NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương III



Bao giờ tôi cũng thích các cuộc điều tra của bố tôi nhưng chưa khi nào tôi nghĩ là một trong những cuộc điều tra ấy có thể làm tôi mê say vì những lý do trực tiếp liên quan đến cá nhân mình.

Tôi chưa gặp lại bố tôi. Ông không có ở nhà khi tôi trở về, và sau khi tắm, cạo râu, thay đồ, tôi lập tức ra khỏi nhà để đến gặp Sophia. Khi tôi quay về nhà, Glover bảo tôi rằng cha tôi đang ở trong phòng. Tôi thấy ông ngồi ở bàn giấy, chúi mũi vào đống giấy tờ. Ông đứng dậy khi tôi bước vào.

– Charles! Chờ một lát chúng ta sẽ gặp nhau!

Cuộc hội ngộ của cha con tôi sau năm năm chiến tranh thật sự xúc động. Bố con tôi yêu nhau lắm và chúng tôi rất hiểu nhau.

– Bố còn một chút rượu Whisky – Ông nói – Vừa đủ một cốc. Hãy ngăn bố lại khi con cảm thấy đủ rồi! Bố tiếc là đã không ở nhà để đón con trở về, nhưng vì bố có việc bận và chắc chắn bố không muốn cái thứ công việc tồi tệ này lại giáng xuống đầu bố ngày hôm nay!

Ngửa người trong một chiếc ghế bành, tôi vừa châm một điếu thuốc vừa nói :

– Về Aristide Leonidès phải không ạ?

Ông nhìn chằm chằm vào mặt tôi một lúc, lông mày cau lại :

– Cái gì xui khiến con nói điều đó, Charles?

– Thế thì sao, con không lầm đấy chứ?

– Làm sao mà con đoán ra?

– Một nguồn mách bảo.

Ông chờ tôi. Tôi nói thêm :

– Và một nguồn mách bảo chắc chắn.

– Nào cái gì vậy?

– Điều này có lẽ sẽ không làm cho bố hài lòng – Tôi nói tiếp – Dù thế nào con cũng phải nói cho bố biết thôi! Con có quen biết Sophia Leonidès hồi ở Cairo, chúng con yêu nhau và con có ý định cưới cô ấy. Con đã gặp cô ấy tối nay rồi. Cô ấy đã ăn tôi cùng con.

– Đã ăn tôi với con ở Luân Đôn này? Bố tự hỏi không hiểu làm sao cô ấy làm được việc ấy. Cả gia đình đã bị tước quyền tự do – Ồ, bị tước rất lễ độ – cả nhà không được rời khỏi chỗ ở!

– Con biết. Cô ấy đã lẻn ra qua cửa sổ phòng tắm, dọc theo ông máng.

Một nụ cười thoáng hiện trên môi bố tôi :

– Người ta bảo đó là một phụ nữ có tài xoay xở!

– Nhưng mà cảnh sát của bố đã để mắt đến và một người của bố đã bám theo cô ta đến tận tiệm ăn. Con sẽ bị nêu tên trong tờ báo cáo sẽ gửi đến cho bố của một nhân viên cao một mét bảy mươi nhăm, tóc nâu, mắt nâu, com lê đã sờn…

Cái nhìn của bố tôi xoáy vào tôi.

– Hãy nói cho bố, Charles… Chuyện rắc rối này có phải là chuyện nghiêm túc không đấy?

– Có, thưa bố – Tôi đáp – Đó là chuyện đứng đắn.

Một phút im lặng.

– Việc đó có làm bố phiền lòng không? – Tôi hỏi.

– Việc ấy không làm bố phiền lòng nếu đó là tám ngày trước đây. Gia đình này là gia đình đáng kính nể, người con gái ấy sẽ có nhiều tiền của… và bố hiểu con. Con biết giữ đầu óc bình tĩnh. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại…

– Trong hoàn cảnh hiện tại thì sao ạ?

– Mọi điều đều có thể, người ta không thể làm tốt hơn nếu…

– Nếu sao?

– Nếu như kẻ sát nhân là người “tử tế”.

Từ “tử tế” này, đúng là lần thứ hai tôi đã nghe được buổi tối hôm nay. Nó bắt đầu kích thích sự tò mò trong tôi.

– Bố nói thế nghĩa là thế nào?

Bố tôi ngắm nghía tôi một lúc rồi hỏi :

– Chính xác là con biết gì về vụ này?

– Không biết gì cả.

– Không gì ư? Con bé không kể gì cả cho con?

– Không. Cô ấy muốn con nhìn sự việc bằng đôi mắt thật khách quan.

– Bố tò mò muốn hiểu vì sao?

– Không phải sự việc đã rõ ràng rồi ư?

– Không, Charles ạ, bố không tin.

Với vầng trán đăm chiêu, bố tôi đi bách bộ trong căn phòng. Ông bỏ mặc cho điếu xì gà tự tắt, dấu hiệu đó tỏ rõ là ông đang lo lắng. Bất ngờ ông hỏi tôi :

– Con biết gì về gia đình này?

– Về gia đình này? Con biết rằng có ông nội và cả một tập đoàn các con trai, con dâu, các cháu nội và các bà con thông gia. Con không nắm được rõ ràng họ quan hệ với nhau thế nào… và tất nhiên con muốn được bố cho con biết rõ ràng hơn!

– Đó chính là ý kiến của bố.

Ông ngồi xuống nói tiếp :

– Bố bắt đầu từ đầu, nghĩa là từ Aristide Leonidès. Ông ta đến nước Anh lúc ông hai mươi bốn tuổi…

– Đó là một người Hy Lạp xứ Smyrne.

– A! Con biết thế ư?

– Vâng nhưng hầu như chỉ thế thôi.

Cửa mở, Glover đến báo chánh thanh tra cảnh sát đã tới.

– Chính anh ta được giao nhiệm vụ điều tra – Bố tôi giải thích – Bố sẽ cho gọi anh ta vào. Anh ta nắm chắc tình hình gia đình đó và biết nhiều chi tiết hơn bố.

Tôi hỏi phải chăng cảnh sát địa phương đã yêu cầu Cục cảnh sát can thiệp.

– Vụ này thuộc về thẩm quyền của cơ quan bố, Swinly Dean thuộc ngoại ô thành phố.

Tôi quen Taverner từ nhiều năm nay. Anh siết tay tôi nồng nhiệt và chúc mừng tôi đã trở về sau đại chiến bình yên vô sự.

– Tôi đang nói cho Charles biết – Bố tôi nói với anh – Và anh hãy kiểm tra xem tôi có nhầm không nhé. Thế đấy, Leonidès đến Luân Đôn năm 1884. Ông ta mở một quán ăn nhỏ ở quận Soho, kiếm được tiền lập thêm tiệm ăn thứ hai, rồi tiệm thứ ba và chẳng bao lâu ông có bảy hoặc tám tiệm và tất cả đều làm ăn phát đạt.

– Con người này – Taverner nhận xét – không hề vi phạm một lỗi nhỏ.

– Ông ta rất tinh nhạy! – Cha tôi tuyên bố – Cuối cùng ông đã được ăn chia lợi tức trong tất cả các tiệm ăn nổi tiếng ở Luân Đôn. Thế đấy, ông ta kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống trên một phạm vi rộng.

– Ông ta cũng kinh doanh nhiều thứ khác: quần áo giá hạ, đồ trang sức “mỹ ký”, vân vân. Vâng! Ông ta nắm được nhiều việc, nhiều người!

– Đó là một kẻ bịp bợm ? – Tôi hỏi.

Thanh tra lắc đầu :

– Tôi không nói như thế. Lắm mưu sắc sảo nhưng không phải loại bịp bợm. Ông không hề đặt mình vào trường hợp để bị theo dõi nhưng ông ta thuộc loại người ranh mãnh, nghĩ ra được mọi cách để tránh né pháp luật. Chính vì thế mà đã dù rất già, ông ta vẫn hái ra tiền trong thời gian chiến tranh. Ông ta không làm điều gì bất hợp pháp, nhưng khi bắt đầu làm việc gì đó thì ông ta trở nên khẩn trương ví dụ như việc biểu quyết một văn bản luật để lấp những lỗ trống trong hệ thống luật pháp còn chưa xong thì ông đã tìm thấy biện pháp để lợi dụng. Khi luật mới tác động thì ông đã làm việc khác rồi.

– Nhân vật này – Tôi nói – tôi thấy hình như không được cảm tình lắm nhỉ?

– Đừng nghĩ thế! – Taverner kêu lên – Ai tiếp xúc với ông ta lúc đầu có thể cho ông là như thế: về hình thức đó là một người lùn tịt, cao một mẩu, xấu kinh khủng, nhưng lại toát ra một sức hấp dẫn kỳ lạ. Phụ nữ yêu ông say mê. Vả lại, ông đã có một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Ông cưới con gái một điền chủ giàu có, cũng là người săn cày nổi tiếng.

– Hôn nhân vì tiền à?

– Không phải đâu! Hôn nhân vì tình. Một hôm cô nàng gặp chàng lúc cô đang tổ chức một bữa tiệc đính hôn của một cô bạn gái. Nàng phải lòng chàng và kết hôn với chàng bất chấp sự phản đối của cha mẹ. Chàng có sức hấp dẫn, mình nhắc lại điều đó với cậu và nếu ở lại với gia đình thì nàng buồn chán đến chết.

– Và cuộc hôn nhân ấy hẳn là hạnh phúc?

– Rất hạnh phúc, quả là kỳ lạ! Đương nhiên, bạn bè của họ không năng lui tới – Ở thời ấy, tiền của chưa xóa đi được những phân biệt đẳng cấp – nhưng điều đó hình như không làm cho họ buồn phiền. Họ không cần bạn. Họ cho xây dựng ở Swinly Dean một ngôi nhà hơi buồn cười, họ sống ở đó và sinh ra một đàn con đông đúc.

– Y như trong các chuyện thần thoại!

– Ông già Leonidès đã rất khôn ngoan khi chọn Swinly Dean. Ở đấy chỉ mới có một sân gôn và nơi này mới bắt đầu trở nên thịnh vượng. Dân cư gồm một phần là dân địa phương đã ở đó từ rất lâu, họ yêu tha thiết những mảnh vườn nhà mình và bà Leonidès lập tức có thiện cảm với họ; và, một phần nữa là những nhà doanh nghiệp giàu có của thành phố chỉ có nhu cầu làm ăn với Leonidès. Thế là họ có thể lựa chọn các mối quan hệ mới. Cuộc hôn nhân của họ, tôi cho là hoàn toàn hạnh phúc cho tới năm 1905 bà Leonidès chết vì bệnh viêm phổi.

– Bà để lại cho ông ấy tám người con?

– Một con trai chết từ nhỏ. Hai trong số các con trai bị giết trong đại chiến thứ nhất. Một con gái lấy chồng và đến định cư tại Australie rồi chết ở đó. Một con gái khác còn độc thân chết trong một tai nạn ô tô. Một con gái nữa mới chết cách đây một hai năm. Những người còn sống là: con cả, Roger, có vợ, không có con, và Philip, người này kết hôn với một nữ diễn viên khá nổi tiếng và có với nhau ba con là Sophia mà cậu đã nói với mình, Eustace và Josephine.

– Và tất cả những người này đang sống ở nhà “Ba Đầu Hồi”?

– Phải. Ngôi nhà của Roger đã bị phá hủy bởi một quả bom ngay từ đầu cuộc chiến tranh. Philip và gia đình sống ở nhà “Ba Đầu Hồi” từ 1938. Còn có một bà dì già, tiểu thư xứ Haviland, em gái vợ đầu của Leonidès. Bà già này vốn ghét ông anh rể, nhưng, khi chị bà mất, bà coi như có nhiệm vụ phải nhận lời mời của Leonidès đến sống tại nhà ông và để nuôi nấng bọn trẻ.

– Bà ấy có ý thức rất cao về trách nhiệm của mình – Thanh tra Taverner nhận xét – nhưng bà không thuộc loại người dễ thay đổi ý kiến về người khác. Bà tiếp tục phán xét rất nghiêm khắc Leomdès và các phương pháp của ông này.

– Tóm lại – Tôi nói – ngôi nhà ấy rất đông người. Theo anh thì ai đã giết người?

Taverner làm một điệu bộ tỏ ra không biết.

– Còn quá sớm để có một ý kiến! Đúng là quá sớm!

– Nói đi! Tôi tin chắc là anh biết thủ phạm. Nói đi, ai thế, anh bạn! Chúng ta đâu phải ở trước tòa.

– Không – Anh ta nói vẻ buồn buồn – Chúng ta không ở trước tòa án và rất có thể chúng ta không bao giờ đi tới đó!

– Anh nói thế nghĩa là ông già Leonidès không phải là đã bị ám sát?

– Ồ! Bị ám sát, ông ta đã bị ám sát! Nhưng ông bị đầu độc và những chuyện đầu độc thì bao giờ cũng giống nhau! Ta khó mà tìm ra bằng chứng. Hình như mọi người muốn chỉ ra một người nào đó…

– Thế là xong! – Tôi kêu lên – Niềm tin của anh đã xác lập và thủ phạm anh đã biết rõ!

– Có một sự suy đoán rất tập trung về khả năng phạm tội. Nó như sờ sò trước mắt. Nhưng tôi không tin gì cả… Và tôi nghi ngờ.

Tôi quay sang bố tôi, dùng ánh mắt cầu xin viện trợ.

– Trong các vụ án mạng – Ông nói chậm rãi – cách giải quyết nào có vẻ rõ ràng thì nói chung là giải pháp đúng. Charles ạ, ông Leonidès đã tái hôn được mười năm.

– Lúc bẩy mươi nhăm tuổi?

– Phải. Cưới một cô gái hăm bốn.

Tôi phát ra một tiếng huýt sáo khe khẽ.

– Loại đàn bà nào?

– Một cô bé nhà nghèo phục vụ trong một phòng trà, rất có tư cách và đẹp, đẹp theo kiểu xanh xao, gầy yêu.

– Và chính nàng là đầu đề của sự suy đoán rất tập trung ấy phải không?

– Đàn bà! – Taverner nói – Chị ta chỉ mới ba mươi tư tuổi… một lứa tuổi nguy hiểm. Chị ta thích tiện nghi… và có một người đàn ông trẻ tuổi ở trong nhà, gia sư của bọn trẻ. Anh ta không ra mặt trận. Yếu tim hay cái gì đó như thế… Có những lính phục viên thuộc loại láu cá…

Tôi nhìn Taverner chăm chú.

– Những vụ như thế này, chúng tôi thường gặp.

Tôi hỏi :

– Đó là loại thuốc độc gì? Thạch tín ư?

– Không. Chúng ta chưa có báo cáo xét nghiệm độc học, nhưng thầy thuốc cho rằng đó là ésérine.

– Một chế phẩm ít thông dụng. Chắc hẳn sẽ khó mà tìm ra kẻ đã mua nó?

– Vấn đề không phải thế. Chất ésérine này là của ông Leonidès. Những giọt thuốc tra mắt…

– Leonidès có bệnh tiểu đường – Bố tôi nói – Người ta phải thường xuyên tiêm insuline cho ông. Chế phẩm này được bán trong các lọ nhỏ đóng kín bằng một nút cao su. Bằng bơm tiêm dưới da người ta hút dịch lỏng đó ra để tiêm…

Tôi đoán tiếp :

– Và không phải là insuline có ở trong lọ ấy mà là ésérine phải không?

– Đúng.

– Vậy người nào đã tiêm cho ông ấy?

– Vợ ông.

Lúc này tôi đã hiểu điều Sophia muốn nói ra khi cô nói đến “kẻ sát nhản tử tế”.

– Gia đình này có sống hòa hợp với bà Leonidès thứ hai này không? – Tôi hỏi.

– Không. Họ ít nói chuyện với nhau.

Mọi sự có vẻ dần dần sáng tỏ. Thế nhưng thanh tra hình như không thỏa mãn.

– Điều gì làm anh băn khoăn trong việc này thế?

– Chỉ vì tôi không biết bà ta có thật là thủ phạm hay không? Sao bà ta lại không thay cái lọ ésérine bằng một lọ khác thực sự đựng insuline. Việc đó đối với bà dễ dàng biết mấy!

– Có insulme ở trong nhà không?

– Muốn bao nhiêu cũng có! Những lọ đầy và những lọ rỗng. Nếu bà ta đã làm cái chuyện đánh tráo ấy, thì có thể đánh cược mười ăn một rằng không ai có thể nhận ra điều gì cả. Người ta chưa biết nhiều về trạng thái cơ thể nạn nhân sau khi ngộ độc bởi ésérine. Trong trường hợp này, thầy thuốc đã kiểm tra cái lọ để xem dung dịch ấy có đậm đặc quá không, và tất nhiên ông ta đã lập tức nhận thấy rằng nó đã chứa một chất khác không phải là insuline.

Tôi suy nghĩ và nói :

– Không biết bà Leonidès này có phải là người quá đần độn hay là rất có nghị lực?

– Anh muốn nói…

– Rằng bà ấy rất có thể lợi dụng việc anh đi tối chỗ kết luận rằng không ai lại có thể có một sự ngờ nghệch đến như thế. Còn có các giả thuyết khác nữa không? Những kẻ khả nghi khác chẳng hạn?

Chính lại là bố tôi trả lời câu hỏi của tôi, bằng một giọng ung dung từ tốn, ông nói :

– Trên thực tế, mọi người trong nhà đều có thể phạm tội. Ở nhà “Ba Đầu Hồi” luôn luôn có dự trữ đầy đủ insuline dùng cho mười lăm ngày. Chỉ cần chuẩn bị một lọ ésérine để đặt vào cùng với các lọ khác và đợi. Tất nhiên người ta phải dùng lọ đó vào một ngày nào đó.

– Và mọi người đều có thể ra vào nơi để thuốc?

– Các lọ không để trong tủ có khóa và được xếp ở tầng giá trong buồng tắm. Mọi người vẫn qua lại chỗ ấy.

– Còn động cơ gây án?

Bố tôi thở dài :

– Charles thân mến ơi, Leonidès là người cực kỳ giàu. Ông đã cho con cháu ông rất nhiều tiền, đúng thế, nhưng có thể ai đó muốn nhiều hơn…

– Có khả năng đó là vợ góa của ông ta. Người tình… của bà ấy có giàu không?

– Anh ta ư? Anh ta nghèo như một con chuột!

Câu nói ví von ấy làm tôi sửng sốt, nó gợi cho tôi nhớ đến câu dẫn của Sophia và đột nhiên những câu vè đồng thoại vang lên trong ký ức tôi: Có một chú lùn cổ quái, dạo trên một con đường cổ quái. Thấy một đồng xu cổ quái, cạnh một viên ngói cổ quái. Có một chú mèo cổ quái, bắt được một chú chuột cổ quái. Cả ba nhân vật sống chung trong một ngôi nhà nhỏ cổ quái.

– Bà Leonidès gây cho anh ấn tượng gì? – Tôi hỏi Taverner – Anh nghĩ quái quỷ gì về bà ấy?

Anh nghĩ một lúc rồi trả lời :

– Không dễ nói!… Cũng chẳng có gì cả!… Có trời mà đoán nổi một người đàn bà như thế! Bà ta rất bình thản, trầm lặng… và không ai biết bà nghĩ gì. Những gì tôi biết về bà chỉ là bà thích được trôi êm ả theo dòng đời… Bà làm tôi nghĩ đến một con mèo cái lớn đang kêu gừ gừ… Hãy chú ý là tôi không có gì phải chống lại giống mèo cả! Chúng rất tốt, mà giống chuột…

– Cái chúng ta cần là một bằng chứng cơ!

Đó cũng là ý kiến của tôi. Chúng ta phải có một bằng chứng. Bằng chứng về bà Leonidès đã đầu độc chồng. Bằng chứng ấy, Sophia muốn có, tôi muốn có, chánh thanh tra Taverner muốn có.

Khi nào chúng tôi có được nó thì mọi sự sẽ lạc quan.

Nhưng Sophia không tin, tôi cũng không tin và hình như chánh thanh tra Taverner nữa, anh ta cũng không tin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.