Ngầm

CHƯƠNG 8: CƠN ÁC MỘNG ĐUI MÙ:-♦-NGƯỜI NHẬT CHÚNG TA ĐANG ĐI ĐÂU?-♦-1-♦-Đã xảy ra chuyện gì trên đường tàu điện ngầm Tokyo ngày 20 tháng Ba năm 1995?



Sáng ngày 20 tháng Ba tôi ở nhà một mình tại Oiso, cách Tokyo hai giờ về phía Nam. Lúc ấy tôi đang sống ở Massachussetts nhưng về Nhật hai tuần trong dịp nghỉ xuân. Không có radio hay tivi ở nhà, tôi hoàn toàn không biết trong thành phố đang có một tai họa lớn xảy ra. Tôi ở nhà nghe nhạc, nhàn rỗi xếp lại các giá sách. Tôi nhớ rất rõ buổi sáng thanh bình ấy.
Khoảng 10 giờ, tôi nhận được điện thoại từ một người quen làm việc trong giới truyền thông: “Một chuyện điên loạn đã xảy ra ở tàu điện ngầm. Nhiều người bị thương.” Giọng ông căng thẳng. “Hơi độc. Aum làm đấy. Không sai đâu. Lúc này hãy phới cho xa Tokyo. Bọn chúng nguy hiểm lắm.”
Ông đang nói gì đây? Hơi độc trong tàu điện ngầm? Aum? Xa Nhật một thời gian, tôi không nắm bắt được thời sự. Tôi đã bỏ lỡ tin trên số Tân niên tờ Yomiuri Shimbun nói người ta phát hiện ra tàn dư của sarin ở gần trụ sở của Aum tại làng Kamikuishiki. Tin này gắn giáo phái Aum với một vụ đầu độc nổ ra ở gần Matsumoto, cách Tokyo ba giờ đồng hồ về phía Tây Bắc. Tôi hầu như không biết chuyện giáo phái Aum đã có dính líu vào các phi vụ kỳ quặc xoay quanh một số tội ác, và không biết đó đang là một đề tài cực kỳ nóng ở Nhật.
Từ tầm nhìn hôm nay, tôi nhận ra khi ấy không mấy ai – ít nhất là trong giới truyền thông đại chúng – lại không nghĩ có khả năng Aum nhúng tay vào cái hành vi khủng bố trên quy mô lớn đến vậy. Nhưng dù sao thì do hôm ấy tôi cũng không có kế hoạch về Tokyo nên tôi đã quay lại xếp dọn tiếp giá sách tựa hồ chẳng có chuyện gì xảy ra.
Ngày 20 tháng Ba của tôi như thế đấy.
Nhưng không hiểu sao phức cảm mà sáng hôm ấy tôi cảm thấy – một cảm giác lạc lõng như mình không thuộc về nơi này – lưu lại ở trong tôi. Tôi như bị “lệch pha” với hiện tại.
Sau đó thông tin đại chúng tràn ngập mọi kiểu “tin” về giáo phái này trong nhiều tháng. Từ sáng đến tối tivi Nhật gần như không ngừng đưa tin về Aum. Báo lớn, báo nhỏ, tạp chí, tất cả dành hàng nghìn trang cho vụ đánh hơi độc.
Nhưng không đâu bảo cho tôi điều tôi muốn biết. Không, dù chỉ là một câu hỏi rất đơn giản: Điều gì đã thực sự xảy ra trên tàu điện ngầm Tokyo sáng 20 tháng Ba năm 1995?
Hay cụ thể hơn: Những người trên các toa tàu điện ngầm đang làm gì lúc ấy? Họ đã nhìn thấy gì? Họ đã cảm thấy gì? Họ đã nghĩ gì? Nếu có thể, tôi muốn có cả thông tin chi tiết của mỗi cá nhân hành khách, đến từng mạch đập, hơi thở của họ, rõ ràng nhất có thể. Vấn đề là, điều gì sẽ xảy ra với một công dân Nhật bình thường – như tôi hay bất cứ bạn đọc nào – nếu như bỗng dưng họ bị kẹt vào giữa một vụ tấn công kiểu này?
Không nói đến những om sòm quá đáng, các luận chiến mà giới truyền thông đưa ra đều khá là rành rọt trong kết cấu. Với họ, trong vụ đánh hơi độc, nguyên tắc luân lý đang mai một đã hiện lên quá rõ ràng: “thiện” đối lại “ác”, “bình thường” đối lại “điên loạn”, “lành mạnh” đối lại “bệnh hoạn”. Đây là một cách thể hiện rõ ràng các mặt đối lập.
Người Nhật sốc trước sự cố khủng khiếp này. Đâu đâu cũng một tiếng la ó: “Thật điên loạn hết cả lên rồi! Nước Nhật đang hóa ra trò gì đây, chúng ta lại sống chung với bọn mất trí hàng loạt thế này sao? Cảnh sát ở đâu? Gì thì gì, cũng phải tử hình Shoko Asahara…”
Vậy là ở mức độ nào, lớn hay bé, người ta đều đã nhảy vào phe “thiện”, “lành mạnh”, “bình thường”. Không có gì là phức tạp ở đây. Đó là vì, đặt bên những kẻ như Shoko Asahara và giáo phái Aum, so với những việc chúng đã làm thì số đông người Nhật quả tình là “thiện”, “lành mạnh” và “bình thường” thật. Khó còn trường hợp nào rõ ràng hơn. Giới truyền thông chỉ ăn theo sự đồng thuận này và gia tăng sức mạnh cho nó mà thôi.
Lác đác vài tiếng nói đơn độc đi ngược lại với xu thế này. “Chẳng lẽ tội ác này lại không thể bị trừng trị như là một tội ác mà không có những luận bàn về ‘tốt’ hay ‘lành mạnh’ này hay sao?” họ nhấn mạnh, nhưng phần lớn đã bị cơn phẫn nộ chung lờ đi.
Chỉ có điều đến giờ, sau khi vụ việc xảy ra đã mấy năm, cỗ xe xiêu vẹo của sự đồng thuận tập thể đã đưa những người Nhật chúng ta, “phe chính nghĩa”, đến đâu? Từ sự việc gây choáng váng này, chúng ta đã học được những gì?
Chỉ có một điều là chắc chắn. Một vài cảm giác khó chịu kỳ lạ, một vài dư vị chua chát vẫn còn phảng phất. Chúng ta ngỏng cổ lên nhìn quanh quất tựa như đang hỏi tất cả những điều đó là từ đâu tới? Giá như có thể rũ bỏ được cảm giác khó chịu và rửa cho hết dư vị khỏi vòm miệng chúng ta, hầu hết người Nhật có vẻ lại sẵn sàng cho đóng hòm toàn bộ vụ việc lại và dán nhãn NHỮNG THỨ ĐÃ XỬ LÝ XONG. Chúng ta thà để mặc cho các trình tự định sẵn của tòa án tìm ra ý nghĩa của toàn bộ sự cố đau đớn này và mặc mọi sự cho cấp độ “hệ thống” xử lý.
Tất nhiên quá trình pháp lý luôn có giá trị và đem được nhiều sự thật ra ánh sáng. Nhưng nếu người Nhật chúng ta không hấp thụ những sự việc ấy vào trong quá trình chuyển hóa cơ bản của chúng ta, tích hợp chúng vào tầm nhìn của chúng ta, thì tất cả sẽ lạc lối trong một mớ khổng lồ những chi tiết vô nghĩa, những chuyện ngồi lê đôi mách về phiên tòa, một góc tối tăm, bị lãng quên của lịch sử. Mưa trên thành phố chảy xuống những cống rãnh đen ngòm rồi trút cả vào biển mà chẳng cần làm ướt đất. Hệ thống luật pháp chỉ có thể xử lý bề nổi của câu chuyện trên cơ sở pháp luật. Không có bảo đảm gì rằng sẽ giải quyết được vấn đề.
Nói cách khác, cơn sốc mà Aum và vụ đánh hơi độc giáng vào xã hội Nhật Bản vẫn cần phải được phân tích, những bài học vẫn còn đó cần phải được rút ra. Ngay cả bây giờ, phỏng vấn các nạn nhân xong rồi, tôi cũng không thể đơn giản xếp lại hồ sơ vụ này mà nói: “Tóm lại, đây đơn thuần chỉ là một tội ác quá khích và ngoại lệ do một bộ phận điên loạn biệt lập ở bên rìa xã hội gây ra.” Rồi đây khi ký ức tập thể của chúng ta về vụ việc này ngày càng nom giống với một truyện tranh kỳ dị hay một huyền thoại đô thị hơn thì tôi sẽ phải nghĩ sao?
Nếu muốn học được gì ở sự kiện đau thương này thì chúng ta phải từ mọi góc khác nhau, bằng mọi cách khác nhau mà nhìn lại toàn bộ câu chuyện đã xảy ra. Một cái gì đó bảo tôi rằng nếu chúng ta không tống tháo những thành kiến ra khỏi chuyển hóa cơ bản của chúng ta thì sự tình sẽ chỉ tồi thêm lên. Nói “Aum là cái ác” thì quá dễ. Cũng vậy, nói “Chuyện này không liên quan gì đến ‘cái ác’ hoặc ‘điên loạn’” cũng không chứng minh được gì. Nhưng bùa chú mà những lời lẽ này tạo nên lại gần như không thể phá nổi, toàn bộ hệ từ vựng được tình cảm tiếp sức hầu phân biệt “Chúng ta” chống lại “Bọn chúng” cứ được nhắc đi nhắc lại không ngừng.
Không, với tôi, hình như điều chúng ta cần có chính là những lời lẽ đến từ một hướng khác, những từ ngữ mới dùng cho một cách kể chuyện mới. Một cách kể chuyện khác để thanh lọc cách kể chuyện hiện có.
2 Tại sao tôi ngoảnh mặt khỏi Giáo phái Aum?
Còn có khả năng thay thế khác cho vế “Chúng ta” chống lại “Bọn chúng” của giới truyền thông không? Nguy hiểm là ở chỗ nếu dùng nó để ủng hộ vị thế “đúng đắn” của “chúng ta” thì từ nay chúng ta sẽ chỉ toàn nhìn thấy những phân tích chính xác hơn, tỉ mỉ hơn về sự méo mó “bẩn thỉu” trong cách nghĩ của “bọn chúng”. Nếu cách định nghĩa của chúng ta không linh hoạt thì chúng ta sẽ còn vĩnh viễn mắc kẹt trong những phản ứng không suy nghĩ, hay tệ hơn nữa, trượt vào sự thờ ơ hoàn toàn.
Sau vụ việc ít lâu, tôi đã nảy ra một ý nghĩ. Để hiểu sự thật về vụ đánh hơi độc ở Tokyo, thì nghiên cứu lý do căn bản cùng cách thức hoạt động của “bọn chúng”, những kẻ chủ mưu, bao nhiêu cũng không đủ. Tuy có thể những nỗ lực nghiên cứu đó là cần thiết và có ích, nhưng chẳng lẽ lại không có nhu cầu tương tự phải nghiên cứu song song về “chúng ta” hay sao? Phải chăng có nhiều khả năng chiếc chìa khóa đích thực (hay một phần của nó) để mở ra sự bí ẩn mà “bọn chúng” đã quăng lên nước Nhật lại được tìm thấy bị giấu ngay bên dưới lãnh địa “chúng ta”?
Chúng ta sẽ không đi đến đâu chừng nào người Nhật còn tiếp tục coi “hiện tượng” Aum là một cái gì hoàn toàn khác, một sự hiện diện xa lạ ở một chân trời tít tắp nhìn qua ống nhòm rồi chối bỏ nó. Có thể viễn cảnh này sẽ không mấy dễ chịu, nhưng để cho “bọn chúng” hội nhập ở một mức độ nào đó vào cái kiến trúc gọi là “chúng ta” kia, hay ít nhất vào trong xã hội Nhật, là một việc quan trọng. Nước ngoài chắc chắn sẽ nhìn vụ này như thế. Nhưng thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa là, nếu chúng ta không tìm kiếm cái chìa khóa chôn ở dưới chân chúng ta, ở ngay chỗ mà mắt thường cũng nhìn thấy, nếu chúng ta cứ giữ hiện tượng ở một khoảng cách xa như thế, thì có nguy cơ chúng ta sẽ kéo giảm ý nghĩa của sự kiện xuống đến mức phải dùng kính hiển vi để nhìn.
Ý nghĩ này của tôi có lịch sử của nó. Tôi dò ngược lại vết tích ý nghĩ này đến tận tháng Hai năm 1990, khi Aum ứng cử vào Hạ viện của Quốc hội Nhật. Asahara tranh cử ở Shibuya, Tokyo, khu vực mà tôi đang sống lúc bấy giờ, và chiến dịch của hắn là một vở diễn đặc biệt quái dị. Các xe vận tải lớn trang bị hệ thống âm thanh ngày nay chơi thứ nhạc kỳ quặc, trong khi thanh niên nam nữ mặc áo thụng trắng, đeo mặt nạ Asahara và đầu voi to quá khổ thì xếp hàng ở trên hè bên ngoài ga xe lửa địa phương, vừa vẫy tay vừa nhảy vài ba điệu khó hiểu.
Khi trông thấy cuộc vận động tranh cử này, phản ứng đầu tiên của tôi là ngoảnh đi. Có là cùng đường tôi mới đoái hoài đến nó. Những người khác quanh tôi cũng có phản ứng tương tự: họ cứ đi, làm như không trông thấy những người của giáo phái. Tôi cảm thấy một nỗi sợ không thể gọi ra tên, một sự ghê tởm vượt ra ngoài hiểu biết của tôi. Tôi không thật bận tâm suy xét xem nỗi sợ hãi ấy từ đâu đến hoặc tại sao nó lại là thứ mà “có cùng đường tôi mới đoái hoài”. Lúc đó tôi không nghĩ tất cả những điều này lại quan trọng như thế. Tôi đơn giản gạt nó ra khỏi đầu, coi như “không dính gì đến tôi.”
Đối mặt với cảnh tượng này, chắc 90 phần trăm dân chúng cũng sẽ cảm thấy và ứng xử giống tôi: đi qua và vờ không trông thấy; không nghĩ gì hơn nữa sau đó; quên nó đi. Rất giống những gì trí thức Đức trong thời kỳ Weimar làm khi trông thấy Hitler lần đầu tiên.
Nhưng nay nghĩ lại, tất cả câu chuyện xem ra lại rất đáng tò mò. Vẫn có một số tôn giáo mới đi ra đường phố kêu gọi theo họ nhưng họ không làm cho chúng ta – hay ít nhất là tôi – cảm thấy một nỗi sợ tràn ngập. Không, chỉ là, “Ồ, lại họ kìa,” và chỉ thế mà thôi. Nếu bạn muốn nói đến sự loạn óc thì đám người Nhật trẻ tuổi đầu trọc nhảy múa và lầm rầm “Hare Krishna” mới là thoát ly khỏi quy tắc xã hội. Nhưng tôi vẫn không ngoảnh mặt đi với Hara Krishna. Vậy thì sao tôi lại tự động quay mắt đi với đám người vận động của Aum? Cái gì đã làm phiền tôi thế chứ?
Tôi đoán chừng thế này. “Hiện tượng” Aum làm ta cảm thấy bị phiền nhiễu vì chính xác ra nó không phải là chuyện của một ai khác. Nó cho chúng ta thấy một hình ảnh của chính chúng ta bị bóp méo theo cách thức mà không một ai trong chúng ta có thể lường tới trước. Hare Krishna và tất cả các tôn giáo mới mẻ có thể bị loại trừ từ đầu (ngay trước cả khi chúng vào được trong cái đầu lý tính của chúng ta) vì chúng không tạo ra được một ý nghĩa nào với chúng ta. Nhưng vì lý do nào đó, Aum không như vậy. Sự hiện diện của họ – bề ngoài của họ – cần đến một nỗ lực tích cực của ý chí mới bác bỏ được, và đó chính là lý do vì sao họ đã khiến chúng ta bận tâm.
Về tâm lý mà nói, (tôi sẽ cho món tâm lý nghiệp dư ra quân chỉ trong lần này cho nên xin hãy chịu đựng), trên thực tế, những lần chạm trán có thể đánh thức mạnh mẽ nỗi ác cảm hay ghê sợ thường lại là hình ảnh phóng chiếu của chính các lỗi lầm và nhược điểm của chúng ta. Đúng vậy, nhưng thế thì điều này liên quan gì với cái cảm giác sợ hãi mà tôi cảm thấy ở trước ga xe lửa kia? Không, tôi không nói “Nếu không nhờ ân huệ của – cái gì cũng được – thì đã đến lượt mình. Trong những hoàn cảnh khác nhau, bạn và tôi có thể đã gia nhập giáo phái Aum và thả sarin ở tàu điện ngầm cả đấy.” Về thực tế (hay về quản lý) cái đó không có ý nghĩa gì hết. Tất cả những gì tôi muốn nói chỉ là trong lần chạm trán đó, trong sự tồn tại của họ, chắc chắn phải có cái gì đó trong chúng ta thì mới đòi hỏi phải có một sự bác bỏ tự giác tích cực như thế. Hay đúng hơn, “bọn chúng” là tấm gương phản chiếu “chúng ta”!
Dĩ nhiên một hình ảnh trong gương luôn tối hơn và méo mó hơn. Một lồi mặt lõm đổi chỗ, cái giả thắng cái thực tại, ánh sáng và bóng tối nhập nhòa. Nhưng khi lấy đi các khiếm khuyết đó thì hai hình ảnh này sẽ giống nhau kỳ lạ; một số chi tiết lại còn có vẻ như là thông đồng với nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta tránh nhìn thẳng vào hình ảnh, dù ý thức hay không, tại sao chúng ta lại cứ loại bỏ những yếu tố đen tối này ra khỏi cái bộ mặt mà chúng ta muốn nhìn thấy. Những cái bóng vô thức này là một chiếc “tàu điện ngầm” mà chúng ta chở đi ở bên trong mình, và sau vụ hơi độc Tokyo, cái dư vị cay đắng cứ bám riết lấy chúng ta ấy sẽ rỉ ra từ bên dưới.
3Truyền bá Cái Tôi: cách kể chuyện đã được định vị
Xin dẫn lời từ Tuyên ngôn Kẻ Đánh Bom 1 đăng trên tờ The New York Time năm 1995:
Hệ thống này tự tái tổ chức để tạo sức ép lên những người không phù hợp với nó. Những người không hợp với hệ thống đều là “có bệnh”; và quá trình bắt họ phải phù hợp là “chữa bệnh”. Thế là quá trình sức mạnh nhằm đạt tới tự trị đã bị phá vỡ và cá nhân bị đặt vào quá trình sức mạnh lệ thuộc kẻ khác do hệ thống áp đặt. Theo đuổi sự tự trị bị coi là “bệnh hoạn” 2 .
Khá lý thú là trong khi cách thức tiến hành của Kẻ Đánh Bom gần như là một bản sao y hệt với Aum (thí dụ khi Aum gửi một gói bom đến Tòa Thị chính Tokyo), thì tư tưởng của Theodore Kaczynski còn gần với bản chất của giáo phái Aum hơn nữa.
Về cơ bản, luận điểm Kaczynski đề ra khá là đúng. Nhiều phần của hệ thống xã hội mà chúng ta thuộc vào đó và hoạt động ở trong đó quả thực là có nhằm đàn áp các cá nhân muốn đạt tới tự trị, hay như một ngạn ngữ Nhật nói: “Cái đinh trồi lên thì phải đóng cho nó tụt xuống.”
Từ quan điểm của những người theo Aum thì đúng lúc họ đang khẳng định tự trị của họ, xã hội và nhà nước đã đè lên đầu họ, tuyên bố họ là một “phong trào phản xã hội”, một “khối u” cần phải cắt bỏ. Đó là lý do vì sao họ lại ngày càng chống xã hội hơn.
Nhưng, Kaczynski – cố tình hay vô ý – đã bỏ qua một yếu tố quan trọng. Tự trị chỉ là hình ảnh trong gương của sự lệ thuộc vào người khác. Nếu bạn là một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ lại trên một hoang đảo thì bạn sẽ không có khái niệm “tự trị”. Tự trị và lệ thuộc giống như ánh sáng và bóng tối, kẹt giữa sự co kéo giữa lực hút lẫn nhau, cho tới khi, sau nhiều lần thử và sai, mỗi cá nhân mới tìm ra được chỗ của mình ở trong thế giới.
Những người không làm được sự cân bằng này, như Shoko Asahara, đã phải bù đắp bằng cách lập ra một hệ thống hạn hẹp (nhưng thật sự khá là hiệu nghiệm). Tôi không có cách nào xếp hạng hắn là một nhân vật tôn giáo vĩ đại. Làm cách nào người ta đánh giá được một điều như thế? Nhưng, nhìn lướt qua đời hắn thì sẽ thấy một khả năng rất có thể là thật. Những nỗ lực chiến thắng các khuyết tật của bản thân hắn đã khiến hắn mắc kẹt vào trong một chu trình khép kín. Một ông thần tử tế ở trong một chiếc chai mang nhãn “tôn giáo”, thứ mà hắn mang ra thị trường dưới dạng sẻ chia kinh lịch.
Chắc chắn chính Asahara đã phải nếm mùi địa ngục, một cuộc tắm máu khủng khiếp của những người xung đột nội tâm và tìm kiếm linh hồn cho tới khi cuối cùng hắn đi đến chỗ hệ thống hóa nhãn quan của mình. Không nghi ngờ gì, hắn cũng có sự giác ngộ của hắn, đã “đạt tới một vài giá trị siêu linh”. Không có một kinh lịch trực tiếp về địa ngục hay sự đảo ngược phi thường các giá trị hàng ngày, Asahara sẽ không có một quyền lực mê hoặc mạnh mẽ đến thế. Từ một góc nhìn nào đó, tôn giáo nguyên sơ luôn mang theo vầng hào quang đặc biệt của chính nó, vầng hào quang luôn đi kèm nó và phát ra từ một độ lệch về mặt tâm hồn.
Để nhận lấy cái “tự quyết” mà Asahara ban cho, phần lớn những người tìm nơi ẩn nấp ở trong giáo phái Aum có vẻ đề đã giao nộp hết mọi sở hữu cá nhân quý báu với bản thân mình – cả khóa và chìa – vào trong cái “ngân hàng tâm linh” có tên Shoko Asahara. Kẻ ngoan đạo chối bỏ tự do của mình, khước từ sở hữu của mình, cắt đứt với gia đình mình, hủy mọi phán xét thế tục (lối suy nghĩ bình thường). Người Nhật “bình thường” liền thất kinh. Sao ai lại có thể làm cái điều điên rồ như vậy chứ? Nhưng ngược lại, với những tín đồ Aum thì chắc việc đó khá dễ chịu. Cuối cùng, trên họ đã có ai đó trông nom đến họ, tránh cho họ một mối lo phải tự đương đầu với từng tình huống mới và phóng thích họ khỏi bất cứ nhu cầu suy nghĩ cho bản thân nào.
Bằng cách hòa nhịp, bằng cách tự nhập mình vào Cái Tôi “lớn hơn, mất cân bằng sâu sắc hơn” của Shoko Asahara, họ đạt tới một trạng thái như kiểu giả-tự-quyết. Thay vì công kích vào xã hội với tư cách cá nhân, họ trao lại toàn bộ trách nhiệm chiến lược cho Asahara. Chúng ta sẽ có một thực đơn dọn sẵn “Sức mạnh của bản thân chống lại hệ thống”, xin mời.
Thực đơn của họ không phải là “cuộc chiến chống lại hệ thống để đạt tới quá trình sức mạnh tự quyết” của Kaczynski. Người duy nhất chiến đấu là Shoko Asahara: phần đông những người theo hắn chỉ bị cái tôi khát chiến của hắn nuốt chửng và đồng hóa. Nhưng cũng không phải những tín đồ đó đơn phương thần phục “sự kiểm soát đầu óc” của hắn. Không phải là những nạn nhân bị động, bản thân họ cũng tích cực tìm cách để được Asahara kiểm soát. “Kiểm soát đầu óc” không phải là một cái gì có thể theo đuổi hay được ban cho đơn phương kiểu đó. Nó là một việc có hai mặt.
Nếu bạn mất cái tôi của mình, bạn mất luôn cái mạch của hành vi kể chuyện kia, cái mà bạn gọi là Bản thân vậy. Tuy nhiên, con người không thể sống lâu trong tình trạng không có cảm thức nào về một câu chuyện liên tục. Những câu chuyện ấy vượt ra ngoài hệ thống duy lý chật hẹp (hay tính hợp lý có hệ thống), mà bạn dùng để vây quanh chính mình; chúng là những chiếc chìa khóa chủ yếu cho việc chia sẻ thời gian – kinh lịch với người khác.
Như vậy, hành vi kể chuyện làm nên câu chuyện, chứ không phải logic, không phải đạo đức, cũng không phải triết học. Nó là một giấc mơ bạn cứ mơ mãi, bất cần thực hiện được hay không. Chắc chắn bạn sẽ tiếp tục không ngừng mơ câu chuyện của mình cũng như không ngừng thở hít vậy. Và trong những câu chuyện này bạn mang hai bộ mặt. Bạn vừa là chủ thể vừa là khách thể. Bạn vừa là toàn thể vừa là bộ phận. Bạn vừa là thực tồn vừa là cái bóng. Là “Người kể chuyện” đồng thời là “Nhân vật”. Chính là thông qua các vai đa tầng trong các câu chuyện của mình, chúng ta chữa lành nỗi cô độc khi làm một cá nhân biệt lập trong thế giới.
Nhưng không có một cái tôi thích đáng thì không ai có thể sáng tạo ra một cách kể chuyện của cá nhân, cũng như bạn không thể lái một chiếc xe không có máy, hay một vật không có hình hài thật thì không thể tạo ra cái bóng của nó được vậy. Nhưng một khi bạn đã ký gửi cái tôi của bạn cho một người nào khác, thì từ đấy bạn còn có thể đi được đến đâu nữa trên đời này?
Đến lúc này, bạn nhận về một cách kể chuyện mới từ người mà bạn đã giao phó cái tôi của bạn. Bạn trao đi một vật thực tại, nhưng cái trở về với bạn là một cái bóng. Và một khi cái tôi của bạn đã hòa vào một cái tôi khác thì cách kể chuyện của bạn tất yếu sẽ tiếp nhận cách kể chuyện mà cái tôi khác kia tạo ra.
Vấn đề là cách kể chuyện loại nào đây?
Đó không phải là một cái gì đặc biệt khác thường, không phải phức tạp hay tinh tế. Bạn không cần phải có những hoài bão văn học. Thật ra, đúng hơn, càng sơ sài, càng đơn giản thì lại càng tốt. Hâm lại chuyện về đồ ve chai, đồ ăn thừa cũng đủ ổn. Muốn gì thì hầu hết mọi người đã mệt mỏi với các kịch bản phức tạp, nhiều lớp nhiều tầng – chúng là những thứ có tiềm năng gây thất vọng. Người ta vứt bỏ bản sắc tự thân chính là bởi vì họ không tìm được một điểm cố định trong các kế hoạch đa tầng lớp của bản thân.
Một “tượng trưng” đơn giản trong một câu chuyện sẽ giúp ích cho cách kể chuyện này, nó cũng giống như một huân chương chiến tranh gắn cho người lính không cần phải là vàng nguyên chất. Nó chỉ cần được hậu thuẫn bằng một sự công nhận của số đông rằng “nó là huân chương đấy” là đủ, mặc dù nó chỉ là một mảnh sắt tây rẻ mạt.
Shoko Asahara có đủ tài để áp đặt cách kể chuyện đã được đem hâm lại của hắn lên người khác (những người mà phần lớn đến là để tìm chính cái cách kể chuyện ấy!). Đó là một câu chuyện bôi bác, nực cười. Những người không phải tín đồ mà nghe nó thì chỉ có cảm giác nhộn nhạo buồn nôn. Nhưng công bằng mà nói thì câu chuyện ấy đã có được sự kiên định nào đó xuyên suốt trong nó. Đó là lời kêu gọi đứng lên vũ trang.
Từ góc độ này, ở một ý nghĩa hạn hẹp, Asahara là một người kể chuyện bậc thầy, người quả thực đã có thể tiên đoán tâm tình thời đại. Dù có ý thức về điều đó hay không, hắn không hề nản lòng dẫu có biết rằng các ý tưởng và hình ảnh của hắn chỉ là đồ bỏ đi tái chế. Hắn cố ý vá víu các mẩu các mảnh ở khắp xung quanh hắn lại với nhau (cách mà ET 3 của Spielberg ghép nên một thiết bị để liên lạc với hành tinh quê hương từ những đầu thừa đuôi thẹo nhặt ở trong ga ra xe gia đình) rồi đem lại cho chúng một luồng đặc biệt, một dòng chảy phản ánh những bóng ma nội tâm tăm tối của chính đầu óc hắn. Bất kể cách kể chuyện này có thiếu sót ra sao, những thiếu sót ấy đều nằm trong bản thân Asahara, cho nên chúng không hề là chướng ngại vật cho những người đã chọn hòa mình vào hắn. Các thiếu sót này, có thể nói, lại là một phần bù đắp tích cực, cho tới khi chúng bị làm cho ô nhiễm chết người. Huyễn hoặc và hoang tưởng hết phương cứu chữa, một lớp mặt nạ mới mẻ được phát triển, lớn lao và vô lý, cho đến khi hết đường quay đầu…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.