Trên bậc cửa ngôi nhà số 18, ông Waterhouse đang ngập ngừng, đưa mắt lo lắng nhìn cô em gái.
– Em tin chắc là em sẽ không gặp nguy hiểm gì chứ?
– Sao anh lại hỏi thế? – cô Edith khó chịu vặn lại.
Waterhouse lấy vẻ mặt hối hận,”mà đấy là bản chất thứ hai của ông ta.
– Em thân yêu, anh hỏi thế vì… sau khi biết ở nhà bên cạnh vừa xảy ra một vụ… anh chợt nghĩ là ta phải…
Waterhouse đã ăn mặc hết sức rẩn thận, mái tóc chải tỷ mỷ, đang chuẩn bị đi làm. Cao lênh khênh, lưng hơi gù, da rám nắng, rõ ràng là một người không biết ốm đau là gì.
Còn cô Edith thì cũng cao, nhưng gầy đét, có vẻ thuộc loại người khắc khổ với bản thân, đồng thời khó tính với xung quanh.
– Sao anh lại có thể lo có kẻ giết em, chỉ vì hôm qua nhà bên cạnh có người bị giết?
– Edith, toàn bộ vấn đề ở chỗ hung thủ là người thuộc loại nào…
– Hay anh cho rằng trên đường phố Wilbraham Crescent của mình hiện đang có một kẻ tội phạm lởn vởn, chỉ muôn tìm giết dần tất cả những người sinh sống trong phố này? Em thì lại rất mong nhìn thấy một kẻ nào đó dám vào nhà mình và muốn giết em, – cô nói bằng giọng giễu cợt.
Suy nghĩ một chút, ông Waterhouse công nhận rằng ông quá lo xa. Bởi nếu có thằng cha điên rồ nào đó thích giết người thì chắc gì hắn muốn giết em gái ông. Bởi ông biết cô Edith em ông thừa gan góc để vớ vật gì đó, thì dụ que sắt còi lò sưởi chẳng hạn, quật lên đầu gã, làm máu me tung tóe, rồi giao gã cho cảnh sát.
Waterhouse, vẫn giọng nín nhịn quen thuộc, nói thêm:
– Anh chỉ muốn em cảnh giác thôi. Bởi như vậy là trong khu vực này đã có kẻ ác.
– Em thì cho rằng khó mà tin lời đồn đại được.
Mới sáng nay đây này, bà Head còn kể em nghe bao nhiêu chuyện rùng rợn…
– Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, – Waterhouse vội gạt đi, ông ta không muốn nghe các chuyện ngồi lê đôi mách của bà giúp việc, – ông nhìn đồng hồ. – Chết, anh bị trễ mất rồi. Thôi, anh đi nhé. Nhưng em cứ cẩn thận quá đi là vừa. Em nên mắc dây xích sắt vào cánh cửa đấy.
Cô Edith lại lầu bầu.
Nhưng vừa đóng cửa xong, sắp lên phòng thì cô chợt nhớ ra, lấy cây gậy đánh gôn gác sẵn lên cánh cửa, đề phòng lỡ có kẻ vào hành hung.
Cô thầm nghĩ: “Thế là ổn! Tất nhiên anh mình quá lo xa, nhưng mình cũng cứ cẩn thận. Bọn tù được tha trước thời hạn, với lý do cải tạo tốt ấy, khó mà làm mình yên tâm được. Người hiền lành, không bao giờ làm chuyện phi pháp chính lại luôn có nguy cơ bị tai họa!”
Cô Edith đã vào phòng thì bà Head, một phụ nữ đứng tuổi béo tròn lao vào như một viên đạn. Bà ta có tính thích mọi chuyện ly kỳ.
– Có hai ông xin gặp cô, thưa cô chủ. Mà không phải hai ông bình thường, mà là hai cảnh sát, – bà nói và chìa ra tấm danh thiếp.
Cô Edith cầm lấy, đọc: Thanh tra cảnh sát Hardcastle.
– Bà mời hai ông ấy vào phòng khách rồi chứ? – Cô Edith hỏi.
– Không, thưa cô chủ. Tôi đưa họ vào phòng ăn. Tôi đã dọn dẹp xong, thấy trong ấy khá lịch sự, loại khách này chỉ cần tiếp ở đấy là được. Họ chỉ là cảnh sát thôi mà.
Cô Edith không chú ý nghe câu lý lẽ của người giúp việc lắm. Cô nói:
– Tôi xuống ngay bây giờ.
– Hẳn là họ muốn hỏi cô về bà Pebmarsh. Họ muốn biết bà ấy có gì khác thường không. Họ cho rằng tính tình không bình thường của bà ta rất dễ gây ra chuyện này chuyện nọ. Nói chung, đám nhân viên cảnh sát khôn ngoan lắm. Họ rất giỏi moi các thứ. Cho nên cô phải cẩn thận, đừng chỉ nghe lời họ nói, mà phải nhìn vào mặt họ, xem họ nghĩ gì. Nhưng bà cụ lại mù, thành thử không nhìn thấy, mà chỉ nghe thấy lời của họ. Khôn khổ!… – Bà giúp việc vừa nói hai chữ này vừa lắc đầu vẻ thông cảm.
Bà Head này có vẻ rất tò mò, nhưng cô Edith không nhận thấy điều đó. Cô xuống thang gác, bước vào phòng ăn.
– Chào bà Edith, – Hardcastle đứng lên, lịch sự nói.
Viên thanh tra đi cùng với một thanh niên tóc nâu, và mặc dù anh ta đứng dậy lúng túng tự giới thiệu “Trung sĩ Colin”, nhưng cô Edith không thèm chào đáp lại.
– Tôi hy vọng đến vào giờ này không phải là sớm quá đối với bà, thưa bà Edith? – Hardcastle nói. – Nhưng chắc bà đoán được chúng tôi đến về việc gì, sau chuyện xảy ra hôm qua ở số nhà 19 bên cạnh.
– Tất nhiên tôi có biết chuyện gì đã xảy ra hôm qua bên nhà hàng xóm, – cô Edith nói. – Thậm chí tôi đã phải đuổi ra khỏi cửa ba vị nhà báo đến hỏi xem trưa hôm qua tôi có nghe thấy gì hoặc nhìn thấy gì lạ ở nhà bên cạnh không.
– Bà đuổi họ ra là rất đúng, – thanh tra Hardcastle gật đầu tán thành. – Loại người đó chuyên dính mũi vào đủ mọi chuyện, nhưng tôi tin rằng họ sẽ chẳng tìm ra được cái gì hết.
Nghe câu khen, cô Edith không giấu được vẻ hài lòng.
– Tôi hy vọng sẽ không làm bà khó chịu khi chúng tôi đưa ra vài câu hỏi giống như vị nhà báo kia đã đưa ra, – Hardcastle nói. – Nhưng nếu bà nhớ ra đã nhìn hoặc nghe thấy một dấu hiệu nào đó khiến bà chú ý, chúng tôi rất biết ơn bà. Vào giờ đó, hẳn bà ở nhà, thưa bà Edith?
– Tôi vẫn chưa biết vụ án mạng xảy ra lúc mấy giờ đấy.
– Trong khoảng thòi gian từ 13 giờ 30 đến 14 giờ 30, hoặc gần gần như thế.
– Giờ ấy thì chắc chắn tôi ở nhà rồi.
– Còn ông Waterhouse, anh bà?
– Anh tôi không về nhà ăn trưa. Nhưng người bị giết là ai? Hình như báo chí cũng không nói cụ thể, phải không nhỉ?
– Hiện chúng tôi chưa biết tung tích nạn nhân, – Hardcastle thú nhận.
– Một người vô danh? Nhưng bà Pebmarsh không thể không biết ông ta là ai!
– Bà Pebmarsh khai với chúng tôi rằng bà không hề đợi ai đến gặp, và bà hoàn toàn không biết ông ta.
– Mà bà ấy có nhìn thấy gì đâu mà biết ông ta là ai! – cô Edith kêu lên.
– Chúng tôi đã miêu tả rất tỷ mỷ cho bà ấy nghe.
– Nạn nhân thuộc loại như thế nào?
Thanh tra Hardcastle lấy trong phong bì ra một tấm ảnh nhỏ, đưa cô Edith.
– Đây là hình ông ta. Bà có biết người này không, thưa bà?
Cô Edith nhìn tấm ảnh, nói:
– Không… Tôi chưa nhìn thấy người này bao giờ.
Tôi cam đoan là như thế. Lạy Chúa, trông ông ta mặt mũi phúc hậu. Và trong ảnh, ông ta không có vẻ xúc động gì. Chết như người đang ngủ.
Thanh tra Hardcastle định nói nhưng thấy nói là thừa, rằng ông đã chọn tấm ảnh ít làm người ta sợ hãi nhất.
– Cái chết nhiều khi đến vào đúng lúc con người ta ít ngờ nhất. Tôi nghi ông ta chết đột ngột, một cách hoàn toàn bất ngờ.
– Thế bà Pebmarsh nói thế nào về tất cả những chuyện này?
– Bà ấy bảo không hề biết gì.
– Vô lý.
– Hy vọng bà có thể giúp chúng tôi, thưa bà Edith. Bà cố nhớ lại xem. Trong khoảng thời gian từ mười hai giờ rưỡi đến một giờ rưỡi, có thể bà đang nhìn qua cửa sổ ra ngoài hoặc đang ở ngoài vườn?
Cô Edith suy nghĩ một chút rồi nói:
– Lúc đó tôi đang ở ngoài vườn… mà khoan đã, nếu trước một giờ trưa thì mới đúng tôi đang ở ngoài vườn. Vì lúc 12 giờ 50, tôi vào nhà rửa tay rồi ăn bữa trưa.
– Bà có nhìn thấy bà Pebmarsh lúc bà ấy ra hay vào nhà bà ấy không?
– Hình như tôi có nhìn thấy bà ấy đi đâu về… Tôi nghe thấy tiếng mở cổng sắt, khoảng sau mười hai giờ rưỡi một chút.
– Bà có nói gì với bà Pebmarsh không?
– Không! Tôi chỉ ngẩng đầu lên và nghe thấy tiếng mở cổng sắt. Đấy là giờ bà ấy thưòng về nhà, sau buổi dạy học.
– Theo bà Pebmarsh cho tôi biết, thì bà ấy lại ra khỏi nhà vào khoảng một giờ rưỡi. Bà có đồng ý với lời khai đó không?
– Tôi có nhìn thấy bà ấy đi bên ngoài hàng rào sắt nhà tôi, nhưng tôi không biết chính xác lúc ấy là mấy giờ.
– Xin lỗi, thưa bà Waterhouse, bà vừa nói “bên ngoài hàng rào sắt nhà bà”?
– Tất nhiên rồi. Lúc đó tôi ngồi trong phòng khách, nhìn ra phố. Tôi đang uống cà phê sau bữa ăn. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, đọc tờ báo Times. Đúng lúc tôi lật trang báo thì tôi thoáng thấy bà Pebmarsh đi ngang bên ngoài hàng rào sắt. Như thế có gì là lạ, thưa ông thanh tra?
– Cũng chẳng có gì lắm, – thanh tra Hardcastle mỉm cười. – Chỉ là tôi đinh ninh bà Pebmarsh ra bưu điện rồi mua vài thứ vặt. Phải chăng lối đi ngang qua nhà bà là lối đi gần nhất để ra bưu điện?
– Vấn đề bà ấy định mua sắm ở cửa hàng nào, – Cô Edith nói. – Tất nhiên bưu điện và các cửa hàng trên đại lộ Albany thì nếu đi lối bên kia gần hơn. Và nếu đi lối ấy thì không phải qua trước cổng nhà tôi.
– Nhưng cũng có thể bà Pebmarsh đã có thói quen đi trước cửa nhà bà vào cái giờ đó?
– Lạy Chúa! Tôi không biết gì hết: bà ấy ra khỏi nhà vào giờ nào và đi theo hướng nào. Thưa ông thanh tra, tôi làm gì có thời gian để quan sát xem hàng xóm làm những gì. Tôi rất bận, chẳng còn thời giờ nào quan tâm đến ai. Không như một số người…
Nghe giọng nói khinh bỉ, thanh tra Hardcastle có cảm giác cô Edith này đang ám chỉ một người cụ thể nào đó.
– Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, – Viên thanh tra vội vã tán thành, rồi ông nói thêm. – Hay bà ấy định gọi điện thoại, bởi phía ấy có trạm điện thoại công cộng?
– Có đấy, ở trước mặt số nhà 15.
– Còn đây là câu hỏi quan trọng nhất của tôi, thưa bà Edith: bà có nhìn thấy ông ta vào số nhà 19 ấy không? Là tôi nói đến “con người bí ẩn” kia, theo cách nói của báo chí ấy?
– Không, – cô Edith đáp. Không, tôi không nhìn thấy ông ta. Và cũng không nhìn thấy người nào khác đi vào nhà bà Pebmarsh.
– Trong quãng thời gian từ một giờ trưa đến ba giờ, bà làm gì, thưa bà?
– Tôi giải bài đố chữ trong báo Times mất chừng nửa giờ, cho đến lúc tôi phải xuống bếp rửa bát đĩa. Sau đấy, tôi viết hai lá thư và vài tờ ngân phiếu. Rồi tôi lên phòng lựa những quần áo để đem nhuộm lại. Theo tôi nhớ thì chính vào lúc ấy, tôi nhìn qua cửa sổ thấy tiếng ồn ào bên dưới. Tôi vội chạy ra cửa nhìn sang thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh. Tôi nhìn ra chỗ cổng bên nhà bà Pebmarsh thấy một cặp trai gái đang ôm chặt nhau…
Nghe đến đây, “trung sĩ Colin” hơi nhúc nhích khiến cô Edith rất có thể nghi anh chàng cô nhìn thấy ôm cô gái kia chính là viên trung sĩ này.
– Bà không nhìn thấy bà Pebmarsh có về nhà trước lúc đó chứ?
– Không, – cô Edith đáp. – Nhưng tôi chỉ nhìn ra cửa sổ khi nghe thấy tiếng thét kinh hoàng kia. Lúc ấy tôi nghĩ đơn giản, lớp trẻ bây giờ có nhiều phong cách quái lạ, hơi một tí thì rú lên, cho nên khi ấy đôi trai gái ôm nhau, tôi nghĩ chẳng có gì quan trọng. Mãi đến lúc xe cảnh sát đến tôi mới chú ý.
– Bà còn gì khác để nói với chúng tôi không, thưa bà Edith?
– Không, tất cả chỉ có thế thôi.
– Gần đây bà có nhận được thông báo của Công ty Bảo hiểm nào nói rằng họ sẽ cử nhân viên đến gặp bà không?
– Không! Hoàn toàn không!
– Bà có nhận được lá thư nào ký tên “Curry” không?
– Curry à? Chưa bao giờ.
– Cái tên đó không gợi bà nhớ tới một thứ gì sao?
– Không. Nhưng sao ông hỏi thế?
Hardcastle mỉm cười:
– Không sao, thưa bà. Đấy là tên nạn nhân bị giết hôm qua. Nhưng cũng có thể chỉ là tên ông ta tự nhận.
– Chứ không phải tên ông ta thật?.
– Chúng tôi có cảm giác như thế. Curry chỉ là tên giả.
– Vậy ông ta là một kẻ lừa đảo? – cô Edith hỏi.
– Hiện nay chúng tôi chưa có chứng cứ nào để có thể kết luận.
– May quá đấy. Tôi biết là phải thận trọng. Có những người ở đây, chưa gì đã đồn đại ầm lên. Vậy mà sao không tòa án nào trừng phạt họ về tội vu oan cho ngưòi khác nhỉ?
– Đấy là tội truyền tin đồn nhảm thôi, chàng “trung sĩ” Colin chữa lại. Đây là lần đầu tiên anh ta mở miệng.
Cô Edith quay sang, ngạc nhiên nhìn cậu ta. Từ nãy cô vẫn cho Colin chỉ là chân theo hầu viên thanh tra.
– Tôi rất tiếc là không giúp gì được ông, thưa ông thanh tra.
– Vâng, tôi cũng rất tiếc, – thanh tra Hardcastle nói. – Bởi nếu được một người thông minh như bà giúp cho thì thật quý giá.
– Giá như tôi nhìn thấy được thứ gì có phải đã giúp được các ông không, – giọng cô Edith đột nhiên làm duyên như một thiếu nữ.
– Còn ông anh bà, liệu có giúp ích gì được chúng tôi không? – Viên thanh tra hỏi.
– Anh tôi ấy ư? Anh tôi thì chẳng biết cái gì hết. Vả lại lúc đó anh tôi ở văn phòng cơ quan. Không, anh tôi không giúp ích gì được ông đâu. Như tôi đã nói đấy, anh tôi không bao giờ về nhà ăn trưa.
– Ông ấy thường ăn trưa ở đâu?
– Anh ấy chỉ mua một khoanh bánh mì kẹp thức ăn và tách cà phê ở một quán gần đấy rồi đem về cơ quan ăn.
– Cảm ơn bà, thưa bà Edith. Xin lỗi đã làm phiền bà khiến bà mất khá nhiều thời gian.
Nói xong, thanh tra Hardcastle đứng dậy, ra cửa. Cô Edith đi theo tiễn khách.
– Cây gậv đánh gôn tốt quá, – Colin nói, nhấc cây gậy lên, xem thử nặng nhẹ. – Bà đề phòng bất trắc, đúng vậy không, thưa bà?
Cô Edith ngượng:
– Quả thật, tôi không biết cây gậy đánh gôn này sao lại ở đây.
Rồi giằng lấy cây gậy, cô Edith giấu nó vào cái xắc.
Lúc ra ngoài đường, Colin thở dài nói:
– Cậu đã giở đủ tài khôn khéo, vậy mà chẳng moi ra được cái gì mấy.
– Mình có kinh nghiệm, những ngựòi trông khó khăn nhất thì lại rất ưa nịnh.
– Lúc cuối, chị ta nhún nhẩy như con mèo được vuốt ve ấy. Đáng tiếc là ta không thu được thông tin nào đáng chú ý.
– Sao cậu bảo không thu được? – Hardcastle phản đối.
Colin quay đầu ngạc nhiên nhìn bạn:
– Cậu thấy thêm được cái gì?
– Một chi tiết tưởng chừng nhỏ, nhưng lại rất quan trọng: lúc đi mua sắm, bà Pebmarsh không ngoặt sang phải, lại ngoặt sang bên phía bên trái. Vậy là lúc 1 giờ 50 phút, bà ta đã gọi điện thoại.
Colin ngạc nhiên nhìn bạn:
– Tuy bà Pebmarsh chối là không có chuyện đó, cậu vẫn nghi là bà ta có gọi? Mình lại thấy bà ta đã nói một cách quả quyết.
Hardcastle thản nhiên đáp.
– Mình công nhận. Nhưng cậu có thấy bà ta quả quyết một cách quá mức không?
– Nhưng nếu bà ta đi gọi điện thoại, thì để làm gì?
– Để làm gì, để làm gì… Vậy mình hỏi cậu, tất cả tấn hài kịch này để làm gì? Bà Pebmarsh gọi điện để dụ cô thư ký đánh máy Sheila kia đến chứ còn gì nữa? Để làm gì ư? Bởi nếu không phải cô Edith này, thì nói ra một điều có hại cho bà Pebmarsh để làm gì? Cho đến nay chúng ta chưa biêt được gì. Giá như bà Giám đốc Martindale kia quen biết bà Pebmarsh, có phải bà ta đã nhận ra được giọng nói không… Số nhà 18 chẳng giúp ích được gì nhiều, ta sang số nhà 20 xem thử thế nào.