NHỮNG QUẬN CHÚA NỔI LOẠN

NQCNL : 17



Canolles chưa có một quyết định gì cả, cho nên, khi trở về phòng, chàng đi tới đi lui, như thói quen của những người trong lúc tâm thần bất ổn, chẳng thèm lưu ý tới Castorin đang nóng lòng chờ đợi chàng. Hắn đứng dậy khi nhìn thấy chàng rồi cứ thế cắm cổ rảo bước theo sau, hai tay giơ ra cái áo choàng ngủ dài lượt thượt.

Castorin đụng vào một cái ghế. Canolles quay lại.

– Hừm! – Chàng nói – Mi làm gì với cái áo choàng đó?

– Tôi đợi cậu thay quần áo.

– Ta không biết sẽ thay vào lúc nào. Thôi thì hãy để áo trên ghế bành và đợi đấy.

– Cậu không thay đồ là nghĩa làm sao? Bộ cậu không đi ngủ à?

– Không.

– Thế chừng nào cậu mới đi ngủ?

– Ăn thua gì đến mi mà nói?

– Ăn thua lắm chứ, vì tôi mệt quá rồi.

– À! Thật ư? – Canolles dừng lại và nhìn thẳng vào mặt Castorin – Mi mệt lắm à?

– Rất mệt.

Canolles nhún vai:

– Ra ngoài đi và đứng đợi ở tiền phòng, khi nào cần gì ta sẽ lắc chuông.

– Tôi báo trước để cậu biết nếu chờ lâu là tôi biến đi đấy. Tôi sẽ không còn ở đó nữa đâu.

– Thế mi ở đâu?

– Ở trên giường của tôi. Hình như sau khi vượt hai trăm dặm đường, người ta ai cũng cần đi ngủ.

– Thưa ông Castorin, ông là một tên xỏ lá.

– Nếu cậu thấy rằng, một tên xỏ lá không xứng đáng là người hầu của cậu, thì cậu chỉ cần nói một tiếng là tôi cuốn gói đi ngay.

Canolles không ở trong trạng thái bình tĩnh, và nếu Castorin thông minh hơn một chút, hắn sẽ nhận ra giông bão đang lớn dần trong trí não ông chủ, và chắc chắn hắn sẽ không vội vàng đưa ra những ý kiến như thế.

Canolles tiến thẳng về phía tên hầu và xách lấy khuy áo của hắn bằng hai ngón tay.

– Nhắc lại coi!

– Tôi xin nhắc lại, nếu cậu không bằng lòng, tôi xin thôi việc vậy.

Canolles buông Castorin ra và đi lấy cây can của mình. Castorin hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Hắn kêu lên:

– Thưa cậu, cậu hãy nên thận trọng trong cái việc cậu sắp làm. Tôi không còn là một kẻ gia nhân tầm thường nữa, tôi phục vụ bà quận chúa.

– Ái chà! – Canolles hạ cây gậy xuống và nói – Mi làm việc cho bà quận chúa?

– Vâng, thưa cậu, mới mười lăm phút thôi.

– Ai mướn mi vô công việc đó?

– Ông Pompéc, viên quản lý của phu nhân.

– Pompéc!

– Vâng.

– Ồ! Sao mi không nói ngay? – Canolles kêu lên – Phải, phải, mi có lý do để thôi việc, và đây là hai Pistoles để bồi thường những cú đánh mới chỉ là ý định trong trí ta.

Castorin không dám cầm tiền:

– Ôi trời, thế là nghĩa lý gì? Cậu định trêu tôi sao?

– Không đâu. Trái lại, anh bạn hãy nên đi theo hầu bà quận chúa. Nhưng khi nào thì anh bắt đầu công việc?

– Tính từ lúc cậu trả lại tự do cho tôi.

– Vậy thì trả lại tự do cho mi bắt đầu từ sáng mai.

– Và từ bây giờ cho đến sáng mai?

– Từ đây đến sáng mai, mi vẫn là người hầu của ta và mi phải vâng lời ta.

– Sẵn sàng! Cậu ra lệnh gì? – Castorin nói, rồi quyết định cầm lấy hai Pistoles.

– Bởi lẽ mi muốn đi ngủ, nên ta ra lệnh cho mi thay quần áo đi ngủ.

– Cậu nói sao, tôi không hiểu?

– Mi không cần hiểu, mà chỉ biết tuân lệnh, có vậy thôi. Thay đồ đi, ta sẽ giúp mi.

– Thế là thế nào, cậu sẽ giúp tôi?

– Dĩ nhiên, bởi vì mi sẽ thủ vai hiệp sĩ Canolles cho nên ta phải giữ vai của Castorin.

Và không đợi sự đồng tình của gã gia nhân, nam tước lột hết áo của hắn ra mặc vào mình, rồi trước khi hắn kịp ngạc nhiên, chàng đã quay gót, khóa cửa lại và nhanh nhẹn bước xuống cầu thang.

Canolles bắt đầu nhận ra tất cả những bí mật ấy, dẫu một phần của những biến cố nãy còn bị bao trùm trong một đám mây. Từ hai giờ qua, hình như bất cứ điều gì chàng nhìn thấy, nghe được đều không hoàn toàn tự nhiên. Thái độ của mỗi nhân vật ở Chantilly có vẻ như đóng kịch, hầu hết những người chàng gặp đều thủ vai một vai trò, và những chi tiết đã được kết hợp một cách ăn khớp tuyệt diệu, nó chỉ rõ cho vị sứ giả của hoàng hậu rằng, nếu không muốn bị lừa thì phải gia tăng việc giám sát.

Sự tái hiện của cặp bài trùng Pompéc và tử tước Cambes đã giải tỏa mọi sự hồ nghi.

Khi Canolles vừa ra tới sân và mặc dù bóng tối mịt mù chàng cũng nhìn thấy bốn người đàn ông đang dàn bước sắp sửa tiến vào khung cửa nơi chàng mới đi ra, bốn người ấy được hướng dẫn bởi chính gã hầu phòng đã đưa chàng vô hội kiến với bà quận chúa. Một gã đàn ông khác, khoác áo choàng đi theo phía sau.

Nhóm người dừng lại ở ngưỡng cửa, đợi lệnh của gã vận áo choàng.

Với giọng hách dịch, gã này nói với người hầu phòng:

– Mi biết rõ hắn ở đâu. Sở dĩ mi biết rõ là vì chính mi đã dẫn dắt hắn vô đó. Hãy canh chừng để hắn không thể thoát ra được, đặt người của mi ở cầu thang, trong hành lang, ở bất cứ đâu mi muốn, miễn là đừng để hắn nghi ngờ rằng hắn đã bị giám sát tại chính nơi hắn đang giám sát các vị quận chúa.

Canolles nấp trong một góc tối. Với bóng đêm dày đặc, chàng không sợ bị người ta trông thấy. Từ chỗ đó, chàng có thể quan sát năm gã bảo vệ được cử đến canh giữ chàng. Họ đã khuất sau vòm cửa. Gã đàn ông vận áo choàng, sau khi thấy lệnh của mình đã được thi hành, bèn quay gót.

Canolles đưa mắt theo dõi hắn. Chàng tự nhủ “Có thể do tức giận nên họ đã xử sự với ta như vậy. Bây giờ miễn là cái thằng quỷ Castorin đừng có la lối om sòm, hoặc làm điều gì bậy bạ… Ta thật ngu ngốc đã không buộc mồm nó lại. Khổ nỗi lúc này muộn mất rồi. Thôi đành vậy, cứ bắt đầu cuộc tuần phòng của ta”.

Sau khi đảo mắt dò xét chung quanh, Canolles bước qua sân để tới khu nhà mà phía sau là những chuồng ngựa.

Tất cả cuộc sống trong lâu đài hình như đều dồn về khoảng không gian này. Người ta nghe thấy tiếng ngựa dậm chân thình thịch và những bước chạy rộn ràng của nhiều người vội vã. Âm thanh lích kích của những cái hàm thiếc và bàn đạp vang lên trong lúc ngựa được thắng yên cương. Những cỗ xe được đưa ra khỏi nhà kho. Chú ý lắng tai nghe, còn có thể nhận ra những giọng nói nghẹn đi bởi sợ hãi đang gọi và trả lời nhau.

Canolles nghe ngóng trong giây lát. Không còn nghi ngờ chi nữa, người ta chuẩn bị một cuộc khởi hành.

Chàng đi từ dãy nhà này sang dãy nhà khác, tiến vào một cái vòm và tới mặt tiền của tòa lâu đài.

Tới đây chàng dừng lại.

Thật vậy, những cửa sổ ở tầng dưới tràn ngập ánh sáng khiến người ta có thể đoán ra bên trong thắp rất nhiều đuốc. Và khi những bó đuốc ấy di chuyển vạch những vệt sáng trên thảm cỏ ngoài vườn thì Canolles cho rằng đây là trung tâm hoạt động và cũng là đại bản doanh của vụ âm mưu.

Nắm được bí mật ấy, thoạt đầu Canolles hơi ngần ngừ, nhưng rồi chàng nghĩ đến sứ mạng được hoàng hậu giao phó và trách nhiệm phải thực hiện.

Canolles tìm cách leo lên bờ tường để có thể từ đây, qua khung cửa kính, nhìn được cảnh tượng bên trong.

Kế bên một người đàn bà đang đứng sửa soạn mũ áo cho chuyến đi, một vài thế nữ đã mặc xong cho cậu bé bộ đồ đi săn, đứa nhỏ quay lưng về phía Canolles. Chàng chỉ nhìn thấy bộ tóc vàng của nó. Nhưng người đàn bà, nhờ những ánh bạch lạp soi rõ khuôn mặt nên chàng đã nhận ra bà ta giống hệt như bức chân dung treo trong phòng quận chúa: Đó là một khuôn mặt thon dài, cái miệng nghiêm nghị, sống mũi với những đường nét ngạo nghễ của người trong tranh. Từ người bà ta toát ra đầy vẻ quyền uy. Qua cử chỉ, những cái nhìn nẩy lửa, những cái hất đầu, mọi người đều tuân theo răm rắp.

Nhiều người giúp việc ở trong nhà, trong số đó Canolles nhận ra gã hầu phòng, đang chất vào những va li, những rương hòm, những thùng nào đồ vàng bạc, châu báu, và đồ dùng của phụ nữ. Ông hoàng nhỏ tuổi trong lúc ấy nô giỡn với các gia nhân đang bận bịu tíu tít. Điều đáng tiếc là Canolles không nhìn thấy mặt cậu bé.

Chàng lẩm bẩm: “Đúng như ta nghi ngờ. Họ đã chơi ta một vố. Họ đang sửa soạn một chuyến đi. Phải, nhưng ta có thể thay đổi khung cảnh có vẻ bí mật này bằng một cảnh tang tóc, ta chỉ cần chạy ra tiền sảnh với cái còi bằng bạc này và thổi lên ba tiếng, trong vòng năm phút sau khi nghe thấy hiệu lệnh, hai trăm con người sẽ đột nhập tòa lâu đài này, bắt giữ các quận chúa, trói cổ tất cả các sĩ quan ấy lại. Phải, có điều lần này chàng nói bằng con tim chứ không phải bằng miệng. Phải, nhưng còn nàng, nàng ngủ ở đằng kia, hoặc giả vờ như đang ngủ, ta sẽ vĩnh viễn mất nàng, nàng sẽ căm thù ta, và lần này thì sự căm thù của nàng rất phải lẽ. Nàng sẽ khinh rẻ ta, bảo rằng ta đã tận tình trong cái nghề mật thám. Tuy nhiên, vì lẽ nàng vâng theo quận chúa, thì tại sao, ta lại trái lời hoàng hậu?”

Trong lúc ấy, như thể sự tình cờ muốn hủy bỏ quyết định đó, cánh cửa căn phòng nơi bà quận chúa đang trang điểm chợt mở ra, và hai nhân vật: Một người đàn ông trạc năm mươi và một người đàn bà tuổi đôi mươi bước vào, vui vẻ và hấp tấp. Tim của Canolles hoàn toàn nằm trong mắt chàng. Chàng vừa nhận ra mái tóc đẹp, đôi môi tươi, ánh mắt thông minh của tử tước De Cambes, lúc ấy hãy còn cười mỉm, đến hôn tay Clémence De Maillé, quận chúa De Condé. Nhưng lần này tử tước đã phục sức theo đúng đẳng cấp của mình cho nên đã trở thành một vị nữ tử tước đẹp nhất trần gian.

Canolles dám vứt đi mười tuổi thọ để nghe cuộc hội đàm của họ, nhưng dù có ghé sát đầu vào khung kính, cũng chỉ có những tiếng vo ve lọt vào tai thôi. Chàng nhìn thấy bà quận chúa phác một vài điều gì nữa khiến cử tọa cười vang. Thiếu phụ lui gót cùng với một vài sĩ quan cấp dưới, nhưng họ lại bận đồng phục của các sĩ quan cao cấp. Chàng lại cũng nhìn thấy lão Pompéc, mặt mày vênh váo trong bộ y phục màu cam viền chỉ bạc ưỡn thẳng mình, tay đặt lên chuôi của một thanh kiếm to tướng và đi theo. Nữ chủ lúc ấy đang vén vạt áo dài bằng sa tanh cho khỏi quét đất, tiến đến, ở bên trái, từ một khung cửa đối diện, đoàn tùy tùng của bà quận chúa lặng lẽ tiến ra. Bà này không còn dáng đi của một kẻ chạy trốn, mà là của một nữ hoàng, rồi đến anh mã phu Vialas, quận công nhỏ tuổi D Enghien được bồng trên tay, Lenet cầm một cái hộp trạm và một bó giấy tờ, và sau hết là ông chưởng quan tòa lâu đài kết thúc dòng người do hai sĩ quan gươm tuốt trần dẫn đầu.

Tất cả đám người ấy đi ra bằng một hành lang bí mật! Từ nơi quan sát, Canolles vội xuống đất và chạy tới mái vòm lúc này từ tứ bề đều tối om. Thế rồi chàng nhìn thấy đoàn người lặng lẽ đi về phía chuồng ngựa, họ sắp khởi hành.

Trong lúc ấy, ý nghĩ về bổn phận, về sứ mạng của hoàng hậu giao cho, lại hiện ra trong tâm trí Canolles. Người đàn bà này ra đi, có nghĩa là cuộc nội chiến sẽ bùng nổ và các con dân của nước Pháp lại sẽ bắn giết lẫn nhau. Dĩ nhiên, chàng cảm thấy hổ thẹn, chàng – một đấng tu mi nam tử, lại đi làm mật thám và làm tên canh giữ một phụ nữ nhưng đó là một phụ nữ cũng tựa như bà phu nhân De Longueville kia đã từng gieo rắc máu lửa bốn phương trời Paris.

Canolles chạy lại mé tiền sảnh và đưa cái còi bằng bạc lên môi. Chỉ sau mấy tiếng còi của chàng, đoàn người kia sẽ bị cầm tù. Địa vị của chàng vững vàng hơn và chắc chắn chàng sẽ giàu có.

Nhưng Canolles ngước nhìn về phía căn phòng, nơi nàng quận chúa giả hiệu đang ngủ. Qua ánh sáng mờ dịu của ngọn đèn đêm, chàng tưởng như nhìn thấy bóng hình thân yêu in trên những tấm rèm trắng trong.

Thế là tất cả những toan tính, những quyết định của chàng đều tan biến dưới ánh sáng mờ dịu ấy, không khác gì những tia sáng lúc bình minh đã làm tan vỡ tất cả mộng đẹp, đã xua đuổi hết lũ ma quỷ của đêm tối.

“Cái lão Mazarin cũng đã đủ giàu để mất đi các ông hoàng bà chúa này, còn ta ta đâu giàu có chi để mấtmột kho vàng đã thuộc về ta, và ta sẽ gìn giữ nó với một sự ghen tuông như một con mãnh hổ. Lúc này nàng chỉ có một mình, tùy thuộc vào ta, trong sự bao che của ta, bất kể giờ giấc ngày đêm, ta có thể vào phòng nàng, nàng sẽ không chạy trốn nếu không nói cho ta biết, vì ta đã nhận lời hứa thiêng liêngcủa nàng. Hoàng hậu dù bị lừa, cái lão Mazarin dù nổi giận, ta cũng cóc cần!”

Và Canolles đút còi vào túi, lắng nghe tiếng ầm ầm như sấm động khi những cỗ xe đi qua trên cầu. Thế rồi im lặng lại được trở về với bóng đêm. Chàng bước vào khoảng sân thứ hai vắng lặng và thận trọng leo lên cầu thang. Tuyệt nhiên chàng chẳng hề nghĩ rằng mình vừa đem đặt cọc cuộc đời mình cho mối tình của một người đàn bà, nghĩa là với cái bóng của hạnh phúc.

Mặc dầu đã cẩn thận mò mẫm, nhưng khi tới hành lang, Canolles vẫn đụng với một kẻ hình như đang đứng nghe ngóng chi đó. Quá hoảng hốt, gã thốt kêu lên:

– Ông là ai? Ông là ai?

– Hừm! Trời đất! – Canolles nói – Thì ông là ai đã? Tại sao lại mò mẫm như một tên do thám ở phía cầu thang này?

– Tôi là Pompéc!

– Quản gia của bà quận chúa?

– Dạ, chính thế! Quản gia của bà quận chúa!

– A! Vậy thì không hẹn mà nên – Canolles nói – còn tôi, tôi là Castorin.

– Castorin, quân hầu của nam tước De Canolles?

– Đích thị.

– A! Castorin thân mến của tôi! – Pompéc nói – Chắc tôi đã làm cho anh sợ.

– Tôi sợ?

– Phải! Chớ sao! Một khi người ta không phải là lính tráng. Bạn thân mến, tôi có thể giúp gì được bạn? – Pompéc nói tiếp với một vẻ quan trọng.

– Dạ!

– Có gì thì nói đi.

– Anh có thể loan báo ngay tức khắc với bà quận chúa rằng, ông chủ của bà ấy muốn nói chuyện với bà ấy.

– Vào giờ này?

– Dĩ nhiên.

– Không thể được!

– Bộ anh tưởng vậy?

– Tôi tin chắc.

– Vậy là bà ấy sẽ không tiếp ông chủ của bà ấy?

– Không!

– Lệnh của đức vua! Thưa ông Pompéc, hãy nói với bà ấy như thế.

– Lệnh của đức vua!… Pompéc kêu lên – Tôi đi ngay.

Và Pompéc lập cập đi xuống, vừa sợ hãi vừa kinh hoàng.

Canolles trở về phòng mình, thấy Castorin ngả người trên ghế bành ngáy ầm ĩ. Chàng mặc quần áo sĩ quan và ngồi chờ đợi kết quả của công việc vừa rồi.

– Nếu ta không làm tốt nhiệm vụ lão Mazarin giao – Chàng thầm nhủ – thì hình như ta sẽ không làm quá xấu những việc của ta.

Mười phút trôi qua, Pompéc vẫn không trở lại. Và cũng chả có ma dạo nào tới cả. Thấy rằng chờ đợi mãi cũng vô ích, Canolles quyết định tự mình đi tới.

Chàng đánh thức Castorin dậy, truyền lệnh cho hắn phải sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố, rồi sau đó đi lại phòng quận chúa.

Tới cửa, nam tước gặp một tên người hầu. Mặt mày hắn nhăn nhó vì đã làm xong bổn phận mà chưa có người thay thế. Cũng như Castorin,sau một ngày làm việc mệt nhọc, hắn cần được nghỉ ngơi.

– Thưa ngài, ngài muốn gì? – Hắn hỏi Canolles.

– Tôi xin được gửi quận chúa De Condé lời chào tôn kính của tôi.

– Vào giờ này, thưa ngài?

– Vào giờ này thì sao?

– Dạ, nhưng đã khuya quá rồi.

– Làm sao anh dám nói vậy?

– Tuy nhiên, thưa ngài… – Hắn lắp bắp.

– Tôi không xin nữa, mà tôi muốn. – Canolles nói với giọng oai vệ.

– Ngài muốn… Nhưng ngài nên biết chỉ có bà quận chúa chỉ huy ở đây.

– Đức vua chỉ huy tất cả… Lệnh của đức vua!

Người hầu run rẩy và cúi đầu:

– Xin lỗi ngài, tôi chỉ là một tên gia nhân hèn mọn, tôi không thể gánh lấy cái trách nhiệm mở cửa phòng quận chúa, xin ngài cho phép tôi đi đánh thức quan thị vệ.

– Tại lâu đài Chantilly, các quan thị vệ có thói quen đi ngủ vào lúc mười giờ à?

– Người ta đi săn suốt cả ngày, thưa ngài.

Canolles thầm nghĩ: “Đúng vậy. Họ chỉ cần phải có thì giờ mặc quần áo thị vệ cho một anh nào đó”.

Rồi chàng lớn tiếng:

– Được. Đi đi. Tôi đợi.

Người hầu cắm cổ chạy. Hắn đi báo động khắp lâu đài, thêm cái mồm của Pompéc nữa, khiến cho mọi người lại càng hốt hoảng.

Canolles còn lại một mình, tai lắng nghe và mắt mở căng.

Tiếng người chạy rậm rịch trong những phòng khách và dãy hành lang. Nhờ những vệt sáng lờ mờ, chàng nhìn thấy những bóng người được trang bị súng dài nấp ở các nơi. Khắp chốn, chàng cảm thấy có những thì thầm đe dọa, thay thế cho cái im lặng hoàn toàn trong giây phút trước đây.

Canolles cầm cái còi trong tay và tiến lại một khung cửa sổ. Từ đó, chàng có thể nhận ra chỗ ẩn nấp của hai trăm người lính chàng mang theo.

– Không – Chàng tự nhủ – việc ấy sẽ dẫn thẳng tới chiến trận, nó sẽ đem lại tang tóc; tốt hơn hết là chờ đợi, điều tồi tệ nhất có thể đến với chúng ta trong khi chờ đợi là bị giết, còn nếu hấp tấp, ta sẽ mất nàng…

Canolles vừa mới suy nghĩ xong, thì thấy một cánh cửa mở ra, và một nhân vật mới xuất hiện. Ông ta vội vã nói đến nỗi không kịp chào nhà quý tộc:

– Quận chúa khó ở và ra lệnh không cho bất cứ một ai vào.

Canolles chằm chằm nhìn người lạ và nói:

– Ông là ai? Khi nói với một nhà quý tộc, tại sao ông vẫn đội mũ trên đầu?

Và Canolles dùng đầu gậy hất cái mũ của người đối thoại. Người này lùi lại một bước và kêu lên:

– Thưa ngài!

– Tôi hỏi ông, ông là ai?

– Tôi là… tôi là… như ngài có thể nhìn thấy qua bộ quân phục của tôi, đội trưởng cận vệ của quận chúa.

Canolles mỉm cười.

Thật thế, chỉ cần liếc mắt, chàng đã nhận ra mình đang tiếp xúc với loại người vô tích sự, cái áo chẽn sĩ quan của hắn bó chặt lấy cái bụng bự khiến cho mấy khuy áo như sắp đứt bung ra.

– Tốt lắm, thưa đội trưởng. – Canolles nói – Hãy nhặt cái mũ của ông lên và trả lời.

Viên đội trưởng thi hành khẩu lệnh của Canolles với tính cách của một người đã nghiên cứu kỹ lưỡng kỷ luật nhà binh, để biết chỉ huy giỏi, phải biết vâng lời.

– Đội trưởng đội cận vệ! Chà! Một chỗ ngon lành hả?

– Vâng, thưa ngài, cũng tạm được. – Ông ta đứng thẳng người.

– Đừng có phưỡn ngực ra như thế, thưa ông đội trưởng, kẻo rồi cái quần của ông sẽ rớt xuống gót chân và hình như thế, sẽ chả đẹp chút nào.

– Nhưng rút cuộc, thưa ngài, ngài là ai?

– Thưa ông, tôi sẽ noi gương lễ độ của ông, và sẽ trả lời câu hỏi của ông như ông đã trả lời câu hỏi của tôi. Tôi là đại úy của binh đoàn Navailles và tôi tới đây nhân danh nhà vua với tư cách một sứ giả mang thái độ ôn hòa hoặc thô bạo tùy từng tình huống tuân phục hay chống lại lệnh của hoàng đế.

Anh chàng đội trưởng kêu lên:

– Thô bạo! Thưa ngài, một tính chất thô bạo…

– Rất thô bạo, tôi báo trước để ông biết. – Và chàng nói tiếp luôn – Phải ngay cả với quận chúa.

– Thưa ông, chớ nên sử dụng sức mạnh, tôi có dưới trướng năm mươi người được võ trang sẵn sàng bảo vệ danh dự của quận chúa.

Canolles không muốn nói với hắn rằng năm mươi người của hắn đều chỉ là những kẻ hầu người hạ, những bồi bếp rất xứng đáng để phục vụ dưới quyền một ông xếp như thế, và còn về phần danh dự của quận chúa, thiết tưởng nó đã chạy theo bà ta vào cái thời điểm bà ta ở trên đường tiến về Bordeaux.

Và chàng chỉ đáp với vẻ bình thản để đối phương sợ hơn là đe dọa, thái độ quen thuộc của những con người dũng cảm, thường đương đầu với các hiểm nguy.

– Nếu ông có năm mươi người được võ trang, thưa đội trưởng, tôi có hai trăm binh sĩ thuộc đạo quân tiền vệ của hoàng gia. Bộ ông tính chuyện làm phản, chống lại hoàng đế hay sao?

– Không! Thưa ngài không! Nhưng xin ngài làm chứng cho, tôi chỉ nhượng bộ trước sức mạnh.

– Có vậy mới là tình đồng nghiệp chứ.

– Vâng, tôi sẽ dẫn ngài tới công chúa phu nhân, hiện đang còn thức.

Canolles chẳng thèm suy nghĩ để nhận ra sự nguy hiểm ghê gớm trong cái bẫy người giăng ra, vì chàng tin tưởng vào khả năng của mình.

– Tôi không có lệnh hội kiến với bà công chúa. Tôi muốn gặp vị quận chúa trẻ.

Viên đội trưởng đội cận vệ cúi đầu một lần nữa, đoạn quay gót, kéo lê thanh gươm dài trên sàn. Hắn lại đi qua ngưỡng cửa một cách oai vệ giữa hai người lính gác vừa rồi suýt bỏ trốn khi hay tin có hai trăm binh sĩ của nhà vua đang bao vây bên ngoài, họ không muốn trở thành những kẻ tuẫn tiết ở trong lâu đài Chantilly.

Mười phút sau, viên đại úy, theo sau có hai người lính cận vệ, trở lại với đầy đủ những nghi lễ để dẫn Canolles tới ngay phòng quận chúa không một chút chậm trễ.

Canolles nhận ra đúng căn phòng, đồ đạc, cái giường, và cả mùi thơm của căn phòng nữa. Nhưng có hai thứ phải tìm cho ra, mà chưa thấy, bức chân dung của quận chúa chính hiệu, nó đã khiến chàng phải lưu ý ngay trong cuộc viếng thăm lần đầu và khuôn mặt của nàng quận chúa giả, đã khiến chàng phải chấp nhận một hy sinh to lớn. Bức chân dung đã được cất đi, và do một sự thận trọng muộn màng, khuôn mặt của người nằm trên giường đã quay về phía trong với một điệu bộ rất vua chúa.

Hai phụ nữ đứng gần nàng, bên giường.

Nhà quý tộc sẵn sàng bỏ qua thái độ thiếu lịch sự ấy, nhưng lại sợ thêm một lần tráo người, nó cho phép De Cambes phu nhân bỏ trốn như nàng quận chúa thực. Vì thế, chàng cảm thấy lo âu và muốn kiểm soát xem nhân vật đang nằm trên giường có đích thực là con người chàng đã đắm say để sẵn sàng bỏ hết công danh sự nghiệp không.

– Thưa phu nhân! – Chàng nghiêng mình rất thấp và nói – Tôi xin lỗi phu nhân đã tự đến trình diện như vậy, trong khi tôi đã đoan quyết là sẽ chờ lệnh phu nhân. Nhưng vì tôi vừa nhận thấy có những sự chuyển dịch rầm rộ trong tòa lâu đài và…

Người nằm trên giường thoáng giật mình nhưng không đáp. Canolles cố tìm kiếm một vài dấu hiệu ngõ hầu xác quyết có đúng con người mình đang mong gặp thực sự hiện diện trước mắt không, nhưng giữa những đám đăng ten, những mùng mền chăn gối, chàng không thể nhận ra điều gì khác ngoài hình thù một người đang nằm.

Canolles nói tiếp:

– Thưa phu nhân, tôi phải tự mình kiểm tra xem có phải người nằm trên giường này vẫn là người tôi đã hân hạnh được hầu chuyện cách đây nửa giờ hay không.

Lần này không còn phải là một sự giật mình đơn giản, mà là một cử chỉ sợ hãi. Cử động ấy không lọt qua được mắt Canolles.

– Nếu nàng lừa dối ta – Chàng thầm nghĩ – Nếu nàng bỏ trốn mặc dù đã hứa một cách long trọng, ta sẽ rời lâu đài, nhảy lên ngựa, dẫn đầu hai trăm binh sĩ, và bắt cho kỳ được những kẻ chạy trốn, dẫu phải nổi lửa hỏa thiêu mấy chục ngôi làng để soi sáng con đường đi của ta.

Canolles chờ đợi thêm giây lát, nhưng người nằm trên giường, không trả lời cũng chẳng hề quay lại. Chắc vì muốn tranh thủ thời gian.

Không đủ can đảm che giấu sự sốt ruột của mình, Canolles nhắc nhở:

– Thưa phu nhân, xin phu nhân nhớ cho rằng tôi là sứ giả của đức vua, và nhân danh đức vua, tôi xin được xem mặt phu nhân.

– Ồ! Đây là một sự tra xét không thể chịu đựng nổi! – Một giọng nói run run thốt ra khiến chàng sĩ quan mừng rỡ run rẩy cả người, bởi vì chàng đã nhận ra âm sắc ấy, không thể lẫn lộn với bất cứ một giọng nào khác – Thưa ông, nếu quả như lời ông nói, nhà vua đã buộc ông phải xử sự như vậy, chính vì nhà vua chỉ là một cậu bé, chưa biết đến bổn phận của một người quý tộc, bức bách một phụ nữ phải để lộ mặt ra, có khác gì một sự nhục mạ bằng cách lột mạng che mặt.

– Thưa phu nhân, có một câu nói khi nó thốt ra từ cửa miệng của nhà vua, các vị phu nhân đều phải nghiêng mình, cần phải tuân lệnh.

– Nếu là “lệnh”, tôi thiết nghĩ, tôi đơn chiếc và vô phương chống lại lệnh của nhà vua cũng như đòi hỏi của vị sứ giả của ngài, tôi xin tuân lệnh. Thưa ông, hãy nhìn tôi đi.

Có một sự chuyển động đột ngột, những mùng mền, chăn gối, đăng ten được gạt ra để lộ một khoảng trống. Một mái tóc vàng óng như tơ nõn hiện ra, và một khuôn mặt đẹp tuyệt vời. Canolles liếc nhìn quanh. Vốn quen thuộc với những tình cảnh tương tự như thế, Canolles tin chắc rằng, bàn tay nõn nà đặt trên cổ trắng ngần ấy, cặp mắt với riềm mi rủ thấp ấy, không phải biểu lộ sự tức giận.

Nàng quận chúa giả vẫn giữ nguyên tư thế đó trong lúc Canolles lặng ngắm nàng, thở hít cái mùi hương kỳ diệu và nén chặt hai bàn tay, con tim đang đập mạnh.

– Thế nào! Thưa ông, ông đã thỏa nguyện rồi chứ? Vâng, thắng lợi của ông đã hoàn toàn, có phải vậy không? Thế thì hãy tỏ ra là người chiến thắng có lòng quảng đại, xin mời ông lui gót.

– Thưa phu nhân, tôi muốn lắm, nhưng tôi phải hoàn thành những công việc của tôi cho đến cùng. Cho tới bây giờ, tôi chỉ hoàn thành một phần sứ mạng có liên quan tới phu nhân, nhưng chỉ nhìn thấy phu nhân không thôi, chưa phải là đầy đủ, tôi còn phải gặp quận công D Enghien.

Một sự im lặng nặng nề rơi xuống căn phòng.

Nàng quận chúa giả chợt chống tay lên và nhìn thẳng vào Canolles. Một cái nhìn với bao nhiêu ý nghĩa, có vẻ như muốn nói rằng: Ông đã nhận ra tôi chưa? Ông có biết thật sự tôi là ai không? Nếu đã biết, hãy buông tha tôi, hãy tha thứ cho tôi, ông là người mạnh nhất, hãy thương xót tôi!

Canolles hiểu tất cả những gì chứa đựng trong cái nhìn ấy, nhưng chàng vẫn cương quyết đáp lại ánh mắt ấy bằng một giọng nói:

– Không thể được, thưa phu nhân. Lệnh đã ghi rõ.

– Đành phải làm theo tất cả như ông muốn thôi, bởi vì ông không có một sự chiếu cố nào đối với địa vị cũng như chức tước, thôi thì để các bà ấy sẽ dẫn ông tới hoàng thân, con trai tôi.

– Các bà ấy, thay vì đưa tôi lại chỗ quận công, thì dẫn quận công tới đây có được không thưa phu nhân? Như vậy tôi thấy có vẻ tiện hơn.

– Và tại sao, thưa ông?

– Bởi vì trong thời gian ấy, tôi sẽ nói cho phu nhân biết một phần sứ mạng của tôi, và chỉ có một mình phu nhân được nghe mà thôi?

– Cho một mình tôi?

– Vâng, một mình phu nhân thôi.

Lần này, tia mắt nàng chuyển từ van nài sang lo âu. Canolles cảm nhận ngay được điều ấy. Chàng hỏi:

– Trong cuộc tiếp xúc, có điều gì khiến phu nhân phải sợ hãi? Phu nhân có phải là một quận chúa, và tôi có phải là một nhà quý tộc hay không?

– Vâng, thưa ông, ông có lý và tôi đã lo sợ không đâu. Vâng, rất hân hạnh được gặp ông lần đầu, nhưng tôi đã nghe đồn đại về sự lịch thiệp và lòng trung thành của ông từ lâu. Nào, các bà hãy đưa quận công D Enghien đến đây.

Hai người đàn bà rời khỏi thành giường, tiến ra cửa, quay lại một lần nữa để xem rằng lệnh ban ra có chính xác không và bằng một dấu hiệu để xác định những lời nói của nữ chủ nhân, họ bước ra ngoài.

Canolles nhìn theo cho tới khi họ đóng cửa lại. Rồi chàng quay về phía nàng, mắt ánh lên một niềm vui.

Người đàn bà khoanh tay lại và nói:

– Thưa ông De Canolles, tại sao ông lại hành hạ tôi như vậy?

Vừa nói nàng vừa nhìn chàng. Không phải cái nhìn ngạo nghễ của một vị quận chúa như nàng đã cố gắng nhập vai nhưng không thành công. Lần này rất xúc động, rất có ý nghĩa, cái nhìn ấy gợi ra trong trí nhớ của chàng tất cả những chi tiết thú vị trong cuộc hội kiến đầu tiên của họ, tất cả những giây phút đáng ghi nhớ trên lộ trình, tất cả những kỷ niệm dễ thương của cuộc tình mới chớm nở. Và nó khiến cho lòng chàng không khỏi ngây ngất.

Chàng tiến lại một bước về phía giường rồi nói:

– Thưa phu nhân, nhân danh nhà vua, tôi giám sát bà De Condé chứ không phải giám sát phu nhân. Phu nhân không phải là quận chúa.

Nàng khẽ thốt lên một tiếng kêu, và đặt một tay lên ngực, mặt tái hẳn đi.

– Ông muốn nói gì, thưa ông? Và ông cho rằng tôi là ai?

– Ồ! Về chuyện đó, tôi rất băn khoăn khi giải thích với phu nhân, vì tôi hầu như biết rõ phu nhân là vị tử tước duyên dáng nhất, nếu không phải là vị nữ tử tước đáng tôn thờ.

– Thưa ông, qua tất cả những gì ông vừa nói, tôi chỉ nhận thấy một điều này: Ông thiếu lễ độ với tôi, ông nhục mạ tôi.

– Thưa phu nhân, người ta không thể thiếu sự tôn kính đối với Chúa bởi lẽ người ta tôn thờ ngài, người ta không thể nhục mạ các thiên thần bởi lẽ người ta quỳ gối trước họ.

Và Canolles nghiêng mình như thể muốn quỳ xuống. Nữ tử tước vối nói để ngăn chàng lại:

– Thưa ông, quận chúa De Condé không thể chịu…

– Quận chúa De Condé, thưa phu nhân, lúc này đang ngồi trên mình ngựa song song với Vialas, mã phu của bà, với Lenet vị cố vấn của bà, với những nhà quý tộc, những đại úy, sau hết là với toàn bộ gia đình, trên đường đi Bordeaux, và chẳng có dính líu chi tới những gì đang diễn ra vào thời điểm này giữa nam tước Canolles và tử tước hay nữ tử tước De Cambes.

– Nhưng ông nói gì vậy, thưa ông? Ông điên sao?

– Không, thưa phu nhân, tôi chỉ thuật lại điều đã trông thấy, chỉ kể lại điều đã nghe.

– Vậy thì, nếu ông đã nhìn thấy, nếu ông đã nghe thấy như ông nói, sứ mạng của ông hẳn đã hoàn tất.

– Phu nhân tưởng vậy sao? Vậy là tôi phải trở về Paris và thú nhận với hoàng hậu rằng, để khỏi phật ý một phụ nữ tôi yêu – Tôi không nêu danh một ai, thưa phu nhân, xin đừng nhìn tôi với một con mắt giận dữ như vậy – tôi đã bất tuân thượng lệnh, tôi đã để cho kẻ thù của ngài chạy trốn, bỏ qua những gì tôi nhìn thấy, phản bội, vâng, phản lại mục đích của đức vua…

Nữ tử tước tỏ vẻ xúc động và nhìn chàng với ánh mắt dịu dàng:

– Tôi thiết nghĩ ông có thể nại ra những cớ chính đáng để bào chữa cho mình chứ? Chẳng hạn như, một mình ông đơn thương độc mã, đâu có thể ngăn được cả một đoàn hộ tống của quận chúa? Không lẽ người ta ra lệnh cho ông, một mình chống với năm mươi nhà quý tộc hay sao?

Canolles lắc đầu nói:

– Thưa phu nhân, tôi không đơn thương độc mã, trong cánh rừng, cách chúng ta nằm trăm bước, đã cho phục sẵn hai trăm quận sĩ, và họ hiện còn đó, tôi có thể tập họp và gọi họ tới bằng một tiếng còi. Việc bắt giữ bà quận chúa đối với tôi thật dễ dàng, bà ấy không thể chống lại được. Và cho dù thực lực của chúng tôi yếu hơn bà ấy, thức tế mạnh hơn gấp bốn lần, tôi vẫn có thể chiến đấu, cái chết ở nơi chiến trường tôi coi nhẹ như lông hồng.. – Chàng trai càng lúc càng nghiêng mình xuống – …nó cũng nhẹ như khi tôi chạm vào bàn tay nuột nà này.

Thật thế, bàn tay trắng nõn nà như ngọc, lúc này đã buông thõng ra ngoài giường và hình như cũng biết xúc động qua mỗi câu nói của chàng trai. Tình yêu như có từ lực. Nó đã cuốn hút nàng về với những phút giây ở trong quán trọ nhỏ ở Jaulnay, đến nỗi nàng sững sờ và khi nhìn thấy chàng quý tộc hôn lên tay mình, nàng mới vội vàng rụt tay về.

– Thưa ông De Canolles, xin cảm ơn ông, xin thành thật cảm ơn ông về những gì ông đã làm cho tôi. Xin hãy tin rằng tôi không bao giờ quên điều này. Nhưng giúp đỡ của ông sẽ giá trị gấp bội nếu bây giờ ông có thể lùi gót. Phải chăng chúng ta cũng nên từ biệt nhau, một khi ông đã hoàn thành công tác?

Hai tiếng “chúng ta” được thốt lên với một âm sắc dịu ngọt, bàng bạc vẻ tiếc nuối đã khiến cho quả tim Canolles phải nức nở.

– Thưa phu nhân, tôi xin tuân theo. Có điều tôi xin lưu ý phu nhân, không phải là để không vâng theo, nhưng để tránh cho phu nhân một ân hận có thể xảy đến: Chính vì tuân lời phu nhân nên tôi có thể lâm nguy. Nếu thú nhận tội lỗi bằng cách nói tất cả sự thật, tôi sẽ trở thành nạn nhân của chính mình… Người ta sẽ chụp cái mũ phản bội lên đầu tôi, người ta sẽ tống giam tôi… và rất có thể bị xử bắn. Rất đơn giản, bởi vì tôi đã phản bội.

Claire thốt lên và nắm lấy tay Canolles, nhưng rồi nàng lại vội buông ra với vẻ thẹn thùng đáng yêu.

– Chúng ta phải làm thế nào bây giờ?

Trái tim chàng trai đập rộn ràng, hai tiếng “chúng ta” dễ thương ấy chắc chắn đã trở thành một dụng ngữ ưa thích

của De Cambes phu nhân.

– Ông bị lâm nguy! Ông rất tốt, rất hào hiệp. Ông bị lâm nguy! Tôi ồ, không bao giờ. Làm thế nào tôi có thể giúp được ông? Nói đi, nói đi!

– Thưa phu nhân, phu nhân cần phải cho phép tôi diễn vai trò của tôi cho tới phút chót. Cần phải, như tôi đã từng nói với phu nhân, để tôi tả ra là bị phu nhân đánh lừa, để tôi báo cáo với ngài De Mazarin những lời tôi biết.

– Vâng, nhưng nếu người ta biết chính vì tôi, ông đã làm tất cả những việc ấy, nếu người ta lại cũng biết chúng ta đã gặp nhau, đã hội kiến với nhau từ trước, thì chính tôi, đến lượt tôi sẽ lâm nguy. Hãy nghĩ đến điều đó.

Canolles giả vờ rầu rĩ:

– Thưa phu nhân, tôi không tin rằng, phu nhân lại có thể để lộ bí mật mà chỉ có phu nhân và tôi biết thôi.

Claire im lặng, nhưng với cái nhìn bối rối, một nụ cười thoáng hiện, đủ để cho Canolles cảm thông được. Cho nên chàng cũng mỉm cười và hỏi:

– Vậy tôi sẽ ở lại?

– Nếu cần phải như thế. – Nữ tử tước đáp lại.

– Trong trường hợp ấy, tôi sẽ viết thư cho ngài De Mazarin.

– Vâng, ông cứ viết đi.

– Thế là làm sao?

– Tôi nói rằng ông nên đi viết thư cho ông ta đi.

– Không được, tôi phải ngồi đây viết cho lão ta, chính tại phòng của phu nhân, tôi phải ghi rõ nơi viết là bên cạnh giường phu nhân.

– Nhưng sao lại có chuyện như vậy?

– Xin phu nhân hãy đọc. Đây là những chỉ thị tôi đã nhận được…

Và Canolles trao tờ giấy để cho nữ ữđọc:

“Nam tước De Canolles có nhiệm vụ luôn theo sát bà quận chúa và quận công D Enghien con trai bà”.

– Theo sát. – Canolles nói.

– Vâng theo sát, được lắm.

Thế là Claire hiểu ra tất cả lợi lộc mà một chàng trai si tình có thể rút từ những lời dặn dò đó; và nàng cũng hiểu mình có thể giúp ích cho quận chúa rất nhiều khi kéo dài tình trạng này.

– Ông hãy viết đi. – Nàng nói.

Canolles đưa mắt nhìn. Cũng bằng một cái nhìn, Claire ra dấu cho chàng nơi để văn phòng phẩm. Chàng mở một tủ con lấy ra các thứ giấy, bút và mực. Chàng kéo một cái bàn lại sát giường, và như thể Claire vẫn là một quận chúa, chàng xin phép được ngồi xuống, rồi viết cho ngài De Mazarin một bức công văn sau:

Thưa đức ông.

Tôi đã tới lâu đài Chantilly vào 9 giờ tối. Ngài cũng thấy rồi tôi phải vội vàng như thế nào khi tôi chỉ có thể từ giã ngài vào lúc 6 giờ 30.

Tôi đã tới hội kiến với hai vị quận chúa ở ngay trong phòng của họ: Bà công chúa phu nhân bị đau nặng, còn quận chúa sau một ngày săn bắn, đã hết sức mệt mỏi.

Theo chỉ thị của đức ông, tôi đã tới trình diện các vị phu nhân, lúc đó các tân khách đã ra về. Hiện giờ tôi đang giám thị chặt chẽ bà quận chúa và con trai bà ấy.

– Và con trai bà ấy! – Canolles quay về nữ tử tước và lập lại. Thật buồn cười, hình như tôi đã nói dối, trong khi tôi không hề muốn dối trá.

Claire cười đáp:

– Ông hãy an tâm. Nếu tôi chưa thấy mặt con trai tôi, thì rồi ông sẽ thấy.

– Và con trai bà ấy! – Canolles lại cười lớn.

Sau đó, chàng ghi thêm vào bức thư một đoạn cuối:

Chính ngay tại khuê phòng của quận chúa, và ngồi bên cạnh giường của bà, tôi đã có hân hạnh viết văn thư này để đệ trình lên đức ông.

Ký tên xong, chàng xin phép Claire rung chuông gọi người hầu phòng. Chàng nói với hắn.

– Anh đi kêu người hầu của tôi tới đây.

Năm phút sau, Castorin được dẫn tới. Chàng bảo hắn:

– Mang văn thư này đưa cho ông sĩ quan chỉ huy binh lính của tôi, nói với ông ấy phải gởi đi Paris bằng đường hỏa tốc.

Bị sai bảo vào lúc đêm hôm như thế, Castorin tỏ vẻ khó chịu. Hắn đáp:

– Thưa nam tước, hình như tôi đã báo với nam tước rằng ông Pompéc đã mướn tôi làm việc cho bà quận chúa.

– Nhân danh quận chúa tôi truyền đạt lệnh ấy tới anh. – Quay về phía Claire, chàng tiếp – Xin phu nhân xác nhận cho những lời nói của tôi. Đây là công việc hết sức khẩn cấp. Công văn này phải được gởi đi ngay lập tức.

Nàng quận chúa giả ra lệnh bằng một giọng uy quyền:

– Đi ngay!

Castorin khom lưng sát đất rồi quay gót.

Claire chìa tay ra, nhìn Canolles nói với một giọng van nài:

– Bây giờ thì ông có thể ra về được rồi chứ?

– Xin lỗi, còn cậu con trai, thưa phu nhân.

– À đúng! – Claire mỉm cười đáp – Ông sẽ thấy nó.

Đúng lúc De Cambes phu nhân nói xong, có tiếng cào vào cửa, theo như tục lệ của thời ấy. Hồng y giáo chủ Richelieu là người đã khai sinh ra kiểu gõ cửa ấy. Nó đã được truyền qua các triều đại: Từ Richelieu đếN Chavigny rồi tới Mazarin. Dĩ nhiên, với bà quận chúa người ta cũng làm như thế.

– Họ tới đó. – De Cambes phu nhân nói.

– Được rồi… Tôi sẽ theo đúng nghi thức công vụ.

Canolles rời khỏi bàn, kéo ghế ra, đội mũ rồi nghiêm chỉnh ngồi cách giường quận chúa bốn bước.

– Cho các người vào! – Nữ tử tước nói.

Thế là một phái đoàn trịnh trọng tiến vào.

Đó là các bà, các sĩ quan, các thị vệ thuộc bộ phận nội dịch của quận chúa.

– Thưa phu nhân! – Người thứ nhất nói – Người ta đã đánh thức quận công dậy. Bây giờ quận công có thể đón tiếp sứ giả của đức vua.

Sau khi trao đổi với Canolles một cái nhìn thông cảm rất nhanh, Claire nói:

– Dẫn quận công D Enghien lại đây. Ngài nam tước sẽ thấy con trai tôi trước mặt tôi.

Mọi người vội vàng tuân lệnh. Giây phút sau, ông hoàng nhỏ tuổi được đưa vào.

Như chúng tôi đã nói ở đoạn trên Canolles đã mục kích cuộc trốn chạy của bà quận chúa, và cũng đã nhìn thấy cậu con trai bà ta – nhưng không rõ mặt – lúc ấy mặc bộ đồ rất đơn giản. Cho nên chàng thừa biết cậu bé đứng trước mặt chàng chỉ là một ông hoàng giả. Chàng cố nín cười và vẫn phải tiếp tục diễn nốt tấn tuồng.

– Tôi rất sung sướng – Chàng nghiêng mình nói – được hân hạnh gởi tới quận công D Enghien lời chào mừng của tôi.

De Cambes phu nhân đưa mắt ra hiệu cho cậu bé chào lại. Canolles dõi theo tất cả những chi tiết của cuộc diễn xuất ấy với một vẻ tinh quái.

– Con ạ! – Nữ tử tước nói với một giọng cay độc có tính toán – Vị sĩ quan trước mặt con là ngài Canolles, sứ giả của đức vua. Con hãy đưa tay ra để cho ngài Canolles hôn.

Cậu bé Pierrot đã được cố vấn Lenet dạy bảo từ trước nên thực hiện vai trò mình cũng rất khớp. Điều đáng tiếc là bàn tay ấy lại không thể biến đổi thành bàn tay của người quý tộc. Cậu đưa tay ra. Và Canolles lại phải nghiêng mình hôn lên bàn tay ấy, giữa những tiếng cười cố nén của những kẻ chứng kiến, nhưng trong bụng thầm nghĩ: “Chà, De Cambes phu nhân sẽ phải trả nợ ta về cái hôn này”.

Rồi, hiểu rằng chương trình đã chấm dứt, không thể kéo dài sự có mặt của mình trong phòng một phụ nữ, Canolles nói:

– Thưa phu nhân, công việc của tối nay đã xong. Xin phu nhân cho phép tôi được lui.

– Vâng, mời ông lui gót. Và như ông đã thấy, cuộc sống ở đây rất thầm lặng. Ông có thể âm thầm mà ngủ.

– Nhưng trước khi ra về, xin phu nhân ban cho tôi một ân huệ.

– Ân huệ gì? – De Cambes phu nhân lo sợ hỏi, bởi vì qua giọng nói của nam tước, nàng biết chàng này lại sắp giở trò ma mãnh nào đây.

– Chấp thuận cho tôi cái vinh dự như tôi vừa nhận của quận công.

Lần này nữ tử tước bị một vố… Một sĩ quan của nhà vua cầu xin một ân huệ long trọng như thế trước mặt mọi người, thì không có cách gì để từ chối cả. Nàng đưa bàn tay run rẩy về phía Canolles.

Chàng bước lại gần giường như tiến về phía ngai vàng của một nữ hoàng, rồi quỳ xuống, nhẹ nâng những ngón tay lên, đặt một nụ hôn lên làn da mịn màng và trắng muốt ấy. Đoạn chàng đứng dậy hạ giọng nói:

– Phu nhân đã hứa với tôi, không bao giờ rời tòa lâu đài mà không báo trước cho tôi biết. Tôi tin vào lời hứa ấy.

– Ông cứ tin tôi.

Dứt lời, nàng ngả mình xuống gối, gần như ngất xỉu.

Thấy giọng nói của nàng như có ẩn chứa một điều gì đó, Canolles cố tìm trong đôi mắt đẹp của nàng một sự giải thích nhưng nàng đã nhắm lại.

Sáng hôm sau, Canolles dậy sớm. Chàng hấp tấp mặc quần áo và đi xuống vườn. Cuộc viếng thăm đầu tiên của chàng là dãy nhà nơi quận chúa ở. Cái nhìn đầu tiên của chàng đậu trên cửa sổ phòng nàng. Ánh sáng ngọn đèn phản chiếu màu đỏ lên những bức rèm hãy còn khép kín. Mặt Canolles dừng lại ở khung cửa. Chàng không muốn đi xa hơn nữa, và ngồi xuống dưới một bức tượng.

Bất chợt chàng thấy cánh cửa sổ ở một hành lang mở ra rồi khuôn mặt chất phác của ông lão Pompéc ngơ ngác nhìn. Tất cả những gì liên quan đến nữ tử tước đối với chàng đều quan trọng. Chàng hướng ánh mắt về phía lão. Có vẻ như lão đã trông thấy chàng và có ý muốn bày tỏ một dấu hiệu gì đó. Tưởng ông nam tước chưa nhận ra mình, lão bèn chúm miệng huýt một tiếng lớn. Cử chỉ của một mã phu đối với vị sứ giả của nhà vua như vậy là vô lễ. Nhưng Canolles chưa kịp nổi nóng, chàng đã thoáng nhìn thấy vật gì trăng trắng trong tay Pompéc. Chỉ có tia mắt của người đang yêu, và đang nóng lòng chờ đợi những tin tức về tình yêu, mới có thể nhận ra được đó là một tờ giấy cuộn tròn.

“Một bức thư!” – Canolles thầm nghĩ “Nàng viết cho ta, như vậy nghĩa là sao”?

Canolles mừng rỡ run rẩy cả người và tiến lại.

Pompéc nhoài người qua khung cửa với tờ giấy, và Canolles giơ mũ ra đón lấy. Chàng đút thư vào túi áo, còn Pompéc khép cửa lại.

Canolles vừa đi vừa ngẫm nghĩ về sự thỏa thuận hôm qua giữa hai người. Đã có sự gì thay đổi sao? Và nếu quả như vậy thì lá thư này chỉ đem lại một tai ương, cho nên chàng đã không đưa lên môi như thói thường của những kẻ đang yêu nhận được thư người tình. Chàng rút thư ra, lật đi lật lại, tim đập rộn ràng. Tuy nhiên, đằng nào rồi cũng phải mở, hoặc bây giờ hay lát nữa. Chàng thu hết can đảm gỡ dấu niêm phong ra và tìm một chỗ thuận tiện ngồi đọc.

“Thưa ông, kéo dài tình trạng như chúng ta hiện tại, tôi ước mong ông cũng như tôi, là một điều hoàn toàn không thể được, ông phải chịu đựng cái nhìn ác cảm của tất cả những người ở trong nhà, vì họ coi ông là một kẻ giám thị khó chịu. Mặt khác, tôi e rằng nếu tôi tiếp đãi ông niềm nở hơn bà quận chúa ở vào địa vị tôi, người ta sẽ đoán ra được vai tuồng của chúng ta, và khi ấy danh giá của tôi sẽ không còn.”

Canolles rút khăn tay ra lau trán, linh cảm đã không lừa dối chàng. Giấc mộng vàng tan biến giữa thanh niên bạch nhật. Chàng lắc đầu, thở dài và đọc tiếp:

“Ông hãy làm như đã phát giác ra sự thật, có một cách rất đơn giản và tôi sẽ cung cấp phương tiện để ông thực hiện nếu ông hứa chấp nhận lời cầu xin của tôi. Ông cũng đã biết và vì tôi cũng không cần giấu diếm để có thể nói rằng tôi đã lệ thuộc vào ông biết nhường nào. Nếu ông chấp thuận đề nghị ấy, tôi sẽ gởi tới ông một tấm hình của tôi, nó mang tên và gia huy tôi. Ông sẽ nói rằng tình cờ ông tìm ra nó, và nhờ đó ông nhận ra tôi không phải là quận chúa.

Chúng ta hãy xa nhau và ông cũng không nên đến gặp lại tôi làm gì. Ông sẽ mang theo tất cả lòng nhớ ơn của tôi, còn về phía tôi, sẽ ghi nhơ kỷ niệm của ông như kỷ niệm của một nhà quý tộc đáng kính và trung tín tốt nhất được biết trong đời”.

Canolles đọc lại bức thư và thừ người ra trong đau xót và hờn giận. Một bức thư đuổi khéo với những lời lẽ ngọt như mật rồi lại kèm theo một tấm hình để làm kỷ niệm. Nhưng đâu có gì giá trị bằng con người thật trước mắt, đang còn ở trong tầm tay, và như thế khó lòng ngoảnh mặt.

Vâng, nhưng anh chàng Canolles của chúng ta, một con người khí phách ngang tàng, không lùi bước trước cơn giận của hoàng hậu và hồng y Mazarin, nhưng lại run sợ trước cái cau mày của nữ tử tước De Cambes.

Chao ôi! Thế mới biết:

“Nửa đời sương gió ngang tàng

Con tim chết mệt vì nàng, nàng ơi!”

Với người đàn bà này, Canolles đã bị nhiều phen đau đớn. Lần đầu bỏ rơi chàng, lần thứ hai, thủ vai bà quận chúa đánh lừa chàng và lần thứ ba mới tặng cho chàng chút hy vọng, ngày hôm sau lại cướp đi. Nhưng chỉ có lần này là chua cay nhất. Trên đường đi, vì chưa biết rõ chàng là ai nên nàng đã bỏ rơi chàng như loại bỏ một đồng hành khó chịu, có vậy thôi. Thay thế bà quận chúa, nàng tuân theo một mệnh lệnh áp đặt để hoàn tất một vai trò đã chỉ định, nàng không thể làm khác hơn, còn bây giờ đã biết rõ chàng, sau khi đã tỏ ra tôn trọng sự tận tâm của chàng, khi đã hai lần thốt ra tiếng “chúng ta” khiến chàng xúc động đến tận tâm can, thế mà nỡ lòng viết cho chàng một bức thư như vậy. Dước mắt Canolles còn hơn cả sự cay độc. Đó là một sự nhạo báng.

Canolles thầm nghĩ: “Ta sẽ không chấp nhận cách xử sự ấy. Thà để nàng căm thù ta còn hơn là nàng ban phát cho ta những lời biết ơn và hứa hẹn. Ôi! Tin cậy vào những lời hứa của nàng khác chi như tin vào sự bất biến của gió mưa và cái phẳng lặng của biển cả. Chà, thưa phu nhân, Canolles quay về phía cửa sổ và nghĩ tiếp, đã hai lần phu nhân thoát khỏi tay tôi, nhưng tôi thề rằng, nếu tôi có cơ hội nào tương tự, phu nhân đừng mong thoát khỏi lần thứ ba.

Và Canolles trở về phòng với ý định ăn mặc chỉnh tề đến gặp nữ tử tước. Nhưng khi nhìn đồng hồ, chàng thấy mới có bảy giờ.

Trong lâu đài chưa ai thức dậy. Canolles ngả mình trên ghế bành nhắm mắt lại để làm tươi mát những ý nghĩ và xua đuổi những ám ảnh đen tối đang nhảy múa chung quanh. Và cứ năm phút, chàng lại mở mắt ra nhìn đồng hồ.

Chuông gõ tám tiếng thánh thót. Lâu đài bắt đầu bừng tỉnh với những hoạt động ồn ào nhộn nhịp.

Canolles cố chờ thêm nửa tiếng nữa. Sau cùng, không thể chịu đựng lâu hơn, chàng bước xuống sân. Pompéc đang hít thở không khí. Một số gia nhân vây quanh lão, nghe lão khoác lác kể lại chiến cuộc ở Picardie dưới thời tiên đế trị vì.

– Ông là người quản gia của quận chúa? – Canolles hỏi Pompéc như thể mới gặp lão lần đầu.

– Thưa ông vâng. – Pompéc ngạc nhiên đáp.

– Ông làm ơn trình với quận chúa tôi mong muốn được yết kiến.

– Nhưng, thưa ông, quận chúa…

– Đã thức giấc rồi?

– Tuy nhiên…

– Đi giùm đi!

– Tôi tưởng rằng cuộc khởi hành của ông…

– Cuộc khởi hành của tôi sẽ tùy thuộc vào cuộc hội kiến với quận chúa.

– Tôi nói thế vì không có lệnh của bà chủ tôi.

– Còn tôi, tôi nói thế vì có lệnh của đức vua.

Lúc mở đầu câu nói ấy, Canolles trịnh trọng vỗ mạnh vào cái túi áo nịt, một cử chỉ được chàng hài lòng nhất, hơn tất cả những cử chỉ mà chàng đã diễn ra tối hôm qua. Rồi chàng cảm thấy như đã lấy lại được sự can trường.

Thật thế, lúc này tính cách quan trọng của chàng đã giảm đi nhiều. Bà quận chúa đã ra đi được mười hai tiếng, chắc chắn bà ta đi suốt đêm và đã cách xa Chantilly từ hai mươi đến hai mươi lăm dặm. Cho dù Canolles có thúc bách binh sĩ của mình đuổi theo cũng vô phương bắt kịp. Vả lại, dẫu có đuổi kịp đi chăng nữa, thì việc đối phó với gần một trăm quý tộc cùng với số thân binh mỗi ngày một tăng lên trong quá trình chạy trốn của bà ta, hẳn sẽ không tránh khỏi một cuộc đổ máu. Như chàng đã từng nói hồi hôm: Chàng coi cái chết nhẹ như lông hồng, nhưng chàng không thể để cho các thuộc hạ chết theo chàng chỉ vì tính khí bất thường của chàng trong một cuộc gió trăng giây lát.

Pompéc trở lại trong lúc chàng quay cuồng với những ý nghĩ ấy. Lão nói nhỏ cho chàng biết quận chúa đang chờ đợi.

Lần này, các nghi thức đều bị bãi bỏ. Nữ tử tước tiếp chàng trong một phòng khách nhỏ nối liền với buồng ngủ. Những dấu vết của sự mất ngủ dù đã cố tình xóa đi nhưng vẫn còn trên khuôn mặt kiều diễm. Một quầng nâu hằn in trên mi mắt, chứng tỏ đôi mắt ấy đã không hề được khép lại suốt đêm qua.

– Ông thấy đó – Nàng nói, không thể để chàng kịp nói trước – tôi sẵn sàng chiều ý ông ngay, nhưng tôi ước mong cuộc hội kiến này sẽ là lần cuối, và đến lượt ông, xin hãy chứng tỏ thiện chí của ông.

– Xin phu nhân tha lỗi. Sau cuộc hội kiến đêm qua, tôi tin vào lời hứa của phu nhân cùng với những điều chúng ta đã thỏa thuận. Tôi chỉ tin vào phu nhân mà thôi, vì tôi đâu có biết bà De Condé.

– Vâng, thưa ông, tôi xin thú thật, trong những giây phút đầu tiên… quả là bối rối khi thấy mình đứng giữa… tấm lòng cao cả của ông… cho nên để tranh thủ thời gian, tôi đã vội thốt lên một vài điều không trung thực với ý nghĩ của tôi. Tuy nhiên, tôi đã suy nghĩ trong suốt một đêm dài, việc kéo dài sự có mặt của ông hoặc của tôi trong lâu đài này trở thành một điều khó chấp thuận.

– Không thể nào thưa phu nhân. – Canolles nói – Phu nhân quên rằng mọi sự đều có thể được một khi nhân danh đức vua.

– Thưa nam tước, tôi ước mong trước hết là một nhà quý tộc, xin ông đừng làm khó dễ tôi trong sự tận tụy của tôi đối với quận chúa.

– Thưa phu nhân, trước hết tôi là một kẻ điên khùng. Lạy chúa! Phu nhân đã nhìn thấy rõ. Bởi vì chỉ có kẻ điên mới làm những điều tôi vừa làm. Thế nào, hãy thương xót đến sự điên khùng của tôi, thưa phu nhân, đừng xua đuổi tôi, tôi khẩn thiết nài xin phu nhân.

– Xin ông hãy sáng suốt để nhận ra một sự thật: Sự có mặt của chúng ta trong lâu đài, sớm muộn cũng sẽ gây tai tiếng. Không, không thưa ông! – Nữ tử tước tiếp lời với thanh âm đã từng làm rung động tâm can Canolles lần đầu tiên – Hơn nữa rồi ông sẽ nghĩ đến việc ông không thể ở lại Chantilly mãi được, hẳn ông sẽ nhớ ra rằng có người đang mong mỏi đợi chờ ông ở một nơi nào đó.

Câu nói ấy, loáng lên một tia chớp, gợi chàng liên tưởng đến cảnh ở quán ăn của Biscarros: De Cambes phu nhân khám phá ra việc chàng giao du thân mật với Nanon. Và như thế, sự việc đã được giải thích.

Sự mất ngủ ấy, không phải lo những nỗi lo âu hiện tại, mà chính vì những kỷ niệm của dĩ vãng đã gây ra. Cái quyết định trong buổi sáng này, chẳng phải là kết quả của một sự suy tư, mà chính là một thái độ ghen tuông.

Giữa hai người đối diện, có một khoảng im lặng, trong cái yên lặng đó, mỗi người tự lắng nghe dòng tư tưởng đang nói trong lồng ngực cùng với tiếng đập của trái tim.

“Ghen” – Canolles nghĩ – “Ghen, ồ ta hiểu ra rồi. Phải nàng muốn kiểm tra xem ta có đủ yêu nàng để có thể hy sinh cuộc tình kia không. Đây là một sự thử thách”.

Về phía mình, De Cambes phu nhân nghĩ thầm:

“Đối với Canolles, ta chỉ là một trò tiêu khiển trong chốc lát, chàng gặp ta trên lộ trình của chàng lúc buộc phải rời bỏ Guyenne, chàng đã theo ta như một người lữ khách đuổi theo một con đom đóm, trái tim chàng để lại trong ngôi nhà bé nhỏ um tùm cây cối ấy, nơi chàng định đến đó vào buổi tối ta gặp chàng. Ta không thể sống cạnh một người đàn ông đã yêu một kẻ khác, và nếu ta gần chàng một thời gian, có thể ta sẽ bị chàng cuốn hút vào cuộc yêu đương. Ồ! Như vậy không những phương hại đến danh dự của ta, mà còn bội phản công cuộc của quận chúa vì còn hèn mọn hơn là đi yêu một người do kẻ thù của quận chúa phái tới”.

Cho nên bất chợt nàng kêu lên, như thể đáp lại dòng tư tưởng của mình:

– Ồ, không không, thưa ông, ông phải đi, hoặc là ông đi hoặc tôi.

– Phu nhân đã hứa với tôi rằng sẽ không ra đi nếu không thông báo trước cho tôi biết.

– Thế thì tôi xin báo để ông rõ, tôi sẽ rời Chantilly ngay bây giờ.

– Và phu nhân tưởng rằng tôi sẽ cho phép hay sao?

– Thế nào? – Nữ tử tước kêu lên – Ông sẽ dùng áp lực giữ tôi lại?

– Thưa phu nhân, tôi không biết sẽ phải làm gì, nhưng điều chắc chắn chính là tôi không thể xa phu nhân.

– Vậy tôi là tù nhân của ông hay sao?

– Phu nhân là một phu nữ tôi đã để vuột mất hai lần, và tôi không muốn để bị mất một lần thứ ba.

– Ông sẽ dùng bạo lực?

– Vâng, thưa phu nhân, bạo lực, nếu đó là một cách duy nhất để giữ được phu nhân.

– Ồ, còn gì đáng khen hơn là giữ lại một người đàn bà đang rên siết, đang đòi được tự do, trong khi họ không yêu mình, họ ghét mình!

Canolles ngỡ ngàng và cố nhanh chóng tìm hiểu ẩn ý chứa đựng trong câu nói ấy, trong tư tưởng ấy. Chàng tự hiểu đã tới lúc phải tung ra một lá bài chót:

– Thưa phu nhân, những lời phu nhân vừa nói ấy đã đầy đủ ý nghĩa khiến tôi không còn phân vân nữa. Phu nhân rên siết, phu nhân nô lệ! Tôi giam giữ một phụ nữ không yêu tôi, ghét bỏ tôi! Không, không, xin phu nhân hãy bình tĩnh. Không phải như vậy đâu. Tôi tưởng sau niềm hạnh phúc được gặp phu nhân, sự hiện diện của tôi sẽ được phu nhân chấp nhận. Tôi hy vọng sau khi mất hết địa vị, tương lai, có thể cả danh dự nữa, sẽ được phu nhân đền bù bằng một vài giờ hầu chuyện phu nhân. Điều đó thật không gì dễ hơn, nếu phu nhân yêu tôi… Và cho dù phu nhân có dửng dưng đối với tôi đi chăng nữa, bởi vì phu nhân là một người tốt nên đã xử sự theo tâm trạng xót thương, trong khi kẻ khác sẽ đáp lại bằng tình yêu. Nhưng không phải tôi đã đối diện với một sự lạnh nhạt, mà là căm thù. Phu nhân đã có lý. Hãy tha lỗi cho tôi vì tôi đã dại khờ để không hiểu rằng người ta có thể bị ghét bỏ khi người ta yêu đến độ say đắm. Bây giờ phu nhân là nữ hoàng, nữ chủ nhân và hoàn toàn tự do trong tòa lâu đài cũng như ở khắp nơi. Còn tôi, tôi sẽ ra đi, tôi sẽ rút về một nơi sơn cùng thủy tận nào đó. Vĩnh biệt phu nhân, vĩnh biệt mãi mãi.

Và Canolles mới đầu chàng chỉ đóng kịch, không ngờ lại nhập vai đến nỗi chàng đau khổ và xúc động thật sự. Sau khi chàng De Cambes phu nhân, chàng quay gót và quờ quạng mãi mà không tìm thấy cánh cửa, đồng thời miệng vẫn lắp bắp: Vĩnh biệt, vĩnh biệt!

De Cambes phu nhân không ngờ chàng lại dễ dàng tuân theo mình như vậy. Nàng không khỏi thương cảm trước sự nhẫn nhục của chàng trai lúc này lòng hãy còn thổn thức và bước đi loạng choạng. Nàng bồi hồi bước xuống…

Bất chợt Canolles cảm thấy một bàn tay đặt trên vai mình, chàng quay lại.

Nàng vẫn đứng đó, trước mặt chàng. Tay nàng hãy còn đặt lên vai chàng, và thái độ trang nghiêm trước đây không còn nữa, mà được thay thế bằng một nụ cười.

– Thế nào? Thưa ông. – Nàng nói, ông đã tuân lệnh của nữ hoàng như vậy ư? Ông đã bỏ đi khi lệnh là phải ở lại đây, cái tội của ông là phản nghịch.

Canolles thốt kêu lên, quỳ xuống áp vầng trán nóng bỏng của mình lên hai bàn tay của nàng vừa đưa ra.

– Ôi! Có thể chết được vì sung sướng.

– Than ôi! Xin ông đừng vội vui mừng. Bởi vì nếu tôi ngăn ông lại, chính là để chúng ta không nên chia tay nhau như vậy, chính là để ông đừng mang ý nghĩ cho tôi là kẻ vô ơn bạc nghĩa, chính là để ông tự nguyện chấp thuận lời cầu xin của tôi, chính là để ít ra ông cũng coi tôi như một người bạn. Chúng ta không bao giờ có thể làm gì khác hơn trong khi chúng ta ở hai phía đối nghịch.

– Ôi! Lạy Chúa! – Canolles nói – Hóa ra tôi lại bị phu nhân đánh lừa một lần nữa, phu nhân đâu có yêu tôi.

– Thưa nam tước, không nên đề cập đến chuyện tình cảm khi nguy hiểm còn đang đeo đuổi nếu chúng ta cứ ở lại đây. Ông hãy đi đi, hoặc để cho tôi ra đi. Cần phải như vậy.

– Phu nhân nói sao?

– Thực tế hơn là để tôi ở lại đây, còn ông, quay về Paris nói với Mazarin, kể với hoàng hậu đầu đuôi sự việc…

– Nhưng có cần phải nhắc lại với phu nhân không? – Canolles kêu lên – Xa phu nhân có nghĩa là gần với cái chết.

– Không, không, ông sẽ không chết, vì vẫn còn hy vọng ngày chúng ta gặp lại nhau, và sẽ còn nhiều điều vui hơn.

– Thưa phu nhân, sự tình cờ đã đặt tôi lên đường đi của phu nhân, không chỉ tới hai lần. Người bạn tình cờ ấy sẽ phải mỏi mệt và nếu tôi xa phu nhân lần này, tôi sẽ không còn gặp lại được nữa.

– Thì chính tôi sẽ đi tìm ông.

– Ôi, thưa phu nhân, hãy bảo ta chết cho nàng đi, cái chết chỉ là một thoáng đau đớn thôi. Nhưng đừng bắt ta phải rời xa nàng nữa. Chỉ nghĩ đến đó thôi, tim ta cũng đủ tan nát. Xin nàng nghĩ lại, ta mới được gặp nàng và cũng chỉ vừa nói được đôi ba lời.

– Vậy nếu tôi đồng ý để ông ở lại ngày hôm nay và suốt ngày, ông có thể gặp tôi để trò chuyện, ông sẽ hài lòng chứ?

– Tôi không hứa gì cả.

– Tôi cũng vậy. Có điều tôi đã cam kết với ông là sẽ báo trước với ông khi nào tôi đi. Thế thì chỉ trong vòng một giờ nữa tôi sẽ đi.

Phải làm tất cả những gì nàng muốn ư? Phải nhắm mắt tuân theo tất cả ý muốn của nàng ư? Nếu buộc phải thế xin nàng hãy yên tâm, giờ đây nàng có trước mắt một tên nô lệ sẵn sàng tuân lệnh. Nàng hãy ra bệnh đi, hãy ban lệnh.

Claire đưa tay cho chàng nam tước, rồi nói với một giọng dịu dàng đầy âu yếm:

– Vậy thì ta thỏa thuận một giao ước mới như thế này nhé: Nếu từ đây đến giờ tối tôi không rời ông một bước, ông sẽ ra đi vào thời điểm đó chứ?

– Tôi xin cam đoan.

– Thế thì hãy đến đây, bầu trời trong xanh hứa hẹn với chúng ta một ngày tươi đẹp, có những giọt sương đọng trên cỏ, hương thơm trong không khí, mùi nhựa ở trong rừng. Pompéc đâu?

Ông lão quản gia, hắn đã được lệnh đứng chầu ngoài cửa vội vàng chạy vào ngay.

– Thắng ngựa! – De Cambes phu nhân nói, với giọng của một vị quận chúa – Sáng nay tôi đi về phía mấy cái hồ và trở về nông trại dùng bữa trưa… Thưa nam tước, ông sẽ đi cùng chứ? – Nàng tiếp – Việc đó thuộc về trách nhiệm của ông, vì lẽ ông đã nhận được lệnh của hoàng hậu là phải thường xuyên giám sát tôi.

Niêm vui rộn lên làm chàng trai choáng ngợp. Chàng bềnh bồng như người đi trên mây, gần như mất cả ý chí. Chàng say sưa hào hển, chàng như muốn điên lên. Thế rồi, giữa cánh rừng hoang đẹp như trong thần thoại, bên những lối đi huyền ảo thỉnh thoảng những chiếc lá vàng dịu dàng rơi, chàng mở bừng mắt thấy mình đang đi bên nàng, tay trong tay, De Cambes phu nhân cũng sung sướng như Canolles.

Pompéc đi ở đằng sau, đủ gần để nhìn thấy tất cả, nhưng đủ xa để không nghe được gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.