NGÔI NHÀ CỔ QUÁI
Chương X
Tôi tỉnh lại rất từ từ đến mức tôi không nhận ra là mình đã thiu thiu ngủ. Trong trạng thái ấy, tôi mơ hồ nhận thấy bên trên tôi một chút, một đốm trắng dường như bay phấp phối trong không gian. Tôi phải mất mấy giây để phục hồi khả năng của mình và hiểu rằng cái đốm trắng ấy thực sự là một khuôn mặt rất tròn, khuôn mặt của một bé gái mảnh khảnh mà tôi đặc biệt nhận thấy rằng em có mái tóc đẹp màu hạt dẻ tết ở đằng sau, và hai mắt đen lánh và lồi như muốn bật ra ngoài hố mắt. Em bé nhìn tôi chằm chằm.
– Chào anh! – Em nói.
Chớp chớp đôi mắt, tôi lẩm bẩm một tiếng “Xin chào!” không nên lời. Em lại nói :
– Em tên là Josephine.
Tôi đã đoán ra nó. Josephine, em gái của Sophia là một đứa bé gái mà tôi đoán chừng phải đến mười một hoặc mười hai tuổi. Với một dáng vẻ xấu lạ lùng, nó giống ông nội nó một cách kinh ngạc. Hình như tôi cũng thấy rất có thể nó đã thừa kế được cái trí thông minh của ông nó.
– Anh là người yêu của chị Sophia? – Nó hỏi tôi.
Tôi giữ im lặng để khỏi phải phản đối.
– Nhưng anh lại đến đây cùng thanh tra Taverner. Tại sao thế?
– Đó là một trong các bạn anh.
– Thế à?… Thế thì ông ấy không làm em hài lòng nên em không nói gì với ông ấy cả.
– Em có điều gì muốn nói với ông ấy thế?
– Nhiều chuyện! Bởi vì em biết vô khối chuyện! Biết tất! Em, em thích thế đấy!
Nó ngồi lên tay ghế bành. Nó tiếp tục nhìn chòng chọc vào mặt tôi và sự trâng tráo trong cách nhìn của nó bắt đầu làm tôi khó chịu.
– Ông nội đã bị ám sát. Anh biết rồi chứ?
– Ừ!
– Người ta đã đầu độc ông bằng ésérine.
Nó đã đọc tiếng ấy bằng cách tách biệt các âm tiết một cách cẩn thận. Nó nói thêm :
– Thật là thú vị nhỉ?
– Ừ!
– Eustace và em, chuyện này làm chúng em say mê! Chúng em thích những chuyện trinh thám và em vẫn thích trở thành thám tử. Hiện giờ, em đang làm thám tử. Em tìm dấu vết tội phạm…
Con bé rõ ràng là không có gì dễ thương cả.
Nó vẫn nói tiếp :
– Người đàn ông cùng đến với thanh tra Taverner, em cho rằng đó là một cảnh sát, có đúng không nào? Trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám, người ta có thể nhận biết các thám tử trong bộ thường phục, đi những đôi giày kếch sù. Nhưng người này lại đi giày da hươu rất đẹp.
– Mọi cái đã thay đổi, Josephine ạ!
Nó làm ra vẻ trịnh trọng :
– Nói về thay đổi, thì ở đâu cũng sẽ có sự thay đổi. Rất có thể chúng em sẽ đến sống ở Luân Đôn. Đã từ lâu, mẹ có ý muốn ấy và điều đó làm cho mẹ hài lòng. Còn cha, em tin rằng việc đó cũng sẽ làm cha vui, với điều kiện là ông có thể mang các sách của ông đi. Trước tiên chúng em chưa thể đến ở Luân Đôn được. Cha đã mất quá nhiều tiền của với Jezabel.
– Jezabel?
– Vâng. Anh chưa xem ư?
– Đó là một vở kịch phải không?… Không anh chưa được xem. Vừa qua anh không ở nước Anh…
– Vở ấy diễn chưa được bao lâu. Cũng có thể nói đây là một sự thất bại. Theo ý em, mẹ không hợp với vai Jezabel. Anh nghĩ sao về việc ấy?
Tôi nghĩ tới Magda. Tôi đã trông thấy bà trong bộ đồ mặc trong nhà và trong bộ váy áo sang trọng. Dù mặc bộ nào bà cũng không gợi ra cho tôi liên tưởng đến Jezabel. Nhưng có thể có những Magda khác mà tôi chưa biết. Tôi thận trọng trả lời rằng tôi chưa có ý kiến về việc ấy. Nó lại nói :
– Ông nội vẫn bảo rằng vở kịch không làm ra được một xu nào và đối với ông, ông sẽ không bao giờ bỏ tiền vào một vở kịch tôn giáo, không ai còn muốn xem những đồ dởm ấy nữa. Chỉ có mẹ là rất hăng tiết. Còn em, em không thích vở ấy lắm. Nó không giống tí nào với câu chuyện kể trong Kinh Thánh. Jezabel không còn là một mụ đàn bà độc ác, mà là người nào đó rất nhân hậu, một nhà yêu nước vĩ đại, đến nỗi câu chuyện không còn một chút gì lý thú cả. Tuy thế, đoạn kết không tồi: người ta ném Jezabel qua cửa sổ. Buồn nỗi là không có lũ chó để xé xác mụ! Tiếc quá, anh không nhận thấy ư? Mẹ em cho rằng không thể đem chó lên sân khấu, nhưng em thật sự không hiểu tại sao lại không dùng những con chó khôn ngoan?
Nó đổi giọng để đọc câu Kinh Thánh :
– “Rồi chúng xé xác mụ tan tành, chỉ bỏ lại lòng bàn tay”. Em không hiểu tại sao lũ chó ấy lại không ăn gan bàn tay!
– Thú thực anh không thể nói cho em biết điều đó.
– Rất có thể đó là những con chó có những khẩu vị kỳ quặc. Chó của chúng ta thì không như thế. Chúng không chê bất kỳ thứ gì!
Nó ngẫm nghĩ một lúc về điều bí ẩn ấy của Kinh Thánh. Tôi lại lao vào cuộc đàm thoại.
– Anh tiếc rằng vở kịch đã thất bại.
– Mẹ đã hoàn toàn thất vọng. Báo chí quả là kinh khủng. Khi mẹ đọc những bài bình luận, mẹ dường như tan thành lệ hoặc lại nổi giận đùng đùng. Một hôm, mẹ đã ném cả mâm bữa ăn sáng vào mặt Gladys và Gladys đã cho bà tám ngày công của mình. Em thấy việc đó thật là kỳ cục.
– Josephine, anh biết là em thích các tình huống nguy kịch đúng không?
– Thế anh có biết người ta đã mổ xác ông nội để tìm xem ông chết vì cái gì không?
– Anh biết. Ông mất đi có làm em buồn không?
– Không buồn lắm. Em cũng không yêu ông lắm đâu. Chính ông đã ngăn cấm không cho em theo học các lớp đào tạo diễn viên vũ ba lê.
– Em muốn nhảy múa?
– Vâng. Mẹ đã đồng ý. Cha cũng vậy. Nhưng ông nội bảo rằng em sẽ không thể làm cái gì ra trò cả…
Nó nhún vai, rồi nó đổi đề tài hỏi tôi xem tôi thấy ngôi nhà thế nào.
– Anh thích thú nó phải không?
– Chắc chắn là anh không thích lắm.
– Có khả năng là nó sẽ được bán đi, nếu Brenda không tiếp tục ở đây. Cũng rất có thể hai bác Roger và Clemency bây giờ không đi nữa.
– Họ định đi khỏi đây à?
– Vâng. Các bác ấy sẽ đi vào thứ ba. Đến nước nào đó trong Lục địa. Có thể đi bằng máy bay. Bác gái Clemency cũng đã mua một trong các vali nhỏ đẹp đặc biệt nhẹ…
– Anh chưa nghe nói đến cuộc hành trình này.
– Không ai biết đâu. Đó là một bí mật chỉ được phát hiện sau khi họ ra đi. Có thể họ đã để lại một lời để báo trước cho ông nội.
– Nhưng vì sao họ phải ra đi? Em có biết không?
Nó nhìn tôi vẻ tinh nghịch :
– Em nghĩ là em biết việc ấy. Dĩ nhiên không chắc lắm, nhưng bác Roger đã phạm vào những vụ biển thủ mà việc đó thì em không còn lạ gì nữa.
– Em nói thế là thế nào?
Nó đến gần tôi và hạ thấp giọng nói :
– Ngày ông nội chết, bác Roger đã ở lại cùng ông trong phòng đóng kín nói chuyện với ông rất lâu… Bác Roger thú nhận mình chỉ là một người tồi không làm nên việc gì cả, và không xứng đáng với niềm tin của ông nội.
Tôi nhìn Josephine với một chút lo lắng :
– Này Josephine, người ta chưa bao giờ nói với em rằng nghe trộm ở sau cửa là rất xấu à?
Nó mỉm cười :
– Tất nhiên là thế! Nhưng nếu anh muốn biết nhiều chuyện thì phải nghe trộm ở cửa. Hãy hỏi thanh tra Taverner mà xem! Anh tin là ông ta tự kiềm chế ư?
Tôi chưa kịp đáp. Nó nói tiếp :
– Vả lại, nếu ông ta không lắng tai nghe ở cửa, thì hắn, kẻ đi giày da hươu ấy sẽ không kiêng làm việc ấy đâu. Và cả hai đều sục sạo đánh hơi khắp nơi. Họ mở các tủ đựng giấy tờ của mọi người, họ đọc những lá thư riêng, họ phát giác các bí mật của tất cả mọi người. Nhưng họ không tinh quái và đặc biệt họ không biết phải tìm kiếm ở đâu!… Eustace và em, bọn em biết khối chuyện. Em biết nhiều hơn anh ấy, nhưng em sẽ không nói những chuyện ấy cho anh ấy đâu. Anh ấy cho rằng đàn bà không thể làm thám tử đại tài được. Em, em lại tin điều ngược lại. Tẩt cả những gì em biết, em sẽ chép vào một quyển sổ để khi cảnh sát thú nhận là họ đã thất bại, em mới xuất hiện cùng với cụốn sổ ghi chép và em sẽ nói: “Tôi, tôi biết ai chính là thủ phạm!”.
– Em đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám lắm nhỉ, Josephine?
– Hàng đống!
– Và anh nghĩ là em tin rằng em đã biết ai giết ông nội em.
– Em đã có ý kiến về việc ấy, nhưng em còn thiếu bằng chứng.
Im lặng một lúc, nó lại nói :
– Thanh tra Taverner tin chắc rằng Brenda đã đầu độc ông nội, phải không? Lại cho rằng có thể cùng với Laurence vì họ có ngoại tình với nhau.
– Em không được nói những điều như thế, Josephine.
– Tại sao? Không đúng à?
– Em không thể biết được chuyện ấy.
– Thôi đi! Họ viết cho nhau những lá thư… Những bức thư tình!
– Làm sao em biết?
– Em biết điều ấy vì em đã đọc thư. Những bức thư rất tình cảm. Vả lại, với Laurence thì điều đó thật rõ ràng: anh ta cực kỳ đa cảm. Đến nỗi anh ta đã sợ phải ra trận. Ở đây, khi những quả bom V-2 bay qua trên nóc nhà, thì mặt anh ta biến sắc, trở nên xanh xám, thực sự xanh xám… Việc đó làm chúng em, em và Eustace không nhịn được cười!
Tôi chưa biết nói thế nào, thì có tiếng động cơ của một chiếc xe đến đỗ trong lối đi cắt ngang cuộc nói chuyện của chúng tôi. Josephine chạy ra cửa sổ.
– Ai thế? – Tôi hỏi.
– Ông Gaitskill, người được ủy nhiệm của ông nội. Em cho là ông ta đến vì bản chúc thư.
Bị kích thích quá độ, Josephine rời phòng khách, có lẽ là để làm tiếp cuộc điều tra của nó.
Magda Leonidès lúc ấy đi vào phòng. Tôi ngạc nhiên thấy bà đến thẳng chỗ tôi và nắm lấy tay tôi.
– Ơn trời! – Bà kêu lên – Cậu vẫn còn ở đây! Chúng tôi cần có một người đàn ông trong ngôi nhà này biết bao!
Bà buông tay tôi ra, ngồi xuống, ngắm mình một lúc trong một tấm gương rồi vẫn ngồi đó, suy tư, các ngón tay bà mân mê một cái tráp tráng men Battersea ở trên bàn, hết mở ra lại đóng lại. Thái độ của bà rất không tự nhiên mà vẫn không kém duyên dáng.
Sophia thò đầu vào, cửa hé mở, thì thào thông báo sự xuất hiện của Gaitskill.
– Mẹ đã biết – Magda nói.
Một lát sau, Sophia đi vào cùng với một người đàn ông thấp bé đã có tuổi. Magda đứng dậy ra đón ông ta.
– Chào bà! – Ông ta nói với bà – Tôi lên tầng hai. Tôi cho rằng có một sự hiếu lầm trong vấn để bức chúc thư. Theo bức thư ông chồng bà đã gửi cho tôi thì ông ấy hình như nghĩ rằng văn kiện đó đang ở trong tay tôi. Còn tôi, tôi đinh ninh chính lời cụ Leonidès đã nói với tôi là nó ở trong tráp của cụ. Bà không biết nội dung của nó à?
Magda giương to mắt kinh ngạc :
– Tôi? Tất nhiên là không. Xin đừng nói với tôi rằng mụ đàn bà hèn hạ ấy đã hủy nó đi!
Người được ủy nhiệm lúc lắc một ngón tay trỏ ngang mặt lớn tiếng nói :
– Kìa bà! Tại sao tung bừa ra lời buộc tội thế? Vấn đề là chỉ để biết bố chồng bà đã bảo quản chúc thư của cụ ở đâu mà thôi.
– Nhưng cụ đã gửi nó cho ông sau khi đã ký tên vào đó! Tôi chắc là như thế, cụ đã nói với chúng tôi như thế.
Gaitskill cũng chẳng phải mất công cải chính, chỉ nói :
– Cảnh sát đã kiểm tra các giấy tờ cá nhân của cụ Leonidès. Tôi sẽ nói một tiếng với thanh tra…
Ông đi ra không nói thêm gì nữa.
– Mụ ta đã hủy nó! – Magda kêu lên – Theo tôi điều đó không còn nghi ngờ gì nữa!
Sophia phản đối :
– Không đâu, mẹ! Bà ấy không thể làm một điều ngu ngốc đến thế đâu!
– Một điều ngu ngốc? Thế con không tính đến việc nếu không có tờ di chúc thì mụ ta sẽ thừa hưởng tất cả ư?
– Coi chừng! Gaitskill kìa!
Người được ủy nhiệm quay trở lại cùng với thanh tra Taverner. Philip vào sau họ.
– Theo lời cụ Leonidès đã tuyên bố với tôi – Gaitskill nói – thì cụ đã gửi chúc thư của mình vào nhà băng.
Taverner lắc đầu :
– Tôi đã gọi điện thoại cho ngân hàng. Họ có lưu giữ các bảo vật mà cụ Leonidès đã phó thác cho họ, nhưng họ không giữ bất kỳ giấy tờ cá nhân nào của ông cả.
Philip lắc đầu :
– Có thể Roger hoặc Edith… Con hãy đi mời họ đến đây đi, Sophia!
Roger được hỏi ý kiến, cũng không mang lại cho cuộc trao đổi bất kỳ yếu tố mới nào. Ông tin chắc rằng cha ông chính hôm trước ngày cụ ký đã gửi qua bưu điện bản chúc thư của cụ cho Gaitskill.
– Nếu trí nhớ tôi không đánh lừa tôi – Người được ủy nhiệm nói – thì đó là ngày 24 tháng 11 năm ngoái, tôi đã làm cho cụ Leonidès một bản dự thảo đã sửa lại theo chỉ dẫn của cụ. Cụ đã chuẩn y bản đó gửi lại nó cho tôi và ít ngày sau đó tôi đã đưa lại cho cụ một bản di chúc mà cụ chỉ phải ký nữa là xong. Sau tám ngày, tôi liền nhắc lại với cụ rằng tôi chưa nhận được chúc thư của cụ, tôi cũng liều hỏi cụ xem cụ có định đưa thêm vào văn kiện những thay đổi gì không. Cụ trả lời tôi rằng mọi việc như thế là rất tốt và chúc thư đã được ký đúng thể thức và được bảo quản tại ngân hàng của cụ.
– Toàn bộ điều đó là hoàn toàn chính xác – Roger tuyên bố – Thực tế, năm ngoái vào cuối tháng 11, cha tôi đã họp chúng tôi lại để đọc cho chúng tôi nghe bản di chúc của cụ.
Taverner quay sang Philip Leonidès.
– Phải chăng điều đó phù hợp với trí nhớ của ông, ông Leonidès?
– Vâng.
Magda buột ra một tiếng thở dài.
– Tôi nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy. Chúng tôi như thể đang diễn một lớp kịch của vở Di sản của Voysey.
Taverner lại quay sang Gaitskill hỏi :
– Những điều qui định trong bản di chúc là gì?
Roger không để cho người được ủy nhiệm có thời gian trả lời, nói luôn :
– Cực kỳ đơn giản. Electra và Joyce đã chết, những phần cha chúng tôi cho họ lại được trả lại cho cụ. Con trai Joyce là William đã bị giết ở Mianma nên tiền bạc mà nó có được chuyển sang bố nó. Chúng tôi, Philip, các con chú ấy và tôi là những người thừa kế duy nhất ở hàng trực tiếp. Cha chúng tôi để lại năm mươi nghìn bảng cho dì Edith và một trăm nghìn bảng cho Brenda, bà này ngoài số tiền đó còn được thừa kế ngôi nhà bà ở, nếu bà không thích thì được mua một ngôi ở Luân Đôn. Phần còn lại phải được chia thành ba phần đều nhau, một cho Philip, một cho tôi, phần thứ ba phải được chia đều cho Sophia, Eustace và Josephine, các phần của hai đứa sau tất nhiên chỉ được trả lại cho chúng khi chúng trưởng thành. Tôi nói thế, chắc hẳn không lầm lẫn chứ, ông Gaitskill?
– Rất đúng! – Người được ủy nhiệm thừa nhận có vẻ như bị phật ý vì Roger đã phát biểu trong cương vị của ông – Nói chung thì đó đúng là các quy định của văn kiện mà tôi đã soạn ra.
– Cha chúng tôi đã đọc di chúc ấy cho chúng tôi – Roger lại nói – Rồi ông cụ còn hỏi chúng tôi xem chúng tôi có nhận xét gì không. Dĩ nhiên là không có rồi.
Bà Edith chỉnh lý :
– Có những ý kiến tham gia của Brenda đấy chứ!
– Đúng đấy! – Magda nói với vẻ thích thú ra mặt – Bà ấy phát biểu rằng bà ấy không chịu nổi khi nghe Aristide yêu qúy của bà nói đến cái chết của cụ, rằng điều đó làm bà đau lòng và nếu ông cụ mà mất thì bà không còn thiết gì đến tiền bạc của cụ!
– Một sự phản đối thuần túy hình thức chứng tỏ phu nhân đã được giáo dục trong môi trường nào rồi!
Edith De Haviland đã nói ra những lời đó bằng một giọng chua cay và khinh bỉ. Bà ghét Brenda, tất nhiên rồi.
– Di chúc đọc xong, có xảy ra điều gì không? – Taverner hỏi.
– Cha tôi đã ký vào chúc thư – Roger nói.
– Lúc nào và thế nào?
Roger nhìn sang vợ chán chường tuyệt vọng. Clemency lập tức phát biểu, tôi thấy bà có vẻ rất thích thú :
– Ông muốn biết thật chính xác nghi lễ ký di chúc à?
– Vâng, thưa bà.
– Bố chồng tôi đã đặt tờ di chúc lên bàn giấy và yêu cầu một người trong chúng tôi – Roger, tôi nhớ rõ – cho gọi người giúp việc của cụ. Johnson nghe chuông gọi đã đến. Cụ lại bảo anh ta đi tìm chị hầu phòng Janet Woolmer. Chị ta đến, cụ đã ký tên trước mặt họ và đã mời họ ký tên vào văn kiện dưới chữ ký của cụ.
– Thủ tục cực kỳ hợp thức – Gaitskill nhận xét.
– Tiếp đó thế nào? – Taverner hỏi.
– Cụ đã cảm ơn họ và họ lui ra. Cụ vừa đặt di chúc của mình vào phong bì vừa nói là cụ sẽ gửi nó cho ông Gaitskill vào hôm sau.
Taverner đảo mắt khắp cử tọa.
– Như thế có đúng như những điều đã diễn ra không? Tất cả các vị có đồng ý không?
Những tiếng rì rào đồng ý đáp lời anh ta.
– Các vị đã nói với tôi rằng di chúc được đặt trên bàn giấy – Anh nói tiếp – Thế các vị có ngồi xa cái bàn ấy không?
– Không xa lắm. Khoảng ba hoặc bốn mét.
– Khi cụ Leonidès đọc di chúc, cụ đã ngồi tại bàn giấy của cụ à?
– Phải.
– Cụ đọc xong, cụ có đứng lên và rời khỏi bàn của cụ trước khi ký không?
– Không.
– Khi ký, các gia nhân có thể đọc được văn kiện ấy không?
– Không, bố chồng tôi đã đặt lên văn bản ấy một tờ giấy trắng.
– Với lý do – Philip nói – Là nội dung di chúc của cụ không có liên quan gì đến họ.
– Tôi hiểu – Taverner kêu to lên – Hay đúng hơn là tôi không hiểu…
Đột nhiên anh rút từ túi trong áo vét tông của anh ra một phong bì lớn, anh đưa nó cho người được ủy nhiệm.
– Hãy liếc mắt vào cái này và hãy nói cho tôi cái này là cái gì đi!
Ông Gaitskill mở phong bì trải văn kiện ra, và kinh ngạc quay sang thanh tra nói :
– Tôi không hiểu. Xin phép hỏi ông, ông tìm thấy cái này ở đâu?
– Trong hòm của cụ Leonidès, lẫn trong các giấy tờ khác.
– Và đó là cái gì vậy? – Roger hỏi.
Ông Gaitskill trả lời câu hỏi của Roger :
– Ông Roger! Đây chính là tờ di chúc mà tôi đã gửi cho cha ông để cho cụ ký vào đó. Nhưng đây lại là điều mà tôi không hiểu được lý do sau những việc ông đã nói với chúng tôi. Sao nó vẫn chưa được ký!
– Vậy thì đó là một bản nháp đấy thôi!
– Tuyệt nhiên không phải – Người được ủy nhiệm đối đáp lại – Bản nháp của dự thảo chính thức đó ngài Leonidès đã gửi trả lại tôi, và tôi dùng nó để lập chính văn kiện mà tôi đang có trong tay đây, văn kiện này phải mang ba chữ ký. Nhưng tôi lại không trông thấy chữ ký nào cả!
– Không thể thế được! – Roger kêu lên bằng một giọng mãnh liệt mà tôi chưa từng thấy ở ông ta.
Taverner quay sang ông hỏi :
– Cha ông có thị giác tốt chứ?
– Cụ bị bệnh tăng nhãn áp. Cụ phải đeo kính rất nặng để đọc.
– Chiều hôm ấy cụ có đeo kính không?
– Có. Cụ chỉ bỏ kính ra sau khi đã ký. Tôi không tin là mình bị lầm đâu!
– Hoàn toàn chính xác – Clemency khẳng định.
– Và tất cả các vị đều tin chắc là như thế chứ? Cũng không có ai đã đến gần bàn giấy trước khi ký à?
– Bây giờ tôi rất hoang mang! – Magda vừa nói vừa nháy mắt – Cần phải xem lại cảnh tượng ấy.
Sophia nói xen vào giọng dứt khoát :
– Cái bàn ấy thực tế đặt ở đâu? Nó không ở gần một cửa, một cửa sổ, hay một bức trướng phủ nào?
– Không. Nó không ở nơi mà ta đã trông thấy nó.
– Tôi cố tưởng tượng – Taverner lại nói – Xem việc đánh tráo – chắc chắn là có – đã có thể tiến hành như thế nào. Cụ Leonidès, theo tôi, đã tin chắc là mình đã ký vào văn kiện mà ông vừa mới đọc xong.
– Không lẽ người ta đã làm biến mất các chữ ký? – Roger hỏi.
– Không, thưa ông Leonidès. Việc đó chắc phải để lại các dấu vết. Ngược lại có thể là chính vì văn kiện ấy không phải là văn kiện mà ông Gaitskill đã gửi cho cụ Leonidès và nó đã được ký trước mặt các vị.
– Hoàn toàn không đúng! – Luật sư được ủy thác kêu to – Tôi có thể quả quyết rằng tờ giấy này đúng là văn kiện gốc. Bên trong giấy có một dấu vết nằm ở góc trái bên trên. Chúng tôi bảo là hình một cái máy bay. Tôi đã nhận ra nó ngay.
– Nhưng rốt cuộc – Roger lên tiếng – tất cả chúng tôi đều ở đấy! Tôi thật không tin sự việc lại có thể thế này.
Bà Edith húng hắng ho :
– Thôi đừng nói rằng sự việc là không thể khi ta đã thấy nó là thế nào rồi! Cái mà tôi muốn biết đó là quan điểm lập trường của chúng ta lúc này là thế nào?
Gaitskill lập tức tìm lại được toàn bộ sự thận trọng của luật gia, ông tuyên bố :
– Tình huống này đòi hỏi một cuộc kiểm tra kỹ càng. Văn kiện này là không thể tranh cãi, nó hủy bỏ tất cả các di chúc mà cụ Leonidès đã có thể làm trước đây. Có nhiều nhân chứng đã trông thấy thân chủ của tôi ký vào tờ giấy mà cụ tin tưởng hết sức, chính là văn kiện này. Ý nguyện của cụ là chắc chắn, nhưng mà chúng ta đang đứng trước một vấn đề pháp lý cực kỳ tế nhị.
Taverner nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói :
– Tôi sợ rằng tôi đang làm lỡ giờ ăn của các vị!
– Có thể tôi có hân hạnh mời ông ở lại xơi bữa trưa, thưa ông thanh tra? – Philip nói.
– Cảm ơn ông Leonidès, nhưng tôi có cuộc hẹn với bác sĩ Gray ở Swinly Dean.
Philip quay sang luật sư nói :
– Ông ở lại với chúng tôi chứ, ông Gaitskill?
– Rất vui lòng, Philip.
Mọi người đứng dậy. Tôi kín đáo lướt đến cạnh Sophia rỉ tai hỏi cô là tôi có nên đi về không. Cô trả lời tôi rằng nên như vậy. Tôi rời khỏi căn phòng, rảo bước đuổi theo Taverner. Đến hành lang, tôi gặp Josephine.
– Bọn cảnh sát là những kẻ ngu ngốc! – Nó bảo tôi.
Sophia xuất hiện, cô ở phòng khách ra, nói :
– Em vừa ở đâu, Josephine?
– Ó trong bếp với Vú.
– Chị lại cho rằng đúng hơn là em đang nghe trộm ở cửa.
Josephine nhăn mặt trêu chị nó rồi chuồn. Sophia lắc đầu :
– Giáo dục con bé này quả là khó quá.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.