Thanh tra Hardcastle ngạc nhiên:
– Bà quên rồi sao, thưa bà Pebmarsh? Bà quên chiếc đồng hồ bằng sứ tuyệt đẹp treo phía trên bàn giấy, rồi chiếc đồng hồ các góc bọc da còn nguyên cả tên hãng chế tạo “Rosemary” đặt trên mặt tủ, rồi mấy chiếc đồng hồ treo tường khác nữa.
Bà Pebmarsh cũng ngạc nhiên không kém:
– Một là ông lóa mắt nhìn lầm, hoặc là tôi mất trí. Bởi tôi làm gì có chiếc đồng hồ nào bằng sứ, rồi lại chiếc “Rosemary” nữa, và còn những chiếc nào khác nữa! Nếu ông không tin, xin ông hỏi bà giúp việc của tôi, bà Curtin.
Viên thanh tra không còn hiểu ra sao nữa. Chiếc mũi nhăn lại của bà già chứng tỏ bà không nói sai. Suy nghĩ một chút, ông Hardcastle đứng lên.
– Mời bà sang phòng khách với tôi, được không, thưa bà Pebmarsh?
– Tất nhiên là được, và tôi cũng muốn nhìn thấy những chiếc đồng hồ ấy.
– Bà nhìn thấy được?
Thanh tra vặn lại.
– Nói kiểm nghiệm chúng thì chính xác hơn. Bởi đối với tôi, “nhìn” nghĩa là kiểm nghiệm bằng các giác quan khác. Bằng tay sờ, bằng lắng nghe tiếng tích tắc của chúng, thưa ông thanh tra.
Thanh tra Hardcastle đi trước, sang phòng khách. Bà Pebmarsh theo sau. Nhân viên lấy dấu vân tay quay đầu lại.
– Thưa thanh tra, tôi làm xong rồi. Ông có thể đụng vào mọi thứ được rồi.
Thanh tra Hardcastle gật đầu, lấy chiếc đồng hồ “Rosemary” trên bàn, đặt lên tay bà Pebmarsh để bà sờ thử. Bà nắn các phía rất cẩn thận, chiếc đồng hồ này và cả ba chiếc khác treo tường nữa.
– Những chiếc đồng hồ này không phải của tôi. Chỉ một chiếc trong gian phòng này của tôi là chiếc đồng hồ đại của bà ngoại tôi để lại mà thôi, đó là chiếc treo trên tường ở góc phòng.
– Đúng thế.
– Và chiếc có con chim họa mi treo ở gần cửa.
Thanh tra Hardcastle không còn biết nói sao.Biết bà cụ không nhìn thấy mình, ông chăm chú quan sát khuôn mặt phúc hậu hiền lành của bà giáo già. Trán ông nhăn lại.
– Chịu! Tôi không sao hiểu nổi!
Bà già giơ tay bất lực rồi ngồi xuống ghế.
Nhìn thấy nhân viên lấy dấu vân tay còn đứng gần cửa, thanh tra Hardcastle hỏi:
– Cậu không quên lấy dấu vân tay trên những chiếc đồng hồ chứ?
– Vỏ đồng hồ bằng sứ và bằng sơn mài đỏ kia thì không thể lấy dấu vân tay được. Nhưng lạ một điều là trên lớp da thuộc ở chiếc đồng hồ “Rosemary” kia, tôi cũng không thấy, mà dấu vân tay để lại trên da thuộc bao giờ cũng phải có chứ. Rồi cả trên lớp bạc mạ kia cũng vậy, không thấy. Nói cho đúng ra, tất cả những chiếc đồng hồ kia, trừ chiếc treo ở góc phòng, đều chưa lên dây cót và không chạy. Tất cả đều được vặn kim để chỉ cùng một giờ, đó là 4 giờ 13 phút.
– Còn những chỗ khác trong phòng thì cậu lấy được vân tay chứ?
– Có tất cả khoảng bốn kiểu vân tay, theo tôi thì đều vân tay phụ nữ. Tôi đã lấy ra những thứ trong túi nạn nhân, để lên bàn kia kìa.
Anh ta nói và trỏ chiếc bàn nhỏ kê cạnh tường.
Thanh tra Hardcastle vội vã đi về phía đó.
Trước mặt ông là một chiếc ví, trong có bảy bảng Anh và mười xu, một khăn mùi xoa lụa không thêu các chữ đầu tên họ, một hộp thuốc dạ dầy, và một tấm danh thiếp. Viên thanh tra cúi xuống đọc:
R.H.CURRY
Công ty Bảo hiểm TNHH Metropolis
LONDON.W2
Quay lại chỗ đi văng, nơi bà Pebmarsh ngồi, viên thanh tra hỏi:
– Bà có chuẩn bị tiếp một đại diện của hãng bảo hiểm nào không?
– Hãng bảo hiểm? Không, hoàn toàn không.
– Công ty bảo hiểm Metropolis? – viên thanh tra hỏi thêm.
Bà Hardcastle lắc đầu:
– Không, tôi chưa bao giờ nghe thấy cái hãng ấy.
– Nhưng bà có định mua bảo hiểm chứ?
– Không. Tôi có mua bảo hiểm trộm cắp và hỏa hoạn, nhưng đã mua rồi, và của Công ty bảo hiểm Joyce. Hơn nữa, tôi sống một mình, không họ hàng, không bạn bè, tôi không thấy cần bảo hiểm nhân thọ để làm gì.
– Đúng thế, thưa bà Hardcastle. Bà có biết một người tên là Curry không?
– Curry à? – bà già lặp lại, suy nghĩ một chút rồi lắc đầu. Tôi chưa nghe thấy cái tên ấy bao giờ. Đấy là tên nạn nhân à?
– Có lẽ thế, – Viên thanh tra nói.
Bà Hardcastle ngập ngừng một chút rồi nói:
– Ông có muốn tôi… thử sờ ông ta không?
Viên thanh tra hiểu ngay.
– Tôi rất muốn, nhưng chưa dám đề ra với bà, e như thế là yêu cầu bà quá nhiều. Bởi tôi biết nếu bà sờ thử ông ta, chắc chắn bà sẽ phát hiện ra được điều gì đó.
– Đúng thế. Tất nhiên tôi rất ngại, nhưng nếu ông cần, tôi xin đành lòng giúp ông vậy.
– Cảm ơn bà, thưa bà Hardcastle. Bà cho tôi dắt bà đến đấy.
Thanh tra dắt bà giáo mù đến gần xác chết, đỡ cho bà quỳ xuống, lấy tay sờ lên mặt nạn nhân. Nét mặt hết sức điềm tĩnh, bà già không biểu lộ một cảm xúc nào. Những ngón tay bà lần trên tóc, tai, dừng lại một chút chỗ sau tai bên trái, rồi vòng ra mũi, xuống miệng, cằm nạn nhân.
– Bây giờ thì tôi thấy rõ hình dạng ông ta rồi. Người này tôi không quen. Bây giờ thì tôi dám quả quyết khẳng định với ông thanh tra là tôi không quen ông ta.
Nhân viên lấy vân tay đã ra ngoài, bây giờ thò đầu vào khung cửa.
– Xe chở xác đến, – anh ta trỏ xác chết. – Mang đi được rồi chứ ạ?
– Được, – viên thanh tra đáp. – Bà Pebmarsh mời bà ngồi lên ghế cho.
Viên thanh tra đỡ bà già ngồi vào chiếc ghế ở góc phòng. Hai nhân viên vào khiêng xác nạn nhân ra ngoài. Thanh tra Hardcastle ra theo đến cổng sắt rồi quay vào, ngồi xuống bên cạnh bà Pebmarsh.
– Thưa bà Pebmarsh, đúng là kỳ quái. Tôi xin phép được tóm tắt lại các tình tiết chủ chốt. Chỗ nào không đúng, bà vui lòng sửa lại cho. Bà không đợi ai đến gặp bà trong ngày hôm nay. Bà không hề hỏi ai về chuyện bảo hiểm, và cũng không hề nhận được thư báo tin hãng bảo hiểm nào cử đại diện đến gặp. Đúng vậy không, thưa bà?
– Hoàn toàn đúng.
– Bà không hề cần đến một thư ký đánh máy và cũng không gọi điện đến Trung tâm Cavendish?
– Đúng thế.
– Khi bà ra khỏi nhà lúc một rưỡi, trong phòng khách chỉ có hai chiếc đồng hồ, chiếc có con họa mi và chiếc đồng hồ đại của bà ngoại bà ngày xưa?
Định trả lời, nhưng bà ghìm lại:
– Quả thật tôi không thể khẳng định được điều này. Bởi tôi có nhìn thấy gì đâu? Nếu như mấy chiếc đồng hồ kia đã được treo ở đấy từ trước lúc tôi đi mua hàng thì sao? Tôi chỉ có thể khẳng định rằng, sáng nay lúc tôi dùng chổi lau quét bụi phòng này, tôi không nhận thấy có gì đặc biệt cả. Việc phủi bụi gian phòng khách, tôi đều làm lấy vì có rất nhiều đồ mỹ nghệ nhỏ, để bà giúp việc làm tôi không yên tâm.
– Sáng nay bà có đi đâu ra khỏi nhà không?
– Có, tôi có giờ lên lớp ở Viện Aeronberg từ 10 giờ 30 đến 12 giờ. Tôi về đến nhà lúc một giờ kém mười lăm, dùng một quả trứng luộc và uống một tách trà. Sau đó, như tôi đã kể với ông một giờ rưỡi tôi ra phố mua bán vài thứ vặt. Thật ra tôi ngồi ăn bữa trưa dưới bếp chứ không lên đây lúc nào.
– Nếu bà khẳng định trước lúc bà ra khỏi nhà vào 10 giờ sáng nay, trong nhà chưa có những chiếc đồng hồ lạ kia, thì như thế có nghĩa có người đem chúng đến treo ở đây sau 10 giờ sáng.
– Xin ông thử hỏi bà giúp việc của tôi, bà Curtin xem. Bà ấy đến dọn dẹp nhà tôi lúc 10 giờ rưỡi. Nhà bà ấy ở số 17 phố Dipper.
– Cảm ơn bà, thưa bà Pebmarsh. Bây giờ, sau khi ta đã điểm lại các sự kiện, bà thấy có thể gợi gì ra với tôi được không? Vậy là sáng nay, có người đã đem đến đây bốn chiếc đồng hồ lạ kia. Tất cả chúng đều chạy và kim đều chỉ 4 giờ 13 phút. Cái giờ ấy có làm bà nghĩ đến thứ gì không?
– Không, – bà Pebmarsh đáp.
– Bây giờ ta sang đến nạn nhân. Tuy tôi chưa hỏi bà giúp việc, nhưng tôi nghĩ vô lý là bà ấy cho ông ta vào nhà rồi đi, bỏ mặc ông ta trong này. Tôi sẽ thẩm vấn bà ấy sau về chuyện này. Người đàn ông kia đến đây chỉ có thể có một trong hai mục đích. Một là công việc, hai là việc tư. Ông ta bị giết trong thời gian từ một giờ rưỡi đến ba giờ kém mười lăm. Có nghĩa ai đó đã hẹn ông ta đến đây. Bà bảo bà không biết gì chuyện đó. Liệu ông ta có làm công việc một nhân viên Công ty bảo hiểm không? Bà cũng lại không biết, cửa không khóa, ông ta có thể vào dễ dàng và ngồi đây đợi bà về. Nhưng để làm gì?
– Tất cả những chuyện ấy hết sức quái đản, – bà Pebmarsh có vẻ bắt đầu khó chịu. – Vậy theo ông thì cái ông Curry ấy đã đem những chiếc đồng hồ kia đến đây?
– Nhưng sao không thấy giấy bọc? – thanh tra Hardcastle nhận xét. – Ông ta không thể bỏ chúng vào túi áo được… Còn kim chỉ 4 giờ 13, nghĩa là sao? Bà không có một sự phỏng đoán nào về chuyện đó sao?
Vừa lúc đó, một sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi hé mở cửa. Thanh tra Hardcastle ra gặp anh ta, rồi bước ra chỗ hàng rào sắt trao đổi một chút với các nhân viên cảnh sát.
– Bây giờ các cậu đưa cô gái này về nhà cô ấy, – viên thanh tra nói. – Số nhà 14, phố Palmerston.
Sau đó ông quay vào phòng ăn. Qua cánh cửa mở, ông ta quan sát bà Pebmarsh đang loay hoay với chiếc làn đi chợ. Đứng ngoài cửa, ông hỏi:
– Tôi cần đến những chiếc đồng hồ kia. Tôi sẽ viết giấy biên nhận đưa cho bà.
– Không cần, ông cứ đem chúng đi. Đấy không phải đồng hồ của tôi.
Viên thanh tra quay sang Sheila:
– Cô có thể về được rồi, cô Sheila.
Sheila và Colin đứng dậy.
– Colin, tôi nhờ anh chở cô ấy về nhà hộ. – viên thanh tra nói rồi ngồi xuống bàn viết giấy biên nhận.
Hai người đã ra đến cổng sắt, đột nhiên Sheila đứng lại:
– Tôi quên đôi găng tay.
– Để tôi vào lấy cho cô, – Colin nói.
– Không, để tôi vào, vì tôi biết chỗ tôi đã để nó. Với lại, bây giờ tôi không sợ nữa. Người ta đã đem ông ta đi rồi.
Sheila chạy đi, lát sau quay lại:
– Anh tha lỗi, lúc nãy tôi xử sự như một con điên.
– Gặp hoàn cảnh như cô, ai chẳng thế.
Lúc xe ô tô đã nổ máy, thanh tra Hardcastle chạy ra, nói với một nhân viên cảnh sát:
– Cậu vào đóng gói mấy chiếc đồng hồ cho tôi. Trừ chiếc to tướng ở góc phòng và chiếc có con chim họa mi. Đóng gói thật cẩn thận vào.
Ra lệnh xong, viên thanh tra quay sang Colin:
– Tôi cần đi một vòng, anh muốn đi cùng không?
– Sẵn sàng, – Colin đáp.