Ngầm
Chương 02 – Part 03
Ông Nishimura là viên chức của Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm làm việc tại ga Nakano-sakaue. Chức danh của ông là Trợ lý Khách vận. Hôm xảy ra vụ hơi độc, ông là người đã dọn các gói sarin khỏi tàu chuyến Marunouchi.
Ông Nishimura sống ở quận Saitama. Ông vào làm ở ngành tàu điện ngầm này là nhờ một người bạn can thiệp. Những nghề liên quan đến đường sắt được coi là “chiến”, rất được trọng vọng ở nông thôn, nên khi đỗ kỳ thi tuyển nhân viên năm 1967 ông vui khôn tả.
Với tầm vóc trung bình, ông thuộc tuýp người khá gầy gò. Song thần sắc da dẻ ông lại tốt, ánh mắt điềm đạm và chăm chú. Nếu tình cờ ngồi bên ông trong một quán bar, tôi chắc cũng không đoán được ông làm nghề gì. Nhưng chắc không phải công việc bàn giấy – cái đó thì thấy rất rõ – hẳn ông là người tiến lên bằng lao động vất vả ngoài trời, một người tự lực. Nhìn kỹ thì mặt ông cho thấy rõ công việc hàng ngày của ông đầy áp lực. Nên một chai sake với bạn bè sau giờ làm việc là niềm vui thật sự của ông.
Ông Nishimura vui lòng nhận lời kể câu chuyện của mình, dù rõ ràng là thật bụng ông không muốn nói lại vụ đánh hơi độc. Hay, như ông nói: “tốt hơn là không đụng đến nó.” Đó là một sự kiện kinh hoàng với ông, dĩ nhiên, một ác mộng mà ông thà quên đi. Điều này không chỉ đúng với ông Nishimura mà có lẽ còn với tất cả bộ phận điều hành tàu điện ngầm. Giữ cho hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo hoạt động đúng giờ không trục trặc, không sự cố là mục tiêu chủ yếu ở mỗi phút trong ngày của họ. Họ không muốn nhắc lại cái ngày mọi sự rối tung lên một cách khủng khiếp ấy. Điều này làm cho việc lấy bất cứ lời khai nào của các nhân viên tàu điện ngầm khó khăn hơn. Nhưng đồng thời họ cũng không muốn vụ đánh hơi độc bị lãng quên hay các đồng nghiệp của họ chết uổng. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến ông vì đã hợp tác đóng góp lời chứng vô giá này của mình.
° ° °
Trong ngành tàu điện ngầm của chúng tôi có ba mảng luân phiên: ca ngày, ca suốt ngày đêm và ngày nghỉ. Suốt ngày đêm là ca 24 giờ từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối hôm sau. Dĩ nhiên không ai bắt chúng tôi thức suốt ngày đêm. Chúng tôi có những quãng nghỉ ngơi giữa ca trong một phòng nghỉ nhỏ có giường nằm. Sau đó chúng tôi được một ngày nghỉ rồi lại đi làm ca ngày. Mỗi ngày có hai ca hai mươi tư giờ và hai ngày nghỉ.
Làm ca suốt ngày đêm thì buổi sáng sau ca trực chúng tôi không được đi đâu hết. Giờ cao điểm là khoảng từ 8 giờ đến 9 rưỡi, nên chúng tôi phải làm thêm. Buổi sáng ngày 20 tháng Ba ấy là buổi sáng sau ca suốt ngày đêm của tôi và tôi ở lại làm nhiệm vụ “dự phòng giờ cao điểm”. Đó là lúc xảy ra vụ đánh hơi độc.
Hôm ấy, thứ Hai, rơi vào giữa những ngày nghỉ lễ, lượng hành khách vẫn nhiều như thường lệ. Sau khi qua ga Kasumigaseki, các tàu tuyến Marunouchi đi hướng Ogikubo chợt vãn hẳn khách. Từ Ikebukuro đến Kasumigaseki, hành khách liên tục đổ lên tàu ồ ạt nhưng sau đó thì chỉ có người xuống chứ không có ai lên.
Dự phòng giờ cao điểm bao gồm việc theo dõi thao tác của nhân viên trên tàu: kiểm tra để đảm bảo không có gì bất thường, chuyện đổi kíp nhân viên tàu diễn ra yên ổn, tàu không bị muộn; thật ra là giám sát.
Tàu A777 đến Nakano-sakaue đúng giờ, lúc 8 giờ 26. Khi nó đỗ vào ga, một hành khách gọi một nhân viên nhà ga, anh này sau đó lại la lớn gọi một nhân viên ở thềm ga của đường chạy tàu tuyến Ikebukuro ở bên kia. “Sang bên này nhanh lên, có cái gì đó không ổn!”
Ở cách đó chừng ba chục mét cùng một thềm ga, tôi không nghe rõ anh ta nói gì lắm nhưng hình như có chuyện nên tôi chạy nhào tới. Ngay cả nếu anh ta báo có sự gì bất thường thật thì nhân viên kia cũng không thể nhảy qua mà sang, anh ta còn cách một đường ray nữa. Đó là lý do tôi qua chỗ đó. Vào toa thứ ba tính từ đầu tàu, qua cửa thứ ba gần cuối toa nhất, tôi trông thấy một ông chừng sáu lăm tuổi đang co quắp trên sàn toa. Đối diện ông, một bà chừng năm chục cũng trượt xuống khỏi ghế. Họ đang há hốc mồm ra thở gấp, bọt có màu máu hồng hồng sùi ra ở miệng. Nhìn là thấy ngay người đàn ông đã hoàn toàn bất tỉnh. Tôi vụt nghĩ, “A, một cặp tình nhân tự sát.” Nhưng cố nhiên là không phải, chỉ là một cảm tưởng thoáng qua. Người đàn ông sau đó chết. Còn người phụ nữ tôi nghe nói vẫn hôn mê.
Trên toa tàu ấy chỉ có hai người. Không một ai khác nữa. Người đàn ông trên sàn, người phụ nữ ở ghế đối diện và hai cái gói ở trước cánh cửa gần họ nhất. Vừa lên toa tôi đã nhận ra chúng. Túi chất dẻo chừng ba chục phân vuông, bên trong có chất lỏng. Một túi phình lên, một túi đã xẹp. Và cái chất lỏng trông có vẻ dinh dính đang chảy ra.
Trên tàu có mùi gì đó nhưng tôi thật không tả được ra. Thoạt đầu tôi bảo mọi người nó giống mùi dung môi pha sơn, nhưng thật ra nó giống mùi cái gì bị cháy nhiều hơn. Ôi trời, bất kể người ta có hỏi bao nhiêu lần tôi cũng không biết nói sao. Chỉ biết mùi đó rất khó chịu.
Các nhân viên khác đã mau chóng chạy đến và chúng tôi mang hai hành khách bị quỵ đó đi. Chúng tôi chỉ có một cái cáng nên khiêng người đàn ông trước rồi luồn tay xuống dưới lưng người phụ nữ đỡ bà ấy lên cho nằm xuống sân ga. Lúc đó cả lái tàu lẫn phụ tàu đều không hề biết có vụ này.
Vậy là chúng tôi đã giúp hai hành khách ấy xuống tàu và báo hiệu tàu đã sẵn sàng rời ga. “Mang bà ta ra,” chỉ cốt để cho tàu chạy tiếp. Ông không thể để một đoàn tàu dừng lại quá lâu. Không có thì giờ lau chùi sàn toa. Nhưng toa tàu cứ có mùi kỳ lạ, sàn toa lại ướt, cho nên chúng tôi phải bố trí người tới ga Ogikubo, nói, “Toa số 3 của A777 cần tẩy uế, bên các ông có thể lo vụ này được không?” Nhưng dần dần ai cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu, cả nhân viên lẫn hành khách. Lúc này khoảng 8 giờ 40.
Từ Nakano-sakaue đến Ogikubo có năm chặng đỗ. Tàu 777 đi chặng này hết mười hai phút. 777 là một tàu chạy hai chiều, chiều về sẽ được đánh số 877. Nhưng hành khách đi 877 cũng cảm thấy là lạ. Các nhân viên nhà ga lau chùi sàn toa ở Ogikubo – tôi nghĩ họ vẫn còn đang lau trong khi tàu quay đầu lại hướng này – và rồi chuyện gì xảy ra? Những ai lau đều cảm thấy khó chịu. Hành khách đi từ Ogikubo đến Shin-koenji cũng thế. Suy nghĩ cứ thế tự đến: “Tàu này có gì đó bất thường.”
Để xem nào, lúc này tôi nghĩ có khá nhiều hành khách đã lên tàu ở Ogikubo. Hầu hết ghế đều đã có người ngồi, vài người đang đứng. Biết lần này thì phải kiểm tra tàu cho nên chúng tôi chờ 877 đến Nakano-sakaue lúc 8 giờ 53. Nhưng đến Shin-koenji thì họ cho nó ngừng hoạt động.
Thế đó, sau khi chúng tôi mang hai hành khách ra, tôi lấy tay nhặt hai gói chất dẻo đựng sarin rồi để chúng lên ke. Chúng là những túi chất dẻo loại vuông vuông, dùng để đựng dịch truyền. Tôi đi găng tay nylon trắng, giống như vẫn luôn mang khi làm nhiệm vụ tuần tra. Tôi tránh chạm vào các chỗ ướt.
Tôi cho là người đàn ông và người phụ nữ đã dùng mấy thứ đó để tự sát nên nghĩ, “Đây là những thứ nguy hiểm, tốt hơn là báo cảnh sát.” Thấy tờ báo giắt vào khe giá trên các ghế, tôi túm lấy và đặt các gói sarin lên trên rồi nhấc cả đùm xuống sân ga. Tôi đặt cái đùm ấy cạnh một cái cột. Một nhân viên đi ra mang theo túi nylon trắng giống như túi đựng hàng ở siêu thị. Chúng tôi nhét hết mấy gói sarin vào đó, rồi buộc cái túi trắng lại. Người nhân viên mang nó đến văn phòng nhà ga và để nó ở đấy. Tôi không nhìn thấy nhưng hình như anh ta đặt nó vào trong một cái thùng ở gần cửa.
Rất nhanh sau đó hành khách bắt đầu kêu ca cảm thấy không khỏe, cho nên chúng tôi đưa họ vào văn phòng; và giờ thì không chỉ họ mà nhiều nhân viên nhà ga cũng thấy khó chịu. Cảnh sát rồi người bên cứu hỏa đến hỏi tình hình rồi mau chóng nhận thấy có chuyện gì đó không ổn. Lúc này chúng tôi đem cái túi trắng ra ngoài. Nếu tôi nhớ không lầm thì cảnh sát đã tiêu hủy chúng ở đâu đó rồi.
Khi đã đi đến văn phòng để gọi điện thoại, tôi thật sự không nhận thấy trong mũi tôi đang chảy nước còn mắt thì bị làm sao đó. Không đau, chỉ mờ tịt và nhoi nhói. Tôi không thể nhìn rõ được. Nếu tôi cố tập trung thì mắt đau như điên. Khi nhìn loanh quanh thì vẫn thấy lờ mờ nhưng nhìn tập trung vào một cái gì thì đau. Một lúc sau, tôi thấy ánh đèn huỳnh quang và mọi thứ khác đều lóe rực lên.
Khoảng 8 giờ 55, tôi bắt đầu thấy choáng váng vì ánh sáng chói lòa và chừng 9 giờ, tôi vào buồng tắm rửa mặt rồi vào buồng ngủ nằm một lát. Vì vụ hơi độc xảy ra trên tuyến Hibiya sớm hơn, nên vào quãng này chúng tôi đã có thông tin về các vụ khác ở các nơi khác. Ai cũng hoảng hồn. Kênh tivi nào cũng chiếu vụ này.
Tôi cảm thấy mệt mỏi nên rời nhà ga. Xe cứu thương phóng quanh giao lộ chỗ ga Nakano-sakaue, vội như ma đuổi, để dồn quay hết đám người bệnh chở đi. Khó mà tìm ra được cái xe cứu thương nào nữa để chở tôi. Thậm chí họ còn dùng cả xe van của cảnh sát Đặc nhiệm Cơ động làm xe cứu thương. Ông biết đấy, loại xe có những lá chắn bằng dây thép ấy. Họ mang tôi đi bằng một trong những xe đó. Quãng 9 giờ rưỡi tôi đến bệnh viện. Sáu nhân viên ga Nakano-sakaue đã được đem đến bệnh viện và hai người phải nằm lại, trong đó có tôi.
Ở Bệnh viện Đa khoa Nakano họ đã biết nguyên nhân rất có thể là sarin nên điều trị cho tôi theo ngả ấy: rửa mắt, lập tức truyền dịch. Tôi phải viết tên và địa chỉ của mình vào sổ đăng ký nhưng chẳng nhìn thấy gì mà viết cả nên đành không nhìn mà cố sức nguệch ngoạc ra vài nét.
Cuối cùng tôi phải nằm viện sáu ngày. Ngày 20 tháng Ba đúng là một ngày mệt nhọc. Tôi mệt rã rời, không mang theo thứ gì vào viện ngoại trừ bộ quần áo đang mặc trên người, làm đủ thứ xét nghiệm này nọ. Cholinesterase trong máu tôi xuống thấp khác thường. Mất đến ba bốn tháng truyền máu liên tục để đưa nồng độ cholinesterase trở lại bình thường, và cho đến lúc đó thì đồng tử tôi vẫn không mở ra bình thường được. Trường hợp co đồng tử ở tôi tệ hơn những người khác. Đến tận khi tôi ra viện nó vẫn co. Cứ nhìn vào đèn là tôi lại phải nheo mắt vì chói.
Vợ tôi lao vội đến bệnh viện, nhưng thực tình tôi đâu có ở tình trạng nguy cấp lắm. Không có triệu chứng cực kỳ nghiêm trọng hay gì cả. Trước đó tôi cũng không ngất xỉu. Chỉ là mắt tôi đau và mũi tôi chảy nước, thế thôi.
Dù vậy đó vẫn là những đêm gay go ở bệnh viện. Nằm đấy, cảm thấy cả người lạnh như băng. Tôi không biết chuyện này có thật hay mê nhưng muốn gì thì nó cũng rất sống động với tôi: tôi đã toan bấm nút gọi y tá, nhưng không bấm nổi. Tôi đau đớn, rên rỉ. Chuyện đó xảy ra hai lần. Giật mình tỉnh dậy, cố bấm nút nhưng không thể.
Xét đến việc tôi từng dùng tay xách các gói sarin thì việc tôi thoát chết với những triệu chứng nhẹ như thế này đã là may mắn lắm rồi. Hay có thể nó liên quan gì đó đến hướng gió trong đường hầm. Chắc nó liên quan cả đến cách tôi nhặt các gói lên, nhặt thế nào đó mà tôi không hít trực tiếp phải hơi độc vì những người ở nhà ga khác cũng nhặt các gói ấy giống như cách của tôi nhưng lại thiệt mạng. Tôi là kẻ khỏe uống rượu và mấy tướng ở văn phòng bảo chính điều đó đã cứu tôi. Bảo rằng như thế tôi sẽ khó trúng độc hơn. Có thể là thế, biết đâu đấy.
Tôi chưa từng nghĩ rằng có thể mình đã chết ở đó và lúc đó. Tôi ngủ ngày, không thể xem tivi. Ban đêm, tôi chán đến phát ốm vì không có gì để làm nhưng may sao, cái đau thể xác nó bỏ đi sớm nên tôi không bị trầm cảm hay gì đó. Ngày 25 tháng Ba tôi được ra viện rồi tôi nghỉ ở nhà đến mồng 1 tháng Tư; sau đó tôi trở lại với công việc. Tôi đã ngán việc cứ loanh quanh ở nhà, nên nghĩ đã đến lúc ra ngoài làm việc.
Nói thật là, thoạt đầu tôi không cảm thấy giận gì mấy kẻ gây tội ác của Aum. Khi ông đã là nạn nhân thì chuyện ai là thủ phạm sẽ không quan trọng nữa. Nếu ai đánh ông cơ thì ông sẽ biết đáp trả lại như thế nào. Nhưng khi nhiều chuyện hơn được làm sáng tỏ, dĩ nhiên tôi đã tức điên lên. Tấn công không phân biệt vào người dân vô phương tự vệ, điều đó thật không thể tha thứ. Vì chúng, hai đồng nghiệp của tôi đã mất đi mạng sống. Nếu đưa đám tội phạm ấy đến trước mặt tôi, không biết liệu tôi có thể đừng mà không đánh cho chúng nhừ tử không. Tôi nghĩ chắc chắn lũ tội phạm ấy nên bị án tử hình. Có những người vẫn đang lập luận đòi bỏ án tử hình, nhưng sau tất cả những gì chúng đã làm thì ân xá cho chúng thế nào được đây?
Về chuyện nhặt các gói sarin lên, lúc ấy tôi chỉ là tình cờ ở đấy. Tôi mà không ở đấy thì sẽ có người khác nhặt mấy cái gói ấy lên thôi. Làm việc có nghĩa là ông hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông không thể nhìn nhận theo cách khác được.
“Tôi đau nhưng vẫn mua sữa như thường”
Koichi Sakata
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.