NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ TREO TƯỜNG

CHƯƠNG 23: LỜI KỂ CỦA COLIN



Mười giờ sáng hôm sau, tôi gọi điện cho Trung tâm Cavendish, đề nghị cử đến tôi một thư ký đánh máy kiêm tốc ký, lấy cớ tôi cần thảo một số thư từ. Liệu cô Sheila Webb có thể đến được không? Một người bạn đã giới thiệu với tôi về cô ấy, bảo rằng cô ấy rất có năng lực. Tên tôi là: ông Weatherby, tại khách sạn Clarendon (xin độc giả lưu ý cho rằng, khách sạn càng tồi, càng lấy tên rất kêu).
May thay, cô Sheila đi được.
Tôi đứng chờ ở chân cầu thang. Khi nhìn thấy cô, tôi tiến lên:
– Xin tự giới thiệu, tôi là Douglas Weatherby.
– Chính anh đã gọi đến đến Trung tâm?
– Vâng, chính tôi.
– Sao anh dám làm thế?
Cô có vẻ tự ái.
– Tại sao tôi lại không được làm thế, tôi sẵn sàng thanh toán phí tổn cho Trung tâm về một buổi làm việc kia mà. Họ cần gì quan tâm đến chuyện cô sử dụng thời gian quý báu này làm gì? Họ chỉ cần thời gian đó được thanh toán đầy đủ và ở mức cao. Cô có thảo những bức thư mở đầu bao giờ cũng nhàm chán y hệt nhau: “Kinh thưa ông! Phúc đáp lá thư của quý ông đề ngày…”, hay thay vào đó là ngồi với tôi trong quán Buttercup Cafe, thì đối với họ có gì khác đâu? Bây giờ ta hãy kiếm một quán nhỏ yên tĩnh, uống một ly gì đó.
Lát sau, khi đã đặt cô hầu bàn những thức uống và ăn cần thiết, hai chúng tôi ngồi hai bên bàn, nhìn nhau.
Tôi hỏi:
– Mọi sự yên ổn chứ, Sheila?
– Anh nói “yên ổn” nghĩa là sao?
Tôi thấy cặp mắt cô thâm quầng.
– Cô phải trải qua nhiều lúc căng thẳng lắm phải không?
– Không phải đâu… mà có lẽ anh nói đúng. Nghe nói anh đi đâu xa kia mà?
– Đúng thế. Tôi vừa mới về, và đến đây ngay.
– Để làm gì?
– Cô thừa biết để làm gì rồi.
Sheila hơi cúi xuống, im lặng một lúc lâu. Rồi cô nói:
– Ông ấy làm tôi sợ!
– Ai?
– Bạn anh… ông thanh tra. Ông ấy tin rằng chính tôi giết người đàn ông kia và giết cả Edna nữa, Ông ấy cho rằng chính tôi gọi điện yêu cầu Trung tâm cử tôi đến đấy, và mạo danh là bà Pebmarsh. Con Edna nhận được giọng nói của tôi trong máy điện thoại nên tôi giết luôn cả nó để bịt đầu mối.
– Nhưng đúng đấy là giọng nói của cô chứ gì?
– Không! Không phải tôi gọi điện thoại.
– Cô Sheila này, cô muốn nói với người khác thế nào tùy ý, nhưng với tôi, cô phải nói thật.
– Nghĩa là anh cũng không tin tôi?
– Tôi chưa biết ai là thủ phạm, nhưng tôi thấy cô còn giấu tôi một điều gì đó. Tôi rất muốn cô tin tôi. Dù cô làm gì đi nữa, Sheila, thì tôi vẫn đi theo cô mãi mãi.
Lấy hết dũng cảm, tôi nói:
– Tại sao cô lấy trộm chiếc đồng hồ có dòng chữ mạ vàng “Rosemary”?
– Anh nói sao? Tôi lấy để làm gì?
– Thì chính tôi muốn hỏi cô câu đó.
– Tôi không đụng đến chiếc đồng hồ ấy.
– Cô lấy cớ quên đôi găng tay, chạy vào phòng khách. Tôi thừa biết hôm ấy là một ngày tháng Chín nóng nực, cô không đem theo găng. Cô đồng ý chưa nào? Cô vào và nhét chiếc đồng hồ nhỏ ấy vào xắc tay! Cô đừng nói dối tôi nữa. Đúng vậy không?
Sheila ngồi im lặng, tay lơ đãng bẻ vụn mẩu bánh.
– Thôi được,- Cô nói rất khẽ, giọng đau đớn.- Tôi công nhận là chính tôi. Tôi lấy chiếc đồng hồ ấy, và nhét vào xắc tay, rồi đi ra.
– Nguyên nhân?
– Do tên cái đồng hồ ấy là “Rosemary”. Đấy là tên của tôi.
– Vậy tên thật của cô là “Rosemary”, không phải “Sheila?
– Tên tôi gồm cả hai: Rosemary và Sheila.
– Và chỉ vì tên cô như thế nên chiếc đồng hồ mới được in chữ mạ vàng lên đó?
Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, nhưng cô vẫn khăng khăng.
– Tôi đã nói rồi, nhìn thấy tên tôi mạ vàng trên chiếc đồng hồ, tôi xúc động quá.
Cô gái tôi đã chọn lựa, đã mong ước chung sống suốt đời, Sheila của tôi, thì ra như thế đó. Bây giờ thì tôi không còn ảo tưởng gì về cô ta nữa: đó là một cô gái đã có lần dối trá, và có lẽ chuyên môn dối trá. Đối với cô ấy, dối trá là một cách để chống chọi trong cuộc đời, dối trá đã thành một thói quen, giống như hít thở. Thứ vũ khí thường được người ta dùng khi còn là trẻ con, nhưng Sheila thì lại giữ nó cho đến lúc đã thành người lớn! Kể ra ai cũng có thói xấu: tôi cũng có, thậm chí nhiều thói xấu rất nghiêm trọng.
Tôi quyết định tấn công, chiến thuật duy nhất tôi có thể áp dụng lúc này.
– Cái đồng hồ ấy là của cô? Trước kia đó là của cô, nhưng đã bị thất lạc?
Sheila nghẹn ngào:
– Ai nói với anh mà anh biết?
– Vậy cô hãy kể hết ra với tôi đi.
Thế là Sheila kể tóm tắt lai lịch của chiếc đồng hồ. Một buổi sáng, trước khi xảy ra vụ án mạng chừng một tuần, cô đem chiếc đồng hồ báo thức đến chữa ở cửa hiệu gần Trung tâm, nơi cô làm việc. Nhưng đến nơi thì cô không thấy đâu. Chắc cô để quên trên xe buýt hoặc trong quán nơi cô vào ăn lót dạ một chiếc bánh mì kẹp thức ăn. Sheila không tiếc gì lắm, bởi chiếc đồng hồ báo thức này đã cũ và chạy không còn tốt nữa. Cô tính nhân dịp này mua một chiếc khác.
– Thế rồi, đúng lúc tôi phát hiện ra xác chết, tôi bỗng thấy chiếc đồng hồ bị mất ấy đứng sừng sững trên lò sưởi: đúng là chiếc đồng hồ của tôi… Vừa lúc ấy, bà già mù về… Tôi hoảng sợ đâm quên sạch… tôi chỉ lo bà già giẫm lên cái xác. Và tôi hốt hoảng bỏ chạy ra đường. Mãi sau, khi đã trấn tĩnh lại, suy nghĩ về tất cả những thứ đó, tôi chợt nhớ là Pebmarsh có nói rằng bà ấy không hề gọi điện đến Trung tâm, và tất nhiên không có chuyện bà ấy yêu cầu đích danh tôi… Nếu vậy thì ai? Ai đã dụ tôi đến đây? Ai đã đặt chiếc đồng hồ có chữ “Rosemary” kia lên mặt lò sưởi?… Tôi bèn bịa chuyện quên găng tay… tôi chạy vào, nhét chiếc đồng hồ kia vào xắc tay. Đúng là một hành động ngu ngốc, phải không anh?
– Hết sức ngu ngốc, cô Sheila ạ. Trong một số việc cô rất không tỉnh táo.
– Nhưng người ta đã lôi tôi vào cuộc, để đổ tội lên đầu tôi. Anh thấy tấm bưu thiếp rồi đấy. Kẻ gửi tấm bưu thiếp ấy hẳn đã biết chính tôi lấy chiếc đồng hồ kia. Y lại còn dùng tấm bưu thiếp in ảnh phiên tòa ở Old Bailey. Hay cha tôi ngày xưa là một kẻ giết người?
– Cô biết gì về cha mẹ cô nào?
– Tôi thỉ biết cả hai cha mẹ tôi đều qua đời trong một tai nạn. Bà dì tôi luôn nhắc lại với tôi như thế. Nhưng dì tôi chưa hề nói gì thêm về cha mẹ tôi. Thậm chí một đôi lần, dì tôi còn nói những câu không phù hợp với giả thuyết kia. Vì vậy, tôi vẫn luôn nghĩ rằng có một điều gì đó không ổn, khiến dì tôi giấu tôi.
– Tôi thấy óc tưởng tượng của cô đi quá xa đấy. Vì sự thật có thể rất đơn giản: cô là con ngoài giá thú chẳng hạn.
– Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng ấy. Bao nhiêu người giấu kín con cái của họ chuyện đó. Phi lý! Thời nay, chuyện đó đâu còn quan trọng lắm nữa! Nhưng anh thấy không, tấn bi kịch của tôi là không hiểu người ta giấu tất cả những chuyện đó để làm gì? Nếu tên tôi là “Rosemary” thì đã sao? Chữ ấy có nghĩa là “hồi tưởng” phải không nhỉ?
– Và là một cái tên rất hay.
– Đúng thế, nhưng tôi lại không nghĩ được như thế. Dù sao thì sau tất cả những câu hỏi ông thanh tra đặt ra cho tôi, tôi bắt đầu suy nghĩ. Tại sao người ta lại dụ tôi đến chỗ họ gây án? Hay chính nạn nhân đã hẹn tôi đến đó, trước lúc ông ta bị giết? Khó hiểu quá! Hay là… người chết chính là cha tôi và cha tôi đã gọi tôi đến để cứu người, nhưng tôi chưa kịp đến thì người đã bị chúng giết? Hay hung thủ bầy ra tất cả những chuyện đó để vu tội cho tôi? Rồi Edna, không biết nó định nói với tôi điều gì? Không thể có chuyện nó nghi tôi có dính líu vào vụ án mạng!
– Rất có thể cô ấy nghe thấy một điều gì đó khiến cô ấy không hiểu, có thể như thế chăng?
– Không đâu. Chịu! Tôi không hiểu gì hết.
Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết nghi ngờ. Bất chấp tất cả những điều Sheila đã thú nhận với tôi, tôi vẫn chưa đánh tan được nỗi nghi ngờ là cô vẫn còn giấu tôi điều gì đó.
Câu chuyện Sheila kể quá ly kỳ và khó tin là lại có thật. Rồi những con số kia: 4.13, viết trên tấm bưu thiếp, kèm theo câu “Hãy nhớ lấy”. Hoàn toàn khó hiểu. Hay mấy con số đó dành riêng cho người nhận bưu thiếp, và chỉ cô ta hiểu được thôi?
Tôi trả tiền, buồn rầu đứng lên. Tôi nói với Sheila:
– Cô đừng vội hoang mang quá! “Hãng Mật vụ Colin Lamb” xin phục vụ cô tuyệt đối tận tình. Mọi thứ rồi sẽ yên ổn: chúng ta sẽ lấy nhau và sống hạnh phúc không cần một xu. Mà nhân đây, tôi hỏi cô một câu nữa: cái đồng hồ có chữ “Rosemary” đó hiện ở đâu?
– Tôi đã quẳng nó vào sọt rác của nhà bên cạnh.
Đơn giản và khôn ngoan biết bao! Ra trước đây tôi chưa đánh giá hết được khả năng cô Sheila.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.