Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”
6. Quan điểm chính trị về lợi nhuận
Bước vào những năm 80, với vị thế sẵn có là một trong những thương nhân xuất sắc nhất Hồng Kông, địa vị của Lý Gia Thành càng được nâng cao nhờ sở hữu Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố. Và cuối năm 1979, Lý Gia Thành đã tăng thêm 30% vốn đầu tư vào công ty này so với nguồn vốn ban đầu là 22,4%.
Thập niên 80 là giai đoạn bị chi phối bởi những trường phái duy tiền tệ, chính sách tư hữu hóa, giai đoạn trái khoán bấp bênh, tiếp quản công ty và những chính sách tự do cạnh tranh kinh doanh ở các nước phương Tây dưới thời Margaret Thatcher và Ronald Reagan. Việc Hồng Kông là một thành phố tự trị theo chủ nghĩa tư bản thuần túy kể từ khi thành lập vào năm 1842 dường như là một chú ý đối với những chính sách tài chính của chủ nghĩa bảo thủ. Bước đi nhằm mở rộng đế chế kinh tế toàn cầu còn non trẻ của Lý Gia Thành dường như cũng phù hợp với những xu hướng tiền tệ đang thịnh hành là chuyển nguồn tiền vào London và Washington. Ý tưởng về một nền kinh tế toàn cầu của ông trùng khớp với những quan điểm của Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ. Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là một hệ thống các doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh, do đó, đây là giai đoạn đầy hứa hẹn cho mọi doanh nhân có thể quay vòng lợi nhuận. Vào khoảng năm 1979, ngay cả Bắc Kinh dưới chế độ cải cách của Đặng Tiểu Bình cũng hướng quần chúng nhân dân tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn thông qua chủ nghĩa tư bản nhưng dưới hình thức của chủ nghĩa xã hội.
Song song với áp lực đổi mới chủ nghĩa tư bản do Đảng Bảo thủ ở Anh và Đảng Cộng hòa của Mỹ đề xuất thì Hồng Kông ngày càng phát triển lớn mạnh. Trong khi vào năm 1947, thu nhập bình quân đầu người ở thuộc địa này mới chỉ có 1.250 đô-la Hồng Kông (khoảng 243 đô-la Mỹ) thì đến năm 1981, con số này đã tăng lên rất nhanh, gấp 23 lần, đạt mức 32.080 đô-la Hồng Kông tương ứng với khoảng 5.638 đô-la Mỹ. Bước nhảy vọt đáng kể này đã đưa Hồng Kông lên hàng thứ ba trên thị trường châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Singapore. Mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn 1947-1948 luôn đạt con số ấn tượng: 8,68%. Giai đoạn 1976-1981, nền kinh tế thậm chí còn phát triển tới mức kinh ngạc với mức tăng trưởng đạt 11,9%.
Nắm trong tay Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố và Tập đoàn Trường Giang Thực Nghiệp, Lý Gia Thành cũng như bao thương nhân Hồng Kông khác, luôn sẵn sàng để chèo lái những con sóng có lợi cho sự mở rộng thị trường Hồng Kông. Năm 1980, Trường Giang đã làm ăn phát đạt đến mức đáng kinh ngạc với nguồn lợi nhuận lên tới 701,3 triệu đô-la Hồng Kông, tăng 176% so với năm trước. Phần lớn nguồn lợi nhuận này đóng góp nguồn vốn ban đầu cho Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố và Công ty Xi măng Green Island.
Tuy nhiên, theo như Lý Gia Thành lập luận thì những nguồn lợi nhuận này tất yếu sẽ giảm xuống do lãi suất ở Hồng Kông tăng và do sự kiểm soát của chính phủ về lợi tức cho thuê tiếp tục kìm hãm doanh thu bất động sản của công ty. Mặc dù vậy, trong bài phát biểu thường niên của ông trước các cổ đông của công ty, Lý Gia Thành vẫn giữ vững một quan điểm tích cực: “Thị trường bất động sản sẽ giảm sút nhưng không đáng kể, thời kỳ này sẽ đi qua với sự giảm lãi suất và sự tăng lên về thương mại. Do vậy, tôi vẫn lạc quan về tương lai của thị trường bất động sản Hồng Kông.”
Cuối cùng thị trường này vẫn có một sự giảm sút. Dù lạc quan hay không thì Lý Gia Thành, với tài sản tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến thị trường phát triển bất động sản mang tính chất quay vòng, vẫn sẽ phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 1982. Chỉ trong một thời gian ngắn, lợi nhuận từ các vụ đầu tư của Lý Gia Thành trong năm 1982 đã giảm rất nhanh so với năm trước – 62% tương ứng với 525,6 triệu đô-la Hồng Kông. Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này xuất phát từ 98 triệu đô-la Hồng Kông bất động sản bị tụt giá. Cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu thì sự thiếu hụt nguồn tiền đầu tư vào thị trường, lợi tức cho thuê thấp, những tòa nhà văn phòng không ai thuê và sự phát triển chậm chạp của ngành xây dựng càng thắt chặt thêm áp lực lên Lý Gia Thành. Đặc biệt, đối với Công ty Xi măng Green Island của ông thì giai đoạn suy thoái của ngành xây dựng đồng nghĩa với sự mất ổn định của nguồn lợi nhuận khổng lồ. Do thời tiết không ổn định và do xi măng Nhật Bản tràn ngập vào thị trường Hồng Kông, lợi nhuận của công ty này đã tụt xuống rất nhanh, chỉ còn 65%.
Rõ ràng sự suy thoái kinh tế năm 1982 là quãng thời gian khó khăn đối với nhiều thương gia Hồng Kông. Tuy nhiên, việc lợi nhuận khi lên rất cao và khi xuống vô cùng thấp không phải là điều gì mới mẻ đối với những thương nhân vốn đã quen với nền kinh tế tư bản thuộc địa đầy biến động, luôn thay đổi bất thường. Và như một tất yếu, điều đó đã tác động rất lớn tới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Quả thực, bất kỳ một thương gia nào đều biết rõ rằng mình sẽ phải vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế nhưng quan trọng hơn, họ còn phải đối mặt với nghị quyết chính trị quyết định đến tương lai của Hồng Kông trong lãnh thổ Trung Quốc. Việc Lý Gia Thành tiếp tục đầu tư và làm ăn phát đạt trong một thị trường bất ổn định sẽ chứng minh niềm tin vững chắc của ông vào Trung Quốc. Đồng thời, việc ông đầu tư nhiều vốn vào Trung Quốc sẽ chứng minh vị trí đặc quyền của mình trong các vòng tròn quyền lực của Hồng Kông và mẫu quốc. Quả thực, cho tới thời điểm vụ Thiên An Môn vào tháng 7 năm 1989 thì thập niên 80 vẫn và cũng giống như bất kỳ thập niên nào, đều thuận lợi đối với Lý Gia Thành.
Vào tháng 2 năm 1982, Bắc Kinh đã sẵn sàng đề cập vấn đề Hồng Kông. Họ đã chuẩn bị xem xét các ý kiến về những lựa chọn đang được bàn luận. Các lựa chọn luôn là những vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như đề xuất xem xét việc quản lý bán đảo Tân Giới giống đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, một thành phố đang phát triển rất nhanh ở miền nam Trung Quốc. Cũng vào thời điểm đó, một làn sóng phản đối mạnh mẽ quét qua thị trường chứng khoán Hồng Kông. Nhưng Bắc Kinh cũng nhanh chóng bỏ qua chuyện này. Ba tháng sau, Bắc Kinh quay trở lại với lời đề nghị mới, một đề xuất rõ ràng là dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thì đề xuất này sau đó sẽ trở thành một ràng buộc với việc thu hồi Hồng Kông và Macao. Theo như kế hoạch, Bắc Kinh sẽ thiết lập một đặc khu hành chính với “mức độ tự trị cao”, mà ở đó hệ thống doanh nghiệp tự do kinh doanh sẽ vẫn được duy trì. Hơn nữa, tất cả các quyền tự do công dân của người dân Hồng Kông vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này, trong đó có cả ý kiến của Lý Gia Thành. Là một “đồng minh” cao giá và là cánh tay đầu tư nước ngoài của các ông chủ Bắc Kinh, Lý Gia Thành giữ một vị trí quyền lực đặc biệt trong số các doanh nhân Hồng Kông. Lời nói của ông có thể gây ảnh hưởng lớn tới xu thế ủng hộ hay phản đối những chính sách của Trung Quốc. Và vì vậy, vào ngày 23 tháng 5 năm 1982, Lý Gia Thành cùng một doanh nhân có thế lực khác là Henry Fok đã có một buổi gặp mặt với bộ đôi – Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, hai người nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc trên thực tế, để thảo luận về tương lai của thuộc địa này.
Cuộc gặp thượng đỉnh thu nhỏ vào cuối tháng 5 giữa Lý, Fok, Đặng và Triệu không tạo ra bất kỳ bất ngờ về mặt chính trị nào. Triệu Tử Dương đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách mở cửa. Rõ ràng là các thương nhân giàu có nhất mà Bắc Kinh có thể cân nhắc tới có vai trò sống còn đối với Bắc Kinh. Xét cho cùng, nếu thị trường cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc thì các chi nhánh sẽ rơi vào cảnh đen tối. Như vậy, Trung Quốc cần có Lý Gia Thành. Lập trường của Lý về tình cảnh này ngay lập tức trở thành lời kêu gọi ý thức và sự đồng cảm của người Trung Quốc. Như ông sau đó đã khẳng định: “Bất cứ một đất nước nào chấp nhận người dân Hồng Kông sẽ không phải chịu thiệt thòi nào cả. Họ là cả một tài sản lớn. Sáu triệu người dân Hồng Kông có thể vẫn sống ở đây và tận hưởng cuộc sống trong khi vẫn tiếp tục xây dựng Trung Quốc. Nền kinh tế của chúng ta đã chứng minh cho thế giới thấy chúng ta thuộc dân tộc nào. Chúng ta đã sống ở đây bao nhiêu năm nay, để gây dựng được một công việc kinh doanh và một ngôi nhà ở Hồng Kông không phải là điều dễ dàng. Nếu thật sự vào phút cuối không còn có lựa chọn nào khác thì chúng ta có thể phải đi. Vậy thì người Hồng Kông sẽ đi đâu? Không có nhiều hơn 10% đi Anh bởi vì nước Anh quá bảo thủ. Rất nhiều người sẽ đi Canada, Australia, Mỹ và thậm chí là Singapore.”
Nhưng nếu có bất cứ sự nghi ngờ nào về việc liệu lòng trung thành của Lý sẽ đặt vào đâu thì những thỏa thuận kinh doanh mà ông đã thực hiện với Trung Quốc trong những năm gần đây cũng như dự định trước mắt sẽ chứng minh Lý Gia Thành luôn trung thành với đất nước Trung Quốc và với các hiệp định cho phép Hồng Kông và Trung Quốc cùng tồn tại trong một mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên về kinh tế và văn hóa.
Gần như ngay sau khi Lý Gia Thành được bổ nhiệm vào CITIC của Bắc Kinh thì Tập đoàn Trường Giang đã đề xướng các dự án liên doanh lớn với các công ty nước ngoài lâu nay vẫn khát khao nguồn khách hàng dự trữ khổng lồ của Trung Quốc. Vào năm 1979, Lý Gia Thành đã hợp tác với Công ty Xi măng Kaiser của Fontana, California và Tập đoàn Đầu tư Kiu Yip, Trung Quốc để thành lập Công ty Xi măng Trung Quốc và xây dựng một nhà máy tại Hồng Kông trị giá 200 triệu đô-la Mỹ. Kaiser đóng góp 40% vốn, Kiu Yip 20% và Lý Gia Thành là 40%, trong đó số vốn Lý đóng góp chia đều cho Trường Giang, các công ty con của nó và Công ty Xi măng Green Island. Thương vụ này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc vì nó có mục đích khẳng định Ngân hàng Trung Quốc có vai trò là chủ nợ chủ chốt trong nền tài chính toàn cầu. Là một trong mười hai ngân hàng có tham gia vào thương vụ này nên Ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ rủi ro lên tới 10%, tuy nhiên, đây vẫn là bước chủ chốt trong việc giành được tính hợp pháp và sự tín nhiệm giữa các ngân hàng trên thế giới, trong đó có các đồng minh của nó, ví dụ như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chase Manhattan Asia, Ngân hàng Hồng Kông, Ngân hàng Á-Mỹ, Ngân hàng Chartered, Ngân hàng Citibank và Ngân hàng Thương mại độc quyền Canada – nơi mà Lý Gia thành sở hữu dưới 10% vốn đóng góp.
Mặc dù Nhà máy Xi măng Trung Quốc thua lỗ ngay trong năm hoạt động đầu tiên (1983) nhưng Tập đoàn Đầu tư Kiu Yip vẫn muốn nhà máy này sẽ trở thành phương tiện dẫn tới các vụ làm ăn trong tương lai với các ông trùm lớn ở Hồng Kông và các nước phương Tây. Số tiền thua lỗ trong suốt những năm đầu là thuế từ kho bạc của nhân dân. Và mặc dù dự án này khá tốn kém nhưng nó sẽ chứng minh những giá trị kinh nghiệm thu được từ việc kinh doanh với những doanh nhân chủ chốt.
Trong khi đó, Lý Gia Thành vẫn không lùi bước trước những thử thách của việc kinh doanh trong môi trường mới, vẫn tiếp tục tiến hành hết giao dịch này đến giao dịch khác với Trung Quốc. Vào năm 1979, ông hợp tác với Công ty Đầu tư Kiu Kwong của Trung Quốc để thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Nghi Phan. Mục đích của công ty này là xây dựng các tòa nhà 30 tầng ở Hồng Kông, mỗi công trình trị giá khoảng 60 triệu đô-la Mỹ. Năm sau, Tập đoàn Trường Giang của Lý Gia Thành tham gia côngxoocxiom với các đối tác cơ bản của Hồng Kông như Công ty Hopewell Holdings, Công ty New World Development, Công ty Sung Hung Kai Properities, Công ty Sun Hung Kai Securities và Wing Tai Development, nhằm gia tăng số vốn 60 triệu đô-la Mỹ nói trên để xây dựng một khách sạn 1.200 phòng tại thành phố Quảng Châu. Và ngay khi các ông chủ ở Bắc Kinh hy vọng vào năm 1979, khi mà họ “xức dầu thánh” cho Lý để biến ông trở thành một người giao liên tin cậy với thế giới tư bản thì Lý còn mang theo mình cả một hệ thống ngân hàng. Những ngân hàng có liên quan tới thương vụ xây dựng khách sạn Quảng Châu này bao gồm Ngân hàng thương mại độc quyền Canada, Ngân hàng Á-Mỹ, Paribas Asian, Banque de Paris & dé Pays-Bas, CCIC Finance, và ngân hàng thương mại cuối cùng tham gia vào dự án này thuộc sở hữu một phần bởi China Resources (đại lý buôn bán xuất nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc tại Hồng Kông), Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Chicago và Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản.
Tuy lúc này Lý Gia Thành đang tiến hành một dự án liên doanh khác với Công ty California và một giao dịch vận tải với hãng máy bay quân sự Lockheed nhưng Lý và các đối tác vẫn hoàn thành việc xây dựng một khu bảo dưỡng các phương tiện hàng không ở Thượng Hải để sửa chữa và tân trang các loại máy bay hỏng của Trung Quốc, sau đó là toàn bộ châu Á. Dự án này đã thể hiện quan điểm lạc quan của Lý về tiềm lực kinh tế của Trung Quốc. Ông cho rằng một tỷ lệ khá lớn người dân Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, những người có nhiều khả năng sử dụng các phương tiện hàng không, những phương tiện mà sẽ có lúc cần sửa chữa và bảo dưỡng.
Sự lạc quan của Lý, nếu không dựa trên những đánh giá cá nhân của người trong cuộc về kế hoạch của Đặng Tiểu Bình thì cũng dựa trên niềm tin thật sự rằng sớm hay muộn thì những cải cách của Đặng Tiểu Bình cũng sẽ trở thành hiện thực.
Khủng hoảng tài chính 1982 – 1983 gây ảnh hưởng đối với mọi người dân Hồng Kông, cả với Lý Gia Thành. Trải qua những tổn thất về lợi nhuận năm 1982, Trường Giang hiện lại tiếp tục phải trải qua giai đoạn suy yếu: giảm thêm 23% lợi nhuận vào năm 1983, tương đương 408,8 triệu đô la Hồng Kông. Sự bùng nổ tăng trưởng của giá bất động sản và lợi tức cho thuê của giai đoạn cuối thập niên 70 đã đột ngột dừng lại. Lãi suất cao cộng với tình trạng chính trị không ổn định đã cắt bớt các khoản đầu tư vào bất động sản. Mạo hiểm đầu tư vào một thị trường bất động sản để rồi chỉ thu được lãi suất quá ít có vẻ như là một ý nghĩ vô cùng rồ dại. Đề cập đến tình trạng bất động sản hạ giá nhanh, Lý đã nói với các cổ đông: “Giá bất động sản sụt giảm và sự lưỡng lự của một số nhà đầu tư cùng với sức mua yếu đã đẩy thị trường vào một tình thế vô cùng trì trệ mà từ đó khó có thể phục hồi được trong thời gian ngắn.”
Đối với cộng đồng kinh doanh, thời điểm này có lẽ không tồi tệ hơn để có thể khiến cho ông vua bất động sản hàng đầu Hồng Kông bị cản trở. Với sự kiện sẽ diễn ra vào năm 1997 và sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận về thương mại ở thuộc địa, càng có nhiều thương gia mang cảm giác lo ngại rằng sự sụp đổ treo lơ lửng trên đầu họ, coi sự sụp đổ của Lý Gia Thành như là một viễn cảnh đe dọa tại một thành phố tự trị đã từng rất thịnh vượng. Nếu như thị trường không ủng hộ cho Lý thì họ cũng chẳng có cơ sở nào để hy vọng. Ngành kinh doanh của Hồng Kông đang ở trong tình trạng rối loạn, và Lý đơn giản chỉ nhận xét theo những gì ông nghĩ. Một tờ báo đã đánh giá: “Không phải bất cứ một thương nhân nào mà lời nói và hành động lại có tầm ảnh hưởng như Lý Gia Thành”, “Ông là người trung thực với các cổ đông, khách hàng và với tất cả những người cộng tác với mình. Bất cứ khi nào ông nói thì lòng trung thực của ông cũng được chứng minh bằng những hành động. Sức quyến rũ của ông, sự xuất sắc của ông chính là lòng trung thực.”
Mặc dù lúc này khủng hoảng tài chính đang xảy ra nhưng Lý vẫn giữ tiền trong tài khoản của các ngân hàng và đợi cho đến khi thị trường hồi phục. Cuối những năm 1980, trong khi thị trường vẫn nóng, Lý đã từ chối mua một số lô đất có khả năng sinh lợi vì ông lý giải rằng họ đặt giá quá cao. Thay vào đó, ông đầu tư tiền vào các hãng sở hữu những mảnh đất lớn bị đánh giá thấp và kém phát triển so với tiềm năng của chúng mà ông có thể lợi dụng một khi thị trường hồi phục. Tuy nhiên, chiến lược khôn ngoan của ông lại đi sau những cuộc đàm phán đang lâm vào tình trạng bế tắc của Đặng Tiểu Bình năm 1982. E ngại rằng sẽ không có giải pháp nào cho tình trạng bế tắc chính trị, rất nhiều chủ đất đã chọn biện pháp trốn khỏi thuộc địa và bán tống bán tháo bất động sản. Lý luôn sẵn lòng làm nhẹ bớt gánh nặng tài sản cho họ.
Có thể chính khả năng trực giác sắc sảo đã mách bảo Lý rằng tình trạng bế tắc này rồi sẽ có lối thoát hoặc cũng có thể là triển vọng của người trong cuộc trong tiến trình chính trị. Vào ngày 26 tháng 9 năm 1984, Trung Quốc và Hồng Kông đã đệ trình Hiệp ước dự thảo giữa Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh, Bắc Ailen và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tương lai của Hồng Kông. Tuyên bố chung chỉ rõ:
Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã xem xét với sự toại nguyện mối quan hệ hữu nghị đã tồn tại giữa chính phủ và nhân dân hai nước trong những năm gần đây và đã thống nhất rằng giải pháp phù hợp đã được thương lượng cho câu hỏi về Hồng Kông, một câu hỏi đã bị lãng quên từ quá khứ, rất có lợi cho việc duy trì sự ổn định và thịnh vượng cho Hồng Kông cũng như tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia dựa trên nền tảng mới. Cuối cùng, sau nhiều cuộc hội đàm giữa các phái đoàn của hai chính phủ, hai bên đã thống nhất tuyên bố như sau:
Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố việc thu hồi khu vực Hồng Kông (bao gồm đảo Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới) là nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Hoa và việc thu hồi chủ quyền của Trung Quốc đối với Hồng Kông sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1997.
Chính phủ Vương quốc Anh tuyên bố sẽ hoàn trả Hồng Kông lại cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 7 năm 1997.
Tập đoàn Trường Giang và Hòa Ký Hoàng Phố gần như không có bất kỳ một phản ứng nào. Với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với Bắc Kinh, Lý Gia Thành có thể đã biết trước phạm vi ảnh hưởng của tuyên bố này. Tuy nhiên, dù cho bất cứ điều gì có thể trở thành một giải pháp được hy vọng cho xung đột chính trị thì năm 1984 vẫn không thể trở thành năm kỷ lục của Lý Gia Thành. Trường Giang đương đầu với tình trạng giảm sút lợi nhuận vào cuối năm, giảm 47% tương đương với 213,5 triệu đô-la Hồng Kông. Sau đó, lại có một vấn đề về vụ bê bối kinh doanh nhỏ mà trong đó Lý và Chính phủ Trung Quốc đều tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn.
Thật sự, trong tất cả các giao dịch mà Lý tiến hành với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì có một vụ nổi lên như là một vết nhơ mà Lý không thể xóa. Vụ bê bối này có sự tham gia của Vương Quang Anh, em vợ của Lưu Thiếu Kỳ quá cố, người đã từng giữ các vị trí quyền lực quan trọng ở Bắc Kinh và cũng chính là người đã viết cuốn How to be a Good Communist (Làm thế nào để trở thành một người Cộng sản tốt). Vào tháng 1 năm 1984, Vương đã đặt vấn đề với Lý về một vụ giao dịch bất động sản. Ông muốn mua 8 dãy nhà với tổng cộng 1.100 căn hộ chưa xây dựng xong ở City Gardens, khu đất mà một trong các công ty của Lý đang sở hữu, Công ty International City Holdings. Lý đã đồng ý bán với số tiền là 940 triệu đô-la Hồng Kông, nhưng ông cũng lo ngại sự mạo hiểm này sẽ trở thành điều bất lợi cho Vương và do đó cho cả Trung Quốc. Hơn nữa, Lý không muốn mọi người suy đoán rằng ông đang lợi dụng một kẻ mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản từ một đất nước vốn quen với các cuộc cải cách văn hóa hơn là các vụ giao dịch với tư bản. Vì vậy, để khuyến khích Vương, Lý đã quyết định đưa ra cho Công ty Công nghiệp Ever Bright của Vương một điều khoản giải thoát trong vòng sáu tháng. Điều khoản này là thứ mà Vương đã cầu khẩn gần hai ngày và chính nó đã mở ra lối thoát dễ dàng cho tên “Tư bản Cộng sản” này lẩn trốn khỏi thỏa thuận mà không tốn một đồng nào. Theo quan điểm nhìn nhận của Vương thì vụ làm ăn với ông vua bất động sản lừng lẫy sẽ giúp ông bước vào thế giới của các nguồn đầu tư khổng lồ và nâng cao vị thế trong giới các ông chủ ở Bắc Kinh.
Rất nhiều người cho rằng vụ giao dịch của Vương và Lý là một sự nâng đỡ lớn đối với thị trường bất động sản và cổ phiếu đang xuống dốc. Việc này đưa ra những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã dần đi lên. Quả thực, những gì có lợi cho Lý Gia Thành có vẻ như cũng có lợi cho Hồng Kông. Nếu Lý Gia Thành có thể thực hiện được giao dịch này thì sau đó Hồng Kông cũng có thể làm được như vậy. Vương Quang Anh đã khoe khoang rằng ông thực hiện vụ làm ăn này nhằm mục đích cho Hồng Kông thấy Trung Quốc rất quan tâm đến tương lai của thuộc địa này. Vương còn nói rằng đó là cách mà ông trao cho thuộc địa này sự tin cậy khi các cuộc thương lượng giữa Trung Quốc và Anh vẫn đang tiếp tục.
Kết quả chính xác của vụ làm ăn này là cổ phiếu của Công ty International City Holdings tăng giá vùn vụt và thú vị thay, nguồn lợi nhuận khổng lồ mà một trong những công ty con của Tập đoàn Trường Giang kiếm được nhờ tận dụng việc đầu cơ giá lên của International City Holdings cũng tăng giá rất nhanh. Công ty này đã bán 55.634 nghìn cổ phiếu với tổng số tiền lên tới 39 triệu đô-la Hồng Kông từ ngày 16 tháng 1 năm 1984 đến ngày 1 tháng 3 năm 1984.
Vụ giao dịch này có vẻ rất béo bở đối với những ai tham gia nhưng vào khoảng đầu mùa hè, thần kinh của Vương Quang Anh bắt đầu co rúm lại. Trong khi Vương hy vọng sẽ kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn tại thị trường bất động sản thì ông lại không nhận thức được sức ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Không có bất cứ một hợp đồng chung nào với Lý có thể đẩy thị trường đi lên. Ngay cả “Mr. Money” cũng không thể thúc đẩy được nền kinh tế lờ đờ này. Vương sợ rằng có thể mất tới 25,6 triệu đô-la Hồng Kông trong vụ làm ăn này. Trong khi đó, tại Bắc Kinh, các cấp trên của ông đang bực mình. Ngay từ khi bắt đầu, họ đã cảm thấy vụ làm ăn này không mang lại lợi nhuận ngay cả khi người bán là Lý Gia Thành. Họ cho rằng Vương nên sử dụng tới điều khoản giải thoát.
Và vì vậy, ngày 26 tháng 6 năm 1984, Vương chính thức rút số tiền đặt cọc kèm theo lãi suất ra khỏi công ty của Lý. Ngay lập tức, một thị trường vốn dễ bị ảnh hưởng như thị trường cổ phiếu Hồng Kông lại một lần nữa xuống dốc. Việc Vương Quang Anh rút chân khỏi thương vụ này báo hiệu cho người dân Hồng Kông (hay có vẻ như vậy) rằng Trung Quốc đã đánh mất niềm tin nơi Hồng Kông. Giờ đây, vào cuối năm 1984 khi Lý đang vui mừng với Tuyên bố chung Trung-Anh, một tuyên bố hứa hẹn sẽ mang an ninh và lợi ích quay trở lại Hồng Kông, thì ông lại phải vật lộn với một vấn đề cá nhân của chính mình, người vốn được coi là có vị trí quan trọng bậc nhất ở Hồng Kông. Nói một cách nhẹ nhàng thì vụ giao dịch với Vương đã trở thành vết nhơ lớn đối với danh tiếng của Lý Gia Thành bởi vì ông đã mất một khoảng thời gian rất dài để gìn giữ danh tiếng, điều được xây dựng trên những thành công đầy huyền thoại của ông trong lĩnh vực kinh doanh.
Vấn đề này cuối cùng được đưa ra Tòa án Giao dịch tay trong. Đây là tòa án được thành lập dưới danh nghĩa của Thống đốc Hồng Kông. Vấn đề trọng tâm ở đây là: Liệu Lý và các cộng sự có sử dụng vụ giao dịch này nhằm mục đích giúp cho giá cổ phiếu của Công ty International City Holdings tăng hay không? ¬Điều Lý lo sợ không phải là đối mặt với những hình thức kỷ luật nếu tòa án quyết định kiện ông, mà hơn thế, ông sợ phải đối mặt với dư luận – nguồn gốc của “sự xấu hổ ghê gớm”. Với Lý, bị dư luận “kết tội” cũng chẳng khác nào lãnh án tù.
Ba tháng sau, tòa án đưa ra quyết định: Ban giám đốc của Tập đoàn Trường Giang – bao gồm Lý Gia Thành, George Magnus, Albert Chow, Chow Chin-wo và George Zang – đã thật sự “có liên quan tới vụ giao dịch phi pháp này.” Mặc dù Chow Chin-wo đơn phương chịu trách nhiệm trong việc bán cổ phiếu nhưng những người còn lại cũng phải cùng gánh trách nhiệm. Dù Vương Quang Anh đã bị phê bình do bóp méo sự thật về thương vụ này nhưng Lý Gia Thành vẫn hết sức lo lắng về quyết định của tòa. Danh tiếng, điều mà ông thương xót nhất, đã bị “hủy hoại một cách bừa bãi”. Nói cách khác, ông lo ngại rằng những người điều hành phố Wall và các công ty nước ngoài sẽ tránh làm ăn với ông.
Giải pháp của Lý cho “sự khinh thường” này là thuê ba vị luật sư người Anh đệ đơn kháng án lên Tòa Thượng thẩm Hồng Kông. Nhưng ngày 20 tháng 10 năm 1986, sau sáu ngày xử án, thẩm phán Tòa án Tối cao Hồng Kông vẫn xác nhận các kết luận của tòa án. Có lẽ để an ủi Lý, vị thẩm phán còn lưu ý thêm rằng tội này “không tương đương với tội không trung thực hay tội lừa đảo.” Tuy nhiên, với quyết định này, Lý chính thức trở thành người đầu tiên bị kết tội trong ba năm tồn tại của Tòa án Giao dịch tay trong.
Rõ ràng là Lý sẽ không bao giờ chịu để cho bất cứ một vết đen nào trong lý lịch gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh hiển nhiên cũng không có ý định chống lại Lý, đặc biệt khi ông đã gánh vác hết những sai lầm của Vương, một trong những người thân tín của Bắc Kinh. Quan trọng hơn, Lý vẫn là một tín đồ trung thành của Trung Quốc, và tại Hồng Kông, ông vẫn tiếp tục duy trì việc nhập khẩu than đá từ Trung Quốc – lĩnh vực kinh doanh thu về cho ông một khoản lãi khá lớn: 14% – tất cả đều thông qua các cuộc thương lượng của Hồng Kông. Tháng 6 năm 1985, Chính phủ Trung Quốc đã quan tâm xem xét sự tận tụy của Lý đối với Trung Quốc và quyết định khen thưởng Lý bằng việc bổ nhiệm cho ông một chức danh và việc này đã được Hội đồng Dự thảo Luật cơ bản thành lập sau Tuyên bố chung Trung-Anh phê chuẩn. Đây là một vị trí đặc biệt quan trọng khiến bất cứ ai cũng phải hiểu rằng nếu không có Lý Gia Thành thì sẽ chẳng làm được việc gì.
Trung Quốc rõ ràng là điểm tập trung trong chiến lược kinh doanh của Lý, và ông dự định sẽ xúc tiến nhiều hợp đồng với CITIC hơn nữa, trong đó có một hợp đồng nhằm phát triển một nhà máy điện ở Giang Tô, Thượng Hải, với chi phí lên tới hơn 10 tỷ đô-la Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc còn là một mục tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu – những người tiêu thụ một khối lượng khá lớn các sản phẩm tiêu dùng – luôn phát triển liên tục. Tỷ lệ dân thành thị tăng, đặc biệt khi phụ nữ bắt đầu chải tóc và dùng các loại phấn son cho thấy đời sống của người dân ngày càng giàu có và thu nhập khả dụng của họ tăng. Làm thế nào để trở thành người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và quý phái như những phụ nữ Tây phương đang trở thành nỗi ám ảnh đối với những phụ nữ quyền quý Trung Quốc.
Lý không chỉ nhận thấy rằng người dân với thu nhập khả dụng tăng, họ muốn làm đẹp cho ngôi nhà của mình bằng các loại hoa nhựa mà ông còn bận rộn với việc đánh giá những nhu cầu của phụ nữ Trung Quốc “thời hiện đại” này. Đặc biệt, như Lý Gia Thành lý giải: ông quan tâm tới việc nếu phụ nữ muốn gìn giữ vẻ đẹp thì cần phải sử dụng các loại mỹ phẩm và nếu đó là sản phẩm của phương Tây hay sản phẩm du nhập từ các nước phương Tây thì sẽ tốt hơn.
Và vì vậy, năm 1988, Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố ký kết một hợp đồng với Công ty Procter & Gamble của Mỹ để hình thành một xí nghiệp liên doanh với Nhà máy Xà phòng Quảng Châu và Tập đoàn Xuất nhập khẩu – Xây dựng – Phát triển kinh tế và công nghệ Quảng Châu. Với tên gọi Procter & Gamble Quảng Châu, nhà máy này sản xuất ra hàng ngàn ga-lông dầu gội, nước hoa và các sản phẩm tẩy rửa khác. Các sản phẩm này được sản xuất tại một nhà máy hiện đại với diện tích 100 nghìn m2 tại Khu Kinh tế Hoàng Phố, Quảng Châu. Đầu tư trên 76 triệu đô-la Mỹ vào nghiên cứu, Nhà máy Procter & Gamble Quảng Châu sẽ mở đường thâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua một trong những nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng lớn nhất thế giới. Không nghi ngờ gì, tiềm năng về một thị trường Trung Quốc ưa chuộng hàng phương Tây là một sự khích lệ cho công việc kinh doanh táo bạo của công ty đa quốc gia Mỹ (Sau đó, vào năm 1993, Procter & Gamble đã mở rộng dây chuyền sản xuất bằng việc liên doanh với Hòa Ký Hoàng Phố để sản xuất các sản phẩm như giấy vệ sinh, rau và hoa quả đóng hộp, các loại xà phòng, nước thuốc tẩy rửa và các sản phẩm dùng cho nhà vệ sinh).
Tuy nhiên, bất động sản vẫn là sở trường chính của Lý Gia Thành và Trung Quốc dường như luôn sẵn sàng để kiếm lợi từ bất động sản. Về phần mình, Lý Gia Thành cũng luôn sẵn lòng tạo điều kiện hợp tác có lợi cho Trung Quốc, ông nghĩ ra nhiều cách khôn ngoan để đưa đất nước vào các hợp đồng trong khi vẫn bảo vệ nó khỏi những thăng trầm của thị trường. Trong một hợp đồng hoàn thành vào tháng 11 năm 1988, Lý đã kết hợp với China Resources – một hãng phát triển bất động sản chính (và cũng là một cửa hàng tạp hóa) của Bắc Kinh tại Hồng Kông – nhằm phát triển 48 tòa cao ốc gồm từ 27-40 tầng bao gồm nhà ở, văn phòng và khu liên hợp thương mại có đầy đủ các dịch vụ mua sắm và giải trí với tổng diện tích 424.440 m2. Trong đó, riêng Lý Gia Thành đóng 0,75% vốn đầu tư, Trường Giang 48,25%, 51% còn lại do China Resources góp vốn. Tuy nhiên, việc phân chia lợi nhuận sẽ không dựa trên số cổ phần đóng góp. Hơn nữa, bằng việc cho China Resources vay một khoản vay không lấy lãi trị giá 564 triệu đô-la Hồng Kông, Trường Giang và Lý vẫn đảm bảo một cách hiệu quả nguồn lợi nhuận tối thiểu cho đối tác của mình. Sau đó, khi dự án này hoàn thành vào năm 1995, Trường Giang và Lý có thể tiếp cận nguồn thu nhập mở rộng nếu giá bán vượt quá giá thỏa thuận giữa hai năm 1989 và 1997. Phần lợi nhuận siêu ngạch sẽ được chia đều 50/50 cho hai bên: một bên là Lý Gia Thành và Trường Giang, bên kia là China Resources. Trong vấn đề lợi nhuận, bản giao kèo này sẽ cho phép Trường Giang hưởng lợi nhuận của 73,36% chứ không phải chỉ của 48,25% vốn đóng góp nếu như giá vượt quá giá thỏa thuận.
Có lẽ mối quan hệ hợp tác giữa Lý với Trung Quốc tươi sáng nhất là vào những tháng đầu năm 1989. Sau những bước đi khởi đầu tập tễnh với Vương Quang Anh trong vụ City Garden, những nhà máy liên doanh có khả năng sinh lợi với Trung Quốc giờ đây có vẻ như đã bắt rễ. Thậm chí, Lý còn nhanh chóng đưa China Resources vào nhóm những người cùng chung quyền lợi trong đế chế thương mại đang lớn mạnh của mình bằng việc bán cho công ty này 10% lợi nhuận trong Hong Kong International Terminals (HIT) – hãng kinh doanh công-te-nơ của Hòa Ký Hoàng Phố – và cho công ty này tham gia với tư cách là đối tác của Ngân hàng Hồng Kông, quỹ tiền tệ của Đặc khu tự trị Hồng Kông và trên rất nhiều tuyến đường biển, bao gồm Công ty Vận tải Đại dương Trung Quốc. Hãng Mitsui của Nhật Bản cũng có thiện cảm với HIT nên đã góp 8% tiền vốn đầu tư. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư 60,5%, Hòa Ký Hoàng Phố về căn bản nắm quyền kiểm soát HIT. Thực tế, trong khi Trường Giang tồn tại như một trụ cột vững chắc cho đế chế của Lý Gia Thành thì Hòa Ký Hoàng Phố lại là hội viên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với Trung Quốc, với 80% các vụ đầu tư ở Hồng Kông và 20% ở nước ngoài mà chủ yếu tập trung vào nguồn năng lượng mới, thứ đã thổi sức sống mới vào ngành kinh doanh.
Tuy nhiên, vào đầu năm 1989 tất cả các công ty của Lý đều làm ăn phát đạt đến mức kinh ngạc. Trong khi vào đầu những năm 80, lợi nhuận của Trường Giang giảm xuống một cách thê thảm, bắt đầu từ khi suy thoái kinh tế nổ ra và tiếp tục cho tới sau khi Tuyên bố chung được ký kết cuối năm 1984 thì lợi nhuận mới đi lên. Vào năm 1989, lợi nhuận của công ty đã tăng từ con số bi thảm 552 triệu đô-la Hồng Kông năm 1985 lên 2,28 tỷ đô-la Hồng Kông (Trong khi đó, năm 1990, lợi nhuận của Trường Giang lên tới 3,25 tỷ đô-la Hồng Kông và thị giá vốn của công ty tăng lên tới 27,25 tỷ đô-la, tương đương với 30% tổng thị giá vốn 92 tỷ đô-la Hồng Kông của thị trường cổ phiếu Hồng Kông).
Tuy vậy, bỏ qua sự phát triển kỳ lạ của thị trường và việc ngày càng có nhiều người mạo hiểm đầu tư vốn vào Trung Quốc, vào tháng 6 năm 1989, việc mạo hiểm kinh doanh ở Hồng Kông và Trung Quốc lại một lần nữa đột nhiên trở nên lộn xộn trên chính trường Bắc Kinh. Tuy nhiên, đến năm 1992, niềm tin của Lý đối với Trung Quốc lại hồi sinh, ông nói: “Một đất nước như Trung Quốc không sớm thì muộn cũng phải tìm ra một con đường đúng đắn. Trung Quốc vẫn đi sau các nước khác trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Mức sống của người dân cũng chưa cao. Tôi luôn hy vọng Trung Quốc sẽ đi trên con đường đúng đắn. Tôi đã từng gặp ngài Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 1991. Ông đã khẳng định rõ với tôi rằng các cuộc cải cách và các chính sách mở cửa sẽ được duy trì. Tôi luôn tin tưởng vào lời nói và khả năng của ông. Tôi không hề nghi ngờ chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Hoa bởi vì họ đang đấu tranh cho sự ổn định về kinh tế, chính trị cũng như việc cải thiện đời sống của nhân dân. Không ai có thể đoán trước tương lai của Trung Quốc sẽ như thế nào. Về mặt chính trị, các nguyên tắc chủ nghĩa xã hội sẽ vẫn được duy trì. Về mặt kinh tế, đất nước đang thực hiện chính sách mở cửa. Tôi không nghĩ họ sẽ đi ngược lại chiến lược này.”
Tuy nhiên, trước khi Lý phát biểu những lời này, ông phải đợi cho tới khi không khí ảm đạm ở Bắc Kinh đi qua. Năm 1989, khi sự kiện Thiên An Môn vẫn chưa phai mờ trong tâm trí mọi người, Lý tiếp tục tập trung đầu tư ở các nơi khác như Canada, Mỹ, Anh. Cuối cùng, việc này cũng xảy đến như là một thời kỳ quan trọng trong sự phát triển của đế chế Lý Gia Thành. Thật sự, giờ đây ông đang chuẩn bị cho hai con trai cùng điều hành đế chế này. Và ông đã quyết định nước ngoài là môi trường lý tưởng nhất để đào tạo hai người con này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.