Ngầm
Chương 02 – Part 02
Rồi, sau một tuần nghỉ hồi tháng Tám, tôi cảm thấy có một sự thay đổi đáng chú ý. Tôi cảm thấy dễ chịu khi đi tàu điện ngầm. Đầu tôi không nhức tệ như trước. Có thể thời gian nghỉ việc đã làm dịu bớt căng thẳng. Mấy ngày đầu trở lại với công việc thì khá lắm, nhưng được một tuần thì đâu lại hoàn đó. Lại đau đầu.
Vào một ngày tháng Tám, tôi phải mất ba giờ mới đến được văn phòng. Tôi phải nghỉ suốt dọc đường cho tới khi cơn đau lắng xuống; nhưng khi tôi lên tàu nó lại bùng lên, thế là tôi lại phải nghỉ – liên tục như thế. Tôi đến văn phòng thì đã 10 giờ rưỡi!
Tôi lại đi gặp một bác sĩ tâm lý, Bác sĩ Nakano ở Bệnh viện Thánh Luke. Tôi kể bệnh sử và triệu chứng cho đến thời điểm đó và ông ta nói, “Tuyệt đối hết hy vọng! Ông làm việc kiểu này là tự sát!” Ông không hề dè lời. Sau đó tôi đến gặp ông một tuần hai lần để tư vấn. Tôi uống thuốc an thần, thuốc ngủ – cuối cùng đêm tôi đã ngủ được.
Tôi lại phải nghỉ việc thêm ba tháng nữa, suốt thời gian đó tôi vẫn đi tư vấn và uống thuốc. Ông thấy đấy, tôi bị cái gọi là rối loạn stress hậu chấn thương [PTSD]. Trường hợp điển hình bao gồm từ các cựu chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam đến những nạn nhân vụ động đất ở Kobe. Đó là do bị sốc nghiêm trọng. Ở trường hợp của tôi, trong bốn tháng sau vụ đánh hơi độc, tôi ép mình làm việc suốt ngày, tự vắt kiệt mình, khiến cho stress càng thêm chồng chất. Căng thẳng chỉ dịu đi nhờ kỳ nghỉ hè hồi tháng Tám đó.
Hình như rất hiếm khi chữa khỏi hoàn toàn chứng PTSD. Trừ phi ông xua sạch hết mọi ký ức kia đi, chứ không thì các vết sẹo tâm lý vẫn còn đó. Nhưng ký ức đâu có dễ xóa như thế. Ông chỉ có thể làm được mỗi một điều là cố gắng bớt stress và không lao động quá sức.
Chuyện đi làm bằng tàu điện ngầm vẫn là cứ gay go. Một giờ trên tàu từ Koiwa, rồi đổi tàu ở Hamamatsucho sang tàu một đường ray, dần dà đầu tôi lại nặng trĩu. Trông bề ngoài tôi chắc chắn vẫn ổn, nhưng rồi chẳng ai hiểu cho chứng đau này của tôi, khiến tôi gặp khó khăn gấp đôi khi làm việc. Tuy vậy, sếp tôi khá đúng mực, ông thông cảm: “Nếu không phải vì tôi đã lên một chuyến tàu khác,” ông nói, “có thể tôi cũng đã bị như anh.”
Một dạo sau vụ đánh hơi độc, khi ngủ ở bệnh viện, tôi đã có những ác mộng hãi hung. Tôi nhớ nhất giấc mơ trong đó tôi bị một người lôi ra khỏi giường bệnh bên cửa sổ rồi kéo lê đi khắp phòng. Hoặc tôi trở mình và thấy một người đã chết đứng ở đấy. Vâng, khi ngủ mê, tôi hay gặp người chết.
Tôi cũng hay ngủ mê thấy mình là một con chim bay trên trời nhưng rồi bị bắn rơi. Bằng tên hay đạn, tôi không biết. Tôi bị thương nằm trên mặt đất và bị xéo giẫm cho đến chết – các giấc mơ như vậy đó. Đầu tiên sung sướng bay qua bầu trời, nhưng rồi là ác mộng.
Về đám tội phạm, điều mà tôi cảm thấy là một cảm giác vượt lên trên thù ghét hay tức giận. Tức giận thôi thì quá dễ dàng cho chúng… Tôi chỉ mong chúng bị xử lý càng sớm càng tốt – tôi chỉ biết nói vậy thôi.
Tôi phỏng vấn ông Ohashi đầu tháng Giêng năm 1996, nhưng cuối tháng Mười lại gặp ông. Tôi tò mò xem ông đã khá hơn lên thế nào. Ông vẫn khổ sở vì đau đầu và cảm giác đờ đẫn.
Đồng thời vấn đề trước mắt của ông là chuyện ông đã phải thôi phần lớn công việc từng làm tại công ty. Một tuần trước cuộc phỏng vấn thứ hai, sếp của ông đã gọi ông vào văn phòng và nói, “Trong lúc này, để lấy lại sức, sao anh không sống thoải mái hơn và làm công việc gì đó không đòi hỏi chi tiết tỉ mỉ lắm nhỉ?” Sau khi bàn bạc, họ đã quyết định trưởng phòng cấp trên sẽ chịu trách nhiệm làm phần việc trưởng phòng kinh doanh của ông Ohashi.
Dù sao đi nữa thần sắc da dẻ Ohashi nom đã đỡ hơn nhiều. Nay ông đi từ nhà ở khu Edogawa đến phòng khám của bác sĩ Nakano ở trung tâm Tokyo bằng xe máy (tàu điện ngầm vẫn làm ông đau đầu). Ông đi xe đạp đến chỗ phỏng vấn. Ông có vẻ trẻ hơn và nhiều sức sống hơn trước. Ông thậm chí còn cười. Nhưng như bản thân ông nói, cái đau là vô hình và chỉ kẻ bị đau mới biết.
Từ tháng Hai, tôi đến văn phòng lúc 8 rưỡi, về nhà khoảng 3 giờ. Tôi bị đau đầu suốt ngày. Nó đến từng đợt: dội lên lại rút đi. Lúc này tôi cũng đang đau đây và chắc là phải kéo dài lâu một chút. Cảm thấy như có một sức nặng đè trĩu xuống, ôm lấy đầu tôi, váng vất như sau khi tỉnh rượu, hôm nào cũng vậy suốt ngày.
Trong một hay hai tuần cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín, cơn đau đặc biệt tệ hại. Tôi chỉ qua được nhờ thuốc chống nhức đầu và các túi nước đá. Sếp tôi bảo tôi chỉ cần làm buổi sáng rồi về nhưng bệnh đau đầu không khá hơn được chút nào. Nó đã trở thành mãn tính nhưng tôi đã quen với nó. Bây giờ nó đang ở đây, bên trái, nhưng các hôm khác, nó lại ở bên phải hay khắp cả đầu.
Năm nay tôi đang xây dựng một hệ thống xử lý dùng để đánh giá việc sửa chữa xe dựa trên hai chục năm kinh nghiệm của mình. Giá mà màn hình máy tính đơn sắc, chỉ là một màu xanh lá cây – ba bốn màu cũng đủ làm mắt tôi nhức rồi. Cũng khó nhìn chăm chú. Nếu tôi đang nhìn một đằng, có ai gọi mà tôi đột ngột quay lại thì sẽ thấy như một cái búa tạ nện vào vậy. Chuyện này xảy ra suốt – đau nhói ở đáy mắt. Tựa như tôi đang bị xiên. Khi cơn đau tệ hại quá, đã có những lúc tôi nghĩ nên tự sát. Tôi gần như nghĩ tốt hơn là chết quách đi cho rồi.
Tôi đã đến gặp các chuyên gia mắt, nhưng họ không tìm được ra bệnh. Chỉ một bác sĩ bảo tôi: “Nông dân đôi khi cũng bị thế.” Hình như việc pha trộn các loại phân hữu cơ đã làm hại thần kinh họ, gây nên các triệu chứng tương tự.
Nhưng rồi mùa hè cũng qua và chứng đau đầu vẫn đang giết tôi. Công ty vẫn để tôi làm việc nhưng tôi đã thôi gánh các trách nhiệm quản lý. Sếp tôi bảo một vị trí công việc áp lực cao sẽ có hại cho thể lực tôi, nhưng sự đối xử đặc biệt này lại dẫn đến các kết quả là tôi cảm thấy cực kỳ khó thể hiện vai trò một doanh nhân đang độ sung sức. Tôi cảm ơn họ đã muốn cho tôi thư thả, và sau vụ hơi độc, tôi đã làm việc hăng hơn bình thường. Không muốn phiền công ty, tôi giữ bí mật bệnh đau đầu của mình, và đúng, làm việc quá sức, nhưng tôi không phải là kiểu người có thể cứ ngồi ườn ra đấy.
Thành thật mà nói, vị trí hiện nay của tôi rất nhàn nhã. Họ thậm chí còn chuyển bàn làm việc của tôi đi. Tôi đến văn phòng mà chẳng có mấy việc phải làm. Tôi ngồi một mình tập hợp mấy mẩu giấy, việc ai cũng có thể làm. Nhưng đã có được ngần ấy kinh nghiệm đến giờ, tôi không thể cứ thế mà không làm việc được.
Đôi khi tôi nghĩ ra các kiến nghị của mình, bất cần chúng có nên cơm cháo gì không. Dù vậy, nói một cách thực tế, chừng nào còn không biết chứng đau này có hết hẳn không thì không biết tôi sẽ phải tiếp tục sống như thế này đến bao giờ, tôi không thể nhìn thấy tương lai. Bây giờ tôi vẫn làm việc từ sáng đến trưa và rồi kiệt sức.
Vì phải trợ cấp tai nạn cho tôi, họ đã cắt tiền thưởng của tôi xuống chỉ còn 2,5 triệu Yên một năm, đối với tôi thì thật là một sức ép về mặt tài chính. Các khoản tiền thưởng thực sự rất quan trọng với một người làm thuê ăn lương. Chúng bù vừa xoẳn vào những thiếu hụt hàng tháng. Tôi vừa xây xong một ngôi nhà mới và đó là món nợ sẽ phải trả ba chục năm mới hết. Lúc trả xong thì tôi đã 70 tuổi rồi.
Tôi biết nhìn bề ngoài thì tôi không có vẻ gì là người bị đau đớn triền miên, nhưng hãy tưởng tượng là ngày này qua ngày khác ông phải đội một cái mũ bảo hiểm bằng đá nặng trịch mà xem. Với người khác, tôi ngờ là nó không có ý nghĩa gì nhiều cho lắm. Tôi cảm thấy rất lẻ loi. Nếu tôi bị mất một cánh tay, hay phải chịu sống kiểu thực vật, chắc người ta còn có thể thông cảm hơn. Giá mà tôi chết được thì sẽ dễ dàng hơn biết mấy. Những chuyện này không phải chỉ là nói nhăng đâu. Nhưng khi nghĩ đến gia đình, tôi lại phải tiếp tục…
“Hôm ấy và chỉ có hôm ấy tôi mới lên cửa đầu tiên”
Soichi Inagawa (64)
Mái tóc muối tiêu của ông Inagawa hơi thưa nhưng được chải đâu ra đấy. Má ông đỏ, tuy ông không mập lắm. Hơn mười năm trước ông bị tiểu đường và từ dạo ấy phải ăn kiêng. Nhưng ông vẫn có bạn rượu và đặc biệt thích rượu sake.
Ông mặc một bộ complet gồm cả gilê màu xám than đá được là ủi cẩn thận, nói năng rõ ràng, ngắn gọn. Có thể nói ông tự hào về cuộc đời lao động đến nay của bản thân mình, làm việc qua hết các thập niên sau chiến tranh của Nhật Bản.
Ông sinh ra ở Kofu, thủ phủ một tỉnh miền núi, cách Tokyo hai giờ đồng hồ về phía Tây. Năm 1949, sau khi tốt nghiệp một trường trung học dạy nghề dành cho thợ điện, ông đến làm ở một công ty xây dựng ở Tokyo. Theo thời gian, ông chuyển từ công trường xây dựng lên làm ở văn phòng và ở tuổi 60 ông về hưu với chức Giám đốc Bộ phận Kinh doanh. Ông được mời làm nhiều việc khác nhưng “tôi bất chợt thấy chán ngấy các sếp.” Ông và hai người bạn cùng tuổi quyết định mở công ty riêng bán thiết bị chiếu sáng. Văn phòng đặt ngay ở bên trên ga Shin-nakano.
Công việc làm ăn đều đều tuy không bận lắm. “Nhưng vẫn cảm thấy thế là hay vì không phải trả lời ai khác cả.” Ông và vợ sống ở Ichikawa, bên kia vịnh Tokyo về phía Đông, tại quận Chiba. Hai con của ông bà đã ra ở riêng và ông bà có ba cháu, đứa bé nhất ra đời sau vụ đánh hơi độc một tháng.
Ông luôn đeo hai cái bùa may mắn mà vợ ông đưa cho – nhưng không phải vì ông thực sự tin mấy chuyện đó…
° ° °
Tôi rời nhà lúc 7 giờ 25 và đến công ty lúc 8 giờ 40. Giờ làm việc thường bắt đầu từ 9 giờ nhưng vì đây là công ty của mình, nên tôi không nghiêm ngặt lắm về chuyện này.
Ngày 20 tháng Ba, tôi lên tàu và kiếm được một chỗ ngồi từ ga Ochinomizu. Tôi đổi tàu ở Shinjuku sang tuyến Marunouchi và một lần nữa lại xoay được một chỗ ngồi. Tôi luôn lên toa thứ ba tính từ đầu tàu xuống.
Hôm ấy tôi ngồi ghế thứ nhất của toa thứ ba. Rồi tôi trông thấy một vũng nước ở quãng giữa các hàng ghế. Cái vũng đó đang lan ra, như thể chất lỏng gì đó vừa rỉ ra. Nó có màu của bia và có mùi kỳ cục. Đúng hơn là nó có mùi thum thủm nên tôi mới để ý tới.
Hôm ấy tàu vắng đến ngạc nhiên. Không ai phải đứng và chỉ có vài người ngồi. Bây giờ nghĩ lại thì thấy chắc là cái mùi kia đã khiến họ tránh xa.
Một điều làm tôi nghĩ ngợi: có một người người một mình ngay bên vũng nước. Khi lên tàu tôi ngỡ ông ta đang ngủ, nhưng dần dần dáng ngồi của ông ta cứ trượt đi thành một thư thế rất buồn cười. “Lạ thật, ông ta ốm hay sao thế?” Rồi ngay trước khi đến Nakano-sakaue, tôi nghe thấy thịch một tiếng. Đang đọc sách, tôi ngước lên nhìn thì thấy người đàn ông đã ngã lăn ra khỏi ghế và đang nằm ngửa trên sàn xe.
“Thật khủng khiếp,” tôi nghĩ, cố đánh giá tình hình. Tàu đã gần vào ga. Cửa toa vừa mở đánh soạt, tôi đã vội nhảy ra. Tôi muốn gọi người giúp, nhưng một thanh niên trẻ đã chạy ngang qua tôi về phía trước thềm ga gọi nhân viên nhà ga.
Có một phụ nữ ngồi ở bên kia người đàn ông ngã trên sàn toa và hình như bà ấy cũng đang nằm bẹp gí. Bà quãng chừng bốn hay năm chục tuổi. Tôi rất tồi khi đoán tuổi phụ nữ. Tóm lại là một phụ nữ trung niên. Người đàn ông thì đã khá già. Nhân viên nhà ga cố kéo người đàn ông ra khỏi toa, rồi một người nữa chạy đến, nâng người phụ nữ dậy, đưa bà ta ra ngoài, nói: “Bà có sao không?” Tôi chỉ còn biết đứng trên thềm ga nhìn.
Trong khi đó, một nhân viên nhà ga đã nhặt lên một gói chất lỏng và mang ra đặt trên thềm ga. Không ai biết đó là sarin, chỉ nghĩ là một vật khả nghi phải đem đi hủy. Rồi tôi lại lên tàu và tàu lại chạy. Tôi phải xuống toa dưới vì không muốn ở lại nơi có cái mùi lạ lùng kia. Tới ga sau, Shin-nakano, tôi xuống xe.
Nhưng rồi khi đang đi dọc con đường ngầm dưới đất thì tôi bắt đầu khụt khịt, “Quái,” tôi nghĩ, “mình bị cảm hay sao thế này?” Điều tiếp theo mà tôi biết là tôi hắt hơi và ho, rồi mọi vật bắt đầu mờ đi trước mắt. Tất cả xảy ra gần như cùng một lúc. “Thế này thì lạ quá,” tôi nghĩ vì vẫn cảm thấy mình rất ổn. Tôi vẫn nhanh nhẹn và tỉnh táo. Tôi vẫn đi bộ được.
Tôi đi thẳng đến văn phòng, nó ở ngay bên trên nhà ga, nhưng mắt tôi vẫn mờ, mũi vẫn chảy thò lò và tôi vẫn ho như điên. Tôi bảo họ, “Tôi thấy không ổn lắm. Chắc tôi phải nằm một lúc,” rồi ngả xoài ra trên sofa, đắp khăn mặt lạnh lên mắt. Một đồng sự nói khăn nóng sẽ tốt hơn nên tiếp đó tôi thử đắp khăn nóng và nằm ở đấy một giờ, chườm ấm mắt lên. Rồi ông biết sao không: mắt tôi lại tốt như mới vậy. Tôi lại nhìn thấy trời xanh. Trước đó thì trời tối như đêm, chả cái gì có màu sắc cả.
Tôi làm việc như không có gì xảy ra, rồi vào quãng 10 giờ, vợ tôi gọi điện đến nói: “Vừa có vụ rắc rối to trên tàu điện ngầm, ông có sao không?” Không muốn làm vợ lo, tôi nói, “Tôi không sao. Không thể nào tốt hơn.” Đúng, ít nhất mắt tôi vẫn ổn.
Lúc ăn trưa, tôi tình cờ xem tivi ở một tiệm mì soba. Thật là hỗn loạn! Ban sáng tôi có nghe thấy còi cấp cứu hú ở gần nhưng không để ý. Tivi nói rằng nạn nhân nhìn mọi thứ tối sầm và điều đó khiến tôi giật mình, nhưng tôi vẫn chưa nghĩ việc thị lực của tôi kém đi có liên hệ gì với cái túi có mùi lạ kia.
Tôi đến bệnh viện Đa khoa Nakano khám mắt. Vừa thấy đồng tử tôi co lại, họ liền tiêm cho tôi một mũi kháng độc và truyền dịch. Thử máu cho thấy mức cholinesterase của tôi đang hạ. Họ cho tôi nằm viện tắp lự, khi nào mức cholinesterase trở lại bình thường tôi mới được ra viện. Tôi gọi điện báo với công ty: “Chuyện là thế đấy và tôi phải nằm viện không biết bao lâu. Xin lỗi đã làm phiền anh nhưng anh có thể cho xếp dọn lại bàn làm việc của tôi được không?” Tôi cũng gọi về nhà và vợ tôi mát mẻ, “Sao lúc nãy bảo không thể nào tốt hơn?”[cười]
Tôi ở bệnh viện sáu ngày và trong thời gian đó không thấy đau đớn mấy. Sarin ở ngay bên cạnh tôi mà các triệu chứng của tôi lại nhẹ đến kỳ lạ. Chắc tôi đã ở ngược chiều gió. Gió thổi dọc từ đầu xuống đuôi toa, nên nếu tôi ngồi ở đằng cuối, dù cửa chỉ mở ở vài chặng đỗ thôi thì tôi cũng gay go to rồi. Tôi cho rằng ông có thể gọi cái đó là Số.
Sau đó, tôi không sợ đi tàu điện ngầm. Ngủ cũng không gặp ác mộng. Có thể tôi là kẻ óc bã đậu và da trâu. Nhưng tôi thực sự thấy đó là cái Số. Thông thường tôi không lên tàu qua cửa toa thứ nhất sát đầu tàu đâu. Tôi quen lên cửa thứ hai, nếu vậy tôi đã ở xuôi chiều gió mang theo sarin rồi. Nhưng hôm ấy và chỉ hôm ấy tôi mới lên cửa đầu tiên, chẳng vì lý do gì đặc biệt hết. Thuần túy tình cờ. Cho đến nay trong đời tôi chưa bao giờ thấy bàn tay của Số mệnh ban cho ân huệ – nhưng cũng không nguyền rủa, chỉ là không có gì hết. Tôi đã sống một kiểu cuộc đời đại khái là tẻ nhạt, bình thường… thế rồi một cái gì đó như thế này đã đến.
“Tôi mà không ở đấy thì sẽ có người khác nhặt mấy cái gói ấy lên thôi”
Sumio Nishimura (46)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.