Mật Mã Tài Năng
Chương 4: Ba quy tắc của tập luyện sâu
Lại cố gắng. Lại thất bại. Thất bại nhưng đã tiến bộ hơn.
— Samuel Beckett
ADRIAAN DE GROOT Và HSE
Bất kỳ cuộc tranh luận nào liên quan đến quá trình nắm bắt được một kỹ năng đều phải bắt đầu bằng cách đề cập tới một hiện tượng kỳ lạ mà tôi được biết đến với cái tên Hiệu ứng quái dị. Tên gọi này cho thấy sự hòa trộn vội vàng của hoài nghi, ngưỡng mộ và đố kỵ (nhưng không nhất thiết phải theo trật tự này) mà chúng ta cảm thấy khi tài năng đột nhiên xuất hiện từ hư không. HSE không phải là cảm giác khi lắng nghe Pavarotti hát hay xem cú đánh bóng của Willie Mays – họ là những điểm sáng hiếm hoi trong số hàng triệu người; chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận sự thật là họ khác biệt với chúng ta. HSE là cảm giác khi nhìn thấy tài năng nở rộ ở những người mà chúng ta nghĩ rằng họ chỉ giống mình thôi. Đó là một cảm giác bất ngờ, chạy râm ran khắp người khi biết đứa trẻ ngờ nghệch nhà hàng xóm cuối phố đột nhiên trở thành tay chơi guitar chính trong một nhóm nhạc rock, hay khi chính đứa con của bạn có sở trường không giải thích nổi khi làm phép tính vi phân. Đó là cảm giác “cái đó từ đâu ra vậy?”
Khi đến thăm những vườn ươm tài năng xuất sắc, tôi đã trở nên quen thuộc với HSE. Đầu tiên, tôi sẽ nhìn thấy những đứa trẻ đáng yêu (giống y như con của mình!) lăn lê trong các lớp học, vác trên vai những cây gậy bóng chày xinh xắn hay những cây đàn violin nhỏ bé. Chúng nỗ lực một cách vụng về để đạt được một kỹ năng nào đó. Chúng không hề gây một chút ấn tượng nào đặc biệt như bạn vốn mong chờ từ những đứa trẻ ở lứa tuổi ấy. Nhưng sau đó, ngay khi những đứa nhỏ nhất xao lãng và những đứa lớn hơn bắt đầu trội hơn, tôi được chứng kiến một loạt bước nhảy vọt về trình độ, kỹ năng. Vài ngày ở lại lò đào tạo đó giống như được đi dọc hành lang của một triển lãm trong bảo tàng về sự phát triển của loài khủng long. Như thể đi ngang qua một loạt mô hình, tôi bắt gặp những loài tiến hóa với mức độ tăng dần: tiền-thiếu-niên (khá dở hơi), nhóm trung-thiếu-niên (cực kỳ ngạc nhiên) và cuối cùng là nhóm cựu-thiếu-niên – loài khủng long biết bay, bé nhưng rất nhanh nhẹn (ẩn núp). Tốc độ của quá trình tiến triển thật choáng váng: mỗi nhóm sau đều trở nên mạnh mẽ, nhanh nhẹn và cũng tài năng hơn gấp bội so với nhóm trước, đến mức khó có thể hình dung được. Quan sát sự thay đổi này giống như nhìn thấy một chú tắc kè dễ thương biến thành một con khủng long bạo chúa khát máu: bạn biết hai loài này có họ hàng với nhau về mặt lý thuyết, nhưng điều đó cũng không ngăn bạn thốt lên “Thật quái dị!”
Một điểm thú vị về HSE là nó diễn ra chỉ theo một hướng. Người quan sát điếng người, kinh ngạc và hoang mang, trong khi người sở hữu tài năng thì không ngạc nhiên chút nào, thậm chí thờ ơ. Đặc tính phản chiếu này không chỉ là trường hợp có ấn tượng khác nhau – của phần ngây thơ, chất phác có chủ tâm từ người quan sát hay sự khiêm tốn quá mức từ người có tài năng. Nó là mô hình nhận thức nhất quán ở phần cốt lõi của quá trình đạt tới kỹ năng và nó cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng: Bản chất của quá trình tạo ra hai thực tế khác nhau rõ rệt này là gì? Bằng cách nào mà những con người này, có vẻ như giống chúng ta, đột nhiên lại trở nên tài năng trong khi không nhận thức được mình đã trở nên tài năng như thế nào? Để có được câu trả lời, chúng ta sẽ tìm hiểu về một giáo viên toán thất bại tên Adriaan Dingeman de Groot.
De Groot, sinh năm 1914, là một nhà tâm lý học người Hà Lan, có sở thích chơi cờ vua khi rảnh rỗi. ông đã trải qua trạng thái HSE khi một nhóm kỳ thủ thuộc câu lạc bộ cờ vua của ông, những người cùng lứa tuổi, kinh nghiệm và học vấn, nhưng có thể đánh bại những kiện tướng cờ vua một cách siêu phàm. Những trận đấu kiểu như kỳ thủ “khủng long bạo chúa” vốn thường đánh bại mười đối thủ một lúc, ngay cả khi họ bịt mắt lại. Như Anders Ericssons nhiều thập kỷ sau đó, de Groot đã bối rối trước những thất bại của mình. Điều này khiến ông đặt ra câu hỏi: chính xác thì cái gì đã khiến những con người bình thường trở nên xuất sắc đến như vậy. Tại thời điểm đó, sự suy xét khoa học về vấn đề này vẫn chưa bị đặt nghi vấn. Người ta cho rằng những kỳ thủ xuất sắc nhất có bộ nhớ hình ảnh cho phép họ hấp thụ thông tin và lập ra các chiến lược. Những kiện tướng cờ vua tiếp tục thành công và lý thuyết đưa ra, lý giải rằng họ được trời phú cho nhận thức tương đương với súng bắn liên thanh, còn nhận thức của chúng ta thì chỉ như khẩu súng đồ chơi bắn nút bấc. Nhưng de Groot không theo quan điểm này; ông muốn tìm hiểu thêm nữa.
Để nghiên cứu, ông lập nên một thí nghiệm, huy động cả các kiện tướng và những kỳ thủ bình thường. De Groot sắp đặt các quân cờ như trong một ván cờ thật, cho mỗi kỳ thủ thời gian 5 giây để nhìn lướt qua bàn cờ rồi kiểm tra khả năng ghi nhớ của họ. Kết quả là ai cũng có thể nhớ được. Các kiện tướng nhớ các quân cờ và vị trí sắp xếp tốt hơn kỳ thủ bình thường 4 đến 5 lần. (Kỳ thủ cấp quốc tế có thể nhớ đúng gần 100%.)
Rồi de Groot làm một việc thông minh hơn. Thay vì sử dụng các mô hình từ một ván cờ thật, ông đặt ngẫu nhiên các quân cờ và làm lại bài kiểm tra. Đột nhiên, lợi thế của các kiện tướng biến mất. Thành tích của họ không hơn, không kém so với người bình thường; có một trường hợp, kiện tướng có kết quả tệ hơn một tay chưa hề có kinh nghiệm. Như vậy, những kiện tướng cờ vua không có bộ nhớ hình ảnh; khi trò chơi không còn giống những ván cờ được sắp đặt thì những kỹ năng của họ cũng tan biến theo.
De Groot chỉ ra rằng, trong bài kiểm tra đầu tiên, các kiện tướng không xem xét các quân cờ một cách đơn lẻ mà nhận diện chúng theo các khuôn mẫu. Trong khi những tay lính mới nhìn một bảng chữ cái rời rạc giống như các ký tự riêng lẻ, các kiện tướng của chúng ta lại nhóm những “ký tự” này thành một ván cờ tương đương với các chữ cái, câu và đoạn văn. Khi các quân cờ sắp xếp ngẫu nhiên, họ bị lạc lối – không vì họ đột nhiên trở nên ngu ngốc mà bởi chiến lược chia nhóm của họ đột nhiên trở thành vô dụng. HSE biến mất. Sự khác nhau giữa các kỳ thủ “khủng long bạo chúa” và người bình thường không phải là sự khác biệt giữa súng bắn liên thanh và súng bắn nút bấc. Đó là sự khác biệt về mặt tổ chức, giữa những người có thể hiểu một ngôngôn ngữ, còn những người khác thì không. Hay nói cách khác, sự khác nhau giữa một người hâm mộ bóng chày đầy kinh nghiệm (người chỉ cần liếc qua cũng có thể nắm bắt được trận đấu) và vẫn con người đó nhưng lần đầu xem một trận cricket (anh ta sẽ coi trò chơi này là một mớ hỗn loạn). Kỹ năng bao gồm việc nhận diện các yếu tố quan trọng và nhóm chúng thành một bức tranh có ý nghĩa. Các nhà tâm lý học đặt tên cho việc tổ chức như vậy là chia mảng.
Để hiểu được chia mảng là như thế nào, bạn hãy thử ghi nhớ hai câu sau:
Chúng tôi leo núi Everest vào một buổi sáng thứ ba.
Abứht gná siổ ubt ộmoàvts ere vei únoe liôt gnú hc.
Hai câu chứa những ký tự giống hệt nhau, giống như bàn cờ của de Groot, trừ việc câu thứ hai chính là câu thứ nhất nhưng sắp xếp các ký tự theo chiều ngược lại. Lý do mà bạn có thể hiểu, nhớ lại và làm chủ hoàn toàn câu thứ nhất là bởi, giống như các kiện tướng cờ vua hay những người hâm mộ bóng chày, bạn đã dành rất nhiều thời gian để học và luyện tập một trò chơi nhận thức, được gọi là đọc. Bạn đã học hình dáng các chữ cái và luyện tập với các con chữ, chia mảng từ trái sang phải để biến chúng thành những thực thể riêng biệt mang những ý nghĩa sâu hơn – các từ – và bạn cũng đã được học cách nhóm những từ này thành một mảng lớn hơn – là câu – để có thể nắm bắt, áp dụng, hiểu và ghi nhớ.
Câu đầu tiên dễ nhớ bởi nó chỉ có ba mảng chính có thể nhận thức được: “Chúng tôi leo”, “núi Everest” và “vào một buổi sáng thứ ba”. Những mảng này lại được tạo ra nhờ kết hợp những mảng nhỏ hơn. Chữ cái C, h, ú, n và g là các mảng mà bạn ghép lại thành một mảng khác là từ Chúng. Một đường cong và một đường thẳng là hai mảng nhỏ hơn, giúp bạn nhận ra chữ cái h. Cứ như vậy, từng nhóm mảng nhỏ sắp xếp vừa vặn trong một nhóm mảng khác lớn hơn giống như một bộ những con búp bê Nga xếp lồng vào nhau. Về bản chất, kỹ năng đọc của bạn là kỹ năng ghép và tháo các mảng – hay nói theo thuật ngữ của myelin, kích hoạt các mô hình mạch điện – với tốc độ ánh sáng.
Chia mảng là một khái niệm xa lạ. ý tưởng cho rằng kỹ năng – một điều gì đó thật thanh nhã, dễ thay đổi và có vẻ như dễ dàng đạt được – nên được tạo ra bằng cách tích lũy những mạch điện nhỏ bé, rời rạc, dường như trái với trực giác thông thường. Nhưng toàn bộ các nghiên cứu khoa học đã cho thấy đây chính xác là cách các kỹ năng được tạo ra – không chỉ riêng cho những thú vui liên quan đến nhận thức như chơi cờ vua. Các hành động thuộc về thể chất cũng được tạo ra bởi các mảng. Khi một vận động viên thể dục học một động tác tiếp đất, anh ta lắp ghép nó thông qua hàng loạt các mảng khác nhau tạo ra từ vô vàn mảng nhỏ hơn. Anh ta nhóm một chuỗi chuyển động cơ bắp với nhau theo đúng cách mà bạn nhóm các các chữ cái để tạo thành từ Everest. Sự việc sẽ diễn ra trôi chảy khi vận động viên thường xuyên lặp lại những chuyển động này đủ để biết được cách biến những mảng nhỏ thành mảng lớn, tương tự cách bạn ghép thành câu văn nêu trên. Khi kích hoạt mạch điện để thực hiện cú nhảy lộn ngược, người vận động viên này không phải suy nghĩ, Được rồi, mình đang chuẩn bị khuỵu chân, uốn lưng, so vai và xoay hông, chứ không như bạn phải suy nghĩ một chút để ghép những chữ cái tạo thành từ thứ ba. Anh ta đơn giản là đã kích hoạt mạch điện nhảy-lộn-ngược mà anh ta đã tạo nên và trau dồi thông qua tập luyện sâu.
Khi việc chia nhỏ thành các mảng được thực hiện hiệu quả, nó tạo ra một phép màu và khiến HSE xuất hiện. Những biểu hiện xuất chúng trông có vẻ như không hoàn toàn ưu tú hơn, như thể họ đã vượt qua một cách biệt lớn nhờ một cú nhảy duy nhất. Như de Groot đã chỉ ra, những kỳ thủ xuất sắc gần như không hề khác biệt so với những người bình thường như cách chúng ta vẫn nhìn nhận họ. Điều phân biệt hai cấp độ khác nhau này không phải sức mạnh siêu nhiên bẩm sinh mà là hành động tích lũy chậm rãi gồm xây dựng và tổ chức: dựng dàn giáo, từng thanh, từng tầng một – hay như Ngài Myelin đã nói, bọc từng lớp, từng lớp một.*
QUY TẮC 1: HãY CHIA THàNH CáC PHẦN NHỎ
Chúng ta đã thấy tập luyện sâu bao gồm việc xây dựng và bao bọc các mạch thần kinh như thế nào. Nhưng nói một cách thực dụng thì cảm giác đó ra sao? Bằng cách nào chúng ta có thể biết được mình đang thực hiện công việc đó?
Tập luyện sâu mang lại cảm giác hơi giống với việc khám phá một căn phòng tối, xa lạ. Bạn bắt đầu chậm rãi, va vào đồ đạc trong phòng, dừng lại, suy nghĩ và bắt đầu lại. Chậm chạp và với một chút đau đớn, bạn khám phá đi khám phá lại không gian đó, chú ý đến các lỗi mắc phải, mở rộng khoảng không gian mà mình vươn tới được từng chút, từng chút một, vẽ ra trong đầu một sơ đồ cho đến khi bạn có thể đi quanh phòng một cách nhanh chóng bằng trực giác.
Hầu hết chúng ta đều hành động theo hướng này bằng phản xạ. Khuynh hướng giảm tốc độ và chia kỹ năng thành các phần nhỏ hơn là hết sức phổ biến. Chúng ta đã nghe câu sau hàng tỉ lần trong quá trình lớn lên, từ bố mẹ và thầy cô giáo. Họ không ngừng lặp đi lặp lại điệp khúc “Chỉ làm từng bước một thôi!” Nhưng trước khi ghé thăm những vườn ươm tài năng, tôi đã không hiểu được chiến lược đơn giản, trực giác đó có thể hiệu quả ra sao. Tại đây, việc chia thành các phần nhỏ được diễn ra theo ba hướng. Thứ nhất, những người tham dự nhìn nhận nhiệm vụ là một khối toàn thể – như một mảng lớn, một siêu mạch điện. Thứ hai, họ chia chúng thành các mảng nhỏ nhất có thể. Thứ ba, họ thoải mái sử dụng thời gian, giảm tốc độ hành động, rồi tăng tốc để học được những cấu trúc bên trong đó. Những con người tại các cơ sở này tập luyện sâu theo cách đạo diễn điện ảnh giỏi tiếp cận một cảnh phim – xem lướt nhanh để nhìn được toàn cảnh, tiếp đến phóng đại để xem xét một con bọ đang bò trên lá với tốc độ rất chậm. Chúng ta sẽ nghiên cứu từng thủ thuật này để xem nó được triển khai như thế nào.
HẤP THỤ TOàN THỂ
Điều này có nghĩa là dành thời gian quan sát chăm chú hoặc lắng nghe kỹ lưỡng kỹ năng mà bạn muốn đạt được – một bài hát, một nước cờ, một cú đánh bóng – với tư cách một thực thể đơn nhất, gắn kết chặt chẽ. Những con người tài năng của chúng ta đã quan sát và lắng nghe theo cách này rất nhiều. Nghe có vẻ giống Thiền, nhưng về cơ bản, nó không khác gì việc hấp thụ một bức tranh về kỹ năng cho đến khi bạn hình dung ra bản thân mình có thể thực hiện kỹ năng đó.
“Chúng ta đã được lập trình sẵn để bắt chước,” Anders Ericsson nói. “Khi đặt bản thân trong một tình huống giống như một cá nhân kiệt xuất và bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ mà họ phải thực hiện, nó có tác động rất lớn tới kỹ năng của bạn.”
Việc bắt chước không nhất thiết được nhận thấy, và thực tế chúng ta thường không nhận ra điều này. Tại California, tôi gặp một vận động viên quần vợt 8 tuổi tên là Carolyn Xie, một trong những tay vợt hàng đầu thuộc lứa tuổi này của nước Mỹ. Xie có phong cách chơi quần vợt nổi bật điển hình, trừ một điểm. Không đánh cú ve trái bằng cả hai tay như mọi vận động viên cùng lứa tuổi khác, Xie đánh cú ve trái chỉ bằng một tay giống hệt như Roger Federer. Không phải hơi giống Federer mà chính xác là y hệt, với kiểu kết thúc cúi đầu như người đấu bò tót.
Tôi hỏi cô bé đã học đánh ve trái kiểu đó như thế nào. “Cháu không biết,” Xie trả lời. “Cháu chỉ đánh bóng thôi.” Tôi hỏi huấn luyện viên của Xie: ông ta cũng không biết. Sau đó, Li Ping, mẹ của Carolyn, nhắc lại việc cả gia đình đang xem cuốn băng ghi hình trận đấu của Roger khi tán dóc về kế hoạch cho các buổi tối trong tuần. Hóa ra mọi thành viên trong gia đình đều hâm mộ cuồng nhiệt Federer; thực tế, họ đã ghi hình mọi trận đấu của Roger nếu chúng được phát sóng trên truyền hình. Carolyn xem những cuốn băng này bất cứ khi nào có thể. Nói cách khác, trong khoảng thời gian 8 năm đầu tiên của cuộc đời, Xie đã quan sát Roger Federer đánh cú ve trái hàng vạn lần. Cô bé quan sát kỹ thuật này và đơn giản đã hấp thụ được bản chất của nó mà không hề hay biết*.
Một ví dụ khác là Ray LaMontagne, một công nhân nhà máy sản xuất giày dép ở Lewiston, Maine. Anh chàng 22 tuổi này tin vào sự mách bảo của Đấng tối cao rằng mình sẽ trở thành một ca sỹ – nhạc sỹ. LaMontagne chỉ có chút ít kinh nghiệm liên quan tới âm nhạc và rất ít tiền nên anh ta chọn một phương pháp tiếp cận với âm nhạc hết sức đơn giản: mua hàng tá đĩa nhạc cũ của Stephen Stills, Otis Redding, Al Green, Etta James và Ray Charles về chất đống trong căn hộ của mình. Hai năm ròng rã. Hàng ngày, anh dành hàng giờ đồng hồ tự trau dồi bản thân bằng cách hát theo các đĩa ghi âm. Những người bạn của LaMontagne cho rằng anh chẳng còn biết có ai trên đời này nữa; những người hàng xóm thì coi anh ta hoặc là bị mất trí, hoặc là đang cố gắng nhốt mình trong một cái vỏ bọc âm nhạc phi thời gian – mà theo một lẽ nào đó thì điều này đúng là như vậy. “Tôi hát liên tục và không ngừng đau khổ, bởi tôi biết rằng mình đang làm không đúng,” LaMontagne nói. “Việc này mất một thời gian dài, nhưng cuối cùng thì tôi cũng học được cách hát từ đáy lòng mình.” Tám năm kể từ thời điểm bắt đầu, tuyển tập các bài hát đầu tiên do LaMontagne trình bày đã bán được gần nửa triệu bản. Nguyên nhân chính cho điều này chính là giọng hát đầy cảm xúc của ông, chất giọng mà ban nhạc Rolling Stones nhận xét là giống như hát thánh ca và những người khác có thể nhầm lẫn với Otis Redding và Al Green. Giọng hát của LaMontagne là một món quà của Thượng đế, điều này ai cũng đồng ý. Nhưng có lẽ, món quà thật sự chính là chiến lược tập luyện mà ông đã dùng để tạo nên giọng hát đó.
Một số hành động bắt chước có lợi nhất mà tôi có cơ hội được chứng kiến là tại Câu lạc bộ quần vợt Spartak, Moscow, một khu nhà gần như bị bỏ hoang lạnh giá đã sản sinh ra rất nhiều tài năng cho thế giới: Anna Kournikova, Marat Safin, Anastasia Myskina, Elena Dementieva, Dinara Safina, Mikhail Youzhny và Dmitry Tursunov. Câu lạc bộ đã cho ra lò số lượng nữ vận động viên quần vợt trong toốp 20 của thế giới nhiều hơn cả nước Mỹ cộng lại trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2007, chưa kể đến việc một nửa đội tuyển nam đã từng thắng giải David Cup năm 2006. Tất cả những điều này được tạo nên chỉ với một sân quần vợt trong nhà. Khi đến đây vào tháng 12 năm 2006, câu lạc bộ giống như một cảnh trong phim Mad Max: những căn lều tạm để súng săn, những vũng nước loang lổ và khu rừng xung quanh đầy những con chó to lớn, đói khát, chạy vút qua. Một cỗ xe ngựa mười tám bánh cũ kỹ đậu ngay trước cửa câu lạc bộ. Khi thức dậy vào buổi sáng, tôi có thể nhìn thấy những bóng người mờ ảo chuyển động sau những khuôn cửa nhựa mờ nhưng không hề nghe thấy tiếng đập mạnh đặc trưng của cây vợt và quả bóng. Khi bước vào, nguyên nhân hiện ra hết sức rõ ràng: họ đang vung vợt. Nhưng không có bóng.
Tại Spartak, bài tập này được gọi là imitatsiya – tập hợp những chuyển động chậm với một quả bóng tưởng tượng. Tất cả các thành viên tại Spartak đều tập như vậy, từ những đứa trẻ 5 tuổi cho đến các tay vợt chuyên nghiệp. Huấn luyện viên, một người phụ nữ 70 tuổi có khuôn mặt già nua nhưng vẫn sáng sủa tên là Larisa Preobrazhenskaya, đi quanh sân tập như kiểu một thợ máy trong garage ô tô đang phải điều chỉnh lại một chiếc động cơ quá cỡ. Bà cầm tay và chỉ dẫn từng động tác đánh bóng. Cuối cùng, khi tất cả đã đánh được bóng – từng người, từng người một theo hàng ngang (không có các bài học riêng cho từng người tại Spartak), Preobrazhenskaya thường xuyên tạm dừng lại một chút và yêu cầu mọi người vung vợt chậm một lần nữa, một lần nữa. Cứ như vậy.
Trông giống trong một lớp học múa ballet vậy: một điệu múa ballet với những chuyển động chậm rãi, đơn giản và chính xác, nhấn mạnh vào tekhnicka – kỹ thuật. Preobrazhenskaya buộc các vận động viên phải tuân theo cách tiếp cận này với một quy định sắt đá: không ai trong số những học viên ở đây được phép chơi cho một giải thi đấu trong ba năm học đầu tiên. Đây là quan điểm mà tôi cho rằng có thể không được các ông bố, bà mẹ Mỹ chấp nhận, nhưng không một phụ huynh Nga nào mảy may nghi ngờ nó. Sau đó, Preobrazhenskaya đã nói với tôi “Kỹ thuật là tất cả” khi bà đập tay xuống bàn với thái độ nhấn mạnh kiểu Khrushchev khiến tôi nhảy dựng lên và nhanh chóng cân nhắc lại ấn tượng về bà giống như bà nội của mình. “Nếu anh bắt đầu chơi mà không có kỹ thuật, đó là một sai lầm lớn. Sai lầm lớn, rất lớn.”
CHIA THàNH CáC PHẦN NHỎ
Địa điểm tôi ghé thăm thể hiện rõ nhất điều này là Trường âm nhạc Meadowmount, nằm ở phía bắc New York. Meadowmount cách khu Manhattan 5 giờ lái xe về phía bắc, giữa khung cảnh xanh bao la của dãy núi Adirondack. Người sáng lập nổi tiếng của trường, thầy giáo violin Ivan Glamian, đã chọn địa điểm này với cùng lý do như bang New York dựng các nhà tù của bang tại đây: biệt lập, chi phí thấp và vô cùng yên tĩnh. (Ban đầu, Galamian đặt trường gần Elizabethtown, nhưng ông cho rằng những cô gái địa phương ở đây quá xinh đẹp; một điểm được đặc biệt nhấn mạnh là ông đã cưới một trong số cô gái đó làm vợ).
Khi khởi điểm, ngôi trường chỉ có một vài buồng ngủ nhỏ và một căn nhà cũ, không điện, không nước, không dịch vụ tivi hay điện thoại. Từ đó đến nay, rất ít thay đổi xảy ra. Các điều kiện sống rất cơ bản và dễ chịu: học viên ngủ trong các phòng ngủ tập thể đơn sơ, các buồng luyện tập cá nhân nằm chênh vênh trên những gốc cây, những khối bê tông, thậm chí có trường hợp là một cái kích lấy ra từ chiếc ô tô gần đó. Tuy nhiên, Meadowmount được biết đến nhiều hơn bởi những cựu học viên đã tạo nên dấu ấn đáng ghi nhớ (Yo-Yo Ma, Pinchas Zuckerman, Joshua Bell và Itzhak Perlman) và những giá trị cốt lõi của nó, một tuyên ngôngôn đã trở thành câu khẩu hiệu không chính thức của trường: trong 7 tuần, hầu hết học viên sẽ học được khối lượng kiến thức của 1 năm và tăng tốc độ học tập 500%. Trong những học sinh ở đây, sự gia tăng đáng kể này là phổ biến nhưng mới chỉ được hiểu một cách mơ hồ. Do đó, nó thường được nhắc đến như thể một dạng mánh khóe trượt tuyết vậy.
“Lạy Chúa tôi, cô bé đó thật khủng khiếp,” David Ramos, 16 tuổi, nói khi chỉ vào Tina Chen, một học sinh người Trung Quốc, người vừa biểu diễn bản concerto dành cho violin của Korngold tại một trong những buổi hòa nhạc buổi tối ở Meadowmount. Ramos hạ thấp giọng trở thành thì thầm đầy ngờ vực. “Cô ấy nói đã học bản đó trong 3 tuần – nhưng một số người bảo rằng cô nàng thật sự tập chỉ trong 2 tuần thôi.”
Những ngón đàn điêu luyện kiểu như vậy là điều thường xảy ra tại Meadowmount, một phần bởi những giáo viên ở đây có ý tưởng chia nhỏ các bản nhạc đến hết mức có thể. Học viên dùng kéo cắt các bản nhạc của mình thành các dải giấy, cho chúng vào phong bì và rút ra một cách ngẫu nhiên. Họ tiếp tục chia những dải giấy này thành các đoạn nhỏ hơn nữa bằng cách thay đổi nhịp điệu. Ví dụ, họ sẽ chơi một đoạn khó theo nhịp có chấm đôi (dotted rhythm – tiếng vó ngựa – da-dum, da-dum). Kỹ thuật này buộc nhạc công phải nhanh chóng kết nối hai nốt nhạc thành một chuỗi, rồi đặt cho chúng một nhịp nghỉ trước khi chơi tiếp chuỗi-hai-nốt tiếp theo. Mục đích thì luôn luôn giống nhau: chia nhỏ một kỹ năng thành các thành phần nhỏ hơn (các mạch điện), ghi nhớ những phần này một cách riêng biệt, rồi liên kết chúng với nhau thành một nhóm lớn hơn, tăng dần từng nấc một (những mạch điện mới, có liên kết với nhau).
GIẢM TỐC ĐỘ
Tại Meadowmount, những nốt nhạc vụn vặt, rời rạc được kéo dài lê thê thành như âm thanh như của cá voi. Một giáo viên đã có quy tắc đáng tin cậy như sau: nếu một người qua đường có thể nhận ra bản nhạc bạn đang chơi thì bản nhạc đó chưa được luyện tập đúng cách. Khi giám đốc của trường, Owen Carman, dạy một tiết học, ông dành 3 giờ để tập một bản nhạc. Những học sinh mới đã rất ngạc nhiên trước những nhịp điệu có vẻ như thật lạ lùng – chậm hơn cách chơi thông thường 3 hoặc 5 lần. Nhưng khi kết thúc, họ đã học được cách chơi bản nhạc thật hoàn hảo; trong khi, để đạt được một ngón đàn điêu luyện kiểu Clarissa có thể khiến học viên mất khoảng 1 hoặc 2 tuần rèn luyện “nông” hơn.*
Tại sao giảm tốc độ công việc lại có tác dụng tốt như vậy? Mô hình myelin đưa ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, giảm tốc độ cho phép bạn chú ý sâu sát hơn tới các lỗi, tạo ra độ chính xác cao hơn cho mỗi lần kích hoạt mạch điện – và đối với sự phát triển của myelin, sự chính xác là tất cả. Như cách nói ưa thích của huấn luyện viên bóng bầu dục Tom Martinez thì “Vấn đề không phải là bạn có thể làm nhanh đến mức nào. Vấn đề là bạn có thể thực hiện đúng nhưng chậm đến mức nào.” Thứ hai, hành động một cách chậm rãi giúp người luyện tập phát triển một điều gì đó thậm chí còn quan trọng hơn: khái niệm về bản thiết kế bên trong của kỹ năng – hình khối và nhịp điệu của các mạch điện kỹ năng được liên kết với nhau.
Gần như trong suốt thế kỷ 20, nhiều nhà tâm lý học giáo dục tin rằng quá trình học tập được điều khiển bởi các yếu tố cố định như IQ và các giai đoạn phát triển. Barry Zimmerman, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Thành phố New York, chưa từng là một người trong số này. Thay vào đó, ông bị cuốn hút bởi kiểu học tập diễn ra khi con người quan sát, phán xét và chiến lược hóa các hành động của chính mình – về bản chất, là họ tự huấn luyện bản thân. Niềm đam mê của Zimmerman về dạng học tập này, được biết đến với cái tên học tập tự điều chỉnh, đã đưa ông tới việc tiến hành một thí nghiệm vào năm 2001 nghe giống một trò giải trí biểu diễn trên đường phố hơn là khoa học thông thường. Hợp tác với Anastasia Kitsantas của Đại học George Mason, Zimmerman đặt ra một câu hỏi: liệu có thể phán xét khả năng theo cách con người mô tả lại cách họ rèn luyện không? Ví dụ, nêu câu hỏi cho những nữ diễn viên ballet có trình độ khác nhau về động tác demi-pliés, rồi chọn ra chính xác diễn viên giỏi nhất, giỏi nhì,… không dựa trên sự biểu diễn của họ mà chỉ dựa theo vào cách họ mô tả về việc luyện tập động tác đó.
Kỹ năng mà Zimmerman và Kitsantas lựa chọn là phát bóng chuyền. Họ tập hợp một nhóm những vận động viên xuất sắc, những người tham gia các câu lạc bộ bóng chuyền và những người mới học, hỏi họ cách tiếp cận kỹ thuật này: mục đích, kế hoạch, lựa chọn chiến lược, điều chỉnh bản thân và sửa lại cho phù hợp – tổng cộng 12 tiêu chí. Sử dụng những câu trả lời này, họ dự đoán trình độ kỹ năng tương đối của các đối tượng tham gia, và cho những người này biểu diễn cú phát bóng để kiểm tra xem mức độ chính xác của dự đoán đó. Kết quả ư? 90% trình độ kỹ năng có thể được tính toán nhờ các câu trả lời thu được.
“Những dự đoán của chúng tôi vô cùng chính xác,” Zimmerman nói. “Điều này chỉ ra rằng những vận động viên xuất sắc luyện tập khác hẳn và có chiến lược hơn. Khi thất bại, họ không đổ lỗi cho vận rủi hay bản thân. Họ có một chiến lược và họ có thể sửa chữa nó.”
Nói cách khác, các chuyên gia bóng chuyền giống như những kỳ thủ của De Groot. Thông qua tập luyện, họ tạo ra được điều gì đó quan trọng hơn kỹ năng thuần túy; họ đã phát triển sự hiểu biết chi tiết, thuộc về nhận thức cho phép họ kiểm soát và điều chỉnh hành động của mình để sửa chữa các vấn đề và thay đổi các mạch điện theo những tình huống mới. Họ tư duy theo các mảng nhỏ và biến những mảng nhỏ này thành một thứ ngôngôn ngữ riêng của kỹ năng.
Khi ở Meadowmount, tôi gặp một cậu bé 14 tuổi đang học chơi cello tên là John Henry Crawford. Chính cậu bé này đã cho tôi một trong những cách mô tả hữu hiệu nhất tôi từng được nghe về cảm giác mà tập luyện sâu mang lại. John dành thời gian để ở một mình trong khu garage đổ nát, nơi có rất ít phương tiện để thư giãn tại Meadowmount: chỉ có một cái bàn bóng bàn hỏng. Crawford nói về cảm giác tăng tốc mà mình có tại ngôi trường âm nhạc này và gọi đó là “nhận thức”.
“Năm ngoái, cháu mất gần như toàn bộ 7 tuần để ‘nhận thức’ và bắt đầu tập luyện tốt,” cậu bé nói. “Năm nay, cháu có thể cảm thấy nó diễn ra ngay lập tức. Đó là một điều đáng ghi nhận.”
Chúng tôi bắt đầu đánh bóng bàn qua qua lại lại; và John Henry kể theo nhịp bóng.
“Khi ‘nhận thức’ tốt, mọi nốt nhạc đều được chơi với một mục đích. Có cảm giác như cháu đang xây một ngôi nhà. Viên gạch này ở đây, viên gạch kia ở đó, cháu kết nối chúng với nhau và có được một nền móng. Rồi cháu xây thêm tường, nối với nền móng đó. Tiếp đến là mái nhà, kế đến là sơn. Cuối cùng, vui làm sao khi tất cả đều được liên kết với nhau.”
Chúng tôi đã chơi một trận bóng bàn. Không khí ngột ngạt một chút khi tôi dẫn trước 20-17. Rồi John Henry ghi một chuỗi liên tục 5 điểm và chiến thắng.
“Có thể nói gì được nhỉ?” Cậu bé nhún vai tỏ vẻ lấy làm tiếc. “Cháu đoán là cháu xây ngôi nhà này cũng giỏi nữa đấy.”
QUY TẮC 2: LẶP ĐI LẶP LẠI
Chúng ta đều quen thuộc với câu châm ngôngôn: rèn luyện là người thầy vĩ đại nhất. Myelin đặt sự đúng đắn của câu châm ngôngôn cổ này dưới ánh sáng mới. Theo quan điểm sinh học, không gì có thể thay thế được việc lặp lại có chủ đích. Khi muốn tạo dựng kỹ năng, không việc gì – nói chuyện, suy nghĩ, đọc sách báo, tưởng tượng – hiệu quả hơn thực hiện bằng hành động, kích hoạt xung điện trong các dây thần kinh, sửa chữa lỗi, cải thiện mạch điện.
Một cách để minh họa cho chân lý này là giải đáp câu đố sau: Cách đơn giản nhất để giảm kỹ năng của một tài năng thuộc bậc siêu sao (nhưng không làm họ bị tổn thương) là gì? Đâu là phương pháp chắc chắn nhất để đảm bảo rằng LeBron James bắt đầu ném bóng trượt hay Yo-Yo Ma chơi các hợp âm một cách quấy quá cho xong?
Câu trả lời: Không cho họ tập luyện trong 1 tháng. Làm cho một kỹ năng biến mất không đòi hỏi việc sắp xếp lại nhiễm sắc thể hay thủ đoạn bí ẩn liên quan đến tâm lý học. Việc cần làm là ngăn người đó không kích hoạt mạch điện của mình một cách hệ thống trong khoảng 30 ngày. Cơ bắp của họ sẽ không phải thay đổi; giengen và tính cách thường được ca ngợi vẫn giữ nguyên; nhưng bạn sẽ chạm tới điểm yếu nhất trên bộ áo giáp của tài năng. Như Bartzokis đã nhắc nhở chúng ta, myelin là một tế bào sống. Giống như mọi tế bào khác trong cơ thể, nó nằm trong một chu trình liên tục của sự phá vỡ và sửa chữa. Đó là lý do tại sao việc tập luyện hàng ngày lại có vai trò quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Theo Vladimir Horowitz, nghệ sỹ dương cầm bậc thầy, người vẫn tiếp tục biểu diễn cho đến những năm ôngkhi 80 tuổi, “Nếu bỏ tập 1 ngày, tôi sẽ nhận ra. Nếu bỏ tập 2 ngày, vợ tôi sẽ nhận ra. Nếu bỏ tập 3 ngày, cả thế giới sẽ nhận ra.”
Lặp lại là một việc làm vô giá và không thể thay thế được. Tuy nhiên, có vài điểm cần chú ý. Với cách tập luyện truyền thống, nhiều hơn luôn luôn tốt hơn: đánh 200 cú bóng thuận tay được cho là tốt gấp đôi việc đánh 100 lần. Nhưng tập luyện sâu không tuân theo công thức đó. Dành nhiều thời gian hơn thì hiệu quả hơn – nhưng chỉ khi bạn vẫn ở điểm nhạy cảm, ở rìa tới hạn của khả năng, chăm chú gây dựng và cải thiện các mạch điện. Hơn nữa, dường như có một giới hạn chung cho mức độ tập luyện sâu mà con người có thể thực hiện trong một ngày. Nghiên cứu của Ericsson cho thấy hầu hết những chuyên gia tầm cỡ thế giới – bao gồm những nghệ sĩ dương cầm, kỳ thủ, tiểu thuyết gia và vận động viên – thường luyện tập từ 3 đến 5 tiếng một ngày, bất kể họ theo đuổi kỹ năng nào.
Những người tại các trung tâm đào tạo tài năng mà tôi ghé thăm đều luyện tập ít hơn 3 tiếng một ngày. Những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn tại Spartak (6-8 tuổi) chỉ tập 3 đến 5 tiếng mỗi tuần, trong khi lứa tuổi vị thành niên được cho tập đến 15 tiếng mỗi tuần. Những cầu thủ bóng chày của giải trẻ tại Curaçao, một số được xếp hạng xuất sắc nhất thế giới, chỉ chơi 7 tháng trong năm, thường luyện tập 3 lần một tuần. Cũng có trường hợp ngoại lệ – ví dụ, Meadowmount yêu cầu mỗi ngày 5 tiếng luyện tập cho một khóa học 7 tuần. Nhưng nhìn chung, thời lượng và tần suất tập luyện tại những cái nôi đào tạo tài năng này là đúng mực và hợp lý. Điều này đã được chứng minh khi tôi xem Clarissa luyện tập bản “Đám cưới vàng” và “Sông Danube xanh”: khi rời bỏ khu vực tập luyện sâu, bạn có thể được giải phóng hoàn toàn.*
Giới hạn thời gian của tập luyện sâu nêu trên phù hợp với những gì huấn luyện viên quần vợt Robert Lansdorp đã chứng kiến. Người đàn ông khoảng 60 tuổi này được sinh ra để làm luấn luyện viên quần vợt, giống như Warren Buffet được sinh ra để đầu tư vậy. ông từng huấn luyện cho Tracy Austin, Pete Sampras, Lindsay Davenport và Maria Sharapova. ông thấy thích thú khi được nhìn các ngôi sao này đánh hàng nghìn cú bóng mỗi ngày.
“Anh từng xem Connors tập chưa? Cả McEnroe và Federer nữa?” Lansdorp hỏi. “Họ không đánh bóng 1.000 lần đâu; hầu hết chỉ tập trong 1 tiếng. Một khi đã ấn định thời gian, mọi việc sẽ không đi quá xa.”
Như được kích thích, tôi hào hứng giảng giải cho Lansdorp về myelin – nó bao bọc các mạch thần kinh ra sao, nó phát triển chậm như thế nào khi chúng ta kích hoạt các mạch điện và tại sao lại cần tới 10 năm để đạt đẳng cấp thế giới. Mới chỉ khoảng 20 giây kể từ khi tôi bắt đầu trình bày, Lansdorp đã ngắt lời.
“Chắc chắn rồi, tất nhiên là như vậy,” ông nói và gật đầu với phong thái kiêu căng của một người hiểu về myelin tường tận hơn cả một nhà thần kinh học. “Nó phải là một thứ gì đó như thế đấy.”
QUY TẮC 3: HỌC ĐỂ CẢM NHẬN
Vào mùa hè, tôi đến thăm Meadowmount, họ giới thiệu một khóa học mới với tên gọi “Luyện tập như thế nào” do Skye Carman, em gái của hiệu trưởng Owen Carman, giảng dạy. Khoảng năm sáu đứa trẻ được chia vào các phòng luyện tập nhỏ. Skye, một người có tính cách sôi nổi, từng là nhạc công violin quan trọng nhất trong Dàn nhạc giao hưởng Hà Lan, bắt đầu bằng câu hỏi: “Trong các em, có những ai tập từ 5 tiếng một ngày trở lên?”
Có bốn cánh tay giơ lên.
Skye lắc đầu hoài nghi. “Tốt. Cô chưa từng tập như vậy, và sẽ không thể tập trong hàng triệu, hàng tỉ năm nữa. Các em thấy đấy, cô ghét tập luyện! Ghét, ghét, ghét! Cho nên, cô đã ép mình phải khiến cho việc tập luyện trở nên hữu ích nhất có thể. Và đây là điều cô muốn biết. Việc đầu tiên các em làm khi tập là gì?”
Bọn trẻ nhìn chằm chằm vào Skye với ánh mắt khó hiểu.
“Chỉnh dây. Chơi một đoạn nhạc của Bach.” Cuối cùng, một cậu bé cao lớn nói. “Em đoán vậy.”
“Ừmmm,” Skye nói, lông mày cô nhướng lên, và cô giảng giải về sự thiếu chiến lược cho bọn trẻ. “Để cô xem nào. Cô dám cá là tất cả các em chỉ… chơi thôi! Cô cá là em chỉnh dây, chọn một đoạn nhạc mà em thích và bắt đầu đùa giỡn với nó. Giống như nhặt một quả bóng lên vậy.”
Tất cả gật đầu. Cô đã nắm bắt được bọn trẻ.
“Thật là điên!” Skye nói, vung hai tay vào không khí. “Các em có nghĩ vận động viên làm như vậy không? Các em nghĩ họ chỉ đùa giỡn thôi sao? Các em phải nhận ra rằng đây là môn thể thao hàng đầu. Các em là các vận động viên. Sân thi đấu chỉ dài vài chục centimet nhưng đó vẫn là sân thi đấu của các em. Tất cả phải tìm được vị trí đứng, phải biết mình ở đâu. Trước tiên, chỉnh âm cho nhạc cụ của mình. Tiếp đến, hãy chỉnh âm cho cái tai của mình.”
Skye giải thích, điều quan trọng là đạt tới điểm cân bằng, nơi bạn có thể cảm nhận được các sai sót khi chúng xuất hiện. Để tránh sai lầm, trước tiên, bạn phải cảm thấy chúng ngay lập tức.
“Nếu nghe thấy một dây không đúng, chắc hẳn các em sẽ bực mình,” Skye nói với cả lớp. “Nó sẽ khiến các em rất bực mình. Đó chính là điều các em cần cảm thấy. Điều mà các em đang thật sự luyện tập là sự tập trung. Đó là một cảm giác. Cho nên, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc luyện tập cảm giác ấy.”
Bọn trẻ nhắm mắt lại và Skye chơi một nốt nhạc. Rồi cô vặn núm căng dây đàn đó lên một chút nữa, và âm thanh thay đổi. Trán bọn trẻ nhăn lại và nét mặt chúng chuyển thành cáu kỉnh, có vẻ muốn cô chỉnh lại dây đàn đó. Skye mỉm cười.
“Đó,” cô nói lặng lẽ. “Hãy nhớ điều đó nhé.”
Myelin là một thứ gì đó rất thầm kín. Không thể cảm nhận myelin đang phát triển dọc theo các sợi dây thần kinh như cách bạn cảm thấy tim và phổi của mình hoạt động mạnh hơn sau khi tập thể thao. Tuy nhiên, có thể cảm nhận được những chỉ báo của những cảm giác thứ cấp gắn liền với việc hình thành một kỹ năng mới – phiên bản “cảm giác bùng cháy” dành cho myelin.
Khi ghé thăm các trung tâm đào tạo tài năng, tôi đã hỏi mọi người những từ họ thường dùng để mô tả cảm giác của việc luyện tập hiệu quả nhất. Và đây là những gì họ đã nói:
Đây là một danh sách đặc biệt. Nó khơi gợi cảm giác vươn lên, rơi xuống một chút và lại vươn tới. Nó là ngôngôn ngữ của những nhà leo núi, mô tả một cảm giác theo từng bước bậc thang, lớn dần và được kết nối với nhau. Đó là cảm giác căng thẳng hướng tới một mục tiêu và trượt ngã một đoạn ngắn, điều được Martha Graham gọi là “sự bất mãn thiêng liêng”. Đó cũng là cảm giác được Glenn Kurtz viết trong cuốn Rèn luyện của mình: “Mỗi ngày, với từng nốt nhạc, rèn luyện cũng là một nhiệm vụ; là cử chỉ thiết yếu của con người – vươn tới một ý tưởng, tới sự vĩ đại của điều mà bạn khao khát và cảm nhận nó trượt ra khỏi tay bạn.”
Đó là cảm giác mang lại cho Robert Bjork nghĩ đến điểm nhạy cảm: một địa thế hữu ích, không hoàn toàn dễ chịu, nằm ngay cạnh rìa tới hạn của khả năng hiện tại của chúng ta, nơi những điều chúng ta vươn tới ở ngoài tầm tay. Tập luyện sâu không đơn giản là một cuộc vật lộn; nó còn là tìm kiếm một cuộc vật lộn đặc biệt, bao gồm một chu trình khép kín những hành động rõ ràng:
1. Chọn một mục tiêu.
2. Vươn tới mục tiêu.
3. Đánh giá khoảng cách giữa mục tiêu và tầm với.
4. Quay lại bước 1.
Xem xét những biểu hiện của nét mặt mà tôi đã nhìn thấy tại các vườn ươm tài năng, điểm nhạy cảm (hay còn gọi là điểm ngọt ngào) có lẽ nên được gọi là điểm vừa cay đắng vừa ngọt ngào thì chính xác hơn. Giống như những vị khách khác cũng có thể có được cảm giác này. Một trong những đặc tính hữu dụng nhất của myelin đó là nó cho phép bất kỳ mạch điện thần kinh nào cũng được bao bọc, thậm chíỉ cả những mạch điện của những trải nghiệm mà ban đầu chúng ta có thể không thích thú. Tại Meadowmount, giáo viên thường nhìn thấy các học sinh của mình phát triển khả năng cảm nhận quá trình tập luyện sâu. Ban đầu, chúng đều không thích. Nhưng rất nhanh chóng, học viên bắt đầu chịu đựng được và thậm chí còn thích thú tận hưởng trải nghiệm đó.
“Hầu hết những đứa trẻ đều tăng tốc độ rèn luyện tương đối nhanh,” giám đốc Owen Carmen của Meadowmount nói. “Tôi nghĩ đó là một bước ngoặt nội tại; bọn trẻ dừng việc tìm kiếm giải pháp bên ngoài và hướng tới cách giải quyết ở bên trong. Chúng bắt đầu có được khái niệm về cái gì có hiệu quả, cái gì không. Bạn không thể làm giả điều đó được, bạn cũng không thể vay mượn, ăn cắp hay mua nó. Đó là một tuyên bố trung thực.”
Giáo viên tại Meadowmount luôn quan sát học viên một cách chăm chú để nhận ra dấu hiệu này: những chữ viết nguệch ngoạc khó đọc trên bản nhạc, một cuộc trò chuyện căng thẳng và mới mẻ, một thái độ sùng kính trong một buổi tập khởi động thông thường.
Sally Thomas, giáo viên violin, lại quan sát sự thay đổi trong dáng đi của học sinh. “Bọn trẻ tỏ ra khoe mẽ với dáng đi oai vệ,” Thomas nói. “Nhưng chỉ một lát sau, chúng không còn dáng vẻ ấy nữa. Đó là một dấu hiệu tốt.”
Một ví dụ quy mô lớn cho hiện tượng này diễn ra tại các trường học ở Nhật Bản. Theo một nghiên cứu năm 1995, một nhóm thử nghiệm gồm các học sinh lớp 8 của Nhật dành khoảng 44% thời gian trên lớp để phát kiến, suy nghĩ và chủ động xoay xở với những khái niệm cơ bản. Trong khi đó, nhóm học sinh của Mỹ dành ít hơn 1% thời gian trên lớp để làm những việc này. “Người Nhật muốn những đứa trẻ của họ phải tự xoay xở,” Jim Stigler, giáo sư tại UCLA, người phụ trách cuộc nghiên cứu và là đồng tác giả cuốn Khoảng trống trong việc dạy học viết cùng với James Hiebert, đã nói. “Đôi khi, giáo viên [Nhật] sẽ đưa ra những câu trả lời sai có chủ ý để bọn trẻ có thể vật lộn với những kiến thức lý thuyết. Trong khi đó, giáo viên Mỹ lại làm việc như những người bồi bàn. Mỗi khi có một vấn đề cần phải xoay xở mới giải quyết được, họ đều muốn nhanh chóng giúp học sinh vượt qua và đảm bảo cả lớp học tập một cách suôn sẻ. Nhưng bạn sẽ không thể học hỏi bằng cách vượt qua khó khăn một cách suôn sẻ được.”
Trong tất cả những hình ảnh có thể diễn đạt được cảm nhận của tập luyện sâu, hình ảnh mà tôi ưa thích là những đứa bé loạng choạng tập đi. Có một câu chuyện như thế này: vài năm trước, một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ và Na-uy tiến hành một khảo nghiệm để xem điều gì khiến những đứa trẻ tập đi tiến bộ nhanh. Họ khám phá ra rằng, yếu tố then chốt không phải là chiều cao, cân nặng, độ tuổi, sự phát triển của não bộ hay bất kỳ kiểu giengen bẩm sinh nào mà là (thật ngạc nhiên!) lượng thời gian chúng dùng để kích hoạt các mạch điện thần kinh và cố gắng bước đi.
Tuy khám phá này có thể hỗ trợ cho luận điểm của chúng ta nhưng tác dụng thực sự của nó là vẽ ra một bức tranh rực rỡ về cảm giác mà tập luyện sâu mang lại. Nói ngắn gọn, đó là cảm giác của đứa trẻ đang lẫm chẫm tập đi, vụng về, lảo đảo nhưng chăm chú tiến lên và ngã xuống. Đó là một cảm giác không vững chắc, gây hoang mang mà bất kỳ người có óc xét đoán nào cũng tìm cách tránh né theo bản năng. Nhưng những đứa bé duy trì được trạng thái này càng lâu – chúng càng sẵn sàng chịu đựng và cho bản thân được phép thất bại – thì chúng càng tạo ra nhiều myelin hơn và càng thu được nhiều kỹ năng hơn. Những đứa bé tập đi là hiện thân của bản chất sâu xa nhất của tập luyện sâu: để đạt được một điều gì đó tốt đẹp, rất cần sự sẵn sàng, thậm chí là hăng hái mắc lỗi. Cách những đứa bé tập đi chính là cách đạt được kỹ năng một cách vinh quang.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.