NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương I



Tôi quen biết Sophia Leonidès ở Ai Cập vào lúc chiến tranh thế giới sắp kết thúc. Lúc đó cô giữ một vị trí khá quan trọng trong các văn phòng cơ quan ngoại vụ. Lúc đầu tôi chỉ có quan hệ công tác với cô. Nhưng rồi tôi sớm nhận ra những đức tính cao quý ở cô mặc dù cô còn rất trẻ, mới hai mươi hai tuổi mà đã có một vị trí công tác đòi hỏi trách nhiệm không nhỏ. Cô rất ưa nhìn, lại rất thông minh cộng với một bộ óc hài hước nên càng ngày tôi càng thấy mến cô. Chúng tôi kết bạn với nhau. Đây là một cô gái ai cũng muốn tiếp xúc. Hai chúng tôi rất thích cùng nhau đi ăn tôi và khiêu vũ, nếu có dịp.

Tôi biết về cô tất cả có thế. Chỉ đến lúc chiến tranh chấm dứt ở châu Âu, tôi phải thuyên chuyển sang Viễn Đông – thì tôi mới phát hiện ra rằng tôi đã thầm yêu Sophia và tôi mong muốn được kết hôn với cô.

Điều phát hiện ấy đến với tôi vào một buổi tối, khi chúng tôi đi ăn cùng nhau ở tiệm Shepheard. Tôi không bị bất ngờ về điều ấy, đó là sự thừa nhận chính thức những tình cảm mà tôi đã giữ kín trong lòng từ lâu. Tôi nhìn Sophia bằng đôi mắt mới mẻ, nhưng những điều tôi trông thấy thì tôi đã biết cả rồi. Mọi cái trong cô đều hài hòa và thanh nhã, tôi yêu làn tóc đen, óng mượt viền quanh vầng trán cao quý, yêu cặp mắt trong xanh, chiếc mũi dọc dừa, cũng như cái cằm cương nghị của cô. Trong bộ váy áo màu nhạt trông cô càng toát lên vẻ rất Anh và điều đó càng làm tôi thích thú sau ba năm trời ở xa tổ quốc. Tôi tự nhủ không ai có thể có dáng vẻ Ăng-lê hơn thế và tôi cho cô đúng quả là một người Anh thực sự.

Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện thú vị, thổ lộ hết mình về những ý nghĩ, những điều thích và không thích, về bạn bè và các mối quan hệ. Sophia không hề có chút ảo tưởng nào về gia đình mình. Cô biết tất cả về tôi, nhưng tôi không biết chút nào về cô cả. Cho đến lúc ấy điều đó vẫn không làm tôi quan tâm đến.

Cô hỏi tôi nghĩ về cái gì.

– Về em! – Tôi đáp thành thật.

– Thế ư?

– Rất có thể là từ nay trở đi trong hai năm nữa chúng ta sẽ không gặp lại nhau, tôi không biết đến lúc nào tôi mới trở về nước Anh, và tôi nghĩ rằng điều tôi quan tâm đầu tiên khi trở về là đi tìm em để cầu hôn với em.

Cô tiếp nhận lời tuyên bố này không hề chớp mắt. Cô tiếp tục hút thuốc mà không nhìn tôi. Chờ một lát, tôi băn khoăn cho rằng có thể cô chưa hiểu tôi.

– Tôi đã quyết định – Tôi nói tiếp – chưa yêu cầu em làm vợ tôi ngay vì em có thể trả lời là không, để đến nỗi tôi đi đến chỗ quá đau khổ mà? Có thể vì hờn giận lại đem gắn số phận tôi vào số phận ai đó không xứng đáng… Sau nữa, nếu em nói là em đồng ý thì tôi cũng không biết chúng ta sẽ phải làm gì đây? Lấy nhau ngay lập tức và xa cách nhau ngày mai ư? Chúng ta hứa hôn và chúng ta bắt đầu chờ đợi nhau trong một thời gian không biết đến bao giờ? Đó là điều tôi không thể chịu nổi. Tôi không muốn em coi mình như bị ràng buộc bởi một lời cam kết đối với tôi. Chúng ta đang sống trong một thời đại sôi động. Người ta kết hôn rất nhanh và ly dị cũng vậy. Tôi muốn em vẫn là một người tự do cho tới khi trở về nhà, muốn em chú ý đến xung quanh mình để xem thiên hạ sau chiến tranh ra sao và muốn em làm chủ cuộc sống của mình để sau đó đi đến những quyết định đúng đắn trong cuộc đời. Nếu tôi với em cần phải lấy nhau thì cuộc hôn nhân ấy phải vĩnh cửu! Một cuộc hôn nhân khác, tôi nhất quyết không chấp nhận!

– Cả em cũng không!

– Vậy thì tôi sẽ trung thành với tất cả những lời nói và tình cảm mà tôi đã dành cho em!

Cô trách :

– Sao ông không biểu lộ những tình cảm ấy bằng một ý thơ trữ tình xa xưa nào đó?

– Đến thế mà em vẫn không hiểu? Thế em không thấy rằng tôi đã làm tất cả những gì mà tôi có thể để khỏi phải nói rằng tôi yêu em và…

Cô ngắt lời tôi :

– Em hiểu cả rồi, ông Charles, và kiểu giãi bày tình cảm tức cười của ông đã làm em rất có thiện cảm. Khi nào ông trở về nước Anh, ông hãy đến gặp em nếu như ông vẫn còn ý định ấy…

Đến lượt tôi ngắt lời cô :

– Việc đó tất nhiên là như thế!

– Đừng khẳng định trước gì cả, ông Charles! Chỉ cần một ly là đi một dặm đủ để lật nhào những dự kiến tốt đẹp nhất! vả lại, ông đã hiểu gì về em đâu? Hầu như không. Đúng không nào?

– Tôi cũng chưa biết đến cả địa chỉ của em ở nước Anh.

– Em ở Swinly Dean…

Tôi lắc lư đầu tỏ ra rất am hiểu vùng ngoại ô xa xôi ấy của Luân Đôn, nơi có niềm kiêu hãnh chính đáng về ba cái sân gôn tuyệt đẹp mà các nhà tư bản tài chính của Thủ đô thường xuyên lui tới.

Cô nói thêm bằng một giọng mơ màng :

– Trong một ngôi nhà nhỏ cổ quái…

Khi tôi biểu lộ đôi chút kinh ngạc thì cô vui vẻ giải thích cho tôi rằng đó là một đoạn trích trong câu hát đồng dao :

– Và cả ba nhân vật cũng chung sống trong một ngôi nhà nhỏ cổ quái! Ngôi nhà nhỏ ấy chính là nhà của gia đình em! Chỉ toàn những đầu hồi!

– Gia đình em đông người không?

– Đông. Một em trai, một em gái, một mẹ, một bố, một bác trai, một bác gái, một ông nội, một bà em bà nội, và một bà nội kế.

– Trời đất! – Tôi kêu lên hơi ngao ngán.

Cô cười nói tiếp :

– Đương nhiên trước kia gia đình em không ở cùng nhau đông thế. Chiến tranh và bom đạn đã đem đến bao thay đổi. Nhưng, mặc dù vậy…

Giọng nói cô trở nên trịnh trọng :

– Mặc dù vậy, có thể là trong tâm trí của cả gia đình vẫn muốn tiếp tục chung sống với nhau dưới sự bảo trợ của ông nội. Ông biết không, ông nội em quả là một quý ông. Ông đã ngoài tám mươi, và mọi người ở bên ông đều trở nên lu mờ!

– Có thể ông rất xuất sắc?

– Đúng thế. Ông nội là một người Hy Lạp vùng Smyrne, tên ông là Aristide Leonidès.

Với một cái nháy mắt, cô nói thêm :

– Ông nội cực kỳ giàu có.

– Có ai còn giàu khi cuộc chiến tranh này kết thúc đâu!

– Ông nội sẽ vẫn giàu đấy! – Cô nói bằng giọng chắc chắn – Người ta có thể dùng mọi biện pháp để tước bớt vốn liếng, nhưng sẽ không tác dụng đối với ông. Nếu ai vặt lông ông thì ông sẽ vặt lông lại!

Sau một phút im lặng, cô lại nói :

– Em vẫn tự hỏi không biết là ông có thích ông nội em không?

– Thế em, em có yêu ông nội không?

– Em ư? Yêu hơn bất kỳ ai ở trên đời!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.