hẳn bạn đang làm sai gì đó rồi. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc gọi ra kiến thức, đó là lúc bạn nên rời xa vấn đề trong chốc lát.

Ký ức của bạn không phát triển để hỗ trợ những hồi tưởng chính xác về cuộc đời bạn. Thay vào đó, nó phát triển để mang đến cho bạn những thông tin cần thiết khi bạn cần.

Những thông tin mới được kết nối với bối cảnh học. Việc sử dụng kiến thức một cách hiệu quả đòi hỏi thu nạp những Kiến thức chất lượng cao vào bộ nhớ, sau đó hồi tưởng một bối cảnh tương tự như bối cảnh ban đầu mà kiến thức được tạo ra.

Khả năng giải quyết vấn đề phụ thuộc vào chất lượng kiến thức, vì thế bạn phải tối ưu hoá giá trị thông tin được lưu trữ trong trí nhớ. Học tập hiệu quả đòi hỏi bạn xử lý sâu, tự lý giải và chủ động trong việc theo đuổi kiến thức. Học tập hiệu quả là một cuộc chạy đường dài chứ không phải cuộc đua nước rút.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề là nhận ra rằng, khi bế tắc là lúc bạn không thể gọi ra từ tâm trí những kiến thức có thể giúp giải quyết vấn đề. Khi đó, bạn cần thay đổi cách mô tả về vấn đề để tạo ra những manh mối cho ký ức, từ đó mang đến những kiến thức mới cho tâm trí. Hãy sử dụng sức mạnh của các ngạn ngữ, những câu chuyện và thậm chí những truyện cười để nắm bắt bản chất cấu trúc các tương quan của vấn đề. Hãy sử dụng hình ảnh, biểu đồ hay các cử chỉ, nhất là khi vấn đề liên quan đến những quan hệ không gian hay nhân quả. Mỗi mô tả này cung cấp một manh mối khác nhau cho trí nhớ, từ đó có thể giúp gọi ra những dữ liệu hữu ích để giải quyết vấn đề.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.