NGÔI NHÀ CỔ QUÁI
Chương II
Hai năm sau, tôi trở về Anh. Hai năm dài dằng dặc. Suốt thời gian đó, tôi đã viết thư đều đặn cho Sophia và cô cũng cho tôi biết tin tức rất thường xuyên nhưng thư từ của chúng tôi chưa phải là những lá thư tình. Bề ngoài chúng tôi như là đôi bạn rất thân thiết, thích trao đổi với nhau những suy nghĩ và thông báo cho nhau những ấn tượng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy tình cảm của tôi vẫn không thay đổi và tôi có đủ lý do để nghĩ rằng cô cũng như thế. Tôi đổ bộ lên đất Anh vào một ngày u ám tháng chín. Khí trời mát dịu và trong ánh chiều tà, lá cây ngả màu nâu vàng. Từ sân bay tôi gửi cho Sophia một bức điện:
“Đã về. Mời em đi ăn với tôi vào chín giờ tối nay tại tiệm Mario – Charles”.
Hai giờ sau, tôi đọc báo Times, mắt tôi lơ đãng lướt qua mục “Tin buồn”, bỗng dừng lại trước tin báo sau đây:
“Ngày 19 tháng chín, tại nhà ‘Ba Đầu Hồi’ ở Swinly Dean, Aristide Leonidès đã từ trần ở tuổi tám mươi nhăm. Thương tiếc vô hạn”.
Ngay ở dưới, một tin báo khác:
“Aristide Leonidès bất ngờ từ trần tại nhà riêng ‘Ba Đầu Hồi’, ở Swinly Dean. Lễ an táng tại nhà thờ Saint Eldred”.
Tôi nhận thấy “đoạn tin trùng” này khá lạ lùng, trong thâm tâm tôi, tôi trách tòa soạn vô ý bỏ qua điều đó, và tôi vội vã gửi cho Sophia một bức điện thứ hai:
“Vừa mới biết tin về ông nội em từ trần. Xin thành thật chia buồn. Khi nào thì tôi có thể gặp em? – Charles”
Bức điện đáp lại của Sophia đến tôi lúc sáu giờ chiều tại nhà cha tôi:
“Em sẽ đến tiệm Mario lúc chín giờ – Sophia”.
Nghĩ đến việc sẽ được gặp lại cô làm tôi đứng ngồi không yên. Tôi đi đến quán ăn trước hai mươi phút. Nhưng cô lại đến muộn cũng bằng ấy thời gian.
Sự xuất hiện của cô gây cho tôi một cú sốc khác hẳn điều tôi chờ đợi. Cô mặc đồ đen. Điều đó dẫu hoàn toàn tự nhiên vẫn làm tôi kinh ngạc. Tôi không nghĩ là Sophia lại mặc tang phục ngay cả trước một người thân như tôi!
Chúng tôi uống cốc-tai trước khi vào bàn ăn và ngay lập tức chúng tôi nối tiếp nhau nói liến thoắng đủ thứ chuyện. Chúng tôi nói cho nhau nghe tin tức của những người mà chúng tôi đã quen biết ở Cairo, chúng tôi trao đổi những vấn đề gần như không quan trọng, nhưng chúng ít ra cũng giúp chúng tôi tiếp tục tiếp xúc với nhau mà không quá ngượng nghịu. Tôi chia sẻ nỗi đau của cô. Cô nói rằng cái chết của ông nội cô là rất “bất ngờ” và cô lại nói về chuyện Cairo. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Cuộc nói chuyện của chúng tôi thiếu tự nhiên, thiếu thành thật. Tôi có nên kết luận rằng Sophia đã gặp một người đàn ông mà cô thích hơn tôi hay không và cô đã phát hiện ra rằng cô đã lầm về chuyện tình cảm giữa hai chúng tôi hay không.
Tôi đặt ra cho mình những câu hỏi ấy cho tới khi cà phê được bất ngờ dọn ra. Hóa ra đây là một kiểu thay đổi không khí mà không có một cố gắng nào của tôi. Anh bồi đã đi khỏi và tôi lại thấy mình như ngày trước, ngồi ở một bàn nhỏ trong quán ăn bên cạnh Sophia. Những năm tháng xa cách dường như đã bị xóa nhòa.
– Sophia! – Tôi thì thầm.
– Charles!
Âm điệu ấy chính là điều tôi trông đợi. Tôi thở dài nhẹ nhõm.
– Thế là mọi chuyện đã qua! – Tôi kêu lên – Nhưng còn điều gì… xảy ra nữa?
– Có thể đó là lỗi của em. Em thực sự là một con ngốc.
– Nhưng tình hình có tốt đẹp hơn không?
– Tình hình bây giờ thế nào.
Chúng tôi mỉm cười với nhau.
– Em yêu! – Tôi nói thêm rất nhanh và rất khẽ. Nụ cười của nàng bỗng biến mất.
– Em không biết, anh Charles. Em cũng không chắc chắn là lúc nào em mới có thể kết hôn với anh…
– Sophia! Nhưng tại sao? Em nghĩ rằng anh đã thay đổi ư? Em có cần phải tìm hiểu lại anh không? Hay em đã yêu một người khác rồi?
Nàng lắc đầu :
– Không.
Tôi chờ. Nàng nói trong hơi thở :
– Chính vì cái chết của ông nội em.
Tôi lại kêu lên :
– Thế nghĩa là thế nào? Điều đó không làm thay đổi gì cả! Em đừng cho rằng vấn đề tiền bạc sẽ…
– Không phải là như thế!
Cô cười đau khổ :
– Em biết rất rõ rằng anh cưới em mà không màng tới một đồng xu. Vả lại, ông nội em không bao giờ thích lãng phí tiền bạc và ông để lại rất nhiều tiền…
– Thế rồi sao nữa?
– Có điều là ông nội chết… không giống một cái chết bình thường. Em tin rằng có kẻ đã giết ông!
Tôi nhìn cô sửng sốt :
– Ý nghĩ kỳ quặc! Điều gì đã làm em tin là như thế?
– Em không phải là người duy nhất nghĩ như thế đâu! Thầy thuốc không chịu ký giấy chứng tử và sẽ có một cuộc mổ xác. Rõ ràng là cái chết này rất khả nghi.
Tôi không có ý định tranh luận về vấn đề này. Sophia đủ thông minh để làm tôi tin.
Tuy vậy tôi vẫn nói :
– Có thể những nghi ngờ ấy không dựa trên cơ sở nào cả. Nhưng dù chúng có được chứng minh là thế nào thì anh cũng không hiểu tại sao điều đó có thể làm thay đổi được chuyện của chúng ta!
– Anh tin chắc như thế à? Anh ở trong ngành ngoại giao và đó là một nghề người ta phải hết sức coi chừng người đàn bà mà anh lấy làm vợ. Em biết anh đang nóng lòng chờ đợi điều gì ở nơi em. Thôi đừng nói ra nữa! Những điều đó xin anh hãy cân nhắc kỹ đã, và về nguyên tắc, em đã đồng ý lấy anh. Nhưng, em lo lắng… Cực kỳ lo lắng. Em muốn có một đám cưới mà không trở thành chủ đề cho việc nói xấu và nó cũng không phải là một sự hy sinh về phía anh. Nói thế thôi, rất có thể mọi sự sẽ hết sức tốt đẹp…
– Em muốn nói là thầy thuốc có thể… đã bị lầm?
– Cho dù thầy thuốc không bị lầm đi nữa, giá mà ông em bị giết bởi một kẻ sát nhân “tử tế”, thì mọi sự vẫn tiến triển tốt đẹp!
Tôi không còn hiểu ra làm sao nữa. Cô vẫn nói tiếp :
– Điều em vừa nói kinh tởm quá phải không? Nhưng thà nói thẳng ra còn hơn, đúng không?
Rồi cô trả lời câu hỏi của tôi trước khi tôi kịp mở miệng.
– Không, anh Charles, em sẽ không nói thêm gì nữa… và có lẽ là em đã nói quá nhiều rồi! Tối nay em đã đến được đây, chính là vì em nhất quyết phải tự mình nói ra rằng chúng ta không thể quyết định được gì cả trước khi vụ án này chưa được sáng tỏ.
– Thì ít ra em cũng phải giải thích cho anh đó là cái gì chứ?
– Em không thể!
– Nhưng…
– Không, anh Charles! Em không muốn anh nhìn sự vật bằng quan điểm của em. Em tha thiết mong rằng anh sẽ nhìn gia đình em bằng ánh mắt không thành kiến, nên nhìn từ bên ngoài như một người xa lạ!
– Làm sao anh có thể như thế được?
Một tia sáng lóe lên trong đôi mắt xanh của cô :
– Cha anh sẽ cho anh biết điều đó!
Chả là hồi ở Cairo, tôi đã nói với Sophia rằng cha tôi là phó chỉ huy trưởng Cục Cảnh sát trung ương (Scotland Yard). Ông vẫn đương nhiệm. Câu nói sau cùng ấy làm tôi choáng váng.
– Việc này nghiêm trọng đến thế ư?
– Em e rằng như vậy đấy. Anh có thấy người đàn ông kia đang ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ không? Anh ta có vẻ như một hạ sĩ quan ấy…
– Đúng.
– Vậy thì, anh ta đã ở trên sân ga lúc em leo lên xe hỏa.
– Anh ta theo dõi em à?
– Vâng. Em nghĩ rằng chúng ta, cả hai đã bị… nói thế nào nhỉ… bị giám sát đấy. Ít nhất người ta đã cho chúng em biết rằng tốt hơn hết là không rời khỏi nhà. Nhưng, em lại muốn gặp anh.
Rướn chiếc cằm nhỏ nhắn về phía trước và với vẻ cương nghị, cô kết thúc :
– Em đã ra ngoài qua cửa sổ phòng tắm, bằng cách tụt từ ống máng xuống.
– Ôi em yêu!
– Nhưng cảnh sát vẫn mở mắt… và biết được bức điện em gửi cho anh! Dù sao thì cả hai chúng ta đã ở đây, và đó là điều quan trọng!… Không may là từ bây giờ trở đi chúng ta sẽ chơi cuộc chơi của chúng ta, anh và em mỗi người ở một bên…
Bàn tay cô đặt trên tay tôi, cô tiếp tục nói :
– Em nói “không may”, vì không nghi ngờ gì nữa chúng ta đang yêu nhau!
– Đó chính là ý kiến của anh nhưng không có gì để nói là “không may cả”! Em và anh, chúng ta đã sống sót sau một cuộc chiến tranh thế giới, chúng ta đã nhìn thấy thần chết ở bên cạnh… và thực ra không có bất kỳ lý do nào để… một ông già bị chết bất ngờ cả… Thực ra, ông cụ bao nhiêu tuổi rồi?
– Tám mươi nhăm tuổi.
– Rất đúng! Chính trong tờ báo Times đã nói thế. Nói riêng giữa chúng ta với nhau nhé, đó là một tuổi đáng kính và cụ đã mất hoàn toàn chỉ do tuổi già như mọi thầy thuốc có ý thức trách nhiệm đều có thể công nhận như thế.
– Giá anh quen biết ông nội em thì anh sẽ ngạc nhiên là ông em có lẽ chết vì âm mưu gì đó!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.