Ngầm
CHƯƠNG 2: TÀU ĐIỆN NGẦM THỦ ĐÔ TOKYO:-♦-TUYẾN MARUNOUCHI-♦-(Nơi đến: Ogikubo)-♦-TÀU A777-
Nhóm của Ken’ichi Hirose và Koichi Kitamura rải sarin trên tàu tuyến Marunouchi đi về phía Tây đến Ogikubo.
Sinh ở Tokyo năm 1946, năm ấy Hirose 30 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trung học Waseda, một trường dự bị cho Đại học Waseda lừng danh, hắn ghi tên vào ngành kỹ thuật, tại đây hắn tốt nghiệp môn Vật lý Ứng dụng, thủ khoa của một lớp trăm người. Hắn là kiểu mẫu đích thực của một sinh viên giỏi. Năm 1989 hắn hoàn thành chương trình sau đại học chỉ để từ chối các lời mời tuyển dụng và tuyên thệ gia nhập Aum.
Hắn trở thành thành viên quan trọng của Lữ đoàn Hóa chất của giáo phái Aum, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ của chúng. Cùng với đồng bọn Masato Yokoyama, Hirose là một trong những nhân vật chủ chốt trong Đề án Phát triển Vũ khí Nhẹ Tự động bí mật của giáo phái. Một thanh niên cao lớn, dáng mạo nghiêm túc, hắn có vẻ là một cậu trai trẻ chứ không phải 32 tuổi. Ở tòa án hắn thận trọng lựa chọn từ ngữ, nói nhỏ và thẳng vào vấn đề.
Sáng 18 tháng Ba, Hirose nhận từ Hideo Murai, cấp trên ở Bộ Khoa học và Công nghệ, lệnh rải sarin trên tàu điện ngầm. “Tôi hết sức ngạc nhiên,” sau này ra tòa án hắn nói. “Tôi rùng mình khi nghĩ đến tất cả các nạn nhân sẽ hy sinh. Mặt khác, tôi biết nghĩ như thế này thì mình không thể thấm nhuần tư tưởng của giáo phái được.” Khiếp sợ trước tầm quan trọng của nhiệm vụ, hắn cảm thấy một “phản kháng bản năng”, nhưng các giáo huấn của Aum mà hắn đã nhập tâm thậm chí còn mạnh hơn. Bây giờ khi đã nhận ra sai lầm, hắn nói trên thực tế hắn không có cả tự do lẫn ý chí bất tuân thượng lệnh – tức là bất tuân Shoko Asahara, như hắn tự nói ra.
Hirose được lệnh rải ở toa thứ hai của một con tàu chạy tuyến Marunouchi đi Ogikubo tại ga Ikebukuro. Đến ga Ochanomizu, hắn sẽ chọc thủng hai túi sarin rồi được xe của Kitamura chờ sẵn ở ngoài nhót đi. Số hiệu tàu điện là A777. “Đại sư huynh” của Hirose sẽ cho các chỉ thị chi tiết. Sau hai chục ngày tập huấn ở làng Kamikuishiki, cuối cùng Hirose đã chọc dữ đến nỗi đầu chiếc dù quằn lại.
Rời ajid của Aum ở Shibuya, phía Tây trung tâm Tokyo hồi 6 giờ sáng ngày 20 tháng Ba, Hirose và Kitamura lái xe đến ga Yotsuya. Ở đây Hirose lên một chuyến tàu thuộc tuyến Marinouchi chạy về hướng Tây đến Shinjuku rồi đổi sang tuyến Saikyo hướng lên Bắc đến Ikebukuro. Hắn mua một tờ báo thể thao khổ nhỏ ở một kiôt nhà ga để bọc gói sarin lại. Hắn chờ quanh quẩn trước khi lên chuyến tàu đã định của tuyến Marunouchi, đứng ở cửa giữa của toa thứ hai. Nhưng đến lúc cho thả hơi độc, tờ báo bọc túi sarin lại phát ra tiếng động khiến một nữ sinh ở bên chú ý – hay ít nhất Hirose cũng cho là thế.
Căng thẳng tăng lên, không chịu được, hắn xuống tàu ở ga Myogadani hay Korakuen rồi đứng ở sân ga. Nỗi kinh sợ cái việc hắn được lệnh làm choán lấy hắn, trong hắn tràn ngập nỗi khát khao mãnh liệt được rời khỏi nhà ga, không thực hiện nhiệm vụ. Hắn thú thật đã cảm thấy “ghen tị với những người có thể bình thản đi khỏi đó.” Giờ nhớ lại, đó là lúc quyết định, lúc tình hình có thể khác hẳn. Giá hắn chỉ cứ thế mà rời ga, hàng trăm con người đã tránh được cái tai họa khủng khiếp giáng xuống đời họ.
Nhưng Ken’ichi nghiến răng lại, dẹp đi nỗi ngờ vực của chính mình. “Điều này cũng không thua gì cứu rỗi,” hắn tự nhủ. Điều quan trọng là thực hiện nó, ngoài ra, đâu chỉ có hắn thôi, mọi người khác cũng đang làm như hắn. Hắn không thể để người khác thất vọng. Hirose quay trở lại tàu, lên một toa khác, toa thứ ba, để tránh cô nữ sinh soi mói. Khi tàu đến gần ga Ochanomizu, hắn rút gói sarin ra khỏi túi rồi kín đáo ném xuống sàn. Tờ báo tuột đi khi hắn làm vậy và cái gói chất dẻo lộ ra, nhưng lúc đó hắn không bận tâm. Hắn không có thì giờ bận tâm. Hắn thì thầm nhắc lại một câu thần chú của Aum để vững tâm hơn, rồi đúng lúc cửa toa mở ở Ochanomizu, hắn dẹp hết mọi ý nghĩ, đâm mũi dù vào cái gói.
Trước khi lên xe Kitamura chờ, Hirose lấy nước đóng chai gột mũi dù rồi vứt nó vào cốp xe. Dù đã hành động cực kỳ thận trọng, hắn cũng sớm nhận ra mình đang biểu hiện mắc các triệu chứng mà chỉ những người nhiễm độc sarin mới có. Hắn không nói được bình thường, và khó thở. Đùi phải bắt đầu giật giật không kìm được.
Hirose tự tiêm ngay vào đùi phải chất atropine sulphate Ikuo Hayashi đã cho. Với vốn kiến thức khoa học vào hàng xuất sắc, Hirose biết sarin nguy hiểm đến thế nào nhưng nó còn độc hơn hắn tưởng nhiều. Một ý nghĩ chợt vụt qua đầu hắn: “Nếu giờ mình chết như thế này thì sao?” Hắn nhớ lại Ikuo Hayashi đã khuyến cáo: “Chỉ cần thấy người có triệu chứng bất thường là phải lập tức đến bệnh viện Aum Shinrikyo ở Nakano để điều trị ngay.” Hirose bảo Kitamura lái xe đến Nakano nhưng ngã ngửa khi thấy các bác sĩ ở đó không biết gì về vụ rải sarin bí mật. Họ quay ngay về ajid Shibuya, Ikuo Hayashi thực hiện cấp cứu ở đó.
Về lại làng Kamikuishiki, Hirose và Kitamura gặp những kẻ gây án khác để cùng báo cáo với Asahara: “Nhiệm vụ đã hoàn thành.” Asahara bèn khen ngợi, nói: “Thật không phụ lòng tin của ta rằng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm trọn được việc này.” Khi Hirose khai nhận đã đổi toa xe vì nghĩ là mình bị chú ý, Asahara có vẻ chấp nhận giải thích này của hắn: “Tôi có theo dõi suốt thời gian đó các sao chiếu mệnh của từng người,” hắn nói, “tôi thấy sao chiếu mệnh của Sanjaya (tên đạo của Hirose) cơ hồ tối, như thể đã xảy ra một chuyện gì vậy. Thì ra là thế đấy.”
“Giáo lý của giáo phái bảo chúng tôi rằng các cảm giác của con người là kết quả của việc nhìn sai mọi thứ.” Hirose nói. “Chúng tôi thắng các cảm giác của con người.” Hắn đã chọc thủng thành công hai gói chất dẻo, khiến 900 mililít sarin lỏng thoát ra sàn xe. Ngoài một hành khách chết còn có 358 người bị thương nặng nữa.
Ở ga Nakano-sakaue, một hành khách báo rằng có người đã ngã quỵ. Hai người bị tổn thương nghiêm trọng đã được khiêng ra: một chết, người kia, “Shizuko Akashi” 1 tạm thời rơi vào tình trạng sống thực vật. Trong khi đó, một nhân viên nhà ga, Sumio Nishimura, hốt sarin trên toa xe và dọn sạch khỏi nhà ga. Nhưng tàu điện vẫn đi tiếp. Sàn toa vẫn thấm đẫm sarin lỏng.
8 giờ 38 tàu đến Ogikubo, ga cuối tuyến. Hành khách mới lên và tàu quay đầu về phía Đông theo hướng ngược lại. Trên đường về hướng Đông, hành khách trên tàu phàn nàn rằng thấy khó chịu. Một số nhân viên nhà ga lên tàu ở Ogikubo cũng lau quét sàn xe nhưng dần dần họ cũng thấy không ổn và phải chạy vội đến bệnh viện. Sau hai chặng đỗ nữa, tàu ngừng phục vụ ở ga Shin-koenji 2 .
“Tôi cảm thấy như đang xem một chương trình tivi”
Mitsuo Arima (41)
Ông Arima sống ở Yokohama, Nam Tokyo. Nét mặt ông sáng sủa, quần áo lịch sự và phong cách của ông toát lên vẻ trẻ trung. Ông tự định nghĩa mình là người lạc quan, thích vui nhộn, giỏi thuyết phục người khác nhưng không bao giờ giáo điều. Phải đến tận khi ngồi nói chuyện với ông, bạn mới nhận ra ông đã bước một chân vào tuổi trung niên. Tóm lại, 40 tuổi là một bước ngoặt, tuổi người ta bắt đầu suy nghĩ đến ý nghĩa cuộc đời.
Có vợ và hai đứa con, ông Arima làm việc cho một công ty mỹ phẩm. Ông và các đồng sự lập một ban nhạc chơi cho vui. Ông chơi ghita. Vì những cam kết công việc, ông Arima đã không may bắt tuyến Marunouchi mà thông thường ông ít đi – rồi bị nhiễm hơi độc.
° ° °
Thật ra cả tuần trước tôi nằm bẹp trên giường vì cúm. Đây là lần đầu tiên ở tuổi trưởng thành tôi phải ôm giường. Tôi không ốm bao giờ.
Vậy là hôm ấy tôi đã ở đó, trở lại làm việc sau khi vắng mặt, và lý do tôi muốn đến sớm một chút là để bù lại chỗ thời gian đã mất. [cười] Tôi rời nhà sớm hơn thường lệ mười phút.
Tôi luôn được ngồi và có thể thảnh thơi đọc báo trên tuyến Yokohama đi đến văn phòng ở Hachioji, phía Tây, nhưng hôm ấy không hiểu thế nào tôi lại phải đến văn phòng ở khu vực trung tâm Shinjuku dự cuộc học đặc biệt của các giám đốc khu vực. Tôi dự định dành cả buổi sáng ở Shinjuku rồi mới đến văn phòng ở Hachioji.
Cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ 45. Tôi rời nhà trước 7 giờ, bắt tuyến Yokosuka lên Shimbashi, rồi tuyến Ginza đến Akasaka-mitsuke, rồi đổi sang tuyến Marunouchi đến Shinjuku-gyoemmae, thời gian đi lại: một tiếng rưỡi. Tuyến Marunouchi thưa khách từ Akasaka-mitsuke cho nên tôi cầm chắc có ghế ngồi. Nhưng hôm ấy tôi ngồi xuống là để ý ngay thấy có mùi acid. Đúng là tàu xe lúc nào chẳng có mùi kỳ cục, nhưng tôi phải khẳng định đây không phải là mùi tàu xe bình thường. Tôi nhớ một bà ở trước mặt tôi đã lấy khăn che mũi nhưng ngoài ra không có gì bất thường cụ thể cả. Tôi thậm chí còn không biết đó là mùi sarin. Chỉ sau này nghĩ lại tôi mới thấy, “A, vậy ra sarin là nó đấy.”
Tôi xuống tàu ở Shinjuku-gyoemmae, vẫn bình thường, trừ việc trời tối đến không thể ngờ nổi, giống như có ai đó đã tắt hết đèn. Khi tôi rời nhà, trời trong sáng, nhưng khi tôi xuống tàu điện ngầm rồi lên mặt đất mọi cái đều mờ mờ ảo ảo. Tôi ngỡ thời tiết đã chuyển xấu, nhưng tôi nhìn lên thì thấy trời không có một gợn mây. Hôm ấy tôi có uống thuốc chống cảm sốt nên đã nghĩ có thể đây là phản ứng của cơ thể với thuốc. Thuốc này khác với loại bình thường tôi vẫn dùng nên có thể đây là một tác dụng phụ của nó.
Nhưng khi tôi đến văn phòng, mọi thứ vẫn tăm tối như thế và tôi cảm thấy bải hoải đến nỗi cứ ngồi mụ mị ở bàn làm việc, đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Cuộc họp sáng đã xong và mọi người đi ăn trưa. Nhưng mọi thứ vẫn tối và tôi không muốn ăn. Tôi cảm thấy mình không còn hơi sức đâu mà chuyện trò với ai. Cho nên tôi yên lặng ăn một mình, mồ hôi đầm đìa. Tiệm mì đang bật tivi, chương trình thời sự 24/24 đưa tin về vụ đánh hơi độc sarin. Những người khác đùa tôi, nói: “Này, khéo anh bị trúng sarin không biết chừng,” nhưng tôi cho rằng đó là tác dụng phụ của thuốc chống cảm sốt nên chỉ cười theo.
Buổi chiều lại bắt đầu họp tiếp nhưng tôi vẫn không thấy khá hơn chút nào cả. Tôi quyết định đi khám ở chỗ bác sĩ chuyên trị cảm sốt. Tôi xin phép nghỉ buổi họp lúc 2 giờ chiều. Đến lúc này tôi bắt đầu nghĩ, “Ngộ nhỡ là sarin thật thì sao?”
Để cho yên tâm, tôi quyết định đến khám chỗ ông bác sĩ gần nhà, người kê đơn thuốc chống cảm sốt mới. Vẫn cứ là trò sấp ngửa phân vân giữa cảm mùa hè và sarin. Nên tôi đã đi cả quãng đường quay về Yokohama, nhưng khi nghe tôi nói đã đi tàu điện ngầm trước khi gặp các triệu chứng này thì ông bác sĩ liền khám luôn đồng tử của tôi và yêu cầu nằm viện ngay lập tức.
Ông đưa tôi đến bệnh viện Trường Cao đẳng Thành phố Yokohama bằng xe cứu thương. Tôi có thể tự xuống xe và đi bộ, nên các triệu chứng của tôi lúc đó là nhẹ. Nhưng đến đêm thì đầu tôi đau nhức. Khoảng nửa đêm thì đau dữ dội. Tôi gọi y tá và cô tiêm cho tôi một mũi. Đầu tôi không đau nhói buốt mà như bị một cái kìm thít chặt và cứng khư trong cả giờ đồng hồ. Có thể sarin là thế này đây, tôi nghĩ, nhưng cơn đau nhanh chóng rút sau mũi tiêm và tôi nghĩ, “Mình sẽ khỏi thôi.”
Nhưng thuốc dãn đồng tử họ tra cho tôi hiệu quả hơi quá tốt, thế là đồng tử của tôi dãn hết cỡ. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, cái gì nom cũng sáng quá… cho nên họ để giấy lên khắp xung quanh giường tôi để chặn ánh sáng chói lói. Nhờ thế nên chỉ nằm viện một ngày nữa thì đồng tử tôi lại trở lại bình thường.
Buổi sáng cả nhà tôi đến thăm. Tôi vẫn trong tình trạng chưa thể đọc báo nhưng tôi biết vụ tấn công hơi độc ấy nghiêm trọng như thế nào. Người chết. Bản thân tôi có thể cũng đã mất mạng. Khá lạ là tôi không cảm thấy chút căng thẳng nào. Phản ứng của tôi là, “À, mình không sao.” Tôi đã ở ngay tâm chấn của cuộc tấn công nhưng thay vì rùng mình trước số người chết, tôi lại cảm thấy tựa như đang xem một chương trình tivi, tựa như đó là vấn đề của ai khác.
Rất lâu sau này tôi mới bắt đầu băn khoăn tại sao mình lại có thể chai lì đến thế. Tôi phải phẫn nộ, sẵn sàng nổ bung ra mới phải chứ. Phải đến mùa thu tôi mới dần hiểu, từng chút từng chút một. Thí dụ nếu ai đó ngã ở ngay trước mặt tôi, chắc tôi sẽ giúp đỡ. Nhưng nếu họ ngã xa mấy chục mét thì sao? Tôi có rẽ khỏi đường mình đang đi để sang giúp đỡ không? Tôi không chắc. Tôi có thể sẽ coi đó là việc của người khác và tiếp tục đi. Nếu dây vào, có thể tôi sẽ đi làm muộn mất…
Từ khi chiến tranh kết thúc, kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh đến bước chúng ta đã mất đi mọi cảm nhận về khủng hoảng và của cải vật chất là tất cả những gì có ý nghĩa. Ý nghĩ làm hại người là sai dần đã biến mất. Trước đó người ta đã nói nhiều đến điều này, tôi biết, nhưng phải đến vụ hơi độc này tôi mới thật sự thấm thía. Nếu ta nuôi dạy một đứa trẻ với cái não trạng ấy thì sẽ ra chuyện gì đây? Thể tình cho cái chuyện kiểu này được không?
Ông biết không, thật lạ là khi trở lại bệnh viện, giữa lúc mọi người xung quanh đều đang trong cơn hoảng loạn không lối thoát, tôi lại không cảm thấy kinh hoàng chút nào. Tôi rất bình tĩnh và tự chủ. Nếu có ai pha trò về sarin tôi cũng chẳng đoái hoài. Nói vậy để thấy chuyện này có ý nghĩa rất nhỏ với tôi mà thôi. Mùa hè ấy tôi bắt đầu quên đi là đã từng có một “vụ tấn công bằng hơi độc sarin tại Tokyo”. Tôi đọc trên báo bài gì đó về một vụ kiện tụng đòi đền bù thiệt hại và tôi nghĩ, “A phải, lại thế nữa,” tựa như chuyện đó chả có liên quan gì tới tôi hết.
Tôi đã làm việc ở Tokyo mười hai năm, tôi biết hết các cách thức giải quyết kỳ dị của đô thị này. Trên hết thảy, tôi nghĩ từ nay trở đi mọi cá nhân ở xã hội Nhật cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Ngay cả Aum, sau khi đã tập hợp được ngần ấy cái đầu sáng suốt như thế lại với nhau, họ đã làm cái gì, ngoài nhào thẳng vào chủ nghĩa khủng bố hàng loạt? Đó chính là biểu hiện cho thấy cá nhân là yếu đuối đến mức nào.
“Nhìn lại thì mọi chuyện xảy ra là do chiếc xe buýt ấy đã đến sớm hai phút”
Kenji Ohashi (41)
Ông Ohashi có vợ và ba con, ông đã làm việc hai mươi năm nay ở một đại lý ôtô lớn. Hiện ông đang làm trưởng phòng kinh doanh ở trung tâm bảo hành khu Ohta, Đông Nam Tokyo.
Lúc xảy ra vụ đánh hơi độc Tokyo, trung tâm bảo hành vẫn chưa xây dựng xong, ông làm việc ở văn phòng tạm thời tại Nakano Honancho, khu Suginami, phía Tây Tokyo. Ông Ohashi bị nhiễm sarin trong khi đi làm như thường lệ trên chuyến tàu điện ngầm tuyến Marunouchi.
Là một tay kỳ cựu trong nghề sửa chữa xe hơi, Ohashi đứng trước cửa hiệu và trực tiếp làm việc với khách hàng. Ông là một kỹ thuật viên lão luyện, với bộ tóc cắt ngắn và dáng dấp vững chãi, một con người của lao động thực thụ. Không phải kiểu người hay chuyện, ông nói về vụ đánh hơi độc một cách trầm tư và chậm rãi.
Dẫu còn đang chịu ảnh hưởng từ những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng ông vẫn tham gia một nhóm ủng hộ nạn nhân và tích cực tham gia các chiến dịch của nhóm. Ông đang cố tổ chức một mạng lưới tự lực để kết nối tất cả các cá nhân bị thương lại. Một tiếng rưỡi ông bỏ ra để chuyện trò với tôi hẳn đã khiến ông đau đầu dữ dội. Tôi chỉ có thể bày tỏ lời xin lỗi cùng lời cảm ơn chân thành của tôi dành cho sự hợp tác của ông.
° ° °
Hồi trước khi còn hay đến Nakano, tôi đi từ Koiwa qua Đường sắt Nhật bản đến ga Yotsuya. Từ nhà, tôi đi xe buýt hay xe đạp đến ga Koiwa; thường là bắt xe buýt nhiều hơn.
Vào hôm xảy ra vụ hơi độc, tôi rời nhà như thường lệ đúng sau 7 giờ. Nhưng không hiểu vận số thế nào xe buýt lại đến sớm hai phút. Nó vốn luôn luôn muộn, nhưng tự dưng lần đó lại đến trước giờ. Tôi chạy đến điểm dừng nhưng không kịp cho nên phải bắt chuyến xe buýt sau lúc 7 rưỡi. Cho tới khi đến Yotsuya tôi đã lỡ hai chuyến tàu điện ngầm. Nhìn lại thì mọi chuyện là do chiếc xe buýt ấy đã đến sớm hai phút. Việc tính toán giờ giấc của tôi chưa bao giờ lại tồi như thế! Trước đó tôi vẫn đi đi về về chính xác như đồng hồ.
Trên tuyến Marunouchi, tôi luôn đi dọc tàu đến toa thứ ba tính từ đầu xuống. Như thế sẽ nhìn thấy quang cảnh đẹp từ sân ga Yotsuya. Nhìn qua đường mép mui toa xe, ông có thể thấy sân bóng đá Đại học Sophia, tựa như được hít thở một luồng khí trong lành! Nhưng hôm ấy toa thứ ba vắng đến kỳ lạ. Không bao giờ như thế. Trước nay đến ga Yotsuya tàu vẫn luôn rất đông, ông không được ngồi bao giờ. Chỉ có thể cứ lên rồi hy vọng lúc sau sẽ có ghế thôi. Thế là lúc ấy tôi biết có chuyện không ổn rồi.
Tôi vừa lên tàu liền để ý thấy hai người trong tư thế bất thường ở đằng sau. Một người đàn ông đang cúi gập xuống ghế của mình, gần như đổ nhào xuống, và một phụ nữ đang co rúm, đầu cúi xuống, gần như cuộn tròn lại. Rồi có một mùi khác thường. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc tay say nào đã làm cho chỗ này bị hôi hám, một gã say tháo cống ở đây chẳng hạn. Mùi này không gắt mà lại hơi dìu dịu, giống như một cái gì mục rữa. Cũng không giống mùi dung môi pha sơn. Chúng tôi cũng hay sơn xe, nên tôi biết mùi dung môi pha sơn thì thế nào. Nó không làm cay mũi như thế.
Lại nói tiếp chuyện, tôi có thể ngồi, nên sẵn lòng tha thứ cho chút mùi ấy, và khi ngồi xuống tôi nhắm mắt ngủ liền. Tôi thường đọc sách trên tàu nhưng hôm nay là thứ Hai và tôi lại buồn ngủ nên thôi. Nhưng tôi không ngủ, thật sự không, chỉ là nhắm mắt chập chờn. Tôi vẫn nghe thấy tiếng động xung quanh, nên khi chợt có thông báo, “Tàu đã đến ga Nakano-sakaue,” tôi bật dậy ngay, như một phản xạ đáp lại, và xuống tàu.
Mọi thứ đều mờ mờ. Ánh sáng trên sân ga yếu ớt. Cổ họng tôi khô khốc, và tôi ho; một cơn ho thật sự tệ hại, tức ngực. Có máy nước nóng lạnh ở gần băng ghế dài cuối sân ga cho nên tôi nghĩ tốt hơn là ra đấy súc miệng. Chính lúc đó tôi nghe thấy tiếng hét: “Có người bị ngất!” Đó là viên chức trẻ tuổi cao lớn ấy. Khi ngoái lại nhìn vào trong, tôi thấy người đàn ông trên toa đã ngã ngửa ra, song song với hàng ghế.
Nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy không ổn lắm. Tôi ra chỗ máy nước nóng lạnh súc miệng. Mũi tôi thò lò chảy còn chân tôi run rẩy. Thở khó. Tôi ngồi phịch lên chiếc ghế dài. Rồi có lẽ năm phút sau, họ khiêng người đàn ông bị ngất ra ngoài bằng cáng và tàu lại chạy tiếp.
Tôi không có ý tưởng nào dù là lờ mờ nhất về việc cái gì vừa phạm đến mình. Chỉ biết mọi cái đã tối sầm trước mắt. Phổi tôi khò khè như thể tôi đang chạy một cuốc maratông còn cả nửa người dưới thì rét và run cầm cập.
Có lẽ tổng cộng phải có đến năm, sáu hành khách được đem đến văn phòng nhà ga. Hai trong số đó phải nằm cáng. Nhưng nhân viên nhà ga cũng chẳng hiểu mô tê gì. Họ hỏi chúng tôi chuyện gì đã xảy ra. Chừng nửa giờ sau, cảnh sát đến, và đúng như dự đoán, bắt đầu hỏi chúng tôi. Tôi thật sự rất đau nhưng vẫn cố hết sức kể chi tiết sự tình. Có người đã xỉu và tôi lo nếu mình cũng ngất thì toi. Chính vì thế tôi nghĩ lúc đó họ cố giữ cho chúng tôi nói, cho nên tôi bắt mình nói.
Trong khi những việc này diễn ra, bản thân các nhân viên nhà ga cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu. Họ không nhìn được. Chúng tôi đã ở trong văn phòng ít nhất bốn chục phút, tất cả thở chung cùng một bầu không khí. Lẽ ra chúng tôi nên lên mặt đất sớm hơn mới phải.
Rồi chúng tôi cũng lên gác. Bộ phận cứu hỏa đã sắp xếp một chỗ nghỉ tạm trong một lối đi. “Lúc này hãy cứ ngồi đây,” họ bảo chúng tôi. Nhưng trời lạnh quá, rất lạnh, tôi không thể ngồi yên ở đấy, chỉ trên một mảnh nylon mỏng dải trên mặt đất. Mà nằm xuống thì lạnh buốt ngay. Gì thì gì cũng vẫn đang là tháng Ba mà. Có một chiếc xe đạp đỗ ở đấy, thế là tôi tựa vào xe. “Mình không được ngất,” tôi chỉ nghĩ được có thế. Hai người nằm xuống còn những người khác làm như tôi. Tôi đã bảo mà, lạnh thấu xương. Chúng tôi đã ở trong văn phòng nhà ga bốn chục phút và hai mươi phút ở ngoài đó. Một giờ đồng hồ qua đi mà chúng tôi không mảy may được chữa chạy.
Chúng tôi không thể lên xe cứu thương hết được nên tôi đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nakano bằng xe van của cảnh sát. Ở đây họ để tôi nằm trên băng ghế dài và khám cho tôi. Kết quả không tốt nên ngay lập tức họ truyền dịch cho tôi. Lúc trên xe cảnh sát, tôi đã nghe đài nói về hậu quả của vụ đánh hơi độc và vân vân. Lúc đó tôi mới nhận ra là mình bị trúng độc.
Tại thời điểm đó, hình như ở Đa khoa Nakano họ đã biết là sarin nhưng cũng ở đấy chúng tôi vẫn cứ mặc áo quần đã ngấm sarin. Chẳng mấy chốc các nhân viên bệnh viện cũng kêu mắt họ không ổn. Suốt buổi sáng, người tôi lạnh như băng. Ngay cả khi đã đắp nguyên một tấm chăn điện tôi vẫn run cầm cập. Huyết áp tôi lên đến 180. Thông thường huyết áp tôi chỉ độ 150 là cùng. Nhưng tôi vẫn không lo, chỉ không hiểu có chuyện gì.
Tôi nằm viện mười hai ngày: đau đầu kinh khủng liên miên. Không thuốc chống đau nào ăn thua hết. Tôi đau đến khổ sở. Những cơn đau đầu tiên đến theo từng đợt, suốt ngày, lui đi rồi lại đến dữ dội hơn. Tôi cũng bị sốt cao hai ngày liền, lên tới 40 độ C.
Chân tôi bị chuột rút và trong ba bốn ngày đầu tôi thở rất khó khăn. Cứ như có gì đó chẹn mất cổ họng. Khủng khiếp. Mắt tôi tồi đến độ nhìn ra ngoài không thấy ánh sáng gì cả. Mọi cái đều mờ tịt.
Họ truyền dịch cho tôi năm ngày liền. Đến ngày thứ năm, mức cholinesterare của tôi đã trở lại gần mức bình thường, cho nên họ gỡ bỏ ống truyền dịch 3 . Đồng tử tôi từ từ hồi phục nhưng hễ tôi nhìn tập trung vào vật gì thì lại thấy đau nhói ở đáy mắt, giống như bị đâm bằng dùi nhọn vậy.
Cuối cùng ngày 3 tháng Ba họ cho tôi ra viện, và tôi nghỉ làm một tháng để an dưỡng tại nhà. Tôi vẫn bị các cơn đau đầu như bửa óc ra. Chân tôi lại lẩy bẩy, tôi rất dễ ngã và bị thương khi đi đứng – điều mà họ gọi là “thương tật thứ cấp”.
Cứ sáng dậy là đầu tôi lại đau. Nó giống như dấu vết sót lại của một vụ giết người. Mỗi mạch đập, mỗi nhịp tim, đầu tôi lại nhoi nhói giật giật và cứ thế không ngớt. Nhưng tôi vẫn không uống thuốc. Tôi chỉ cố gắng nhiều hơn nữa và chịu đựng cơn đau. Đã ngấm sarin, mà lại uống nhầm thuốc thì còn nguy hại hơn là không uống gì cho nên tôi tránh mọi thuốc chữa nhức đầu.
Tôi nghỉ hết tháng Tư, rồi đến trình diện ở Trung tâm Showajima mới xây dựng xong sau dịp nghỉ lễ đầu tháng Năm, bắt đầu trở lại với công việc. Chúng tôi bày bàn ghế, nối mạng máy tính, ngày nào cũng làm việc suốt tới khuya. Đầu tôi vẫn đau. Nó tệ hơn khi những cơn mưa tháng Sáu bắt đầu đổ xuống. Ngày nào cũng cảm thấy như có một sức nặng đồ sộ đè lên sọ tôi. Và tôi vẫn bị đau nhói khi cố gắng nhìn vào bất cứ cái gì.
Tôi sợ phải đi tàu điện ngầm trở lại. Tôi lên tàu, nhìn cửa trượt đóng lại trước mắt, và cứ vào lúc ấy đầu tôi lại sôi lên vì đau. Tôi xuống tàu, đi qua rào soát vé, nghĩ, “Mình ổn,” và sức nặng ấy vẫn ở đó trong đầu tôi, đè trĩu xuống. Tôi không tập trung được vào cái gì. Nếu tôi nói lâu hơn một tiếng, cái đầu nó sẽ giết chết tôi. Đến giờ nó vẫn cứ thế. Giữa tháng Tư, khi làm báo cáo cho cảnh sát, tôi đã mệt phờ vì cố sức.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.